Mùa xuân khát vọng

vũ ngọc thảo |

Năm nay Xuân đến sớm, dù là năm nhuận nhưng hình như mùa Xuân cứ đến sớm đối với vợ chồng Dung. Niềm vui cứ nhen lên một cách tự nhiên và dung dị, niềm vui không phải là mơ ước đâu đó, mà là nó từ trái tim thôi. Dung không đếm đã bao mùa đi qua đổi sức lực, trí tuệ và cả tình yêu của vợ chồng Dung với cái trang trại này nên giờ bắt đầu vào thu hoạch thật là niềm vui vô bờ bến.

Bao nhiêu người chê lên chê xuống. Hai đứa cùng học đại học sao không xin vào nhà nước làm quan, từ quan to đến quan bé đều được, chứ cúi lưng làm ruộng thì bao giờ mà khấm khá được. Lại còn làm thuê cho nhà vườn, mà vườn đâu chứ vườn ông Được thì...

Bạn bè cùng tốt nghiệp đại học đều có những vị trí công việc tốt, họ có những con đường đi riêng, mỗi người đi tới những chân trời mới, không ai giống ai. Với Dung, cô chỉ mong được mãi ở bên Thịnh hạnh phúc giản dị êm đềm là đủ. Hạnh phúc mà Dung cần là sự bình yên với công việc mà cô yêu thích. Khi lựa chọn vào ngành học, cả lớp cũng không ai giống Dung, các bạn chọn toàn những ngành học hấp dẫn, những nghề nghiệp có thể hái ra tiền sau khi rời ghế giảng đường đại học...

Nhưng Dung chọn ngành trồng trọt ở Đại học nông nghiệp. Suốt ngày phải học với những cơ man nào là thổ nhưỡng, khí hậu, con sâu, cái kiến, cây và hoa... những thứ mà ở quê nhà Dung đã tưởng như quá biết tường tận thì đến giảng đường đại học cô phải ngồi học một cách cẩn trọng. Trong bốn năm học, Dung miệt mài học lý thuyết, chăm đi thực tiễn, rồi hoạt động phong trào năng nổ. Dung luôn là niềm tự hào của bạn bè, gia đình, nhưng con đường tiến thân thì cũng như bao nhiêu sinh viên đầu thế kỷ hăm mốt khi ra trường phải đối mặt với những sự lựa chọn khốc liệt của cơ chế, chính sách.

Vốn là cô gái năng động, Dung ôm cả một trời khát vọng của tuổi trẻ và cô quyết tâm không chấp nhận thất bại từ những ngày đầu tiên ra cuộc sống tự lập. Việc bỏ ngoài tai mọi người nói cái bằng đại học loại giỏi nên đầu quân cho các đơn vị lớn nào đó ở thành phố, ai lại đi làm thuê, làm công nhân nhà máy còn đỡ, đằng này lại đi làm thuê cho một chủ vườn mạn trung du! Ông chủ vườn này khá độc đáo, ông mê chơi chim cảnh, mê ca hát, mê cả làm vườn.

Dung biết ông cần người là do đợt thực tập đó Dung đi cùng nhóm bạn đã đến trang trại của ông chủ vườn tên Được ấy. Sau tiệc chia tay giảng đường đại học với thầy cô và bè bạn, Dung không giống như bạn bè vội vã nộp hồ sơ xin vào các cơ quan Nhà nước ở thành phố hay huyện thị nào, mà Dung khăn gói lên xin ông Được vào làm thuê cho ông. Thấy Dung trở lại vườn, cô ngồi đĩnh đạc và trình bày ước mong của cô thì ông cười cười bảo:

- Cháu đã nghĩ kỹ chưa mà lên đây làm thuê cho bác. Mày có bằng đại học mà lại đi làm thuê cho một ông già làm vườn bình thường, mày nên nghĩ cho kỹ đi rồi hãy quyết định làm ở đây. Còn về phần bác, cứ coi như mày lại ở đây một đợt thực tập nữa là ổn, tùy cháu quyết định.

- Không ạ, cháu nghĩ kỹ rồi, bác cho cháu cơ hội ở đây với bác ạ! Vì nói thật với bác, một tháng thực tập khi trước, bác đã cho cháu tầm nhìn mới rồi ạ, vì thế cháu mới quyết tâm lên đây xin bác cho làm đó ạ!

- Ôi, bác không ngờ, vậy mày kể xem mày có tầm nhìn thế nào khi mày ở vườn ông Được cho bác nghe (dân quanh vùng chỉ quen gọi vườn ông Được).

- Vâng bác, là cháu sơ sơ cháu nhìn thấy thế này ạ! Bác có vườn, có sẵn cây con trong vườn rồi, cháu chỉ lên để làm nó sinh sôi thêm thôi ạ!

- Ái chà, khẩu khí con gái được đấy. Vậy thì bác đồng ý cho mày “nghịch” vườn của bác, lời ăn lỗ chịu đấy nhá, bác không bao cấp đâu, đừng tưởng sẵn nong, sẵn né mà kiếm ăn nhanh thế đâu.

- Vâng ạ, chỉ cần bác đồng ý cho cháu ở lại với vườn ông Được là cháu cầm chắc thành công rồi ạ!

Hai bác cháu cùng cười vui. Câu chuyện cũng đơn giản thế. Nhưng Dung không làm một mình, khi ông Được đồng ý thế, cô mạnh dạn rủ bạn đồng hành là Thịnh, Thịnh cùng học nhưng khác khoa, nghe Dung nói về dự định như thế thì Thịnh giãy nảy:

- Cậu có bị làm sao không, sao lại làm thuê cho ông Được, ở trên đó người ta bảo ông ý bị ma ám đó. Tớ không tham gia đâu.

- Hê, con trai gì mà nhát như thỏ đế. Bác Được hoàn toàn bình thường, cậu đừng nghe thiên hạ đồn đại. Cậu cứ đi với tớ rồi sẽ biết.

- Không, bố tớ cũng đang lo cho tớ về phòng quản lý đất đai của huyện, chỉ chờ có quyết định thôi.

- Thì... thì... cậu cứ đi với tớ lên vườn bác Được trong thời gian cậu chờ quyết định, khi có quyết định thì cậu về, tớ chả giữ. Nhé, dù sao, cậu cũng thân với tớ hơn cả, và cậu vẫn tin cậy tớ mà, chúng mình là bạn thân, cậu không giúp tớ khi này thì chả bao giờ tớ cần cậu giúp tớ đâu.

Nói như thế này nhé, cho cậu đỡ áy náy, tớ cần cậu đi với tớ dăm bữa, nửa tháng thôi, cho tớ thêm tự tin cũng như mình vẫn cùng nhau lên ý tưởng ở các hoạt động trong trường ý, nếu tớ thất bại tớ vẫn trả công cho cậu, tất nhiên trả... từ từ. Còn nếu tớ thành công, khi nào cậu lấy vợ, tớ trả cậu bằng một trang trại như là trang trại vườn ông Được, thế được chưa. Đi với tớ nhé!

Nghe giọng Dung tỏ vẻ cầu khẩn thế, Thịnh bỗng bật cười và bảo:

- Ui trời, bà cô chưa chồng làm gì mà hách thế! Ngoặc tay nhé! Cậu không thực hiện được cam kết và bắn súng không nên thì cậu phải đền đạn gấp mười lần đó.

- Nhất trí luôn! Dung đáp không cần suy nghĩ.

Dung vui như mở cờ trong bụng. Với Dung, Thịnh luôn là đứa bạn chí cốt, cả hai luôn đồng hành cùng nhau với nhiều ước mơ, cùng ý tưởng dù là sinh viên khác khoa, nhưng khi hoạt động xã hội Dung và Thịnh đã trở thành đôi bạn thân thiết từ chính những ý tưởng mà cả hai cùng hành động trong các chương trình ở trường. Cũng không hiểu sao mà Dung chỉ nghĩ đến Thịnh khi Dung bắt đầu nghĩ đến việc lên vườn ông Được.

Nhiều lúc nghĩ lại Dung vẫn bật cười một mình. Khi những thành công bước đầu thành hình hài, Dung mừng lắm, những ý nghĩ tưởng như viển vông ấy cứ như cùng dắt nhau xúm xít ở Vườn ông Được cho Dung thử nghiệm từ thành công này đến thành công khác, công lớn nhất không thể không kể đến đó chính là sự làm việc miệt mài của Thịnh trong mỗi giờ, mỗi khắc ở khu vườn chỉ toàn cây cối buồn tẻ này. Dung biết, những giọt mồ hôi của Thịnh, những tư duy khoa học của Thịnh đã cùng cộng hưởng với cô để cô thành công với những thử nghiệm khoa học...

Và dù Thịnh còn lưỡng lự, Dung đã kéo Thịnh đi, khi hai đưa dắt nhau lên vườn ông Được, ông Được thấy hai đứa lên thì rất ngạc nhiên, ông cười mỉm bảo hai đứa:

- Này con Dung, bác nói chỉ nhận mỗi mày sao mày còn mang thêm ai nữa đây. Vườn nhà bác là kén đàn ông con giai lắm đó cháu gái nhé! Ông Được nói và nháy mắt nhìn Thịnh, khiến cậu hơi đỏ mặt nhưng nhanh nhảu đáp lời ông:

- Dạ, bác ơi, đây là người phụ tá của cháu ạ!

- Xì, ai là phụ tá của cậu.

Sau khi nghe Thịnh bật ra nói câu đó, cả ba cùng cười vang.

Vườn ông Được nằm trên ba quả đồi xoai xoải, vì ông Được lên khai vỡ đầu tiên ở đây nên thành ra bà con gọi vườn mang tên ông, chứ tên cũ của nó là khu đồi Xoải. Tên Xoải không biết biến âm từ đâu, nhưng dân gian gọi lâu rồi thì cứ gọi thế. Cũng có thể bên cạnh đó là những vùng đồng bằng bằng phẳng, phía xa là vùng núi cao ngất gọi là đỉnh Phủi. Những tên địa danh đó đều đã có từ lâu lắm.

Dung và Thịnh cũng chỉ biết gọi thế. Ông Được thì nghe dân vùng Phủi đồn đoán ông từng bị bệnh phong không chữa được, gia đình ông giàu có, nên đã lên đây xin đất đồi của xã để cho ông có chỗ chữa bệnh. Ông chữa có khỏi không thì không ai biết, nhưng sau một thời gian dài thì người ta thấy vùng đồi Xoải đang heo hút chỉ có cỏ dại cằn cọc mọc, mỗi ngôi nhà bé xíu của ông ở đỉnh đồi thì bỗng cứ như mâm xôi đùn lên từng ngày.

Mùa nào thức ấy, hoa quả, chim chóc ríu rít tụ về vườn của ông. Rồi ông tự thuê xe gạt đường, làm hẳn con đường to kết nối từ phía đường liên xã chạy thẳng lên khu đồi của ông. Nhờ có con mắt thẩm mỹ nên ông khéo biết chỉnh trang vườn cây và nhà ở, vườn rau, ao cá, chim hoa... đầy vườn như một phép màu.

Chính vì thế mà Dung mới có một kỳ thực tập đặc biệt ở vườn ông trong kỳ cuối đại học với nhóm bạn và giờ cô trở lại đây để được thực hiện những ấp ủ của mình ở nơi này. Ông Được có dáng người khắc khổ, thoạt nhìn nghĩ ông bị một bệnh gì đó như nghiện thuốc lào, nghiện rượu, nghiện thuốc phiện nữa hay sao mà chả bao giờ thấy ông béo lên, da thì xanh bủng, nhưng ông vẫn vui vẻ vồn vã nếu có điều kiện là giúp đám trẻ con cơ nhỡ, cho quả thực nhà nào dưới làng lên xin. Khi mà nhiều vụ ngộ độc thực phẩm khắp nơi tràn lan thì cây trái, rau dưa trên vườn nhà ông càng có giá trị.

Khi Dung và Thịnh đến, khu vườn đồi ông Được như thêm một nguồn sinh khí mới. Ông Được vốn kiệm lời nên không nói ra nhưng ông âm thầm để cho Dung và Thịnh thực nghiệm những chương trình của họ bằng khoa học vào vườn của ông. Thế là mùa cam ngọt, Dung gọi luôn tên là Cam Ông Được, cam trồng theo khoa học an toàn về mọi điều kiện chăm sóc đầu tiên thu hoạch đã lãi ngoài sức tưởng tượng của ông Được.

Rồi tiếp đến mùa bưởi cũng thế, giống bưởi được lai tạo mới Dung gọi luôn là Bưởi Ông Được, ông Được vui như mở cờ trong bụng. Tên hai loại Cam, bưởi mang tên ông đúng là điều ngoài sức tưởng tượng của ông. Ngoài việc bán trái bưởi và cam thương phẩm. Vườn ông Được còn là nơi cung cấp giống bán cho thương lái cho những nhà vườn khắp nơi. Tiếng lành đồn xa... vườn ông Được giờ không chỉ nổi tiếng bởi tên ông gắn với những đồn đoán kỳ dị này khác mà trở thành tâm điểm của huyện, của tỉnh về mô hình kinh tế mới như các nhà đài, nhà báo vẫn nói hàng ngày một cách ví von “nhà khoa học cộng với người nông dân ra quả ngọt”.

Người vui nhất là Dung thì đúng rồi, nhưng vui nhất vẫn là ông Được, ông vui mừng không tả xiết vì ông chẳng có công trạng gì mà hai đứa nó đã mang đến cho ông niềm vui quá lớn. Và hơn cả, là ông đã tác thành cho hai đứa nên vợ nên chồng. Đó là niềm vui mà ông cũng không bao giờ mơ tới.

Ông chỉ nghĩ đến vùng đồi heo hút này để né tránh mọi sự đời, ai ngờ ông lại làm cho vùng đồi Xoải này trở thành một ngọn đèn lung linh tỏa sáng, cả vùng núi Phủi mênh mông hoang vắng ngày nào giờ sum suê và đông đúc người đến và ở lại. Ông không còn cô quạnh và ghẻ lạnh với cuộc đời, vợ chồng Dung lăn vào việc như một guồng quay và ông cũng cuốn vào guồng quay đó, ông phải trông những người làm công việc lựa chọn các thành phần đóng gói theo yêu cầu nghiêm ngặt mà thằng Thịnh đã phổ biến.

Nó bảo không trông nom hàng xuất đi cẩn thận là cả nhà sẽ mất nhiều tiền đã đầu tư cho sản phẩm đó, nhưng quan trọng hơn là mất uy tín với bạn hàng, nên việc này cần sự khắt khe của ông. Nó nói thế nên ông phải chuẩn chỉ, ông cần mẫn và đầy trách nhiệm với công việc, rồi còn việc dòm nom đám công nhân chuyên chở hàng đi và chở phân bón về nhà vườn...

Dù vất vả, dù mệt hơn khi ông chỉ ngồi ngắm núi ngắm mây bay, nên ông Được cũng vui lây cái vui của bọn trẻ quên béng cái mệt nhọc ấy. Ông như người được tái sinh giữa cái vườn hoang mà ông nghĩ chả còn ai biết ông tồn tại ở đây nữa. Nhiều lúc ông mỉm cười thơ thẩn, cái con bé Dung và thằng cu Thịnh rõ là...

Phần Dung, cô cũng mừng vô cùng khi những ý nghĩ của Dung đã hiện thực hóa ngoài sức mong đợi. Dung không nghĩ Thịnh đã đồng cam cộng khổ cùng cô để cô được thực hiện những ấp ủ với tình yêu trồng trọt quấn quýt với hoa lá, sâu bệnh, đất đai, phân bón và cơ man những... việc vô hình khác của mình như thế.

Mùa Xuân này, không chỉ là niềm vui trọn vẹn của vợ chồng cô ở khu vườn ông Được huyền thoại là tiếng đạp của đứa con của cô và Thịnh trong bụng cô, mà là thương hiệu cho hai loại quả là cam sành và bưởi Phủi của nhà vườn ông Được đã được cấp bằng chứng nhận sở hữu về giống. Niềm vui ấy như mùa Xuân đang đâm chồi nẩy lộc ở ngoài vườn Xuân kia... Ngồi giữa ngôi nhà vườn ấm cúng, ông Được nâng chùm quả cam mọng vỏ lên, ông bảo Dung:

- Bây giờ thì con gái đã đến lúc trả công cho thằng Thịnh như lời hứa chưa?

Dung cười hạnh phúc đáp:

- Con dành câu trả lời cho anh Thịnh, ông ngoại ạ!

Nghe thế, Thịnh đang đứng cạnh gốc đào phía trước nhà bèn đùa:

- Ông ngoại ơi, thôi con bỏ vườn đi luôn đây. Con chán cam, chán bưởi lắm rồi ạ!

Cả ba cùng cười vui vẻ. Một làn gió nhẹ vừa phớt qua, trước cửa nhà cây đào mà Thịnh đã chăm chút để ghim cho nó nở đúng vào dịp Tết cũng đang rung rinh những nụ đào tươi thắm he hé. Dung chợt nhớ các bạn đều chê Dung đã chọn cách đi này, chọn cách mà không ai chọn khi cầm trong tay tấm bằng đại học là đi làm vườn thuê...

Nghĩ thế nhưng lòng Dung vui phơi phới. Khi còn bám bố mẹ ở nhà, bao giờ mẹ cũng nhắc nhủ Dung, không ai chọn cửa để sinh, vì thế, nếu không lao động thì không có gì tồn tại bền vững. Bố mẹ chỉ đồng hành cho con học xong, còn tương lai thuộc về con. Và giờ đây, ngồi trước vườn Xuân ăm ắp hoa lá cây trái và một tình yêu lớn bao bọc của ông Được và Thịnh, Dung chỉ còn biết ngân nga những câu vu vơ đâu đó cứ dội vào tai Dung, có những ước mơ có những khát vọng có những hoài bão để bây giờ ngồi hát trước vườn Xuân...

vũ ngọc thảo
TIN LIÊN QUAN

Truyện ngắn dự thi: Một gia đình thợ mỏ

Nguyễn Thanh Bình |

Từ quê lúa ra đất mỏ cái gì Nhàn cũng thấy lạ lẫm và thích thú, từ dòng suối nước trong veo cuồn cuộn chảy mà vẫn nhìn rõ những viên đá cuội đủ màu sắc dưới lòng suối, rồi đến những quả đồi như bát úp được phủ kín những dãy nhà tập thể công nhân với mái ngói đỏ tươi nhấp nhô tầng tầng, lớp lớp như những thửa ruộng bậc thang kéo dài từ dưới thung lũng lên tận đỉnh đồi, xa hơn kia là những dãy núi trùng điệp bao quanh Mông Dương.

Truyện ngắn dự thi: Trầm tích trên da

Nguyễn Duy Chuông |

Hắn kéo hết ga, tiếng rung lắc của mấy vòng sắt treo ở móc sau yên xe, phát ra tiếng kêu lèng xèng, tạo nên một thứ âm thanh nghe chói tai, vào cái giờ mà mọi người chuẩn bị chìm vào giấc ngủ, sau một ngày lao động. Thật là khó chịu... Gần như ngày nào cũng vậy, chẳng ngày nào mà kết thúc xong công việc, hắn về nhà ngay. Tới lúc bước chân vô nhà, thì hắn đã xỉn bèo nhèo. Rồi! Bữa nay cũng...! Lại xỉn rồi chứ đâu!...

Truyện ngắn dự thi: Đêm trắng

Cao Nga |

Huê xuống sân bay lúc chiều tà, Moscow đón cô bằng một bầu không khí lạnh khô và nhẹ bẫng xộc ngay vào mũi. Nó khiến Huê lập tức bị chảy máu cam. Tìm vội chiếc áo khoác mỏng để trong hành lý xách tay, cô lẩm bẩm: “Mùa hè gì mà lạnh thế chứ!”. Khi vào làm thủ tục nhập cảnh, chỉ nhìn qua Huê cũng hiểu đây là khu vực dành riêng cho những hành khách hạng phổ thông. Thoáng một chút chạnh lòng, Huê ngao ngán chờ đợi những nhân viên hải quan của nước sở tại đang làm việc với một thái độ thờ ơ không cần che giấu.

Bãi nhiệm chức vụ Chủ tịch UBND tỉnh An Giang đối với ông Nguyễn Thanh Bình

Thanh Mai |

HĐND tỉnh An Giang đã thống nhất biểu quyết bãi nhiệm chức vụ Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, đại biểu HĐND tỉnh An Giang khóa X đối với ông Nguyễn Thanh Bình.

Nguy hiểm tiềm ẩn trong rừng trúc hồ Trúc Bạch, quận Ba Đình chỉ đạo xử lý

HỮU CHÁNH |

Hà Nội - Nhiều cọc nứa có đầu sắc nhọn để cố định các cây trúc mới trồng tại vườn hồ Trúc Bạch (quận Ba Đình, Hà Nội) tiềm ẩn nguy hiểm cho người tham quan. Lực lượng chức năng đang tiến hành khắc phục tình trạng trên.

Vượt rào, chụp ảnh trên cầu gần 800 tỉ đồng ở Cần Thơ chưa thông xe

Tạ Quang |

Cần Thơ - Cầu Trần Hoàng Na còn gặp một số vướng mắc nên chưa đủ điều kiện đưa vào khai thác sử dụng. Tuy nhiên, người dân vẫn vô tư vượt rào vào chụp ảnh, thả diều, đi thể dục.

TAND TPHCM gấp rút hoàn tất công tác chuẩn bị để xử vụ án Vạn Thịnh Phát vào mai

Anh Tú - Minh Tâm |

TPHCM - Đến trưa ngày 4.3, TAND TPHCM đang gấp rút hoàn tất công tác chuẩn bị để xét xử vụ án Vạn Thịnh Phát liên quan tới bị cáo Trương Mỹ Lan cùng 85 bị cáo khác vào ngày mai (ngày 5.3).

Tạm giữ xe tự chế đưa đón học sinh ở Hải Phòng sau phản ánh của Lao Động

Hà Vi |

Hải Phòng - Sau phản ánh của Báo Lao Động về tình trạng xe tự chế đưa đón học sinh hoạt động hàng ngày, tiềm ẩn nguy cơ cao gây mất an toàn giao thông ở xã Thuận Thiên (huyện Kiến Thụy, TP Hải Phòng), cơ quan chức năng đã làm việc với chủ phương tiện, lập hồ sơ vi phạm hành chính, tạm giữ xe, tháo dỡ mái che trên xe để xử lý theo quy định pháp luật.

Truyện ngắn dự thi: Một gia đình thợ mỏ

Nguyễn Thanh Bình |

Từ quê lúa ra đất mỏ cái gì Nhàn cũng thấy lạ lẫm và thích thú, từ dòng suối nước trong veo cuồn cuộn chảy mà vẫn nhìn rõ những viên đá cuội đủ màu sắc dưới lòng suối, rồi đến những quả đồi như bát úp được phủ kín những dãy nhà tập thể công nhân với mái ngói đỏ tươi nhấp nhô tầng tầng, lớp lớp như những thửa ruộng bậc thang kéo dài từ dưới thung lũng lên tận đỉnh đồi, xa hơn kia là những dãy núi trùng điệp bao quanh Mông Dương.

Truyện ngắn dự thi: Trầm tích trên da

Nguyễn Duy Chuông |

Hắn kéo hết ga, tiếng rung lắc của mấy vòng sắt treo ở móc sau yên xe, phát ra tiếng kêu lèng xèng, tạo nên một thứ âm thanh nghe chói tai, vào cái giờ mà mọi người chuẩn bị chìm vào giấc ngủ, sau một ngày lao động. Thật là khó chịu... Gần như ngày nào cũng vậy, chẳng ngày nào mà kết thúc xong công việc, hắn về nhà ngay. Tới lúc bước chân vô nhà, thì hắn đã xỉn bèo nhèo. Rồi! Bữa nay cũng...! Lại xỉn rồi chứ đâu!...

Truyện ngắn dự thi: Đêm trắng

Cao Nga |

Huê xuống sân bay lúc chiều tà, Moscow đón cô bằng một bầu không khí lạnh khô và nhẹ bẫng xộc ngay vào mũi. Nó khiến Huê lập tức bị chảy máu cam. Tìm vội chiếc áo khoác mỏng để trong hành lý xách tay, cô lẩm bẩm: “Mùa hè gì mà lạnh thế chứ!”. Khi vào làm thủ tục nhập cảnh, chỉ nhìn qua Huê cũng hiểu đây là khu vực dành riêng cho những hành khách hạng phổ thông. Thoáng một chút chạnh lòng, Huê ngao ngán chờ đợi những nhân viên hải quan của nước sở tại đang làm việc với một thái độ thờ ơ không cần che giấu.