Theo một nghiên cứu công bố ngày 8.7 trên tạp chí Antiquity, nhà khảo cổ học Richard Oslisly thuộc Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Quốc gia Pháp (CNRS) ở Paris, đã phát hiện ra hang động Iroungou ở tỉnh Ngounié của Cộng hòa Gabon vào năm 1992. Tuy nhiên, tới tận năm 2018 ông Oslisly mới lần đầu tiên khảo sát hang động này. Do địa hình hang nằm ở sâu dưới lòng đất nên việc tiếp cận hết sức khó khăn, các nhà khảo cổ mới chỉ thực hiện được 4 chuyến thám hiểm kể từ đó tới nay.
Tác giả chính của nghiên cứu, nhà khoa học Sébastien Villotte của CNRS cho biết: "Hài cốt chôn cất trong hang gồm trẻ em, thanh thiếu niên, nam giới và phụ nữ trưởng thành với hơn 500 hiện vật - thật đáng kinh ngạc".
Hang động có 4 tầng và tất cả đều chứa hài cốt có niên đại từ thế kỷ 14 và 15. Mặc dù các bộ xương bị trộn lẫn với nhau một cách lộn xộn nhưng tất cả đều hoàn chỉnh, "cho thấy rằng các tử thi, thay vì xương khô, đã được ném từ trên cao hoặc hạ xuống hang động" - các tác giả nghiên cứu viết.
Gần các bộ xương có rất nhiều hiện vật tùy táng: vòng tay, nhẫn, rìu, dao, hơn 100 vỏ sò biển, hàng chục chiếc răng của động vật ăn thịt.
Trong số hài cốt của con người, các hộp sọ là thứ được các nhà nghiên cứu đặc biệt quan tâm, vì tất cả các hàm trên còn nguyên vẹn nhưng đều bị thiếu một số chiếc răng nhất định: răng cửa vĩnh viễn ở giữa và bên - bốn răng ở phía trước miệng. Tất cả các hốc răng trống đều có dấu hiệu lành lại sau khi nhổ - được gọi là tiêu ổ răng - cho thấy răng đã được lấy ra trong khi chủ nhân vẫn còn sống và các lỗ này có đủ thời gian để lành lại trước khi người này chết.
Trước đó, hồi năm 2016, một nhóm các nhà khảo cổ học khác đã tìm thấy hộp sọ có đặc điểm tương tự, cũng bị mất răng cửa, trong hang động Lapa do Santo của Brazil. Nhưng trong trường hợp bộ hài cốt ở Brazil có niên đại khoảng 9.000 năm trước, chiếc răng được nhổ sau khi chết, trong nghi lễ chôn cất.
Theo nhà khoa học Villotte, đây là một phong tục đã được ghi nhận trên toàn thế giới, đặc biệt là ở Châu Phi. Có nhiều lý do dẫn đến hành động loại bỏ bớt răng. Đôi khi, nhằm mục đích chỉnh sửa khuôn mặt - nhổ răng để thay đổi hình dạng hoặc diện mạo của khuôn mặt. Các hộp sọ ở hang động Iroungou rõ ràng không được chỉnh sửa như một phần của nghi thức chôn cất, vì nướu răng đã lành. Những chiếc răng bị nhổ có vị trí đối xứng và giống nhau ở tất cả các hộp sọ, nên chúng có thể bị loại bỏ "trong bối cảnh thực hành văn hóa".
Các nhà nghiên cứu báo cáo rằng việc nhổ quá nhiều răng cửa sẽ ảnh hưởng đến phát âm và thay đổi hình dạng của miệng và khuôn mặt theo cách "dễ dàng nhận thấy", cho thấy tất cả những người như vậy thuộc về một nhóm cụ thể.
Theo nghiên cứu, việc tác động vào răng như nhổ, sứt mẻ và dũa từ lâu đã được thực hiện trên khắp Châu Phi, mặc dù việc loại bỏ 4 răng cửa trên cùng là không bình thường. Các nhà nghiên cứu viết: ''Hầu hết các ví dụ về thực hành này là ở các nhóm dân cư từ phía tây vùng Trung Phi, cho thấy một lịch sử lâu đời và khả năng tiếp tục duy trì phong tục chỉnh sửa cơ thể trong khu vực".
Nhà nghiên cứu Villotte nhận định: “Vì địa điểm khai quật rất đặc biệt và các nghi thức chôn cất hầu như không được biết đến đối với người Gabon thời tiền thuộc địa, nên người ta có thể coi khám phá này là mảnh ghép đầu tiên của một câu đố khó giải''.