Những hẹn hò trên con phố Hàng Bồ

Bài và ảnh HẢI AN |

Con phố Hàng Bồ ngắn như một thân cỏ thạch xương bồ, không quá nổi một gang tay. Thế nhưng, đây lại là một con phố sầm uất, tấp nập của vùng lõi phố cổ Hà Nội với biết bao chồng lấp lịch sử, thời gian. Khi lang thang trên vỉa hè của phố Hàng Bồ, ta không chỉ đi giữa muôn cảnh mưu sinh sống động mà còn lạc bước vào một thế giới những miếng ngon cho giới cần lao, với đủ tiêu chí: ngon và rẻ.

Con phố của muôn cuộc mưu sinh

Những phường nghề đã tạo nên Kẻ Chợ ở chốn “băm sáu phố phường”. Có những hàng phố gợi vẻ an nhàn, nhẹ nhõm như Hàng Đào, Hàng Bạc, Hàng Đường nhưng cũng có những con phố mang đậm nét lao động, cần lao trong cái tên của mình, chẳng hạn như Hàng Bồ vậy.

Giờ đây, người ta không còn đan bồ, đan sọt bằng tre nứa để bán trên con phố này nữa, thế nhưng, ở phố Hàng Bồ, chưa bao giờ tắt đi hơi thở hối hả của công việc kinh doanh, buôn bán ngay cả khi tịch mịch giữa đêm khuya. Dẫu sao, bao trùm lên đó vẫn là vẻ đẹp mơ màng, lãng mạn của chút lộc si mới nảy trong mưa, của dáng bàng nghiêng mình bên mái ngói.

Theo sách Dư địa chí Hà Nội, phố Hàng Bồ có chiều dài 270 mét thuộc phường Hàng Bồ, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, địa giới được xác định từ phố Hàng Bạc đến ngã tư Bát Đàn - Hàng Thiếc - Thuốc Bắc - Hàng Bồ. Đầu phố nối Hàng Bạc thuộc đất thôn Xuân Yên, đầu phố nối với Bát Đàn thuộc đất thôn Nhân Nội, thuộc tổng Thuận Mỹ, huyện Thọ Xương cũ.

Phố Hàng Bồ. Ảnh: Hải Nguyễn
Phố Hàng Bồ. Ảnh: Hải Nguyễn

Hàng Bồ không chỉ bán bồ, sọt mà còn sản xuất, kinh doanh nhiều thứ mặt hàng khác. Khởi thuỷ, đã lúc một phần phố Hàng Bồ được gọi là Hàng Dép bởi chuyên làm dép guốc bằng gỗ, rồi đóng giày da. Cũng có khi, Hàng Bồ là nơi các ông đồ trải chiếu nằm viết chữ bán vào dịp Tết.

Bài thơ “Ông đồ” của Vũ Đình Liên chính là viết về những ông đồ trên phố Hàng Bồ với hình ảnh đầy hoài niệm phấp phới những tấm giấy điều viết chữ thánh hiền hay những câu đối vạn vẻ tốt tươi. Không chỉ thế, Hàng Bồ còn là nơi bán tranh chơi Tết với đầy đủ hoạ phẩm của Đông Hồ, Hàng Trống hay tranh Tàu đưa sang.

Nào đâu đã hết, Hàng Bồ còn có nghề truyền thống là làm hương. Rất nhiều người cứ nghĩ rằng, nghề làm hương là của dân ngõ Hàng Hương mạn Cửa Đông. Nhưng không, nghề làm vàng hương của phố Hàng Bồ là một nghề lâu đời, vẫn được duy trì cho đến ngày nay.

Cũng bởi, hương Hàng Bồ nổi tiếng xưa nay, với đa dạng sản phẩm như hương nén, hương vòng, hương trầm, hương thẻ. Hương Hàng Bồ có nén nhỏ xíu như đầu tăm, có loại cao tới 2m, to bằng cái mẹt, có thể cháy liền mấy ngày Tết. Ngay đoạn đầu phố Hàng Bồ, số nhà 29, hiệu Quảng Thái vẫn tự hào trưng biển “Hương thơm cổ truyền Hà Nội”.

Đến bây giờ, phố Hàng Bồ lại là con phố được mọi tay thợ may lành nghề nhất Hà Nội lượn lờ như ong tìm kiếm một mặt hàng độc đáo được bày bán, đó là phụ liệu may mặc.

Từ những chiếc khuy be bé, xinh xinh làm bằng đủ chất liệu đến những chiếc đinh tán, cúc bấm, những bông hoa nhỏ xinh, những hạt cườm lóng lánh hay những dải ruy băng duyên dáng, sợi bằng tơ, móc cài xanh đỏ, khóa kéo và hàng ngàn mẫu thêu đều có thể tìm thấy trên con phố này.

Không biết ai là người đầu tiên đã mang mặt hàng này về Hàng Bồ kinh doanh, nhưng bây giờ, dễ đến hàng chục nhà đều mua mua bán bán những thứ đồ chơi, đồ hàng này. Cả đoạn đường đầu Hàng Bồ giáp Hàng Ngang lúc nào cũng đông đúc người ra vào mua bán, lúi húi tỉ mẩn lựa chọn những món đồ ưng ý.

Có thể thấy, kể từ khi khởi thuỷ cho đến ngày nay, phố Hàng Bồ luôn là một trung tâm sản xuất, kinh doanh đa ngành nghề. Cuộc mưu sinh chưa bao giờ tắt trên con phố này và nó đã tạo nên linh hồn của phố. Không biết có phải ngẫu nhiên không mà trụ sở đầu tiên của báo Lao Động, tiếng nói của giai cấp cần lao, cũng được đặt trên phố Hàng Bồ, tại số nhà 51.

Nhà số 51 Hàng Bồ là một địa chỉ đỏ của Hà Nội những ngày toàn quốc kháng chiến. Tại đây ngày 6.1.1947, Trung đoàn Liên Khu 1, sau này được đổi tên thành Trung đoàn Thủ đô đã ra mắt. Trung đoàn Thủ đô được thống nhất từ các lực lượng quân sự của Liên Khu 1 như Vệ Quốc đoàn, Tự vệ thành, Công an xung phong.

Ngoài ra, đây còn vừa là trụ sở của Hội Công nhân Cứu quốc Trung ương vừa là trụ sở Xứ ủy Bắc Kỳ của Đảng, đồng thời là nơi làm việc của Xứ ủy Việt Minh. Sau khi thủ đô sạch bóng gót giày lê dương của thực dân, nó đã trở thành toà soạn báo Lao Động.

Quyến rũ những món ngon cần lao

Cũng như mọi con phố khác, Hàng Bồ có một nét cuốn hút ẩm thực khiến người ta phải lòng. Tuy nhiên, nét cuốn hút này rất khác, bởi nó sinh ra từ giới cần lao, dành cho giới cần lao.

Chỉ cần bước quá vài nhịp chân từ Hàng Bồ sang Bát Đàn, chúng ta sẽ rơi vào một miền ẩm thực khác, giàu danh tiếng, dài hàng người như phở gia truyền 49 Bát Đàn, phở xào Phú Mỹ, tiệm chim quay - bít tết Bảo Lâm, hiệu nem thính Bát Đàn... Nói chung, đây là một điểm ẩm thực vô cùng nổi tiếng.
Song, ở Hàng Bồ, những món ngon không lấp lánh như thế, không nổi tiếng như thế mà chỉ nằm trong miền nhớ của những người muốn ăn thứ gì đó ngon lành nhưng thật rẻ, vừa với túi tiền của cần lao. Người ta đã nói rằng, nếu trong túi chỉ có vài ba chục nghìn, hãy nghĩ đến Hàng Bồ cho một cuộc hân hoan.

Thương hiệu ẩm thực nổi tiếng nhất ở Hàng Bồ là quán phở Bắc Hải ở số nhà 22. Đó là một quán phở sẽ khiến chúng ta thấy quen bởi thỉnh thoảng lại bắt gặp biển hiệu phở này ở đâu đó trong Nam ngoài Bắc. Ừ thì là phở, nhưng liệu phở Bắc Hải có nổi tiếng bằng phở Bát Đàn, chắc chắn nhiều người sẽ truy vấn như thế?

Nhưng cần nhấn mạnh rằng, thương hiệu phở Bắc Hải có trước phở Bát Đàn rất lâu, từ trước khi cô con gái nhà phở Chiêu (Hàng Đồng) cùng chồng mở quán phở Bát Đàn. Trong bản đồ phở Hà Nội, hiệu phở Bắc Hải được xếp cùng mâm với những quán phở lâu đời như phở Thìn Bờ Hồ, phở Vui, phở Chiêu, phở Phú Xuân... Phở Bắc Hải khi “Nam tiến” cũng trở thành thương hiệu phở thành công nhất trong giới phở Bắc tại Sài Gòn.

Quán phở Bắc Hải.
Quán phở Bắc Hải.

Phở Bắc Hải thuộc dòng phở Hà Nội chính tông, không dùng nước mắm khi nấu nước lèo, bánh phở nhỏ, nước dùng đậm đà không đục, đầy đủ tái - chín - nạm - gầu - sốt vang, hành trần vừa đủ độ ngọt thơm giòn. Và một điều khiến phở Bắc Hải được lòng thực khách là giá rẻ.

Ở thời buổi này, một bát phở có thể khiến người ta mất từ 60.000 đồng đến 100.000 đồng như chơi, thế nhưng, tại hiệu phở Bắc Hải, thực khách chỉ tốn khoảng 35.000 - 40.000 đồng là có bát phở nạm hay gầu “ngon lành cành đào”, một mức giá rất bình dân cho một bát phở bán trên phố cổ cùng trục với Bát Đàn.

Tôi đồ rằng, chủ của hiệu phở Bắc Hải muốn bát phở của mình được người lao động thưởng thức nên mới làm ra bát phở ngon với giá rẻ như thế. Chênh lệch vài chục nghìn để ăn một bát phở có khi là giới hạn để khiến ai đó ngần ngại bước vào quán phở. Thế nên, phở Bắc Hải cứ bán phở ngon và rẻ, để giữ lấy nét riêng cho mình.

Đi quá lên trên phở Bắc Hải vài số nhà, dưới chân một gốc bàng nằm đối chếch chếch số nhà 51 Hàng Bồ đã nói ở trên, có một quầng khói ấm kỳ diệu, thường bay huyền ảo trong ánh nắng ban mai. Khói đó bay lên từ nồi cháo sườn bán trên vỉa hè, thường dịch chuyển giữa số nhà 30 và 32.

Cháo sườn, thứ cháo của người già, trẻ nhỏ và những người thích ăn vặt bởi nó nhẹ nhàng, mềm mại. Thứ cháo ấy nấu bằng bột gạo với hầm từ sườn thăn hay sườn sụn, tạo thành một thứ hồ sền sệt, thơm mùi gạo, đủ khiến con tì con vị ướt đẫm như sau cơn mưa rào.

Một sáng đầu tháng Tám, khi trời đã chuyển sang tiết thu, hơi nóng đã dịu, phố phường trở nên mơ màng. Phải dậy thật sớm để ra Hàng Bồ ăn bát cháo sườn đó để thụ cảm đầy đủ vẻ ngon lành của một món ăn đường phố. Phải thật sớm, bởi nếu đến sau 8h30, có lẽ chỉ còn mùi cháo sườn phảng phất khi gánh cháo đã dọn về để nhường chỗ cho cửa hàng đồ phụ liệu may mặc hoạt động.

Những gương mặt háo hức ngồi quanh một chiếc thúng, nhồi đầy vải vụn. Chính giữa là một chiếc nồi nhôm cỡ 15 lít. Khi bà hàng cháo mở chiếc vung ra, mây khói yên hà thơm phức, ấm áp tuôn ra hối hả làm những đôi mắt sáng lên. Bàn tay bà hàng cháo khéo léo cầm muôi chạy một vòng, cháo lọt đầy vào lòng muôi mà không làm khuấy động cả nồi, rồi được trút sang tô gọn ghẽ.

Rồi một tí ruốc, vài thanh quẩy cắt lạch xạch phủ vàng mặt tô cháo, rắc thêm tí tiêu sọ cùng ớt bột thế là thuần thành. Bưng bát cháo sườn trên tay mà ngỡ như bưng một làn khói ấm, ngon lành và đẹp đẽ vô cùng. Khói ấm bay làm lộ hình dung của nắng sớm, của gió heo may mới khởi, của lòng sung sướng con người.

Cháo sườn.
Cháo sườn.

Hà Nội có rất nhiều quán cháo sườn ngon lắm như cháo sườn Ngõ Huyện, cháo sườn ngõ Thọ Xương (nay đã chuyển đi đâu mất). Thế nhưng cháo sườn Hàng Bồ lại có một phong vị rất riêng, rất ngắn ngủi và nhanh chóng biến mất bởi chưng lắm kẻ mong cầu.

Cháo sườn ở Hàng Bồ được nấu bằng nước hầm sườn non. Gạo được xay nhuyễn nên tô cháo đặc quánh, sánh mịn và thơm nức mùi gạo mới. Miếng quẩy vàng ươm, giòn tan. Miếng sườn được hầm vừa tới, độ mềm dai vừa đủ, ngọt lịm. Mùi tiêu thơm lừng, hòa quyện trong mùi sườn, mùi gạo, theo con gió lúc sớm mai như mang hương đi khắp các ngõ phố. Và bát cháo ấy chỉ có giá 15.000 - 20.000 đồng, quá rẻ cho một món điểm tâm buổi sáng.

Bún riêu cua.
Bún riêu cua.

Trên con phố Hàng Bồ ngăn ngắn đó, còn biết bao món ăn ngon giá rẻ khác. Bún riêu, bánh cuốn, bánh xèo, mỳ gà tiềm hay chè đông - chè hè, những thứ làm dạ dày rộn ràng nhưng không làm chiếc ví xót xa. Đó chính là tinh thần đặc biệt của ẩm thực Hàng Bồ, một nền ẩm thực vì giới cần lao.

Bài và ảnh HẢI AN
TIN LIÊN QUAN

Con gái phố cổ

Lê Hồng Lam |

1. An bảo tôi: Anh vẫn còn nợ bọn em một bài viết đấy nhé, thanh minh cho con gái phố cổ bọn em.

Độc đáo nghề khắc con dấu thủ công trên phố cổ Hà Nội

Hương Lê |

Giữa phố cổ Hà Nội tấp nập người qua lại vẫn tồn tại vài tiệm khắc con dấu thủ công, nơi lưu giữ dấu ấn của thời gian.

Khám phá thiên đường ẩm thực ngon bổ rẻ giữa phố cổ Hà Nội

MINH HÀ - LINH TRANG |

Ngõ chợ Đồng Xuân được mệnh danh là thiên đường ẩm thực của Hà Nội, thu hút nhiều du khách đến thưởng thức. Các món ăn tại đây có giá rất bình dân, trung bình từ 5.000- 50.000 đồng, luôn làm hài lòng thực khách vì sự tươi ngon, chất lượng.

Vụ nổ khí ga ở Hà Nội: Nhiều người đi đường bị kính văng chảy máu

Khánh Linh |

Theo nhân chứng, vụ nổ khí gas ở quán lẩu 42K, Yên Phụ, Hà Nội khiến ít nhất 4 người bị thương nặng, đồ đạc, mảnh kính bay tung toé.

3 ngày thưởng thức đặc sản, trải nghiệm ẩm thực Michelin tại Hà Nội

Anh Tuấn |

Với chủ đề “Tinh hoa Ẩm thực Việt”, Không gian giới thiệu Ẩm thực Hà Nội sẽ diễn ra từ ngày 29.9 đến 1.10.2023 tại Cung Thiếu nhi Hà Nội.

Đại biểu chất vấn về kỳ án gỗ trắc, Bộ trưởng nói không có quyền đi vào nội dung

PHẠM ĐÔNG - TRẦN VƯƠNG |

Đại biểu Quốc hội Hoàng Đức Thắng (Quảng Trị) chất vấn liên quan đến kỳ án gỗ trắc ở tỉnh Quảng Trị, song Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết bộ không có thẩm quyền đi vào nội dung.

Lý do đấu giá tài sản công đến 6 lần không ai mua

PHẠM ĐÔNG - TRẦN VƯƠNG |

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, có những vụ bán đấu giá tài sản đến 6 lần nhưng không ai mua, có tâm lý e ngại khi mua tài sản thi hành án của người dân, phải hời lắm thì mới mua.

Dự kiến tăng phụ cấp cho giáo viên mầm non 10%, giáo viên tiểu học 5%

Tường Vân |

Thông tin trên được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) Nguyễn Kim Sơn chia sẻ tại buổi gặp gỡ, đối thoại với giáo viên sáng ngày 15.8.

Con gái phố cổ

Lê Hồng Lam |

1. An bảo tôi: Anh vẫn còn nợ bọn em một bài viết đấy nhé, thanh minh cho con gái phố cổ bọn em.

Độc đáo nghề khắc con dấu thủ công trên phố cổ Hà Nội

Hương Lê |

Giữa phố cổ Hà Nội tấp nập người qua lại vẫn tồn tại vài tiệm khắc con dấu thủ công, nơi lưu giữ dấu ấn của thời gian.

Khám phá thiên đường ẩm thực ngon bổ rẻ giữa phố cổ Hà Nội

MINH HÀ - LINH TRANG |

Ngõ chợ Đồng Xuân được mệnh danh là thiên đường ẩm thực của Hà Nội, thu hút nhiều du khách đến thưởng thức. Các món ăn tại đây có giá rất bình dân, trung bình từ 5.000- 50.000 đồng, luôn làm hài lòng thực khách vì sự tươi ngon, chất lượng.