Về thăm nơi Hưng Đạo Đại Vương vẽ bản đồ chiến trận Bạch Đằng năm xưa

Nguyễn Hữu Mạnh |

Nằm yên bình tại phường Đông Hải I, quận Hải An, Hải Phòng, Chùa Vẽ, hay còn được biết đến với tên chữ là Hoa Linh tự, là một viên ngọc cổ kính giữa lòng đô thị sôi động. Đây không chỉ là điểm đến tâm linh mà còn là nơi chứa đựng những trang sử hào hùng của dân tộc, nơi mà huyền thoại Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn đã vẽ nên bản đồ chiến lược quyết định thắng lợi trận Bạch Đằng năm 1288.

Ngôi chùa xưa có từ thời Trần

Chùa Vẽ là một di tích đặc sắc, có giá trị về nhiều mặt trong lịch sử kiến trúc, nghệ thuật Phật giáo Việt Nam. Người vùng này vẫn có câu phương ngôn: "Gạo chùa Đông, thông chùa Đà, đa Chùa Vẽ", để truyền tụng về lịch sử xa xưa của ngôi chùa gắn với cây đa cổ thụ.

Thuở xưa, ban đầu Chùa Vẽ là một ngôi chùa nhỏ được xây dựng từ những vật liệu giản dị như tranh, tre, nứa, lá - nơi thờ tự tâm linh của những người dân chài lưới ở cửa sông Cấm. Vào thế kỷ thứ X, từ một thảo am nhỏ bé, Chùa Vẽ đã trở thành ngôi cổ tự linh thiêng của làng Đoạn Xá (tên gốc là Đoàn Xá - làng của người họ Đoàn), huyện An Dương, phủ Kinh Môn, trấn Hải Dương (nay là phường Đông Hải I, quận Hải An, thành phố Hải Phòng).

Nhưng câu chuyện huyền thoại của Chùa Vẽ không chỉ dừng lại ở đó. Năm 1288, trong bối cảnh chuẩn bị cho trận chiến quyết định trên sông Bạch Đằng, Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn đã chọn chính ngôi chùa này làm nơi quan sát và lập kế hoạch chiến lược. Tại đây, với bàn tay và trí tuệ của mình, ông đã vẽ nên bản đồ chiến thuật, một công cụ quan trọng giúp quân dân nhà Trần giành chiến thắng vang dội trước quân Nguyên Mông. Để truyền đạt bí mật chiến lược này đến với các đạo quân, Hưng Đạo Vương đã sử dụng bánh đa - một loại bánh truyền thống của Việt Nam. Bằng cách rắc vừng lên bánh đa và sau đó tráng bánh, hình ảnh của bản đồ chiến trận hiện lên, tạo ra một phương pháp truyền tin sáng tạo và độc đáo. Những chiếc bánh đa này không chỉ là tài liệu chiến lược mà còn là nguồn lương thực quý giá cho quân sĩ trên mặt trận.

Sau chiến thắng vẻ vang, một lần về thăm Đoạn Xá, ông đã bỏ tiền bạc riêng để giúp dân làng trùng tu, tôn tạo chùa. Hưng Đạo vương đã trực tiếp chọn hướng cho ngôi chùa mới và ban cho tên chữ là Hoa Linh mà theo "Trùng tu Hoa Linh tự bi ký" dựng năm 1916 cho biết: "Chùa Hoa Linh có biển lớn đứng phía trước, thành phố dựa phía sau, sông Rừng (tức sông Bạch Đằng) chảy phía tả, núi Voi trấn phía hữu, rắn vàng vươn đai ấn, nhạn trắng ngậm cuốn thư, cảnh thanh vật nhã, danh lam cổ soái”. Nhân dân, thì gọi tên Nôm của chùa là Chùa Vẽ để kỷ niệm sự kiện Trần Hưng Đạo đã vẽ bản đồ chiến trận Bạch Đằng giang tại chùa này.

Chùa Vẽ, nơi thờ tự linh thiêng của thành phố Hải Phòng. Ảnh: Tư liệu
Chùa Vẽ, nơi thờ tự linh thiêng của thành phố Hải Phòng. Ảnh: Tư liệu

Kiến trúc, nghệ thuật đặc sắc

Dưới thời Trần (1226 - 1400), chùa được xây dựng với quy mô rộng lớn theo đồ hình "nội công ngoại quốc". Chùa được trùng tu, tôn tạo nhiều lần vào năm 1889, 1917, 1924... Hiện trong chùa lưu trữ nhiều văn bia đề cập đến những lần trùng tu này. Bia "Tu tạo Hoa Linh tự bi" dựng năm 1889 cung cấp: "Năm Kỷ Sửu niên hiệu Thành Thái sơ niên, thân hào xã Đoạn Xá, tổng Hạ Đoạn, thấy chùa Hoa Linh đổ nát, họp bàn với sư trụ trì, nội bộ phát động người có hằng tâm giúp việc công ích, mặt ngoài đẩy mạnh việc quyên giáo, chỗ nào hỏng thì sửa chữa, chỗ nào chưa có thì xây dựng cái mới, thế là quả phúc của nhà chùa đã viên mãn...".

Bia “Trùng tu Hoa Linh tự chi bi" dựng năm 1924, cho biết, chùa bị xuống cấp nên năm đó sư trụ trì chùa cùng với nhân dân: "Hợp sức xây dựng, mở mang cảnh chùa. Nhân đó tạo thành thượng điện, tiền đường, hai bên cung cấm, tất cả 11 gian đều dùng gỗ lim, ngói tốt; xây dựng nhà sau, đắp đường, đào ao, trồng cây, việc trùng tu 2 năm mới hoàn thành...".

Hiện nay, Chùa Vẽ là công trình kiến trúc nghệ thuật có quy mô lớn, tọa lạc trên một khuôn viên rộng rãi, thoáng mát với kiến trúc đẹp, quy hoạch gọn ngàng, gồm: Tam quan 2 tầng 8 mái đao cong; tòa điện Phật với 9 gian cao rộng (5 gian tiền đường và 4 gian hậu cung) và tòa thờ tổ 5 gian cổ kính. Ngoài ra, còn có nhà bia; nhà tri khách, tòa hậu Phật; trai phòng; khu học xá; giảng đường; khu phụ, rộng rãi, khang trang; khu vườn "Lâm Tỳ Ni" và tượng đài kỷ niệm "Đức Phật Thích Ca và thập đại đệ tử" thu nhỏ rất sống động; lầu Quán Thế Âm bát giác... Chùa Vẽ còn phối thờ Đức Ngô Vương Quyền, Đức Thánh Trần, Tam tòa Thánh Mẫu và các vị hậu Phật.

Hệ thống tượng pháp, bia ký, điêu khắc của Chùa Vẽ có giá trị, luôn nhận được sự quan tâm của giới nghiên cứu mỹ thuật cổ. Hệ thống tượng pháp của Chùa Vẽ đều cao to như người thật, sơn son thếp vàng lộng lẫy và hầu hết có niên đại thế kỷ XVIII - XIX. Tiêu biểu như bộ tượng "Cửu Long và Thích Ca sơ sinh" và pho Phật Thích Ca nhập niết bàn... Đặc biệt, hiện chùa sở hữu tòa Ngọc Phật Quán Âm Tứ diện được tạc từ khối ngọc thạch nephrite nặng tới 14,5 tấn.

Lễ hội Chùa Vẽ được tổ chức vào ngày 10 đến 20 tháng 8 Âm lịch hàng năm để tôn thờ Đức Phật và Đức Thánh Trần Hưng Đạo (trùng với ngày giỗ của Đức Thánh Trần 20.8 Âm lịch). Vào dịp này nhân dân trong vùng kéo về đây trẩy hội rất đông để lễ Phật, lễ Thánh và cầu an, cầu phúc, cầu lộc. Đặc biệt có cỗ chay dâng Phật và Thánh không thể thiếu món bánh đa nướng có rắc vừng, mô phỏng lại trận đồ tác chiến trên sông Bạch Đằng xưa của Đức Thánh Trần như gợi nhớ về một kỷ niệm vang bóng một thời xa xưa của quân dân nhà Trần trên sông Bạch Đằng lịch sử.

Chùa Vẽ - Hoa Linh tự không chỉ là điểm đến tâm linh mà còn là một trung tâm văn hóa, tín ngưỡng, đem lại cho du khách một trải nghiệm du lịch đầy ý nghĩa và sâu sắc. Đây là nơi lưu giữ những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, một nơi để hồi tưởng và học hỏi về sức mạnh, trí tuệ và lòng dũng cảm của những bậc tiền nhân. Đến với Chùa Vẽ, du khách không chỉ được chiêm ngưỡng vẻ đẹp kiến trúc, nghệ thuật mà còn được đắm chìm trong không gian tâm linh, hòa mình vào câu chuyện lịch sử hào hùng của dân tộc Việt Nam.

Chùa Vẽ không chỉ là một di tích lịch sử, mà còn là minh chứng cho sự sáng tạo, trí tuệ và lòng dũng cảm của quân và dân nhà Trần. Qua hàng thế kỷ, câu chuyện về ngôi chùa và bản đồ chiến thắng đã trở thành một phần không thể tách rời trong tâm thức của người dân Hải Phòng, nhắc nhở chúng ta về giá trị của trí tuệ và sự quyết tâm trong bảo vệ Tổ quốc.

Nguyễn Hữu Mạnh
TIN LIÊN QUAN

Về xứ Đoài chiêm bái Thập bát La Hán chùa Tây Phương

Bài và ảnh ngọc trang - hải nguyễn |

Chùa Tây Phương (Hà Nội) được nhiều người Việt Nam biết tới, khi từng xuất hiện trong chương trình học phổ thông. Chùa hiện lưu giữ hệ thống 64 pho tượng Phật giáo niên đại khoảng thế kỷ 16 - 17, phản ánh nét đẹp đời sống văn hóa, tâm linh của người Việt qua các giai đoạn lịch sử.

Câu chuyện về chùa Lôi Âm tọa lạc trên núi Linh Thứu

Nguyễn Hữu Mạnh |

Núi Linh Thứu tọa lạc ở bang Bihar, Ấn Độ, là một thánh địa linh thiêng của mỗi Phật tử. Đây là nơi Đức Phật an trú khoảng 7 năm và thuyết giảng những bộ kinh quan trọng như: Kinh Đại Bát Nhã, Kinh Đại Bửu Tích, Kinh Diệu Pháp Liên Hoa, Kinh Di Lặc... Ở nước ta, núi Lôi Âm (Quảng Ninh) được ví như núi Linh Thứu, cõi Phật tựa như bồng lai tiên cảnh.

Chùa cổ Thiểm Khê chứng tích về chiến thắng Bạch Đằng năm 1288

Nguyễn Hữu Mạnh |

Do vị trí hiểm yếu, xã Liên Khê (Trúc Động xưa), huyện Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng được chọn là trận địa chốt giữ, đánh chặn không cho chiến thuyền Mông - Nguyên ra biển bằng sông Giá. Ngôi chùa Thiểm Khê ở xã Liên Khê được dựng lên như một tượng đài về trận chiến Trúc Động lẫy lừng trong chiến thắng Bạch Đằng thủa ấy.

Dòng vốn ngoại rút mạnh, chứng khoán vẫn đủ sức chinh phục 1.300 điểm

Gia Miêu |

Xu hướng tích cực của thị trường chứng khoán được nhận định sẽ nối tiếp trong tháng 4 và mục tiêu là chinh phục ngưỡng 1.300 điểm.

Gần 100 người Việt có tầm ảnh hưởng quy tụ tại Pháp

Tuyết Lan |

Diễn đàn Người Việt có tầm ảnh hưởng 2024 (Vietnam Global Leaders Forum - VGLF 2024) đã được tổ chức trong hai ngày 30-31.3, tại Paris, Pháp.

Dịch bệnh tay chân miệng ở TPHCM có xu hướng tăng

Huyền Trân |

Trong 1 tuần qua, TPHCM ghi nhận 118 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng, tăng hơn 1/3 so với trung bình 4 tuần trước.

Ca từ Trịnh Công Sơn, một chữ cũng gây xôn xao

Mi Lan |

Rất nhiều ca sĩ đã phải nhanh chóng đưa ra lời xin lỗi với gia đình, khán giả yêu nhạc Trịnh khi hát sai một chữ trong ca khúc của ông.

Bộ Nội vụ thông tin về tiền lương khiến nhiều y tế trường học vui mừng

TRÀ MY |

Mới đây, Bộ Nội vụ cho biết sẽ xem xét điều chỉnh, nghiên cứu sửa đổi, bổ sung quy định về vị trí việc làm và tiền lương với nhân viên y tế trường học.

Về xứ Đoài chiêm bái Thập bát La Hán chùa Tây Phương

Bài và ảnh ngọc trang - hải nguyễn |

Chùa Tây Phương (Hà Nội) được nhiều người Việt Nam biết tới, khi từng xuất hiện trong chương trình học phổ thông. Chùa hiện lưu giữ hệ thống 64 pho tượng Phật giáo niên đại khoảng thế kỷ 16 - 17, phản ánh nét đẹp đời sống văn hóa, tâm linh của người Việt qua các giai đoạn lịch sử.

Câu chuyện về chùa Lôi Âm tọa lạc trên núi Linh Thứu

Nguyễn Hữu Mạnh |

Núi Linh Thứu tọa lạc ở bang Bihar, Ấn Độ, là một thánh địa linh thiêng của mỗi Phật tử. Đây là nơi Đức Phật an trú khoảng 7 năm và thuyết giảng những bộ kinh quan trọng như: Kinh Đại Bát Nhã, Kinh Đại Bửu Tích, Kinh Diệu Pháp Liên Hoa, Kinh Di Lặc... Ở nước ta, núi Lôi Âm (Quảng Ninh) được ví như núi Linh Thứu, cõi Phật tựa như bồng lai tiên cảnh.

Chùa cổ Thiểm Khê chứng tích về chiến thắng Bạch Đằng năm 1288

Nguyễn Hữu Mạnh |

Do vị trí hiểm yếu, xã Liên Khê (Trúc Động xưa), huyện Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng được chọn là trận địa chốt giữ, đánh chặn không cho chiến thuyền Mông - Nguyên ra biển bằng sông Giá. Ngôi chùa Thiểm Khê ở xã Liên Khê được dựng lên như một tượng đài về trận chiến Trúc Động lẫy lừng trong chiến thắng Bạch Đằng thủa ấy.