Tiểu thuyết "Đất và Máu" nói về một thời kỳ biến động có một không hai trong suốt chiều dài lịch sử của dân tộc Việt; như một nhân chứng lịch sử, tố cáo chiến tranh do thực dân đế quốc gây nên trên mảnh đất Việt Nam; tố cáo tội ác khiến hàng triệu người dân vô tội chết đói năm 1945; tố cáo những mưu ma chước qủy của những thế lực hòng xâu xé mảnh đất Việt Nam. Đồng thời kể lại, khắc họa thật cảm động những số phận, những con người dũng cảm, hy sinh, nhường cơm xẻ áo cho đồng bào. Không những thế, có cả những bài học về sự ứng xử và giải quyết rất nhân bản, thông minh, thức thời, thậm chí vượt cả thời đại của những nhân vật như thầy Tế Mỹ cùng gia đình, như ông bà Tiên, hay sức mạnh dân làng Khánh Hữu và dân bản người Sán Dìu... Sự xuất hiện của Việt Minh và phác họa một vài nét chấm phá Lễ Tuyên ngôn Độc lập ngày 2.9 của Chủ tịch Hồ Chí Minh và đội quân kháng chiến thắng lợi.
Trên hết là một cuốn tiểu thuyết ghi dấu ấn thời đại đã qua, một góc chiếu rọi lại những năm tháng mà số phận dân tộc Việt Nam phải chịu thử thách.
Tôi đã đọc cuốn tiểu thuyết này trên kênh "Cầm Kỳ Official" thuộc Trung tâm Tôn vinh Văn hóa Đọc trong sự đồng cảm, xa xót, tự hào. Chia ra 32 phần để đọc cuốn tiểu thuyết "Đất và Máu" của nhà văn Đặng Huỳnh Thái dài 730 trang, hơn 200 nghìn từ, trong suốt 6 tháng, có hàng nghìn người trong nước và nước ngoài đăng ký, bình luận. Nhiều kiều bào xa quê, đã không cầm được nước mắt khi nghe những cảnh đau thương tang tóc của đồng bào, viết những bình luận xúc động chia sẻ cùng tác giả.
Anh Thế Hài đang làm ăn ở Slovakia viết: "Cháu cũng ở Thái Bình, xưa nay chỉ nghe nói về nạn đói năm 1945, bây giờ mới hiểu rõ cha ông mình khổ vậy, chết trên sông, trên biển, ngoài đường ngoài chợ, đất trộn máu người. Thầy lang Tế thật nhân từ, cứu sống bao người đói khổ và đại dịch tả. Cám ơn nhà văn Võ Thị Xuân Hà có giọng đọc mượt mà, tình cảm và cuốn hút, nâng giá trị của tác phẩm vượt lên khỏi những trang giấy khô cứng".
Bà Nguyễn Thị Hòe (83 tuổi) ở phường Minh Khai, Bắc Từ Liêm, Hà Nội, hồi 8 tuổi, đói quá không có gì ăn, bố mẹ phải đem bán ở cổng chợ với giá hai hào. Suốt hơn 75 năm qua, bà Hòe luôn canh cánh và trăn trở trong lòng với hy vọng tìm kiếm được người thân. Nhưng bà vẫn không biết quê quán, tên mình và bố mẹ là ai để tìm về. Nghe đọc "Đất và Máu", bà khóc, bồi hồi nói: "Thôi cứ lấy cái làng Khánh Hữu ven biển Thái Bình làm quê hương và ngày rằm tháng ba là ngày giỗ cha giỗ mẹ!".
Giáo sư, Nhà giáo Nguyễn Phong Niên - nguyên Ủy viên thường trực Ủy ban xóa nạn mù chữ Trung ương xem xong, ông nói: "Ở một làng biển xa xôi phải chống chọi với thiên nhiên biển cả, lũ lụt, thù trong giặc ngoài. Hết nạn đói lại dịch bệnh mà vẫn hăng hái đi học bình dân học vụ: I tờ tờ i ty để vươn lên không phải bước qua vũng bùn lầy lội. Là người làm công tác xóa nạn mù chữ lâu năm, nghe Võ Thị Xuân Hà đọc đến đây tôi trào nước mắt...".
Ngay ngoài bìa cuốn sách, tác giả đã đưa ra thông điệp: "Mỗi thửa đất của tổ tiên để lại, nuôi một gia đình muôn triệu năm. Trên thửa đất này, trồng lúa ra cơm ra rượu, trồng rau quả làm thực phẩm, trồng cây lấy gỗ làm nhà, trồng bông dệt vải mà mặc, chăm nuôi súc vật làm sức kéo, lấy thịt thuộc da... Cứ đời này truyền qua đời khác, vĩnh viễn không bao giờ dứt... Thế mà bao nhiêu cuộc tranh giành diễn ra triền miên...".
Nạn đói năm 1945 có hơn 2 triệu người chết đói, có gia đình chết cả nhà, cả họ tộc, không bao giờ được nhắc đến, không biết xương cốt nằm nơi đâu, không biết ngày giỗ, thật đau buồn. Chính vì vậy tác giả đã dành những trang cuối sách để dân làng tự xây dựng nghĩa trang Hoang Điền cho những người nghèo khổ xấu số có nơi an nghỉ cuối cùng. Đời đời con cháu sau này có chỗ tìm về với ông bà tổ tiên.
Chúng tôi mong cầu các thế hệ sau sẽ biết được những gì mà dân tộc Việt Nam đã trải qua; để cùng bước tới tương lai.
Văn chương trong tiểu thuyết "Đất và Máu" là vậy! Chắc chắn bản dịch tiếng Anh - Earth And Blood do nhóm nữ dịch giả Hà Nội HFT chuyển ngữ sẽ giữ được đầy đủ ý tưởng của tác giả để "Đất và Máu" vươn xa, bay xa.