Rằm tháng Bảy, đội mưa Ngâu tìm ốc mút

Bài và ảnh Hải aN |

Tháng Bảy Âm lịch, những cơn mưa Ngâu giàn giụa sự tủi hờn của tình yêu trắc trở rơi xuống Nam Định - thành phố vẫn ngủ quên của tôi. Trong khoảng thời gian chênh vênh của âm dương tương ngộ đó, những giọt Ngâu nhàn nhạt đậu trên môi người, chợt gợi cơn thèm một thứ gì mặn mòi: Ốc mút.

Con ốc mút tiêu sầu tháng ngâu

Con ốc mút hay ốc hút ngon nhất vào thời điểm tháng 11 Âm lịch, thế nhưng mà, cái tiết trời nửa nắng, nửa mưa, nửa âm, nửa dương của tháng Bảy Âm lịch luôn khiến người ta bâng khuâng đội mưa đi tìm hàng ốc mút. Nó nằm đâu đó, dưới một mái hiên đầu ngõ hay khuất nẻo giữa chợ chiều.

Nước mắt nàng Ngâu, cùng chút hơi Thu buốt nhẹ khiến niềm cảm khái về đoạn trường ân ái ly biệt tương phùng làm cho gai lưỡi muốn đắm chìm trong hương vị nóng ấm mà cay đắng. Mắt bỗng nhòe vì khói ốc bay hay hiệu ứng Bokeh từ vạn vạn giọt Ngâu.

Bây giờ, còn mấy ai biết đến mưa Ngâu. Đó là thứ mưa hình thành từ 2 dải tín phong Đông Bắc và tín phong Tây Nam hội tụ, cũng như màn tương ngộ của nàng Ngâu và chàng Ngưu, tạo thành những cơn mưa Ngâu vào các ngày từ 3.7 đến 7.7, 13.7 - 17.7 và 23.7 - 27.7, những mốc thời gian để loan thúy trùng phùng.

Thật tinh xảo khi Thiên - Địa - Nhân có thể đồng hợp. Có thể từ hiện tượng thời tiết mà nảy sinh câu chuyện, hoặc từ câu chuyện nên hiện tượng thời tiết thành tín vật hữu hình cho tình yêu đôi lứa. Dẫu sao, giữa hơi lạnh của đất, trời và tâm tư, chỉ có bát ốc mút có năng lực giải trừ tuyệt đối.

Con ốc mút sống ở biển nên bản chất từ ngoài vào trong đã mặn mòi, đậm đà. Ốc mút giàu hương vị, khác hẳn thức ốc khêu như ốc mít, ốc đá, ốc nhồi. Thịt ốc mút không nhiều, nhưng ăn miếng nào, biết miếng đó.

Ốc mút có tính gây nghiện cao. Hương vị lạ lùng của ốc mút nằm ở cái vị nhằng nhặng đắng. Ốc mút càng ngon, vị nhằng nhặng càng rõ rệt. Phần thịt ốc mút không nhiều, bởi con ốc chỉ to cỡ cây bút chì, to lắm thì bằng ngón tay út. Ốc mút nếu để phát triển, nó sẽ có kích thước to hơn.

Tại hang Mê Cung ở Vịnh Hạ Long, có hàng đống vỏ ốc mút to tướng như vỏ con ốc len. Chúng nằm chồng chất lên nhau, hóa vôi và kết thành những khối dị thạch. Điều đó chứng tỏ những con ốc mút này đã bị xơi tái bởi người cổ xưa sinh sống tại đây.

Còn con ốc mút của Rằm tháng Bảy rất mi nhon. Đầu ốc chỉ bé tí tẹo, ăn giòn như các loại ốc khác nhưng đậm đà hơn nhiều. Ruột ốc mút không chỉ có màu trắng đục hay vàng như ốc mít, ốc đá mà khá nhiều màu: đen, xanh, đỏ, vàng... nhìn thì hơi ghê nhưng khi nằm trên lưỡi lại đem đến một vị ngon lạ lùng, khó tả.

Bởi là loài sống ở biển nên ốc mút không cần nước chấm như ốc nước ngọt. Chỉ cần luộc với một chút xíu nước, cùng vài cái lá bưởi là ngon lắm rồi. Bây giờ, người ta cầu kỳ hơn khi dùng nước luộc có vị chua, cay, mặn, ngọt, ớt xay, sả xắt mỏng để tạo thêm mùi vị khác cho ốc.

Ngày xưa, cứ đến Rằm tháng Bảy Âm lịch, mẹ tôi cũng hay luộc ốc mút để cả gia đình cùng mút “chí cha chí chút” như lời bài đồng dao học ở sách vỡ lòng: “Mò con ốc nhỏ. Em tra vào giỏ. Em bỏ vào nồi. Nó sôi sùng sục. Nó sôi xình xịch. Em đổ nó ra. Em mút chí cha. Là cha chí chút. Chì chà chì chụt...”.

Ốc được luộc chín với dăm cái lá bưởi bánh tẻ xanh già. Lá bưởi này chứa nhiều tinh dầu, khi luộc bị hơi nóng ép tinh dầu ra khiến nồi ốc mút trở nên thơm tho hơn. Luộc xong, ốc được đổ ra khay có lót mấy tờ giấy to bản, dày dặn để gói ốc lại nhằm giữ hương vị và độ nóng của ốc được lâu.

Đến lúc đông đủ mọi người, gói ốc mới được mở bung ra, khay ốc tỏa mùi hương thơm của lá bưởi ngào ngạt. Lập tức, ai có lỗ xu thì dùng lỗ xu, ai có lỗ khóa thì dùng lỗ khóa, nếu không có thì bố tôi sẽ cắt các mảnh tôn vuông, rồi dùng con đột đục một lỗ tròn xoe chỉ để bẻ đít ốc. Có vũ khí rồi, mọi người mải miết nhặt ốc, bẻ ốc và mút cái chụt, tạo thành một bản hòa âm vô cùng ấm cúng và ngon lành.

Bây giờ, mẹ đã già, mắt không còn tinh tường để lựa mua và luộc ốc mút được nữa. Muốn ăn ốc mút, đành đội mưa ra phố, ra chợ mà tìm. Ốc mút bây giờ cũng “cầu kỳ, kiểu cách” khác xưa khi được hấp hoặc xào với me chua hay nước cốt dừa cùng sốt tỏi - ớt - bơ.

Người ăn cũng chẳng dùng lỗ xu nữa, mà cắt bằng cái kìm tuốt dây mạng. Những chiếc kìm đen xì, bọc nhựa ở tay cầm cắt đít ốc ngọt xớt. Dễ dàng hơn nhiều, lại không tạo vụn. Với cái kìm lăm lăm trong tay, nhìn cảnh ăn ốc mút bây giờ khá hoạt kê.

Bên chiếc mâm nhôm phi 60 đựng bát ốc mút, bát sung muối và bát nước chấm đỏ rực ớt, những kẻ nghiện ốc mút dùng kìm để bẻ đít ốc rồi khoan thoai đưa vào miệng mút một tiếng rõ kêu. Nếu hơi không đủ mạnh, ốc không được mút ra hết, lại phải mút thêm lần nữa để không bỏ phí phần ngon cuối thân ốc.

Vị cay nóng của gừng và ớt sẽ khiến vị đắng nhằng nhặng của ốc mút thêm quyến rũ, khiến người ta không thể dừng tay, mọi thứ đều tạm lãng quên, chỉ tập trung vào việc mút ốc. Chiêu thêm một hớp rượu Kiên Lao trong như mắt mèo nữa thì tuyệt hảo, quên tất mọi buồn đau của mình hay của vợ chồng Ngưu - Ngâu.

Ốc mút tháng 7.
Ốc mút tháng 7.

Món ăn vặt của thuở học trò

Hồi xưa, ốc mút là một món quà vặt vãnh được bọn học trò thò lò mũi xanh chúng tôi khá ưa chuộng. Chỉ vài hào là có một một phễu ốc mút, đựng trong chiếc bồ đài làm bằng giấy, hình dáng thuôn dài, nom giống hệt con ốc mút. Bồ đài giấy xưa cũng hay dùng để gói lạc rang húng lìu, ngô rang, hạt dẻ rang hay táo dầm.

Những cái bồ đài đựng ốc mút này thường được cuộn bằng những trang sách học trò lem lem màu mực tím. Cứ vừa đi vừa bốc ốc, đút cái đít vào cái lỗ tròn giữa đồng 5 xu, bẻ cụt đít ốc, rồi cho vào mồm mút cái chụt. Nếu không có đồng 5 xu thì dùng lỗ của cái chìa khóa nhà để bẻ cũng được.

Lắm hôm gặp trận mưa Ngâu hơi lạnh cóng tay, lóng ngóng đánh rơi con ốc xuống đường. Chẳng hề gì, lại nhặt lên thổi phù phù cho hết đất cát, rồi lại bẻ, lại mút ngon lành. Thật nhớ cái đồng 5 xu thần thánh đó, lúc nào cũng kè kè trong túi quần, hễ có ốc mút là lại lôi ra động thủ.

Và nhớ cả những dây vải đeo chìa khóa nữa. Nhìn kỹ, kiểu gì cũng dính vài cái vẩy ốc mút nhỏ xíu, dính chặt vào kẽ vải. Nhiều khi, thèm ốc mút mà mua được hay không có tiền, lại giở dây chìa khóa, tìm những chiếc vảy ốc dính khô đét đó để mút mát đỡ thèm. Thật đúng cảnh bi thương của khách đa tình.

Đập cổ kính ra, tìm lấy bóng

Gom tàn y lại, để dành hơi.

Cái vảy đó cũng rất kỳ lạ. Bởi vì nó bé và mảnh, nên khi ăn không ai cậy ra như ốc vặn hay ốc mít cả. Cứ thế mà mút cả vảy, cả thịt ốc vào miệng, sau đó dùng lưỡi lừa vảy ốc để nhè ra. Tuy nhiên, do phải mút mạnh, đôi khi vảy ốc bay tít lên phần hàm ếch ở trong miệng và dính vào đó.

Rất khó để lấy phần vảy ốc đó ra vì nó quá mảnh nên không thể dùng tay hay tăm. Cho nên, cứ phải uốn đầu lưỡi lên để lừa vảy ốc rơi xuống, xong cũng rất khó. Đôi khi vảy ốc tự rời ra khỏi hàm ếch chẳng biết vì lý do gì, nhưng ta được giải phóng cảm giác khó chịu về một thứ cồm cộm mà lấy không được.

Do đó, chỉ cần nhìn đám bạn trong lớp, đứa nào mồm cứ lụng bụng như ngậm nước, đích thị là đang ăn vụng ốc mút trong giờ học và bị dính vảy ốc vào hàm ếch. Hầu như ai đã từng ăn ốc mút, đều bị rơi vào tình cảnh này, và cái vảy ốc nhỏ mảnh đó, hóa ra lại là một ấn chứng trải nghiệm ốc mút khó quên.

Các ông bà bán ốc mút không còn lẩn quất ở ngoài trường học, bởi lũ học trò ngày nay chẳng biết ốc mút là gì. Thế nhưng, trên những con phố bàn cờ của Thành Nam, vẫn còn đâu đó những hàng ốc mút, bé nhỏ, lẩn khuất và khiêm nhường. Nhưng nếu có tâm đi tìm, vẫn sẽ gặp thôi. Những cái vảy ốc mỏng như giấy, bé như cánh bèo tấm cứ hay dính vào đâu đó trong tâm thức.

Bài và ảnh Hải aN
TIN LIÊN QUAN

Mỳ “Phượng Sồ” trứ danh phố Hàng Bồ

Bài và ảnh HẢI AN |

Phố Hàng Bồ không chỉ nổi danh với số nhà 51 là Toà soạn Báo Lao Động - từng có thời dập dìu nam thanh nữ tú đến đăng thông tin tìm việc - mà còn có “Phượng Mực” ở số nhà 31 thơm nức nở món mực khô nướng, khởi đầu cho biệt danh phố “mực nướng”. Song, “Phượng mực” vẫn phải sợ mỳ “Phượng Sồ” một phép.

Bí quyết chọn quán phở ngon từ cái tên

Bài và ảnh AN LÊ |

Để trả lời câu hỏi 'Thế nào là quán phở ngon?' cần phải viết một cuốn sách khảo cứu công phu với hàng chục danh mục về nước phở, thịt, bánh phở, gia vị ăn kèm... Song, có một điều chắc chắn, quán phở ngon thường có tên hiệu cục mịch hoặc rất độc lạ, độc vận và độc nhất vô nhị.

Nắng mưa bát cháo đậu cà

Bài và ảnh HẢI AN |

Chỉ là một thoáng vu vơ bên vỉa hè. Gọi vu vơ một tiếng, nhìn vu vơ một vài muôi cháo sánh như hồ nhưng cũng không quá nặng sệt vào lòng tô nhỏ. Một làn khói nhẹ vu vơ bay lên, điểm mùi thơm của nếp, của đỗ xanh đã nhuyễn nhừ. Thả thêm một vài miếng đậu vàng ruộm điểm chút hành hoa và dăm quả cà muối. Thế là đã có đủ một miếng vu vơ giữa phố phường Hà Nội.

Phong trào "mỗi nóc nhà là một lá cờ Tổ quốc" lan rộng Tây Bắc

NHÓM PV |

Phong trào biến “mỗi nóc nhà là một lá cờ Tổ quốc” mới xuất hiện chưa lâu nhưng đã trở thành "hot trend" và lan tỏa mạnh mẽ đến cả các bản làng Tây Bắc.

Giữ bình yên cho cuộc sống nơi biên cương Tổ quốc

Hà Linh - Việt Bắc |

Những bản làng xa xôi nhất tại tỉnh biên giới Hà Giang đang từng ngày khoác lên màu bình yên, no ấm, trong đó có sự đóng góp quan trọng của lực lượng Công an.

Nghiên cứu sinh Đại học Luật vi phạm có thể bị xử lý hình sự

Nhóm PV |

Theo quy chế của chính Trường Đại học Luật Hà Nội, nghiên cứu sinh vi phạm có thể bị xử lý hình sự.

Vì sao nhiều học sinh chọn ngành báo chí, truyền thông?

ANH ĐỨC |

Điểm chuẩn cao chót vót là minh chứng cho sức hút của nhóm ngành báo chí, truyền thông trong mùa tuyển sinh năm 2024.

Tràn lan xây dựng trên đất nông nghiệp tại thành phố Phổ Yên

Nhóm PV |

Thái Nguyên - Hàng loạt công trình, cơ sở chăn nuôi tại xóm Nhe (xã Thành Công, Phổ Yên) mọc lên như nấm, đa số xây dựng trên đất nông nghiệp, đất rừng.

Mỳ “Phượng Sồ” trứ danh phố Hàng Bồ

Bài và ảnh HẢI AN |

Phố Hàng Bồ không chỉ nổi danh với số nhà 51 là Toà soạn Báo Lao Động - từng có thời dập dìu nam thanh nữ tú đến đăng thông tin tìm việc - mà còn có “Phượng Mực” ở số nhà 31 thơm nức nở món mực khô nướng, khởi đầu cho biệt danh phố “mực nướng”. Song, “Phượng mực” vẫn phải sợ mỳ “Phượng Sồ” một phép.

Bí quyết chọn quán phở ngon từ cái tên

Bài và ảnh AN LÊ |

Để trả lời câu hỏi 'Thế nào là quán phở ngon?' cần phải viết một cuốn sách khảo cứu công phu với hàng chục danh mục về nước phở, thịt, bánh phở, gia vị ăn kèm... Song, có một điều chắc chắn, quán phở ngon thường có tên hiệu cục mịch hoặc rất độc lạ, độc vận và độc nhất vô nhị.

Nắng mưa bát cháo đậu cà

Bài và ảnh HẢI AN |

Chỉ là một thoáng vu vơ bên vỉa hè. Gọi vu vơ một tiếng, nhìn vu vơ một vài muôi cháo sánh như hồ nhưng cũng không quá nặng sệt vào lòng tô nhỏ. Một làn khói nhẹ vu vơ bay lên, điểm mùi thơm của nếp, của đỗ xanh đã nhuyễn nhừ. Thả thêm một vài miếng đậu vàng ruộm điểm chút hành hoa và dăm quả cà muối. Thế là đã có đủ một miếng vu vơ giữa phố phường Hà Nội.