Không được viết

trần bá hải |

(...tiếp theo và hết)

Trăng đêm nay thật đẹp, khung cảnh rất yên bình. Tiệm net bên kia đường bữa nay đóng cửa, không còn cái cảnh một đám chơi game la hét ầm ĩ nhức cả đầu. Vợ Hoàng hôm nay cũng đóng cửa tiệm nghỉ sớm, bởi thị vẫn muốn nghe hàng xóm nói về bài viết được đăng trên báo của chồng mình. Đứa con trai đang kỳ nghỉ hè cũng được cho về quê ở với bà ngoại. Đã lâu lắm rồi Hoàng mới có được một bữa thảnh thơi, hắn cứ việc ung dung mà tận hưởng. Giá mà có được cái ghế bố để hắn nằm ngả hẳn cái lưng ra nữa thì còn gì bằng.

Thực ra nhà hắn cũng có một cái, nhưng lại bị gãy chân mà hắn chưa có thời gian mang đi sửa. Cái ghế đó cũng nát lắm rồi mà cứ nghĩ đến chuyện mua cái mới thì hắn lại phân vân. Vả lại không có cái ghế bố trong nhà thì cũng có sao đâu, cuộc sống gia đình hắn không có tiền mới là cái đáng phải lo nghĩ. Nhưng tại sao hắn cứ phải tự đối xử bất công với chính mình như thế, ngay cả trong cái lúc thảnh thơi như thế này mà hắn cứ bắt buộc cái đầu hắn phải lo nghĩ để làm gì? Con người cứ nhốt mình trong mấy bức tường cùng với những lo toan cơm áo gạo tiền thì bảo sao mà chẳng cảm thấy ngột ngạt, bức bối.

Cũng như hắn bao năm sống trong thành phố quen với ánh điện, với quạt gió lúc này hắn mới nhận ra còn có gió, có trăng vẫn luôn hiện hữu ở ngoài kia, những thứ ấy chẳng mất tiền mua mà người đời lại không biết thụ hưởng. Hắn ưỡn căng mình ra để gió đùa mơn man trên khắp da thịt của cơ thể cho sảng khoái. Mắt hắn nhìn theo muôn ánh trăng rớt lao xao qua ngàn kẽ lá, nhảy nhót đùa vui dưới sân nhà. Hắn có một mơ ước, mà cái mơ ước ấy khiến hắn thấy trong lòng hổ thẹn với trăng, với gió vì nó trần tục quá, đó là mơ ước “làm sao kiếm được thật nhiều tiền”.

Chiều nay hắn mới gởi thêm hai bản thảo truyện ngắn hoàn chỉnh cho tòa soạn. Sau cái lần đầu có bài viết được đăng báo, tinh thần hắn bỗng chốc lên cao. Các ý tưởng mới lạ ùa tới sinh sôi nảy nở trong đầu hắn. Ban ngày tranh thủ thời gian không bán hàng cho khách, hắn lại lao vào viết hăng say. Tối về đến nhà tắm gội, cơm nước xong là hắn ngồi lì bên cái máy tính gõ lạch cạch đến một hai giờ sáng. Cứ cái đà này chẳng mấy chốc hắn sẽ có cả một tập truyện ngắn in thành sách hẳn hoi. Người ta sẽ tranh nhau mà mua, giành nhau mà đọc những câu chuyện hắn viết.

Lâu lắm rồi hắn chưa có lấy một giấc mơ đẹp, hãy cứ để hắn mơ đi cho được thỏa ước nguyện. Lúc ấy mọi thứ sẽ ra sao nhỉ? Là tiếng tăm của hắn sẽ nổi như cồn, vợ con hắn cũng được thơm lây. Nhưng hắn đâu cần đến cái danh vọng đó, hắn chỉ cần tiền. Có tiền rồi hắn sẽ lo trả nợ, dần dần vợ hắn có thêm tiền hàng tháng để lo cho gia đình. Cái mặt thị sẽ trở nên tươi tỉnh, giọng nói của thị cũng trở nên ngọt ngào với chồng với con, thị sẽ không còn dằn vặt hắn nữa.

Cuộc đời hắn cũng không còn phải khổ sở, không còn nơm nớp sợ hãi đến ám ảnh về cái nỗi lo thất nghiệp. Viết văn thì ở tuổi nào hắn viết chẳng được, tuổi đời càng cao có nhiều vốn sống hắn viết càng hay hơn ấy chứ. Mà thiếu gì cái để cho hắn viết. Hắn có viết cả đời cũng không hết. Vốn liếng hắn cũng chẳng phải bỏ ra: Có cây viết với tập vở, thêm cái máy tính nữa thì có đáng là bao. Hắn thấy chỉ có lời không đời nào lỗ cả.

Ngay kể cả khi hắn không viết nữa thì tiền tác quyền vẫn còn đó, hắn không phải lo lắng chuyện sau này hắn không nhận lương hưu. Mà ngay cả đến khi hắn chết đi rồi, vợ con hắn cũng vẫn được thừa hưởng quyền thừa kế tác phẩm hắn viết. Hắn khỏi bị mang cái tiếng chết đi mà không để lại cho vợ, cho con được thứ gì.

Tiếng rít khi chuyển động của cánh cửa sắt nghiến tan giấc mơ của Hoàng. Lại là cái tiệm net đó, cái tiệm có cái cửa sắt mà lão chủ không chịu sửa đi cho nó êm, cứ mặc kệ chẳng làm gì cả để nó gây ra tiếng động ảnh hưởng đến hàng xóm thấy mà ghét. Hắn nhìn sang thấy giữa cửa tiệm xuất hiện lão Tuấn chủ tiệm đứng chắn gần hết cái khung cửa. Người gì đâu to đùng, mập mạp cứ như con trâu, lão ăn cho nhiều rồi ngồi lỳ một chỗ thì bị cao huyết áp cũng là đáng đời cho lão!

Tay lão cầm một xấp giấy cứ như cán bộ đi họp, nhưng điệu bộ ấy lại không phù hợp với cái quần cộc và cái áo ba lỗ lão đang mang trên người. Lão bước ra ngoài bậc thềm rồi như một thói quen, lão quay lại hẳn là với ý định đóng kín cửa tiệm. Chẳng biết nghĩ thế nào, lão để nguyên không đóng lại cửa tiệm nữa. Lão quay người thẳng bước hướng sang cổng nhà Hoàng, biểu hiện của lão rất dứt khoát.

Dường như biết trước Hoàng đang ngồi ngoài sân, lão xộc thẳng tới chỗ Hoàng giọng bức xúc:
- Tôi có chuyện muốn nói với chú.
Hoàng mỉm cười với lão:
- Bác Tuấn cứ ngồi xuống đây đi, để em đi lấy thêm cái ghế.
Lão Tuấn có vẻ vội vàng:
- Thôi... Mặc áo mà làm gì, cứ để thế cho mát... Cũng chẳng cần phải nước nôi gì đâu...

Mặc cho lão nói thế, Hoàng vẫn nhường ghế lại cho lão Tuấn. Hắn với tay bật cái công tắc đèn điện ngoài sân cho có ánh sáng rồi đi vô nhà lấy thêm cái ghế ngồi, trong lòng hắn không thôi thắc mắc. Hắn tự hỏi có chuyện gì mà lão Tuấn làm ra vẻ căng thẳng thế nhỉ? Lâu nay lão có chuyện trò gì với hắn đâu? Giữa hai nhà cũng chỉ có mỗi một chuyện tiệm net nhà lão gây ồn ào làm vợ Hoàng khó chịu, thị dọa sẽ báo lên chính quyền. Có lẽ nào lão đã đọc bài báo của hắn viết rồi tự nhận vào lão hay không...

Tay đặt ly nước đá xuống mặt bàn nhựa, mắt Hoàng kịp liếc qua xấp giấy lão Tuấn để trên bàn. Đó chính là cái truyện ngắn của hắn được đăng báo cách nay hai ngày. Hắn đoán cũng không sai, hắn vừa ngồi xuống ghế thì lão Tuấn chỉ tay vào xấp giấy, miệng nói với hắn như ra lệnh:
- Chú đọc cái này đi, xong rồi cho tôi hỏi chú mấy câu...
Lão làm như lão đóng vai cảnh sát đang thẩm vấn tội phạm vậy? Hoàng vẫn từ tốn:
- Cái này là em viết ra mà, cần gì phải đọc nữa. Truyện được đăng báo đấy bác ạ, bác thấy em viết có được không?
Lão vỗ hai tay vào đùi lão rồi thở hắt ra:
- Thì đó đó... Ý tôi là cái vụ đăng báo đó, chứ còn tôi ít học có biết đâu được chú viết nó hay dở thế nào!
Hoàng ngạc nhiên tròn mắt nhìn lão:
- Đăng báo thì có sao đâu? Cả nước này dễ có cả trăm ngàn cái tiệm net, ngay khu phố này cũng có ba, bốn cái rồi chứ đâu phải chỉ có riêng một cái tiệm của bác.
Lão Tuấn lắc đầu:
- Chú cứ nói không sao? Không sao mà chiều nay chính quyền kéo xuống tận nơi cho tôi “ăn” cái biên bản kia kìa, rồi họ bắt tôi nộp phạt nữa. Họ còn dọa buộc tôi phải đóng cửa tiệm mới ác chứ. Tôi tạm đóng cửa tiệm một vài hôm coi tình hình ra sao rồi tính tiếp. Mình chỉ mở có cái tiệm net bé tẹo mà cũng xảy ra nhiều chuyện rắc rối ghê!

Lão chép miệng thở dài vẻ chán nản. Hoàng nhìn lão với ánh mắt thông cảm, nhẹ nhàng phân bua:
- Có lẽ tiệm của bác gây ra tiếng ồn ào, ảnh hưởng đến hàng xóm, hay trong quá trình tiệm hoạt động vi phạm vào quy định gì đó người ta mới xuống tiệm của bác để kiểm tra. Em viết truyện đăng báo với mục đích là để kiếm tiền, đâu phải em làm đơn khiếu nại, tố cáo gì bác đâu. Em cũng có nêu đích danh cái tiệm của bác ra đâu mà bác nói vậy làm em áy náy quá!
Mặt Lão Tuấn đỏ dần lên qua ánh điện, lão quệt ngang cái tay lên trán lau mồ hôi, giọng gay gắt:
- Là người ta nói chứ đâu phải tôi tự nói, họ...
- Ấy... ấy... bác nói nhỏ thôi. Người ta tưởng em với bác cãi nhau. Em xin lỗi ngắt ngang lời bác!
Lão Tuấn nhấp một ngụm nước, lão khà một tiếng rồi tiếp lời:
- Họ bảo tôi vi phạm tùm lum hết, đến nỗi bị đăng lên báo kia kìa. Một khi sự việc đã bị đăng báo thì họ phải xử lý cho triệt để, không xử không được. Họ sợ cái trách nhiệm?
Hoàng tỏ ý nghi ngờ:
- Chính quyền làm sao biết được cái bài viết của em đăng trên báo. Mà cho dù họ có đọc được nội dung trên báo đi chăng nữa cũng chẳng phải vì cái lý do ấy mà lôi bác ra để phạt.
Lão Tuấn chậc lưỡi:
- Vợ chú đi khoe khắp khu phố này là chú được báo đăng bài ai chả biết. Tôi nghe chuyện cũng chẳng quan tâm chú viết cái gì. Thế nhưng người ta lại xì xào bàn tán chú viết về tiệm net của tôi, nên sáng nay tôi mới dò hỏi rồi tìm đọc cái bài chú viết ở trên mạng. Rõ ràng chú mô tả từ cái tiệm đến những hoạt động, rồi nhiều thứ khác là cái tiệm của tôi chứ còn gì nữa. Chỉ là chú không nêu cái tên tiệm của tôi ra, nhưng ai sống ở đây mà đọc một cái là hiểu liền. Đã thế chú còn thêm vô bài viết nhiều cái xấu nữa chứ.

Tôi giận lắm, định bụng tối nay chú về thì sang hỏi chú cho ra lẽ. Tôi chưa kịp hỏi chú thì ngay buổi chiều chính quyền đã kéo đến. Hóa ra bấy lâu nay chú nghĩ xấu về tôi. Hàng xóm láng giềng với nhau chú nghĩ sao mà lại làm như thế?

Hoàng châm một điếu thuốc, bặm môi rít một hơi dài rồi phả khói mù mịt. Hắn cố tìm cách giảm nhẹ mức độ ảnh hưởng của bài báo lên cái tiệm của lão Tuấn cho lão dịu đi. Trong khi hắn chưa tìm ra cách gì thì lão lại bồi thêm vào:
- Thực ra khi nói về cái tiệm của tôi, chúng nó kéo nhau vào chơi có gây ồn ào, ảnh hưởng đến hàng xóm. Đôi khi tôi cũng không để ý nên mở cửa tiệm khuya quá... Nhưng những cái đó thì đâu có gì là ghê gớm. Ấy thế mà chú viết trên báo thì thật là kinh khủng. Nào là “bọn trẻ con trốn học chơi game đánh mất tương lai”, rồi thì “chúng nó xích mích đánh lộn như cơm bữa”, rồi còn là tôi cho mấy đứa xì ke ma túy chích hút ngay trong tiệm nữa chứ... Chú cố tình biến cái tiệm của tôi thành cái trung tâm tệ nạn xã hội như vậy thì ai mà chịu được.

Có vẻ như lão muốn làm to chuyện, Hoàng chủ động đặt vấn đề:
- Em viết bài chỉ để kiếm tiền thôi chứ có mục đích gì khác đâu. Dạo này cuộc sống khó khăn quá mà chẳng biết làm gì thêm cho ra tiền nên em viết bài đăng báo. Thôi! Để em viết bài khác thật tốt, thật hay về gia đình bác coi như bù lại cho bác. Em khẳng định kiểu gì bài viết đấy cũng được đăng lên báo cho bác coi, như thế bác có chịu không?
Lão Tuấn chắp hai tay lại trước ngực:
- Tôi xin chú, tốt xấu gì cũng là chuyện nhà tôi, từ nay chú đừng viết cái gì liên quan tới nhà tôi nữa là được. Chú hứa với tôi đi!
- Thế em viết bài đăng báo, rồi chẳng cho ai biết kể cả là bác thì có chuyện gì xảy ra đâu, bác bắt em hứa với bác làm gì?
Lão Tuấn vẫn khăng khăng quả quyết:
- Không được, chú có ngon thì cứ viết đi coi. Cho dù chú có thay đổi tên, họ, bút danh của chú khi đăng bài, chỉ cần tôi nghe hay đọc thấy ở đâu có cái gì giống với nhà tôi là tôi sẽ lần ra tận ổ. Nếu đúng cái đó là chú viết thì lúc đấy đừng có trách tôi sao không nói trước.
- Nhưng mà...
- Không nhưng nhiếc gì hết, cứ thống nhất với nhau như vậy đi!
Im lặng vài giây, lão Tuấn lấy lại giọng thân tình:
- Mà tôi khuyên chú đừng có viết cái gì liên quan đến cái khu phố này nữa, rách việc lắm! Chú tự rước vô cái rắc rối cho mình làm gì? Chú muốn viết thì viết về cái nhà của chú ấy, thế có phải êm không?
- Thế có những cái em viết về nhà em nhưng cũng giống với nhà bác thì sao?
Lão Tuấn trợn tròn mắt, nhướn đôi lông mày:
- Ơ hay... cái chú này! Nhà chú là nhà chú, nhà tôi là nhà tôi, giống thế nào được mà giống. Mà thôi, tôi với chú tranh cãi với nhau làm gì cho thêm đau đầu rồi mất tình làng xóm. Chú cứ ngồi đó mà tự suy nghĩ đi, tôi phải về coi lại cái máy chơi game nó bị hư, mấy đứa này chơi game phá quá!

Nói xong lão đứng dậy ra về, không thèm lấy lại cả cái xấp giấy khi nãy lão mang sang. Dường như lão có vẻ hả hê lắm, cứ nhìn cái điệu bộ của lão thì biết. Hoàng cầm xấp giấy trên tay nhịp xuống bàn từng nhịp. Hắn chỉ muốn xé ngay cái xấp giấy đó đi như một sự giải tỏa. Có một sự oan ức cứ nghèn nghẹn dâng lên trong lòng hắn mà không có cách gì thoát ra được. Ban đầu hắn cảm nhận hắn cũng có lỗi trong chuyện này, cả vợ hắn nữa cũng có lỗi. Nhưng suy đi nghĩ lại một hồi, cái cảm giác tội lỗi ban đầu trong hắn dần biến thành một cơn giận dữ.

Lão Tuấn đúng là một kẻ phá đám. Lòng hắn đang vui, nhà hắn đang yên, vậy mà lão sang thắc mắc, hoạnh họe ba cái thứ vớ vẩn làm cho sự việc đâm ra rắc rối. Hắn nghi ngờ cái chuyện lão nói lão bị “ăn biên bản”, có khi nào lão bịa ra chuyện đó để dằn mặt hắn hay không? Cái điều mà lão yêu cầu với hắn cũng thật là vô lý. Lão có quyền gì mà bắt hắn phải viết cái này, không cho hắn viết cái kia? Hắn cứ viết đấy, không phải chỉ một mà là nhiều chuyện về gia đình lão.

Hắn sẽ chọn những gì xấu nhất trong gia đình lão ra để viết, không có chuyện tốt nào sất cả, để xem lão làm gì được hắn? Cả cái khu phố này nữa, có giỏi thì cứ kéo nhau tới nhà hắn mà giật sập cái nhà xuống đi coi!? Đúng là “những người xấu thì nên bớt soi gương đi, bởi vì soi gương rồi lại đi chê gương xấu”.

Đêm ấy Hoàng lại cặm cụi ngồi gõ máy tính. Hắn phải cố gắng hoàn thành mấy cái bản thảo còn đang dang dở. Hắn chưa nói cho vợ hắn biết chuyện rắc rối mới vừa xảy ra lúc tối giữa hắn với lão Tuấn. Hắn không muốn thấy vợ hắn buồn. Vợ hắn lo cắm đầu vào cái điện thoại. Thị mải mê “săn” hàng khuyến mại, giảm giá trên trang thương mại điện tử để mua về bán lại kiếm lời. Thị coi điện thoại chán, rồi buông nó ra mà lăn ra ngủ chẳng biết từ lúc nào.

Hoàng giật nảy mình hoảng hốt vì một khuôn mặt bất ngờ xuất hiện ngay sát màn hình máy tính hắn đang làm việc. Đó chính là khuôn mặt của vợ Hoàng. Thị làm bộ ngó nghiêng mặt chồng với vẻ dò xét, thị đưa tay huơ huơ trước mắt hắn. Hắn chưa hiểu vợ hắn muốn gì?
- Vợ làm sao vậy? Nửa đêm nửa hôm bỗng dưng xuất hiện làm chồng hết hồn.
Vợ Hoàng vặc lại:
- Có chồng làm sao thì có! Coi bộ hết chuyện để viết hay sao mà chồng lại đi viết chuyện nhà mình.
Hóa ra nãy giờ thị lén coi chồng viết gì. Hoàng cố gắng giải thích để trấn an vợ:
- Khi bài viết đăng lên báo, có ai biết đấy là chuyện của nhà mình đâu mà vợ lo. Mà chồng viết toàn chuyện tốt về nhà mình chứ có kể chuyện xấu đâu. Chồng phải viết những gì mắt thấy, tai nghe thì nó mới hay, nó mới có sức thuyết phục được tòa soạn dễ chấp nhận cho đăng bài.
Vợ Hoàng giãy nảy:
- Không nhé, có cho tiền vợ cũng không ham. Không cần biết chồng viết chuyện tốt hay chuyện xấu của nhà mình, khi đưa lên mặt báo cả nước biết được rồi họ bàn tán, họ cười vào mặt hai vợ chồng cho mang nhục. Vợ nói rồi đó, chồng muốn viết gì thì cứ viết nhưng dứt khoát không được viết chuyện của nhà mình!?

Nói đoạn thị vùng vằng leo lên giường ôm gối ngủ.
Hoàng vò đầu bứt tai. Hai tai hắn bắt đầu nóng dần lên. Sức nóng dần lan sang cái mặt. Nó thấm vào đôi môi làm cái cổ họng muốn uống nước. Nó xông vào hai cái lỗ mũi làm cay cái sống mũi. Nó len vào đôi mắt khiến nước mắt rơi ra. Nó túa lên khắp trán rồi được thể leo luôn lên tới đỉnh đầu, ngấm vô từng cọng tóc...

Hoàng chống hai khuỷu tay lên mặt bàn. Hai bàn tay hắn đan vào nhau ôm lấy trán. Hắn cứ giữ cái tư thế đó một hồi lâu. Đột nhiên hắn vùng dậy, bàn tay phải hắn vồ lấy con chuột máy tính. Hắn mở một tập tin mới và bắt đầu gõ tiêu đề: Truyện thằng tôi!

trần bá hải
TIN LIÊN QUAN

Truyện ngắn dự thi: Trầm tích trên da

Nguyễn Duy Chuông |

Hắn kéo hết ga, tiếng rung lắc của mấy vòng sắt treo ở móc sau yên xe, phát ra tiếng kêu lèng xèng, tạo nên một thứ âm thanh nghe chói tai, vào cái giờ mà mọi người chuẩn bị chìm vào giấc ngủ, sau một ngày lao động. Thật là khó chịu... Gần như ngày nào cũng vậy, chẳng ngày nào mà kết thúc xong công việc, hắn về nhà ngay. Tới lúc bước chân vô nhà, thì hắn đã xỉn bèo nhèo. Rồi! Bữa nay cũng...! Lại xỉn rồi chứ đâu!...

Truyện ngắn dự thi: Đêm trắng

Cao Nga |

Huê xuống sân bay lúc chiều tà, Moscow đón cô bằng một bầu không khí lạnh khô và nhẹ bẫng xộc ngay vào mũi. Nó khiến Huê lập tức bị chảy máu cam. Tìm vội chiếc áo khoác mỏng để trong hành lý xách tay, cô lẩm bẩm: “Mùa hè gì mà lạnh thế chứ!”. Khi vào làm thủ tục nhập cảnh, chỉ nhìn qua Huê cũng hiểu đây là khu vực dành riêng cho những hành khách hạng phổ thông. Thoáng một chút chạnh lòng, Huê ngao ngán chờ đợi những nhân viên hải quan của nước sở tại đang làm việc với một thái độ thờ ơ không cần che giấu.

Truyện ngắn dự thi: Tiếng chổi tre

Đặng Đình Liêm |

Đêm nay, cũng như mọi đêm, chị Tâm lại bắt đầu đến công sở. Cái nghề của chị vốn dĩ xưa nay vẫn là như thế, phải làm vào ban đêm: Nghề quét rác! Quét rác theo suy nghĩ của chị thì đó là một nghề. Mà đã là nghề thì nghề nào cũng cao quý. Miễn sao có ích cho xã hội, miễn là không trộm cắp, miễn sao không ảnh hưởng tới trật tự an toàn xã hội, miễn sao không vi phạm pháp luật... miễn sao...

Phương án nào để xử lý những DN trây ỳ không đóng BHXH cho người lao động?

NHÓM PV |

Với người lao động, làm việc không chỉ là đóng góp công sức, mà còn để có đồng lương trang trải cuộc sống hằng ngày, là tuổi già có thể trông chờ vào lương hưu. Tuy nhiên hiện nay, tình trạng doanh nghiệp vi phạm nghĩa vụ đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế (BHXH, BHTN, BHYT) diễn ra ngày càng phức tạp với số tiền chậm đóng lên tới hàng chục nghìn tỉ đồng, dẫn đến quyền lợi của người lao động bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Lê Hải Bình làm Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản

Vương Trần |

Ông Lê Hải Bình - Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương - được Bộ Chính trị điều động, bổ nhiệm giữ chức vụ Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản.

Lao động tố Công ty Thể thao Đông Dương nợ lương, chậm đóng BHXH

Hà Anh |

Chị Đỗ Trần Xuân Quỳnh (phường Giáp Bát, quận Hoàng Mai, TP Hà Nội) vừa có đơn gửi Báo Lao Động, chị bị Công ty Cổ phần Tập đoàn Thể thao Đông Dương (Công ty Đông Dương) nợ lương tháng 1.2024 và chưa đóng BHXH 6 tháng, mặc dù tháng nào công ty cũng khấu trừ phần đóng BHXH vào lương của chị.

Cây sao trăm tuổi trên phố Lò Đúc, Hà Nội bất ngờ bị đốn hạ

Thu Giang |

Sáng 25.3, cây sao có tuổi đời hàng trăm năm ở số 65 phố Lò Đúc (Hà Nội) bị chặt hạ khiến người dân cảm thấy bất ngờ.

Nam sinh lớp 8 tại Long Biên bị đánh chấn thương sọ não khi chơi bóng rổ

KHÁNH AN |

Hà Nội - Mâu thuẫn với bạn trong lúc chơi bóng rổ, một học sinh lớp 8 tại quận Long Biên bị bạn cùng anh trai của bạn đánh chấn thương sọ não, tiên lượng xấu.

Truyện ngắn dự thi: Trầm tích trên da

Nguyễn Duy Chuông |

Hắn kéo hết ga, tiếng rung lắc của mấy vòng sắt treo ở móc sau yên xe, phát ra tiếng kêu lèng xèng, tạo nên một thứ âm thanh nghe chói tai, vào cái giờ mà mọi người chuẩn bị chìm vào giấc ngủ, sau một ngày lao động. Thật là khó chịu... Gần như ngày nào cũng vậy, chẳng ngày nào mà kết thúc xong công việc, hắn về nhà ngay. Tới lúc bước chân vô nhà, thì hắn đã xỉn bèo nhèo. Rồi! Bữa nay cũng...! Lại xỉn rồi chứ đâu!...

Truyện ngắn dự thi: Đêm trắng

Cao Nga |

Huê xuống sân bay lúc chiều tà, Moscow đón cô bằng một bầu không khí lạnh khô và nhẹ bẫng xộc ngay vào mũi. Nó khiến Huê lập tức bị chảy máu cam. Tìm vội chiếc áo khoác mỏng để trong hành lý xách tay, cô lẩm bẩm: “Mùa hè gì mà lạnh thế chứ!”. Khi vào làm thủ tục nhập cảnh, chỉ nhìn qua Huê cũng hiểu đây là khu vực dành riêng cho những hành khách hạng phổ thông. Thoáng một chút chạnh lòng, Huê ngao ngán chờ đợi những nhân viên hải quan của nước sở tại đang làm việc với một thái độ thờ ơ không cần che giấu.

Truyện ngắn dự thi: Tiếng chổi tre

Đặng Đình Liêm |

Đêm nay, cũng như mọi đêm, chị Tâm lại bắt đầu đến công sở. Cái nghề của chị vốn dĩ xưa nay vẫn là như thế, phải làm vào ban đêm: Nghề quét rác! Quét rác theo suy nghĩ của chị thì đó là một nghề. Mà đã là nghề thì nghề nào cũng cao quý. Miễn sao có ích cho xã hội, miễn là không trộm cắp, miễn sao không ảnh hưởng tới trật tự an toàn xã hội, miễn sao không vi phạm pháp luật... miễn sao...