Khi cổng trường đại học rộng mở

Bạn đọc |

Lập thân, lập nghiệp bằng con đường khoa cử rất vẻ vang, đáng trân trọng, tự hào. Cánh cửa đại học ngày càng rộng mở, cơ hội trở thành “ông cử, ông nghè” không quá khó với các bạn trẻ. Nhưng trong bối cảnh xã hội đang “thừa thầy, thiếu thợ”, sinh viên ra trường thất nghiệp tràn lan, làm không đúng nghề, hoặc làm nghề chẳng cần trình độ đại học. Vậy cần phải bằng mọi giá để có tấm bằng đại học ?

Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, kỳ thi THPT quốc gia vừa qua có tổng cộng 887.396 thí sinh dự thi, trong đó 519.497 thí sinh (59%) dự thi để xét tốt nghiệp và đại học, 286.129 (32%) thí sinh dự thi chỉ để xét tốt nghiệp THPT, 81.770 (9%) thí sinh tự do dự thi chỉ để xét tuyển sinh vào các trường đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ). Đối chiếu số liệu này với năm 2015, tỷ lệ thí sinh thi chỉ để xét tốt nghiệp THPT tăng 4%, thí sinh tự do thi ĐH, CĐ giảm 4%, còn thí sinh thi cả 2 mục đích (xét tốt nghiệp và đại học) là không đổi 59%. Như vậy xu hướng thi vào ĐH, CĐ của học sinh trong cả nước vẫn như cũ, chưa có sự chuyển biến nào, mặc dù có nhiều trường phổ thông tư vấn cho học sinh học lực trung bình, yếu không nên dự thi ĐH, CĐ. Điều này chứng tỏ xã hội chưa có sự chuyển biến tích cực trong việc phân luồng học sinh sau khi tốt nghiệp THPT, tâm lý chuộng tấm bằng đại học, thích “làm thầy” hơn “làm thợ” vẫn hằn sâu trong nếp nghĩ người dân.

Phải chi sau khi tốt nghiệp ĐH, CĐ sinh viên đều tìm được việc làm. Đằng này sinh viên ra trường ngày càng thất nghiệp tràn lan. Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế Quốc hội 6 tháng đầu năm 2016, chỉ rõ: Vấn đề giải quyết việc làm, đặc biệt việc làm cho thanh niên có trình độ ĐH, CĐ mới ra trường rất nan giải. Trong số thanh niên thất nghiệp có khoảng 190.9 nghìn người có trình độ đại học trở lên; 118.9 nghìn người có trình độ cao đẳng, chuyên nghiệp; 10.000 người có trình độ cao đẳng nghề; 60.2 nghìn người có trình độ trung cấp chuyên nghiệp ... Thông tin này có lẽ chưa được phổ biến rộng rãi trong nhân dân. Lẽ ra, vấn đề này phải được báo động để phụ huynh cân nhắc cho con em chọn ngành nghề sau khi tốt nghiệp THPT, học sinh (HS) lớp 12 lượng sức mình để lựa chọn con đường lập thân, lập nghiệp phù hợp.

Dựa trên chỉ tiêu tuyển sinh năm 2016 của các trường ĐH, CĐ công bố, thống kê cho thấy, cả nước có 449.789 chỉ tiêu đại học (trong đó có 420.354 chỉ tiêu chính quy) của 269 trường đại học, học viện, 181.378 chỉ tiêu cao đẳng của 397 trường cao đẳng (cao đẳng chuyên nghiệp và cao đẳng nghề) đang chờ đón thí sinh. Nếu tính chung thì các trường ĐH, CĐ trên cả nước tuyển hơn 71% số HS dự thi THPT quốc gia năm nay, riêng đại học đã tuyển gần 50.7%. Ngay cả thí sinh chỉ dự thi tốt nghiệp tại cụm thi địa phương (32%), nếu có nguyện vọng vẫn được xét vào đại học bằng phương thức xét học bạ.

Trên đại cục, để trúng tuyển vào các trường đại học có uy tín, có thương hiệu thì không dễ, nhưng để vào các trường đại học “bậc trung” thì quá dễ dàng. Năm trước, chỉ cần đạt điểm sàn 15 điểm/ 3 môn trong cụm môn xét tuyển, nhiều em đã được trúng tuyển vào đại học công lập. Cũng như năm trước, năm nay nhiều trường có cơ chế tuyển sinh tự chủ, xét điểm học bạ, khoảng 5.5 - 6.5 điểm (điểm trung bình của 3 môn trong tổ hợp xét tuyển) là đủ đỗ vào trường đại học. Có trường lấy điểm trung bình (của tổ hợp các môn xét tuyển) cả 3 năm lớp 10, 11, 12 để xét tuyển; nhưng có trường chỉ lấy điểm năm lớp 12, thậm chí có trường chỉ lấy điểm học kỳ 2 của lớp 12. (Nhiều trường THPT do bệnh thành tích nên cho điểm HS năm lớp 12 rất “thoáng” để nhà trường có tỷ lệ đỗ tốt nghiệp cao, bởi vì theo quy định hiện hành, điểm xét tốt nghiệp là điểm trung bình của 4 bài thi, cộng điểm trung bình cả năm lớp 12, chia 2, cộng điểm ưu tiên, nếu có).

Một số trường đại học muốn thu hút HS khá, giỏi vào học để đảm bảo đầu ra chất lượng nên có phương thức tuyển sinh rất riêng, xét điểm thi THPT quốc gia nhưng ưu tiên thí sinh có kết quả học lực khá, giỏi (lớp 10, 11, 12), nếu học lực loại giỏi, mỗi năm học được cộng 1 điểm; loại khá (mỗi năm học được cộng 0,5 điểm).

Năm nay do điểm thi THPT quốc gia thấp, nên việc cạnh tranh thí sinh của các trường “tốp giữa” rất căng thẳng. Nhiều trường ĐH “tốp dưới”, ĐH địa phương, ĐH dân lập, cao đẳng nghề, trung cấp chuyên nghiệp đang “khát” sinh viên, học viên. Cuối năm học, các trường này bắt đầu vào “cuộc đua” cạnh tranh, “giành giật” người học. Bên cạnh hàng nghìn tờ rơi, băng rôn quảng cáo tuôn về các trường THPT, nhân viên tuyển sinh các trường này còn có những suất học bổng cho HS, “thù lao” cho lãnh đạo nhà trường để được dịp tư vấn, tuyển sinh trực tiếp tại trường.

Đã từng một thời các trường ĐH, CĐ dân lập, cao đẳng nghề “ăn nên làm ra”, nên loại hình đào tạo này mọc lên như mấm sau mưa. Bây giờ do đào tạo tràn lan, chất lượng chưa đảm bảo, sinh viên ra trường thất nghiệp nhiều nên việc thu hút người học đối với các trường này quả là bài toán khó. “Phóng lao thì phải theo lao”, để thu hồi vốn và duy trì đội ngũ, các trường này phải thu hút người học bằng mọi giá. Sau khi các trường ĐH tốp trên thông báo điểm chuẩn trúng tuyển các ngành, các trường ĐH tốp dưới và các trường cao đẳng liền gửi giấy mời những HS không trúng tuyển vào nhập học trường của mình với nhiều hứa hẹn.

Chưa bao giờ cánh cổng đại học, cao đẳng rộng mở như hiện nay. Nhiều trường mở toang cánh cổng mời gọi HS vào học. Người người vào đại học, nhà nhà vào đại học, không vào được đại học thì vào cao đẳng, coi như cầm chắc trong tay. Có bằng cao đẳng, học liên thông lên đại học thật dễ dàng, đó cũng là một phần lý do để các trường đại học vẫn tuyển sinh hệ cao đẳng, trong khi các trường cao đẳng đang thiếu người học.

Mục tiêu giáo dục đại học là đào tạo nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài. Thế nhưng các cơ sở giáo dục đại học hiện nay do chuyển sang xu hướng tự chủ về tài chính nên mục tiêu nâng cao chất lượng đào tạo đi đôi với mục tiêu “lợi nhuận”, tăng nguồn thu. Điều đó buộc họ phải tăng số lượng tuyển sinh, hạ điểm chuẩn, cạnh tranh đầu vào. Trong kinh tế thị trường, điều đó hoàn toàn chính đáng. Tuy nhiên khi nghĩ đến sức dân bị vắt kiệt vì đầu tư cho con ăn học đại học, cao đẳng để rồi thất nghiệp, ai cũng phải mủi lòng. Không ít em sau khi tốt nghiệp đại học, học tiếp cao học lấy bằng thạc sỹ để kiếm cơ hội kiếm việc làm tốt hơn nhưng cuối cùng vẫn thất nghiệp. Không ít em phải “giấu” bằng thạc sỹ, đại học để đi học nghề, làm thợ, tìm kế sinh nhai. Trong khi đó, để có tấm bằng đại học, nhiều gia đình nghèo phải vay nợ ngân hàng, bán trâu, bán ruộng để cho con ăn học.

Phải chăng tấm bằng đại học đã xuống giá ? Khi nào điểm đầu vào đại học còn ở mức sát ngưỡng trung bình, khi nào các trường ĐH, CĐ còn “khát” sinh viên, khi nào chất lượng đào tạo chưa đáp ứng được nhu cầu xã hội ... thì tấm bằng đại học còn “mất giá” không lường được.

Ngoài các trường trong nhóm đại học quốc gia, đại học vùng, đại học ngành, còn nhiều trường đại học, cao đẳng do các tỉnh, thành thành lập. Đào tạo tràn lan, chạy theo số lượng, chất lượng đầu vào thấp, đầu ra không đảm bảo, sinh viên ra trường thất nghiệp hàng loạt. Không chỉ người tốt nghiệp cao học, đại học thất nghiệp mà người tốt nghiệp cao đẳng chuyên nghiệp, cao đẳng nghề, trung học chuyên nghiệp cũng vẫn thất nghiệp. Vậy bộ, ngành nào chịu trách nhiệm ? Và trách nhiệm quản lý xã hội của trung ương và địa phương ở đâu ?

Đã đến lúc nhà nước cần quy hoạch lại hệ thống đào tạo ĐH, CĐ. Các bộ, ngành quản lý các trường ĐH, CĐ và các bộ liên quan cần có “tiếng nói chung” trên tinh thần trách nhiệm xã hội trong việc cắt giảm các ngành đào tạo, số lượng tuyển sinh, thậm chí đóng cửa một số trường nếu cần thiết. Phải lấy chất lượng đào tạo, mục tiêu bồi dưỡng nhân lực, đào tạo nhân tài làm tiêu chí hàng đầu. Các trường đại học, cao đẳng cần giữ mối liên hệ với sinh viên sau khi tốt nghiệp để có thông tin sinh viên ra trường có việc làm hay không (thông qua các cuộc điều tra, khảo sát), từ đó có kế hoạch điều chỉnh đào tạo phù hợp. Bộ LĐ-TB&XH cần dự báo nhu cầu lao động của xã hội ít nhất trong vòng 5 - 10 năm. Các trường đại học, cao đẳng cần khảo sát thị trường lao động, đối thoại và hợp tác với các công ty, doanh nghiệp lớn, khu công nghiệp, xem họ có nhu cầu lao động như thế nào, chất lượng ra sao, từ đó có kế hoạch đào tạo phù hợp. Như thế mới tránh được tình trạng lao động vừa thừa, vừa thiếu, chấm dứt tình trạng các trường tuyển cho đủ số lượng, còn việc làm sau khi tốt nghiệp thì “sống chết mặc bay”.

Cổng trường đại học đang rộng mở, cơ hội trở thành kỹ sư, cử nhân đang dang rộng vòng tay chào đón các bạn trẻ. Các bậc phụ huynh hãy tạo mọi điều kiện có thể để con em mình theo đuổi “giấc mơ đại học”, làm “rạng danh” gia đình, dòng họ, nhưng cần hiểu sức học con em mình thế nào, năng lực thực sự đến đâu và khi ra trường có cơ hội việc làm hay không.

Các bạn học sinh 12 hãy dấn thân hết mình trên con đường chinh phục tri thức, nhưng phải biết lượng sức mình, cần phải hiểu rằng đại học không phải là con đường duy nhất của thanh niên. Cuộc chạy đua tìm việc làm của sinh viên mới ra trường hiện nay không chỉ ở áp lực giới hạn số lượng mà còn ở năng lực thực tế, kỹ năng thực hành và tiềm năng phát triển. Liệu bạn sẽ ở đâu trong cuộc cạnh tranh căng thẳng tìm việc làm cùng hàng chục nghìn sinh viên tốt nghiệp đại học mỗi năm ? Thực tế cho thấy, có nhiều sinh viên ra trường phải đi làm trái nghề, thậm chí làm những việc chẳng cần đến tấm bằng đại học.

LÊ XUÂN CHIẾN - xuanchienle@gmail.com - 01657.191.739

Hãy tham gia Diễn đàn! Bạn đọc có thể bày tỏ quan điểm, chính kiến của mình tại phần Bình luận sau mỗi bài viết; bấm vào chuyên mục "Làm báo cùng Lao Động" hoặc gửi vào địa chỉ email: bandoclaodong@gmail.com; Fanpage Báo Lao Động: www.facebook.com/laodongonline. Bài viết của bạn đọc sẽ được trả nhuận bút. Bình luận (comment) của bạn đọc nhận được nhiều lượt thích (like) sẽ có phần thưởng xứng đáng. Trân trọng cảm ơn mọi đóng góp của bạn đọc.
Bạn đọc
TIN LIÊN QUAN

Giờ thứ 9: Bóng tối của hôn nhân - Phần 2

Nhóm PV |

Giờ thứ 9 - Nếu chỉ nhìn bề ngoài, ai cũng tin chắc rằng chị rất hạnh phúc, một thứ hạnh phúc thật khó kiếm tìm. Nhưng như những gì chị viết trong lá thư gửi tới chương trình Giờ thứ 9 thì đó chỉ là cái bề nổi che giấu những đợt sóng ngầm dữ dội trong cuộc sống hôn nhân của chị mà thôi.

Nóng Sài Gòn: 4 trung tâm đăng kiểm tại TPHCM được hoạt động trở lại

NGUYỄN LY - CHÂN PHÚC |

4 trung tâm đăng kiểm tại TPHCM được hoạt động trở lại; Phố ông đồ những nét đẹp văn hoá cho chữ du xuân được tiếp nối; Người phụ nữ điều khiển xe máy tử vong sau va chạm với xe ben;... là những thông tin chính có trong bản tin Nóng Sài Gòn ngày 15.1.

Đen Vâu lên tiếng về chuyện đám hỏi với Hoàng Thùy Linh

ĐÔNG DU |

Sau thông tin Đen Vâu và Hoàng Thuỳ Linh bí mật tổ chức đám hỏi đăng trên một số trang tin, chiều 15.1, nam rapper đã lên tiếng.

Hà Nội: Phố phường tấp nập ngày cận Tết, nhiều tiểu thương vẫn than ế

Thơm Bùi - Đinh Thiện |

Nhiều tiểu thương kinh doanh các mặt hàng phục vụ dịp Tết Nguyên đán 2023 chia sẻ, dù là ngày cuối tuần và phố phường khá đông đúc nhưng sức mua của người dân chưa đạt kỳ vọng.

Mai anh đào nở rộ, đợi khách du xuân Mộc Châu dịp Tết Nguyên đán

Ý Yên |

Quảng trường Mộc Châu, sân 224, đồi anh đào Nậm Tôm, chùa Tân Cương... đang rực rỡ sắc hoa mai anh đào dịp cận Tết Nguyên đán.

Là con trưởng có nhất thiết phải về quê ăn Tết?

Hải Minh |

Nhiều người quan niệm, là trai trưởng trong nhà phải có trách nhiệm về quê ăn Tết cùng gia đình vào mỗi năm.

Không còn cảnh công nhân xếp hàng rút tiền ATM để về quê ăn Tết

Bảo Hân - Hải Nguyễn |

Hà Nội - Tại khu vực các cây ATM cạnh Khu công nghiệp Thăng Long (xã Kim Chung, huyện Đông Anh, Hà Nội) sáng 15.1, không có cảnh công nhân xếp hàng dài để chờ rút tiền về quê ăn Tết.

Vì sao linh vật mèo ở Quảng Trị khiến người xem trầm trồ?

HƯNG THƠ |

Linh vật mèo vừa được đưa đến Quảng trường trung tâm huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị đã được nhiều người quan tâm vì giống mèo thật.