Truyện ngắn dự thi: Màu xanh

Hoàng Anh Linh |

“Chao ôi, lại trốn!” - tiếng ông chủ trọ cục cằn, gay gắt vang lên ở cuối dãy trọ, trước cửa căn phòng được khóa bằng cái ổ khóa Nhật to đùng rỉ sắt của Lương. Vốn hôm nay tiền phòng đã trễ đến 5 ngày mà Lương vẫn chưa có tiền để trả. Chuyển đến đây mới 5 tháng nhưng đã hết 4 tháng Lương trễ tiền nhà. Lần nào, anh cũng phải trốn chui trốn nhủi.

Ông chủ trọ lầm bầm, cứ đi qua đi lại mãi như muốn mở toang cánh cửa xem Lương thật sự trốn hay ở nhà. Sau một lúc, mùi hôi hám len sâu vào khứu giác, mùi quần áo không có nắng mốc ẩm, mùi chuột cống đang rúc ở một góc sâu nào đó và cái mùi đặc trưng vốn có ở những dãy trọ lụp xụp kế con kênh nước đen khiến người ta buồn nôn. Ông chủ trọ tặc lưỡi bực mình, buông một câu chửi, thở phì phì và lên xe phóng đi khỏi đó...

Lương đứng trong căn phòng tối tăm với cái nóng ngột ngạt, nghe ngóng. Khi nghe tiếng xe đi xa, Lương mới đưa tay gạt mồ hôi túa ra ướt nhèm trên trán. Lương nãy giờ cũng nén cơn ho hen, bây giờ bắt đầu những tràng ho sù sụ...

“Anh đừng hút thuốc nữa. Ho đến rách phổi!”.

Đột nhiên có tiếng Dung nói vọng lại đâu đây khiến Lương giật mình. Nhưng chẳng mấy chốc anh nhận ra tiếng nói đó phát ra từ bên ngoài cánh cửa, của một người phụ nữ đang nhắc chồng mình hút thuốc quá nhiều. Còn Lương và Dung chia tay lâu lắm rồi và đây cũng chẳng phải căn phòng quen thuộc anh ở cùng Dung dạo trước.

“Cốc cốc. Ra ngoài được rồi đấy, ông chủ về rồi!”. Viên gõ cửa. Ngay lập tức Lương mở cửa sổ, đưa chiếc chìa khóa cho Viên. Viên cười khúc khích. Viên là cô hàng xóm tốt bụng ở cùng xóm trọ với Lương, cô đã quá quen với việc giúp Lương trốn thoát mỗi lần đóng trễ tiền nhà.

***

Lương ngồi khoanh trước bậu cửa. Hôm nay là chủ nhật, anh lại gọi cho những người khách hứa hẹn đi xem đất, xem nhà. Nhưng tiếng từ chối, càu nhàu và tiếng ò í e không liên lạc được khiến Lương ngồi bần thần giữa cái nắng 38 độ của Sài Gòn.

Ngày trước Lương làm việc trong một công ty bất động sản. Từ ngày nghỉ việc, Lương ra ngoài làm “cò” tự do. Hàng ngày, Lương phi con xe SH bóng bẩy của mình đi khắp mọi ngõ hẻm trong thành phố săn nhà cho thuê hoặc bán. Con xe anh có được từ đợt công ty thưởng cho khi còn là một nhân viên xuất sắc.

Ngày đó cách đây khá lâu rồi, Lương - chàng trai tỉnh lẻ xách ba lô lên phố xin vào một công ty bất động sản sau khi nghe lời của Dung, người bạn gái của anh thuở nhỏ. Dung xinh đẹp lại thông minh. Dung học Đại học chuyên ngành Quản trị kinh doanh, ra trường đầu quân cho công ty mà cô gọi anh vào làm. Còn Lương chỉ học đến cấp ba là nghỉ, lao động tự do ở quê.

Dung vui vẻ gọi cho Lương thông báo công ty của mình tuyển nhân viên kinh doanh chỉ cần vỏn vẹn mỗi tấm bằng cấp ba. Cô mong anh lên Sài Gòn với mình để gần nhau cho tình yêu trọn vẹn. Ban đầu Lương còn ngần ngại nhưng sau khi nghe Dung bảo cái nghề này chỉ cần kiến thức chuyên ngành và tài ăn nói khéo léo.

Từ ngày khăn gói lên Sài Gòn, Lương ở cùng với Dung tại một căn phòng trọ nhỏ ở trong góc một khu nhà giàu. Với giá thuê đắt đỏ, căn phòng không lớn hơn những căn phòng cách đó không xa nhưng mới tinh, sạch sẽ. Ban đầu Lương tiếc tiền thuê lắm! Anh đơn thuần hỏi Dung sao không thuê nhà trọ chỉ cách đó một con đường rẻ hơn nhiều. Nhưng Dung lại cười bảo an cư lạc nghiệp, nào ai mặc đồ công sở bóng loáng lại ở nơi nhếch nhác thì kì. Lương cười trừ, đành thôi!

Thật vậy khác một con đường nhưng cứ như hai thế giới. Một bên sang trọng, an ninh, sạch sẽ. Một bên tập hợp đủ thành phần người lao động xô bồ. Mỗi ngày đèo nhau đi qua những căn biệt thự, Dung ngồi phía sau vòng tay ôm eo Lương. Dung mơ một ngày sẽ ở nhà cao cửa rộng, mơ về chiếc xe bốn bánh phà phà máy lạnh không còn mồ hôi nhễ nhại dưới cái nắng gắt gay...

***

Nhờ tài ăn nói có duyên, chẳng mấy chốc Lương hòa hợp với môi trường và chốt được những giao dịch đầu tiên trong cuộc đời. Sau khi thuyết phục khách hàng chọn lô đất hoặc căn hộ ưng ý rồi đặt cọc, Lương có thể cầm mấy chục triệu tiền tươi thóc thật. Lương sung sướng. Hồi ở quê, cố lắm mỗi tháng anh chỉ kiếm được bảy, tám triệu là hết đát. Ở chốn Sài thành đất chật người đông như nêm, chỉ cần tư vấn đúng nhu cầu, ăn nói nhẹ nhàng dễ nghe hấp dẫn, khách hàng đặt bút là có ngay một cục tiền.

Có tiền, anh đóng tiền nhà, điện nước xăng cộ, cà phê cà pháo thoải mái. Có tiền không ai chê anh là thằng nhà quê nghèo. Mỗi tháng Lương gửi vài triệu về cho mẹ và khuyên bà nghỉ cái việc “osin” nhà bà đã làm mấy chục năm cuộc đời. Nhưng người già hay lo, bà vẫn tiếp tục đi làm dù Lương đã hết lòng năn nỉ. Mỗi lần gọi điện thoại, bà lại nhắc nhở anh tiết kiệm đề phòng bất trắc. Với bản tính cao ngạo nhất thời, anh bỏ ngoài tai những lời của mẹ rồi bực mình cúp máy.

***

Ở một thành phố hơn hai mươi triệu dân, nhu cầu mua nhà đất vô cùng lớn. Lương nhạy bén nên anh học hỏi rất nhanh những mánh khóe để đánh vào mong muốn của người cần. Lương chốt được nhiều giao dịch nhờ việc tư vấn thấu đáo những điều khoản không rõ ràng, thậm chí còn biết lách luật để khách kí hợp đồng.

Chỉ mới một năm, một anh chàng nghèo như Lương đã có trong tay trăm triệu tiền hoa hồng. Anh chỉnh tề bước lên bục nhận tiền thưởng và bằng khen nhân viên kinh doanh xuất sắc, còn được công ty thưởng hẳn cho một chiếc xe SH mới cáu cạnh. Ngày đó Dung tự hào về anh lắm! Cô nhìn anh cười toe toét trên bục nhận giải.

Vì muốn phát triển những mối quan hệ ngoại giao ngoài xã hội, Lương bắt đầu vung tiền cho những cuộc nhậu thâu đêm suốt sáng. Lương khoác lên người bộ đồ vest sang trọng, giày tây bóng loáng, thoang thoảng mùi nước hoa nam của Pháp đắt tiền và đồng hồ, điện thoại xịn sò. Lương bắt đầu len vào thị trường cao cấp, chốt được những căn biệt thự hàng chục tỉ đồng. Tiền rơi vào túi như mưa.

Mỗi lần gọi điện về cho mẹ, anh lại dùng những ngôn từ có phần mỉa mai khó chịu với công việc mẹ anh đang làm. Và khi cáu gắt cúp điện thoại, anh lại say sưa lắng nghe tiếng soàn soạt đếm tiền từ những ngón tay trắng mịn màng với phần móng được đắp bột nail lộng lẫy của Dung.

Đó là khoảng thời gian đỉnh cao trong cuộc đời của Lương nhưng dịch bệnh kéo dài hai năm đã cuốn đi tất cả, sản xuất ngưng trệ dẫn đến nhiều hệ lụy, bất động sản đóng băng, hai năm liền anh không chốt được một giao dịch nào.

Những đồng tiền để dành cũng dần cạn vì anh và Dung đã quá quen với cuộc sống tiêu tiền như nước. Thời gian này, Dung đối với anh thật khác. Những đêm khuya khoắt, Dung ngồi mò mẫm với số tiền còn lại rồi bắt đầu mắng Lương xối xả với những lời lẽ khinh miệt cô chưa từng nói với anh bao giờ. Một ngày anh thất thiểu chạy xe về nhà sau khi “hụt” một hợp đồng và bị công ty cho thôi việc, anh hốt hoảng khi thấy toàn bộ đồ đạc quần áo của Dung biến mất. Anh tìm Dung ở khắp nơi rồi bắt gặp Dung vào khách sạn với một người đàn ông. Trong men say chếch choáng, Lương thịnh nộ và lao vào khách sạn nhưng anh nhanh chóng bị tống ra ngoài...

***

Lương quay về nhà với tâm trạng thất thần. Không còn tiền để chi tiêu, Lương muối mặt gọi về vay mẹ. Mỗi lần nhớ cái quá khứ huy hoàng, Lương tự nhủ cuộc đời còn dài và bản thân còn trẻ lắm, biết đâu ngày mai sẽ chốt được một căn nhà, có tiền giải quyết khó khăn trước mắt. Nhưng ngày mai, ngày mốt, ngày kia nữa, cũng chẳng có khách hàng nào đặt cọc ngoài những đồng tiền trong túi ngày càng cạn.

Rồi Lương bán xe, bán đồng hồ, chuyển đến một khu trọ ổ chuột với giá thuê rẻ chỉ bằng một phần ba căn phòng cũ. Những gì có giá trị mà Lương từng đắp lên người, anh cũng bán hết. Lương lại lẽo đẽo đi xin việc làm trong những tòa nhà chọc trời nhưng bằng cấp ba không giúp gì được cho anh trong thời đại 4.0 vội vã. Chút tiền cuối cùng chả mấy chốc đã hết.

Lúc này, Viên - cô công nhân may giày tốt bụng đã vui vẻ chia sẻ cho anh chút đồ ăn và vài vật dụng cần thiết. Viên nhỏ hơn Lương một tuổi, cũng chỉ học đến cấp ba là nghỉ nhưng cô đi làm từ năm mười tám tuổi và đến nay đã lên được chức tổ trưởng trong xưởng làm. Lần đầu tiên trong nỗi chơi vơi vô hạn, Lương kể cho Viên nghe về chuyện của mình. Viên nghe xong không nói gì, chỉ ngồi cùng anh nhìn ra bóng đêm rồi ngẫm nghĩ.

Một tháng sau Lương vẫn chưa tìm được việc làm. Bất đắc dĩ, qua lời thuyết phục của Viên, Lương đi theo cô đến khu công nghiệp lớn bên rìa thành phố xin việc ở một công ty Hàn Quốc chuyên lắp ráp vi mạch điện tử. Tuy nhiên khi Lương đến và lại do dự. Anh ngửi thấy mùi chua chua của mồ hôi toát ra từ những người công nhân tăng ca từng trải, không muốn mặc lấy bộ đồ bảo hộ nom nóng bức và tù tù, anh không quen nghe tiếng máy móc vận hành và dây chuyền sản xuất liên tục chạy không ngừng nghỉ. Đặc biệt anh không quen đứng lì một chỗ bảy, tám giờ đồng hồ.

Bực mình, Lương bước nhanh ra khỏi khu công nghiệp. Làm sao Lương cam tâm làm một công nhân bình thường sau một thời gian dài ăn trắng mặc trơn. Lương làm sao chấp nhận cái cảnh từng cầm hàng trăm triệu trong tay giờ phải nai lưng ra đứng làm việc ở dây chuyền với mức lương ngót nghét chưa đến chục triệu đồng mà lại phải tăng ca các thứ.

Đêm ấy, Lương ở lì trong phòng lắng nghe tiếng gió rít qua mái tôn kêu sột soạt bên ngoài. Mặc cho Viên gọi cửa và nói những lời hỏi han, Lương cũng kiên quyết không mở cửa. Anh bỗng ngại gặp Viên khi nhớ đến sự thất vọng của Viên lúc chiều.

***

Có tiếng điện thoại reo. Người ta gọi báo cho anh, mẹ anh bị ngã cầu thang và đang ở trong bệnh viện. Ngay lập tức Lương vùng dậy. Lương thảng thốt lao ra ngoài và bắt gặp ánh mắt buồn buồn quan tâm của Viên.

Đã nửa đêm đèn đường nhập nhọa, Lương trên con xe của Viên chở cô lao vội ra bến xe mua vé về quê. Trước lúc lên xe, Viên dúi cho anh một ít tiền. Cô bảo anh cứ tạm cầm lấy đi đường, khi nào có trả lại cô sau. Chiếc xe dần rời khỏi bến chạy ngang qua Viên, Lương đột nhiên thấy bóng dáng cô nhỏ nhoi tội nghiệp một mình trôi trong màn đêm phố thị. Lương ôm đầu với nỗi buồn cay đắng. Lương như vừa làm một điều gì lầm lỗi với Viên...

Về đến quê, Lương vội vàng đến bệnh viện thăm mẹ. Lúc vào phòng, người Lương nhìn thấy là những người bạn của anh ở quê ngày xưa từng lêu lổng. Những người bạn đó đi làm công nhân đã nhiều năm. Sau một thời gian làm việc chăm chỉ, nhờ thái độ nhiệt tình và nghiêm túc, họ nay đã là trưởng ban, tổ trưởng, gia nhập công đoàn và có cuộc sống bình lặng mà Lương từng ao ước.

Họ ân cần hỏi thăm Lương và cho biết, mẹ anh may mắn chỉ bị gãy chân, còn tiền chụp X-quang, khám các thứ họ đã giúp anh trả trước rồi. Họ biết Lương đang gặp khó khăn nhưng không ai xem thường anh cả. Họ còn động viên anh nên cố gắng tìm một công việc phù hợp với sức mình.

Đêm nằm với mẹ trong ngôi nhà gạch cũ giữa vùng quê heo hút, Lương vòng tay ôm lấy người mẹ xác xơ nhưng nóng ấm, nghe mẹ nhắc đến những người bạn tốt bụng của mình, đột nhiên Lương sực tỉnh. Đã từng anh cũng muốn như họ, muốn có cuộc sống an nhàn ổn định, lập gia đình, sinh con nhưng Lương lại đi theo Dung và say sưa trong những giấc mơ phù phiếm.

Giờ đây thực tại chính là anh đang thất nghiệp và mẹ anh đã hơn sáu mươi tuổi nhưng hàng ngày vẫn còn phải đi làm giúp việc nhà. Mỗi lần trái gió trở trời, đầu gối của bà lại lên cơn đau nhức nhưng vẫn cố gắng leo mấy tầng lầu để dọn dẹp vệ sinh. Chính cái nghề giúp việc này bà một mình nuôi anh khôn lớn. Lương hối hận, trong tâm khảm anh thực sự muốn xóa xổ và quên đi những buổi nhậu với cái bàn đầy ắp thức ăn bỏ mứa, những buổi tối cùng Dung đi nhảy ở quán Bar...

***

Viên đẩy nhẹ vào lưng anh, cười bảo :

“Vào đi, có em ở đây rồi”.

Viên mỉm cười khi nhìn anh vào nộp đơn phỏng vấn. Trong phòng đang ngồi lố nhố những chàng trai trẻ như Lương. Họ vừa mới tuổi đôi mươi, cũng từ quê chập chững lên thành phố. Lương đưa hồ sơ cho cô bé tuyển dụng rồi ngồi ngượng ngùng ở một góc. Viên động viên anh rằng, nào ai đi làm công việc chính đáng mà lại xấu hổ thế này.

Viên còn giảng giải cho anh nhiều, nhiều lắm! Là một thành viên trong công đoàn, Viên đã từng giúp đỡ nhiều người có hoàn cảnh khó khăn như Lương. Cô như sợ anh một lần nữa bỏ cuộc và chơi vơi không biết đâu là bến bờ. Nghe Viên nói, Lương cảm động nhìn cô. Cô gái nhỏ có nước da ngăm đen, không quần áo lụa là, không phấn son trang điểm mà bỗng dưng anh thấy cô đẹp quá!

Ngày đầu đi làm, đứng máy, chân Lương như tê liệt. Nhìn xung quanh cũng toàn thanh niên trai tráng giống mình, Lương nhủ thầm phải thật cố gắng. Hôm qua anh gọi về cho mẹ và nghe tiếng bà mừng thổn thức. Bà mừng cho anh cuối cùng cũng quyết tâm thay đổi chính mình.

Buổi chiều tan ca, Lương chở Viên về rồi đợi Viên nấu cơm. Anh ngồi trước bậc cửa, ngửi mùi thức ăn len lỏi vào không khí nhộn nhịp sau khi tan làm của xóm trọ.

***

Mới đó mà đã một năm kể từ ngày Lương đi làm công nhân. Anh đã trở thành một công nhân thạo việc và có tinh thần trách nhiệm. Hôm nay, lúc Lương đang tập trung sửa một lỗi mạ kẽm và trục cấn trong dây chuyền sản xuất, ông quản đốc từ phía sau chăm chú theo dõi anh. Lúc máy vận hành trở lại trơn tru, ông vỗ vào vai anh tán thưởng rồi bảo sẽ báo cáo lãnh đạo cho anh gia nhập công đoàn và cân nhắc lên làm tổ trưởng sản xuất sau một thời gian thấy Lương nhiệt tình chăm chỉ.

Lương vui như Tết. Anh không kiềm lòng được, gọi thông báo cho Viên. Anh sung sướng nghe tiếng Viên reo lên hồ hởi. Anh và Viên mới cưới nhau và lúc này anh mong sớm có con đầu lòng lắm lắm!

Lương hòa vào dòng người vội vã trở về nhà sau ca đêm. Trên con đường có hàng cây xanh biếc giữa khu công nghiệp thênh thang đầy ánh đèn sáng lóa, chiếc áo bảo hộ công nhân màu xanh của Lương bỗng như lấp lánh. Đó là màu xanh hi vọng, màu xanh tuổi trẻ và màu xanh tươi đẹp của cuộc đời Lương.

 
Đồng hành cùng Chương trình.
Đồng hành cùng Chương trình.
Hoàng Anh Linh
TIN LIÊN QUAN

Truyện ngắn dự thi: Đừng khơi tàn lửa dưới sông sâu

Nguyễn Đình Tú |

Cả thị trấn tôi ở ai cũng gọi dòng nước chảy dưới chân rặng ban cổ thụ, ngay trước cửa nhà tôi, là sông Mờ Lay.

Truyện ngắn dự thi: Người gác đèn biển

Tiến Luận |

Làng tôi bên bờ sông Rừng. Bên kia là mỏ đá Thạch Sơn, một  dãy núi đá chạy dài bên con sông Giá là nơi khai thác đá phục vụ cho nhà máy sản xuất xi măng Z. Hằng ngày đi học về, tôi thường đứng trên bờ đê nhìn lên những ngọn núi đá bạc phếch dưới ánh nắng chói chang, những người thợ đá đứng chông chênh như những con thạch sùng bám trên vách núi.

Truyện ngắn dự thi: Trở về

Phạm Thanh Thúy |

“Này anh, xuống xe đi thôi, đến ngã ba cây gạo rồi đó!”.

Phương giật mình vì tiếng gọi sát gần của người phụ xe. Anh vội nhìn ra bên ngoài, nheo mắt vì ánh đèn đường soi rực rỡ. Một không gian ánh sáng ngập tràn.

“Thôi chết, qua chỗ em xuống mất rồi, bác tài ơi!”. Phương kêu lên, cuống quýt ôm cái ba lô hành lý vào lòng.

TPHCM đón lượng khách quốc tế tăng hơn 300% trong nửa đầu năm 2023

Di Py |

Theo thông tin từ Sở Du lịch TPHCM, 6 tháng đầu năm 2023, du lịch thành phố có lượng khách ghé thăm tăng và du lịch thành phố cũng mở rộng thêm nhiều loại hình du lịch mới.

Vụ chuyến bay giải cứu: Cựu Cục trưởng Cục Lãnh sự bất ngờ "quay xe" nhận tội

Việt Dũng |

Hà Nội - Bị cáo Nguyễn Thị Hương Lan - cựu Cục trưởng Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao bất ngờ "quay xe", xác nhận về số tiền các doanh nghiệp hối lộ vụ chuyến bay giải cứu.

Phan Công Khanh bị bắt, dàn siêu xe giá trị khủng tại showroom sẽ ra sao?

LÂM ANH |

Theo luật sư, số siêu xe giá trị khủng tại showroom K Super nếu thuộc quyền sở hữu của "trùm siêu xe" Phan Công Khanh thì có thể bị áp dụng biện pháp kê biên tài sản nhằm đảm bảo trách nhiệm bồi thường trong thi hành án.

Trường Đại học Khánh Hòa nộp lại 233 triệu đồng chi vượt định mức

Hữu Long |

Sau khi cơ quan thanh tra phát hiện việc chi vượt định mức với tổng số tiền 233 triệu đồng, Hiệu trưởng Trường Đại học Khánh Hòa đã nộp lại số tiền chi sai.

Nợ thuế 1.800 tỉ đồng, Hải Hà Petro vẫn mạnh tay chi 5.000 tỉ đồng đầu tư trái phiếu, cho vay

Quang Dân - Đức Mạnh |

Trong năm 2022, Hải Hà Petro dành đến 5.000 tỉ đồng để đầu tư trái phiếu, cho vay ngắn hạn và khoảng 3.000 tỉ đồng gửi ngân hàng. Tuy nhiên mới đây, doanh nghiệp này lại bị nhắc tên khi đang nợ thuế hơn 1.800 tỉ đồng.

Truyện ngắn dự thi: Đừng khơi tàn lửa dưới sông sâu

Nguyễn Đình Tú |

Cả thị trấn tôi ở ai cũng gọi dòng nước chảy dưới chân rặng ban cổ thụ, ngay trước cửa nhà tôi, là sông Mờ Lay.

Truyện ngắn dự thi: Người gác đèn biển

Tiến Luận |

Làng tôi bên bờ sông Rừng. Bên kia là mỏ đá Thạch Sơn, một  dãy núi đá chạy dài bên con sông Giá là nơi khai thác đá phục vụ cho nhà máy sản xuất xi măng Z. Hằng ngày đi học về, tôi thường đứng trên bờ đê nhìn lên những ngọn núi đá bạc phếch dưới ánh nắng chói chang, những người thợ đá đứng chông chênh như những con thạch sùng bám trên vách núi.

Truyện ngắn dự thi: Trở về

Phạm Thanh Thúy |

“Này anh, xuống xe đi thôi, đến ngã ba cây gạo rồi đó!”.

Phương giật mình vì tiếng gọi sát gần của người phụ xe. Anh vội nhìn ra bên ngoài, nheo mắt vì ánh đèn đường soi rực rỡ. Một không gian ánh sáng ngập tràn.

“Thôi chết, qua chỗ em xuống mất rồi, bác tài ơi!”. Phương kêu lên, cuống quýt ôm cái ba lô hành lý vào lòng.