"Cả cuộc đời tôi dành cho cải lương"

HUYỀN THU (thực hiện) |

Soạn giả Đức Hiền tên thật là Nguyễn Văn Tư, sinh năm 1947 tại Châu Đốc - An Giang, đã có trên 100 vở cải lương được dàn dựng trên sân khấu và truyền hình, trong đó 90% kịch bản cải lương và 10% là hát bội. Ông cũng là tác giả của rất nhiều bài ca vọng cổ. Soạn giả Đức Hiền lớn lên trong gia đình nổi tiếng về đờn ca tài tử, thân phụ của ông là nghệ nhân đờn kìm Hai Minh. Ông là tên tuổi quen thuộc với giới cải lương miền Nam suốt gần nửa thế kỷ.

Không những thuộc hàng “vô địch” trong sáng tác cải lương, soạn giả Đức Hiền còn được chứng kiến bước ngoặt đầy thăng trầm của bộ môn nghệ thuật “vua” ở Nam Bộ, cũng như số phận đổi thay bất ngờ của những tài tử nổi tiếng một thời mà đến khi xế bóng lại trở nên bơ vơ, lạc long giữa dòng đời.

Thưa soạn giả Nguyễn Đức Hiền, con đường nào đã đưa ông từ một nghệ sĩ biểu diễn sang người cầm bút sáng tác nhiều vô kể cho cải lương?

- Tôi xuất thân là diễn viên, từng biểu diễn trong đoàn Dạ quang châu, rồi đoàn Tiếng hát dân tộc - nơi quy tụ các tên tuổi lớn như Út Trà Ôn, Hữu Phước, Thanh Nga, Mộng Tuyền... Sau giải phóng, tôi tham gia diễn xuất ở đoàn hát Thanh Nga, rồi chuyển sang công tác tại Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang. Tôi lấy vợ cũng là diễn viên cùng nhà hát. Hai đứa từng đóng cặp cùng nhau. Lấy vợ rồi, tôi thấy mình hát không bằng vợ nên từ năm 1981 chuyển qua sáng tác. Rồi, tôi bắt đầu đi dự trại sáng tác trẻ của Hội Sân khấu TPHCM.

Tôi biết sáng tác từ hồi còn rất nhỏ, mười mấy tuổi đã viết bài ca cổ, bởi sống trong môi trường nghệ thuật từ bé. Ông già nuôi tôi là thầy đờn có nhiều học trò. Lớn lên, tôi học âm nhạc, rồi đi theo gánh hát, đi lính cũng ca hát. Tôi sáng tác rất nhiều bài ca nhưng do viết tay nên bị thất lạc gần hết. Trong số các bài ca, có “Nhớ vợ hiền” được Minh Cảnh hát thu âm, nhiều người yêu thích. Đến nay, đã 50 năm, bài này vẫn được khán giả thích.

Có một kỷ niệm thế này. Hồi đó, tôi đi công tác với đoàn văn nghệ sĩ cựu chiến binh của thành phố qua Campuchia, được nghe chuyện có người Việt ca bài “Nhớ vợ hiền” hay quá đã được người dân Campuchia mang tặng thóc gạo và quần áo. Anh ta coi đấy là bài ca cứu mạng. Sau này, mỗi lần vợ chồng giận nhau, anh lại mang bài đó ra ca, thế là vợ hết giận. Hôm tình cờ gặp nhau, biết tôi là tác giả, anh ta ôm tôi và khóc. Rồi cả đoàn chúng tôi khóc dây truyền vì... nhớ vợ. Đến giờ, tôi không nhớ hết mình viết được bao nhiêu bài, ngoại trừ những bài còn được hát đến nay.

Ông quên hết những gì đã viết, những bài ca đã thất lạc?

- Có một bài ca tôi đã quên gần hết lời bởi chính tay mình đã "giết" nó. Hồi đó, tôi chưa đến 20 tuổi, viết một bài riêng cho Tấn Tài là vua vọng cổ. Tấn Tài cầm bài ca và kêu: “Có đến 3, 4 dấu nặng thế này thì làm sao ca được?”. Tôi tức giận nghĩ, chắc do mình chưa có tên tuổi nên bị coi thường. Tôi liền giật lấy: “Để tôi ca cho anh nghe”, rồi hát giọng giống Tấn Tài. Ông nghe thấy hay nên bảo: “Để tôi ca”, song lòng tự ái bốc lên trong tôi. Tôi bật khóc và xé luôn bài ca trước mặt ông vua vọng cổ. Nay nghĩ lại, tôi thấy mình nông nổi quá. Vì thế, tôi hay khuyên lớp trẻ, đừng vì bị chê mà nản.

Từ trái sang: NS Hồng Thủy, soạn giả Đức Hiền và NS Hoàng Khanh trong vở 'Cánh buồm ngược gió'. Ảnh: NVCC
Từ trái sang: NS Hồng Thủy, soạn giả Đức Hiền và NS Hoàng Khanh trong vở 'Cánh buồm ngược gió'. Ảnh: NVCC

Người trong nghề còn nể phục ông vì khả năng "sinh nở" những kịch bản cải lương khá hợp thời. Ông có bí quyết gì?

- Tôi sáng tác kịch bản cải lương cũng nhiều không nhớ hết. Tuy nhiên, “Bàn thờ tổ của một cô đào” là vở đã đưa tên tuổi tôi đi lên. Năm 1986, vở này nổi tiếng đến mức, cùng lúc có đến 7,8 đoàn dàn dựng với sự tham gia của các diễn viên nổi tiếng.

Nói thật, tôi tự hào gọi mình là thợ viết đấy, đi đâu viết theo đó. Tôi viết rất nhiều bài ca lẻ cho các đơn vị để kiếm sống. Tôi nắm được yêu cầu của người ta, viết cho ủy ban phải thế này, viết cho đình chùa phải thế nọ. Thậm chí, tôi đi tắt đón đầu, cứ đến dịp là tôi viết trước, khi khách hỏi mình đã có ngay. Khi viết kịch bản, tôi cũng hiểu rõ thực trạng từng đoàn, khả năng ca hát của từng diễn viên mà viết cho phù hợp. Mỗi năm viết khoảng 5 kịch bản, ít nhất 3 kịch bản cho các trại sáng tác, rồi kịch bản đặt hàng hoặc viết cho truyền hình. Tôi vừa viết “Nắng ấm chiều đông” về những nghệ sĩ trong khu dưỡng lão, một vở về tòa án với nhân vật là các chánh án khi phải quyết định xử tử một con người.

Hầu hết các đoàn cải lương trong Nam đều đã dựng kịch của tôi. Tôi sáng tác đủ loại đề tài, riêng lịch sử, tôi không giỏi nên không dám viết. Vở tôi viết dễ diễn, các làn điệu ca ngâm rất ngọt ngào, do tôi từng là diễn viên.

Kể cả khi tuổi tác đã qua thất thập, ông vẫn là “thợ viết” lành nghề?

- Người ta bảo trẻ thì viết khỏe, tôi năm nay hơn 70 rồi, mà khoảng hai, ba năm nay tôi viết khỏe hơn cả. Tôi có ưu điểm là cùng đề tài mà viết được một loạt kịch bản. Tôi viết về nông thôn mới rất nhiều, nhất là khi nhận được yêu cầu đặt hàng. Ví dụ, vợ tôi tên Dạ Lan, khi viết tôi lấy bút danh là Ái Lan, rồi cho ra đời kịch bản “Biệt thư hoa lan”, “Người đẹp vườn lan”, "Như đóa hoa lan"... Lại nói chuyện vợ chồng. Người ta cứ bảo bạc tình như nghệ sĩ. Vợ chồng tôi sống gần 50 năm không hề sóng gió. Bây giờ hai vợ chồng vẫn đi hát. Tác phẩm tôi viết, không có chuyện khó ca, bởi trước đó, hai vợ chồng đã cùng ca rồi.

Vợ chồng ông sống êm đềm, sung túc từ thu nhập của cải lương?

- Thời ăn khách, mỗi đêm diễn, tác giả được trả 6% tiền bán vé. Thu nhập của một soạn giả thời hoàng kim của cải lương không cho tôi một cuộc sống vương giả nhưng dư dả, chi tiêu tương đối thoải mái. Mọi thứ trong nhà, từ cơm ăn, áo mặc, cái bút, cái xe... đều đến từ cải lương. Cả cuộc đời tôi đều dành cho nghệ thuật cải lương, và tôi sống ổn với nghề.

Chính vì thế, khi đã ở tuổi xưa nay hiếm, ông không nghỉ ngơi mà vẫn dành thời gian chăm lo cho các nghệ sĩ ở khu dưỡng lão nghệ sĩ? Ông nghĩ gì khi nhìn thấy cuộc sống của những tài tử buổi xế chiều?

- Tôi hiện là phó ban quản lý Khu dưỡng lão nghệ sĩ, trưởng ban trị sự chùa nghệ sĩ - trực thuộc Ban ái hữu nghệ sĩ TPHCM. Đây là nơi dành cho các nghệ sĩ lớn tuổi, hoàn cảnh khó khăn, nhưng đã có cống hiến nhiều cho nghệ thuật. Công việc quản lý khó nhọc, toàn các cụ già nên mình phải chiều, hơn cả ba mẹ. Người trẻ nhất 75 tuổi, cao nhất 94 tuổi, phần nhiều là diễn viên. Những người này từng đi xe hơi, ở nhà lầu nhưng do phóng khoáng quá, không lo nghĩ cho tương lai nên về già thành ra cơ nhỡ. Nhu cầu vào khu dưỡng lão và chùa nghệ sĩ rất nhiều.  Mỗi tháng, có hơn 100 nghệ sĩ muốn vào mà không được duyệt, Ban ái hữu chỉ có thể hỗ trợ cho các đối tượng này 10kg gạo và 300.000 đồng/tháng. Nhìn những đồng nghiệp lớn tuổi như vậy, tôi cũng thấy xót xa lắm. Nhưng mọi người ở đây rất yêu thương nhau.

Thời hoàng kim của các nghệ sĩ qua đi nhanh chóng, trước đó không ai ngờ mình có tuổi già khó nhọc như thế. Tôi nghĩ, lớp trẻ sau này không thế. Tôi thấy, các em bây giờ biết lo lắng cho tương lai hơn.

Cám ơn soạn giả!

HUYỀN THU (thực hiện)
TIN LIÊN QUAN

NSND Thanh Ngân và nỗ lực vực dậy cải lương trong thời dịch COVID-19

ĐÔNG DU |

Tái hiện "Tiếng trống Mê Linh", NSND Thanh Ngân mong muốn cải lương vực dậy sau thời điểm sân khấu gặp nhiều khó khăn vì dịch COVID-19.

Vì sao NSƯT Ngọc Huyền cả đời mang ơn nghệ sĩ cải lương Minh Cảnh?

NGỌC ANH |

Nghệ sĩ cải lương Ngọc Huyền hiếm hoi tiết lộ, nhờ đàn anh Minh Cảnh cô có nhiều kinh nghiệm hơn khi làm nghề và cát - xê ổn định.

Lưu giữ những kỷ vật vô giá của cải lương Nam bộ

TẠ QUANG - BẠCH CÚC |

Trải một thời vàng son, đôi vợ chồng nghệ sĩ Kiều Mỹ Dung - họa sĩ Trần Thiện (phường Thới Bình, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ) thầm cảm ơn cuộc đời vì đã cho họ được gặp gỡ và bén duyên với ánh đèn sân khấu. Không chỉ cháy hết mình cho đam mê, mà còn cống hiến một đời cho nghệ thuật. Đến nay, khi đã về hưu, đôi vợ chồng nghệ sĩ khép lại cánh màn nhung bằng dòng hồi ức là những kỷ vật của bộ môn nghệ thuật truyền thống họ chắt chiu, sưu tầm trong quãng thời gian gắn bó với nghề như một chút dư âm của một đời "nặng nợ".

Kỷ lục hiếm có của nghệ sĩ cải lương Võ Minh Lâm

DI PY |

Nghệ sĩ cải lương Võ Minh Lâm tung bộ ảnh xuân sau khi thắng giải Mai Vàng 2021. Đây là lần thứ 4 liên tiếp anh đạt giải thưởng này.

Cuộc đời nghệ sĩ cải lương Phượng Loan: 3 lần mất giọng, bỏ hát đi bán cafe

ĐÔNG DU |

Hiếm ai tin được nghệ sĩ cải lương danh tiếng Phượng Loan sau ánh hào quang sân khấu lại có cuộc đời đầy thăng trầm.

Mánh khóe tinh vi của hoạt động môi giới cô dâu Việt cho rể ngoại quốc

Nhóm PV |

Đường dây môi giới cô dâu xuyên quốc gia hoạt động với nhiều mánh khóe tinh vi, làm đủ mọi cách "chốt" được càng nhiều cặp dâu rể càng tốt. Sau khi được "chốt đơn" mỗi cô dâu phải đóng phí trả công từ 15 -25 triệu đồng cho bà mối.

Dự án gần 300 tỉ đồng ở Hà Nội sắp khởi động lại sau 3 năm chờ mặt bằng

HỮU CHÁNH |

Hà Nội - Chủ đầu tư đang phối hợp với chính quyền quận Nam Từ Liêm và huyện Hoài Đức sớm hoàn tất công tác giải phóng mặt bằng để thi công hoàn thiện dự án dài 3,3km, mức đầu tư hơn 270 tỉ đồng sau nhiều năm chậm trễ.

Hiện trường tan hoang sau vụ cháy xưởng gỗ ở TPHCM

MINH TÂM |

TPHCM - Ngày 15.4, Công an huyện Bình Chánh đang lập hồ sơ, điều tra làm rõ vụ cháy xưởng gỗ ở xã Vĩnh Lộc B lúc rạng sáng, thiêu rụi nhiều tài sản.

NSND Thanh Ngân và nỗ lực vực dậy cải lương trong thời dịch COVID-19

ĐÔNG DU |

Tái hiện "Tiếng trống Mê Linh", NSND Thanh Ngân mong muốn cải lương vực dậy sau thời điểm sân khấu gặp nhiều khó khăn vì dịch COVID-19.

Vì sao NSƯT Ngọc Huyền cả đời mang ơn nghệ sĩ cải lương Minh Cảnh?

NGỌC ANH |

Nghệ sĩ cải lương Ngọc Huyền hiếm hoi tiết lộ, nhờ đàn anh Minh Cảnh cô có nhiều kinh nghiệm hơn khi làm nghề và cát - xê ổn định.

Lưu giữ những kỷ vật vô giá của cải lương Nam bộ

TẠ QUANG - BẠCH CÚC |

Trải một thời vàng son, đôi vợ chồng nghệ sĩ Kiều Mỹ Dung - họa sĩ Trần Thiện (phường Thới Bình, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ) thầm cảm ơn cuộc đời vì đã cho họ được gặp gỡ và bén duyên với ánh đèn sân khấu. Không chỉ cháy hết mình cho đam mê, mà còn cống hiến một đời cho nghệ thuật. Đến nay, khi đã về hưu, đôi vợ chồng nghệ sĩ khép lại cánh màn nhung bằng dòng hồi ức là những kỷ vật của bộ môn nghệ thuật truyền thống họ chắt chiu, sưu tầm trong quãng thời gian gắn bó với nghề như một chút dư âm của một đời "nặng nợ".

Kỷ lục hiếm có của nghệ sĩ cải lương Võ Minh Lâm

DI PY |

Nghệ sĩ cải lương Võ Minh Lâm tung bộ ảnh xuân sau khi thắng giải Mai Vàng 2021. Đây là lần thứ 4 liên tiếp anh đạt giải thưởng này.

Cuộc đời nghệ sĩ cải lương Phượng Loan: 3 lần mất giọng, bỏ hát đi bán cafe

ĐÔNG DU |

Hiếm ai tin được nghệ sĩ cải lương danh tiếng Phượng Loan sau ánh hào quang sân khấu lại có cuộc đời đầy thăng trầm.