Truyện ngắn dự thi: Trăng ngoài bản Trăng

LAO ĐỘNG |

Nhà Nan ở bản Trăng. Cậu mang họ Mai của mẹ. Từ nhỏ Nan không biết họ ba vì cậu là kết quả của cuộc tình chớp đêm giữa công nhân cầu đường người Tày và cô gái Thủy xinh đẹp có tiếng xã Liên Quỳ làm nghề nấu cao sim trị bỏng. Không biết cha con trai mình tên gì, mẹ sinh Nan vừa đầy tháng đã đem về bỏ cho ngoại nuôi. Một ngày tháng sáu gió Lào hấp chảo lửa, cậu chưa một tuổi mà mẹ đi vội bước nữa. Ngoại nói khi ấy để lấy chồng mới theo phong tục mẹ phải cạo trọc đầu, tóc mọc lại mới theo người ta rời bản Trăng. Chín năm sau ngày tóc mẹ dài ra bà mới có được duy nhất một mụn con gái với cha dượng. Đứa trẻ Thủy bỏ lại đó bà đỡ nói rất khó nuôi. Cháu ở với bà ngoại tên Tám, đám bạn với dân làng thường gọi Nan Tám.

Từ xã Liên Quỳ nơi Nan ở tìm về phố huyện Lâm Hương vượt ba con đèo khúc khuỷu dài bảy mươi kilomet. Con đường tre rợp rì rào gió lẫn tiếng suối như tiếng cười của ấu thơ ai gửi lại giữa rặng núi đá vôi Giăng Màn dễ khiến những tay phượt ghiền không muốn về. Ở bên kia đèo dưới cây thầu đâu già phải hai người mới ôm xuể là nhà ngoại của Nan. Vách nhà bà Tám là nơi duy nhất của bản Trăng vẫn còn trát đất với vôi, mái lợp tranh từ loại cây tro làm bóng mát cho làng. Tro còn để người làm nông chằm áo tơi coi như bảo bối qua mùa nóng. Cánh cửa gỗ cong vênh qua bao mùa mưa nắng. Tuổi cánh cửa đủ để người phụ nữ từng được xem là bông hoa rượu của bản Trăng thành bà Tám tám mươi hai tuổi lưng cong, da rạn như da mướp cuối mùa, tóc pha sương đồi đậu trên lá mận bàng bạc đêm. Nan ở đó từ khi còn ngây ngô bập bẹ tiếng đầu gọi bà ngoại là ... “Mẹ”.

Đêm đêm, ngoại ngồi trước sân trên tấm phản gỗ mít. Xóm giềng qua uống nước chè chát ngó Trăng, chè nấu nước đá vôi đỏ quành đỏ quạch. Họ nghe bà Tám lấy chuyện một thời thơ dại của Nan làm quà, vừa nhai trầu lẽm bẽm vừa kể: “Khi ba tuổi, sáng nào thức giấc dậy nó không thấy tôi liền chạy ra tận ngoài xóm cây Trôi gọi: Mẹ ơi, mẹ về với con đi mẹ! Thằng nhóc làm mấy bà đang nhổ lạc dưới đồng không yên phải lên bế đưa về. Bao lời xầm xì sau lưng bảo tôi già vậy mà còn đẻ. Đêm ngủ nó quờ tay không thấy ngoại lại khóc ẹ ẹ”. Kể thế nhưng ngày Nan lên cấp ba phải ra thị trấn học nội trú cả tuần mới về. Ở nhà, nhớ cháu bà hay chấm nước mắt nghĩ lúc nhỏ Nan nghe truyện cổ tích Tích Chu thuộc làu làu không sót dấu chấm, dấu phẩy. Thương nhất khi cậu biết hỏi ngoại những khi trái gió trở trời: “Mẹ ơi, mẹ có khát nước không để con rót nước cho mẹ nhé. Mẹ đừng biến thành chim bay đi nha mẹ”. Bốn tuổi Nan biết xách bình nước to ra đỡ ngoại cho gà ăn. Bà nhìn cháu lớn cháu khôn mừng thầm.

Bên kia đèo là phố huyện có trường cấp ba của Nan mặt hướng ra hồ Bình Yên. Khuôn viên rộng đủ để những tán cây ngô đồng mùa nào cũng xao xác. Nếu mùa thu trái ngô đồng nẻ hạt xao xác sân trường qua ngày mùa đông sẽ xào xạc đám lá thay màu khô queo bay trên mái ngói thì sang mùa hạ nhiều khi ngô đồng bị nắng gắt ăn đến rạc cành. Ở đất “chó ăn đá gà ăn sỏi”, lũ trẻ con sớm vào rừng mót quế bán, thanh niên trai tráng hết học kéo nhau lên rừng đi gỗ. Để có tiền đi học, Nan chiều thứ bảy trỉa bắp, trồng rau, theo Giải đi rèo bò ngoài động Bụt. Có mấy bận Nan cũng theo lời cù rủ của mọi người đi hái quế, đốn gỗ cho các tay buôn. Bà Tám biết, phạt Nan ngẩng mặt nhìn trăng ba tiếng đồng hồ. Bấy giờ Kiểm lâm ngày càng làm gắt gao hơn song từ ngọn thác Vũ Nương nhiều chuyến gỗ lậu vẫn được thả theo dòng nước về dưới xuôi. Nan vừa ngẩng mặt nhìn trăng vừa nghe bà la: “Nuôi cho đi học lớn chừng đó rồi muốn người ta gọi là mẹ của thằng buôn gỗ lậu hả”. Trăng ở bản Trăng sáng vằng vặc còn tiếng bà Tám văng vẳng canh khuya.

Nan học lớp mười vẫn mặc chiếc áo sơ mi trắng ngả màu cháo lòng phong phanh cùng áo gió đồng phục trường đến lớp. Thi thoảng hai hàm răng cậu va chấn vào nhau lập cập, mặt tái nhợt. Nhưng cũng như thời còn học trường làng, năm nào Nan cũng giành được học bổng Vừ A Dính. Cậu đi rèo bò với Giải ngoài đồng trước đền Trụ, Giải ngồi trệt bứt cỏ may thì Nan cầm sách Văn học đọc ngấu nghiến. Thỉnh thoảng Nan còn quay qua nhìn Giải hỏi có muốn nghe Nan đọc thơ không. Nan đọc thơ của Tagore, thơ của Puskin xong ngâm truyện Kiều. Điệu bộ như mấy bà hát văn công Ví Giặm rồi chuyển qua đọc mấy câu thơ mới sáng tác đêm bị phạt ngửa mặt nhìn trăng. Giải cười phá lên còn con bò ậm ò sau khi ăn cỏ hơi xa nghe tiếng chủ. “Mày định làm nhà thơ nghèo rớt mùng tơi à thằng kia. Nhưng thơ mày cũng hay đấy, tao nghe không hiểu lắm nhưng thấy ấm áp lạ.” Hỏi nó không hiểu sao khen. Giải ngâm ngợi “Vì nghe giọng đọc của mày truyền cảm. Tao thì thực tế, chỉ mong ra trường đi học nghề sửa xe máy. Học về mở cái tiệm nhặt bạc lẻ. Xã Quỳ Lâm mỗi lần hỏng xe thì dắt bộ lòi cơm qua hai cái đèo mới có chỗ sửa”. Hôm ấy ngoại quần ống thấp ống cao vác trái bí non hái bên giếng Trăm Năm ra tận đồng kêu Nan về, nói mẹ con về thăm con kìa Nan. Nan lầm bầm: “Mẹ là mẹ của con cơ mà”.

Lần đầu tiên Nan ngồi cạnh bà Thủy. Ngoại đứng sau lưng Nan. Ba dượng Nan ngồi đối diện. Con bé Linh, con cùng mẹ khác cha với Nan học lớp ba ngồi trong bọc Thủy ngún nguẩy đôi bím tóc. Thủy vuốt má Nan, lâu quá mười mấy năm không gặp giờ Nan lớn quá, gầy nhưng cao lòng nhòng mét bảy mốt. "Con đi học về có mệt không con. Mai con không cần đi nhờ xe Giải đến trường nữa, mẹ và cha dượng con có mua chiếc xe đạp mini Nhật cho con đi”. Thủy nói với ngoại chuyện hai vợ chồng cùng bé Linh sẽ về cất nhà trên đất hương hỏa của tổ tiên đầu chợ để làm ăn và được gần Nan. Hỏi xin ngoại cho phép đón Nan qua nhà ở cùng vì hai vợ chồng lớn tuổi rồi nhưng không có con trai, nghĩ đến tuổi già cô quạnh. Nan không dài dòng thưa gửi, đáp gọn lỏn: “Con ở với mẹ Tám”. Nói vậy nhưng Nan nửa vui nửa buồn, nửa muốn nửa không. Nan thấy vui vì mẹ đã không phủ nhận mình lại cũng bần thần ra khi nghĩ đến mười lăm năm qua cậu đã luôn coi bà ngoại là mẹ.

Mẹ xây nhà gần ngoại, thỉnh thoảng gọi Nan qua chơi với em. Những lần như thế hôm thì mẹ bảo cầm cái đệm điện về nằm cho ấm, bữa thì đưa cái kẹo lạc tôi mật mía ăn khuya. Cậu cũng cầm nhưng về vứt cái đệt dưới nhà bếp. Ngoại hỏi sao vứt đồ lung tung, Nan nói nằm nhà lọt gió với giường nan tre quen rồi không quen ấm áp, êm đềm. Thời gian đôi khi chỉ đếm qua mấy lần hoa tràm thay áo vàng, Nan trở thành cậu thanh niên mười tám tuổi đẹp trai, mắt sâu hút với hàng mày rậm khiến ai cũng trầm trồ thích đặt rể. Ai gặp cũng kêu: “Con trai gì mắt buồn ghê”.

Ngày ra giêng, Giải hái được buồng tro liền rủ Nan đến nhà cái Lê chơi ù ngả dĩa và om tro ăn khỏi lỡ sau mùa hè ra trường không có kỷ niệm. Nan vốn chỉ lo học để thi vào khoa Viết Văn ngoài thủ đô, cậu mơ cầm cái bằng cử nhân về khoe ngoại, hình dung đám bạn sẽ xuýt xoa Nan Tám lớp 12A3 giỏi quá. Nan miễn cưỡng đi theo Giải. Đến nhà Lê, những cành đào nở muộn còn chi chút nụ nghiêng cánh chào. Nan thấy từ sau nụ hoa ấy có đôi má hồng thắm của một cô gái với đôi mắt bò long lanh biết cười mà tựa hồ chứa cả bể nước. Giải hì hục chà vỏ tro cho bớt chát, hái lá chuối đậy cho kín nắp khỏi bay hơi trong lúc Lê hí hoáy vét hũ ruốc chua tới giọt cuối cùng. Còn Nan cầm cuốn bút kí song mải nhìn cô gái không chớp mắt. “Lê! Lê! mày nhìn thằng Nan kìa. Tao thấy phen này con Duyên bị thằng mọt sách tia rồi”. Nan không làm bánh cũng không học bài mà chỉ nhìn Duyên. Ra về, Nan gãi gãi tóc: “Duyên cho Nan và Giải đưa Duyên về nhé”. Má Duyên hồng hây hây tuổi mười tám, khi Nan nhìn má Duyên lại như một nụ hoa đào ánh đỏ bẽn lẽn bung nở giữa vườn xuân.

Nan viết cho Duyên rất nhiều thư, mười lá mới nhận được một lá hồi âm. Trong thư Duyên bảo: “Năm cuối cấp rồi lo học thi Đại học thôi yêu đương gì đằng ấy ơi. Nan và Duyên cùng thi khoa Viết Văn nhé. Ngày vào trường Duyên sẽ trả lời Nan”. Nan cầm lá thư ủ rũ. Cậu dành tiền ăn để mua thỏi socola tặng Duyên đi lui đi tới trước cổng nhà nàng. Lúc đợi, nắn nót viết ba chữ “tôi thích Duyên” trên chiếc lá bàng ối đỏ trước cửa. Đúng là sáu giờ sáng Duyên ra quét sân chiếc lá bàng có chữ “tôi thích duyên” xoay xoay trong gió rồi nhảy nhót trên mặt đất như có nhịp điệu. Thấy Nan cô nàng liền khoát tay: “Đằng ấy lấp ló gì ở đó không lo về đi học”. Nàng tránh mặt. Giải kì nèo đòi ăn hộ nên Nan đưa nó thanh socola đang chảy nước. Sang ngày hôm sau thằng Giải với cái Lê được ăn rồi cũng biết động viên bạn: "Tao cá là nàng hẹn thế là đã thích mày lắm rồi. Mày không biết chứ hôm qua Lê sang gọi Duyên đi học thì gặp ba mẹ Duyên đang cãi nhau om sòm. Đoạn Nan tới có lẽ mẹ Duyên mới đứng chửi đổng ngoài cổng đi vào nhà. Sợ Nan nghe thấy nên Duyên mới bảo Nan về nhanh đó mà. Duyên luôn muốn bạn bè nghĩ nó hạnh phúc mà thực tế thì... Mà gì làm khó người trung bình môn chín phẩy được, thế nào mày chẳng đứng nhất đầu vào thì thôi chớ. Tự tin lên Nan Tám".

Cuối tuần Nan về nhà, hái chùm hoa trập trội suýt nữa té xuống vực đèo Chay. Đạp xe xuyên qua màn sương dày đặc đến trường kịp giờ bảo vệ mở cổng. Cậu lẻn vào lớp Duyên để trập trội dưới hộc bàn. Hôm Duyên đi thi thử quên cầm bút Nan ra mặt đi mượn khắp khóa cho Duyên cây bút chì có cục tẩy để làm bài trắc nghiệm. Ra về, Nan rủ đám bạn sáu bảy thằng đi hộ tống Duyên từ đường hồ Bình Yên lên dốc Ủy ban huyện chỗ nhà Duyên. Ngày nắng Nan cầm dù không che mà chạy theo Duyên bảo để Nan che cho Duyên khỏi đen da. Hôm trời mưa, Nan không mặc áo mưa mà cầm áo mưa chạy theo Duyên. Mưa làm hai đứa ướt như chuột luột. Duyên nhăn nhó: “Bộ ông khùng hả, mặc áo mưa vào”. Hai người chạy đùa trong mưa, tiếng cười trong vắt. Nan đưa Duyên cái vỏ quế to bằng nửa bàn tay, Duyên cắn vào một miếng xíu xiu đã cay xè lưỡi, ấm lại.

Tuần cuối trước khi ra trường, mấy đứa hẹn nhau cho Duyên và Lê vào bản Trăng chơi, lên đồi thông Hoài Thương ngắm trăng. Ai ngờ được ngày như thế trời có giông. Giải ngồi với Lê đầu trần dưới mưa ở bên trái, Nan cởi áo khoác đồng phục mặc áo sơ mi tay cộc phong phanh che đầu cho Duyên ở bên phải. Giải len lén nắm tay Lê nói: “Tau thích mi Lê ạ, mai mốt mi đậu Đại học mà tau không đậu mi có thích tau không.” Duyên ngượng nghịu ngả đầu vào vai Nan, nói: “Cứ nghĩ đến ngày hai đứa cùng mặc đồng phục khoa Viết Văn của thủ đô lại vui không ngủ được. Nhất định chúng ta sẽ là tân sinh viên”. Trời tạnh mưa, trăng rằm tròn vành vạnh dưới giếng Trăm Năm sóng sánh ánh vàng bốn đứa tranh nhau soi trăng đáy giếng mà thề tháng sau gặp lại với giấy báo nhập học.

Mùa phượng nở ra trường năm ấy, rừng nguyên sinh những trắc, lim, táu, quế, Quế Lan Hương, Thần Vệ nữ chỉ còn trong ký ức. Trên rừng không có gì ngoài cây tràm hoa vàng, thảm cây thuốc nam mọc như cỏ dại xưa kia hóa kiếp làm tro than từ khi nảo khi nào. Một đoạn bản Trăng có hai cái thủy điện mùa xả lũ sạt lở lấp nhiều nhà dưới chân đồi Hoài Thương, cuốn cái chuồng bò nhà Giải qua bên kia sông A Nỉ. Không có đứa nào hết cấp ba còn tơ tưởng đi gỗ, đi rừng.

Nan hớt hải chạy qua nhà nói Giải mượn xe máy ra kịp tiễn Duyên và Lê đi thi Đại học. Nan ngắt trên hồ Bình Yên một nhành hoa bằng lăng tím ngan ngát nhét vào ba lô của Duyên, nhắn: "Thi tốt nghen. Nan không thi được rồi, cành tre tai quái gãy đâm trúng chân ngoại. Ngoại bị nhiễm trùng, mổ đi mổ lại giờ bị hoại tử phải cắt bỏ không đi lại được. Nan sẽ đi làm để thuốc thang cho bà". Duyên hai mắt hoe đỏ, níu lấy tay Nan khi tiếng còi tàu đã vang từ xa đến đón nàng. “Đừng Nan ơi, tụi mình còn nhỏ. Nan biết làm gì cho ra tiền. Nan có thể xin tiền dượng để đi học được mà”. Nan cầm rương sách của Duyên lên đặt dưới gầm ghế. Nói: “Nan không muốn mình ngửa tay xin tiền dượng thêm nữa, nhục lắm”. Nan thơm sượt má Duyên khi thấy Lê cũng vừa lên tàu.

Lê nhắn Nan: “Nan nói gì để cái Duyên vừa ra thủ đô đã sốt ba ngày chưa khỏi. Quà của Nan gửi tặng Duyên tớ còn cất đây, hôm nay tớ đưa cho Duyên nhé”. Nan nói thôi Lê mở ra mà chơi, đừng đưa cho Duyên cũng đừng nói với cô ấy biết Nan đã đi theo chuyến tàu ra đến tận đây nữa. Để cho Duyên được yên tĩnh thi thật tốt. Duyên đậu đại học dù chỉ vừa điểm đậu và luôn trách Nan đã không thi, sống không có lý tưởng. Nàng mở món quà thấy ngôi nhà sàn xếp bằng mấy trăm thanh quế cùng trập trội khô thơm mát như nắng gió bản Trăng.

Nan không có trình độ gì, có ông cậu làm bảo vệ cho kho thực phẩm dắt cậu vào Nam làm bảo vệ. Những người làm bảo vệ khác thi thoảng ngủ lại công ty rồi đợi sang canh thì lẻn vào lấy cắp sữa của công ty tuồn ra ngoài bán. Thỉnh thoảng những người khác cũng rủ Nan. Nhưng Nan đêm nằm đặt tay lên trán, ngó trăng ở phố bị cao ốc che khuyết trăn qua trở lại rồi nghĩ đến ngoại, đến mẹ. Chẳng may mình ăn cắp người ta lại nói bà có đứa cháu, đứa con ăn cắp thì ngoại và mẹ biết sống làm sao.

Sau một tháng ngủ chạn nằm đất, nhận tháng lương ít ỏi xong Nan ra Hà Nội thăm Duyên ngay. Cậu cầm một đôi táo bằng thủy tinh to bằng quả táo Mỹ đứng trước cửa phòng trọ. Mùa đông đã đến, cái rét mười hai độ làm tay cậu rung rung. Cậu mặc áo thun màu xám vì thời tiết miền Nam đang mùa khô nóng, đứng co ro dưới chân cột điện ngõ Hàng Đào đợi bốn tiếng đồng hồ. Sau cùng thấy Duyên mở cửa sổ, thả ra một lá thư: “Nan không đi học, chúng ta không chung đường. Đừng tìm Duyên nữa”. Nan ra bến xe, không bắt xe vào trong Nam mà về nhà. Xin tiền dượng đi học tiếp. Năm đó Nan đậu Cao đẳng nghề Việt - Hàn.

Học ba năm cầm bằng tốt nghiệp ra Nan gọi cho Duyên khoe, Duyên lúc này đã là sinh viên khoa Viết Văn đạt vài giải thưởng cây viết trẻ địa phương. Duyên vui lắm hẹn Tết về hai đứa lại đi đồi chè Nông Trường chơi, đi suối Hoa Tiêu nhổ rễ cây khay để bắt cá mát. Đôi tay tưởng đã lạc nhau đan lại. Nan nói với Duyên định nộp hồ sơ đi làm ở gần trường Duyên cho hai đứa khỏi xa cách. Duyên ôm chầm lấy Nan hỏi: “Thật không?”. Nan chỉ biết ôm Duyên thật chặt. Nhưng hai tuần sau Duyên lại không thấy Nan đâu nữa, cậu không gọi cho nàng, không nhắn tin. Ngay cả chiếc đèn xanh trên facebook cũng tắt để lại màu xám đen vô tư lự.

Nan nhận tin cha dượng bị ung thư phổi giai đoạn cuối, đang điều trị tại bệnh viện Trung ương xứ mưa nên vội vã vào với mẹ. Nan tự thầm biết ơn trước nay nhờ dượng mà có xe đạp đi học, có tiền mua socola cho Duyên, nhờ dượng mà mẹ vẫn có chồng rồi cái tiếng chửa hoang dân làng cũng dần quên. Chỉ là lòng ích kỷ của con trẻ khiến cậu luôn ghen tỵ và không thừa nhận tình thương ông dành cho khi chấp nhận và nói mẹ kêu cậu về sống cùng cho có anh có em. Giờ ông nằm đó, thở máy. Thỉnh thoảng rút máy từng khối u vỡ ra máu đỏ òng ọc chảy tính từng tô. Nan xót xa nhìn mẹ từ người đàn bà phốp pháp, phơi phới tươi cười không lo nghĩ gì trở nên khô héo, gầy rạc như cây ngô đồng sau sân trường ngày xưa xao xác theo mùa. Cái xe đạp mẹ cũng cầm để đóng viện phí.

Dượng mất. Mẹ Nan chuyển qua ăn chay trường. Sim trên rừng người ta cũng đào về làm cảnh, nhìn rừng chẳng còn gì mẹ Nan bỏ cả nấu cao sim chuyển qua quạt bánh đa bán. Cái Linh sắp vào Đại học nên gánh bánh đa của bà chỉ đủ mua rau, mua đậu không dư. Bà bảo “Chắc tại cái nghiệp cha dượng thường nấu cao trăn, cao khỉ. Sát sinh động vật, ăn của rừng rưng rưng nước mắt mới mất sớm. Để cho đời Linh, đời Nan được tốt đẹp bà ăn chay cầu phúc cho con”. Cậu quyết định theo một người anh trong làng đi đường bộ qua lao động chui ở Thái Lan theo diện hộ chiếu du lịch.

Qua Thái mới biết quá ba mươi ngày không gia hạn hộ chiếu phải sống chui lủi ở nước người chẳng khác gì loài chuột đêm rúc vào đống rác bẩn những kẽ hở của nhà người. Mỗi lần xe cảnh sát đến chủ nhà may chỗ Nan làm việc lại tá hỏa xô mười thanh niên Việt lao động chui cùng lên một chiếc xe túc túc lủi đi. Xe chạy bạt mạng đến bờ sông Mê Nam, tiếng còi cảnh sát vẫn hú hụ sau lưng. Lúc đó Nan vừa chạy vừa nghĩ: “Không được dừng lại. Dừng lại mẹ sẽ có một người con đi tù thì sống sao với dân làng”. Mười người đã nhảy suống sông để trốn. Thoát cảnh sát, nhưng sáng hôm sau khi bơi qua bên kia bờ có một người mãi mãi không lên.

Bữa đó, nằm tựa lưng bên sân chùa, thấy bầy chim khép mỏ bay vào mênh mang chàng thấy thèm bầu trời bản Trăng. Thèm nhìn thấy ánh trăng đêm bà Tám bắt phạt. Nan vẩn vơ nghĩ ngoại và mẹ sẽ sống sao nếu người không bơi được lên bờ đêm qua chính là mình. Năm đầu tiên về, Nan nói với Duyên sẽ kiếm tiền để làm mô hình du lịch cộng đồng cho du khách đến bản Trăng ở lại nhà dân, ở bên Thái Lan nhiều điều hay lắm. Bên đó cậu làm gì? “Tớ đạp máy may. Đạp suốt từ sáng bảy giờ đến hai giờ sáng”. Duyên hỏi sao không về nhà kiếm việc gì đó làm cho gần mẹ? Nan thấp giọng: “Ừ. Đi một năm thôi không đi nữa. Chỉ muốn cưới vợ”. Năm ấy, Nan nói với nàng thật nhiều mong ước. Rằng nếu có con, Nan sẽ không để con mình thiệt thòi như những gì cậu đã trải qua. Muốn con họ có gì con mình có cái đó...

Trừ sinh hoạt ăn, uống thì mỗi tháng cậu gửi về cho mẹ được mười một triệu đồng. Mẹ Nan dùng trang trải trong nhà, mua chim phóng sinh... và không có khoản nào cho cái mô hình hay để cưới vợ của cậu cả. Ba tuần Tết trôi qua quá nhanh, chớp nhoáng như một cơn gió bấc. Ra Tết, dòng tin nhắn của Nan làm Duyên thắt lòng: “Ước muốn bây giờ của mình duy nhất là để mẹ vui... chỉ cần mẹ vui làm gì mình cũng làm. Mẹ nói tuổi mình cưới vợ sớm là đứt gánh nên giục làm hộ chiếu để đi Thái lại. Nghĩ cảnh leo lên những chiếc xe túc túc cọc cạch chạy bạt mạng trốn cảnh sát khi hộ chiếu quá hạn, đi “tò” qua cửa khẩu Lào để gia hạn, mấy đồng hương mình suýt chết vì bơi sông mà sợ”. Mấy ngày sau, Nan đi thật.

Cứ thế Nan làm thợ may chui ở Thái ba năm. Về bản Trăng năm thứ tư không kịp chịu tang ngoại, mẹ nói cần tiền lo việc cho cái Linh mới ra trường. Nan vẫn nằm trên chiếc giường không êm đềm trong căn nhà lọt gió của ngoại. Mẹ quạt bánh đa ngồi cả ngày lưng thoát vị đĩa đệm vẹo một bên, bám vào mấy sào đất cằn trồng gì cây cũng vàng lá... không ra đồng nào. Nan vay mượn những người làng cùng làm ở Thái rồi thủ thỉ với Duyên: “Duyên đi xuất khẩu lao động cùng Nan không? Nhiều người học ra không xin được việc đấy. Nếu không đừng đợi Nan nữa. Giờ không đi chui nữa. Có tiền rồi, chỉ cần học ôn tiếng Hàn Quốc để đi lao động ở Hàn". Nửa năm theo học, cũng chưa kịp ăn Tết, Nan đi...

Tiếng Hàn cậu nói và viết giỏi như người bản địa... Cậu quyết tâm vay mượn để đi, khát vọng vừa đi làm tích góp kiếm tiền nuôi mẹ già, nuôi ước mơ tiếp tục học Đại học. Cậu đi xuất khẩu lao động đường chính ngạch cùng một rương sách để ôn thi lại... khoa Viết Văn. Năm đầu tiên, cậu gửi tiền về cho mẹ trả nợ. Năm thứ hai Nan đã có tiền won dành dụm gửi cho Linh học chính, học thêm và học vẽ theo sở trường. Linh bị suy thận. Nan gửi tiền cho Linh thuốc thang, gửi tiền cho bà dì nuôi các cháu đến trường, mua một chiếc xe máy để Tết về có thể chở Duyên đi chơi. Và để cho mẹ có một cuộc sống khỏi nghĩ nhiều. Sau đó, Nan mới nghĩ muốn có một chút tiền gửi mẹ mở giúp sổ tiết kiệm. Những Linh Chi, Nhân Sâm, những chiếc bếp nướng... những món quà nho nhỏ của cậu gửi từ bên đó về... làm ai ai cũng ấm áp.

Cứ như thế, ở xứ sở hàn lạnh, không ít tủi nhục, mùa đông cậu luôn bị đau khớp đến không thể nhấc mình lên được. Nên cứ hễ Tết dù cố gắng tiết kiệm nhưng cậu vẫn về nhà nói là để nghỉ, thực ra là để tạm lánh nơi vừa lạnh giá về thời tiết vừa lạnh giá về tâm hồn bởi không có người thân bên cạnh... Ba năm, nghĩ chỉ là một thời gian ai ngờ nó là cả một đời. Khi cậu trở về, mẹ của cậu đã dùng một khoản tiền cậu gửi đưa cho bọn đa cấp, gần như chẳng còn lại gì. Có chăng, chỉ có kinh nghiệm được đào tạo tại Hàn và tiếng Hàn của cậu đã tốt lên nhiều nên có cơ hội và được nhận ngay vào giảng dạy ở trường cao đẳng Việt - Hàn.

Nhưng than ôi! Cuộc đời thực ra ngắn chưa đầy một gang tay. “Nan ơi! Cậu về mà đồ đạc đã về tới sân bay đâu. Cậu về xây cái nhà bếp cho mẹ, nói mẹ ơi cái giường nay sao chật quá đổi cái giường mới. Mẹ ơi! Để con phát đường đi cho rộng, đường làng mình hẹp quá...”. Rồi Nan đi nhận quyết định tuyển dụng. Chưa kịp mừng vì từ nay không còn phải dầm mình rét mướt, không còn phải ăn những món ăn không phải hương vị quê mình, không còn phải nín lặng và nói ngôn ngữ không phải tiếng mẹ... trên đường trở về để thông báo tin mừng ấy... một chiếc xe cấp cứu bất nhân tâm lao nhanh qua dốc đứng đã cướp đứng cuộc đời của cậu, ước mơ của cậu, hạnh phúc được ở nhà ngó thấy trăng ở bản Trăng ngỡ giản đơn ấy của cậu. Cậu ở nhà thật. Ở nhà mãi mãi... chiếc giường mới là chiếc quan tài, đường làng rộng để anh em, chòm xóm, thầy cô bạn bè đưa tang tiễn một đoạn ra đồng trong một đêm nguyệt thực dài nhất thế kỷ.

Mấy bữa làm đối thoại ở làng trẻ mồ côi và Trung tâm bảo trợ, khi các trẻ em có hoàn cảnh khó khăn ở đây hỏi lãnh đạo về cơ hội nghề nghiệp bình đẳng cho trẻ em ở làng mồ côi ... họ tư vấn, trả lời các em không nhất thiết đi học Đại học mà có thể đi xuất khẩu lao động, năm trước Lâm Hương có hai ngàn người xuất khẩu lao động năm nay là bốn ngàn người, thu nhập là... Duyên vừa nghe ti vi vừa mở điện thoại, lướt dòng thời gian facebook của Nan. Nhìn tấm ảnh Nan cầm áo mưa chạy theo mình giữa trời mưa, cùng sinh năm 1990, cùng ước mơ trở thành nhà thơ nhà văn! Nan là tên gọi gần gũi ở nhà, thực ra tên cúng cơm của cậu được ngoại khai sinh cho là Nghĩa, vì tin là tuổi này đổi hai lần tên sẽ may mắn nên còn có tên là Hiếu! Cậu đã dừng thanh xuân chưa một ngày cho bản thân mình ở tuổi hai lăm.

Duyên vừa đến khu nhà trọ của người Việt xuất khẩu lao động tại Hàn Quốc sau một ngày ngồi đạp máy may. Giải nâng niu vuốt từng mép sổ đưa cho nàng xem cuốn nhật ký Trăng ngoài bản Trăng của Mai Hiếu (Nghĩa). Ba Duyên mất, mẹ thua bạc khắp nơi. Bà o thế chấp nhà cho cháu đi Hàn Quốc kiếm tiền trả nợ. Duyên vục mặt vào cuốn nhật ký viết bằng tiếng Hàn, tức ngực. Ngoài cửa sổ Busan trăng treo, sáng leo quá ngọn cây anh đào. Bên trong Giải soạn cơm cuộn Kim Chi, Duyên vừa ăn hai mắt ngân ngấn nước nhớ món nhút xơ mít xào ngọn lá đỗ mặn mòi Nan mời Duyên ăn cùng bà Tám hồi nào.

HẢI HẠC PHAN

Cuộc thi sáng tác văn học về đề tài công nhân, công đoàn:

Gần 30 giải thưởng có tổng trị giá lên tới 2,4 tỉ đồng

Cuộc thi sáng tác văn học về đề tài công nhân, Công đoàn do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam chủ trì, phối hợp một số ban Đảng trung ương và bộ liên quan chỉ đạo; Báo Lao Động phối hợp với Hội Nhà văn Việt Nam trực tiếp tổ chức thực hiện. Cuộc thi bước đầu đã nhận được một số tác phẩm có chất lượng của các nhà văn, của công nhân viên chức lao động.

Từ tháng 3.2022, Báo Lao Động sẽ tuyển chọn và đăng tải.

Các tác phẩm dự thi thuộc 2 thể loại tiểu thuyết và truyện ngắn với cơ cấu giải thưởng gồm 15 giải cho thể loại truyện ngắn (tổng giá trị giải thưởng 860 triệu đồng) và 14 giải cho thể loại tiểu thuyết (tổng giá trị giải thưởng 1,51 tỉ đồng).

Ban tổ chức bắt đầu nhận tác phẩm từ ngày công bố phát động, và kết thúc nhận tác phẩm vào ngày 30.8.2023 (tính theo dấu bưu điện, email). Tổng kết và trao giải vào quý IV/2023.

Ban tổ chức rất mong nhận được sự hưởng ứng, tham gia của các nhà văn chuyên nghiệp và bạn đọc cả nước.

Địa chỉ nhận tác phẩm dự thi:

- Bản thảo giấy gửi bưu điện về địa chỉ: Báo Lao Động, số 6 Phạm Văn Bạch, Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội

(Bì thư ghi rõ: Tham gia cuộc thi viết về đề tài công nhân, công đoàn 2021- 2023).

- Bản điện tử gửi qua mail về hộp thư: thivietvecongnhan@gmail.com hoặc thivietvecongnhan@laodong.com.vn

Chi tiết thể lệ cuộc thi xin xem tại: https://laodong.vn/cong-doan/the-le-cuoc-thi-sang-tac-van-hoc-ve-de-tai-cong-nhan-cong-doan-976767.ldo

Đồng hành cùng chương trình.
Đồng hành cùng chương trình.
LAO ĐỘNG
TIN LIÊN QUAN

Truyện ngắn dự thi: Bốc thăm trúng thưởng

LAO ĐỘNG |

Mùng 5 tết còn khướt mới đến nhưng cái mốc quan trọng đó cứ lấp lánh trong đầu Nhã. Chị giở cuốn lịch mới mua khoanh tròn dấu đỏ, lòng háo hức chờ mong.

Truyện ngắn dự thi: Cái chổi

LAO ĐỘNG |

Dựng chân chống xe chắc chắn cẩn thận, dựng ngược cả cái chổi rễ vào góc hiên. Còn cái thùng nước rác to tổ chảng, đầy ứ ự vẫn nguyên trên xe, mùi chua thum thủm sực lên, chị hẵng kệ, ngồi bệt xuống bậc tam cấp trước cửa nhà. Mệt không buồn thở. Trời mới bước vào đầu hè đã oi ả muốn thiu thối cả người. Nhoài người vớ cái quạt nhựa chỏng chơ ngay cạnh cửa, chị vừa quạt vừa giựt giựt ngực áo cho gió luồn vào trong. Mồ hôi tướp táp.

Truyện ngắn dự thi: "Máu MỎ"

LAO ĐỘNG |

Hai giờ sáng, tôi chợt giật mình tỉnh giấc bởi tiếng chuông điện thoại của người nhà báo tin bác tôi đang cấp cứu tại bệnh viện. Tôi cũng đã quen với việc này vì bác tôi làm công nhân ở mỏ đã lâu rồi và bác có sức khỏe không được tốt, hai đứa con bác làm ăn xa nhà nên tôi thường xuyên chăm sóc bác, nhiều lần phải đi cấp cứu vì bệnh phổi ở bệnh viện do mắc bệnh mãn tính.

Truyện ngắn dự thi: KHI PHỐ ĐÃ LÊN ĐÈN

LAO ĐỘNG |

"It’s not what you achieve, it’s what you overcome. That’s what defines your career" - Carlton Fisk (Tạm dịch: Đó không phải là những gì bạn đạt được, mà là những gì bạn vượt qua. Đó là điều xác định sự nghiệp của bạn).

Truyện ngắn dự thi: THỢ MỎ

LAO ĐỘNG |

Lại một vụ tai nạn hầm lò nữa xảy ra khiến ba công nhân bị thương và một công nhân bị thiệt mạng. Đang ngồi trong phòng máy lạnh, chị Hồng chạy ra nhà xe, lấy xe máy phi nhanh xuống hiện trường; là Phó Chủ tịch thường trực Công đoàn của công ty than, chị có thể điều xe ôtô đến đón nhưng chị không muốn đợi lâu.

Truyện ngắn dự thi: Ở giữa đường biên

LAO ĐỘNG |

Gió, trời ơi là gió, gió vù vù, gió ào ào, gió thổi tung mọi thứ trên đường, giật phăng những chiếc lá đang giãy giụa trên cây rồi cuốn nó bay lên không trung, bắt nó nhào lộn đủ mọi vũ điệu rồi mới thả xuống mặt đường tơi tả. Một cơn gió táp vào mặt như bị roi quất, làm chiếc mũ vải đội đầu bay vèo theo cơn gió, nhoáng cái nó đã ở tít đằng xa, gió được thể lồng vào mái tóc làm xõa tung rối mù mịt, nhưng chưa kịp hoàn hồn thì một luồng xú uế cùng những mảnh ni lông nhớp nhúa bỗng ập vào mặt, nước thải nhầy nhụa tanh tưởi và thối khẳm tưới lên khắp người, như bủa vây, như tấn công vào mọi ngõ ngách của cơ thể. Mình thấy buồn nôn quá, ngạt thở quá, mà không nôn được, không thở được, lồng ngực cứ căng lên đau tức mà không sao hít được một làn khí trong lành chỉ rặt một thứ mùi tanh tưởi ấy cứ xộc vào mũi. Ô, mà cái mùi này mình đã quen quá rồi còn gì, sao hôm nay nó lại làm mình khó chịu đến thế nhỉ. Có phải... có phải cái cơn giông ấy, đúng rồi cũng chính vì cái cơn giông ấy, cơn giông định mệnh đã cho mình gặp anh, rồi lại cướp anh đi như một cơn gió. Biến mình từ một cô gái ngây thơ thành một người đàn bà đầy nỗi xót xa cay đắng.

Biến vương tử siêu giàu Ả Rập thành trò cười và sự sa lầy của phim Hàn

Mi Lan |

Trong 5 năm trở lại đây, phim Hàn Quốc liên tục bị các quốc gia phản ứng khi tùy tiện xây dựng những câu chuyện bóp méo về văn hóa bản địa.

Khởi công gói thầu 2.630 tỉ đồng thi công 2 tuyến giao thông sân bay Long Thành

HÀ ANH CHIẾN |

Đồng Nai - Gói thầu 6.12 có giá trị hợp đồng hơn 2.630 tỉ đồng thi công hai tuyến giao thông kết nối sân bay Long Thành là tuyến số 1 và tuyến số 2 đã chính thức được khởi công sáng ngày 14.7 tại xã Long Phước, huyện Long Thành, dự kiến thời gian thi công là 885 ngày.

Truyện ngắn dự thi: Bốc thăm trúng thưởng

LAO ĐỘNG |

Mùng 5 tết còn khướt mới đến nhưng cái mốc quan trọng đó cứ lấp lánh trong đầu Nhã. Chị giở cuốn lịch mới mua khoanh tròn dấu đỏ, lòng háo hức chờ mong.

Truyện ngắn dự thi: Cái chổi

LAO ĐỘNG |

Dựng chân chống xe chắc chắn cẩn thận, dựng ngược cả cái chổi rễ vào góc hiên. Còn cái thùng nước rác to tổ chảng, đầy ứ ự vẫn nguyên trên xe, mùi chua thum thủm sực lên, chị hẵng kệ, ngồi bệt xuống bậc tam cấp trước cửa nhà. Mệt không buồn thở. Trời mới bước vào đầu hè đã oi ả muốn thiu thối cả người. Nhoài người vớ cái quạt nhựa chỏng chơ ngay cạnh cửa, chị vừa quạt vừa giựt giựt ngực áo cho gió luồn vào trong. Mồ hôi tướp táp.

Truyện ngắn dự thi: "Máu MỎ"

LAO ĐỘNG |

Hai giờ sáng, tôi chợt giật mình tỉnh giấc bởi tiếng chuông điện thoại của người nhà báo tin bác tôi đang cấp cứu tại bệnh viện. Tôi cũng đã quen với việc này vì bác tôi làm công nhân ở mỏ đã lâu rồi và bác có sức khỏe không được tốt, hai đứa con bác làm ăn xa nhà nên tôi thường xuyên chăm sóc bác, nhiều lần phải đi cấp cứu vì bệnh phổi ở bệnh viện do mắc bệnh mãn tính.

Truyện ngắn dự thi: KHI PHỐ ĐÃ LÊN ĐÈN

LAO ĐỘNG |

"It’s not what you achieve, it’s what you overcome. That’s what defines your career" - Carlton Fisk (Tạm dịch: Đó không phải là những gì bạn đạt được, mà là những gì bạn vượt qua. Đó là điều xác định sự nghiệp của bạn).

Truyện ngắn dự thi: THỢ MỎ

LAO ĐỘNG |

Lại một vụ tai nạn hầm lò nữa xảy ra khiến ba công nhân bị thương và một công nhân bị thiệt mạng. Đang ngồi trong phòng máy lạnh, chị Hồng chạy ra nhà xe, lấy xe máy phi nhanh xuống hiện trường; là Phó Chủ tịch thường trực Công đoàn của công ty than, chị có thể điều xe ôtô đến đón nhưng chị không muốn đợi lâu.

Truyện ngắn dự thi: Ở giữa đường biên

LAO ĐỘNG |

Gió, trời ơi là gió, gió vù vù, gió ào ào, gió thổi tung mọi thứ trên đường, giật phăng những chiếc lá đang giãy giụa trên cây rồi cuốn nó bay lên không trung, bắt nó nhào lộn đủ mọi vũ điệu rồi mới thả xuống mặt đường tơi tả. Một cơn gió táp vào mặt như bị roi quất, làm chiếc mũ vải đội đầu bay vèo theo cơn gió, nhoáng cái nó đã ở tít đằng xa, gió được thể lồng vào mái tóc làm xõa tung rối mù mịt, nhưng chưa kịp hoàn hồn thì một luồng xú uế cùng những mảnh ni lông nhớp nhúa bỗng ập vào mặt, nước thải nhầy nhụa tanh tưởi và thối khẳm tưới lên khắp người, như bủa vây, như tấn công vào mọi ngõ ngách của cơ thể. Mình thấy buồn nôn quá, ngạt thở quá, mà không nôn được, không thở được, lồng ngực cứ căng lên đau tức mà không sao hít được một làn khí trong lành chỉ rặt một thứ mùi tanh tưởi ấy cứ xộc vào mũi. Ô, mà cái mùi này mình đã quen quá rồi còn gì, sao hôm nay nó lại làm mình khó chịu đến thế nhỉ. Có phải... có phải cái cơn giông ấy, đúng rồi cũng chính vì cái cơn giông ấy, cơn giông định mệnh đã cho mình gặp anh, rồi lại cướp anh đi như một cơn gió. Biến mình từ một cô gái ngây thơ thành một người đàn bà đầy nỗi xót xa cay đắng.