Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội vừa chính thức trình Thủ tướng Chính phủ phương án nghỉ Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023.
Trên cơ sở góp ý của các Bộ, ngành, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trình Thủ tướng cả 2 phương án nghỉ Tết Nguyên đán năm 2023.
Phương án 1: Nghỉ từ Thứ 6 (ngày 20.1.2023) đến hết Thứ 5 (ngày 26.1.2023), tức 29 tháng Chạp năm Nhâm Dần đến hết ngày mùng 5 tháng Giêng năm Quý Mão.
Phương án 2: Công chức, viên chức nghỉ Tết Nguyên đán 2023 từ Thứ 7 (ngày 21.1.2023) tới hết Chủ Nhật (ngày 29.1.2023), tức ngày 30 tháng Chạp năm Nhâm Dần đến hết ngày mùng 8 tháng Giêng năm Quý Mão.
Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, lịch nghỉ Tết trên áp dụng với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động của các cơ quan hành chính, sự nghiệp, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội.
Đối với người lao động khối ngoài nhà nước, Bộ này đề nghị người sử dụng lao động quyết định chọn phương án nghỉ Tết Nguyên đán năm 2023 phù hợp theo thực tế của đơn vị.
Phương án nghỉ Tết Nguyên đán của đơn vị phải đảm bảo ít nhất 5 ngày, trong đó có 1 ngày năm cũ và 4 ngày năm mới; hoặc 2 ngày năm cũ 3 ngày năm mới.

Bên hành lang Quốc hội, trao đổi với PV Lao Động, Đại biểu Quốc hội Võ Mạnh Sơn - Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Thanh Hoá cho rằng phương án nghỉ Tết cần được tính toán kỹ lưỡng để đảm bảo hài hoà lợi ích cho người lao động và đơn vị sử dụng lao động.
Tết nguyên đán là một dịp rất quan trọng trong việc sum họp, đoàn viên của người lao động sau một năm làm việc. Do đó, cần tính toán hài hoà số ngày nghỉ trước Tết và số ngày nghỉ sau Tết, tạo điều kiện cho người dân đi lại, mua sắm Tết.
Bên cạnh đó là kích cầu tiêu dùng, kích cầu mua sắm, du lịch. Đồng thời tính toán các phương án tổ chức giao thông hợp lý, tránh tình trạng ùn tắc giao thông, giá tàu xe đắt đỏ khi dồn vào việc đi lại trong ngày.
Theo đại biểu Võ Mạnh Sơn, nếu người lao động có thêm ngày nghỉ bù sẽ tạo điều kiện vui xuân, đón tết, gia đình sum họp. Nhiều ý kiến của người lao động nghiêng về phương án có thêm ngày nghỉ như “món quà” trong một năm làm việc vất vả.
"Hiện nay có 2 phương án nghỉ 7 ngày hoặc 9 ngày. Nhưng phương án nghỉ 9 ngày thì lại mãi 30 Tết mới được nghỉ là quá gấp gáp. Do đó, đại biểu cho rằng, phương án hợp lý là nghỉ 9 ngày, bắt đầu nghỉ từ ngày 29 Tết đến hết ngày mùng 8 Tết và có thể đi làm bù vào ngày thứ 7 gần nhất" - đại biểu Sơn nói.

Cùng trao đổi về việc này, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Như Ý - Chủ tịch LĐLĐ Đồng Nai cũng cho rằng, phương án nghỉ Tết nên tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động sau 1 năm làm việc vất vả.
Theo đại biểu Như Ý, thời gian nghỉ Tết Nguyên đán là khoảng thời gian nghỉ lễ rất quan trọng trong năm, có ý nghĩa đặc biệt đối với người Việt, nhất là cán bộ, công chức, người lao động công tác, làm việc xa nhà, xa quê.
Đây là dịp "có một, không hai" để người lao động có thể sum họp, quây quần bên cạnh người thân, gia đình, bạn bè trên quê hương thân yêu sau thời gian dài lao động vất vả, xa cách.
Bên cạnh đó, để chuẩn bị cho vui xuân, đón Tết thì người lao động cần có thời gian nghỉ sớm trước Tết để mua sắm, trang hoàng, dọn dẹp nhà cửa đón Tết đầm ấm, vui tươi. Đặc biệt, dịp Tết nhu cầu di chuyển, đi lại từ địa phương này đến địa phương khác, nhất là người dân từ các thành phố trở về quê rất lớn.
“Mong muốn có thêm một ngày nghỉ Tết chính là phần quà cho người lao động” - đại biểu Ý nói.