Truyện ngắn dự thi: Ngã rẽ

Nguyễn Thị Hồng |

Bà Năm vừa lau dọn xong lư hương trên ban thờ cũng là lúc Tiến về tới, cậu dựng chân chống xe ngay bóng mát của cây hoàng lan. Bà Năm trong nhà nói vọng ra: “Tiến về rồi hả con? Tắm rửa thay quần áo rồi ăn cơm, canh mẹ đậy trong lồng bàn”. Tiến lễ phép: “Dạ thôi mẹ, con có ăn ổ bánh mì lửng dạ rồi, đợi trưa thằng Khoa về ăn cùng luôn mẹ ạ!”. Tiến vừa nói vừa phủi bụi trên áo, bột mì văng ra đầy đất.

Năm Tiến đang học lớp 12 thì ông Phú bị ung thư vòm họng, chống chọi được 2 năm thì ông mất. Từ lúc biết ông bị bệnh, của nả ông bà tích góp được cũng lần lượt đội nón ra đi theo những lần phẫu thuật cùng hóa xạ trị. Thật ra thì Tiến không muốn nghỉ học sớm, cậu luôn ao ước học xong phổ thông sẽ thi vào trường công nghệ thông tin dưới Sài Gòn, nhưng cái chết của ông Phú cũng giết chết giấc mơ của cậu.

Bà Năm lúc bấy giờ tiều tụy, gầy trơ xương, hai hõm mắt trũng sâu sau những đêm dài canh chồng ốm. Khi ông Phú chết, Tiến còn đang loay hoay giữa hai ngả đường. Vốn dĩ Tiến vẫn thiên về chuyện thi đại học bởi cậu đã xác định trước được là dù có đi học, cậu cũng sẽ bươn trải làm thêm làm mướn bởi bà Năm già rồi, lương tâm cậu không cho phép một thanh niên trai tráng bắt mẹ già còm cõi oằn lưng lo cho mình, nhưng nếu nghỉ học mà bước vào đời công nhân thì Tiến còn có thể nuôi được bà Năm với đỡ đần chị Xuân chăm lo tương lai thằng Khoa sau này.

Những suy nghĩ trăn trở đó dồn ép Tiến đến cùng cực, sau rồi không hiểu vì những lần thức đêm trông ông Phú, hay bởi khóc nhiều khi ông Phú chết mà bỗng nhiên bà Năm kêu mờ mắt, mắt có khi không nhìn được gì cả, Tiến thương mẹ, sốt sắng đưa mẹ đi khắp viện nọ viện kia nhưng vẫn không tìm ra bệnh. Ngày các bạn sửa soạn đi thi, bệnh của bà Năm trở nặng hơn, nặng đến mức bà cầm nhầm lọ keo 502 định nhỏ vào mắt, may có thằng Khoa la trời la đất, giọt keo kia mới không làm hỏng hẳn mắt bà.

Sau lần ấy, hi vọng theo con đường học của Tiến bị dập tắt hoàn toàn, cậu không còn dám mơ tưởng xa xôi đến chuyện nương nhờ chữ nghĩa để thay đổi cuộc đời nữa. Ngày các bạn cầm trên tay những tờ giấy báo nhập học thơm mùi giấy mới, Tiến cũng cầm bộ hồ sơ đã được viết đi viết lại vài lần mang nộp vào nhà máy.

Ngày Tiến chính thức được khoác lên mình bộ quần áo công nhân, bà Năm phấn khởi mổ cả con gà trống thiến 3 cân ăn mừng, thằng Khoa lớp tớp chạy xáo quăng quanh chân cậu: “Cậu đi làm rồi có tiền lúc con kẹt còn có chỗ mượn cậu nhỉ”. Tiến nguýt Khoa: “Đợi cậu vào làm trước xem tình hình thế nào rồi cũng xin cho con vào đấy, lông bông mãi đâu có được”. “Thôi thôi cậu, sức con đâu làm được mấy việc nặng như cào bột mì hả cậu, bụi mì bay vào phổi dễ ung thư lắm cậu ơi”. Bà Năm nghe thế cắt ngang lời thằng cháu ngoại: “Mày nói ngơ ngơ cái gì đó Khoa, cậu còn chưa đi làm ngày nào, cái miệng mày đã ăn nói xui xẻo”. Khoa im bặt, không dám ho he câu nào nữa.

Khoa thua Tiến có vài tháng, không có bố, cũng không ai biết bố nó là ai. Ông Phú bà Năm đi làm xa nhà, gửi hai cô con gái là Xuân và Hoa cho bà ngoại nuôi nấng, năm bà từ Gia Lai về, cô con gái lớn là Xuân đã 19 tuổi, đẹp có tiếng nhưng cũng kiêu không ai bằng, trai làng ối người mê mẩn trước nhan sắc xinh đẹp của Xuân nhưng biết rõ mình không có cửa nên chỉ dám đứng từ xa nhìn. Bản thân Xuân cũng không muốn làm việc nặng nhọc, chân tay lấm lem bùn đất, cô hay đứng ngắm vuốt trong gương và tự nhủ, chỉ dựa vào cái nhan sắc trời cho này cũng dư của để ăn nói gì đến việc phải đụng tay đụng chân vào việc gì.

Bà Năm về nhà được vài tháng, Xuân nằng nặc đòi theo bè bạn lên thành phố làm ăn, bà lo con gái mới lớn, lại đẹp như thế ra ngoài ắt có nhiều cám dỗ, nhưng cản con không được, sau rồi cũng lại chậc lưỡi cho qua: “Nó đẹp vậy, sắc nước hương trời mà bị vùi dập ở cái nơi khỉ ho cò gáy như này cũng thật là uổng phí, để nó đi vừa có việc làm ổn định, biết đâu lại kiếm được anh chồng thành phố, rũ bỏ cái mác gái quê bần nông nghèo mạt rệp”.

Thế rồi Xuân đi, được vài tháng thì về thăm nhà. Thủa ấy người làng chưa ai có điện thoại nhưng Xuân đã tậu cho mẹ được chiếc Nokia cục gạch để tiện gọi điện về, quần áo thay hết mốt nọ mốt kia, đôi chân trắng sứ như ngọc không có vết, ngón tay thuôn dài nõn nà không có nổi một sẩn chai. Xuân vốn đã đẹp, bây giờ lại được đắp trên người trăm thứ hàng hiệu, trông Xuân lộng lẫy y như con công đang xòe cánh.

Dân làng suýt xoa, người tốt tính thì nhẹ nhàng: “Con bé vậy mà tốt số”, kẻ ác ý trề môi nói mỉa: “Gớm, làm ăn gì cái ngữ ấy, trông bóng bẩy thế chắc lại làm vợ bé cho bọn nhà giàu”. Bà Năm nghe được những lời đó máu huyết sôi lên sùng sục, cũng đôi ba lần cãi cọ chán chê, chỉ thiếu điều lao vào cắn xé, cãi nhiều mệt, bà bỏ ngoài tai mọi lời đồn đãi, coi như bọn họ đố kị ganh ghét, không bằng cái vảy móng chân của con bà, nói xấu con bà cho lắm vào bà cũng kê xuống mông mà ngồi.

Bẵng đi vài năm, Xuân không về nhà, cũng ít gọi điện hẳn. Bà Năm gọi lúc được lúc không, Xuân ỡm ờ vài ba câu là cúp máy. Một buổi chiều cuối tháng 9, bà suýt tắc thở khi xe ôm dừng trước ngõ, cô con gái lớn sắc nước hương trời từng làm bà nở mày nở mặt ngày nào giờ đang khệ nệ vác cái bụng bầu 8 tháng đi vào, bà từ ngỡ ngàng chuyển sang giận dữ, chân dậm thình thịch mắt long lên sòng sọc: “Trời ơi mày như thế này là sao hả con ơi, mày bôi tro trát trấu vào mặt cha mẹ mày rồi, những tưởng mày cao sang quyền quý thế nào, giờ thì mày để dân làng chửi vào mặt tao rồi, giời ơi là giời, con ơi là con...”. Xuân đứng chết trân, lí nhí: “Mẹ, bình tĩnh đi mẹ, mẹ trả tiền xe ôm giúp con trước đi mẹ, con hết tiền rồi”.

Bà nghiến răng kèn kẹt, hàm răng rít mạnh va vào nhau chỉ thiếu điều nhồi máu não, rút tiền ra trả cho ông xe ôm xong, bà lại giãy đành đạch: “Nghiệp chướng, nghiệp chướng rồi con ơi, sao mày bại hoại đến mức này. Tao biết ngay mà, mày lúc nào cũng đòi ăn trắng mặc trơn, ăn sung mặc sướng mà không muốn đổ giọt mồ hôi nào, hậu quả, hậu quả đấy con ạ, giời ơi là giời, giờ mày đã thấy sướng chưa, sướng chưa hả con ơi là con...”.

Bà rên la chán chê, Hoa đứng yên ở cửa vẫn nhìn chị không dám nói câu nào, giờ mới vội vàng chạy lại đỡ mẹ. Xuân không nói gì lẳng lặng cúi gằm mặt xách đồ vào nhà. Bữa đó, bà Năm nằm liệt giường cả tuần không ăn không uống, Xuân hết an ủi lại van nài mẹ, bà Năm bất lực nằm im không nói nổi tiếng nào. Sau rồi bà nhắn ông Phú về gấp nhưng thư gửi đi không hồi đáp, bà đành mặc kệ buông xuôi, việc đã lỡ rồi, cần phải gượng dậy mà sống, dù sao cũng con bà rứt ruột đẻ ra, chỉ trách ông bà ngày trước ham làm mà bỏ bê chúng nó, giờ mới ra cớ sự. Nuốt ngược nước mắt vào trong, bà Năm gượng dậy tất bật lo cho con gái ngày nằm ổ.

Rồi tháng sau thằng Khoa ra đời, bà bế cháu trai trên tay mà vừa mừng vừa tủi. Khoa được vài tháng, Xuân lại để con cho mẹ đi làm công nhân may. Một cô gái ăn trắng mặc trơn từ bé như Xuân giờ phải ngồi một ngày 8 tiếng với áp lực công việc khá nặng nề, nhiều lần Xuân phát khóc vì sản phẩm may ra bị lỗi phải thức đêm để sửa. Lắm lúc cô chán nản đến mức muốn bỏ ngang, nhưng nghĩ lại học vấn cô không có, giờ lại đèo bòng thêm Khoa nên chỉ có thể làm mấy việc lao động phổ thông không cần bằng cấp.

Dù kinh tế không dư giả như dạo trước nhưng được kiếm tiền bằng chính mồ hôi công sức của mình bỏ ra cô mới thấy đáng quý. Ngày trước thì không nói, nhưng giờ cô có con rồi, lúc nào cô cũng tâm niệm sống sao để còn nhìn mặt Khoa, để sau này Khoa có lớn cũng không cảm thấy hổ thẹn vì mình là đứa trẻ sinh ra không có bố. Bươn trải ngoài đời khiến Xuân như trở thành người khác, cô chịu khó làm lụng, tranh thủ góp nhặt từng đồng gửi về cho bà Năm nuôi Khoa, nhưng bà lại thương thằng cháu thiếu vắng tình yêu của bố nên ra sức bù đắp.

Khoa lớn lên trong sự cung phụng của bà và không có mẹ ở bên nên từ bé nó đã tỏ ra ương ngạnh, đến mức sau này khi ông Phú rời nông trường Gia Lai về nhà, thấy vợ chiều chuộng cháu quá mức, đôi ba lần ông lên tiếng nạt nộ, thằng cháu dương dương tự đắc ném cái cần cẩu về phía ông rồi vòng quanh chân bà chạy trốn. Năm lên 7 tuổi, Khoa dám châm lửa đốt quần áo và đuổi Tiến ra khỏi nhà khi ông bà đi vắng, may sao ông Phú về còn kịp cứu vãn khi ngọn lửa vừa kịp liếm láp hết cái nhà kho.

Tiến không phải là con của bà Năm. Vợ chồng ông Phú đi làm công nhân cạo mủ cao su trong nông trường Gia Lai ngót nghét hai chục năm ròng. Tuy vất vả, thức đêm thức hôm nhưng bù lại số tiền hàng tháng ông bà kiếm được đủ sức nuôi hai đứa con và tích góp mua vài mảnh đất tại quê nhà. Mọi việc sẽ chẳng có gì đáng nói nếu không có cái đêm kinh hoàng ấy, ông Phú bị cảm nên nghỉ cạo. Bà Năm cùng mấy chục công nhân khác vào rừng lúc 1 giờ sáng, đôi tay ai cũng thoăn thoắt rạch những đường đầu tiên lên thân cây để hứng mủ sớm. Vì làm theo hình thức giao khoán nên ai cũng cố gắng làm cho thật nhanh và dần dần cả tốp đi xa nhau.

Trong khu rừng lúc bấy giờ chỉ còn tiếng soàn soạt của lưỡi dao sắc lẹm cứa lên vỏ cây cùng tiếng tong tong của những giọt mủ chảy vào bát. Khi đang mải miết di chuyển đến gốc thứ 100, bà Năm bị đôi ủng làm vướng nên vấp chân ngã, bà quay lại rọi ánh đèn vàng vọt vào vật thể kia thì hỡi ôi, ruột gan bà nhộn nhạo, tim muốn vỡ ra trong lồng ngực, bà cố gắng há miệng thật to nhưng chỉ có tiếng gió rít luồn vào phổi lạnh tê tái.

Ở chỗ kia, ngay cạnh con dao bà vừa vất là cái đầu người bị cắt cụt lủn còn nhơ nhớp máu, mái tóc xõa dài bê bết và đôi mắt trợn trừng toàn lòng trắng. Bà chạy như điên như dại, chỉ dám ngất đi khi những người công nhân khác tìm thấy bà run rẩy lao vào gốc cây vối. Sau này công an khám phá ra một vụ án mạng kinh hoàng trong những ngày công nhân ngưng cạo mủ. Một thanh niên hẹn người yêu đến nông trường và trong lúc cãi vã, anh ta đã xuống tay giết xong phân xác cô người yêu mới vừa tròn 19 tuổi.

Sau trận ấy bà Năm ốm liệt cả tháng trời không khỏi, tinh thần ám ảnh hỗn loạn đến mức phải bỏ về quê để ông Phú một mình trụ lại. Sau này trong một trận sốt rét rừng thập tử nhất sinh, ông được một người phụ nữ quá lứa lỡ thì làm cùng nông trường tên May chăm sóc, lửa gần rơm rơm nào mà không cháy, như lẽ tự nhiên cu Tiến cứ thế chào đời.

Lúc ra đời, Tiến không phải tên Tiến, mà là Ksơr Tia. Ksơr là họ người M'nông của mẹ, còn Tia là tia hi vọng, Tia là niềm ao ước, là khát khao bỏng cháy của người đàn bà quá lứa trong những đêm dài triền miên cô quạnh. Nhưng niềm hạnh phúc cũng chẳng tròn gang tay khi cậu bé Tia mới chào đời chưa được bao lâu thì bà May bị rắn cạp nong cắn chết trong một đêm đi cạo mủ.

Tia hơn một tuổi, nhỏ thó như con mèo nằm trong rọ, khát sữa đói khóc ngằn ngặt, cái bụng dính lại, mắt lồi và cái đầu to ngộp ra. Xoay sở không được nên bố Phú quyết định mang Tia về xuôi. Ngày ấy mẹ Năm điên cuồng gào thét, đập phá mọi thứ mặc kệ cho hai đứa trẻ con đang thi nhau khóc, Khoa nằm trong nôi, Tia nằm trong địu quấn quanh người bố Phú. Mặc kệ bố van vỉ, mẹ Năm tiếp tục gào và chửi bới, chửi không xả ra hết được những uất ức trong lòng, mẹ chuyển sang ném, vớ được cái gì mẹ ném cái ấy, từ cái đèn bàn, lọ hoa cho đến cốc uống nước.

Chỉ khi cái li bé tí tẹo làm đầu Tia chảy máu, bố sấn sổ lao tới thì mẹ Năm mới chịu dừng. Nhìn đứa bé con nhỏ như con chuột chũi nằm trong ngực bố gào không ra hơi, mẹ đem lòng thương xót, mẹ chấp nhận Tia với điều kiện Tia phải có cái tên khác không dính dáng gì đến người mẹ M'nông đã mất. Bố Phú chấp nhận đổi tên Tia thành Tiến, Trần Chí Tiến.

Thời gian lẳng lặng trôi, thấm thoắt Tiến đã trở thành chàng trai ngoan ngoãn khôi ngô và là tấm gương tiêu biểu trong công cuộc phát triển nhà máy sắn tại quê nghèo.

Ở buôn Tiến có tất cả mấy trăm nóc nhà, nhà nào cũng nhiều đất rẫy. Vùng này đông dân lại chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số ít học mà cây sắn lại dễ trồng, dễ thích nghi với điều kiện đất đồi dốc nên nhìn đâu cũng thấy bạt ngàn toàn những sắn. Nhận thấy có tiềm năng nên người ta về mở xí nghiệp chế biến bột mì tinh, chứ nơi này vừa xa xôi vừa hẻo lánh, bột mì sản xuất ra được đóng bao đưa lên container rồi nhưng phải di chuyển vô cùng nhọc nhằn qua những cung đường dốc, ổ gà ổ voi chằng chịt mấy trăm cây số mới ra đến quốc lộ.

Không thiếu những lần xe chở tinh bột qua đường đèo hiểm trở mất lái lật dốc, tài xế có người may mắn thoát cửa tử người thì vĩnh viễn bỏ mạng nơi thâm u. Trước đây khi xí nghiệp chưa mở, sắn trổng ra được mùa nhưng mất giá. Tất cả chỉ biết trông chờ vào thương lái thu mua đưa đi tỉnh khác, lúc đắt dân làng còn phấn khởi, lúc rẻ rúng không ai mua, nhà nào nhà nấy mặt buồn thiu hơn mất sổ gạo, họ căng những tấm bạt xanh lúp túp rồi đổ sắn ra nạo, băm, phơi.

Trẻ con một buổi học một buổi về nhà cũng còng lưng nạo sắn, sắn băm rải rác đầy sân phơi, chen chúc kín lối đi từ ngõ nhỏ ra tít đường làng. Nhưng Tây Nguyên một ngày mấy mùa thất thường khắc nghiệt, bây giờ đang nắng chang chang lát sau cơn mưa rừng đã ập đến vô cùng nhanh và dữ tợn không ai trở tay kịp, sắn phơi một nắng dở dang ngậm nước mưa thối nhũn ra hỏng hết.

Một mùa nữa lại đói, bọn trẻ con gầy gò đen nhẻm với cái bụng thắt cứ vắng học triền miên, thanh niên trai tráng ngày 3 cữ rượu khướt mướt từ sáng đến tối, những bà vợ, bà mẹ H'Mông, Ê Đê đôi mắt trũng sâu vì những đêm thiếu ngủ, bắp chân to bè ra hơn bắp chuối vì trèo đèo lội suối kiếm mớ rau rừng lá bép, đọt mây... mang ra chợ phiên kiếm tiền mua gạo những mong đắp đổi qua ngày.

(Còn nữa)

 
Đồng hành cùng Chương trình.
Đồng hành cùng Chương trình.
Nguyễn Thị Hồng
TIN LIÊN QUAN

Truyện ngắn dự thi: Màu xanh

Hoàng Anh Linh |

“Chao ôi, lại trốn!” - tiếng ông chủ trọ cục cằn, gay gắt vang lên ở cuối dãy trọ, trước cửa căn phòng được khóa bằng cái ổ khóa Nhật to đùng rỉ sắt của Lương. Vốn hôm nay tiền phòng đã trễ đến 5 ngày mà Lương vẫn chưa có tiền để trả. Chuyển đến đây mới 5 tháng nhưng đã hết 4 tháng Lương trễ tiền nhà. Lần nào, anh cũng phải trốn chui trốn nhủi.

Truyện ngắn dự thi: Đừng khơi tàn lửa dưới sông sâu

Nguyễn Đình Tú |

Cả thị trấn tôi ở ai cũng gọi dòng nước chảy dưới chân rặng ban cổ thụ, ngay trước cửa nhà tôi, là sông Mờ Lay.

Truyện ngắn dự thi: Người gác đèn biển

Tiến Luận |

Làng tôi bên bờ sông Rừng. Bên kia là mỏ đá Thạch Sơn, một  dãy núi đá chạy dài bên con sông Giá là nơi khai thác đá phục vụ cho nhà máy sản xuất xi măng Z. Hằng ngày đi học về, tôi thường đứng trên bờ đê nhìn lên những ngọn núi đá bạc phếch dưới ánh nắng chói chang, những người thợ đá đứng chông chênh như những con thạch sùng bám trên vách núi.

Giờ thứ 9: Bí mật của vợ tôi - Phần 1

Nhóm PV |

Giờ thứ 9 - Có những định mệnh là do số phận, nhưng cũng có những định mệnh mà ngay từ đầu, đã có sự sắp đặt bởi chính con người. Mà trong đó, phần lớn là những sự lừa dối.

Hỏa hoạn thiêu rụi hơn 4.000 m2 rừng phòng hộ tại Ninh Bình

DIỆU ANH |

Ninh Bình - Ngày 13.7, một vụ cháy rừng đã xảy ra (tại phường Nam Sơn, thành phố Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình). Đám cháy không gây thiệt hại về người nhưng đã thiêu rụi hơn 4.000 m2 rừng phòng hộ.

Giám đốc trung tâm dạy lái xe ở Hải Phòng chiếm đoạt 22 tỉ đồng của học viên

Mai Chi |

Chiều tối 13.7, Công an TP Hải Phòng thông tin về vụ việc bắt giám đốc và nhân viên Trung tâm đào tạo, sát hạch lái xe thuộc Trường Cao đẳng Giao thông vận tải (GTVT) Trung ương II (huyện An Dương, TP Hải Phòng).

Tin 20h: Thời điểm người dân được nhận mức lương truy lĩnh tháng 7 và 8

Linh Trang - Vũ Linh |

Tin 20h: Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên yêu cầu xử lý vụ việc của Công ty Hưng Thịnh; Lương thấp, nhiều công nhân tằn tiện sống qua ngày; Lương hưu tháng 9 sẽ truy lĩnh tháng 7 và tháng 8; Vụ sạt lở biệt thự làm 2 người chết ở Đà Lạt: Khởi tố, bắt tạm giam 2 bị can;...

Nợ vay vượt 18 tỉ USD, EVN ngốn hơn 39 tỉ đồng/ngày để trả lãi

Đức Mạnh |

Năm 2022, nợ phải trả của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) lên tới 440.814 tỉ đồng, tương đương 18,6 tỉ USD. Điều đáng chú ý là trong số 324.265 tỉ đồng nợ vay tài chính, tập đoàn này hoàn toàn không vay từ ngân hàng.

Truyện ngắn dự thi: Màu xanh

Hoàng Anh Linh |

“Chao ôi, lại trốn!” - tiếng ông chủ trọ cục cằn, gay gắt vang lên ở cuối dãy trọ, trước cửa căn phòng được khóa bằng cái ổ khóa Nhật to đùng rỉ sắt của Lương. Vốn hôm nay tiền phòng đã trễ đến 5 ngày mà Lương vẫn chưa có tiền để trả. Chuyển đến đây mới 5 tháng nhưng đã hết 4 tháng Lương trễ tiền nhà. Lần nào, anh cũng phải trốn chui trốn nhủi.

Truyện ngắn dự thi: Đừng khơi tàn lửa dưới sông sâu

Nguyễn Đình Tú |

Cả thị trấn tôi ở ai cũng gọi dòng nước chảy dưới chân rặng ban cổ thụ, ngay trước cửa nhà tôi, là sông Mờ Lay.

Truyện ngắn dự thi: Người gác đèn biển

Tiến Luận |

Làng tôi bên bờ sông Rừng. Bên kia là mỏ đá Thạch Sơn, một  dãy núi đá chạy dài bên con sông Giá là nơi khai thác đá phục vụ cho nhà máy sản xuất xi măng Z. Hằng ngày đi học về, tôi thường đứng trên bờ đê nhìn lên những ngọn núi đá bạc phếch dưới ánh nắng chói chang, những người thợ đá đứng chông chênh như những con thạch sùng bám trên vách núi.