Truyện ngắn dự thi: Dưới vòm xanh thành phố

Lao động |

Lúc Huân thu dọn xong những cành cây vừa bị tỉa bỏ nằm vương vãi thì thành phố cũng chuẩn bị lên đèn.

Những ngày cuối năm, thời tiết miền Bắc thường ủ ê, mưa dầm dề suốt cả tuần. Mới năm giờ chiều mà trời đất đã sầm sập tối. Lột đôi bao tay bám đầy bụi đất, nhìn lại hàng cây sau khi được cắt tỉa gọn gàng Huân thấy hài lòng. Hối đồng nghiệp về nhanh không trời lại sắp mưa, Huân chợt nhớ ra hôm nay là sinh nhật cậu con trai nhỏ. Huân điện về nhà cho vợ hỏi xem năm nay con trai thích bánh kem hình gì để mua. Thằng nhỏ chắc là đang rửa rau giúp mẹ, nói vọng vào điện thoại “con thích bánh kem hình tán cây. Một tán cây phượng đỏ”. Huân cầm chiếc bánh kem trên tay đi xuyên qua màn mưa lạnh lẽo nhưng lòng anh thì ấm áp vô cùng. Không gì vui bằng sau một ngày làm việc vất vả ngoài đường được thảnh thơi trở về với căn nhà nhỏ ăn bữa cơm gia đình. Nhất là khi đoạn đường mà Huân đi, từng hàng cây đều quá chừng thân thuộc. Không thân thuộc sao được khi hàng ngày công việc của Huân gắn liền với những vòm xanh thành phố. Chăm sóc từng gốc cây bằng tất cả tấm lòng của một người con đất Cảng. Khi người dân thành phố háo hức chờ mong những công trình mới, những cây cầu bắc qua sông, những khát vọng vươn ra biển lớn. Thì những người công nhân như Huân lặng lẽ ngày đêm hăng say làm việc. Để trồng một gốc cây, làm đẹp những con đường, chăm chút cho từng chậu hoa trong phố... Huân chỉ muốn góp phần nhỏ bé của mình tạo lên một thành phố Cảng xanh.

Thằng nhỏ chạy ra đón lấy chiếc bánh sinh nhật từ tay bố, mắt lấp lánh vui. Vĩ vừa tròn mười tuổi, hôm thằng nhỏ ra đời trời cũng mưa thế này, đó là một ngày đặc biệt đối với Huân. Hôm ấy sau khi đèo Xuyên đến viện chờ đẻ, Huân vội vàng về công ty để nhận nhiệm vụ của mình. Đấy là buổi làm việc đầu tiên của Huân ở nơi mà mẹ anh đã dành nhiều năm trời tận tụy. Mẹ đến tuổi về hưu, Huân xin vào làm trong xí nghiệp cây xanh đô thị. Công việc hàng ngày của Huân là quản lý, duy tu, bảo trì toàn bộ hệ thống cây bóng mát đường phố của quận. Ngày con chào đời cũng là ngày Huân cùng anh em công nhân trồng hàng cây phượng vĩ trên đoạn đường mà mình quản lý. Ngày mới quen nhau, Huân cũng thường đèo vợ chạy dọc những con đường rực hoa phượng đỏ. Trong tháng năm hò hẹn ấy, khi cùng chung đôi dưới những tán cây, vợ Huân từng nói “nếu sau này đẻ con gái thì đặt tên là Phượng. Đẻ con trai đặt tên là Vĩ”. Nhìn con lớn lên như hàng cây xanh ngắt, hồn nhiên và trong trẻo Huân vui biết chừng nào. Mười năm qua, vợ chồng Huân không thể có thêm đứa con nào. Nên bao nhiêu chăm chút thương yêu đều dành cho Vĩ hết. Những cây nến được thắp sáng, lung linh trong ánh mắt rạng ngời. Thằng nhỏ nhắm mắt ước một điều gì đó trước khi thổi nến. Trên chiếc bánh sinh nhật, bông hoa phượng nở giữa vòm cây xanh ngắt...

Xuyên mặc bộ quần áo lao công, nhẹ nhàng khép cửa đi làm khi bố con Huân đã ngon giấc. Đường phố về đêm vắng vẻ, những ngôi nhà đều đã tắt đèn. Họ bỏ lại những cơn gió cuối mùa bên ngoài cánh cửa để vùi vào ngực nhau yên giấc. Thỉnh thoảng Xuyên yên lặng, lắng nghe tiếng ho đêm của một người xa lạ mà cứ ngỡ như ruột thịt của mình. Giờ này bố mẹ chị ở quê có khi lại lọ mọ dậy đêm. Dậy vì một cơn ho, vì thương con chó nằm đầu hè không có gì lót ổ, vì nhớ ra chưa cất chiếc áo len phơi ngoài sân lo sương xuống. Cũng có thể dậy vì thói quen bao năm nay vẫn vậy, nhớ con thương cháu nơi xa. Xuyên tính về thăm nhà mà chưa xin nghỉ được. Gần đến tết, đường phố càng phải sạch sẽ để đón xuân. Các phương tiện, thiết bị, lao động đều được tăng cường để tổng vệ sinh. Kiên quyết không để tồn đọng rác thải tại mọi con đường trong thành phố. Nên chị đành nén lại nỗi nhớ nhà chờ ra giêng ngày rộng tháng dài thì về nhà mẹ. Chứ lấy chồng xa, mấy ngày tết phải tròn phận dâu con đi lại đâu có tiện. Xuyên vừa nghĩ vừa lia từng nhát chổi trên đường. Chổi lia đến đâu là đường phố sạch bong đến đó. Những tán cây rì rào như kể chuyện. Gió lùa qua những ngõ ngách, dãy nhà rồi òa ra giữa phố thổi dạt đám lá khô, giấy vụn về một góc. Xe gom rác đã đầy, Xuyên khom lưng đẩy.

Phút nghỉ ngơi hiếm hoi, Xuyên dừng lại ngắm nhìn thành phố. Một cây cầu mới xây, một tòa nhà cao tầng sắp khánh thành, phía xa xa những ánh điện hắt ra từ khu công nghiệp rực rỡ biết chừng nào. Thành phố mỗi ngày mỗi đổi thay. Mười mấy năm qua chị chưa khi nào hết yêu thành phố Cảng. Kể từ ngày rời xa vùng quê nghèo thuộc một tỉnh miền núi phía Bắc, số phận đã đẩy đưa chị đến Hải Phòng để kiếm kế sinh nhai. Thành phố này đã bao bọc chị bằng tình người ấm áp. Đã níu chân chị bằng tình yêu chân thành. Đã nối dài những ước mơ trong chị bằng hình dung giản dị về hạnh phúc. Chị sẽ già đi, rồi Vĩ sẽ lớn lên cùng với sự phát triển của thành phố này. Con chị rồi sẽ đi trên cây cầu mới, học trong những ngôi trường to đẹp, làm việc trong tòa nhà hiện đại. Thứ niềm tin đó giúp mỗi nhát chổi chị lia trên đường không còn mệt nhọc. Chị chỉ là một người đàn bà bé nhỏ làm công việc hết sức bình thường để kiếm miếng cơm manh áo phụng dưỡng bố mẹ già và nuôi con ăn học. Nhưng chị luôn làm tốt nhất công việc của mình như tất cả những người lao động khác. Anh kỹ sư muốn tạo ra những công trình đẹp nhất, người giáo viên muốn dạy dỗ được lớp học trò ngoan giỏi, người công nhân cặm cụi trong nhà máy cũng muốn làm ra được sản phẩm ưng ý nhất. Ai cũng có phúc phần, bổn phận và trách nhiệm của mình. Người giỏi làm việc khó, chị chỉ là một người lao công tha thiết từng con đường sạch đẹp. Bởi vì ngày mai trong dòng người xuôi ngược có những người thân thương của chị.

- Bố ơi! Bố nhìn thành quả của con này - Vĩ bưng ra một lõi nồi cơm điện chứa đầy giá đỗ, reo lên thích thú.

- Xem ra từ bây giờ mẹ con không còn phải đi mua giá đỗ ngoài chợ nữa rồi.

- Bố nhìn xem những chiếc mầm đầy sức sống này. Rồi con sẽ học cách ươm thêm nhiều mầm cây khác.

- Con tính ươm cây gì?

- Con sẽ ươm phượng vĩ. Loài cây biểu tượng cho thành phố Hải Phòng. Hôm nọ chú Hải ở công ty bố đến chơi đã chỉ con kĩ thuật gieo ươm rồi bố ạ.

- Vậy ngày mai con có ủ giá đỗ nữa không?

- Có bố ạ. Nếu như mẹ đặt hàng.

Huân bật cười, nhìn dáng Vĩ húi húi nhặt giá đỗ ngoài hiên đôi khi anh vẫn không thể nào tin được con trai mình đã lớn khôn như thế. Ngày mới sinh, Vĩ ốm đau suốt. Thời tiết lạnh, Vĩ bị suy hô hấp cấp phải đưa lên viện Nhi cấp cứu. Có nhiều ngày con phải thở khí dung. Nhìn con nằm yếu ớt đã có lúc Huân không tin mình giữ được con bên cạnh. Nhưng ơn trời thằng nhỏ đã khỏe mạnh thành người. Dõi theo con lớn lên từng ngày, Huân như được thấy lại tuổi ấu thơ của chính mình. Thế giới trong mắt con hẳn khác với tuổi thơ Huân. Bởi thành phố không có ruộng đồng, cua tép. Con không ngửi thấy mùi bùn, không có niềm vui của chăn trâu cắt cỏ. Không được vỡ òa khi phát hiện một tổ chim đầy trứng. Không có được cảm giác ngả lưng xuống cỏ ngắm những đám mây trên trời lãng đãng bay ngang. Không được ngủ trên cây, trong cái ổ được kết bằng những cành tre nhỏ. Tuổi thơ của con thường quanh quẩn trong xóm trọ chật chội. Khi bốn phía được bao quanh bởi những dãy nhà thì bầu trời xanh chỉ còn lại là một khoảng nhỏ xíu mà thôi. Huân thấy thương con khi tuổi thơ nghèo nàn trải nghiệm. Đã có lần con kể về những giấc mơ trưa. Được bay trong xứ sở ngợp màu xanh, êm ái. “Con thấy mình đang bay như một chú chim nhỏ giữa tấm thảm xanh khổng lồ. Nơi không có bụi đường, khói xe chỉ có những tán cây râm mát”. Nên mỗi lần trồng một cây xanh trong phố Huân đều nghĩ “thế giới của con sẽ thêm một tán cây”. Huân không muốn thành phố chỉ có những công trình bằng xi măng cốt thép. Thành phố phải có những hàng cây tỏa bóng. Để mùa hè nóng nực còn có những bóng râm che chở cho phận người tất bật mưu sinh.

- Hồi mới xuống thành phố bố từng gặp nhiều người đi tìm cây con à. Họ là những người quen sống ở nông thôn. Mở mắt ra là đã thấy màu xanh bao phủ. Vì cuộc sống mưu sinh họ rời quê xuống phố. Thành phố hiện đại là thế, tưởng như chẳng thiếu gì mà lại hóa thiếu cây. Họ tìm cây như tìm lá phổi của thành phố vậy.

- Sau này, khi lớn lên con muốn được làm việc trong một vườn ươm lớn. Ươm thật nhiều cây nhỏ để bố trồng khắp trong thành phố.

- Nhanh nhanh không bố về hưu mất.

- Trồng cây thì đâu cần tính tuổi bố ơi. Già như ông nội mình còn suốt ngày ở ngoài vườn đấy bố. Ông không chỉ trồng cây bóng mát mà cả cây ăn quả. Ông thường bảo “ông trồng là để cho con cháu hưởng thôi. Chứ ông thì gần đất xa trời, biết còn được mấy mùa quả ngọt”. Con còn muốn ông sống cho đến khi những cây đầu tiên do chính tay con ươm trồng ở vườn quê sẽ ra hoa kết trái. Chắc chắn ông sẽ chờ con, bố nhỉ?

- Ừm...tất nhiên rồi con trai. Ông sẽ vui lắm đó.

Huân yêu những buổi chiều đón con từ trường học. Hai bố con đi bên cạnh hàng cây. Có khi trên đường về Vĩ phát hiện ra một khoảng trống hoắc huơ. Tán cây thân quen đã không còn tồn tại. Ở đó chỉ còn lại gốc rễ trụi trơ hoặc một hố sâu vẫn còn màu đất mới. Con ngồi sau xe im lặng như những lần nghe bố kể về một thân cây khô héo vừa bị chặt đi. Nên Vĩ hiểu bố đã chăm sóc hàng cây trên phố chu đáo như chăm một đứa trẻ. Bảo vệ cây trước sâu bệnh mỗi ngày. Dõi theo cây qua từng mùa gió bão. Có những hôm đứng dưới một gốc cây, Vĩ nhắm mắt và mường tượng ra thành phố tương lai. Những tòa nhà cứ thế mọc lên, cao dần, cao dần. Những cây cầu vươn dài. Những con đường rộng mở. Thành phố hiện đại và văn minh như các nước Châu Âu mà Vĩ vẫn nhìn thấy trên tivi vậy. Nhưng giả dụ nếu thiếu những hàng cây thì thành phố sẽ trở nên ngột ngạt đến thế nào? Mọi thứ như không còn sức sống. Đến con người cũng trở nên trống rỗng, vô hồn. Vĩ mường tượng ra những ngón tay mình có phép màu. Chạm vào đâu là cây xanh hiện ra ở đó. Cây lấp ló bên những ô cửa kính. Cây sừng sững bên hè phố che nắng mưa bao người qua lại. Cây mọc ở ban công mỗi ngôi nhà dù ngoài mặt phố hay trong ngõ hẻm. Cây đứng đó nơi cửa ngõ thành phố vẫy chào những người con xa quê, tỏa bóng đón những bước chân trở về. Một thành phố bình yên xanh ngát.

- Chẳng cần phải mường tượng đâu con, bàn tay mỗi chúng ta đều có phép màu. Khi chúng ta lao động.

- Con sẽ cùng bố trồng thật nhiều cây xanh trên phố.

- Rồi cây sẽ cùng con lớn lên như những người bạn vậy.

Thằng nhỏ nuôi ước mơ ươm những mầm cây. Có đêm Vĩ nằm mơ thấy hàng trăm hạt giống vùi dưới đất đều đồng loạt nảy mầm. Vĩ nghe thấy tiếng tí tách bên tai như một điều kì diệu. Tỉnh dậy, thằng nhỏ mở chiếc túi vải giấu trong gậm giường ra kiểm tra hạt giống. Hôm nay đã là ngày thứ ba kể từ khi ủ hạt mầm phượng vĩ. Thằng nhỏ làm theo hướng dẫn thật cẩn thận, từ khâu mài hạt phượng đến khâu chuẩn bị nước ấm đúng 40 độ từ 6-8 giờ. Thuốc tím KMnO4 cũng được hòa đúng nồng độ. Giờ thì đôi tay Vĩ hồi hộp mở chiếc túi như mở một món quà bí mật. Thằng nhỏ vỡ òa hạnh phúc khi thấy trên những hạt phượng đều nhú lên một mầm non nho nhỏ. Vĩ muốn hét lên sung sướng nhưng nhớ ra bố đang ngủ ngon giấc sau một ngày làm việc ngoài đường. Còn mẹ thì đang cặm cụi lia chổi trên một đoạn đường nào đó. Gió khua bên cửa sổ, ngoài trời chắc là lạnh lắm...

Hàng ngày thằng nhỏ háo hức được chăm tưới cho những cây phượng vĩ con. Vui khi cây mỗi ngày tươi tốt. Buồn vì thấy một mầm cây nào đó sinh trưởng kém, vàng vọt và yếu ớt dần đi. Huân thích được nhìn thấy con say sưa lao động trong mảnh vườn nhỏ được tạo ra bằng nhiều thùng xốp. Huân biết khi được làm những gì mình thích và cảm thấy có ích sẽ khiến con sống có trách nhiệm hơn. Trách nhiệm với từng mầm cây rồi sẽ khiến con trở thành người tử tế. Một buổi chiều đón con từ trường về. Thằng nhỏ ngồi sau xe và kể với Huân:

- Hôm nay ở trường con có buổi nói chuyện ngoại khóa rất thú vị bố ạ.

- Vậy à? Về vấn đề gì vậy con?

- Về thành phố của chúng ta bố ạ. Thầy con nói Hải Phòng đang bứt phá để trở thành một thành phố quốc tế. Thầy hỏi “ở đây có bạn nào bố là kỹ sư không?”. Có vài bạn giơ tay lên bố ạ. Thầy giáo mỉm cười nói “cảm ơn những người bố tuyệt vời. Họ đã xây biết bao công trình lớn nhỏ cho thành phố”. Thầy lại hỏi “trong số các em, ai có bố là doanh nhân?”. Vài cánh tay giơ lên. Thầy mỉm cười bảo “họ đã giúp thành phố thêm phát triển”. Thầy lại hỏi “trong số các em ngồi đây, ai có bố mẹ làm công nhân?”. Rất nhiều cánh tay đã giơ lên bố ạ. Trong đó có cánh tay của con.

- Vậy thầy giáo đã nói gì vậy con?

- Thầy nói “cảm ơn bố mẹ của các em. Vì mỗi ngày họ đều dùng sức lực của mình để góp phần dựng xây thành phố”. Con cứ nghĩ đến những hàng cây của bố và con đường được mẹ quét sạch đẹp mỗi ngày. Con thấy tự hào biết bao nhiêu bố ạ.

Huân hít căng lồng ngực bầu không khí trong lành. Xe trôi đi dưới vòm xanh thành phố. Vĩ ngước nhìn cành lá lao xao. Bất chợt trên phố những lời ca ngân vang theo từng vòng xe: “Tháng năm rợp trời hoa phượng đỏ, ôi Hải Phòng thành phố quê hương/ Ta yêu thành phố quê ta như yêu chính người thương yêu nhất/ Những hẹn hò bên bờ sông Lấp/ Những con đường tấp nập áo thợ ngày đêm...”(*)

(*) Bài hát “Thành phố hoa phượng đỏ” của Lương Vĩnh, phổ thơ Hải Như.

Cuộc thi sáng tác văn học về đề tài công nhân, công đoàn:

Gần 30 giải thưởng có tổng trị giá lên tới 2,4 tỉ đồng

Cuộc thi sáng tác văn học về đề tài công nhân, Công đoàn do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam chủ trì, phối hợp một số ban Đảng trung ương và bộ liên quan chỉ đạo; Báo Lao Động phối hợp với Hội Nhà văn Việt Nam trực tiếp tổ chức thực hiện. Cuộc thi bước đầu đã nhận được một số tác phẩm có chất lượng của các nhà văn, của công nhân viên chức lao động.

Từ tháng 3.2022, Báo Lao Động sẽ tuyển chọn và đăng tải.

Các tác phẩm dự thi thuộc 2 thể loại tiểu thuyết và truyện ngắn với cơ cấu giải thưởng gồm 15 giải cho thể loại truyện ngắn (tổng giá trị giải thưởng 860 triệu đồng) và 14 giải cho thể loại tiểu thuyết (tổng giá trị giải thưởng 1,51 tỉ đồng).

Ban tổ chức bắt đầu nhận tác phẩm từ ngày công bố phát động, và kết thúc nhận tác phẩm vào ngày 30.8.2023 (tính theo dấu bưu điện, email). Tổng kết và trao giải vào quý IV/2023.

Ban tổ chức rất mong nhận được sự hưởng ứng, tham gia của các nhà văn chuyên nghiệp và bạn đọc cả nước.

Địa chỉ nhận tác phẩm dự thi:

- Bản thảo giấy gửi bưu điện về địa chỉ: Báo Lao Động, số 6 Phạm Văn Bạch, Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội

(Bì thư ghi rõ: Tham gia cuộc thi viết về đề tài công nhân, công đoàn 2021- 2023).

- Bản điện tử gửi qua mail về hộp thư: thivietvecongnhan@gmail.com hoặc thivietvecongnhan@laodong.com.vn

Chi tiết thể lệ cuộc thi xin xem tại: https://laodong.vn/cong-doan/the-le-cuoc-thi-sang-tac-van-hoc-ve-de-tai-cong-nhan-cong-doan-976767.ldo

Đồng hành cùng chương trình.
Đồng hành cùng chương trình.
Lao động
TIN LIÊN QUAN

Truyện ngắn dự thi: Ông Thạc

LAO ĐỘNG |

Vợ chồng nhà Thạc chỉ là công nhân lao động phổ thông thuộc Công ty than nằm sát thành phố Cẩm Phả (Quảng Ninh). Ông bà chỉ có một mụn con gái. Thuở đất nước đang chiến tranh, con Nhuần vẫn lớn ù ù bằng miếng cơm độn mì mạch. Ông bà lần lượt về hưu thì nó lấy chồng. Thôi thì chịu đủ mọi vất vả, bà chết khi mới thấy mặt cháu ngoại vài tháng. Hai vợ chồng nó ở một gian nhà cấp bốn lụp xụp. Từ ngày vợ chết, ông Thạc một mình lui cui nấu nướng, nuôi sống mình bằng tiền lương hưu.

Truyện ngắn dự thi: Chuyến tàu đêm

LAO ĐỘNG |

1. Mười bảy giờ. Trong căn phòng tập thể của công nhân cung đường Sông Phan, một người đàn ông tuổi ngoài ba mươi đang kiểm tra lần cuối mấy món đồ nghề trong giỏ xách. Khi chắc chắn mấy món cờlê, búa, cờ, pháo hiệu, đèn pin đầy đủ, anh bước vội lên phòng cung trưởng nhận lệnh, ký lên ban, bắt đầu hành trình tuần đường ca đêm kéo dài đến ba giờ sáng. Người dân ở Sông Phan thường gọi anh bằng tên thân mật: Độ đường ray - gắn liền với công việc, hoặc Độ đi bộ, nếu họ gọi tếu táo để trêu anh. Mà dù có gọi anh với biệt danh nào thì anh cũng nở nụ cười thật hồn hậu. Nước da ngâm, khuôn mặt sạm đen vì dãi dầu mưa nắng, cách anh cười để lộ hàm răng trắng sáng nhìn như nụ cười tỏa nắng. Mà Độ lại hay cười, có lẽ công việc tuần đường cô độc và thầm lặng nên anh luôn trân trọng những phút giây được gần gũi mọi người.

Truyện ngắn dự thi: Trăng ngoài bản Trăng

LAO ĐỘNG |

Nhà Nan ở bản Trăng. Cậu mang họ Mai của mẹ. Từ nhỏ Nan không biết họ ba vì cậu là kết quả của cuộc tình chớp đêm giữa công nhân cầu đường người Tày và cô gái Thủy xinh đẹp có tiếng xã Liên Quỳ làm nghề nấu cao sim trị bỏng. Không biết cha con trai mình tên gì, mẹ sinh Nan vừa đầy tháng đã đem về bỏ cho ngoại nuôi. Một ngày tháng sáu gió Lào hấp chảo lửa, cậu chưa một tuổi mà mẹ đi vội bước nữa. Ngoại nói khi ấy để lấy chồng mới theo phong tục mẹ phải cạo trọc đầu, tóc mọc lại mới theo người ta rời bản Trăng. Chín năm sau ngày tóc mẹ dài ra bà mới có được duy nhất một mụn con gái với cha dượng. Đứa trẻ Thủy bỏ lại đó bà đỡ nói rất khó nuôi. Cháu ở với bà ngoại tên Tám, đám bạn với dân làng thường gọi Nan Tám.

Truyện ngắn dự thi: Bốc thăm trúng thưởng

LAO ĐỘNG |

Mùng 5 tết còn khướt mới đến nhưng cái mốc quan trọng đó cứ lấp lánh trong đầu Nhã. Chị giở cuốn lịch mới mua khoanh tròn dấu đỏ, lòng háo hức chờ mong.

Truyện ngắn dự thi: Cái chổi

LAO ĐỘNG |

Dựng chân chống xe chắc chắn cẩn thận, dựng ngược cả cái chổi rễ vào góc hiên. Còn cái thùng nước rác to tổ chảng, đầy ứ ự vẫn nguyên trên xe, mùi chua thum thủm sực lên, chị hẵng kệ, ngồi bệt xuống bậc tam cấp trước cửa nhà. Mệt không buồn thở. Trời mới bước vào đầu hè đã oi ả muốn thiu thối cả người. Nhoài người vớ cái quạt nhựa chỏng chơ ngay cạnh cửa, chị vừa quạt vừa giựt giựt ngực áo cho gió luồn vào trong. Mồ hôi tướp táp.

Truyện ngắn dự thi: "Máu MỎ"

LAO ĐỘNG |

Hai giờ sáng, tôi chợt giật mình tỉnh giấc bởi tiếng chuông điện thoại của người nhà báo tin bác tôi đang cấp cứu tại bệnh viện. Tôi cũng đã quen với việc này vì bác tôi làm công nhân ở mỏ đã lâu rồi và bác có sức khỏe không được tốt, hai đứa con bác làm ăn xa nhà nên tôi thường xuyên chăm sóc bác, nhiều lần phải đi cấp cứu vì bệnh phổi ở bệnh viện do mắc bệnh mãn tính.

Ngâm mình dọn rác thải ô nhiễm giữa trưa nắng 40 độ C ở Hà Nội

Quỳnh Trang - Hoàng Xuyến |

Dù phải tiếp xúc trực tiếp với rác thải giữa trưa nắng 40 độ C, nhưng nhóm các bạn trẻ của cộng đồng Việt Nam Xanh vẫn tích cực thu gom rác thải, trả lại môi trường sạch đẹp tại cầu Triền - Tây Mỗ (Nam Từ Liêm, Hà Nội).

TPHCM đón lượng khách quốc tế tăng hơn 300% trong nửa đầu năm 2023

Di Py |

Theo thông tin từ Sở Du lịch TPHCM, 6 tháng đầu năm 2023, du lịch thành phố có lượng khách ghé thăm tăng và du lịch thành phố cũng mở rộng thêm nhiều loại hình du lịch mới.

Truyện ngắn dự thi: Ông Thạc

LAO ĐỘNG |

Vợ chồng nhà Thạc chỉ là công nhân lao động phổ thông thuộc Công ty than nằm sát thành phố Cẩm Phả (Quảng Ninh). Ông bà chỉ có một mụn con gái. Thuở đất nước đang chiến tranh, con Nhuần vẫn lớn ù ù bằng miếng cơm độn mì mạch. Ông bà lần lượt về hưu thì nó lấy chồng. Thôi thì chịu đủ mọi vất vả, bà chết khi mới thấy mặt cháu ngoại vài tháng. Hai vợ chồng nó ở một gian nhà cấp bốn lụp xụp. Từ ngày vợ chết, ông Thạc một mình lui cui nấu nướng, nuôi sống mình bằng tiền lương hưu.

Truyện ngắn dự thi: Chuyến tàu đêm

LAO ĐỘNG |

1. Mười bảy giờ. Trong căn phòng tập thể của công nhân cung đường Sông Phan, một người đàn ông tuổi ngoài ba mươi đang kiểm tra lần cuối mấy món đồ nghề trong giỏ xách. Khi chắc chắn mấy món cờlê, búa, cờ, pháo hiệu, đèn pin đầy đủ, anh bước vội lên phòng cung trưởng nhận lệnh, ký lên ban, bắt đầu hành trình tuần đường ca đêm kéo dài đến ba giờ sáng. Người dân ở Sông Phan thường gọi anh bằng tên thân mật: Độ đường ray - gắn liền với công việc, hoặc Độ đi bộ, nếu họ gọi tếu táo để trêu anh. Mà dù có gọi anh với biệt danh nào thì anh cũng nở nụ cười thật hồn hậu. Nước da ngâm, khuôn mặt sạm đen vì dãi dầu mưa nắng, cách anh cười để lộ hàm răng trắng sáng nhìn như nụ cười tỏa nắng. Mà Độ lại hay cười, có lẽ công việc tuần đường cô độc và thầm lặng nên anh luôn trân trọng những phút giây được gần gũi mọi người.

Truyện ngắn dự thi: Trăng ngoài bản Trăng

LAO ĐỘNG |

Nhà Nan ở bản Trăng. Cậu mang họ Mai của mẹ. Từ nhỏ Nan không biết họ ba vì cậu là kết quả của cuộc tình chớp đêm giữa công nhân cầu đường người Tày và cô gái Thủy xinh đẹp có tiếng xã Liên Quỳ làm nghề nấu cao sim trị bỏng. Không biết cha con trai mình tên gì, mẹ sinh Nan vừa đầy tháng đã đem về bỏ cho ngoại nuôi. Một ngày tháng sáu gió Lào hấp chảo lửa, cậu chưa một tuổi mà mẹ đi vội bước nữa. Ngoại nói khi ấy để lấy chồng mới theo phong tục mẹ phải cạo trọc đầu, tóc mọc lại mới theo người ta rời bản Trăng. Chín năm sau ngày tóc mẹ dài ra bà mới có được duy nhất một mụn con gái với cha dượng. Đứa trẻ Thủy bỏ lại đó bà đỡ nói rất khó nuôi. Cháu ở với bà ngoại tên Tám, đám bạn với dân làng thường gọi Nan Tám.

Truyện ngắn dự thi: Bốc thăm trúng thưởng

LAO ĐỘNG |

Mùng 5 tết còn khướt mới đến nhưng cái mốc quan trọng đó cứ lấp lánh trong đầu Nhã. Chị giở cuốn lịch mới mua khoanh tròn dấu đỏ, lòng háo hức chờ mong.

Truyện ngắn dự thi: Cái chổi

LAO ĐỘNG |

Dựng chân chống xe chắc chắn cẩn thận, dựng ngược cả cái chổi rễ vào góc hiên. Còn cái thùng nước rác to tổ chảng, đầy ứ ự vẫn nguyên trên xe, mùi chua thum thủm sực lên, chị hẵng kệ, ngồi bệt xuống bậc tam cấp trước cửa nhà. Mệt không buồn thở. Trời mới bước vào đầu hè đã oi ả muốn thiu thối cả người. Nhoài người vớ cái quạt nhựa chỏng chơ ngay cạnh cửa, chị vừa quạt vừa giựt giựt ngực áo cho gió luồn vào trong. Mồ hôi tướp táp.

Truyện ngắn dự thi: "Máu MỎ"

LAO ĐỘNG |

Hai giờ sáng, tôi chợt giật mình tỉnh giấc bởi tiếng chuông điện thoại của người nhà báo tin bác tôi đang cấp cứu tại bệnh viện. Tôi cũng đã quen với việc này vì bác tôi làm công nhân ở mỏ đã lâu rồi và bác có sức khỏe không được tốt, hai đứa con bác làm ăn xa nhà nên tôi thường xuyên chăm sóc bác, nhiều lần phải đi cấp cứu vì bệnh phổi ở bệnh viện do mắc bệnh mãn tính.