Từ cậu bé nghèo Châu Phi trở thành người thay đổi thế giới

TRần thế vinh (tổng hợp) |

“Người thu gió” là cuốn tự truyện đầy lôi cuốn kể về hành trình của một thiếu niên sinh ra ở một vùng đất nghèo khó Châu Phi, đã dám mày mò chế tạo ra cối xay gió từ phế liệu để tạo ra điện, thay đổi cuộc sống cho toàn bộ cộng đồng cũng như bản thân mình, truyền cảm hứng cho độc giả trẻ vươn lên bằng đam mê khám phá khoa học và công nghệ.

Chàng trai đó chính là William Kamkwamba người vùng nông thôn Malawi, nơi thường xuyên xảy ra những đợt mưa lớn hoặc hạn hán kéo dài, khiến mùa màng liên miên thất bát, thậm chí khiến nhiều người phải bỏ mạng vì không còn thực phẩm để duy trì sự sống. Đến năm 14 tuổi (2001), cha mẹ William phải cho cậu nghỉ học, vì không thể lo nổi 80 đô la tiền học phí mỗi năm cho con. Nhưng đam mê học hành thúc giục cậu dùng thời gian rảnh rỗi đến đọc sách tại thư viện làng. Ở đó, với vốn tiếng Anh bập bõm và sự giúp sức của cuốn từ điển, William đọc được hai cuốn sách viết về việc tạo ra điện, khiến cậu nảy sinh ước mơ xây dựng được một cái cối xay gió giúp mang điện về làng - một sự xa xỉ vốn dĩ chỉ có 2% dân số Malawi được hưởng thụ khi đó.

Bắt tay xây dựng cối xay gió đầu tiên từ các loại phế liệu, hàng xóm của William ai cũng chế nhạo và gọi cậu là kẻ điên, người thân trong gia đình cũng nghi ngờ nhưng William vẫn quyết tâm cho họ thấy những gì một người ưa tìm tòi học hỏi và có chút khéo léo có thể làm ra.

Sử dụng kim loại bỏ đi, các bộ phận máy kéo, một nửa chiếc xe đạp, công tắc tự chế và bộ ngắt mạch làm từ đinh và dây, William đã tạo ra một cối xay gió thô sơ nhưng có thể hoạt động và cung cấp đủ điện cho bốn chiếc đèn chiếu sáng. Cối xay gió thứ hai giúp gia đình cậu có thể dùng máy bơm để cung cấp nước tưới cho cánh đồng ngô, thuốc lá của gia đình; thậm chí trồng thêm một mùa vụ nữa trong năm. Từ ý định khiêm tốn ban đầu, cuối cùng William đã chế tạo ra ba cối xay gió, cung cấp đủ điện cho máy bơm nước trong các cánh đồng của làng và cho sinh hoạt hằng ngày của các hộ dân, thay đổi cuộc sống của mọi người.

Câu chuyện chế tạo cối xay gió của William nhanh chóng vượt ra khỏi phạm vi của ngôi làng, và vào cuối năm 2006, sau chuyến viếng thăm của một chuyên viên giáo dục khi được nghe kể về cậu, William đã được trở lại trường học dưới sự bảo trợ của Chính phủ.  Năm 2007 và năm 2009, William 2 lần được mời đến nói chuyện trong chương trình Ted Talk nổi tiếng (chương trình kết nối và tổ chức các buổi nói chuyện, hội thảo nhằm quảng bá những ý tưởng đáng lan truyền ở mọi lĩnh vực trên phạm vi toàn cầu). Năm 2013, Tạp chí TIMES đã đưa anh vào danh sách những người thay đổi thế giới dưới 30 tuổi (30 People Under 30 Changing The World).

Khi biết đến câu chuyện của William, ngoài Chính phủ Malawi, rất nhiều cá nhân, tổ chức đã liên hệ và sẵn sàng tài trợ cho việc đi học của anh. Năm 2014, William với khả năng nói tiếng Anh hoàn hảo, đã tốt nghiệp Đại học Dartmouth, Hoa Kỳ, chuyên ngành nghiên cứu môi trường và kỹ thuật. Anh đã hợp tác với tổ chức buildOn.org, để xây dựng các lớp học mới cần thiết cho trường tiểu học của mình ở Wimbe. Trước đó, vào mùa hè năm 2010, anh quay trở lại Malawi để dạy các em nhỏ cách khai thác năng lượng gió. "Bây giờ các em có thể đọc vào ban đêm và sử dụng máy tính xách tay thông qua năng lượng mặt trời và gió", anh nói.

Vậy là một chàng thiếu niên Châu Phi vô danh từng phải đối mặt với nạn chết đói, bỏ học vì nghèo khó, đã trở thành người của công chúng.

Đọc hết “Người thu gió”, người đọc sẽ hiểu rằng, may mắn chỉ là yếu tố đến sau những cố gắng không mệt mỏi. Và hơn thế, mỗi người lại tìm thấy một phần của mình trong đó, dù bạn ở đâu, Malawi, nước Mỹ, hay Việt Nam. Từng trang sách còn là từng chuyến phiêu lưu, khám phá để đi từ thói quen tư duy “phép thuật thống trị thế giới” tới việc nhận ra “sự kỳ diệu của khoa học” với không chỉ nhân vật chính mà cả gia đình, bạn bè và dân làng Malawi.

Tôi thời bé đứng cùng bố ở làng Masitala. Với tôi, bố là người to nhất, khỏe nhất trần gian. Bố biết không ít về ma pháp, nhưng phép thuật không có chỗ trong đời bố. Ảnh: ETS cung cấp
Tôi thời bé đứng cùng bố ở làng Masitala. Với tôi, bố là người to nhất, khỏe nhất trần gian. Bố biết không ít về ma pháp, nhưng phép thuật không có chỗ trong đời bố. Ảnh: ETS cung cấp

Bởi sự chênh lệch về phát triển kinh tế giữa Việt Nam và Malawi có thể lên tới 20-30 năm, bạn đọc Việt Nam thế hệ 7X trở về trước có lẽ sẽ cảm nhận rõ nhất về hoàn cảnh khó khăn tại vùng quê Wimbe, Malawi, nơi cậu bé William sinh ra và lớn lên. Bạn đọc thế hệ 8X, 9X có thể thấy mình ở đâu đó trong các cuộc “đi săn” hay trò nghịch ngợm tuổi thơ. Đối với bạn trẻ thế hệ 10X, thì bối cảnh trong sách có lẽ là một cơ hội để tìm hiểu và tiếp cận với Châu Phi, một miền đất mà ít người có cơ hội trải nghiệm thực sự.

Xin giới thiệu một số trích đoạn trong cuốn sách này tới bạn đọc.

***

1. Tôi đã chuẩn bị xong xuôi, chỉ chờ khởi động. Lao động không ngừng khiến cánh tay tôi mỏi nhừ, nhưng cuối cùng thì đâu cũng ra đấy. Máy được chốt và cố định. Tháp vẫn vững vàng dưới nhằng nhịt thép và nhựa. Ngắm nhìn tạo vật của mình, tôi cứ ngỡ như đang mơ.

Tin đồn về cái máy lan khắp làng trong làng ngoài, bà con bắt đầu rục rịch tới. Từ quầy hàng, các nhà buôn nhìn thấy nó và đóng quầy. Cánh tài xế xe tải đậu xe dọc đường. Tất cả cuốc bộ đến thung lũng và tụ lại trong bóng râm. Tôi nhận ra từng khuôn mặt. Vài người trong số họ đã chế nhạo tôi hàng tháng trời qua, giờ vẫn đang xì xào, cả cười nữa.

Dòng người vẫn kéo về. Đã đến lúc.

Tay trái tôi cầm ống sợi và dây điện, tay còn lại kéo người đu lên nấc thang đầu tiên của tháp. Khung gỗ mềm cọt kẹt dưới sức nặng của tôi và đám đông rơi vào im lặng. Tôi vẫn leo, chậm rãi và chắc chắn.

Và rồi trước mặt tôi là khung máy thô sơ, với những cánh quạt nhựa đen cháy và bộ xương kim loại chắp vá. Tôi dừng lại để ngắm nhìn những vẩy sơn và gỉ sắt trên nền núi đồi và đồng ruộng. Mỗi mảnh ghép kể một câu chuyện về những tìm tòi, lạc lối và phát kiến trong những ngày tháng gian khổ hãi hùng.

Chúng tôi đã cùng nhau vượt khổ và tái sinh.

Đong đưa trong gió là hai sợi dây kim loại nối từ tâm máy. Tôi bện hai đầu hở với dây trong ống sậy, đích xác như tôi đã hình dung trước đó. Tiếng khúc khích vọng lên từ dưới đất như tiếng chim kêu.

“Trật tự nào”, ai đó nói. “Để xem thằng bé điên đến đâu”.

Một cơn gió bỗng nổi lên xóa nhòa tiếng xôn xao bên dưới. Rồi gió bắt đầu thổi đều, làm áo phông của tôi bay phấp phới và luồn qua các nấc thang trên tháp. Tôi với tay tháo một đoạn dây bẻ cong dùng để ngăn không cho bánh xe quay. Khi dây đã được tháo, bánh xe và cánh quạt bắt đầu quay, chậm rãi rồi nhanh dần, nhanh dần, cho đến khi lực quay của chúng làm rung chuyển cả tòa tháp. Gối tôi khuỵu xuống, nhưng tôi cố trụ.

Đừng làm ta thất vọng.

Tôi nắm chắc ống sậy và dây, mong chờ một phép màu. Và phép màu cuối cùng đã tới, bắt đầu từ một tia sáng le lói bắn ra từ lòng bàn tay tôi rồi trở thành một luồng sáng huy hoàng, khiến đám đông giật mình há hốc mồm. Bọn trẻ con chen lên để nhìn rõ hơn.

“Hóa ra là thật!” - ai đó nói.

“Đúng vậy”, một người khác đáp. “Thằng bé đã thành công”.

2. Trước khi tôi tìm thấy sự kỳ diệu của khoa học, phép thuật thống trị thế giới.

Phép thuật và những bí ẩn của nó hiện diện thường trực, bủa vây, ngay từ những ký ức đầu tiên của tuổi thơ tôi - cái ngày bố cứu tôi khỏi bờ vực cõi chết và trở thành người anh hùng của đời tôi.

Khi đó tôi sáu tuổi, đang chơi một mình trên đường thì một nhóm trẻ chăn bò tiến đến, vừa hát vừa nhảy. Chỗ này là làng Masitala gần thành phố Kasungu, nơi cả nhà tôi sống với ruộng đồng. Lũ trẻ chăn bò làm thuê cho một nông dân sở hữu một đàn bò lớn gần đó. Chúng kể với tôi rằng trong lúc đi chăn, chúng phát hiện một bao tải to tướng rơi bên đường. Mở ra thì thấy đầy kẹo gôm. Bạn có thể tưởng tượng một kho báu quý giá nhường ấy? Tình yêu kẹo gôm của tôi thì không bút nào tả xiết.

“Bọn mình có nên cho thằng bé này vài viên không?”, một đứa hỏi. Tôi nín thở bất động. Trên đầu tôi vẫn vương mấy cái lá khô. “Ừm, sao không nhỉ?”, đứa khác nói. “Nhìn nó kìa”. Một thằng bé thọc tay vào túi, lôi ra một nắm kẹo đủ màu thả vào bàn tay tôi. Tôi nhét cả vào mồm.  Lũ trẻ đi khỏi, tôi có thể cảm nhận nước kẹo chảy xuống cằm và ướt đẫm áo. Ngày hôm sau, tôi đang chơi bên gốc xoài thì một nhà buôn chạy xe đạp dừng lại tán gẫu với bố. Ông này kể chuyện rơi mất một bao hàng trên đường tới chợ vào sáng hôm qua. Khi nhận ra và quay lại tìm thì ai đó đã lấy mất. Bao đó chứa đầy kẹo gôm, ông nói. Khi nghe mấy nhà buôn khác kể chuyện có lũ trẻ chăn bò phân phát kẹo trong làng, ông vô cùng phẫn nộ. Hai ngày nay ông đã đạp xe quần thảo cả huyện để tìm lũ trẻ kia. Rồi ông ta thốt ra lời đe dọa đáng sợ: “Tôi đã thỉnh sing’anga. Ai ăn kẹo của tôi sẽ sớm phải hối hận”.

Sing’anga là thầy mo.

Tôi đã nuốt kẹo vào bụng từ lâu. Dư vị ngọt ngào của những viên kẹo bỗng trở nên đắng nghét. Tôi vã mồ hôi, tim đập thình thịch. Tôi lén chạy đến bụi bạch đàn sau nhà, vịn vào một thân cây cố tẩy sạch mình khỏi cái thứ tội lỗi ấy. Tôi khạc nhổ, móc họng, làm đủ thứ để tống lời nguyền ra khỏi thân thể. Nhưng tôi chỉ có thể nôn khan và lấp đất che giấu đám lá cây bám nước miếng dưới chân.

Đột nhiên, như thể mây đen che khuất Mặt trời, tôi cảm thấy con mắt của thầy mo theo dõi tôi qua những rặng cây. Tôi đã ăn bùa của lão nên giờ bóng tối của lão nuốt chửng tôi. Đêm nay lũ phù thủy sẽ đến giường bắt tôi. Chúng sẽ mang tôi lên phi cơ của chúng, ép tôi chiến đấu rồi bỏ lại tôi hấp hối trên chiến trường tà thuật. Trong khi hồn tôi trôi nổi hoang phế trên những tầng mây thì thân thể tôi sẽ lạnh ngắt vào lúc bình minh. Nỗi sợ chết chạy rần rần qua người tôi như một cơn sốt.

Tôi bật khóc nức nở đến chẳng thể nhấc chân. Nước mắt chảy ấm mặt tôi và mùi thuốc độc lấp đầy lỗ mũi. Chất độc đã lan đến mọi ngõ ngách trong tôi.

Tôi chạy bán mạng khỏi rừng, cố trốn thoát con mắt ma thuật khổng lồ. Tôi chạy về tận nhà, nơi bố đang dựa lưng vào tường để tách ngô. Tôi muốn trốn trong lòng bố, để bố che chở tôi khỏi tà ma. “Chính là con”, tôi vừa nói vừa nức nở. “Con đã ăn những viên kẹo bị đánh cắp. Con không muốn chết, bố ơi. Đừng để họ bắt con đi!”.

Bố nhìn tôi một chút, rồi lắc đầu. “Hóa ra là con hả?”, bố hỏi, cười cười. Chẳng lẽ bố không nhận ra tôi sắp mất mạng ư? “Hừm”, bố nhổm khỏi ghế. Đầu gối bố kêu răng rắc mỗi khi đứng dậy. Bố tôi là một người to cao. “Đừng lo. Bố sẽ tìm ông bán kẹo kia giải thích. Chắc chắn là ổn thôi”.

Chiều hôm đó, bố tôi cuốc bộ tám cây số đến chỗ có tên là Masaka. Đó là nơi nhà buôn kia sống. Bố kể với ông kia đầu đuôi câu chuyện, về việc lũ trẻ chăn bò đi qua cho tôi kẹo. Sau đó không chờ yêu cầu, bố trả tiền cả bao tải kẹo, tương tương với thu nhập cả tuần của bố.

Ông nội biểu diễn cung tên tự chế, từng được dùng để giết sư tử và linh dương đầu bò. Người ta nói ông tôi là thợ săn giỏi nhất huyện. Ảnh: ETS cung cấp
Ông nội biểu diễn cung tên tự chế, từng được dùng để giết sư tử và linh dương đầu bò. Người ta nói ông tôi là thợ săn giỏi nhất huyện. Ảnh: ETS cung cấp

Khi tính mạng đã được bảo toàn, sau bữa tối, tôi hỏi bố về lời nguyền, rằng bố có thực sự tin tôi sắp tàn đời không. Bố nghiêm mặt và trịnh trọng nói: “Ồ tất nhiên, bố con mình thoát chết trong gang tấc nhé”. Rồi bố cười phá lên theo cái cách khiến tôi rất đỗi vui mừng, khuôn ngực đồ sộ phập phồng trên chiếc ghế gỗ cọt kẹt. “William à, mai sau con sẽ thành người thế nào đây?”.

Bố tôi là người mạnh mẽ và không sợ phép thuật, nhưng chuyện nào bố cũng biết. Vào những đêm không trăng, cả nhà tôi sẽ thắp đèn và tề tựu trong phòng sinh hoạt. Chị em tôi sẽ ngồi dưới chân bố, và bố sẽ kể về quy luật của thế giới, về chuyện phép thuật đã đồng hành cùng con người từ khởi thủy ra sao. Ở mảnh đất toàn bần nông lắm gian lao, riêng Chúa trời và con người thôi là không đủ.

3. Để cân bằng lại, bố nói, phép thuật tồn tại như một thế lực hùng mạnh thứ ba. Phép thuật không phải là thứ hữu hình như cây cối hay các bà các mẹ bê nước. Nó là một thế lực vô hình và hùng mạnh như gió, như mạng nhện giăng ngang đường mòn. Phép thuật tồn tại trong các câu chuyện, và câu chuyện chúng tôi yêu thích là về Tù trưởng Mwase và trận chiến ở Kasungu.

Đầu thế kỷ 19, và kể cả ngày nay, người Chewa làm chủ vùng đồng bằng miền trung. Nhiều đời trước, chúng tôi đã di tản từ những sơn nguyên miền nam Congo, trốn chạy khỏi chiến tranh và dịch bệnh liên miên, để an cư ở miền đất đỏ trù phú, ngày dài đêm ngắn này.

Thời đó, ngay phía tây bắc làng tôi, có một con tê giác đen hung bạo, khủng bố dân cư khắp miền. Nó to hơn xe tải ba tấn, sừng dài bằng cánh tay bố và nhọn tựa dao găm. Dân làng và muông thú thời đó vẫn dùng chung một đầm nước. Con tê giác sẽ trầm mình ở chỗ nông để rình. Những người lấy nước chủ yếu là đàn bà con gái, như mẹ và chị em tôi. Khi họ cúi xuống vục xô vào nước, con tê giác sẽ xông lên, đâm và giày xéo họ dưới những móng guốc tổ chảng, cho đến khi chẳng còn gì ngoài những mảnh vải vụn đẫm máu. Chỉ trong mấy tháng, con quái thú ấy đã giết hơn trăm người.

Tộc trưởng đã phải mời người cứu trợ. Người này có một khẩu súng của azungu (người da trắng), và rất giỏi phép thuật. Người được nói đến là Mwase Chiphaudzu, trứ danh cả nước vì pháp thuật cao cường. Mwase là thợ săn có phép thuật. Tên của ông nghĩa là “cỏ sát thủ” vì ông có khả năng ngụy trang thành một đám sậy trên đồng để phục kích con mồi. Tộc trưởng phái người vượt một trăm cây số tới Lilongwe để mời Mwase, và ông ta đồng ý sẽ trợ giúp những người anh em ở Kasungu.

Sáng nọ, Mwase tới đầm khi Mặt trời còn lâu mới mọc. Ông đứng ở trong bụi cỏ cao gần bờ và rải nước phép lên cả người và súng. Súng và người đều biến mất, chỉ còn dư âm trong gió. Mấy phút sau, tê giác chạy rầm rập từ bên kia đồi tới đầm nước. Đúng lúc nó lội thân hình nặng nề xuống nước, Mwase bò ra phía sau, bắn thẳng vào sọ. Con tê giác gục xuống.

Vì công diệt trừ được quái thú kinh hoàng, tộc trưởng ban cho Mwase đất đai bên này núi. Chỗ nào nhìn thấy được từ đỉnh núi, chỗ đó thuộc về Mwase. Thế là Mwase mang họ tộc từ Lilongwe tới và không lâu sau đã gây dựng nên một đế chế.

4. Khi ông nội tôi còn trẻ, trước khi các nông trường thuốc lá và ngô xuất hiện và phạt quang cây cối của dân tôi, rừng ở Malawi rậm rạp đến mức người đi rừng mất cảm nhận thời gian và phương hướng. Đó là nơi mà thế giới tàng ẩn ở ngay gần mặt đất, trà trộn trong bóng tối lùm cây. Rừng là nhà của vô vàn muông thú, nào là linh dương, voi, linh dương đầu bò, lại có cả linh cẩu, sư tử, báo hoa mai, nên rừng đã nguy hiểm lại càng thêm hiểm nguy.

Khi ông nội còn nhỏ, bà của ông bị sư tử tấn công. Cụ đang làm việc trên ruộng gần bìa rừng, dọa đuổi lũ khỉ thì một con sư tử cái vồ lấy cụ. Dân làng nghe tiếng cụ hét thất thanh và lập tức đánh trống. Nhịp trống chậm và trầm chứ không nhanh và nhịp nhàng như khi khiêu vũ hoặc có lễ. Nhịp trống ấy được gọi là musadabwe, nghĩa là “Đừng hỏi, tới ngay!”, để gọi dân làng tới. Ông tôi cùng những người khác cầm cung tên và giáo chạy tới nhưng không kịp. Họ nhìn thấy con sư tử to như con bò kéo lê xác cụ tới bụi gai rồi quăng vào như quăng một con chuột. Rồi nó quay sang đám người, gầm lên một tiếng kinh động và biến mất với chiến lợi phẩm. Không ai tìm thấy xác người phụ nữ đáng thương ấy nữa.

Ông tôi nói một khi sư tử nếm máu người, nó sẽ không thỏa mãn cho đến khi ăn thịt hết cả làng. Vì thế sáng hôm sau có người đã báo động chính quyền Anh vốn đang kiểm soát Malawi lúc đó. Chính quyền phái binh lính vào rừng bắn sư tử. Xác sư tử sau đó được trưng ở quảng trường cho người dân thấy.

Ông nội tôi giờ đã già đến nỗi không còn nhớ nổi mình sinh năm nào. Da ông khô và nhăn nheo, chân ông như thể được chạm từ đá. Áo khoác và quần của ông trông còn lớn tuổi hơn ông với chằng chịt mảnh vá và bám vào người ông như vỏ cây cổ thụ. Ông tự mình cuộn những điếu thuốc hút to bự từ vỏ ngô và thuốc lá. Mắt ông đỏ ngầu vì kachaso - một thứ rượu ngô mạnh đến độ người sức yếu mà uống là mù mắt.

Ông nội đến thăm chúng tôi đôi lần mỗi tháng. Nhìn ông ló ra từ bìa rừng trong chiếc áo choàng dài, đầu đội mũ, khói thuốc phả ra trên môi, tôi cứ ngỡ cả khu rừng đã mọc chân mà đi...

Sau khi thoát khỏi tay ông bán kẹo gôm, tôi rất sợ bị bắt và bắt đầu tìm cách tự vệ. Tôi biết phù thủy dị ứng với tiền vì tiền là một thế lực xấu xa cạnh tranh với ma thuật. Cứ chạm vào tiền là phép của chúng bị vô hiệu và phù thủy biến thành người phàm, thường là với không mảnh vải che thân. Vì thế mà có tục lấy tiền giấy dán lên tường và lót đệm để phòng thân ban đêm. Nếu bạn giật mình tỉnh giấc và thấy một người đàn ông trần truồng đang tẩu thoát, bạn biết mình đã không lo hão.

TRần thế vinh (tổng hợp)
TIN LIÊN QUAN

Làm thế nào để nhớ được mọi thứ?

trần thế vinh (tổng hợp) |

Bạn đã bao giờ tự hỏi tại sao có những người nhớ được tới 50.000 chữ số thập phân của số Pi, hay chỉ mất một giờ để ghi nhớ thứ tự chính xác của 1.528 con số ngẫu nhiên? Trong khi vô số người - mà rất có thể bao gồm cả chính bạn - không nhớ nổi 05 số điện thoại, rồi đôi khi còn quên cả chỗ để chìa khóa?

Detox, low-carb, thực phẩm hữu cơ... tin đồn và sự thật

TRần thế vinh (tổng hợp) |

Đây không đơn thuần là một cuốn sách dinh dưỡng - nó là thứ vũ khí để bạn tiêu diệt thông tin nước đôi và quảng cáo bịa đặt, bảo vệ sự thật và tất nhiên là cả sức khỏe của bản thân.

Tương lai điện sạch không phát thải Carbon sẽ như thế nào?

trần thế vinh (tổng hợp) |

Để ngăn chặn tình trạng nóng lên toàn cầu và tránh những tác động thực sự tồi tệ của biến đổi khí hậu, con người cần ngừng trút thêm khí nhà kính vào bầu khí quyển. Chúng ta sẽ phải thay đổi cách sử dụng thiết bị điện, cách sản xuất, cách nuôi trồng, cách di chuyển, cách làm mát và giữ ấm, thay đổi hàng loạt thói quen cũng như thích nghi với một thế giới đang ấm dần lên.

Giải thích mọi thứ về corona virus

hương giang |

"Coronavirus, Explained" là một loạt phim tài liệu ngắn được phát trên dịch vụ Netflix. Bộ phim cung cấp đầy đủ các kiến thức để khán giả hiểu biết hơn về dịch COVID-19, trong bối cảnh tin giả, tin sai sự thật đầy rẫy và gây hại không kém gì virus thật.

Endurance - Hành trình không gian đầy cảm hứng

Nguyễn Huy Minh (tổng hợp) |

Nhiều người trong chúng ta hẳn đã từng có lần tự hỏi, liệu ngày nào đó mình có thể bước lên một con tàu để đi vào vũ trụ, khi các công nghệ đang ngày càng phát triển và viễn cảnh về những chuyến du hành ngoài không gian có thể không còn quá xa xôi nữa?

Khởi tố cựu Cục trưởng Cục đăng kiểm Việt Nam

Việt Dũng |

Mở rộng điều tra vụ án sai phạm tại các trung tâm đăng kiểm, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TPHCM vừa khởi tố thêm 5 bị can khác.

Không khí lạnh suy yếu dần, Bắc Bộ nắng hanh và tăng nhiệt

AN AN |

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia nhận định không khí lạnh tác động mạnh đến Bắc Bộ từ đêm nay đến ngày mai 18.1. Từ ngày 19.1, ngày có nắng hanh và nhiệt độ có xu hướng tăng nhẹ.

Nở rộ dịch vụ cho thuê người yêu về nhà ra mắt dịp Tết

Phùng Nhung |

Nhiều người trẻ mỗi dịp về quê ăn Tết lại bị bố mẹ thúc giục chuyện yêu đương, kết hôn, sinh con. Vì lẽ đó, họ tìm đến dịch vụ cho thuê người yêu để trấn an tâm lý gia đình.

Làm thế nào để nhớ được mọi thứ?

trần thế vinh (tổng hợp) |

Bạn đã bao giờ tự hỏi tại sao có những người nhớ được tới 50.000 chữ số thập phân của số Pi, hay chỉ mất một giờ để ghi nhớ thứ tự chính xác của 1.528 con số ngẫu nhiên? Trong khi vô số người - mà rất có thể bao gồm cả chính bạn - không nhớ nổi 05 số điện thoại, rồi đôi khi còn quên cả chỗ để chìa khóa?

Detox, low-carb, thực phẩm hữu cơ... tin đồn và sự thật

TRần thế vinh (tổng hợp) |

Đây không đơn thuần là một cuốn sách dinh dưỡng - nó là thứ vũ khí để bạn tiêu diệt thông tin nước đôi và quảng cáo bịa đặt, bảo vệ sự thật và tất nhiên là cả sức khỏe của bản thân.

Tương lai điện sạch không phát thải Carbon sẽ như thế nào?

trần thế vinh (tổng hợp) |

Để ngăn chặn tình trạng nóng lên toàn cầu và tránh những tác động thực sự tồi tệ của biến đổi khí hậu, con người cần ngừng trút thêm khí nhà kính vào bầu khí quyển. Chúng ta sẽ phải thay đổi cách sử dụng thiết bị điện, cách sản xuất, cách nuôi trồng, cách di chuyển, cách làm mát và giữ ấm, thay đổi hàng loạt thói quen cũng như thích nghi với một thế giới đang ấm dần lên.

Giải thích mọi thứ về corona virus

hương giang |

"Coronavirus, Explained" là một loạt phim tài liệu ngắn được phát trên dịch vụ Netflix. Bộ phim cung cấp đầy đủ các kiến thức để khán giả hiểu biết hơn về dịch COVID-19, trong bối cảnh tin giả, tin sai sự thật đầy rẫy và gây hại không kém gì virus thật.

Endurance - Hành trình không gian đầy cảm hứng

Nguyễn Huy Minh (tổng hợp) |

Nhiều người trong chúng ta hẳn đã từng có lần tự hỏi, liệu ngày nào đó mình có thể bước lên một con tàu để đi vào vũ trụ, khi các công nghệ đang ngày càng phát triển và viễn cảnh về những chuyến du hành ngoài không gian có thể không còn quá xa xôi nữa?