Chuyện những người An Nam ở Paris

Trần Thế Vinh (tổng hợp) |

“Chuyện những người An Nam ở Paris hay sự thật về Đông Dương” (Une Histoire de Conspirateurs Annamites à Paris ou la Vérité sur L’Indo-chine) mới ra mắt tại Việt Nam là một trong số các tác phẩm nổi bật nhất của Luật sư - Tiến sĩ Luật Phan Văn Trường. Cuốn hồi ký này từng được xuất bản nhiều kỳ trên tạp chí “La Cloche Fêlée” (Chuông rè) từ số ra ngày 30.11.1925 đến số ra ngày 15.3.1926.

1. Tác giả Phan Văn Trường (1876 - 1933) được coi là vị “tổ nghề”, luật sư đầu tiên của Việt Nam. Ông là một trong những người tiên phong kết hợp nghề luật và nghề báo vào chung một con đường, đó là con đường cách mạng giải phóng dân tộc Việt Nam. Trong tác phẩm “Chuyện những người An Nam ở Paris hay sự thật về Đông Dương”, Tiến sĩ Phan Văn Trường đã thuật lại tỉ mỉ câu chuyện về những trí thức Việt Nam từng bôn ba ở chính mẫu quốc Pháp để tìm tòi những đường hướng mới cho công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc những năm đầu thế kỷ XX. Theo chân những tường thuật của Luật sư Phan Văn Trường, người chí sĩ đã sát cánh cùng nhiều nhân vật cách mạng như Phan Châu Trinh, Cường Để, Nguyễn Ái Quốc... và hoạt động đấu tranh qua báo chí, người Việt chúng ta ở thời hiện đại sẽ hiểu rõ hơn hành trạng của một số nhân vật lịch sử hồi đầu thế kỷ XX, cũng như phần nào thấu suốt được lý do vì sao công cuộc đấu tranh giành độc lập cho dân tộc phải chuyển sang một giai đoạn mới. Và cuốn hồi ký của Luật sư Phan Văn Trường chính là tài liệu gần gũi và chân thực nhất giúp độc giả tiếp cận với quan điểm cùng hoạt động đấu tranh giải phóng dân tộc của cha ông xưa.

Phan Văn Trường quê ở làng Đông Ngạc, Từ Liêm, Hà Nội. Năm 1912, ông tham gia đoàn Luật sư Paris và hành nghề ở tòa thượng thẩm. Cũng năm đó, ông cùng cụ Phan Chu Trinh sáng lập nên “Hội đồng bào thân ái” - Hội người Việt đầu tiên trên thế giới. Ngày 12.9.1994, ông bị Thực dân Pháp bắt giam ở nhà lao quân đội Cherche-Midi rồi bị đưa ra tòa án binh xét xử, nhưng rồi được thả tự do vào tháng 7.1915 nhờ sự vận động của Hội Nhân quyền và Đảng Xã hội (Pháp) thời bấy giờ. Năm 1918, ông tiếp tục con đường luật học và trở thành tiến sĩ luật hình đầu tiên ở Việt Nam. Năm 1919, ông cùng các nhà yêu nước Phan Chu Trinh, Nguyễn Tất Thành, Nguyễn Thế Truyền viết Bản yêu sách 8 điểm gửi tới hội nghị hòa bình ở Versailles, trong đó Phan Văn Trường được coi là người chấp bút nên văn bản này.

Năm 1923, ông từ bỏ tất cả trở về nước tiếp tục đấu tranh vì độc lập nước nhà. Ông cùng Nguyễn An Ninh đứng ra tổ chức hội Thanh niên Cao vọng. Thời gian này, hai người còn cho xuất bản báo Chuông rè (La Cloche Fêlée) và Nước Nam (L‘Annam) bằng tiếng Pháp tại Sài Gòn. Về văn hóa, ông là người đầu tiên chính thức đề xướng việc dùng chữ Quốc ngữ là văn tự cho người Việt.

Ngày 21.7.1927, ông bị bắt và khám nhà với tội danh “kích động dân bản xứ nổi loạn” tuy nhiên, sau đó ông được tại ngoại. Tháng 8.1929, ông bị Tòa thượng thẩm Paris xử y án 2 năm tù giam. Năm 1931, ông được mãn hạn tù rồi trở về Sài Gòn tiếp tục đấu tranh đòi dân chủ cho Việt Nam. Thế nhưng, con người đó đã không thể tiếp tục thực hiện lí tưởng cao cả bởi cơn bạo bệnh đã cướp đi mạng sống của ông vào ngày 22.4.1933 tại Hà Nội.

Xin lược giới thiệu chương đầu tiên trong cuốn sách này tới bạn đọc, chương “Ở quê hương An Nam của tôi”.

2. Cái tôi thì đáng ghét. Mà chẳng phải chính vì cái thói ấy mà con người ta mới lấy làm vênh váo trước những cách biệt xã hội nhỏ nhất, về những điều bất tương xứng chẳng mấy đáng kể để rồi dương dương tự đắc về những điều đó với ít nhiều vẻ đạo đức giả trước mặt đồng loại của chính mình đó sao? Nhưng chắc chắn cái tôi sẽ bớt đáng ghét hơn nếu người ta nói về bản thân nhưng không hề tỏ ra kiêu căng vênh váo, cũng không làm bộ khiêm tốn, mà chỉ nói nhằm đưa ra những luận giải thẳng thắn, rõ ràng khi kể câu chuyện riêng của mình.

Như bao người An Nam khác, tôi sinh ra trong một gia đình trí thức thấm nhuần đạo lý làm người truyền thống mà chúng tôi kế thừa từ những bậc thánh hiền Trung Hoa, đó là phải biết sống vị tha và vô vụ lợi. Đây là một điểm chung giữa người An Nam chúng tôi và chúng tôi có thể phô trương đức tính đó của mình mà không sợ bị cho là huênh hoang, khoác lác. Vậy tôi có biết tận dụng cái đức tính vốn như một di sản luân lý mà ông cha để lại cho mình hay không?

Thú thật là tôi chẳng dám khẳng định gì. Lúc nào cũng vậy, chẳng hề làm ra vẻ coi thường đối với mọi của cải trên thế giới này, ngay từ khi còn trẻ, tôi chưa bao giờ bị dục vọng có được sự giàu sang phú quý và những danh vọng giả tạo dằn vặt, trong khi đó là những thứ mà ở đâu người ta cũng ham thích vô cùng, ngay cả ở các đất nước theo đạo Cơ Đốc, nơi người ta được dạy dỗ phải trở thành người chỉ tích lũy những gia tài mà ngay cả kẻ trộm hay cái chết cũng không thể cướp đi được. Chẳng có chút tham vọng, tôi sống mà không hề cầu đến mánh khóe, thủ đoạn, những thứ mà tôi nhận thấy mình chẳng có chút năng khiếu nào.

Vào cái thời mà đất nước An Nam vẫn còn thuộc về người An Nam và bề ngoài chịu thần phục Trung Hoa - tức chỉ giữ mối quan hệ truyền thừa về nòi giống với dân tộc này, bởi lịch sử đã cho chúng ta biết rằng tổ tiên của người An Nam là nhánh tách ra từ một dòng họ có nguồn gốc ở Trung Hoa - thì chủ nghĩa anh hùng, đức tính vị tha, tinh thần hy sinh quên mình, nhất là sự coi khinh tài phú, không phải là những phẩm chất hiếm thấy ở một giống nòi vốn là hậu duệ của Thần Nông. Theo những trang sử biên niên đầu tiên của dân tộc chúng tôi, Kinh Dương Vương đã dẫn dắt con cháu Thần Nông xuống những vùng đất ở phía Nam Á Châu để định dân, lập nên nước Giao Chỉ, một nước chư hầu cuối cùng được Trung Hoa - nước thiên tử - ban cho các quốc hiệu Nam Việt và An Nam. Lịch sử của chúng tôi cho chúng tôi biết rằng dưới các triều đại cũ, trong tầng lớp trí thức An Nam có những người được xem như là hình mẫu cho sự đức độ và tính liêm khiết, và vì thế họ xứng đáng được xếp vào hàng ngũ các bậc hiền nhân. Về vấn đề này, tôi mạn phép trích dẫn một tấm gương trong gia đình tôi, không phải để khoe khoang về gia thế của mình mà chỉ nhằm nói về những gì tôi thực sự thấu suốt, và bên cạnh đó cũng nhằm chỉ ra rằng tấm gương này không hề là một ngoại lệ trong thời kỳ yên bình khi người An Nam chúng tôi còn giữ được quyền tự chủ của mình. Vả chăng, chung quy thì người ta ai cũng có thể xuất thân từ một gia đình tầm thường, không có chút tài sản nào, một gia đình tiện dân nghèo khó, và đều có thể thành tài và trở nên con người có phẩm hạnh đạo đức cao đẹp, trong khi lịch sử luôn cho ta biết rằng ở đâu cũng vậy, ở khắp các quốc gia trên thế giới, người ta gặp không ít những kẻ đần độn, ngu xuẩn, những kẻ nhơ nhớp, bẩn thỉu về mọi phương diện ở giữa những hậu duệ hoàng gia hay con cháu của các vị quyền cao chức trọng của nhà nước.

3. Cùng với những trí thức danh tiếng nhất của dân tộc, cụ của tôi được khắc tên lên bia tiến sĩ đặt tại Văn Miếu-Quốc Tử Giám ở Hà Nội, nơi được ví như điện Panthéon của người An Nam. Cụ làm quan dưới triều nhà Lê và là một tấm gương cho sự thanh liêm. Cha mẹ của cụ, tức là các kỵ của tôi không hề là những người phú quý, nhưng đã truyền lại cho cụ đức tính chính trực, biết hành xử tiết chế, và trong các chặng hoạn lộ của mình, cụ được hầu hết mọi người thừa nhận là có phẩm cách đạo đức cao quý. Từ hồi còn rất trẻ, cụ đã được nhận vào các lớp bậc cao ở Quốc Tử Giám và được bổ nhiệm làm quan, thăng tiến rất nhanh và cuối cùng đạt đến đỉnh cao quyền lực khi nắm giữ chức vụ thừa tướng trong triều đình nhà Lê, được phong tước hầu, chức quan này tương đương với chức thủ tướng ngày nay. Kỳ thực, cụ là một hầu tước chẳng có chút tài sản nào, luôn sống đạm bạc, thậm chí có thể nói là chật vật. Tất cả tài sản cụ để lại cho các con mình chỉ là một ngôi nhà nhỏ nằm ở làng Đông Ngạc, Hà Nội, nơi cụ đã sống những năm tháng cuối đời. Dẫu vậy, cụ vẫn để lại cho con cháu một món gia tài vô giá, món gia tài mà tôi muốn nói đến đó là sự giáo dục cẩn trọng và nề nếp gia đình thông qua những hành động làm gương, tỏ rõ một cuộc đời đã sống và giữ được trọn vẹn phẩm giá, danh dự chân xác của một con người.

Ở An Nam, dưới những triều đại cũ, những vị quan có chức tước cao nhưng lại tình nguyện sống đời đạm bạc để làm gương cho người dân không phải hiếm. Ta có thể dẫn ra đây một nhân vật được nhiều người Pháp biết đến, đó là ngài Phan Thanh Giản, vị đại thần từng giữ chức Kinh lược sứ, tức quản toàn bộ vùng đất bao gồm Nam kỳ lục tỉnh mà nay đã thành Nam kỳ thuộc Pháp, trong những năm đầu tiên xảy ra chiến tranh giữa An Nam và Pháp. Vị đại thần này, người thực hiện nhiệm vụ nghị hòa với Pháp quốc, sau khi thay mặt hoàng đế An Nam ký một hòa ước nhượng lại vùng đất phía Nam của đất nước, đã lui về sống ẩn dật ở một căn nhà nhỏ tồi tàn vốn là tư dinh và cũng là tài sản duy nhất của ông. Cuối cùng, ông đã tự tử để khỏi phải sống trong nỗi ô nhục và trong cảnh nước mất nhà tan.

Thế nhưng, chắc chắn là tinh thần hy sinh quên mình này, vốn là phẩm chất đạo đức mà người An Nam chúng tôi xem trọng nhất, lại không có giá trị như thế ở các nước tư bản Châu Âu. Ngày nay, nếu có người sống ở một nước tư bản Châu Âu cho rằng cần phải ca ngợi tinh thần coi thường vinh hoa phú quý và xem đó như một phẩm chất đạo đức cao quý, người ta sẽ không quên cười vào mũi anh ta, xem anh ta chẳng khác gì một kẻ ngây thơ, ngốc nghếch, và ranh mãnh nói với anh ta rằng anh ta đã sinh nhầm thời rồi. Vì rằng trong cái thời thống trị của chủ nghĩa tư bản, tiền không chỉ là động lực thúc đẩy chiến tranh mà còn là một thứ gì đó tốt đẹp hơn nữa, một thứ rất hữu ích trong thời bình: Tiền cho phép người ta muốn làm gì thì làm, tiền là chiếc chìa khóa vạn năng giúp người ta mở ra mọi cánh cửa, tiền là thứ bùa mê thu hút tất cả những người có danh vọng, địa vị trong giới thượng lưu đến với nó. Kể từ thời khắc một kẻ hãnh tiến sở hữu được nhiều tiền bạc, trong tay nắm đầy tiền mà y có thể tùy ý sử dụng thì quá khứ ít nhiều đáng khinh bỉ của y nào có sá chi. Vụ án Bolo (Bolo là một người hãnh tiến, giàu xổi. Trong Thế chiến thứ nhất (1914-1918), ông ta bị buộc tội đã nhận của nước Đức 11 triệu franc để mua các tờ báo ở Pháp và qua các tờ báo này tiến hành chiến dịch kêu gọi người Pháp đầu hàng. Bị đưa ra luận tội trước hội đồng chiến tranh, ông ta đã bị kết án tử hình, rồi bị bắn chết sau khi việc xin được ân xá của ông ta bị bác bỏ) và bao vụ việc khác không diễn ra để thuyết phục những người hoài nghi nhất, không tính vào số này những kẻ ưa phiêu lưu có cùng một giuộc với công chúng vô tri, chỉ bằng cái lý lẽ đó là trong quá khứ họ không hề có vinh dự xem một vụ án lớn được xét xử công khai...

Cuối cùng mọi người đều đã thấy điều đó... “Đó là đời sống ở Paris, khi một người được nhìn thấy đi ăn tối trong một khách sạn hạng sang, anh ta là một người Paris. Nếu thi thoảng anh ta đến chỗ một người có danh vọng, địa vị ăn tối thì anh ta là một nhân vật rất Paris; nhưng nếu anh ta có một cái bàn ăn và có thể mở cửa đón khách thì ta hãy chắc một điều: Anh ta luôn có khách đến thăm và đó là một nhân vật lớn của Paris. Tầm cỡ của anh ta có khi phụ thuộc vào vị đầu bếp và cái bàn ăn của anh ta”.

Tóm lại, chuyện ăn uống, những thú vui phàm tục, trong sự tiện nghi hiện đại thoải mái nhất, đó là những thứ lý tưởng trong xã hội hiện tại của chúng ta. Để có được những thứ này thì phải có tiền, có tiền nữa và có tiền mãi.

4. Hãy tiếp tục, vì chúng ta đang nói về vấn đề phong tục, lối sống của thời đại mình. Tốt hơn hay tệ hơn còn tùy vào cách nhìn nhận của mỗi người: Vì thực ra, có lẽ chẳng có gì là tốt hay xấu trên thế giới này, điều gì cũng có hai mặt ý nghĩa. Chúng ta có thể nói về những bà chủ của các dinh thự hạng nhất luôn kín cổng cao tường, những nữ thương gia lớn bị xem là kiểu người tầm thường, hoặc giả bạn thích nói thế này hơn, là những người phụ nữ một khi đã tích lũy đủ một tài sản sẵn có là rút lui, không kinh doanh nữa và trở thành những bà chủ lâu đài được người dân ở nơi mà họ đã tạo dựng sản nghiệp kính trọng, quý mến. Vì họ giàu có và còn có tầm ảnh hưởng nữa, hai thứ này thường phải đi cùng nhau, nên nhiều người đến tìm kiếm sự bảo trợ của họ cho các việc từ thiện. Ôi, mỉa mai làm sao!

Chúng ta có thể tự tưởng tượng ra cái cảnh người khác van nài họ chấp nhận ngồi vào chiếc ghế chủ tịch của một hội được lập ra nhằm bảo vệ và phục hồi tinh thần cho những cô gái trẻ bất hạnh chẳng may bị đàn ông quyến rũ và bỏ rơi. Sau rốt, có một điều không quá nghịch lý là trước hết người ta có thể đã tin tưởng họ: Dường như họ là những quý bà cao thượng, những người có nhiều kinh nghiệm trên trường đời, những người có phẩm chất tốt hơn bất kỳ ai trong việc giúp những cô gái là nạn nhân của ái tình và những người bị tước quyền thừa kế tài sản có thể vực dậy tinh thần vì họ có nhiều sự từng trải trong quá khứ.

Ở quê hương tôi, cũng có một kiểu phụ nữ bị xem là có lối sống phóng túng. Đó là những người phụ nữ sau một thời gian dài sống leo lắt với nghề nghiệp tầm thường của mình, bằng một sự tình cờ may mắn, đã dùng được vẻ duyên dáng của bản thân để quyến rũ thành công một ông chủ thầu công trình công lớn người Pháp. Trong một thời gian ngắn, người tình này sẽ tạo dựng cho cô ấy một cơ ngơi khá lớn bằng cách giao cho cô một phần lớn việc làm ăn của mình.

Trở nên giàu có, người phụ nữ đó sẽ tạo ra những mối quan hệ quyền lực với những người có ảnh hưởng trong cộng đồng người Pháp, đó là những người có thể tác động để họ được chính quyền Pháp trao tặng tước hiệu mệnh phụ cao quý mà thuở xưa triều đình An Nam đã ban để tôn vinh những người phụ nữ đức cao vọng trọng, những người phụ nữ khác xa với họ. Người đàn bà tầm thường bỗng dưng trở thành một mệnh phụ và được phong tước vì mục đích vinh danh.

Cô ta có kẻ hầu người hạ, có xe ngựa đưa đón. Người ta bảo rằng cô ta thường lui tới giao du với những quý bà Châu Âu, những người thường thường chỉ nhìn người An Nam bằng nửa con mắt. Người ta cũng nói rằng cô ta có những người bạn là người da trắng, những người thường ghé thăm và gửi cho cô ta các tấm thiệp kèm những lời xã giao khách khí nhất. Nhưng việc đó có gì là lạ lùng? Nếu lối sống của người đàn bà giảo hoạt đó là đáng khinh khi, đáng bị xem nhẹ thì đồng tiền của cô ta vẫn có sức nặng và không hề bốc mùi kia mà.

5. Dù ở quê hương mình hay ở bất kỳ nơi nào khác, tôi luôn sống một cuộc sống nghèo túng, nhưng lương thiện và bình lặng khi tuân theo thiên tính của mình, có thể là do cái tính thờ ơ, hoặc giả là do cái tính lãnh đạm, hoặc chỉ vì không có khả năng làm tốt hơn. Không hề tìm cách tạo lập mối quan hệ nào, tôi chỉ qua lại với một vài người quen, những người cũng được liệt vào dạng có cuộc sống bình lặng nhất. Tôi dứt khoát đứng ngoài vòng tranh đấu chính trị hay bất kỳ một sự tranh đấu nào khác, và nhờ vào thái độ trung lập này, tôi chưa bao giờ phải đụng độ với một thế lực cầm quyền nào. Cách hành xử này của tôi không xuất phát từ sự thận trọng hay nỗi sợ hãi, mà chỉ là do quan niệm sống thừa hưởng từ thứ triết lý mờ mịt của các thi sĩ Trung Hoa mà nói như họ thì đó là thiên hướng so sánh thế sự với những áng mây lơ lửng trên trời, để ngẫm ra rằng sự đời chẳng có gì đáng mà bận tâm (Thế sự phù vân hà túc vấn - một câu thơ của Vương Duy, trong bài “Chước tửu dữ Bùi Địch”, câu “Thế sự phù vân hà túc vấn” có nghĩa là “Việc đời trôi nổi như mây, không đủ để phải hỏi đến”).

Công cuộc thực dân là một công cụ bạo lực. Theo đó, nó loại bỏ những gì liên quan đến đạo đức và công lý.

Tranh biện là vô ích. Chúng tôi đã tự hạn định bản thân trong phạm vi nhìn nhận những gì thực diễn và rút ra từ những ghi nhận đó mọi điều có lý có lẽ.

Tôi không thể ngăn cản những ai muốn đối nghịch tôi; nhưng tôi tránh cho bản thân mình học theo những kẻ đó, không cho phép mình nuôi dưỡng thù hận đối với họ.

Những sự kiện liên quan đã tự thân chúng nói rõ tất cả. Nếu chúng gây hại cho tôi về mặt vật chất, thì xét ở khía cạnh thông tuệ chúng mang lại cho tôi rất nhiều lợi lộc, giúp tôi có được thông tin về những thói tật của nền hành chính Pháp.

Chắc chắn là, nếu không có những trải nghiệm bộc lộ rõ bản tính con người này, thì chúng ta, những người Á Đông, sẽ khó lòng hình dung cho chân xác được thế nào là thực dân hóa theo chủ nghĩa Machiavéli.

(Luật sư Phan Văn Trường)

Trần Thế Vinh (tổng hợp)
TIN LIÊN QUAN

Giờ thứ 9: Bóng tối của hôn nhân - Phần 2

Nhóm PV |

Giờ thứ 9 - Nếu chỉ nhìn bề ngoài, ai cũng tin chắc rằng chị rất hạnh phúc, một thứ hạnh phúc thật khó kiếm tìm. Nhưng như những gì chị viết trong lá thư gửi tới chương trình Giờ thứ 9 thì đó chỉ là cái bề nổi che giấu những đợt sóng ngầm dữ dội trong cuộc sống hôn nhân của chị mà thôi.

Nóng Sài Gòn: 4 trung tâm đăng kiểm tại TPHCM được hoạt động trở lại

NGUYỄN LY - CHÂN PHÚC |

4 trung tâm đăng kiểm tại TPHCM được hoạt động trở lại; Phố ông đồ những nét đẹp văn hoá cho chữ du xuân được tiếp nối; Người phụ nữ điều khiển xe máy tử vong sau va chạm với xe ben;... là những thông tin chính có trong bản tin Nóng Sài Gòn ngày 15.1.

Đen Vâu lên tiếng về chuyện đám hỏi với Hoàng Thùy Linh

ĐÔNG DU |

Sau thông tin Đen Vâu và Hoàng Thuỳ Linh bí mật tổ chức đám hỏi đăng trên một số trang tin, chiều 15.1, nam rapper đã lên tiếng.

Hà Nội: Phố phường tấp nập ngày cận Tết, nhiều tiểu thương vẫn than ế

Thơm Bùi - Đinh Thiện |

Nhiều tiểu thương kinh doanh các mặt hàng phục vụ dịp Tết Nguyên đán 2023 chia sẻ, dù là ngày cuối tuần và phố phường khá đông đúc nhưng sức mua của người dân chưa đạt kỳ vọng.

Mai anh đào nở rộ, đợi khách du xuân Mộc Châu dịp Tết Nguyên đán

Ý Yên |

Quảng trường Mộc Châu, sân 224, đồi anh đào Nậm Tôm, chùa Tân Cương... đang rực rỡ sắc hoa mai anh đào dịp cận Tết Nguyên đán.

Là con trưởng có nhất thiết phải về quê ăn Tết?

Hải Minh |

Nhiều người quan niệm, là trai trưởng trong nhà phải có trách nhiệm về quê ăn Tết cùng gia đình vào mỗi năm.

Không còn cảnh công nhân xếp hàng rút tiền ATM để về quê ăn Tết

Bảo Hân - Hải Nguyễn |

Hà Nội - Tại khu vực các cây ATM cạnh Khu công nghiệp Thăng Long (xã Kim Chung, huyện Đông Anh, Hà Nội) sáng 15.1, không có cảnh công nhân xếp hàng dài để chờ rút tiền về quê ăn Tết.

Vì sao linh vật mèo ở Quảng Trị khiến người xem trầm trồ?

HƯNG THƠ |

Linh vật mèo vừa được đưa đến Quảng trường trung tâm huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị đã được nhiều người quan tâm vì giống mèo thật.