Rừng không chỉ để lấy gỗ
Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, trước việc thiên nhiên bị tàn phá, rừng bị xâm hại chúng ta cần phải có cách tiếp cận khác về rừng trong đó cần tiếp cận đa dụng hệ sinh thái, để từ đó trả món nợ thiên nhiên.
Đến thăm mô hình bảo vệ rừng cộng đồng tại thôn 1 (xã Lĩnh Sơn, huyện Anh Sơn, tỉnh Nghệ An), Bộ trưởng chia sẻ với người dân, trước đây, nhiều lúc người dân phải sống ở rừng, coi việc giữ rừng là của nhà nước. Tuy nhiên giờ đây, chính người dân cần phải thay đổi tư duy, làm chủ rừng.
“Người dân sống ở rừng sẽ không còn phải lủi thủi nữa, bởi mình là chủ rừng. Mình trồng rừng, giữ rừng trước hết là cho mình, cho con cháu mình sau này. Thiên nhiên cũng như con người vậy, mình chăm sóc rừng tốt, thiên nhiên sẽ trả ơn. Ngược lại không chăm rừng tốt, phá rừng, thiên nhiên sẽ giận dữ, sẽ trả thù. Khi chăm sóc rừng tốt với sự hỗ trợ của nhà nước, người dân có thể hưởng lợi từ rừng như việc trồng dược liệu, đan lát... Xa hơn, chúng ta có thể làm du lịch. Sống ở rừng không chỉ thoát nghèo mà còn có thể vươn lên làm giàu” - Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói.
Khi đến thăm vườn quốc gia Pù Mát, Bộ trưởng Lê Minh Hoan chia sẻ, hiện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang nghiên cứu, sửa một Nghị định theo hướng nâng lên chế độ cho người bảo vệ rừng.
“Tuy nhiên, quan trọng nhất vẫn là cách nhìn nhận, cách tiếp cận, bên cạnh nhiệm vụ bảo vệ rừng phải có phương án tạo ra nhiều việc làm, tạo sinh kế lâu dài dưới tán rừng nhằm từng bước cải thiện thu nhập cho người dân để phát triển bền vững”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Hiện nay do nhiều lực cản, đời sống của đồng bào còn nhiều khó khăn, họ chưa thể dựa hẳn vào rừng. Ở khía cạnh khác, thu nhập của cán bộ lâm nghiệp, những người chuyên tâm giữ rừng còn thấp, chưa đủ trang trải cuộc sống khiến không ít trường hợp đã bỏ nghề.
Ông Trần Quang Bảo, Cục trưởng Cục Lâm nghiệp chia sẻ, trước đây nói đến kinh tế rừng, nhiều người chỉ nghĩ đến khai thác gỗ nhưng giờ đây kinh tế rừng có nhiều giá trị khác, đơn cử như việc khai thác dịch vụ các bon. Với giá 5 USD/1 tấn, Việt Nam có thể thu được 4.000 tỉ mỗi năm. Đó là chưa kể giá các bon theo cơ chế thị trường còn có thể tăng lên rất cao.
Nhiều cơ hội phát triển kinh tế rừng
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện tại, Việt Nam có 14,79 triệu ha rừng (10,13 triệu ha rừng tự nhiên, 4,66 triệu ha rừng trồng), trong đó có 2,20 triệu ha rừng đặc dụng, 4,71 triệu ha rừng phòng hộ và 7,88 triệu ha rừng sản xuất.
Hiện nay, Việt Nam đẩy mạnh phát triển đa dụng rừng, hưởng lợi từ rừng. Việt Nam đang tham gia một số thỏa thuận liên quan đến giảm phát thải, tuy nhiên mới dừng lại ở bước nghiên cứu khả thi, chỉ có thỏa thuận giảm phát thải vùng Bắc Trung Bộ (ERPA), bao gồm 6 tỉnh là Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế được ký kết.
Theo thỏa thuận này, Việt Nam chuyển nhượng 10,3 triệu tấn CO2 cho Ngân hàng Thế giới với giá 5 USD/tấn, với tổng giá trị thu về là 51,5 triệu USD, trong giai đoạn 2018- 2024.
Một số địa phương đã chủ động đề xuất Thủ tướng Chính phủ cho phép được triển khai thí điểm trên địa bàn tỉnh, khẳng định sự sẵn sàng để triển khai dịch vụ hấp thụ và lưu giữ các bon của rừng tại địa phương.
Ngoài ra, kinh tế rừng có thể được khai thác mô hình trồng dược liệu/sản xuất dược liệu. Theo định hướng phát triển khai thác các loài cây dược liệu bản địa kết hợp với văn hóa sử dụng cây dược liệu của người dân địa phương để phát triển hàng hóa xuất khẩu tại chỗ thông qua du lịch.