“Thanh lọc não bộ” là cuốn sách nổi tiếng của bác sĩ thần kinh học David Perlmutter, được Medinsights xuất bản vừa qua. Perlmutter đã lý giải những nguyên nhân khiến tâm trí trở nên rối loạn, đồng thời đưa ra những phương thức khiến con người có thể chữa lành được cơ thể và tâm hồn, trong đó, rất đáng lưu ý là ông khuyên chúng ta trở về với thiên nhiên. Xin lược giới thiệu tới bạn đọc.
RỐI LOẠN THIẾU THIÊN NHIÊN
Vào năm 1909, nhà văn người Anh Edward Morgan Forster đã viết một truyện ngắn đáng sợ có nhan đề The Machine Stops (tạm dịch: Cỗ Máy dừng lại). Nó vẽ nên một tương lai đen tối, mô tả một thế giới mà ở đó con người sống trong những căn phòng biệt lập dưới mặt đất, giao tiếp với nhau thông qua các thiết bị giống kỳ lạ với điện thoại thông minh và máy tính bảng ngày nay. Trong tương lai tồi tệ này, con người tôn thờ Cỗ Máy, thứ kiểm soát mọi khía cạnh của xã hội, cung cấp mọi điều cần thiết cho sự sống còn, nhưng cản trở việc giao tiếp trực tiếp và tiếp xúc với thiên nhiên. Quả thực, các công dân của thế giới hư cấu này đã xa rời thiên nhiên đến nỗi họ sợ hãi ngay cả việc ánh nắng chạm vào da thịt. Như bạn có thể đoán được, điều này dẫn đến thảm họa và khi Cỗ Máy sụp đổ, các nhân vật nhận ra sai lầm nghiêm trọng mà họ đã mắc phải khi xa rời thiên nhiên.
Tuy chúng ta không đến nỗi lạc lối như các nhân vật trong câu chuyện của E. M. Forster, nhưng sự tương đồng ở đây rất rõ ràng. Chúng ta đang ngày càng tách mình khỏi thế giới tự nhiên, chỉ dành chút ít thời gian để tận hưởng những món quà do thiên nhiên mang lại. Trong khi thiên nhiên vốn ảnh hưởng đến khả năng duy trì sự cân bằng, suy nghĩ sâu sắc và lòng trắc ẩn của chúng ta, đồng thời cung cấp vô số lợi ích cho sức khỏe, bao gồm giảm mức độ viêm và giảm các nội tiết tố gây căng thẳng. Chúng ta cần gắn kết lại với thế giới tự nhiên xung quanh mình - đó là gốc rễ của sự khỏe mạnh. Hòa mình với thiên nhiên là một trong những việc đơn giản nhất để giữ gìn sức khỏe và hạnh phúc - tất cả những gì bạn cần làm chỉ là bước ra ngoài. Cơ thể và tâm trí hoạt động cực kỳ hiệu quả khi tiếp xúc với thiên nhiên và tăng hành vi đồng cảm.
Tiếp xúc với thiên nhiên có thể giúp tăng cường sức khỏe não bộ, cải thiện khả năng tập trung và sự hài lòng lâu dài. Nếu đang ở giữa một cánh rừng hay nơi hoang vu rộng lớn, cách xa thành phố, bạn có thể không tiếp cận được với dịch vụ di động (hóa ra, đây thường là điều tốt!), bởi não bộ sẽ có cơ hội được giải tỏa. Ngoài ra, thiên nhiên còn thúc đẩy khả năng thực hành chánh niệm - phương cách chính để thiết lập lại não bộ, giúp chúng ta nhìn nhận thế giới khách quan hơn - từ đó, kích hoạt vỏ não trước trán. Thiên nhiên và chánh niệm cũng tương hỗ lẫn nhau: Càng tiếp xúc nhiều với thiên nhiên, năng lực chánh niệm của chúng ta càng cao hơn và ngược lại, khi thực hành chánh niệm nhiều hơn, chúng ta càng cảm thấy gắn kết hơn với thiên nhiên.
Thiên nhiên không chỉ bao quanh chúng ta; chúng ta chính là thiên nhiên. Cơ thể là mô hình thu nhỏ của hệ sinh thái rộng lớn mà chúng ta đang sống. Từ thành phần tế bào, cho đến cấu trúc DNA của loài người, tất cả đều phản ánh sự hoàn hảo của Mẹ Thiên nhiên; không chỉ vậy, bề mặt và bên trong cơ thể còn là nơi sinh sống của hàng nghìn tỉ vi sinh vật có lợi. Những vi sinh vật nhỏ bé này đã chung sống với giống loài chúng ta trong hàng triệu năm. Chúng ta cần nhận ra vẻ đẹp, sự tuyệt vời và sức mạnh cải thiện sức khỏe mà thế giới tự nhiên mang lại.
Nhưng giờ đây, chúng ta đã thực sự rời xa thiên nhiên. Vào năm 1900, cứ một người sống ở thành thị thì có bảy người sống ở nông thôn. Nhưng ngày nay, tỉ lệ đó là hơn một phần hai - một nửa dân số toàn cầu - đang sống ở khu vực đô thị, con số này dự kiến sẽ tăng lên theo từng năm. Đến năm 2050, gần 70% nhân loại sẽ sống ở thành phố.
Chúng ta đã tìm thấy nơi cư trú mới cho người hiện đại, nhưng việc ấy tác động như thế nào đến chúng ta? Trẻ em sinh ra trong môi trường tương đối sạch sẽ ngày nay lại có nguy cơ mắc các bệnh như hen suyễn, rối loạn tự miễn và dị ứng thực phẩm cao hơn so với trẻ em ở thế kỉ trước. Chúng ta tiến hóa để thích nghi với một mức độ bẩn nhất định, nên thế giới “vô trùng” hiện tại khiến cho hệ miễn dịch bị nhầm lẫn. Giờ đây không còn nhiều người lao động trên ruộng đồng, việc chuyển sang lối sống thành thị cũng đã thay đổi môi trường làm việc của con người. Người Mỹ dành tới 87% thời gian trong ngày ở trong nhà và 6% còn lại ngồi trong ôtô. Gần như toàn bộ tương tác của chúng ta với thế giới hiện đại đang diễn ra trong những bức tường - dưới ánh sáng nhân tạo và trong môi trường được điều chỉnh. Tương tác chủ yếu của chúng ta với không gian ngoài trời đến từ cửa sổ, trải nghiệm thực tế ảo trực tuyến và trí nhớ. Giống như thú cưng, chúng ta đã trở thành một loài sống trong nhà.
Nó dẫn đến một loại tình trạng mà nhà báo Richard Louv gọi là rối loạn thiếu thiên nhiên. Louv là người ủng hộ “vitamin N” - N viết tắt cho từ “Nature” (Thiên nhiên), và đã đồng sáng lập một tổ chức giúp kết nối trẻ em, gia đình và cộng đồng với thiên nhiên. Ông biết rõ giá trị và tầm quan trọng của việc trở về với thiên nhiên, và bạn cũng nên như vậy. Không gì có thể thay thế cho không khí trong lành, ánh sáng mặt trời ấm áp và cây cối xanh tươi.
THIÊN NHIÊN CHỮA LÀNH BỆNH TẬT
Năm 1984, nhà sinh học nổi tiếng Edward O. Wilson đã mô tả những lợi ích mà thiên nhiên có thể mang lại trong giả thuyết “Ái Thiên nhiên”. Trong cuốn sách The Biophilia Hypothesis (tạm dịch: Giả thuyết Ái Thiên nhiên) xuất bản năm 1993 - một tuyển tập các bài luận do Wilson và nhà sinh thái học xã hội Stephen Kellert biên soạn, Kellert khẳng định: “Sự phụ thuộc của con người vào thiên nhiên không chỉ đơn giản nằm ở việc thiên nhiên đáp ứng nhu cầu về thể chất và vật chất của con người, mà còn thỏa mãn khao khát thẩm mỹ, trí tuệ, nhận thức và thậm chí là cả ý nghĩa và sự xoa dịu của thế giới tâm linh”.
Giả thuyết Ái Thiên nhiên của Wilson cho rằng, loài người bẩm sinh vốn có những mối liên hệ chặt chẽ với môi trường tự nhiên vượt xa hiểu biết thông thường. Giờ đây, chúng ta đã nhận ra sự đúng đắn trong giả thuyết trên.
Cũng trong năm 1984, Tiến sĩ Roger Ulrich đã đăng một bài báo mang tính bước ngoặt trên tạp chí Science với nhan đề “View Through a Window May Influence Recovery from Surgery” (tạm dịch: Cảnh sắc ngoài khung cửa sổ có thể tác động đến khả năng hồi phục hậu phẫu). Theo đó, điều trị cấp tính chỉ là một phần của cuộc chiến giành lại sức khỏe; rằng sau phẫu thuật, đột quỵ, đau tim hay ung thư, quá trình hồi phục lâu dài là rất quan trọng. Chính vì vậy, chúng ta không thể bỏ qua một lĩnh vực nghiên cứu đang phát triển nhanh chóng và đem đến kết luận rằng việc tiếp xúc với thiên nhiên giúp đẩy nhanh quá trình phục hồi sau bệnh tật và chấn thương...
Dường như một trong những con đường mà qua đó thiên nhiên tác động đến sức khỏe của chúng ta là khứu giác. Đây có thể là một lý do giải thích tại sao ta dễ bị thu hút bởi những cây, hoa có mùi thơm, và thậm chí cả nước hoa hay sản phẩm xịt thơm phòng. Các nghiên cứu đã chứng minh mối liên quan giữa khứu giác với chức năng miễn dịch, thậm chí cả tâm trạng, nhận thức và hành vi xã hội.
Hương thơm của thực vật có đặc tính chữa lành. Năm 1937, nhà hóa sinh người Nga Boris P. Tokin đã đặt ra từ “phytoncide” để chỉ một chất do thực vật tiết ra giúp ngăn chúng bị thối rữa hay bị sâu bọ ăn. Phytoncide tạo nên mùi thơm của rừng và là những chất hóa học tạo cho tinh dầu mùi hương đặc trưng. Hóa ra, chúng cũng có thể là công cụ hiệu nghiệm giúp cải thiện sức khỏe, đặc biệt là tăng cường sức mạnh cho hệ miễn dịch. Các nhà khoa học cũng chỉ ra mối liên quan giữa phytoncide với việc giảm mức độ căng thẳng - điều vốn có thể cải thiện chức năng miễn dịch. Tuy nhiên, rừng còn có một tác dụng khác quan trọng không kém. Bạn nên nhớ rằng tình trạng căng thẳng triền miên sẽ khiến vỏ não trước trán dừng hoạt động. Vì vậy, bằng cách giảm lượng nội tiết tố gây căng thẳng, thiên nhiên mang đến cho chúng ta một công cụ tuyệt vời để duy trì khả năng tư duy bậc cao.
Một bài tổng quan tài liệu vào năm 2016 đã chỉ ra: “Khi mùi thơm kích thích khứu giác, cơ thể sẽ ngay lập tức có sự thay đổi ở những thông số sinh lý như huyết áp, sự giãn nở đồng tử, nhiệt độ trên da, nhịp tim, sự căng cơ và hoạt động não bộ”. Bài báo đã mô tả chi tiết những mối liên quan này, giải thích cơ chế ảnh hưởng lên những vùng não khác nhau của các loại mùi hương, từ mùi hoa oải hương tươi, hoa cúc tây đến mùi nhang và tinh dầu.
Các nhà nghiên cứu kết luận rằng “mùi thơm ảnh hưởng trực tiếp và/hoặc gián tiếp đến tình trạng tâm sinh lý của con người” và rằng “mùi thơm điều chỉnh đáng kể hoạt động của các bước sóng não khác nhau và chịu trách nhiệm cho các trạng thái khác nhau của não bộ”. Giờ đây, bạn đã có thêm điều để suy nghĩ khi ngửi thấy hương hoa hoặc một loại nước hoa tuyệt vời.
Một nhóm bệnh nhân được điều trị liệu pháp hành vi nhận thức tại bệnh viện và nhóm còn lại được điều trị tương tự trong rừng. Bằng việc sử dụng thang đo trầm cảm tiêu chuẩn, các nhà khoa học đã phát hiện ra rằng nhóm trong rừng giảm 61% các triệu chứng trầm cảm, trong khi nhóm ở bệnh viện chỉ giảm 21%.
Một nghiên cứu khác đã xem xét mối liên hệ giữa thời lượng ở trong không gian xanh và nguy cơ mắc bệnh trầm cảm. Không có gì ngạc nhiên khi kết quả cho thấy những người dành ít nhất 5 giờ mỗi tuần trong tự nhiên có nguy cơ trầm cảm thấp hơn đáng kể. Rõ ràng, thiên nhiên xung quanh ban tặng cho chúng ta một giải pháp phòng bệnh tiềm năng, dễ thực hiện, hiệu quả và tiết kiệm chi phí!
Năm 2014, một bài tổng quan đã xem xét mối liên quan giữa việc tiếp xúc với thiên nhiên và sự hạnh phúc, với thử nghiệm được tiến hành trên tổng cộng khoảng 8.500 người và phát hiện ra rằng: “Những người kết nối nhiều với thiên nhiên thường sống tích cực, khỏe mạnh và mãn nguyện hơn”.
Có lý do để hai từ “thư giãn” và “thiên nhiên” luôn đi đôi với nhau. Thiên nhiên kích hoạt hệ thống thần kinh đối giao cảm vốn liên quan đến việc thư giãn, đồng thời kiểm soát hệ thống thần kinh giao cảm gây căng thẳng. Thiên nhiên cũng đã được chứng minh là làm giảm nồng độ cortisol. Vì vậy, nếu có thể giúp kiểm soát căng thẳng mạn tính, thiên nhiên cũng có khả năng hỗ trợ chúng ta điều chỉnh bản thân tốt hơn, quyết định hợp lý hơn, cải thiện khả năng kiềm chế cảm xúc và sự bốc đồng. Vì như chúng ta đã biết, tình trạng căng thẳng mạn tính làm tổn hại vỏ não trước trán và tăng hoạt động của hạch hạnh nhân. Nói một cách đơn giản, thiên nhiên cho phép chúng ta lấy lại quyền kiểm soát bộ não của mình.
THIÊN NHIÊN KHIẾN TA TRỞ THÀNH PHIÊN BẢN TỐT NHẤT CỦA CHÍNH MÌNH
Thiên nhiên có được sức mạnh cải thiện tâm trạng là nhờ vào ánh nắng mặt trời. Khi chiếu lên da, những tia nắng kích thích cơ thể tạo ra vitamin D, một loại nội tiết tố không chỉ quan trọng đối với nhiều quá trình sinh học, mà còn liên quan trực tiếp đến khả năng tổng hợp serotonin của não. Điều này đã được Tiến sĩ Rhonda Patrick, một nhà khoa học nghiên cứu về quá trình lão hóa và phòng chống bệnh tật, mô tả kỹ lưỡng. Bà tuyên bố rằng thiếu vitamin D, một tình trạng phổ biến ở người Mỹ, có thể góp phần gây ra trầm cảm. Hầu hết các loại thuốc với công dụng cải thiện tâm trạng thường xuất hiện trong chỉ định của bác sĩ đều được quảng bá là giúp tăng cường serotonin. Nhưng nghiên cứu mới này cho rằng chỉ cần tăng lượng vitamin D, bằng cách ra nắng hoặc uống vitamin D bổ sung, là đã có thể cải thiện tốt tâm trạng; điều này dường như bắt nguồn từ cơ chế tăng cường serotonin.
Còn đây là một phát hiện cực kỳ ấn tượng: Việc tiếp xúc với thiên nhiên có thể thay đổi hành vi của chúng ta theo hướng tích cực hơn. Sức mạnh của thiên nhiên nằm ở chỗ tạo nên cảm giác kinh ngạc. Trong một loạt nghiên cứu đáng chú ý, Tiến sĩ Paul Piff và các đồng nghiệp thuộc Đại học California tại Irvine đã xem xét tác động của việc tiếp xúc với tự nhiên và vai trò của sự kinh ngạc trong việc thay đổi xu hướng hành vi của con người.
Tiến sĩ Piff mô tả sự kinh ngạc là “một phản ứng cảm xúc trước những yếu tố kích thích nằm ngoài sức tưởng tượng”. Trong nghiên cứu này, nhóm của ông đã chỉ ra rằng việc gây ra cảm giác kinh ngạc khiến con người đưa ra nhiều hơn những quyết định đúng đắn, rộng lượng và dựa trên các giá trị xã hội. Tiếp theo, nhóm chứng minh rằng sự ngạc nhiên xuất hiện khi con người tiếp xúc với một rừng cây lớn sẽ dẫn đến khuynh hướng “hành động vì cộng đồng và giảm bớt quyền lợi cá nhân”. Khi chứng kiến một điều gì đó đầy bất ngờ, bạn sẽ có cảm giác như thời gian đang ngừng trôi, đặc biệt nếu đó là lần đầu trải nghiệm. Hãy nghĩ về khoảnh khắc bạn đứng trước một thác nước hùng vĩ, hay ngắm cầu vồng dần hiện ra. Có phải những khung cảnh ấy khiến bạn cảm thấy thư thái hơn, đúng không?
Vào năm 2012, các nhà nghiên cứu đã chứng minh rằng tác động của sự kinh ngạc có thể được đo lường. Những người đã trải qua cảm giác kinh ngạc sẽ sẵn sàng làm tình nguyện hơn và “thích trải nghiệm hơn so với việc tiêu thụ vật chất”. Các nhà nghiên cứu kết luận rằng “những trải nghiệm kinh ngạc khiến mọi người tập trung vào hiện tại... làm cho cuộc sống trở nên phong phú, mãn nguyện hơn”.
Thật ấn tượng và phấn khởi khi nghĩ rằng mỗi khi nhìn thấy một cảnh tượng thiên nhiên ngoạn mục, chúng ta sẽ cảm nhận sự tác động đáng kể và tích cực đến cách tương tác với người khác. Cảm giác sửng sốt do thiên nhiên mang lại nhắc nhở chúng ta về vị trí bé nhỏ của con người trong vũ trụ này, khuyến khích chúng ta quan tâm đến người khác, thay vì đề cao thái quá giá trị bản thân. Sự kinh ngạc cũng chiến thắng những ham muốn vật chất đẩy chúng ta xuống hố sâu bất hạnh và tâm lý so bì với người khác. Những lợi ích lớn lao này có ý nghĩa quan trọng trong một thế giới ngày càng dung dưỡng tính ái kỉ và chủ nghĩa trọng vật chất. Cảm xúc ngạc nhiên còn có thể thay đổi quan điểm của chúng ta theo hướng lạc quan hơn và nuôi dưỡng sự đồng cảm. Nói tóm lại, nó giúp chúng ta trở thành những người tử tế hơn.
Trong một loạt thử nghiệm khác do Tiến sĩ Piff thực hiện, nhóm của ông đã tìm hiểu tác động của việc tiếp xúc với vẻ đẹp thiên nhiên đối với quan điểm của mọi người. Họ nhận thấy rằng “những người tham gia được tiếp xúc với hình ảnh thiên nhiên đẹp hơn sẽ trở nên hào phóng và đáng tin cậy hơn” và “những người tiếp xúc với cây cối xanh tốt hơn thường sẵn lòng giúp đỡ người khác hơn”. Nghiên cứu này nhấn mạnh rằng việc tiếp xúc với thiên nhiên có thể tạo ra những lợi ích xã hội đáng kể. Khi đắm mình trong cảnh hoàng hôn hoặc đi bộ đường dài (lý tưởng nhất là với một người bạn), ta thực sự có thể trở thành phiên bản tốt nhất của chính mình.
Thiên nhiên (và những khoảng thời gian tách rời khỏi các thiết bị số) có thể làm gia tăng đáng kể hiệu quả nhận thức. Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng “bốn ngày hòa mình vào thiên nhiên, ngắt kết nối với thiết bị đa phương tiện và công nghệ đã làm tăng đến 50% hiệu suất đối với việc giải quyết vấn đề đòi hỏi sự sáng tạo”. Bất kể bạn có thích đi bộ đường dài hay không, đó vẫn là một việc đáng giá.
Tác động tích cực của thiên nhiên đối với khả năng tập trung của chúng ta đã được ghi nhận từ lâu. Thậm chí các nhà tâm lý học Stephen và Rachel Kaplan đã phát triển một ý tưởng gọi là lý thuyết phục hồi sự chú ý (ART) vào cuối những năm 1980 và đầu những năm 1990 - một giai đoạn với đặc trưng là sự tiến bộ nhanh chóng về công nghệ, hoạt động trong nhà gia tăng chóng mặt và những mối lo ngại về việc con người xa rời thiên nhiên. Lý thuyết này cho rằng thiên nhiên, ngoài việc nâng cao khả năng tập trung, còn giúp phục hồi sự chú ý sau khi chúng ta sử dụng quá nhiều năng lượng tinh thần, ví dụ như một đêm thức trắng để làm việc.
“LIỀU THUỐC XANH”
Các nhà khoa học đã tìm hiểu về sự ảnh hưởng của thiên nhiên đến toàn bộ cuộc sống của chúng ta. Một nghiên cứu lớn vào năm 2008 trên tạp chí The Lancet đã khảo sát 40 triệu người Anh và phân loại họ theo mức độ “xanh” của môi trường sống, ví dụ như có bao nhiêu không gian xanh trong vòng vài kilômét tính từ nhà họ. Không gian xanh được định nghĩa là “vùng đất thoáng đãng, nguyên sơ, có thảm thực vật tự nhiên, bao gồm các công viên, rừng cây và sân chơi”. Kết quả cho thấy những người sống ở những khu vực xanh nhất có tỉ lệ tử vong vì bệnh tuần hoàn thấp nhất và sống lâu hơn những người ở trong môi trường ít xanh hơn. Trong một nghiên cứu lớn khác được thực hiện vào năm 2017 với sự tham gia của 1,7 triệu người Canada, những người sống trong khu vực nhiều cây có nguy cơ tử vong sớm thấp hơn khoảng 10%.
Một nghiên cứu lớn khác vào năm 2017 đã phân tích 4,2 triệu người Thụy Sĩ và cho thấy những mối liên quan tương tự: Khu dân cư xanh giúp giảm nguy cơ tử vong sớm, kể cả trong trường hợp mức độ ô nhiễm và tiếp xúc với những yếu tố gây hại trong môi trường là tương tự với khu dân cư khác.
Điểm mấu chốt rút ra từ tất cả nghiên cứu trên là thiên nhiên có sức mạnh chữa lành. Khả năng này xuất phát từ một loạt cơ chế hóa học (ví dụ, giảm nội tiết tố gây căng thẳng và viêm nhiễm) và cơ chế thần kinh (ví dụ, cải thiện chức năng chú ý và ghi nhớ). Cuối cùng, thiên nhiên sẽ đưa não bộ trở lại trạng thái bình yên và hỗ trợ chức năng sinh lý của toàn bộ cơ thể. Nó có thể tương tác tích cực với hệ thống miễn dịch và thực sự làm biến đổi sóng não. Việc thay đổi hoạt động não bộ sẽ thúc đẩy hành vi vì xã hội, vị tha, trái ngược lại với xu hướng trọng vật chất, xem mình là trung tâm.
Rõ ràng, chúng ta cần thiên nhiên để sống tốt, sống khỏe. Lợi ích của nó đang nằm ngay trong tầm tay của chúng ta.
Bạn nên hòa mình vào thiên nhiên bằng cách kết hợp với một hoạt động khác, chẳng hạn như thiền định. Bạn có thể ngồi một mình giữa cỏ cây hoặc đi cùng một người bạn. Bạn có thể tập thể dục giữa thiên nhiên hay ăn uống ngoài trời...
Trong một thế giới luôn ngăn cản chúng ta trở thành những con người từ bi, đồng cảm và suy nghĩ tích cực, thật tuyệt biết bao khi bạn chỉ cần trở về với thiên nhiên để khiến mọi việc trở nên tốt đẹp. Ngày mai, hãy thử để ánh nắng đánh thức bạn bằng cách mở cửa sổ nếu thời tiết cho phép. Đặt chậu cây trong văn phòng. Dùng thử một loại tinh dầu. Và lên kế hoạch hòa mình vào thiên nhiên ít nhất 30 phút mỗi tuần - ít nhất nhé! Bạn có thể lên lịch đi bộ trong công viên hoặc đi bộ đường dài (hãy thử rủ thêm một hoặc hai người bạn). Cố gắng tập thể dục ngoài trời nếu có thể.
Thiên nhiên là thành phần chủ yếu trong quá trình thanh lọc tâm trí. Vì những lợi ích của thiên nhiên đối với sức khỏe đã quá rõ ràng nên “liều thuốc xanh” hẳn là phương pháp dành cho tất cả chúng ta.
“Hàng ngàn con người quá mức văn minh, mệt mỏi và căng thẳng thần kinh đang bắt đầu nhận ra rằng, tìm đến với núi rừng chính là trở về nhà. Trong mỗi cuộc dạo chơi với thiên nhiên, người ta nhận được nhiều hơn những gì mình tìm kiếm” - John Muir.