Quê hương của loài người

Huy Minh (tổng hợp) |

Châu Phi - cái nôi của loài người - mặc dù khí hậu khắc nghiệt và đầy biến động nhưng lại được bù đắp bởi lượng tài nguyên thiên nhiên vô cùng phong phú: Vàng, ngà voi, dầu mỏ, các loại khoáng sản quý... Chính nguồn tài nguyên dồi dào đã định hình nên sự giầu có của châu lục này suốt hàng nghìn năm qua và cũng là lý do của những cuộc chiến tranh giành lãnh thổ, những xung đột nội bộ từ cổ chí kim.

“Phi Châu thịnh vượng: Lịch sử 5.000 năm của sự giàu có, tham vọng và nỗ lực” - một tác phẩm đồ sộ của nhà sử học, nhà báo Martin Meredith, sẽ giúp bạn đọc hiểu rõ hơn những bất ổn đó của Châu Phi và hơn thế nữa. Ngay cả những chuyên gia lâu năm cũng có thể học hỏi được rất nhiều điều bởi lượng kiến thức khổng lồ mà cuốn sách mang lại. Xin lược giới thiệu một số trích đoạn tới bạn đọc.

Nơi sản sinh niềm tin vào các vị thần đầu thú mình người 

Vươn cao sừng sững trên các đồng bằng sa mạc phía tây nam Ai Cập, những vách đá dựng đứng của cao nguyên Gilf Kebir toát lên vẻ kỳ bí. Cao nguyên này nằm ở trung tâm khu vực khô cằn và khắc nghiệt nhất Sahara, sa mạc lớn nhất thế giới, trải dài theo chiều rộng Châu Phi từ Đại Tây Dương đến Biển Đỏ. Giờ đây, chẳng còn ai sống ở vùng vách đá Gilf Kebir hoang dã này. Thế nhưng, tại đây những hình vẽ và tranh khắc đá thời tiền sử lại bày ra quang cảnh mọi người nhảy múa, săn bắn và bơi lặn, dấu tích về một kỷ nguyên đã biến mất. Cư dân cổ đại của Gilf Kebir cũng để lại các dấu bàn tay, với lòng bàn tay và ngón tay xòe rộng. Ở vùng ngoại vi phía bắc của cao nguyên, họ đã dựng một vòng tròn đá được căn chỉnh chính xác theo thiên văn, tiết lộ những nghiên cứu về các vì sao.

Sahara từng là vùng đồng cỏ tươi tốt có hồ, sông và nguồn nước mưa dồi dào, là lãnh địa của những mục đồng, thợ săn du mục và nhiều loài động vật hoang dã Châu Phi như voi, hươu cao cổ, tê giác, hà mã và trâu mộng. Nhưng khoảng 7.000 năm trước, vành đai mưa do tác động của gió từ nam Đại Tây Dương thổi vào đã bắt đầu dịch chuyển dần về phía nam, đánh dấu sự khởi đầu của khí hậu khô cằn và buộc các nhóm chăn nuôi gia súc phải di chuyển sang nơi khác. Khoảng 6.000 năm trước, phần lớn sa mạc Sahara đã thành nơi không còn sinh sống được, chỉ còn là một khu vực đá sỏi và những núi cát bay. Giống như các cộng đồng khác ở phía đông Sahara, cư dân Gilf Kebir đã rời bỏ lãnh địa của mình để đến quần cư về phía bờ sông Nile. Thung lũng sông Nile, dải đất hẹp màu mỡ được vành đai sa mạc bao bọc ở cả hai phía, đã trở thành nơi trú ngụ của cư dân đang ngày càng gia tăng dân số tại đây. Những cư dân du mục từ Sahara, mang theo truyền thống chạm khắc đá và kiến thức về thiên văn, đã đến định cư cùng người dân sống ở vùng thung lũng vốn đã quen canh tác các loại cây trồng như hạt kê, lúa mì, lúa mạch.

Khoảng 5.500 năm trước, toàn bộ chiều dài thung lũng sông Nile được bao bọc bằng một loạt những ngôi làng. Một số cụm làng phát triển thành các thị trấn có tường thành bao bọc phía bên ngoài. Các thị trấn trở thành trung tâm thờ cúng các vị thần địa phương, nhằm đảm bảo đất đai màu mỡ và đời sống cư dân ổn định. Những ý niệm tôn giáo phát triển từ niềm tin vào sức mạnh ma thuật của đồ vật, đến niềm tin vào sức mạnh ma thuật của động vật - như chim ưng, chó rừng, rắn và cá sấu - và cuối cùng là niềm tin vào các vị thần đầu thú mình người.

Các xã hội mới xuất hiện tại thung lũng sông Nile ngày càng phân cấp. Trên đỉnh là một nhóm nhỏ ưu tú giàu có, những người thực thi quyền lực lên số đông các đối tượng còn lại, kiểm soát thương mại và mạng lưới cung cấp, giữ vai trò bảo trợ tầng lớp thợ thủ công lành nghề mới có khả năng chế tác cả đá cứng, đá mềm và các đồ trang sức từ đồng, vàng, bạc và ngà voi cho mục đích sử dụng cá nhân. Các họa sĩ chế tác đồ gốm bắt đầu vẽ những hình ảnh phức tạp trên bát, bình và lọ hoa, phát triển thành truyền thống minh họa và thiết kế mà từ đây cho ra chữ viết tượng hình.

Giới thượng lưu ngày càng chịu ảnh hưởng của khái niệm tái sinh. Để chuẩn bị cho cuộc sống ở thế giới bên kia, các hoạt động chôn cất của họ trở nên phức tạp hơn bao giờ hết. Họ dành cho mình nghĩa trang riêng với những ngôi mộ được trang trí cầu kỳ và chất đầy hàng hóa có giá trị. Và họ bố trí cho cơ thể người chết được ướp và bọc trong vải lanh tẩm chất keo nhựa - gọi là ướp xác - nhằm đảm bảo những linh hồn bất tử ấy luôn tồn tại.

Trong khi đó, sự sống và cái chết đối với những người còn lại vẫn đơn giản. Hầu hết đối tượng là nông dân và ngư dân tự cung tự cấp, sống trong những ngôi nhà trát bùn ở những ngôi làng nhỏ, họ là những người sản xuất nông nghiệp thặng dư bị đánh thuế nặng và những người được sung làm lao động cho các dự án chính phủ. Những người này được chôn cất trong các hố cát thô sơ, không có quan tài hoặc đồ tùy táng.

Sông Nile cũng là huyết mạch giao thông và thương mại, sợi dây liên kết xuyên suốt các cộng đồng ở cách xa nhau. Thuyền bè đi đến miền Nam xa xôi để thu mua các nguyên liệu thô xa xỉ như ngà voi, gỗ mun, trầm hương và da động vật quý. Còn từ phía bắc là các mặt hàng như quặng đồng và dầu thơm. Khi các xã hội sống giữa thung lũng trở nên có tổ chức hơn, tốc độ đổi mới cũng được nâng lên nhanh chóng. Khoảng 5.100 năm trước, giới cầm quyền bắt đầu thử nghiệm hệ thống chữ viết bản địa bằng việc sử dụng chữ tượng hình. Bằng chứng sớm nhất được biết đến của chữ viết Ai Cập đã được tìm thấy trên những mẩu nhãn bằng xương nhỏ gắn trên các vật dụng mộ táng trong ngôi mộ trang trí công phu của một chức sắc địa phương được chôn cất tại nghĩa trang hoàng gia ở Abydos, gần thành phố cổ Tjeni, vào khoảng năm 3.100TCN. Ban đầu chữ viết được ghi lại trên những viên bi hoặc tấm bảng bằng đất sét, nghĩa là khắc vào đất sét ướt rồi phơi khô. Sau này, người Ai Cập đã phát triển một loại giấy nguyên bản từ thân cói nghiền ra rồi dệt lại với nhau. Ai Cập thống nhất gần 5.000 năm trước đã đánh dấu sự xuất hiện của nhà nước - quốc gia đầu tiên trên thế giới. Những người cai trị đất nước này - một sự tiếp nối triều đại của các pharaoh tồn tại 3.000 năm - đã có được vị thế của thần linh và dành phần lớn thời gian chứng minh quyền uy toàn năng của họ. Họ xây dựng những ngôi mộ và đền thờ hoàng gia khổng lồ, đổ tiền cho dự án xây dựng các công trình hoàng gia với quy mô xa hoa và điều hành một trong những nền văn minh rực rỡ nhất trong lịch sử loài người.

Một bức họa về người giàu nhất mọi thời đại - khi qua đời vào năm 1337, Hoàng đế Mansa Musa tích lũy số của cải lớn đến mức “nhiều hơn bất cứ ai có thể mô tả“.
Một bức họa về người giàu nhất mọi thời đại - khi qua đời vào năm 1337, Hoàng đế Mansa Musa tích lũy số của cải lớn đến mức “nhiều hơn bất cứ ai có thể mô tả“.

Truyền thuyết về một Châu Phi thịnh vượng

Ngay từ thời pharaoh, người đời đã thèm khát sự giàu có của Châu Phi. Các kim tự tháp ở thung lũng sông Nile đã làm cho thế giới ngoài kia choáng ngợp, không chỉ vì sự khéo léo của các kiến trúc sư và thợ xây bản địa mà còn bởi những công trình này được xem là biểu tượng giàu có của tầng lớp cai trị Ai Cập vốn phó thác chúng như là những viên đá dẫn đường đưa họ sang thế giới bên kia.

Truyền thuyết về một Châu Phi thịnh vượng đã kéo dài hàng nghìn năm, thu hút bao nhà thám hiểm và kẻ xâm chiếm đến từ những vùng đất xa xôi. Những câu chuyện trong Kinh Thánh về các món quà tuyệt vời bằng vàng và đá quý mà nữ hoàng Sheba mang đến tặng vua Solomon trong chuyến thăm Jerusalem vào thế kỷ X trước Công nguyên (TCN) đã đưa vùng đất Ophir sống dậy trong nền văn hóa dân gian, từ đó truyền cảm hứng cho các nhà thám hiểm Châu Âu thực hiện hành trình tìm vàng rồi gây nên cuộc chiến chinh phạt ở miền Nam Châu Phi vào 3.000 năm sau.

Đất đai cũng là tặng phẩm. Từ các thuộc địa ở Bắc Phi, người La Mã mang về những chuyến hàng ngũ cốc thiết yếu, nuôi sống dân số đang ngày càng gia tăng tại thành Rome. Họ lấy tên Africa để đặt cho một trong những tỉnh ven biển, theo tên gọi Afri của một tộc người Berber sống ở khu vực Tunisia ngày nay. Những kẻ xâm lược Ả Rập cũng theo chân người La Mã. Làn sóng đầu tiên đến đây vào thế kỷ VII đã thay thế các thủ lĩnh người bản địa ở hầu khắp Bắc Phi. Họ dùng tên Ifriqiya, một tên gọi theo tiếng Ả Rập, để gọi chung cho vùng duyên hải này.

Khi các thủy thủ Châu Âu bắt đầu hành trình khám phá bờ biển Đại Tây Dương của Châu Phi vào thế kỷ XV, họ đã dùng tên “Africa” làm tên chung cho toàn bộ lục địa. Mục đích ban đầu là tìm ra tuyến đường biển dẫn đến các mỏ vàng ở Tây Phi, nơi họ cho là điểm xuất phát của các đoàn lạc đà thồ hàng, mang vàng băng qua sa mạc Sahara, đến các thương cảng ở bờ biển Châu Phi của Địa Trung Hải. Hứng thú dành cho các mỏ vàng ở Tây Phi bị kích thích khi người ta nghe được chuyện về Mansa Musa, người cai trị đế chế Mali, đã đến thăm Cairo vào năm 1324 trong chuyến hành hương đến Mecca. Ông đã hào phóng phân phát vàng đến mức hủy hoại thị trường tiền tệ tại đó suốt hơn mười năm. Các chuyên gia vẽ bản đồ Châu Âu đã cẩn thận ghi nhận sự kiện này. Họ dùng bức họa Mansa Musa để trang trí họa đồ Catalan Atlas năm 1375 và đó cũng là một trong những bộ bản đồ Châu Âu đầu tiên cung cấp thông tin có căn cứ về Châu Phi. Trên bản đồ ghi chú: “Ở xứ của ông tìm thấy rất nhiều vàng, điều đó khiến ông trở thành vị vua giàu có và cao quý nhất trên khắp lãnh thổ”. Những tính toán thời nay cho thấy Mansa Musa là người giàu nhất từng được biết đến trên thế giới, hơn cả những tỉ phú ngày nay.

Một mặt hàng khác ở Châu Phi cũng có mức cầu cao là nô lệ. Nô lệ là chế độ đặc trưng phổ biến trong nhiều xã hội Châu Phi. Thông thường, nô lệ là tù binh mà các thủ lĩnh ở Châu Phi giành lấy để tạo uy danh và xây dựng đế chế, sử dụng họ làm lao động và sung làm binh lính. Nhưng buôn bán nô lệ đường dài, vốn kéo dài suốt hơn một nghìn năm, đã bổ sung thêm chiều hướng mới đáng sợ. Từ thế kỷ IX trở đi, nô lệ từ khu vực Châu Phi cận Sahara thường phải di chuyển xuyên qua sa mạc Sahara, người ta vận chuyển họ qua Biển Đỏ và tiếp nhận ở khu vực bờ biển phía đông sau đó bán cho các thị trường ở Levant, Lưỡng Hà, bán đảo Ả Rập và vịnh Ba Tư. Vào thế kỷ XVI, các thương nhân Châu Âu đã khởi xướng thương mại xuyên Đại Tây Dương đến Châu Mỹ. Hầu hết các giao dịch nô lệ nội địa với mục đích bán ra nước ngoài đều qua tay các thương nhân và lãnh chúa Châu Phi. Vào cuối thế kỷ XIX, lưu lượng mua bán nô lệ Châu Phi đạt con số khoảng 24 triệu người, bao gồm đàn ông, phụ nữ và trẻ em.

Châu Phi cũng được coi là nơi cung cấp ngà voi chính yếu của thế giới. Trong nhiều thế kỷ, nhu cầu sử dụng ngà voi Châu Phi chủ yếu đến từ châu Á, từ các thị trường ở Ấn Độ và Trung Quốc. Nhưng vào thế kỷ XIX, khi cuộc cách mạng công nghiệp ở Châu Âu và Bắc Mỹ chuyển biến mạnh, việc sử dụng ngà voi làm phím đàn piano, bóng bi-a, dụng cụ khoa học và một loạt các mặt hàng gia dụng đã khiến nó trở thành một trong những mặt hàng thu lợi nhiều nhất trên địa cầu.

Vua Leopold II của Vương quốc Bỉ, vị vua tham lam và lắm mưu mô, đã đặt mục tiêu tích lũy tài sản cá nhân từ ngà voi. Ông tự tuyên bố rằng mình là “Quốc chủ” của hơn 2,5 triệu kilômét vuông lưu vực sông Congo. Khi lợi nhuận từ việc buôn bán ngà voi bắt đầu suy giảm, Leopold chuyển sang mặt hàng khác là cao su mọc hoang để làm giàu. Vài triệu người dân Châu Phi đã chết vì chế độ khai thác cao su hà khắc của Leopold, nhưng chính vị vua này đã thành công, trở thành một trong những người giàu nhất thế giới. Và rồi, việc Leopold tham vọng muốn có được thứ mà ông gọi là “một phần của chiếc bánh ga-tô Châu Phi hoành tráng này” đã trở thành nguyên nhân chính làm bùng nổ “cuộc tranh giành” lãnh thổ Châu Phi cuối thế kỷ XIX. Châu Phi đã trở thành mục tiêu tranh giành khốc liệt của Châu Âu.

Trong vòng hai mươi năm, chủ yếu với hy vọng đạt được lợi ích kinh tế và vị thế quốc gia, các cường quốc Châu Âu tuyên bố sở hữu hầu như toàn bộ lục địa này. Sự chiếm đóng của người Châu Âu đã kích động các cuộc kháng chiến ở hầu khắp mọi nơi ở châu lục này. Đa phần các lãnh đạo Châu Phi chống lại ách thống trị của thực dân hoặc đều đã chết trong các trận chiến hoặc chịu xử tử hoặc lưu đày sau khi bại trận.

Ở “màn” kết của việc phân chia đất đai, người Anh, lúc này đang ở đỉnh cao sức mạnh đế quốc, đã phát động cuộc chiến tranh với hai nước cộng hòa của người Boer ở Nam Phi, quyết chạm tay vào mỏ vàng giàu trữ lượng nhất từng được phát hiện này, từ đó để lại di sản cay đắng và thù hận giữa những người Afrikaner (người gốc Hà Lan tại Nam Phi) kéo dài qua nhiều thế hệ.

Sau những cuộc tranh giành, các cường quốc Châu Âu đã sáp nhập khoảng 10.000 thực thể chính trị Châu Phi thành đúng bốn mươi thuộc địa. Các lãnh thổ mới đa phần là những thực thể nhân tạo, ranh giới phân chia không quá chú trọng việc ngăn cách các nền quân chủ, thủ lĩnh cũng như các xã hội khác đang cùng tồn tại trong khu vực. Hầu hết các nhóm này không chia sẻ lịch sử, văn hóa, ngôn ngữ hoặc tôn giáo, thậm chí tiềm ẩn nhiều thù địch. Nhưng tất cả đều chịu đựng lẫn nhau để hình thành nên nền tảng các quốc gia hiện đại ở Châu Phi.

Chế độ cai trị của thực dân đã mang lại vô số thay đổi, với các tuyến đường bộ, đường sắt, nỗ lực kích thích tăng trưởng kinh tế và giúp các lãnh thổ này tự chủ. Mô hình hoạt động kinh tế mới được hình thành. Các thuộc địa Châu Phi đã trở thành những quốc gia xuất khẩu các mặt hàng nông nghiệp trọng yếu như bông sợi, ca cao và cà phê. Ở khu vực cao nguyên phía đông và nam Châu Phi, người định cư Châu Âu đã sở hữu những vùng đất rộng lớn, đặt nền móng cho nông nghiệp thương mại quy mô lớn. Nhưng điểm thu hút nhất chính là trữ lượng khoáng sản dồi dào của Châu Phi. Khoáng sản phong phú của Katanga, trong lần đầu phát hiện, được mô tả là “Vụ chấn động địa chất thực sự”. Người ta phát hiện Châu Phi không chỉ sở hữu trữ lượng vàng, kim cương và quặng đồng ở mức dồi dào mà còn rất nhiều khoáng sản có giá trị khác, kể cả dầu mỏ.

Theo dự tính, chế độ cai trị thuộc địa sẽ diễn ra hàng trăm năm, nhưng hóa ra đó chỉ là giai đoạn ngắn trong lịch sử Châu Phi, kéo dài trong hơn bảy mươi năm. Đối mặt với làn sóng phản đối và nổi dậy chống thực dân gia tăng, các chính phủ Châu Âu đã trao trả lãnh thổ Châu Phi cho các phong trào độc lập. Nền giáo dục phương Tây và trình độ học vấn được cải thiện đã làm xã hội Châu Phi ở khu vực Châu Phi nhiệt đới có nhiều thay đổi. Nhưng chỉ nổi lên vài ốc đảo phát triển kinh tế hiện đại và hầu hết tập trung ở các khu vực ven biển hoặc gắn với các doanh nghiệp khai khoáng tại Katanga và vành đai các mỏ đồng của Zambia. Phần đông các khu vực bên trong vẫn kém phát triển, hẻo lánh và cắt đứt mọi tiếp xúc với thế giới hiện đại. Hơn nữa, trong lúc chính phủ Châu Âu rời đi, các công ty Châu Âu vẫn giữ quyền kiểm soát đế chế kinh doanh được xây dựng hơn nửa thế kỷ. Hầu như tất cả các ngành sản xuất, ngân hàng, xuất nhập khẩu hiện đại, vận chuyển, khai khoáng, trồng rừng và các doanh nghiệp gỗ chủ yếu vẫn nằm trong tay các tập đoàn nước ngoài. Mãi cho đến gần thời điểm cáo chung của chế độ thực dân, người Châu Âu vẫn chỉ làm theo một câu ngạn ngữ cổ: “Giao quốc hội cho họ và giữ lại ngân hàng.”

Kỷ nguyên độc lập, bắt đầu từ những năm 1950, đã mang lại hân hoan cho người dân và nhận được sự tán dương của toàn thế giới. Châu Phi có vẻ như nắm giữ rất nhiều hứa hẹn. Các nhà lãnh đạo Châu Phi tiến về phía trước với năng lượng và nhiệt huyết thực hiện nhiệm vụ phát triển châu lục. Tuần trăng mật, dù vậy, lại ngắn ngủi thay. Các nhà nước mới của châu lục này lại không phải “quốc gia”, bởi không sở hữu bất kỳ chất kết dính dân tộc, giai cấp hay ý thức hệ nào có thể gắn kết lại với nhau. Một khi động lực lật đổ ách cai trị của thực dân lắng xuống, lòng trung thành và tham vọng cũ lại nổi lên và thường được các chính trị gia khai thác cho mục đích riêng của chính họ. Các nhà lãnh đạo Châu Phi giờ đây quan tâm nhiều hơn tới độc tôn quyền lực, thích cai trị thông qua các hệ thống bảo trợ để thực thi quyền kiểm soát. Giới cầm quyền nắm bắt mọi cơ hội làm giàu cho bản thân, cướp bóc tài sản nhà nước theo ý thích. Nhiều thập kỷ trôi qua trong xung đột nội bộ, quản lý yếu kém và tham nhũng.

Bất chấp mức độ rủi ro và phiền nhiễu cao như vậy, sự cám dỗ của một Châu Phi giàu có ở thế kỷ XXI vẫn mạnh mẽ như trong quá khứ. Tương tự hoạt động của các tập đoàn phương Tây trước đây, những tay chơi mới lại đặt chân đến vùng đất này. Sức mạnh kinh tế đang gia tăng của Trung Quốc và các nước Châu Á khác đã kích thích bùng nổ nhu cầu đối với nguồn tài nguyên dầu mỏ và khoáng sản của Châu Phi.

Một lần nữa, đất đai lại trở thành loại hàng hóa được đánh giá cao. Để đảm bảo nguồn cung thực phẩm, các tập đoàn nước ngoài đã mua lại những vùng đất rộng lớn ở Châu Phi, giống những gì người La Mã từng làm. Nhưng phần lớn của cải tạo ra từ các hoạt động của người nước ngoài lại chảy ra khỏi Châu Phi, về các điểm đến ở bên ngoài. Giới tinh hoa cầm quyền tại đây tiếp tục rút cạn các nguồn tiền của quốc gia, chuyển chúng thành những tài khoản khổng lồ trong ngân hàng và tài sản hải ngoại. Ngân hàng thế giới ước tính rằng 40% tài sản tư nhân của Châu Phi đang ở nước ngoài. Vì thế, Châu Phi vẫn là lục địa có tiềm năng to lớn, nhưng triển vọng hạn chế.

Châu Phi thực sự là lục địa đa dạng, sở hữu đủ loại hình phong cảnh và văn hóa. Khoảng 1.500 ngôn ngữ được sử dụng. Những mối nguy mà nó mang lại cũng đa dạng như vậy. Phần lớn Châu Phi chịu ảnh hưởng của khí hậu khắc nghiệt và biến động, lượng mưa không ổn định, hạn hán thường xuyên, địa hình trắc trở, đất đai nghèo nàn và có rất nhiều bệnh tật cho cả con người lẫn động vật. Thế nhưng, điều khiến châu lục này nổi bật cũng chính là tài nguyên thiên nhiên phong phú được tìm thấy. Chính nguồn tài nguyên dồi dào này đã đóng vai trò quan trọng trong việc định hình sự giàu có của Châu Phi suốt 5.000 năm qua.

(Còn nữa)

Huy Minh (tổng hợp)
TIN LIÊN QUAN

Từ cậu bé nghèo Châu Phi trở thành người thay đổi thế giới

TRần thế vinh (tổng hợp) |

“Người thu gió” là cuốn tự truyện đầy lôi cuốn kể về hành trình của một thiếu niên sinh ra ở một vùng đất nghèo khó Châu Phi, đã dám mày mò chế tạo ra cối xay gió từ phế liệu để tạo ra điện, thay đổi cuộc sống cho toàn bộ cộng đồng cũng như bản thân mình, truyền cảm hứng cho độc giả trẻ vươn lên bằng đam mê khám phá khoa học và công nghệ.

Liên Hợp Quốc cảnh báo về số phận của người dân Châu Phi

Nguyễn Hạnh |

Cơ quan khí hậu của Liên Hợp Quốc ngày 19.10 cảnh báo, các sông băng ở phía đông Châu Phi sẽ biến mất sau 2 thập kỷ, 118 triệu người nghèo phải đối mặt với hạn hán, lũ lụt hoặc nắng nóng khắc nghiệt.

Hóa thạch loài khủng long gai kỳ lạ lộ diện ở Châu Phi

Bảo Châu |

Hóa thạch loài khủng long ankylosaur kỳ lạ với đặc điểm nhiều gai nhọn mọc trên lưng đã được tìm thấy ở Châu Phi.

Kinh ngạc với hài cốt cổ từng can thiệp chỉnh sửa khuôn mặt ở Châu Phi

Bảo Châu |

Những hài cốt 500 tuổi cùng hàng trăm đồ vật kim loại có giá trị đã được khai quật ở Gabon, Châu Phi.

Công bố hình ảnh chưa từng thấy vụ tai nạn của phi công vũ trụ Yuri Gagarin

Khánh Minh |

Nga công bố những hình ảnh chưa từng thấy về vụ tai nạn máy bay khiến nhà du hành vũ trụ Yuri Gagarin tử nạn năm 1968.

Lên chợ mạng mua đăng kiểm giả, hơn 40 trường hợp bị xử lý

Tùng Giang - Đinh Thiện |

Để không mất thời gian, công sức đi lại, nhiều người lựa chọn lên mạng tìm mua sổ, tem đăng kiểm giả để đối phó với cơ quan chức năng.

Cảnh giác những mánh lừa khi thuê trọ

Chu Trang |

Phòng trọ với mức giá rẻ là mối quan tâm của nhiều sinh viên, người lao động khi sống và học tập tại các thành phố lớn. Lợi dụng nhu cầu đó, không ít đối tượng môi giới, chủ nhà đã tung ra các chiêu bài để lừa lọc người thuê.

Đưa tàu du lịch sẵn sàng đón khách

Nguyễn Hùng |

Do không thể đóng thêm tàu vì quy hoạch đội tàu du lịch vịnh Hạ Long đã chốt cố định số lượng, nên huyện Vân Đồn đề xuất điều chuyển một số tàu du lịch từ vịnh Hạ Long sang để phục vụ du khách khi mở các sản phẩm du lịch mới. Tuy nhiên, liệu tàu nào sẵn sàng về Vân Đồn khi vịnh Hạ Long luôn sôi động, đông khách?

Từ cậu bé nghèo Châu Phi trở thành người thay đổi thế giới

TRần thế vinh (tổng hợp) |

“Người thu gió” là cuốn tự truyện đầy lôi cuốn kể về hành trình của một thiếu niên sinh ra ở một vùng đất nghèo khó Châu Phi, đã dám mày mò chế tạo ra cối xay gió từ phế liệu để tạo ra điện, thay đổi cuộc sống cho toàn bộ cộng đồng cũng như bản thân mình, truyền cảm hứng cho độc giả trẻ vươn lên bằng đam mê khám phá khoa học và công nghệ.

Liên Hợp Quốc cảnh báo về số phận của người dân Châu Phi

Nguyễn Hạnh |

Cơ quan khí hậu của Liên Hợp Quốc ngày 19.10 cảnh báo, các sông băng ở phía đông Châu Phi sẽ biến mất sau 2 thập kỷ, 118 triệu người nghèo phải đối mặt với hạn hán, lũ lụt hoặc nắng nóng khắc nghiệt.

Hóa thạch loài khủng long gai kỳ lạ lộ diện ở Châu Phi

Bảo Châu |

Hóa thạch loài khủng long ankylosaur kỳ lạ với đặc điểm nhiều gai nhọn mọc trên lưng đã được tìm thấy ở Châu Phi.

Kinh ngạc với hài cốt cổ từng can thiệp chỉnh sửa khuôn mặt ở Châu Phi

Bảo Châu |

Những hài cốt 500 tuổi cùng hàng trăm đồ vật kim loại có giá trị đã được khai quật ở Gabon, Châu Phi.