Đồng Tháp Mười:: Cây lộc vừng sẽ biến mất

|

Lộc vừng vốn là loài cây tạp, mọc nhiều ven các bờ sông rạch, bờ ruộng vùng Đồng Tháp Mười (ĐTM), thường để làm ranh đất, che bóng mát, chống sạt lở đất.…Khoảng 5 năm trở lại đây, phong trào săn lùng cây lộc vừng tràn đến miền Tây. Cây to, cây cổ thụ bị đào bứng đưa lên xe tải chở đi; cây nhỏ cũng bị đào đem về dưỡng để bán. Bây giờ khó mà tìm được cây lộc vừng cao cỡ thân người trên đồng ruộng ĐTM. Lộc vừng đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng.

Chết vì chữ “lộc”

Có lẽ nhờ tên có chữ “lộc”, mà cây lộc vừng được người miền Bắc, miền Trung xem là loài cây đem lại may mắn và tài lộc. Người ta quan niệm rằng, năm nào cây lộc vừng ra nhiều lộc non vào dịp tết, năm đó chủ nhà được nhiều tài lộc. Không chỉ cho lộc, cây lộc vừng còn ra hoa khá đẹp, kéo dài 3 – 4 tháng, từ khoảng tháng 6 cho đến tháng 10 âm lịch. Ngày trước cây lộc vừng được người chơi trồng trong sân nhà để đón lộc, bây giờ những cây lộc vừng cổ thụ có thể là “hàng độc” làm quà tặng cho những người thích “lộc”. Vì vậy mà cây lộc vừng bị “săn”.

Các chậu lộc vừng trước công sở.
Các chậu lộc vừng trước công sở.

Nhờ khả năng chịu nước, tàn lá dày nên cây lộc vừng thường được người dân ĐTM trồng ở những bờ ruộng làm ranh đất và tạo bóng mát. Rễ cây rộng và sâu giúp giữ đất tốt, nhất là đất ven sông mùa lũ nước chảy mạnh. Khoảng 5 năm trở lại đây, phong trào “săn” lộc vừng đã tràn đến Long An và cả miền Tây Nam Bộ. Thực ra, cho đến ngày nay, ít người dân Long An xem lộc vừng là cây kiểng quý, trong các vườn kiểng có giá trị ít thấy bóng dáng cây lộc vừng. Thế nhưng, cây lộc vừng ngày càng ít dần và sắp biến mất khỏi ĐTM.

Văn hóa lộc vừng

Đối với người miền Trung và miền Bắc, cây lộc vừng có giá trị văn hóa không thua kém nhiều so với hoa đào, hoa mai. Người ta làm mọi cách để lộc vừng ra lộc càng nhiều càng tốt vào dịp tết, giống như hoa mai đối với người dân miền Nam. Giống như cây mai, muốn lộc vừng ra lộc non đúng dịp tết thì phải “nhặt lá” vào đầu tháng 12 âm lịch. Những người kỹ tính còn “đắp chăn” cho cây – quấn vải quanh thân cây để giữ độ ẩm cho cây mau ra lộc. Nhiều bậc cao niên thường chọn thú vui trong dịp xuân về bằng cách bày tiệc trà dưới gốc lộc vừng vừa ra lộc đầy cành, rồi mời bạn bè tri kỷ tới uống trà, đàm đạo về cây cối, về cuộc sống.

Người dân ĐTM không mấy “tín ngưỡng” lộc vừng, nhưng loài cây này từ lâu đã gắn bó với cuộc sống của họ. Những gia đình sống ven sông rạch bao giờ cũng trồng cây lộc vừng cặp bờ sông để giữ đất khỏi sạt lở. Lá lộc vừng non được người dân ĐTM sử dụng làm “rau sống” ăn với cá kho, bánh xèo. Mỗi khi cây lộc vừng ra lá non đầy cành thường là cái cớ để nhiều gia đình đổ bánh xèo hoặc làm món ngon gì đó ăn cùng với lá cây. Những trưa hè nóng bức, trẻ con thường chơi đùa dưới bóng mát cây lộc vừng trước sân nhà.

Đồng ruộng ĐTM vào mùa khô thường nắng đổ lửa, cây lộc vừng mọc ven lộ, bờ ruộng là nơi dừng chân hóng mát cho người đi đường, là chỗ nghỉ trưa lý tưởng cho những nông dân làm ruộng ngoài đồng xa. Có thể nói cây lộc vừng đã trở thành nét văn hóa của người dân không phân biệt vùng miền. Bây giờ cây lộc vừng cũng được người ta trọng vọng, nhưng không phải theo cái cách của cha ông để lộc vừng sống chan hòa với thiên nhiên. Thế hệ con cháu bây giờ bắt lộc vừng phải rời đồng ruộng, bờ sông để về ngự trị trong chậu, bồn gạch men sáng loáng, trong những khu vườn được bao bọc bởi tường cao.     

Sẽ không còn để bảo vệ

Dọc QL62 qua các huyện Thạnh Hóa, Tân Thạnh, Mộc Hóa (Long An), người ta bày bán cây lộc vừng như bán lúa. Thỉnh thoảng có người đi bằng xe con, xe tải đến lựa mua và chở về TPHCM hoặc đi xa hơn. Ở các điểm bán “dã chiến” ven lộ này chỉ có lộc vừng loại bình dân, chừng chục năm tuổi trở lại, giá cao lắm chừng 5 – 7 triệu đồng/cây. Muốn mua hàng “khủng”, lộc vừng cổ thụ, giá 20 – 30 triệu đồng/cây trở lên, phải có mối quen biết và đặt hàng trước.

Hàng cây lộc vừng trước công viên TP.Tân An (Long An). Ảnh: K.Q
Hàng cây lộc vừng trước công viên TP.Tân An (Long An). Ảnh: K.Q

Vì bị săn lùng như thế nên bây giờ trên đồng ruộng ĐTM không còn cây lộc vừng nào đủ lớn để che mát, bảo vệ bờ sông. Người ta đào bứng tất cả, một số đã được chở đi, số còn lại nằm trong vườn nhà dân để bán dần. Đi khắp một vùng rộng lớn ven sông Vàm Cỏ Tây thuộc 2 xã Bình Hòa Đông, Bình Phong Thạnh, huyện Mộc Hóa, nơi trước đây có rất nhiều cây lộc vừng, bây giờ người viết chỉ còn thấy 1 cây lộc vừng cổ thụ nằm bên một ngôi miếu cổ tại ngã ba sông. Có lẽ “kiểng tặc” vẫn còn kiêng cử, chưa dám đụng vào chốn linh thiêng.

Không chỉ lộc vừng có tuổi, bán được ngay, mà cả những cây con cũng bị đào bứng đem bán cho những vườn kiểng để làm hàng dự trữ. Riêng ở huyện Mộc Hóa đã có hàng chục khu vườn có số lượng cây lộc vừng lên đến hàng trăm cây mỗi vườn. Còn ở ngoài đồng thì cây lộc vừng đang dần mất dạng.

Không chỉ bờ đê, ao làng, đồng ruộng bị bới tan hoang do nạn đào lấy cây lộc vừng, những khúc “vịnh” ven sông từng được cây lộc vừng chống xói lở giờ không còn được rễ cây bảo vệ. Bữa cơm của người nông dân ĐTM giờ không còn hiện diện những lá lộc vừng non màu hồng nhạt. Nhưng trên hết, nét văn hóa truyền thống gắn với loài cây này đã bị giam cầm trong các tư dinh, vườn kiểng.

Ở nhiều tỉnh miền Trung người ta đã thực hiện các biện pháp bảo vệ cây lộc vừng tự nhiên. Chưa thấy tỉnh miền Tây nào lên tiếng bảo vệ loài cây này. Phải chăng vì dân đồng bằng không mấy yêu thích nó, hay vì chẳng còn để mà bảo vệ?

Kỳ Quan

TIN LIÊN QUAN

Nồi bánh tét, chuyện của ngày xưa đón Tết

NHẬT HỒ |

Bạc Liêu – Đêm 28 Tết, ở vùng quê tôi, gần như nhà nào cũng nấu bánh tét. Nấu bánh tét không quá sớm vì để lâu không được, cũng không quá muộn vì còn phải chưng lên bàn thờ chuẩn bị đón ông, bà và cho người thân.

Những vật thể kỳ lạ nhất trong vũ trụ

Anh Vũ |

Hành tinh của chúng ta đại diện cho sự sống, một phần rất nhỏ của các hiện tượng đặc biệt có thể được tìm thấy khắp vũ trụ. Mỗi ngày, các nhà thiên văn học lại đưa ra những điều ngạc nhiên mới về khoảng không bao la ngoài kia.

Tiến Linh: Tết vui nhất khi có gia đình

Thanh Vũ |

Thường xuyên thi đấu xa nhà, với Tiến Linh, dịp Tết là thời gian quý báo để anh có thể đoàn tụ cùng gia đình cũng như hướng đến những mục tiêu mới cho bản thân trong tương lai.

Chuyên gia hướng dẫn cách bảo quản đồ ăn ngày Tết an toàn

Nhóm PV |

Dịp Tết Nguyên đán, nhiều người có thói quen tích trữ thực phẩm, làm nhiều đồ ăn để ăn uống, tiếp khách. Tuy nhiên, các bác sĩ cảnh báo, nếu thực phẩm không được bảo quản tốt có thể gây ảnh hưởng đến sức khoẻ.

Khu trọ của những người xa quê ở lại Bình Dương ngày giáp Tết

ĐÌNH TRỌNG |

Bình Dương - Những dãy trọ ở Bình Dương ngày giáp Tết vắng hẳn người. Không gian lắng đọng lại với những người lao động xa quê vì điều kiện kinh tế khó khăn không thể về quê đón Tết, sum họp cùng người thân.

Những ngày cuối năm ở xóm sợ... Tết

Trần Trung - Nguyễn Thúy |

Tết Nguyên đán là dịp mà những con người đang tha phương cầu thực nơi xứ lạ luôn mong mỏi trở về, nhưng tại con ngõ nhỏ 121 Lê Thanh Nghị (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội), điều đó lại hoàn toàn trái ngược. Đối với họ, Tết lại là khoảng thời gian luôn nặng trĩu những tâm tư.

Đổi đời cho nhiều trẻ là con em đồng bào dân tộc thiểu số ở Đắk Lắk

BẢO TRUNG |

Đắk Lắk - Những năm qua, hàng chục trẻ em đồng bào dân tộc thiểu số có hoàn cảnh khó khăn ở Đắk Lắk đã được lực lượng Bộ đội biên phòng tỉnh cưu mang, nhận làm con nuôi để giúp ăn học, có một cuộc đời mới sáng sủa hơn.

Làm sống lại các công viên, giải cơn khát không gian xanh cho Thủ đô

PHẠM ĐÔNG |

Hà Nội đang nghiên cứu để công viên không còn hàng rào, không bán vé và người dân được thụ hưởng, đặt quyết tâm năm 2023 phải làm sống lại các công viên ở Thủ đô.