Truyện ngắn dự thi: Ngã rẽ

Nguyễn Thị Hồng |

(... tiếp theo và hết)

Tiến đi làm trong nhà máy, tuy công việc vô cùng vất vả nhưng bù lại cả lương cộng tăng ca ngót nghét chục triệu đồng, nhìn đi nhìn lại hàng xóm mình nhiều người vô cùng khổ sở bởi nhận thức còn yếu kém. Lúc nhà máy mới mở cần nhân công, trưởng buôn có phát loa thông báo, rải tờ rơi tuyển lao động nhưng ai cũng lắc đầu vì lười và sợ... chết. Người ta tin rằng, cứ 10 người đi làm công nhân thì 8 người chết, người chết vì đá đè, người sập mỏ, người giật điện... rồi sợ máy chém vào tay, sợ hơi từ nhà máy gây vô sinh, ung thư, đột quỵ...

Có thể nói, Tiến là người tiên phong khi khoác trên mình bộ quần áo bảo hộ bởi ở xứ này, khái niệm công nhân đối với người dân quê nghèo vẫn còn xa lạ lắm! Lớn lên trong buôn nghèo xơ xác, Tiến chứng kiến bạn mình mới học hết lớp 8 đã phải nghỉ học bắt chồng, là những đứa trẻ con chưa trải hết tuổi dậy thì đã vội hoài thai những đứa trẻ con khác, có đứa sinh thiếu tháng vừa ngáp ngáp được vài hơi đã vội vàng lìa xa trần thế, là đôi mắt thâm quầng, tím tái của những người phụ nữ bị chồng bạo hành sau những cơn say.

Khi nhà máy mở rộng quy mô sản xuất, Tiến quyết định không đứng yên được nữa, là người trong nghề đã có ít nhiều hiểu biết và kinh nghiệm, Tiến nhờ trưởng buôn tổ chức một cuộc họp dân, chính cậu là người đứng ra dẫn dắt cuộc họp, mang hết tri thức cùng tâm tư tình cảm của mình tâm sự cho bà con hiểu rằng, nghề công nhân không giống như mọi người lầm tưởng, cậu trải lòng rất thật rằng làm gì cũng có xác suất rủi ro, nhưng một khi đã bước chân vào làm công nhân, mọi người sẽ được trang bị bảo hộ an toàn lao động đến mức tối đa, được nâng cao tay nghề nhận thức và được học qua những kĩ năng xử lí tình huống cơ bản.

Điều quan trọng nhất vẫn là, Tiến mong buôn mình không còn những đứa trẻ phải ăn củ mì cầm hơi đi học, không còn cảnh những ông bố bà mẹ quệt ngang nước mắt tiễn chân con mới thành niên vào tù vì tội trộm cắp, đánh nhau... Đứng trước bà con, Tiến nói những lời cảm xúc chân thành nhất, phía dưới im phăng phắc lắng nghe bởi cậu đã nói trúng nỗi lòng, chạm đến nơi mềm yếu nhất khi có một điều rõ ràng mà chẳng qua người ta chưa dám thừa nhận, là cái nghèo thâm căn cố đế trong tư tưởng đang từng bước hủy hoại hết tương lai cả ba - bốn - năm - sáu thế hệ chẳng ở đâu xa hóa ra lại là thất học, lười nhác và men rượu.

Một người, hai rồi ba người đồng ý cho con đi làm trong nhà máy, lương tháng kiếm ra ổn định, từng bước từng bước một, vùng quê nghèo dần dần mang diện mạo mới. Những mái nhà tranh lụp xụp được thay thế bằng nhà gỗ rồi đến nhà xây bởi bây giờ, dù không đi làm trong nhà máy sắn thì đám thanh niên mới lớn ít học cũng đã biết đường tìm xuống những thành phố như Sài Gòn, Bình Dương làm công nhân giày da may mặc...

Đàn ông thôi không uống rượu mà lo cuốc nương xuống giống, đàn bà cũng không còn giật mình thon thót mỗi khi chồng mở cửa vào nhà, bọn con gái thì được ăn học đàng hoàng tử tế hơn, đứa nào nghỉ sớm thì cũng đi làm công nhân tích cóp chút vốn liếng rồi mới lo đến chuyện lấy chồng. Làng bản thay da đổi thịt, ai ai cũng phấn khởi hân hoan.

Nhưng khó khăn còn chưa bắt đầu, khi nhà máy đi vào hoạt động được một năm thì đứng trước nguy cơ phải đóng cửa vì thiếu nguyên liệu sản xuất cùng với việc ô nhiễm môi trường. Hàng tấn chất thải không được xử lí đúng cách mỗi ngày ùn ùn chảy ra sông suối, dân cư xung quanh không ai chịu nổi mùi hôi thối nồng nặc từ bã mì và nước thải nên kêu cứu đến chính quyền, nhà máy bị xử phạt số tiền khá lớn và nếu không tìm được giải pháp sẽ phải đóng cửa hoàn toàn.

Hôm ấy, Giám đốc Phan Cường xuống tận nơi thị sát, khi đi đến khu xử lí nước thải, vị giám đốc thở dài thườn thượt, người quản lí đi cùng trầm ngâm mãi mới dám cất tiếng: “Có chuyện này không biết em có nên nói với anh không?”. Phan Cường vẫn im lặng, anh quản lí tiếp lời: “Đợt vừa rồi em có nhận được một sấp tài liệu của một công nhân làm trong khu chế biến, em thấy rất khá nên đã đọc đi đọc lại vài lần, anh xem...”. Phan Cường dập tắt điếu thuốc, cắt ngang lời quản lí: “Có khả thi không, lâu nay tôi xem đến mấy chục sấp tài liệu rồi”. “Anh hiểu tính em mà, em không bao giờ nói điều gì khi chưa có cơ sở”.

Mắt Phan Cường lúc bấy giờ mới ánh lên tia sáng bởi quản lí Hậu là người làm việc chắc chắn và rất có năng lực. Trao đổi thêm đôi ba câu, anh quyết định theo quản lí quay về.

Lúc quản lí Hậu đưa sấp giấy bọc trong tấm mêca ra, Phan Cường còn nấn ná châm thêm mồi thuốc nữa, rít một hơi thật sâu rồi ngửa cổ ra sau phà hơi nhè nhẹ, ngọn khói thuốc trắng lảng vảng bay lên rồi tan dần ra. Như lấy thêm được sự trấn tĩnh, Phan Cường bắt đầu lật giở những trang đầu tiên.

“Cư Pui là thủ phủ của sắn bởi cây sắn chiếm đến 80 phần trăm diện tích cây trồng, tuy nhiên thời gian trở lại đây, lượng sắn giảm sút do rớt giá. Mặt khác, cây sắn là cây trồng nhanh thoái hóa đất một phần cũng do bà con không chăm bón phân, củ nhỏ không cho năng suất nên dẫn đến tâm lí chán nản.

Thực tiễn cho thấy, ngành sản xuất tinh bột mì là ngành có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường rất cao. Vì vậy, nếu không xử lí một cách triệt để thì việc phải đóng cửa nhà máy là vấn đề ai cũng nhìn thấy được. Là một thành viên trong nhà máy, tuy nhiên tài hèn sức mọn, tôi chỉ dám cống hiến trong phạm vi hiểu biết thô sơ của mình. Ý kiến nào may mắn được ghi nhận thì tôi rất biết ơn, còn mong ban giám đốc bỏ quá cho nếu những gì tôi sắp nói ra là hàm hồ, là phi thực tế.

Thứ nhất, nếu muốn duy trì nhà máy thì cần nguồn cung cấp nguyên liệu ổn định, lâu dài. Để làm được việc đó chúng ta cần xây dựng mối quan hệ tốt đẹp với người nông dân, sẵn sàng hỗ trợ bà con nông dân về mọi mặt như: cung cấp giống, tổ chức những lớp tập huấn kĩ thuật thâm canh, bán nợ phân bón giá rẻ... để người dân yên tâm sản xuất thì chúng ta mới có vùng nguyên liệu phát triển, đây là yếu tố quan trọng đảm bảo để nhà máy có thể đi đường dài.

Thứ hai, cần ý thức rõ ràng trách nhiệm của nhà máy đối với môi trường, với công suất đạt mấy trăm tấn tinh bột mỗi ngày thì lượng chất thải ra vô cùng lớn, đầu tiên phải kể đến bã thải sắn. Theo như tôi được biết thì trước giờ bã sắn bỏ ra chúng ta đều đưa đến bãi trống gần đó phơi khô rồi xuất bán đi nơi khác, điều đó rất lãng phí và không giải quyết được triệt để vấn đề bởi bã sắn cần phơi ít nhất 4 nắng mới khô, tuy nhiên khí hậu ở đây thất thường, tôi nhận thấy rất nhiều bã sắn mới phơi được một hai nắng thì gặp mưa nên hỏng, lượng bã bị hỏng đó chúng ta không tận dụng được nên phải bỏ đi, vừa gây lãng phí vừa ô nhiễm.

Trong khi đó, chúng ta hoàn toàn có thể giải quyết được vấn đề đó bằng cách nhập men vi sinh và một số chế phẩm khác về tự ủ. Lượng phân bón sau khi ủ chúng ta có thể bán rẻ cho nông dân trồng sắn, vừa tạo dựng mối quan hệ mật thiết với bà con, vừa tránh ô nhiễm và thiệt hại không đáng có.

Thứ ba, về khu xử lí nước thải, tôi tìm hiểu và được biết các hồ chứa nước thải có hiệu suất phân hủy sinh học không cao nên mùi hôi thối từ bể lắng cặn và tách protein cũng như từ bể kị khí bậc 1 rất lớn. Nhà máy ở An Khê trước đây đã đầu tư xây dựng hệ thống xử lí nước thải theo cơ chế phát triển sạch, có nghĩa là toàn bộ mặt hồ chứa nước thải được phủ bạt theo nguyên tắc kị khí rồi lắp đặt đường ống bên trong bạt phủ để thu hồi khí biogas sinh ra từ quá trình phân giải chất hữu cơ trong nước thải.

Nguồn khí biogas này hoàn toàn có thể lưu trữ và sử dụng để đốt lò thay thế cho các nhiên liệu đốt khác trong lúc sấy khô tinh bột, nhờ đó tiết kiệm được chi phí và làm giảm thiểu tác động xấu đến môi trường so với việc đốt lò bằng than”.

Đọc đến đây, vị giám đốc thở phào, tự nhiên thấy cơ thể nhẹ nhõm hẳn. Không biết những lời chàng trai kia viết ra khi đi vào thực tiễn chuẩn xác đến đâu nhưng cá nhân ông thấy vô cùng hợp lí. Không hiểu lấy sự chắc chắn từ đâu nhưng tự nhiên ông có linh cảm rằng, tâm huyết cả đời của ông đang có con đường sáng, ông có niềm tin ở những điều chàng trai tên Tiến kia viết. Đọc thêm chút nữa, ông quay sang quản lí Hậu cho gọi Tiến lên phòng mình.

Vừa nhìn thấy Tiến, niềm tin của ông càng vững chãi hơn khi trước mặt là cậu thanh niên khôi ngô tuấn tú, đôi mắt đen nhánh toát lên sự quyết đoán, thông minh. Trò chuyện cùng Tiến một hồi và đi sâu tìm hiểu thêm, ông đưa ra quyết định có thể nói là khá tạo bạo khi đưa Tiến đi học lớp tập huấn kĩ thuật xử lí rác thải cho nhà máy.

Thời gian ban đầu dự án đi vào thực hiện tuy có nhiều khó khăn nhưng nhờ tinh thần cầu tiến, không ngại gian khổ mà Tiến đã mày mò bao đêm dài thức trắng đồng hành với các kĩ sư và nhân viên kĩ thuật. Ngày dự án làm công trình xử lí nước thải theo cơ chế phát triển sạch hoàn thành và đi vào thử nghiệm bước đầu cho thấy đột phá mới về mọi mặt, giám đốc Phan Cường mừng suýt khóc, ông quyết định tặng thưởng và trao cho Tiến danh hiệu sáng kiến cấp cơ sở đồng thời có đơn kiến nghị gửi cấp trên xem xét công nhận sáng kiến cấp tỉnh cho Tiến vì những hiệu quả đột phá của dự án mang lại. Sau bữa đó, không ai là không biết đến chàng trai cần cù sáng dạ tên Tiến. Khoa thấy cậu được người người nể trọng như vậy trong khi mình chỉ thua cậu có vài tháng mà không làm nên trò trống gì thì tự thấy hổ thẹn sinh ra thành bất mãn. Khoa gọi điện cho mẹ một mực đòi mẹ gom tiền để xuống thành phố học sửa xe về còn mở tiệm. Xuân khuyên con cố gắng xin vào nhà máy làm cùng Tiến vài năm kiếm ít vốn chứ số tiền lớn như vậy mình Xuân lo không nổi.

Tiến vùng vằng giận dỗi quát nạt mẹ: “Mẹ chả biết cái gì, con như này nghĩ sao mẹ bắt con đi làm công nhân cào bột. Như ông Tiến ấy có cái gì mà oai, đi làm về người lúc nào cũng bẩn bẩn thỉu thỉu bột mì trắng toát, người hôi rình như chuột cống, về nhà ăn miếng cơm cũng vội như chạy giặc. Mẹ thích thì về đây mà làm, còn con có chết cũng không thèm làm ba cái việc đấy đâu, mẹ không lo tiền cho con thì thôi, con không cần”.

To tiếng với mẹ chán chê, Khoa cúp máy cái rụp, Xuân hết nặng lại nhẹ bảo ban con nhưng không được, đã thế còn bị bà Năm nói ra nói vào: “Ra ngoài làm bao năm, con thì không phải nuôi ngày nào mà giờ thằng bé xin có vài đồng cũng làm khó, nó xin tiền để lo lập nghiệp chứ có ăn tàn phá hoại gì đâu... rồi Khoa có mẹ cũng bằng thừa”. Bị mẹ chỉ trích vô lí, Xuân bất lực ôm mặt khóc rưng rức.

Sau hôm ấy, đồng nghiệp thấy Xuân gầy đi, tăng ca triền miên đến mắt thâm quầng. Hôm nào thứ 7 chủ nhật cô cũng không nghỉ, cô nhận thêm việc dọn nhà thuê cho người ta. Nhà giàu người ta trả tiền hậu hĩnh, quần quật quét tước lau dọn một ngày cô cũng bỏ túi được gần 500. Từng đồng tiền đó cô tích góp không dám ăn tiêu chỉ để dành lo cho Khoa học việc bởi lâu nay số tiền cô kiếm được đều gửi về hết cho mẹ nuôi con nhưng cô gửi đến đâu, bà Năm tiêu hết đến đấy không để dư được đồng nào. Hỏi ra mới biết có đợt bà Năm nghe bọn đa cấp rỉ tai, bao tiền góp được từ Xuân và Tiến đưa cộng với Hoa lấy chồng xa năm thỉnh mười thoảng biếu bà vài triệu, bà cũng đưa cho bọn đó cả để nhập hàng. Sau rồi của nó cũng chẳng để lại mà người cũng mất hút mà bà chẳng dám kêu ai.

Bất lực vì con, chán nản vì mẹ nhưng Xuân càng ngày càng không dám chùn bước bởi suy cho cùng, cô cảm thấy mình có lỗi với mẹ và Khoa nhiều quá, chỉ bởi đời trước cô buông thả khiến bà Năm khổ sở và khiến Khoa cũng chịu nhơ nhớp theo mình. Bao nhiêu nỗi dằn vặt, ân hận đó được cô biến hết thành những giọt mồ hôi cùng những giờ lao động không ngừng nghỉ. Và rồi sau một đêm tăng ca về khuya khoắt, cô bị chiếc xe tải đi ngược chiều đâm chết.

Ngày đó, Khoa đứng trước cái xác cứng đờ của mẹ mà không rơi nổi một giọt nước mắt, mắt nó cứ nhìn vào khoảng không vô hồn trống rỗng, cái miệng hết há ra lại ngậm vào một cách khó nhọc. Bà Năm lê lết quanh xác con đấm ngực thùm thụp than trời trách đất còn Tiến và Hoa đau đến đứt ruột nhưng phải cố nén lại để lo hậu sự cho chị chu toàn. Trong dòng người đến viếng hôm đó có giám đốc Phan Cường, thắp nhang cho Xuân xong ông vỗ vai Tiến động viên an ủi gia đình vượt qua nỗi đau thương mất mát. Phan Cường có để ý đến Khoa và nhắn nhủ cậu, nếu Khoa đồng ý thì ông sẽ tạo điều kiện hết sức để Khoa vào làm trong nhà máy.

Đám tang Xuân xong, Khoa không ra khỏi nhà, nó ở trong phòng đóng cửa im ỉm chả nói câu nào còn bà Năm thì yếu hẳn và đau ốm triền miên. Hoa về đám tang chị nhưng còn công việc nên cũng không nán lại được, mọi việc cúng kiếng cho Xuân một tay Tiến gánh vác hết. Xuân chết, Khoa cũng như trở thành người khác, nó lầm lì ít nói đến đáng sợ. Cúng thất cho Xuân, Khoa cũng không bê được chén cơm nào dâng lên cho mẹ, Tiến nhìn cháu mà ái ngại bởi cậu biết Khoa vốn không phải đứa vô tình mà là do Khoa không chấp nhận nổi sự thật nó đã mất mẹ mãi mãi.

Hôm làm đám 49 ngày cho Xuân xong, Tiến gọi Khoa ra nhà ngoài nói chuyện. Cả buổi, nó không hề ngước mặt lên mà cứ nhìn chằm chằm ngón chân mình cho đến khi Tiến đưa ra xấp tiền lúc sống Xuân dành dụm được và bảo Khoa xuống thành phố học sửa xe máy. Lúc này, Khoa mới ngước lên nhìn mọi người, ánh mắt từ ngỡ ngàng chuyển sang giận dữ, nó gạt phăng tay Tiến, xấp tiền rơi lả tả. Khoa gào lên man dại xong lao vào phòng chốt cửa. Bữa đó nó nhịn ăn mấy ngày liền, ai gọi gì cũng không ra, cho đến ngày thứ ba, Khoa mở cửa và đưa cho Tiến tờ đơn xin vào làm trong nhà máy, có chỗ chữ bị dính nước, mực dây ra nhòe nhoẹt.

Hôm ấy khi trời còn chưa sáng hẳn, Khoa đứng trước ban thờ Xuân thật lâu rồi đứng dậy vuốt vuốt bộ quần áo bảo hộ cho thật phẳng. Bà Năm cẩn trọng cài từng khuy áo cho cháu, mùi vải mới từ tấm áo khiến bà khó chịu cay xè mắt. Tiến dắt xe ra ngoài xong gọi Khoa, hai cậu cháu đèo nhau bon bon trên đường. Hôm nay đường đến nhà máy cúc quỳ nở vàng rực. Thật lạ!

 
Đồng hành cùng Chương trình.
Đồng hành cùng Chương trình.
Nguyễn Thị Hồng
TIN LIÊN QUAN

Truyện ngắn dự thi: Ngã rẽ

Nguyễn Thị Hồng |

Bà Năm vừa lau dọn xong lư hương trên ban thờ cũng là lúc Tiến về tới, cậu dựng chân chống xe ngay bóng mát của cây hoàng lan. Bà Năm trong nhà nói vọng ra: “Tiến về rồi hả con? Tắm rửa thay quần áo rồi ăn cơm, canh mẹ đậy trong lồng bàn”. Tiến lễ phép: “Dạ thôi mẹ, con có ăn ổ bánh mì lửng dạ rồi, đợi trưa thằng Khoa về ăn cùng luôn mẹ ạ!”. Tiến vừa nói vừa phủi bụi trên áo, bột mì văng ra đầy đất.

Truyện ngắn dự thi: Màu xanh

Hoàng Anh Linh |

“Chao ôi, lại trốn!” - tiếng ông chủ trọ cục cằn, gay gắt vang lên ở cuối dãy trọ, trước cửa căn phòng được khóa bằng cái ổ khóa Nhật to đùng rỉ sắt của Lương. Vốn hôm nay tiền phòng đã trễ đến 5 ngày mà Lương vẫn chưa có tiền để trả. Chuyển đến đây mới 5 tháng nhưng đã hết 4 tháng Lương trễ tiền nhà. Lần nào, anh cũng phải trốn chui trốn nhủi.

Truyện ngắn dự thi: Đừng khơi tàn lửa dưới sông sâu

Nguyễn Đình Tú |

Cả thị trấn tôi ở ai cũng gọi dòng nước chảy dưới chân rặng ban cổ thụ, ngay trước cửa nhà tôi, là sông Mờ Lay.

Thượng úy cảnh sát kể khoảnh khắc lao ra dòng lũ cứu người ở Hà Giang

Tô Thế |

Kể về thời khắc lao ra dòng lũ cứu người dân, Thượng úy Nguyễn Mạnh Tường - Công an huyện Mèo Vạc (Hà Giang) cho biết, bản thân cũng không nghĩ ngợi gì nhiều, chỉ cố gắng làm sao tiếp cận, đưa người dân về bờ an toàn.

Giữ nguyên thu kinh phí Công đoàn 2% là hợp tình, hợp lý

Nam Dương (thực hiện) |

Đó là ý kiến của ông Đặng Ngọc Tùng - nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Chủ tịch Tổng LĐLĐVN trong cuộc trao đổi với phóng viên
Báo Lao Động.

Những chủ tịch UBND quận, huyện ở Hà Nội thuộc đối tượng kiểm tra trong năm 2024

KHÁNH AN |

UBND TP Hà Nội vừa ban hành kế hoạch kiểm tra về thực hiện kết luận thanh tra và kiểm tra về phòng, chống tham nhũng năm 2024.

Phê chuẩn Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh với ông Nguyễn Hồng Thanh

Ái Vân |

Ông Nguyễn Hồng Thanh được phê chuẩn kết quả bầu giữ chức vụ Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh nhiệm kỳ 2021-2026.

Bóng chuyền Việt Nam ngày 10.6: Bóng chuyền Việt Nam không dự giải châu Á

HOÀNG HUÊ |

Bóng chuyền Việt Nam rút lui khỏi giải châu Á, Ngọc Thuân ghi dấu ấn... là những tin tức đáng chú ý trong bản tin bóng chuyền Việt Nam ngày 10.6.

Truyện ngắn dự thi: Ngã rẽ

Nguyễn Thị Hồng |

Bà Năm vừa lau dọn xong lư hương trên ban thờ cũng là lúc Tiến về tới, cậu dựng chân chống xe ngay bóng mát của cây hoàng lan. Bà Năm trong nhà nói vọng ra: “Tiến về rồi hả con? Tắm rửa thay quần áo rồi ăn cơm, canh mẹ đậy trong lồng bàn”. Tiến lễ phép: “Dạ thôi mẹ, con có ăn ổ bánh mì lửng dạ rồi, đợi trưa thằng Khoa về ăn cùng luôn mẹ ạ!”. Tiến vừa nói vừa phủi bụi trên áo, bột mì văng ra đầy đất.

Truyện ngắn dự thi: Màu xanh

Hoàng Anh Linh |

“Chao ôi, lại trốn!” - tiếng ông chủ trọ cục cằn, gay gắt vang lên ở cuối dãy trọ, trước cửa căn phòng được khóa bằng cái ổ khóa Nhật to đùng rỉ sắt của Lương. Vốn hôm nay tiền phòng đã trễ đến 5 ngày mà Lương vẫn chưa có tiền để trả. Chuyển đến đây mới 5 tháng nhưng đã hết 4 tháng Lương trễ tiền nhà. Lần nào, anh cũng phải trốn chui trốn nhủi.

Truyện ngắn dự thi: Đừng khơi tàn lửa dưới sông sâu

Nguyễn Đình Tú |

Cả thị trấn tôi ở ai cũng gọi dòng nước chảy dưới chân rặng ban cổ thụ, ngay trước cửa nhà tôi, là sông Mờ Lay.