Sắc xuân nơi biên cương Tây Bắc

Khánh Linh |

Miền biên viễn ngày xuân như hối hả hơn, người người, nhà nhà từ khắp các nẻo đường đổ về trung tâm để mua sắm, chơi hội. Những bộ váy áo xúng xính như càng tô điểm hơn cho không khí xuân nơi “một con gà cất tiếng gáy, người dân hai nước cùng nghe”.

Trên đường tuần tra biên giới ngày xuân của những chiến sĩ biên phòng. Ảnh: KHÁNH LINH
Trên đường tuần tra biên giới ngày xuân của những chiến sĩ biên phòng. Ảnh: KHÁNH LINH

Đổi thay nơi vùng quê nghèo miền biên viễn

Trở lại huyện vùng biên Sốp Cộp, tỉnh Sơn La khi hoa mận đã kịp bung nở trắng muốt trên những sườn đồi. Từng cơn gió rét buốt dội qua nhưng sắc hoa đào núi rợp trên con đường dẫn về bản đã làm cho lòng người ấm lại.

Từ một vùng đất biên thùy được người xưa ví bằng câu ca “nơi con chim bay bạc đầu chưa tới”, huyện vùng biên giờ đây đã thay đổi nhiều với nhà có số, phố có tên, đêm đèn sáng lung linh, làm cho vùng biên càng thêm ấm áp.

Ngược lên những con đường vắt ngang sườn núi đến bản Púng Tòng, thuộc xã vùng biên Nậm Lạnh, từ phía xa, những đồi cam trải dài ngút tầm mắt. Từ phía triền đồi, thương lái dập dìu chở từng sọt cam, quýt về xuôi tiêu thụ. Từ những nương lúa, ngô, sắn khi xưa, đến nay, màu xanh của các vườn cây ăn quả, cây cà phê và nhiều cây trồng mới cũng đã bén rễ trên đồng đất biên cương.

Phấn khởi chọn lựa những quả quýt mọng nước để kịp giờ đưa xuống chợ, ông Tòng Văn Phìn (bản Púng Bánh, xã Nậm Lạnh, huyện Sốp Cộp) chia sẻ, trước ở đây trồng cây có múi nhưng chỉ trồng một vài cây quýt trong vườn nhà để ăn và chủ yếu trồng giống quýt bản địa. Còn những quả đồi chủ yếu trồng ngô, sắn và trên những đỉnh đồi cao thường bỏ không.

Thế nhưng, từ năm 2002, nhờ Chương trình mục tiêu Quốc gia về giảm nghèo bền vững, người dân được hỗ trợ giống cây có múi để trồng thử nghiệm. Nhờ hợp khí hậu, thổ nhưỡng, cây có múi ở đây cho ra quả có vị ngọt mát đặc trưng.

“Đến nay, bản có gần 100 hộ thì hầu như nhà nào cũng trồng, năm nay được mùa, được giá nên bà con phấn khởi lắm. Nhà tôi năm ngoái thu được 4 tấn quả, chỉ tính riêng tiền quýt cũng thu về gần 100 triệu đồng” - ông Phìn chia sẻ.

Cũng theo ông Phìn, nhờ chuyển đổi cây trồng, từ một bản biên giới khó khăn, người dân phải chạy lo cái ăn, cái mặc hằng ngày, đến nay nhiều nhà đã có của ăn, của để, xây nhà cửa khang trang, đủ điều kiện chăm lo cho con cái học hành.

Xuân biên phòng, ấm lòng dân bản. Ảnh: KHÁNH LINH
Xuân biên phòng, ấm lòng dân bản. Ảnh: KHÁNH LINH
Chiến sĩ quân hàm xanh ăn Tết cùng nhân dân. Ảnh: KHÁNH LINH
Chiến sĩ quân hàm xanh ăn Tết cùng nhân dân. Ảnh: KHÁNH LINH

Xuân biên phòng ấm lòng dân nghèo biên giới

Xuân ở vùng biên, như đã thành thông lệ, cứ mỗi dịp Tết đến, xuân về, các đồn biên phòng dọc biên giới lại lần lượt được tổ chức chương trình “Xuân biên cương”, thấy xuân biên phòng ở đâu như Tết đã thực sự về ở nơi đó.

Tại Đồn Biên phòng Nậm Lạnh, năm nay, “Xuân biên cương” được tổ chức tại bản biên giới Pá Vai, xã Mường Và. Ngay từ sáng sớm, 50 hộ dân với gần 300 nhân khẩu đã nườm nượp kéo đến Nhà văn hóa bản để tham dự chương trình “Xuân biên phòng” do đồn biên phòng Nậm Lạnh tổ chức. Không khí nô nức, phấn khởi khắp cả một vùng biên.

Cầm trên tay những món quà ấm áp tình người, ông Lậu Bả Chư (bản Kéo Vai, xã Mường Và) xúc động: “Được nhận chăn ấm và đồ ăn, chúng tôi cảm ơn những nhà hảo tâm lắm. Có chăn ấm con tôi không sợ lạnh nữa”.

Được biết, gia đình ông Chư có 5 người con, sống trong một căn nhà nhỏ hẹp, dột nát. Gia đình thuộc hộ nghèo, không còn thu nhập gì khác ngoài việc làm nương, rẫy. Món quà là nguồn động viên to lớn với gia đình ông.

Với người dân biên giới, mỗi chương trình xuân biên phòng như một ngày hội nơi biên cương. Những ngày này, họ được khám bệnh, phát thuốc miễn phí, được nhận quà, được giao lưu cùng chiến sĩ biên phòng và những người khách từ dưới xuôi về với bản.

Trung tá Đinh Văn Quang - Đồn trưởng đồn biên phòng Nậm Lạnh cho biết, mỗi dịp xuân về, các đồn biên phòng và Bộ đội Biên phòng tỉnh sẽ tổ chức chương trình “Xuân biên phòng” cho người dân ở các xã có đồn đứng chân. Thời gian tổ chức sẽ bắt đầu từ tháng 12 đến gần Tết Nguyên đán”.

Theo Trung tá Quang, các xã vùng biên Sơn La là xã vùng cao, đa số là người dân tộc thiểu số, điều kiện kinh tế xã hội còn nhiều khó khăn. Mỗi chương trình xuân biên phòng được tổ chức là một sự hỗ trợ về mặt tinh thần để bà con đón Tết, vui xuân.

Chuyển đổi cơ cấu cây trồng giúp người dân biên giới xoá đói, giảm nghèo.Ảnh: KHÁNH LINH
Chuyển đổi cơ cấu cây trồng giúp người dân biên giới xoá đói, giảm nghèo.Ảnh: KHÁNH LINH

Gói ghém nỗi nhớ nhà, chắc tay súng bảo vệ biên cương Tổ quốc

Nơi biên cương, mang trong mình trọng trách của những người lính biên phòng, thay vì về nhà quây quần bên người thân trong thời điểm thiêng liêng giao hoà giữa năm cũ và năm mới, thì những chiến sĩ quân hàm xanh vẫn ngày đêm đang tất bật với những kế hoạch tuần tra, đảm bảo tình hình an ninh dịp Tết.

12 năm công tác tại Sơn La thì có 6 năm đón Tết xa nhà, Trung tá Lương Quốc Thoại - nhân viên quân y đồn biên phòng Mường Lạn tâm sự: “Xa nhà trong dịp Tết, ai cũng buồn nhưng vì nhiệm vụ mình phải tự động viên bản thân, gác lại nỗi nhớ nhà, xung phong ở lại trực Tết. Thấu hiểu hoàn cảnh công tác nên vợ con cũng thường xuyên gọi điện động viên, chia sẻ.

Thế nhưng Tết ở đồn cũng vui lắm, cũng gói bánh chưng, treo đèn màu, bày mâm ngũ quả sẵn sàng đón giao thừa. Trực đơn vị, đón Xuân cùng đồng đội và đồng bào các dân tộc, cùng nhau giã bánh dày, ném còn, ném pao cũng vơi bớt nỗi nhớ nhà”.

Thế nhưng, với binh nhất Lèo Anh Tuấn (Đồn biên phòng Nậm Lạnh) vẫn không tránh khỏi những ngậm ngùi: “Năm nay là năm đầu tiên đón Tết xa nhà, nói không nhớ nhà thì không đúng, nhưng đây có lẽ sẽ là một trong những trải nghiệm mới khiến tôi trưởng thành hơn.

Mọi năm, cứ gần Tết tôi sẽ cùng mẹ đi chợ huyện sắm đồ, rồi về cùng bố dọn dẹp nhà cửa, trưng cành đào, cây quất, gói bánh chưng. Đến đêm giao thừa cả nhà lại ngồi quây quần cùng đón năm mới. Mặc dù nhớ nhà, nhớ người thân nhưng chúng tôi sẽ cố gắng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao”.

Trung tá Vì Văn Chương - Trưởng ban Tuyên huấn, Bộ đội Biên phòng tỉnh Sơn La - cho biết, Bộ đội Biên phòng tỉnh Sơn La có nhiệm vụ quản lý, bảo vệ 274km đường biên giới, tiếp giáp với hai tỉnh Hủa Phăn và Luông Pha Bang (nước Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Lào).

Theo trung tá Chương, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị xây dựng kế hoạch trực Tết tại các tổ chốt, tổ công tác, thay nhau tuần tra, nắm địa bàn để đảm bảo an ninh trật tự trước trong và sau Tết. Đồng thời, hỗ trợ động viện cán bộ, chiến sĩ an tâm ở lại đơn vị trực, sẵn sàng làm nhiệm vụ.

“Cứ vào dịp Tết, các đơn vị sẽ tổ chức cho anh em chiến sĩ gói bánh chưng, có mâm ngũ quả, ở nhà như thế nào thì ở đây như vậy. Ngoài ra, giúp bà con quét dọn đường sá, nhà văn hóa, thăm gia đình đồng bào chúc Tết, ăn Tết cùng nhân dân.

Với quyết tâm vui xuân không quên nhiệm vụ, các chiến sĩ biên phòng vẫn tăng cường tuần tra kiểm soát dọc tuyến, giữ vững chủ quyền an ninh khu vực biên giới” - Trưởng ban Tuyên huấn, Bộ đội Biên phòng tỉnh Sơn La phấn khởi nói.

Sắc xuân đã tràn về biên giới, len lỏi theo từng cơn gió đến từng nóc nhà người Mông, Khơ Mú, Xinh Mun... xuân mang theo hơi ấm xua tan đi cái rét ngọt của vùng cao Tây Bắc, xua đi những đói nghèo của người dân miền biên viễn.

Khánh Linh
TIN LIÊN QUAN

Tết sớm nơi biên cương Tây Bắc

Khánh Linh |

Sơn La - Mỗi chương trình "Xuân biên phòng - ấm lòng dân bản" được tổ chức như một dịp Tết sớm đối với dân bản, là nguồn động viên to lớn cho người dân nơi phên dậu Tây Bắc.

Năm học mới của "con nuôi" đồn biên phòng nơi biên cương Tây Bắc

Khánh Linh |

Sơn La - Thiệt thòi khi không được bố mẹ đồng hành chuẩn bị cho năm học mới như bạn bè cùng trang lứa, nhưng những học sinh "con nuôi Biên phòng" lại nhận được tình yêu thương của những cán bộ, chiến sĩ, nâng bước các em đến trường.

Chuyện về thầy giáo quân hàm xanh nơi cuối trời biên cương Tây Bắc

Khánh Linh |

Sơn La - Mỗi buổi tối, nơi biên cương trên đại ngàn Tây Bắc lại vang lên những tiếng ê a học bài trong lớp học của thầy giáo quân hàm xanh Hờ A Thành.

Giá cả tăng vọt, đặt qua app 30 phút vẫn không tìm được xe tối mùng 3 Tết

Vương Trần |

Tối 12.2 (mùng 3 Tết Giáp Thìn), tại khu vực ga Hà Nội (đường Lê Duẩn, Hà Nội), nhu cầu đi lại của người dân bằng xe dịch vụ tăng cao, nhiều người phải đợi chờ hàng giờ đồng hồ.

Hàng vạn du khách trẩy hội chùa Hương ngày mùng 3 Tết

Anh Vũ - Trần Tuấn |

Phóng viên Báo Lao Động ghi nhận không khí du xuân, lễ Phật của du khách tại chùa Hương vào hôm nay (mùng 3 Tết Giáp Thìn).

Tranh cãi bài viết so sánh giá vé 75.000đ/người xe khách và 9.000đ/người xe buýt cho quãng đường 70km ngày Tết

KHÁNH AN |

Bài viết có nội dung than vãn về giá vé xe khách ngày Tết tăng cao, đồng thời so sánh với giá vé xe buýt hiện đang gây tranh cãi trên mạng xã hội.

20 nghìn 3 lạng rau xanh cũng khó mua ngày Mùng 3 Tết

Thanh Vân |

Trong khi siêu thị hút khách với giá rau củ quả bình ổn, thì rau củ quả tại chợ cóc, chợ dân sinh lại đắt hơn gấp 2-3 lần.

Quán bún mở xuyên Tết, cao điểm bán hơn 500 bát/ngày

Nhóm PV |

Nhiều hàng quán lựa chọn mở hàng xuyên Tết, bán hàng trăm bát/ngày.

Tết sớm nơi biên cương Tây Bắc

Khánh Linh |

Sơn La - Mỗi chương trình "Xuân biên phòng - ấm lòng dân bản" được tổ chức như một dịp Tết sớm đối với dân bản, là nguồn động viên to lớn cho người dân nơi phên dậu Tây Bắc.

Năm học mới của "con nuôi" đồn biên phòng nơi biên cương Tây Bắc

Khánh Linh |

Sơn La - Thiệt thòi khi không được bố mẹ đồng hành chuẩn bị cho năm học mới như bạn bè cùng trang lứa, nhưng những học sinh "con nuôi Biên phòng" lại nhận được tình yêu thương của những cán bộ, chiến sĩ, nâng bước các em đến trường.

Chuyện về thầy giáo quân hàm xanh nơi cuối trời biên cương Tây Bắc

Khánh Linh |

Sơn La - Mỗi buổi tối, nơi biên cương trên đại ngàn Tây Bắc lại vang lên những tiếng ê a học bài trong lớp học của thầy giáo quân hàm xanh Hờ A Thành.