Tết Đoan Ngọ hân hoan “giết sâu bọ”

Bài và ảnh HẢI AN |

Tháng Năm Âm lịch, khi mà những trái vải ngọt lịm như đường cát, mát như đường phèn, những trái mận hậu thắm đỏ chất syrup vừa chua dôn dốt vừa giòn sậm sựt khiến dịch vị tuôn trào, ấy là lúc người Việt tất bật chuẩn bị những món ăn sinh nhiệt làm bằng gạo nếp như rượu nếp, bánh gio, bánh ú để ăn Tết mùng Năm, tức Tết giết sâu bọ hay gọi văn hoa là Tết Đoan Ngọ.

TẾT ĂN NGÀY NÓNG NHẤT TRONG NĂM

Từ mấy hôm trước, người ta đã ngâm gạo nếp cái hoa vàng hay nếp cẩm rồi đồ chín để nấu rượu nếp. Có thể nói, rượu nếp là một thứ đồ ăn rất Việt Nam, hầu như chẳng thấy ở một nền ẩm thực nào khác. Rượu nếp đấy, nhưng mà không uống, mà chỉ để ăn đầy khoan khoái.

Nồng độ cồn của rượu nếp không nặng như rượu chưng cất, chỉ khoảng vài độ, bởi chỉ là gạo nếp vừa lên men, tạo ra chất đường làm lâng lâng nhẹ nhõm chứ không say. Ăn rượu nếp rất thích, có thứ gì đó giậm giật từng mạch máu, làm đỏ ửng khuôn mặt như trái vải thiều Thanh Hà.

Sáng ngày mùng Năm tháng Năm, cả nhà quây quần bên chiếc bàn nhỏ, trên đó đặt một liễn men rượu nếp màu ngà vàng hoặc tím đậm, háo hức chờ mẹ múc từng thìa rượu nếp cho vào bát chiết yêu nhỏ như chén tống, rồi dùng một loại thìa nhỏ làm bằng gỗ dán bé như thìa của bộ đồ hàng.

Mỗi một xúc của chiếc thìa đó, chỉ múc lên một hai hạt rượu nếp căng mọng như đít con ong, chứa đầy thứ mật ngọt lịm, tê tê. Bát đựng rượu nhỏ xíu, thìa xúc cũng nhỏ xíu, thế nhưng chỉ cần cắn thong thả từng hạt rượu nếp, nghe tiếng bụp nhẹ trong miệng và thấy thứ rượu ngọt ngào tứa ra thật đã đời.

Đồ đựng và đồ ăn rượu nếp nhỏ như thế thôi để người ăn không bị quá đà, bon miệng ăn rồi say lúc nào chẳng biết. Thứ rượu nếp là món khai vị cho bữa tiệc mùng Năm ê hề sản vật nhiệt đới chín rộ vào mùa Hè, vào cái ngày được coi là nóng nhất trong năm, mặt trời xà xuống thấp nhất trong năm: ngày Hạ Chí.

Theo lịch con trăng của người Việt, một năm có 4 tiết quan trọng là Hạ Chí, Đông Chí, Thu Phân, Xuân Phân. Dựa vào 4 tiết này mà người Việt tính toán thời gian và mùa để làm công việc từ cúng tế tổ tiên, trời đất cho đến trồng cấy thu liễm hay ma chay cưới hỏi.

Ngày nóng nhất nên phải ăn những thứ đồ có tính nóng để tiểu vũ trụ con người hòa vào đại vũ trụ. Những món ăn của ngày mùng Năm đều giàu hương vị, thơm ngon nhưng sinh ra nhiệt lượng rất lớn. Các cụ vẫn thường đe bọn trẻ con: “Này ăn ít vải, mận thôi, không lại sinh rôm xảy ngứa ngáy”.

Chả hiểu rôm xảy bây giờ có còn xuất hiện không, khi mà nhà nhà mát rượi điều hòa, thế nhưng mà ngày xưa, cứ làm xong đôi bát chiết yêu rượu nếp, là thấy người ngứa ngáy râm ran, gãi sồn sột khiến bà phải luôn tay quạt vừa xoa khắp lưng, sướng vô cùng vì được “gãi đúng chỗ ngứa”.

Mận hậu, vải thiều đã là gì. Còn có cả những múi mít dai vàng ươm, thơm phức hay miếng mít cháo mềm nhũn đầy mật ngọt. Ngả cái mẹt ra, đặt quả mít to như cái thùng gánh nước rồi dùng dao bài pha đôi, bổ tư, bổ tám. Vừa bổ vừa dùng cái lá mướp hương xanh rì lau nhựa trên mặt mít và dao bổ.

Gớm cho cái lá mướp, nhựa mít dính như thế, ấy thế mà lau đến đâu, sạch bong nhựa đến đó. Tách những múi mít vàng óng đưa vào miệng ăn mới tuyệt diệu làm sao, đúng là “thơm như múi mít”, hương thơm bay khắp 3 gian nhà, thơm mười ngón tay, thơm răng, thơm lưỡi.

Đấy, có chết vì nóng thì cũng sẵn lòng. Ăn hết mít múi lại lần mò cái sơ cái kém ngọt hơn, kém thơm hơn nhưng ăn rất giòn. Hoặc giả đem đám hạt mít rửa sạch rồi luộc hay rang để tận hưởng một thứ hạt bùi, ngậy chẳng kém gì hạt mắc-ca, óc chó hay hạnh nhân.

Cái quả mít đúng là thứ trời cho người Việt, hầu như chỉ có phần vỏ gai góc là không ăn được, còn lại cái gì cũng ngon tất. Gỗ mít làm nhà, lá mít đúc oản, xưa tiêu chí giàu có ở nông thôn Việt Nam cũng chỉ đến “nhà ngói, ao cá, cây mít” là cùng.

MỘT CÁI TẾT ĐẬM MÀU NÔNG NGHIỆP

Ngày mùng Năm tháng Năm, những cây mít chưa chịu bói quả sẽ bị ăn đòn. Ấy là ngón khảo cây đó. Một đứa bé sẽ trèo lên cây mít, giấu mình vào tán lá xanh, còn đám trẻ còn lại sẽ đứng xung quanh gốc, tay cầm roi mây lăm lăm, vừa vụt vào gốc mít, thân mít vừa hỏi: “Mít, tại sao năm nay không chịu ra quả?”.

Đứa trên cây sẽ đóng vai cây mít, vừa run rẩy vừa lắp bắp trả lời rằng, tại tôi năm qua không được chăm tốt nên lười chưa ra quả, rằng tại tôi mải chơi quá nên chưa bói quả. Đứa trẻ cầm roi sẽ vụt thêm vài roi đen đét, rồi “cây mít” rối rít hứa hẹn rằng, sẽ chăm ra quả vào mùa sau.

Thế mà thiêng lắm, chỉ ăn vài roi, bị tra khảo vào câu, năm sau cây mít đó đã ra quả. Chúng sợ đòn roi hay do cái tinh thần mùng Năm truyền thống của Tết Đoan Ngọ mà ra quả vậy? Chẳng biết, chỉ cần cứ bị khảo vào ngày diệt sâu bọ là cây nào cũng cun cút đơm hoa kết trái.

Ngày mùng Năm có gì đó thật kỳ bí. Đêm hôm trước, đám chị lớn rủ nhau đi lấy lá cây móng tay đem về giã nát rồi ủ lên mười đầu ngón tay. Chỉ khi sắp đi ngủ, không phải làm việc gì nữa thì mới ủ để lá móng không rơi. Sáng hôm sau, cậy lớp bột nhuyễn đó ra, rửa bằng nước mưa, thấy mười móng tay hồng hào, óng ả đẹp vô cùng.

Cũng vào cái ngày này, mọi thứ cây cỏ trong vườn, ngoài đồng, trong rừng đều trở thành thuốc cả. Rất lạ kỳ, không chỉ có người Việt mà người Cơ Tu ở miệt Quảng Nam cũng có tập tục đi hái mọi thứ lá có thể tìm thấy trong ngày mùng Năm đem phơi khô pha nước uống.

Họ đều gọi đây là “Lá mùng Năm” có tác dụng chữa đủ mọi bệnh tật, đúng là bách bệnh tiêu trừ, vạn bệnh tiêu tan. Thế nhưng, chỉ trong ngày mùng Năm thì thực vật mới có dược tính công hiệu như thế thôi, còn lại các ngày khác thì mất tác dụng. Ai có thể giải thích được điều này một cách thỏa đáng, thôi thì cứ tạm coi đó là một hiện tượng siêu nhiên của ngày Đoan Ngọ vậy.

Cũng vì đây là ngày giết sâu bọ, khu trừ bệnh tật nên cứ việc ăn thoải mái các món “độc” đi. Vải, mận, mít, xoài cứ chén cho đẫy tễ mà không sợ đau bụng hay lên rôm. Các món tiết canh vịt, vịt nấu măng, vịt om sấu, ngan nấu giả cầy cứ tưng bừng lên đĩa, cùng với các thứ rau thơm nhiều tinh dầu như húng chó, mùi tàu, ngổ...

Bây giờ còn nhiều người kiêng cữ, chứ ngày xưa, vào ngày này kiểu gì cũng phải vật một cỗ “cầy tơ” ăn cho sướng miệng, lấy nóng trị nóng. Càng nóng, càng độc thì mới càng diệt sâu bọ hiệu quả. Có lẽ, mùa hè thường xuất hiện ôn dịch do thời khí viêm nhiệt sinh ra, nên các cụ mới vận dụng cách “dĩ độc trị độc” như thế này.

Dù sao, vật đổi sao dời, thời gian biến đổi nhưng tinh thần của Tết mùng Năm vẫn trơ trơ cùng tuế nguyệt. Đó là nếp xưa truyền lại, là một ngày toàn gia hoan hỉ sum vầy để mời nhau những miếng ngon một cách bừa phứa, tạm bỏ qua mọi quy tắc khiêng kem.

Cũng là ngày Tết đó, nhưng Tết mùng Năm không chú trọng chuyện cúng bái. Ai thích thắp hương cho ông bà thì cứ thắp, nhưng nhớ là nên thắp và hạ lễ đúng lúc Chính Ngọ (12 giờ trưa) bởi khi đó Cửa Trời mở để cái nóng nhất lan xuống thế gian. Còn không cứ hỉ hả đánh chén.

Song, kiểu gì thì Tết mùng Năm cũng là thời gian để con người quần tụ sau khi vừa cấy xong vụ hè thu, tận hưởng những thứ cây trái đang độ chín mọng và nấu cho nhau những miếng ngon lấy cớ “ăn để mà diệt sâu bọ”. Đấy, cái Tết mùng Năm, Tết diệt sâu bọ của người Việt ta là như thế đó.

Bài và ảnh HẢI AN
TIN LIÊN QUAN

Tết Đoan Ngọ đổi thay theo thời gian trong mắt người thế hệ xưa

TRẦN TUẤN |

Hà Tĩnh - Theo thời gian, quan niệm và cách thức ăn Tết Đoan Ngọ của người dân đã có nhiều đổi thay, nhiều người không còn niềm tin “diệt sâu bọ” như ngày xưa nữa.

Nhộn nhịp chợ Tết Đoan Ngọ, ngàn bánh ú được bán trong 2 giờ

THÙY TRANG |

Đà Nẵng - Từ sáng sớm ngày 22.6, nhằm ngày mùng 5 tháng 5 âm lịch – tức Tết Đoan Ngọ, các chợ tại Đà Nẵng đã nhộn nhịp hàng quán, người bán, mua các thức quà quê. Trong đó, mặt hàng bánh ú lá tro được nhiều người lựa chọn.

Mâm cúng Tết Đoan Ngọ ở 3 miền Bắc - Trung - Nam có gì?

Mộc Anh |

Tết Đoan Ngọ (mồng 5 tháng 5) hay còn được biết đến với tên gọi Tết diệt sâu bọ là một trong những ngày lễ được đông đảo người dân Việt quan tâm. Trong ngày này, theo từng vùng miền Bắc - Trung - Nam sẽ có sự chuẩn bị mâm cúng khác nhau từ hoa quả đến các món ăn, món bánh.

Nhiều dự án chợ ở Hà Nội "nằm trên giấy", dân phải buôn bán dưới lòng đường

Nhóm phóng viên |

Có mặt tại dự án chợ dân sinh Lệ Chi, huyện Gia Lâm (Hà Nội), phóng viên Báo Lao Động ghi nhận một nghịch cảnh, dự án đã giải phóng xong mặt bằng nhưng chỉ quây tôn, bỏ không hàng chục năm. Trong khi đó, tiểu thương, người dân vẫn ngày ngày buôn bán dưới lòng đường, tiềm ẩn tai nạn giao thông.

Giữ nguyên thu kinh phí Công đoàn 2% là hợp tình, hợp lý

Nam Dương (thực hiện) |

Đó là ý kiến của ông Đặng Ngọc Tùng - nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Chủ tịch Tổng LĐLĐVN trong cuộc trao đổi với phóng viên
Báo Lao Động.

Những chủ tịch UBND quận, huyện ở Hà Nội thuộc đối tượng kiểm tra trong năm 2024

KHÁNH AN |

UBND TP Hà Nội vừa ban hành kế hoạch kiểm tra về thực hiện kết luận thanh tra và kiểm tra về phòng, chống tham nhũng năm 2024.

Phê chuẩn Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh với ông Nguyễn Hồng Thanh

Ái Vân |

Ông Nguyễn Hồng Thanh được phê chuẩn kết quả bầu giữ chức vụ Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh nhiệm kỳ 2021-2026.

Quốc gia ở EU tuyên bố sẽ tiếp tục nhập nhiều khí đốt Nga

Bùi Minh |

Hungary có thể giảm nhập khẩu khí đốt Nga khi nhà máy điện hạt nhân lớn thứ 2 của đất nước đi vào vận hành đầy đủ. Tuy nhiên, hiện tại, quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) này sẽ tiếp tục nhập khẩu năng lượng từ Nga.

Tết Đoan Ngọ đổi thay theo thời gian trong mắt người thế hệ xưa

TRẦN TUẤN |

Hà Tĩnh - Theo thời gian, quan niệm và cách thức ăn Tết Đoan Ngọ của người dân đã có nhiều đổi thay, nhiều người không còn niềm tin “diệt sâu bọ” như ngày xưa nữa.

Nhộn nhịp chợ Tết Đoan Ngọ, ngàn bánh ú được bán trong 2 giờ

THÙY TRANG |

Đà Nẵng - Từ sáng sớm ngày 22.6, nhằm ngày mùng 5 tháng 5 âm lịch – tức Tết Đoan Ngọ, các chợ tại Đà Nẵng đã nhộn nhịp hàng quán, người bán, mua các thức quà quê. Trong đó, mặt hàng bánh ú lá tro được nhiều người lựa chọn.

Mâm cúng Tết Đoan Ngọ ở 3 miền Bắc - Trung - Nam có gì?

Mộc Anh |

Tết Đoan Ngọ (mồng 5 tháng 5) hay còn được biết đến với tên gọi Tết diệt sâu bọ là một trong những ngày lễ được đông đảo người dân Việt quan tâm. Trong ngày này, theo từng vùng miền Bắc - Trung - Nam sẽ có sự chuẩn bị mâm cúng khác nhau từ hoa quả đến các món ăn, món bánh.