Truyện ngắn dự thi: Bốc thăm trúng thưởng

LAO ĐỘNG |

Mùng 5 tết còn khướt mới đến nhưng cái mốc quan trọng đó cứ lấp lánh trong đầu Nhã. Chị giở cuốn lịch mới mua khoanh tròn dấu đỏ, lòng háo hức chờ mong.

Chẳng là hôm nọ đi làm về anh Hạo thông báo năm nay công ty làm ăn được nên thưởng tết cho anh em công nhân nhỉnh hơn những mùa tết trước. Đã vậy mùng 5 tết công ty còn tổ chức “chào xuân”, ngoài mấy chục mâm lẩu trâu liên hoan thì còn có chương trình “bốc thăm trúng thưởng”. Nghe nói giải thưởng cũng được lắm. Giải đặc biệt một chiếc xe máy, giải nhất hẳn mấy chiếc tivi màn hình 50 inch, ngoài ra còn máy giặt, tủ lạnh, lò vi sóng, nồi chiên không dầu. Chao ôi! Nhã nghe đã lỗ tai. “Biết đâu chồng mình hên” - Nhã cứ tự động viên mình như thế. Nhà có mỗi chiếc xe máy Nhã gom góp mua từ lúc còn trẻ giờ cũng đã cũ. Không sao, xe cộ đời đầu cũ vẫn dùng tốt. Khổ nỗi hai vợ chồng có một cái xe thành ra bất tiện lắm. Cũng vì không có xe nên phải thuê trọ gần công ty Hạo. Nói là gần nhưng từ nơi ở đến công ty cũng gần hai cây số, đi bộ thì xa nên dạo trước anh toàn đạp chiếc xe đi làm. Cái xe đạp ấy vợ chồng Nhã tha lôi tận trên Hà Nội xuống. Đó là món quà chị hàng xóm tặng lại con Nhã, một chiếc xe đạp thể thao loại dành cho trẻ con dùng còn tốt. Nhưng nó đã hỏng lốp, mà tìm khắp nơi không có phụ tùng thay thế. Thành ra Hạo không có xe đi làm. Có hôm tan ca, Nhã phải chạy sô vừa đèo con đi học, vừa đưa chồng đi làm rồi vội vàng chợ búa, cơm nước. Mà cũng vì đợt chuyển đồ từ Hà Nội về đã va đập làm hỏng mất chiếc ti vi mới mua. Thành ra nhà Nhã đang thiếu cả xe máy lẫn ti vi. Biết đâu lần này hên, Hạo sẽ trúng thưởng một trong hai món đó...

Hình ảnh cái xe máy, ti vi cứ hiện lên trong đầu Nhã mọi lúc mọi nơi: lúc ăn cơm, lúc vật lộn tắm cho hai đứa con nghịch như giặc cái, lúc mặc cả mớ rau ngoài chợ. Nói khéo chẳng ai tin, chứ ngay cả lúc đưa tay vuốt tấm lưng nhầy nhụa mồ hôi của chồng đang nằm đè lên mình, Nhã chợt nhớ ra “nhà mình còn thiếu cái điều hòa”. Mà thật ra đời sống của những người công nhân như vợ chồng Nhã thiếu đủ thứ trên đời. Hạo nằm vật ra giường, mệt thở không ra hơi vẫn không quên trêu vợ:

-Vậy nếu không trúng xe máy, ti vi mà trúng cái điều hòa cũng ngon nghẻ nhỉ?

-Giá mà...

-Giá mà cái gì? Giá mà trúng một lúc tất cả những thứ ấy đúng không?

-Không phải. Giá mà lương cao hơn. Giá không phải trải qua hai năm dịch bệnh. Giá những đồng tiền tích cóp không phải ném vào mấy đợt con đau ốm và sửa sang mồ mả ở quê. Giá mà công ty anh giữ đúng lời hứa xây nhà tập thể cho công nhân ở khỏi mất tiền thuê trọ, thì có phải chúng mình đã đủ tiền mua mọi thứ, chẳng phải chờ bốc thăm may rủi thế này.

Hạo kìm tiếng thở dài, xoay lưng về phía vợ. Nhã bật dậy mở toang cửa sổ để cái gió ngoài trời thổi vào làm dịu bớt không khí ngột ngạt trong phòng. Thật ra đây là mùa dễ chịu nhất trong năm. Căn phòng trọ rộng hơn mười mét vuông đủ kê một cái giưởng, tủ quần áo, tủ lạnh, chiếc bàn học cho con. Chiếc bếp ga mini lúc nào nấu thì lôi ra, không thì đút tọt vào gậm giường cho tiết kiệm diện tích. Nhà bốn người chui rúc, co cụm lại với nhau. Mùa đông ấm nhưng mùa hè thì hầm hập nóng. Cái nóng từ mái tôn dội xuống, từ dưới nền bê tông dội lên đủ để thiêu đốt mọi cảm xúc con người. Tụi Nhã cãi nhau như cơm bữa toàn những chuyện quẩn quanh. Hai đứa nhỏ ốm đau quặt quẹo lấm lét co mình lại trong căn phòng nóng nực để tránh va vào tiếng quát tháo, cự cãi và những mảnh vỡ của bát đũa rơi xuống nền nhà. Nắng hút kiệt sức lực con người và cả những đồng lương công nhân ít ỏi vào thuốc thang cho hai đứa nhỏ.

***

Xóm trọ có giàn cây dây leo liêm hồ đằng buông xuống khoảng sân chung. Mười hai phòng trọ chung nhau một cái nhà vệ sinh, vòi nước quanh năm tong tỏng rỏ chẳng ai buồn sửa. Những buổi chiều muộn xóm trọ thường đông đủ hơn. Mọi người bê chiếc bếp ga mini ra trước cửa phòng bày biện nấu nướng. Mùi rau muống xào tỏi, mùi đậu rán bay khắp xóm. Nếu phòng nào có vợ chồng con cái thì bữa cơm tươm tất hơn một chút. Ai ở một mình thường ăn uống qua loa. Xóm có chị Thương, người Yên Bái, ngày chỉ ăn xuất cơm ở công ty, cứ về phòng là ăn mì tôm từ ngày này qua ngày khác. Ai hỏi chị cũng bảo: “Tại ngon”. Nhưng ai cũng biết đằng sau Thương là mẹ già và hai đứa con nhỏ đang tuổi ăn tuổi học ở quê. Có lần bắt gặp Thương ngồi vuốt từng đồng tiền lẻ gửi về quê, chị cười buồn: “Muốn lo cho con thì phải cắt xén phần của đời mình lại”.

Tường của những căn phòng trọ mỏng manh tới mức có thể nghe thấy tiếng thở dài khóc thút thít của người mẹ trẻ vừa cai sữa con xuống phố đi làm. Nghe thấy tiếng vợ chồng phòng bên cạnh thở hổn hển mỗi đêm. Vài tiếng bấc tiếng chì muốn đóng cửa bảo nhau vẫn lọt được vào tai thiên hạ. Chủ nhà thỉnh thoảng ghé qua thu tiền, bỏ mặc tiếng than thở vang lên: cửa nhà vệ sinh đã mục hở cả một mảng to bọn cháu tắm cứ phải có một người canh cửa hộ; trần nhà hỏng hết, mùa mưa dột tong tỏng, nước đái chuột chảy theo kẽ hở rớt xuống cả mâm cơm; tường trong phòng cũ mốc lắm rồi bà chủ ơi, đêm ngủ từng mảng tường vôi rơi xuống phủ trắng cả mặt... Bà chủ nói nhà xập xệ mới có giá đó mà thuê, muốn phòng đẹp thì đi tìm nơi khác. Túi tiền eo hẹp đã không cho phép tụi Nhã nghĩ đến một nơi sống tử tế hơn. Ngay cả những vật dụng thiết yếu cũng không dám sắm. Nhã nhớ như in hôm chiếc tủ lạnh đầu tiên của xóm trọ được chuyển về. Đó là chiếc tủ lạnh cũ chị May mua lại: “Người ta bảo đã dùng hai năm và còn mới đến 80%. Dung tích 180lít đấy nhé. Mua về để thực phẩm nấu cháo cho thằng Phèn. Đựng sữa mỗi sáng đi làm chị vắt sẵn ra. Mấy hôm nọ đi làm về thấy sữa thì thiu, đồ ăn cũng ôi mà thương con xót ruột”. Xóm thỉnh thoảng được phục vụ nước đá miễn phí. Rảnh rủ nhau làm kem sữa chua. Ai có đồ ở quê gửi xuống chia nhau không hết thì mang sang tủ lạnh chị May. Nhất là mấy phòng có con nhỏ, mua thứ gì ngon nấu cháo cho con cũng có chỗ gửi nhờ. Bà chủ ghé qua bảo: “Điện dùng nhiều yếu lắm, đừng có phòng nào cũng đua nhau mua tủ lạnh”. Tụi Nhã chỉ cười...

-Sau này có nhà anh muốn làm điều gì nhất?

-Anh ấy hả? Muốn trồng mấy cái cây ăn quả cho con.

-Còn em thì... bao giờ có nhà em sẽ nằm khỏa thân đọc sách. Tối đến mặc bộ váy ngủ bằng lụa mát lạnh đi loanh quanh mà chẳng sợ ai nhìn thấy cả.

-Đồng tiền lạm phát, giá cả leo thang. Lương chúng mình còn chẳng đủ chi tiêu. Biết bao giờ mới có nổi ngôi nhà?

-Công ty anh có nói gì về việc xây nhà tập thể cho công nhân nữa không?

-Chẳng thấy ai nói gì. Có thể họ chỉ hứa suông thế thôi.

Ừm... vì lời hứa suông ấy mà tám năm trước Hạo dẫn vợ con về tận Hải Phòng. Lúc ấy hai vợ chồng Nhã mới sinh bé đầu lòng. Không lỡ gửi con về quê vì ông bà hai bên đều còn bận chăm cháu cho anh chị. Tụi Nhã phải thuê một căn phòng rộng hơn, thuê người trông con theo giờ. Con thì hay đau ốm, thuốc thang. Nên tháng nào cũng thiếu hụt khoản này khoản kia, vợ chồng thường cãi cọ. Đúng lúc ấy nghe bạn bè giới thiệu, ở khu kinh tế Đình Vũ- Hải Phòng đang có dự án công ty hóa chất chuyên sản xuất phân bón chuẩn bị đi vào hoạt động. Công ty tuyển công nhân có chuyên môn thuộc lĩnh vực hóa học vừa hay đúng chuyên môm Hạo được đào tạo. Hôm phỏng vấn thấy lương dự án cao, lại thêm lời hứa sẽ có nhà tập thể cho công nhân ở miễn phí. Hạo nghĩ chắc đến lúc trời thương, cơ hội tới rồi. Chẳng đắn đo nhiều cả nhà dắt díu nhau về vùng đất cảng. Gần mười năm, Hạo đã cùng nhà máy đi qua biết bao nhiêu biến cố thăng trầm. Có những lúc khó khăn, sản phẩm không xuất khẩu được, nguồn nhu cầu trong nước cũng giảm, lương công nhân nợ lên nợ xuống. Ban giám đốc động viên công nhân “phải cùng nhau chung vai đấu cật để cùng vượt qua giai đoạn khó khăn này”. Giờ thì công ty làm ăn phát triển, giá cổ phiếu tăng cao. Chỉ có lương công nhân không tăng được là bao, và khu nhà tập thể cho công nhân ở miễn phí mãi chỉ là lời hứa.

Nhã ước gì có nhà tập thể ở gần, anh em công nhân tập trung một chỗ đỡ đần nhau lúc khó khăn. Để không còn cảnh những đứa trẻ bị nhốt trong nhà một mình trong giờ giao ca của bố mẹ. Con Nhã cũng từng nhiều ngày đứa lớn ôm đứa bé, cửa khóa trái bên trong. Hạo phải đến công ty ký nhận giao ca. Còn Nhã vừa tan ca, chen chúc đến bỏng ruột trong khu lấy xe, vội vàng phóng về nhà miệng không ngừng niệm Phật. Mẹ Nhã dặn những lúc bất an nhất thì cứ niệm Nam Mô. Mùa mưa, thỉnh thoảng thành phố biển lại đón một cơn bão ghé qua. Nhã vừa đi vừa lo ở nhà bão thổi bay mái căn phòng trọ nơi hai đứa con nhỏ bé của chị nằm ôm nhau sợ hãi. Công ty của Nhã ở xa, đường về phòng trọ cứ dài dằng dặc. Nên không biết đã bao lần nước mắt Nhã đã rơi...

-May mà năm nay các sếp thưởng tết xông xênh. Lại còn có thêm vụ bốc thăm trúng thưởng. Thôi thì méo mó có hơn không.

-Nhỡ đâu chẳng trúng được cái gì?

-Nhỡ đâu trúng được giải to nhất thì sao.

-Bố mẹ ơi, người ta bảo nghèo thì hay xui lắm.

Vợ chồng Nhã nhìn con phì cười. Nhưng nụ cười ấy có cái gì méo mó. Nhã nhận ra cuộc sống tạm bợ này đã ảnh hưởng đến tâm lý các con. Trong bài văn “tả nghề nghiệp mà mình yêu thích” con trai Nhã có viết: “Con không muốn làm nghề công nhân như bố mẹ. Không muốn phải mặc chiếc áo thum thủm mùi tiền”. Chẳng là áo công nhân của Hạo có mùi rất đặc trưng. Chỉ cần về tới cổng là đã ngửi thấy mùi. Ở mãi thành quen nhưng người khác tới chơi, bước vào cửa đã hỏi: “Phòng này có mùi gì lạ thế?”. Hai đứa nhỏ cũng thường hỏi Hạo:

-Người bố có mùi gì kinh thế?

-Là mùi tiền đấy con ạ. Hết mùi là hết tiền.

Thật vậy, đời công nhân làm tháng nào tiêu tháng đấy, ráo mồ hôi là hết tiền. Nên thỉnh thoảng lấy bàn chải chà cổ áo của chồng mắt Nhã cay cay. Chồng chị làm DCS phòng điều khiển trung tâm, nhưng hôm nào cũng phải xuống lò nguyên liệu tăng cường. Do làm việc ở khu vực nấu chảy, trong cái nóng như thiêu nên mùi lưu huỳnh cháy ám vào từng sợi vải. Nếu không kịp giặt ngay cái mùi ấy thum thủm như trứng thối. Hạo cười bảo:

-Áo của anh, em ngâm nước xả làm gì cho phí.

-Kệ. Không lẽ mình không thể sống cho thơm tho, tử tế dù chỉ là chốc lát. Đôi lúc em nghĩ, hay là mình làm gì đó phù phiếm cũng không sao. Mình nghèo quá, ngay cả phù phiếm cũng không dám thì đời nhạt thật.

-Thì mình đang phù phiếm đấy thôi.

-Ý anh nói cái vụ bốc thăm trúng thưởng ấy hả?

Nhã cười ha ha. Vài lần cười như thế thì cũng đến ngày mùng 5 tết. Vì tình hình dịch bệnh vẫn còn căng nên công ty không mời người thân đến dự lễ “chào xuân” như mọi năm. Chẳng phải việc của mình mà suốt đêm Nhã cứ bồn chồn không làm sao ngủ được. Hình như Hạo cũng thế, cứ ngó hoài ra khoảng sáng mờ ảo hắt vào từ cửa sổ. Sáng sớm, Nhã dậy thắp hương. Cái bàn thờ là của chủ cũ để lại, lúc mới về ở vợ chồng Nhã không lỡ bỏ đi. Thôi thì đất có thổ công sông có hà bá, có thờ có thiêng. Nên cứ ngày rằm, mùng một, hay tết nhất là Nhã đều thờ cúng chu toàn. Hạo cũng dậy sớm, quần âu áo sơ mi, sơ vin đến là oai. Cả năm mặc áo công nhân vào công ty, duy chỉ có một ngày được chỉnh tề tươm tất. Hạo bảo:

-Không quen tẹo nào.

-Kệ! Mặc đẹp còn dắt xe mới về đấy nhé. Đưa cái tay đây xem nào. Tay bốc số là phải thơm tho. Để em xịt cho ít nước hoa.

-Đã bảo là sếp bốc chứ mình có được bốc đâu.

-Ừ nhỉ...

Từ lúc nhìn theo bóng Dạo dắt chiếc xe máy cũ ra khỏi cổng xóm trọ lòng Nhã cứ nhấp nhổm không yên.

***

Trưa ấy, sau buổi tiệc “chào xuân”, Hạo trên đường từ công ty trở về xóm trọ. Bữa nhậu lẩu thịt trâu đầu năm vướng trong cổ họng. Hạo đi thật chậm vì không biết phải nói gì với vợ khi về đến nhà. Mà có lẽ chẳng cần phải nói gì, chỉ cần nhìn vẻ mặt buồn rượi của Hạo là đủ biết. Trong số những cái tên được sướng to giữa hội trường của công ty hôm nay không có Hạo. Không có chiếc xe máy, tivi nào cả. Chưa bao giờ anh thấy đường về nhà nặng nề đến thế. Lúc dừng xe ngoài cổng, Hạo cứ đứng tần ngần. Nhã nghe thấy tiếng xe dừng mà không thấy chồng đâu thì gọi với ra:

-Vào ăn cơm chồng ơi. Mẹ con em dọn mâm chờ nãy giờ rồi.

-Anh đi liên hoan mà, sao mấy mẹ con không ăn trước đi?

-Biết là anh chắc cũng chẳng ăn uống được gì ở đấy nên mẹ con em đợi.

-Chẳng trúng thưởng cái gì vợ ạ. Tổ anh có mỗi chị Lợi được cái ấm siêu tốc. Còn lại toàn các bộ phận khác trúng giải to.

-Em cũng đoán là không trúng gì. Nếu trúng anh đã điện về khoe. Nghĩ lại, đời mình có bao giờ may mắn đâu. Có vài phần thưởng mà cả ngàn công nhân. Có khi ai cũng mong đợi, khấn vái như mình ấy nhỉ?

-Ừ. Người được cái xe máy là chị Hới, công nhân vệ sinh. Chồng chết, một mình nuôi hai đứa con với mẹ chồng già. Hoàn cảnh cũng khó khăn. Lúc lên nhận giải chị ấy mừng rơi nước mắt. Bảo thế là có xe cho thằng cả đi làm. Thằng bé ấy mới mười bảy tuổi, còn chưa tốt nghiệp cấp 3. Nghe nói đi làm công nhân bạt. Còn người trúng cái ti vi là anh Tám, tổ 4. Anh này năm xưa đi làm bị tai nạn lao động, aixit bắn khắp người, chồng từng kể không biết vợ còn nhớ không? Đợt ấy công ty hỗ trợ một phần, công đoàn phát động công nhân ủng hộ thêm, anh ấy phải chữa bỏng hết bao nhiêu tiền đấy. Số cũng đen, sau vụ đó anh Tám lại bị tai nạn xe máy vỡ xương bánh chè. Anh ấy nghỉ ở quê mất nửa năm vừa mới đi làm lại. Nhà cũng hộ nghèo.

-Đúng là họ còn khó khăn hơn mình anh nhỉ. Trời thương là đúng. Thôi mình ăn cơm đi.

Đêm ấy lúc nằm dụi đầu vào tóc vợ, Hạo suy nghĩ miên man. Ở phòng bên, anh hàng xóm sau cơn nhậu xỉn lại bật bài nhạc chế quen thuộc, ngật ngưỡng hát theo: “Bao năm trôi qua vẫn nhà thuê mướn trọ/ Tôi vẫn chỉ nghèo và thật nghèo/ Làm thuê với mức lương không như mong/ Tôi sợ nơi chốn của thị thành đông đúc bon chen ...”. Bài hát này xoáy sâu vào tâm trí Hạo đã nhiều đêm bằng cái giọng nhừa nhựa của một kẻ say đang buồn chán cảnh đời.

-Hay là...

-Hay là sao?

-Hay là chúng mình dắt nhau về quê đi. Mấy năm nay quê mình thực hiện “bài toán” chuyển dịch cơ cấu lao động- ly nông bất ly hương. Nhiều nhà máy, cụm công nghiệp mới mọc lên đầy đủ các ngành nghề: Khu liên hợp dệt may; cơ khí; chế biến nông lâm sản; sản xuất hàng tiêu dùng, vật liệu xây dựng; chế biến khoáng sản; sản xuất lắp ráp điện tử, dược phẩm, đồ uống... Tụi trẻ giờ đâu phải đi làm xa, cứ quanh quẩn gần nhà, đều có công việc hết. Mà lương làm tăng ca còn cao hơn mình ấy chứ. Anh nghĩ mãi rồi, chỉ có về quê mới thoát khỏi cảnh ở trọ tạm bợ này thôi. Hai năm dịch bệnh, nhiều lúc nghĩ không lẽ cả đời mình cứ giật gấu vá vai mãi thế này. Mà về quê các con mình sẽ có một tuổi thơ đúng nghĩa, không mất quê mất cội. Con tụi mình khổ quá, cứ đi học về là bị nhốt trong bốn bức tường.

-Nghĩ lại thấy mình như cánh chim di cư. Rời bỏ quê hương, đi từ thành phố này tới thành phố khác mải miết kiếm tìm. Đôi khi chẳng biết mình tìm kiếm điều gì nữa...

-Về quê tụi mình sẽ nuôi thêm cá, trồng thêm rau. Lúa gạo từ bàn tay mẹ cha làm ra. Ăn thứ gì cũng sạch. Trải qua hai năm dịch bệnh, phải nằm co cụm trong thành phố với đủ nỗi bất an, anh chợt nhận ra không đâu bằng quê nhà.

-Nhưng em lo tuổi mình về khó xin việc ở quê. Họ thường tuyển dụng người trẻ thôi.

-Mình đã có kinh nghiệm lâu năm. Anh không tin chúng ta lại chẳng thể kiếm được công việc nào phù hợp trên chính quê hương. Thôi, cũng muộn rồi ngủ đi em. Ngày mai mình tính tiếp ...

Nhà hàng xóm vang lên tiếng chị vợ càm ràm chồng chuyện tan ca không chịu về nhà suốt ngày đi nhậu xỉn. Tiếng loa đã được vặn nhỏ hơn, chỉ có giọng của người say thì như lưỡi kiếm mỏng sắc nhọn nhưng mềm oặt cứ đang cố đâm thủng mái nhà trọ thấp lè tè để vút lên trời thẳm: “Rồi một hôm tôi quyết đi về quê/ Xa giấc mơ giàu sang xa lìa chốn nơi đô thành/ Về lại quê gian khó nhưng mà vui/ Nơi có cha mẹ tôi, những người nuôi lớn tôi...”. Nhã nén nhẹ tiếng thở dài, dụi đầu vào ngực chồng thiêm thiếp chìm vào giấc ngủ xuân. Giấc ngủ vẫn còn nhiều lo toan nhưng chắc hẳn đã không còn vướng víu trong cơn mơ về chương trình bốc thăm trúng thưởng...

VŨ THỊ HUYỀN TRANG

Cuộc thi sáng tác văn học về đề tài công nhân, công đoàn:

Gần 30 giải thưởng có tổng trị giá lên tới 2,4 tỉ đồng

Cuộc thi sáng tác văn học về đề tài công nhân, Công đoàn do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam chủ trì, phối hợp một số ban Đảng trung ương và bộ liên quan chỉ đạo; Báo Lao Động phối hợp với Hội Nhà văn Việt Nam trực tiếp tổ chức thực hiện. Cuộc thi bước đầu đã nhận được một số tác phẩm có chất lượng của các nhà văn, của công nhân viên chức lao động.

Từ tháng 3.2022, Báo Lao Động sẽ tuyển chọn và đăng tải.

Các tác phẩm dự thi thuộc 2 thể loại tiểu thuyết và truyện ngắn với cơ cấu giải thưởng gồm 15 giải cho thể loại truyện ngắn (tổng giá trị giải thưởng 860 triệu đồng) và 14 giải cho thể loại tiểu thuyết (tổng giá trị giải thưởng 1,51 tỉ đồng).

Ban tổ chức bắt đầu nhận tác phẩm từ ngày công bố phát động, và kết thúc nhận tác phẩm vào ngày 30.8.2023 (tính theo dấu bưu điện, email). Tổng kết và trao giải vào quý IV/2023.

Ban tổ chức rất mong nhận được sự hưởng ứng, tham gia của các nhà văn chuyên nghiệp và bạn đọc cả nước.

Địa chỉ nhận tác phẩm dự thi:

- Bản thảo giấy gửi bưu điện về địa chỉ: Báo Lao Động, số 6 Phạm Văn Bạch, Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội

(Bì thư ghi rõ: Tham gia cuộc thi viết về đề tài công nhân, công đoàn 2021- 2023).

- Bản điện tử gửi qua mail về hộp thư: thivietvecongnhan@gmail.com hoặc thivietvecongnhan@laodong.com.vn

Chi tiết thể lệ cuộc thi xin xem tại: https://laodong.vn/cong-doan/the-le-cuoc-thi-sang-tac-van-hoc-ve-de-tai-cong-nhan-cong-doan-976767.ldo

Đồng hành cùng chương trình.
Đồng hành cùng chương trình.
LAO ĐỘNG
TIN LIÊN QUAN

Truyện ngắn dự thi: Cái chổi

LAO ĐỘNG |

Dựng chân chống xe chắc chắn cẩn thận, dựng ngược cả cái chổi rễ vào góc hiên. Còn cái thùng nước rác to tổ chảng, đầy ứ ự vẫn nguyên trên xe, mùi chua thum thủm sực lên, chị hẵng kệ, ngồi bệt xuống bậc tam cấp trước cửa nhà. Mệt không buồn thở. Trời mới bước vào đầu hè đã oi ả muốn thiu thối cả người. Nhoài người vớ cái quạt nhựa chỏng chơ ngay cạnh cửa, chị vừa quạt vừa giựt giựt ngực áo cho gió luồn vào trong. Mồ hôi tướp táp.

Truyện ngắn dự thi: "Máu MỎ"

LAO ĐỘNG |

Hai giờ sáng, tôi chợt giật mình tỉnh giấc bởi tiếng chuông điện thoại của người nhà báo tin bác tôi đang cấp cứu tại bệnh viện. Tôi cũng đã quen với việc này vì bác tôi làm công nhân ở mỏ đã lâu rồi và bác có sức khỏe không được tốt, hai đứa con bác làm ăn xa nhà nên tôi thường xuyên chăm sóc bác, nhiều lần phải đi cấp cứu vì bệnh phổi ở bệnh viện do mắc bệnh mãn tính.

Truyện ngắn dự thi: KHI PHỐ ĐÃ LÊN ĐÈN

LAO ĐỘNG |

"It’s not what you achieve, it’s what you overcome. That’s what defines your career" - Carlton Fisk (Tạm dịch: Đó không phải là những gì bạn đạt được, mà là những gì bạn vượt qua. Đó là điều xác định sự nghiệp của bạn).

Truyện ngắn dự thi: THỢ MỎ

LAO ĐỘNG |

Lại một vụ tai nạn hầm lò nữa xảy ra khiến ba công nhân bị thương và một công nhân bị thiệt mạng. Đang ngồi trong phòng máy lạnh, chị Hồng chạy ra nhà xe, lấy xe máy phi nhanh xuống hiện trường; là Phó Chủ tịch thường trực Công đoàn của công ty than, chị có thể điều xe ôtô đến đón nhưng chị không muốn đợi lâu.

Truyện ngắn dự thi: Ở giữa đường biên

LAO ĐỘNG |

Gió, trời ơi là gió, gió vù vù, gió ào ào, gió thổi tung mọi thứ trên đường, giật phăng những chiếc lá đang giãy giụa trên cây rồi cuốn nó bay lên không trung, bắt nó nhào lộn đủ mọi vũ điệu rồi mới thả xuống mặt đường tơi tả. Một cơn gió táp vào mặt như bị roi quất, làm chiếc mũ vải đội đầu bay vèo theo cơn gió, nhoáng cái nó đã ở tít đằng xa, gió được thể lồng vào mái tóc làm xõa tung rối mù mịt, nhưng chưa kịp hoàn hồn thì một luồng xú uế cùng những mảnh ni lông nhớp nhúa bỗng ập vào mặt, nước thải nhầy nhụa tanh tưởi và thối khẳm tưới lên khắp người, như bủa vây, như tấn công vào mọi ngõ ngách của cơ thể. Mình thấy buồn nôn quá, ngạt thở quá, mà không nôn được, không thở được, lồng ngực cứ căng lên đau tức mà không sao hít được một làn khí trong lành chỉ rặt một thứ mùi tanh tưởi ấy cứ xộc vào mũi. Ô, mà cái mùi này mình đã quen quá rồi còn gì, sao hôm nay nó lại làm mình khó chịu đến thế nhỉ. Có phải... có phải cái cơn giông ấy, đúng rồi cũng chính vì cái cơn giông ấy, cơn giông định mệnh đã cho mình gặp anh, rồi lại cướp anh đi như một cơn gió. Biến mình từ một cô gái ngây thơ thành một người đàn bà đầy nỗi xót xa cay đắng.

Người đạp xe thể thao thong dong đi trên cao tốc Vành đai 2, Hà Nội

Tô Thế |

Hà Nội - Một đoạn clip đang lan truyền trên mạng xã hội ghi lại cảnh người đạp xe di chuyển trên cao tốc Vành đai 2 - đây là tuyến đường cấm xe máy và xe thô sơ.

Tin 20h: Lý do Phó Chủ tịch Quảng Nam nhận án 6 năm tù vẫn là đại biểu HĐND

Nhóm PV |

Tin 20h ngày 6.10: Ông Trần Văn Tân vẫn là đại biểu HĐND tỉnh Quảng Nam dù nhận án 6 năm tù; Đình chỉ 2 cán bộ xí nghiệp trong vụ "lót tay" thuê nhà ở công nhân Kim Chung; Cầu vượt sông 500 tỉ ở Thái Nguyên sắp khánh thành...

Phải nghỉ học đi diễn văn nghệ, nữ sinh vùng cao mòn mỏi chờ hỗ trợ tiền… cơm nước

Bảo Nguyên |

Yên Bái - Dù phải nghỉ học nhiều ngày để đi tập và biểu diễn văn nghệ theo huy động của Trường Cao đẳng Sư phạm Yên Bái thế nhưng đến nay, gần 100 sinh viên vẫn mòn mỏi chờ nhận hỗ trợ.

Truyện ngắn dự thi: Cái chổi

LAO ĐỘNG |

Dựng chân chống xe chắc chắn cẩn thận, dựng ngược cả cái chổi rễ vào góc hiên. Còn cái thùng nước rác to tổ chảng, đầy ứ ự vẫn nguyên trên xe, mùi chua thum thủm sực lên, chị hẵng kệ, ngồi bệt xuống bậc tam cấp trước cửa nhà. Mệt không buồn thở. Trời mới bước vào đầu hè đã oi ả muốn thiu thối cả người. Nhoài người vớ cái quạt nhựa chỏng chơ ngay cạnh cửa, chị vừa quạt vừa giựt giựt ngực áo cho gió luồn vào trong. Mồ hôi tướp táp.

Truyện ngắn dự thi: "Máu MỎ"

LAO ĐỘNG |

Hai giờ sáng, tôi chợt giật mình tỉnh giấc bởi tiếng chuông điện thoại của người nhà báo tin bác tôi đang cấp cứu tại bệnh viện. Tôi cũng đã quen với việc này vì bác tôi làm công nhân ở mỏ đã lâu rồi và bác có sức khỏe không được tốt, hai đứa con bác làm ăn xa nhà nên tôi thường xuyên chăm sóc bác, nhiều lần phải đi cấp cứu vì bệnh phổi ở bệnh viện do mắc bệnh mãn tính.

Truyện ngắn dự thi: KHI PHỐ ĐÃ LÊN ĐÈN

LAO ĐỘNG |

"It’s not what you achieve, it’s what you overcome. That’s what defines your career" - Carlton Fisk (Tạm dịch: Đó không phải là những gì bạn đạt được, mà là những gì bạn vượt qua. Đó là điều xác định sự nghiệp của bạn).

Truyện ngắn dự thi: THỢ MỎ

LAO ĐỘNG |

Lại một vụ tai nạn hầm lò nữa xảy ra khiến ba công nhân bị thương và một công nhân bị thiệt mạng. Đang ngồi trong phòng máy lạnh, chị Hồng chạy ra nhà xe, lấy xe máy phi nhanh xuống hiện trường; là Phó Chủ tịch thường trực Công đoàn của công ty than, chị có thể điều xe ôtô đến đón nhưng chị không muốn đợi lâu.

Truyện ngắn dự thi: Ở giữa đường biên

LAO ĐỘNG |

Gió, trời ơi là gió, gió vù vù, gió ào ào, gió thổi tung mọi thứ trên đường, giật phăng những chiếc lá đang giãy giụa trên cây rồi cuốn nó bay lên không trung, bắt nó nhào lộn đủ mọi vũ điệu rồi mới thả xuống mặt đường tơi tả. Một cơn gió táp vào mặt như bị roi quất, làm chiếc mũ vải đội đầu bay vèo theo cơn gió, nhoáng cái nó đã ở tít đằng xa, gió được thể lồng vào mái tóc làm xõa tung rối mù mịt, nhưng chưa kịp hoàn hồn thì một luồng xú uế cùng những mảnh ni lông nhớp nhúa bỗng ập vào mặt, nước thải nhầy nhụa tanh tưởi và thối khẳm tưới lên khắp người, như bủa vây, như tấn công vào mọi ngõ ngách của cơ thể. Mình thấy buồn nôn quá, ngạt thở quá, mà không nôn được, không thở được, lồng ngực cứ căng lên đau tức mà không sao hít được một làn khí trong lành chỉ rặt một thứ mùi tanh tưởi ấy cứ xộc vào mũi. Ô, mà cái mùi này mình đã quen quá rồi còn gì, sao hôm nay nó lại làm mình khó chịu đến thế nhỉ. Có phải... có phải cái cơn giông ấy, đúng rồi cũng chính vì cái cơn giông ấy, cơn giông định mệnh đã cho mình gặp anh, rồi lại cướp anh đi như một cơn gió. Biến mình từ một cô gái ngây thơ thành một người đàn bà đầy nỗi xót xa cay đắng.