Đền thờ thánh mẫu Liễu Hạnh trên đất nghi Xuân

Đặng Viết Tường |

Bà chúa Liễu Hạnh, còn gọi Quỳnh Nương công chúa được nhân dân vùng Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ tôn kính lập đền thờ.

Nhiều nơi thờ công chúa Liễu Hạnh

Ở tỉnh Hà Tĩnh, có khá nhiều đền thờ Thánh mẫu, riêng dòng bà chúa Liễu Hạnh ở Nghi Xuân có các điểm: Đền Chợ Củi ở thôn 1 xã Xuân Hồng, đền Thượng ở thôn Hồng Lam xã Xuân Giang. Xã Xuân Yên có 1 đền ở thôn Hợp Giáp, 1 đền ở thôn Yên Thông và cả 2 ngôi đền đã được tỉnh công nhận, xếp hạng Di tích Lịch sử Văn hóa.

Sách “Nghi Xuân địa chí” của nhà nho tú tài Lê Văn Diễn viết vào năm 1842, đời vua Thiệu Trị, nhà Nguyễn có câu: “Đền Liễu Hạnh ở bên bờ sông dưới chân núi Tam Kỳ (núi Tháp) thuộc xã Tam Đăng thượng. Còn 1 đền ở thôn Báu Lâm. Những người đến cúng và được chịu ơn của đền thì gọi là “đồng môn”. Họ chung nhau thờ cúng ở đền. Đền có bức hoành phi lớn khắc chữ “Thánh mẫu từ”. Có nghĩa là: “Đền Thánh mẫu”. Bạn có thể hỏi: Hội đồng môn là những ai trong đời sống xã hội? Xin thưa rằng: Hội Đồng môn là những người tín ngưỡng Thánh mẫu, sùng bái tín ngưỡng thờ mẫu Liễu Hạnh trong dân gian. Họ là các đối tượng gia đình hiếm muộn đường con cái đến cầu tự Thánh mẫu, hoặc những đứa trẻ ốm yếu khó nuôi dưỡng đến lễ làm con nuôi mẫu Liễu. Khởi đầu tín ngưỡng thờ mẫu Liễu có ý nghĩa như vậy. Về sau do con người lạm dụng, biến cải thiên hình vạn trạng phức tạp, mất tính nhân văn.

Liên quan đến mẫu Liễu Hạnh, ở thôn Song Nam, xã Cương Gián, huyện Nghi Xuân có đền Bạch Thạch, dưới chân núi Bùa, bên bờ sông Mỹ Dương. Dân gian tương truyền, thần là Nhị Nguyễn, 2 người con trai bà công chúa Liễu Hạnh, đền chính ở làng Sóc Đình (xã Phúc Lộc), huyện Thiên Lộc (Can Lộc), vì linh thiêng nên xã lập đền thờ. Ngày xưa, hàng năm tổ chức lễ cầu ngư tại đền này. Đây là một chi tiết được đưa vào sự tích chúa Liễu.

Sự tích chúa Liễu, có tính chất siêu thực, huyền sử trong văn hóa dân gian của người Việt. Từ xa xưa trong văn học dân gian xuất hiện những câu chuyện, sự tích mẫu Liễu, bài thơ tán tụng như: “Ở làng Vân Cát / An Thái, huyện Thiên/ Có một nàng Tiên/ Hình dung tươi tốt/ Mày ngài mặt nguyệt”... Tác phẩm “Truyện trạng Quỳnh” có khá nhiều câu chuyện về công chúa Liễu Hạnh như: “Chúa Liễu mắc Lỡm” (cho Trạng Quỳnh vay tiền), “Trả ơn bà chúa Liễu”, “Tạ chúa Liễu ba bò” là những chuyện trào phúng về Trạng Quỳnh trong văn học dân gian. Chuyện Trạng Quỳnh bày trò thi tài với nữ sĩ Đoàn Thị Điểm.

Điều có thật là nhiều địa phương ở Bắc Trung Bộ và Bắc Bộ có nhiều ngôi đền thờ bà Thánh mẫu Liễu Hạnh. Chúa Liễu từ văn hóa dân gian bước vào văn học cổ điển dưới bút pháp của nữ sĩ Đoàn Thị Điểm, (1705 - 1748). Đương thời bà Điểm, là một thiếu nữ xinh đẹp, có học thức cao. Chúa Liễu Hạnh được hư cấu dưới ngọn bút tâm đức, tài hoa của bà. Chúa Liễu là một nhân vật từ những câu chuyện, con người, sự kiện trong tổng hòa các sự kiện, đời sống thực của xã hội đương đại. Nhân vật biểu cảm tâm tư, chính cuộc đời của nhà văn họ Đoàn và những sự kiện, những gì diễn ra chung quanh được bà thu thập, ghi chép. Bà Đoàn Thị Điểm sống vào nửa đầu thế kỷ 18, ở tuổi 37 bà lấy chồng là tiến sĩ Nguyễn Kiều, sau đó theo chồng vào trấn Nghệ An, nơi chồng bà làm quan. Theo “Văn bia Hà Tĩnh”, mùa Đông năm 1734, hiệu Đức Long thứ 3, xã Canh Hoạch, Thu Hoạnh, huyện Thiên Lộc dựng bia Hậu thần. Điều ước thứ 7 có dòng chữ khắc lên đá: “Hàng năm làm lễ cúng 4 mùa: Mùa Xuân làm lễ cúng vào ngày mồng 3 tháng 3; mùa Hạ làm lễ cúng vào ngày mồng 5 tháng 5; mùa Thu làm lễ cúng vào ngày 15 tháng 8; mùa Đông làm lễ cúng vào ngày mồng 10 tháng 10.

Hai thôn biện lễ 1 con gà, 1 mâm xôi, 1 chai rượu, giá cổ tiền 6 mạch, trầu cau hương trà sắm đủ dùng, làm lễ theo nghi thức.” (tr.211. Văn bia Hà Tĩnh). Bia này do bà Tiệp dư Phan Thị Đang, vợ chúa Trịnh Cương dựng ở quê bà, nơi nữ sĩ họ Đoàn theo chồng khi vào xứ Nghệ làm quan, đã thu thập thông tin, câu chuyện viết tác phẩm “Vân Cát thần nữ truyện”.

Sắc phong của vua Khải Định , di sản tại đền thờ Thánh Mẫu ở xã Xuân Yên, Nghi Xuân. Ảnh: Đặng Thiện Chân
Sắc phong của vua Khải Định , di sản tại đền thờ Thánh Mẫu ở xã Xuân Yên, Nghi Xuân. Ảnh: Đặng Thiện Chân

Cốt truyện “Vân Cát thần nữ truyện” của nữ sĩ Đoàn Thị Điểm

Tương truyền, bà chúa Liễu là con người có thực, sinh vào niên hiệu Thiên Hựu, đời Lê Anh Tông (1557 - 1573) ở làng Vân Cát, xã An Thái, huyện Thiên Bản (sau đổi Vụ Bản) tỉnh Nam Định, khi chết được phong thần đứng đầu trong đền thờ Thánh mẫu, đền thờ chúa Liễu rất phổ biến ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ. Nữ sĩ Đoàn Thị Điểm đương thời đã thu thập tin tức, sự kiện, các đền thờ nữ thần để viết thành tác phẩm “Vân Cát thần nữ truyện” nổi tiếng.

Nội dung cốt truyện được nữ sĩ họ Đoàn hư cấu như sau:
Tại làng Vân Cát, xã An Thái, huyện Thiên Bản (Vụ Bản, Nam Định) có người là Lê Thái Công. Ông đã có con trai và bà vợ đang có mang. Một đêm, ông mơ thấy có người đưa đến Thiên Cung của Ngọc Hoàng. Ở đó ông Thái thấy một thiếu nữ, đứng hàng thứ 2, vô ý làm vỡ chiếc chén cúng bằng ngọc khi hầu Thượng Đế. Cô bị Ngọc Hoàng nổi giận đày xuống hạ giới. Khi ông Thái hồi tỉnh giấc mơ, đúng lúc vợ ông hạ sinh một đứa con gái. Ông Thái suy nghĩ về giấc mơ, rồi đặt tên cho bé gái là Lê Thị Giáng Tiên. Lớn lên Giáng Tiên rất xinh đẹp, thích đọc sách, thổi sáo và làm thơ. Ông Thái đem Giáng Tiên cho làm con nuôi một vị quan hưu trí họ Trần. Giáng Tiên gặp Đào Lang, con nuôi của vị quan hưu. Ông Thái gả Giáng Tiên cho Đào Lang. Vợ chồng sống 3 năm hạnh phúc và sinh được hai đứa con trai. Rồi Giáng Tiên không bệnh mà mất, ở tuổi 21. Cha mẹ, chồng con sụt sùi thương tiếc không nguôi.

Ngọc Hoàng Thượng Đế thấy nàng từ khi về trời thì luôn buồn bã nên thương cảm sắc phong tước Liễu Hạnh công chúa và cho phép Giáng Tiên trở về trần gian. Quay về làng cũ đúng vào ngày giỗ thứ 2, thấy cha mẹ đôi bên nội ngoại, chồng con vẫn buồn bã về cái chết của mình. Giáng Tiên giải thích với mọi người mình là Công chúa Liễu Hạnh, tiên nữ, sống ở Thiên Cung vì phạm lỗi mà phải đày xuống hạ giới. Nay trở lại nhưng không thể sống với gia đình vì linh hồn không còn ràng buộc với trần gian nữa. Và Liễu Hạnh khuyên mọi người luôn tu nhân tích đức và hẹn Đào Lang kiếp sau gặp lại.

Sau đó, Liễu Hạnh du ngoạn khắp nơi. Chúa Tiên hóa trang, khi thì một bà già chống gậy, khi thì thành một thiếu nữ thổi sáo dưới ánh trăng. Những kẻ đi tìm cách trêu chọc trăng hoa đều bị chúa Liễu trừng trị thích đáng, người lương thiện thì được giáng phúc. Khi cha mẹ và chồng bà đã mất, con cái khôn lớn, trong lòng không còn vương vấn nữa, chúa Liễu chu du khắp nước Việt, tìm kiếm những nơi có phong cảnh đẹp, thả hồn thơ phú cùng tao nhân mặc khách. Trong đó có 2 lần đối ẩm thi thơ với Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan. Lần đầu gặp ở Lạng Sơn khi trên đường Tiến sĩ đi sứ về nước và lần 2 gặp ở Hồ Tây, kinh thành Thăng Long (Hà Nội ngày nay).

Sau đó, vào Nghệ An gặp Nguyễn Sinh (là kiếp sau của Đào Lang) và kết nghĩa vợ chồng, sinh hạ 2 con trai. Nhưng rồi hạn trở về trời lại đến nên phải ly biệt. Trở về trời nhưng lòng trần còn nặng, chúa Liễu đã thuyết phục và được Ngọc Hoàng cho phép trở lại trần gian lần thứ ba. Lần này, chúa cùng với 2 tỳ nữ đến Phố Cát, tỉnh Thanh Hóa. Với quyền năng rất lớn, chúa Liễu thường hiển linh để giáng phúc người tốt, trừng trị kẻ ác, nên được người dân Thanh Hóa tôn kính, tôn bầu Thánh Mẫu Liễu Hạnh và lập đền thờ tự ở núi Sùng. Niên hiệu Cảnh Trị (1661 - 1671), nhà Hậu Lê ban sắc phong Mã Hoàng công chúa, rồi gia phong Chế thắng Hoà diệu Đại vương. Sau này với sự hiển linh của Thánh mẫu Liễu Hạnh, người dân khắp nơi trong cả nước đều lập đền thờ cúng.

Những Thần nữ tương tự chúa Liễu Hạnh

Tham khảo nhiều đền thờ các vị nữ thần được thờ ở Hà Tĩnh, thấy nhiều sắc phong thần na ná như tước hiệu của chúa Liễu Hạnh trong tác phẩm “Vân Cát thần nữ truyện”. Năm 1783, vua Cảnh Hưng sắc phong cho vị thần có đền thờ ở xã Cổ Đạm, huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh): Tiên nhân Ngọc Nữ Mai Hoa Công chúa tước hiệu Linh ứng Hoà diệu Linh cảm Đại Vương. Đền Bà Hải, thờ Nguyễn Thị Bích Châu, cung phi của vua Trần Duệ Tông được ban sắc phong Hoà diệu Chế Thắng phu nhân. Các nhà nghiên cứu văn học cổ điển nhận định: Bà Hồng Hà nữ sĩ họ Đoàn không viết sử, những sự thật cứ liệu có tính lịch sử là chất liệu để nữ sĩ Đoàn Thị Điểm xây dựng, thêm bớt chi tiết, chuyển đổi để thực hiện ý tưởng thẩm mỹ cho cốt truyện hợp lý, thuyết phục. Khoảng những năm 30 - 40 của thế kỷ 18, trong tác phẩm “Truyền Kỳ Tân Phả”, tác giả "Hồng Hà nữ sĩ" Đoàn Thị Điểm đã dành tâm huyết viết “Vân Cát thần nữ truyện” về nhân vật Giáng Tiên - công chúa Liễu Hạnh. Đồng thời cũng dành tâm huyết viết truyện “Đền Thiêng ở Hải Khẩu” ở Kỳ Anh về câu chuyện của “Nữ trung hào kiệt”, cung phi Nguyễn Thị Bích Châu, vợ vua Trần Duệ Tông.

Công chúa Liễu Hạnh là một nhân vật hư cấu trong truyện “Vân Cát thần nữ truyện”, tác phẩm “Truyền Kỳ tân phả”. Câu chuyện ly kỳ, hấp dẫn này đã hé lộ phản chiếu chính cuộc đời cũng như tâm tư, tình cảm và khát vọng mong ước thoát khỏi “khuôn vàng thước ngọc” khắt khe với phụ nữ trong lối sống của nho gia. Thông qua truyện, Hồng Hà nữ sĩ tỏ rõ chí hướng tự do. Người phụ nữ có học vấn xã hội đương đại muốn phá bỏ ràng buộc rào cản: “Cha mẹ đặt đâu con ngồi đó”. Thông qua việc hư cấu bà chúa Liễu Hạnh, nhân vật am tường văn thơ đại diện giới phụ nữ bị hạn chế bằng những giáo điều, quy tắc chuẩn mực đạo đức của Khổng học khắt khe, trói buộc.

Câu chuyện hàm ý chỉ rõ mong ước con người có thể “cải tử hồi sinh” “sống gửi thác về” luân hồi với quan điểm thần bí, siêu thực. Câu chuyện chốt lại bộc lộ ở ý tưởng giải phóng phụ nữ, được tự do học hành, làm thơ, ca hát, tự do yêu đương, lựa chọn người làm chồng, bình đẳng với đàn ông... Đó là nguyện vọng của bà Đoàn Thị Điểm.

Đặng Viết Tường
TIN LIÊN QUAN

Về thăm nơi Hưng Đạo Đại Vương vẽ bản đồ chiến trận Bạch Đằng năm xưa

Nguyễn Hữu Mạnh |

Nằm yên bình tại phường Đông Hải I, quận Hải An, Hải Phòng, Chùa Vẽ, hay còn được biết đến với tên chữ là Hoa Linh tự, là một viên ngọc cổ kính giữa lòng đô thị sôi động. Đây không chỉ là điểm đến tâm linh mà còn là nơi chứa đựng những trang sử hào hùng của dân tộc, nơi mà huyền thoại Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn đã vẽ nên bản đồ chiến lược quyết định thắng lợi trận Bạch Đằng năm 1288.

Di tích Quốc gia đặc biệt Nguyễn Du - Nơi bảo tồn nhiều bia đá cổ

Bài và ảnh đặng viết tường |

Khu Di tích Quốc gia đặc biệt Đại thi hào Nguyễn Du, ở thị trấn Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh. Nơi đây đang lưu giữ nhiều bia đá cổ có giá trị lịch sử - văn hóa. Đây là nguồn tư liệu Hán Nôm có giá trị đặc biệt, là nguồn sử liệu cổ vô cùng quý giá.

Về xứ Đoài chiêm bái Thập bát La Hán chùa Tây Phương

Bài và ảnh ngọc trang - hải nguyễn |

Chùa Tây Phương (Hà Nội) được nhiều người Việt Nam biết tới, khi từng xuất hiện trong chương trình học phổ thông. Chùa hiện lưu giữ hệ thống 64 pho tượng Phật giáo niên đại khoảng thế kỷ 16 - 17, phản ánh nét đẹp đời sống văn hóa, tâm linh của người Việt qua các giai đoạn lịch sử.

"Đế chế" Thanh Mong Pharma: Vỏn vẹn 3 lao động, nữ CEO kiêm vai trò kế toán

Nhóm PV |

Thanh Mong Pharma có vốn điều lệ 1 tỉ đồng với quy mô 3 lao động, bà Lê Thị Thanh Mong là người đại diện pháp luật, kiêm giám đốc, đồng thời cũng chính là kế toán của công ty.

Đội “mưa gió”, người dân xếp hàng từ 2h sáng chờ làm thủ tục đất đai

Linh Trang - Hoàng Lộc |

Theo ghi nhận, khoảng 6h30p sáng ngày 8.4, mặc dù Văn phòng đăng ký đất đai chi nhánh Hà Đông (Hà Nội) vẫn chưa đến giờ mở cửa làm việc nhưng rất đông người dân vẫn sẵn sàng đội mưa gió, xếp hàng từ sớm để làm thủ tục đăng ký đất đai.

Động thái của công ty dầu khí lớn thứ 3 Nga có thể làm chao đảo giá dầu

Khánh Minh |

Công ty dầu khí Gazprom Neft lớn thứ 3 ở Nga tuyên bố sẽ đạt mục tiêu cắt giảm sản lượng dầu vào cuối tháng 4.

Liverpool sẽ phải tiếc nuối về sự lãng phí cơ hội trước Man United

An An |

Thành tích đáng kể nhất của Man United mùa này có thể là việc ngăn cản Liverpool vô địch Premier League.

Công nhân cắn răng gửi con ở nhà trẻ tự phát

Nhóm PV |

Lệch múi giờ, chi phí gửi con ở trường tư quá cao so với thu nhập, băn khoăn có nên gửi con về quê cho ông bà chăm hay không... là nỗi niềm của đa số gia đình công nhân xa xứ đang làm việc tại các khu công nghiệp.

Về thăm nơi Hưng Đạo Đại Vương vẽ bản đồ chiến trận Bạch Đằng năm xưa

Nguyễn Hữu Mạnh |

Nằm yên bình tại phường Đông Hải I, quận Hải An, Hải Phòng, Chùa Vẽ, hay còn được biết đến với tên chữ là Hoa Linh tự, là một viên ngọc cổ kính giữa lòng đô thị sôi động. Đây không chỉ là điểm đến tâm linh mà còn là nơi chứa đựng những trang sử hào hùng của dân tộc, nơi mà huyền thoại Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn đã vẽ nên bản đồ chiến lược quyết định thắng lợi trận Bạch Đằng năm 1288.

Di tích Quốc gia đặc biệt Nguyễn Du - Nơi bảo tồn nhiều bia đá cổ

Bài và ảnh đặng viết tường |

Khu Di tích Quốc gia đặc biệt Đại thi hào Nguyễn Du, ở thị trấn Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh. Nơi đây đang lưu giữ nhiều bia đá cổ có giá trị lịch sử - văn hóa. Đây là nguồn tư liệu Hán Nôm có giá trị đặc biệt, là nguồn sử liệu cổ vô cùng quý giá.

Về xứ Đoài chiêm bái Thập bát La Hán chùa Tây Phương

Bài và ảnh ngọc trang - hải nguyễn |

Chùa Tây Phương (Hà Nội) được nhiều người Việt Nam biết tới, khi từng xuất hiện trong chương trình học phổ thông. Chùa hiện lưu giữ hệ thống 64 pho tượng Phật giáo niên đại khoảng thế kỷ 16 - 17, phản ánh nét đẹp đời sống văn hóa, tâm linh của người Việt qua các giai đoạn lịch sử.