Hoàng Cầm, mùa đông năm ấy

Lê Thiết Cương |

Cũng cữ áp tiết Đông Chí thế này, năm 1988, tôi còn nhớ. Gió mùa đông bắc, rét cắt da, nhà thơ Đặng Đình Hưng nhờ tôi đến 43 Lý Quốc Sư đón nhà thơ Hoàng Cầm, “bác Hưng mời bác đến chơi, anh Đặng Thái Sơn mới nhờ người quen ở Liên Xô về, mang giúp ít quà biếu bố, trong đó có đôi chai Vodka…”.

Năm 1980, tôi nhập ngũ, mới học lớp 10 xong thi trượt đại học, chiến tranh biên giới, lệnh tổng động viên, già trẻ đi tất.

Quân khu Thủ đô hồi ấy nghèo, không có doanh trại, phải ở nhờ nhà dân, một xóm nhỏ dưới chân núi Tam Đảo. Tôi ở cùng một anh đã cứng tuổi, tốt nghiệp đại học ngoại giao, đang chờ xin việc thì nhập ngũ. Anh ấy mê thơ văn, tối tối sau giờ sinh hoạt, quán triệt các thứ nọ kia, chúng tôi thường ngồi ở đầu hè, hai anh em hút thuốc lào vặt và anh đọc thơ cho tôi nghe, “Bên kia sông Đuống” (Hoàng Cầm), “Mầu tím hoa sim” (Hữu Loan)... tôi biết là từ anh. Giọng anh trầm đục, khàn khàn, “Em ơi buồn làm chi/ Anh đưa em về sông Đuống” hòa cùng tiếng ếch nhái gọi nhau... Đọc xong một đoạn, anh lại rít vê thuốc lào... Lạnh và đói. Tôi không nỡ quên dù đã ngót bốn chục năm.

Năm 1984, tôi xuất ngũ, về nhà thì thấy có mấy hàng xóm mới, trong đó có bác Đặng Đình Hưng. Ngoài giờ học ở trường Sân khấu Điện ảnh thì phần lớn thời gian còn lại, tôi “học” ở nhà cụ Đặng, giúp cụ căng toan, pha mầu, treo tranh (cụ rất mê hội họa), đi mua rượu và thích nhất là được đi đưa đón các “mét” Lê Đạt, Trần Dần, Hoàng Cầm. Những cao nhân mà tôi sớm có may mắn được gặp đều là ở chiếu rượu nhà cụ Đặng: Chiếu 1 là các cụ Nhân văn, các nhạc sĩ Huy Du, Trọng Bằng, Vĩnh Cát, Chu Minh, Hoàng Dương, các họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm, Dương Bích Liên, nhà phê bình Thái Bá Vân. Chiếu 2 là nhà thơ Thụy Kha, họa sĩ Trịnh Tú, nhà thơ Trần Vũ Mai... Tôi là chiếu bét, ngồi ngoài hành lang chờ được các Vip sai vặt, thông điếu, mở cổng... thế mà học được một núi kiến thức ở đó. Cái sự học kể cũng vô cùng?

Trở lại chuyện đi mời cụ Hoàng Cầm, tôi đã dắt cái xe đạp Thống Nhất ra đến tận đầu ngõ, cụ Đặng còn gọi lại, dặn: “nhớ thuê xích lô khứ hồi như mọi bận”. Nhà cụ Hoàng Cầm ở ngay kế Nhà thờ Lớn, sân nhà thờ thường có nhiều xích lô để đợi khách. Tôi bắt một xe, dẫn về cửa nhà cụ Cầm rồi vào ngõ đưa cụ ra. Tôi đạp trước, cụ Cầm đùa như xe dẫn đoàn, xích lô chở cụ Cầm theo sau.

Tôi đã quen với việc này, đi đón cụ Trần Dần và Lê Đạt cũng vậy. Hồi ấy không ai có điện thoại trừ cụ Hưng nhưng tôi đến nhà ai, cũng gặp. Cụ Dần chân đau ngại xê dịch. Cụ Đạt, loanh quanh ở nhà giúp gia đình trông coi cửa hàng khăn mặt trên phố Lãn Ông, “nhà số lẻ phố trò chơi bỏ ngỏ”. Cho nên điện thoại của cụ Hưng hiếm khi reng reng, tờ giấy danh bạ dán trên tường chỉ có vài số, số bác sĩ Kim, bác sĩ Cồ bệnh viện Lao – Phổi, số của nhà văn Tô Hoài, văn phòng bác Phạm Văn Đồng...

Xích lô kẽo kẹt chừng nửa tiếng thì cũng từ Lý Quốc Sư đến được nhà C4 Giảng Võ. Nhà C4 là căn hộ lắp ghép, xây khoảng cuối những năm 70 thế kỷ trước. Nghe nói là chính phủ tặng cụ Hưng sau khi Đặng Thái Sơn đoạt giải nhất concours Chopin tháng 10.1980. Nhà C4 nay vẫn nguyên, gầy gò ọp ẹp vì xung quanh có nhiều cao ốc lênh khênh, bóng nhoáng nhôm kính. Thỉnh thoảng đi qua đó, tôi vẫn ngước lên tầng 2 nơi tôi đã có nhiều năm gắn bó với cụ Hưng.

Bút tích nhà thơ Hoàng Cầm viết tặng họa sĩ Lê Thiết Cương.
Bút tích nhà thơ Hoàng Cầm viết tặng họa sĩ Lê Thiết Cương.

Năm ngoái, nhân 30 năm giỗ cụ Hưng, tôi quay lại nhà C4 cùng nhiếp ảnh gia Dương Minh Long, chỉ cho Long chụp cái hành lang, cầu thang, nhiều kỷ niệm năm xưa ập về, tiếng bản lề của cửa sắt, đã bao lần tôi mở/ đóng để đón đưa các cụ... Dương Minh Long thích thú, chụp không tiếc phim cái công tơ điện vẫn ghi tên Đặng Đình Hưng...

Xích lô dừng ở chân cầu thang, trước khi đưa cụ Hoàng Cầm lên, tôi dặn bác xích lô đợi, sẽ trả bác thêm tiền, cứ thế cứ thế. Đúng như tiêu chuẩn của cụ Hưng, “khứ hồi” mà!

Màn đưa đón tạm xong, tôi kê ghế ngồi ngoài hành lang chờ “lệnh” kiểu như mở cổng đón một tửu khách đột xuất nào đó, chạy ra chợ mua thêm ít đồ mồi... Hôm ấy, cuối bữa kiểu “rượu đã đau môi/ men vào đắng phổi/ tiệc tàn xuân vẫn chửa sang cho” tôi giỏng tai nghe cụ Hoàng Cầm đọc thơ và kể chuyện mẹ, một người phụ nữ Kinh Bắc đẹp mê hồn, một liền chị có tiếng...

Cụ kể, bà sinh cụ đêm 12 tháng Giêng trước khi khai hội Lim Quan họ vài giờ... Bài thơ Hoàng Cầm đọc là một bài nhớ mẹ, tôi ngồi ngoài nghe câu được câu chăng nhưng vẫn thấy hay, bèn vào hẳn trong phòng. Khi khách đã về vãn, tôi đánh bạo, chìa tờ giấy và cái bút nhờ cụ Cầm chép lại bài đó. Có lẽ cụ cảm động về cậu bé hay đưa đón mình nên cụ viết ngay. Tên bài là Về mình, sau này khi in sách tôi thấy cụ sửa lại là Về với ta. Cụ Hoàng Cầm trích một khổ của Về với ta làm đề từ cho tập thơ Về Kinh Bắc. “...Ta ru em/lớn lên em đừng tìm mẹ phía cơn mưa” và bài này cũng là bài cuối cùng của Về Kinh Bắc. Về với ta vừa là mở mà cũng là kết cho một bài thơ dài về quê hương Kinh Bắc.

Ta con bê vàng lạc ráng chiều xanh...

Tranh họa sĩ Hoàng Phượng Vỹ vẽ minh họa bài thơ Thi hát đúm của nhà thơ Hoàng Cầm.
Tranh họa sĩ Hoàng Phượng Vỹ vẽ minh họa bài thơ Thi hát đúm của nhà thơ Hoàng Cầm.

Tháng 5.1991, tôi có triển lãm cá nhân lần đầu tiên, tôi đến mời Hoàng Cầm. Tên triển lãm là Đồng dao. Cảm hứng những bức tranh lấy từ những câu hát đồng dao của trẻ con đầy mơ mộng và vô lý, “ông thợ xẻ bú tí mẹ”, “dắt trẻ đi chơi đến ngõ nhà trời”, “cái đanh thổi lửa... Hôm khai mạc, thật bất ngờ, nhà thơ Hoàng Cầm tới, xem tranh xong, cụ viết vào sổ lưu niệm “bác cháu mình cùng đồng dao”.

Năm 2000, tôi chuyển nhà về phố Lý Quốc Sư, thế là hữu duyên, được làm hàng xóm của cụ Hoàng Cầm, bác cháu gần gũi nhau.

Năm 2022, kỷ niệm sinh nhật lần thứ 100 của nhà thơ Hoàng Cầm. Gia đình sẽ tái bán tập thơ Về Kinh Bắc, tôi giúp mời 4 họa sĩ Đỗ Dũng, Hoàng Phượng Vỹ, Ngô Bình Nhi và Chu Hồng Tiến vẽ phụ bản màu.

Riêng tôi, tôi rủ mấy người bạn làm một cuốn tinh tuyển, nhà thơ Thụy Kha chọn và biên tập. “Hoàng Cầm trăm bài” như 100 ngọn nến mừng sinh nhật ông. Được gần ông một thời gian, yêu thích thơ ông, tôi sẽ vẽ khoảng hai chục bức tranh mực nho trên giấy dó phết điệp mua ở làng tranh Đông Hồ từ cảm hứng thơ ông.

Nhà thơ Đặng Đình Hưng và nhà thơ Hoàng Cầm đã đi xa, bài Về mình ông chép tặng tôi trên tờ giấy tận dụng không thể ố vàng hơn nữa, nét bút mực không thể bạc hơn nữa. Mấy chục năm rồi!!! Mùa đông năm nay nhiều ngày lạnh hơn, “cây ổi gió xương chống đỡ / mùa đông ập về đánh úp...”.

Nhớ mùa đông năm ấy, nhớ cụ Hoàng Cầm.

Hà Nội 11.2021

VỀ VỚI TA

Ta con bê vàng lạc dáng chiều xanh

đi mãi tìm sim chẳng chín

Ta lên đồi thông nằm miếu Hai Cô

gặm cỏ mưa phùn

Gióng giả gọi về đồng sương

đôi ba người lận đận

Đêm nay mẹ chẳng về chuồng

Ta con chào mào khát nước

về vườn xưa hạt nhãn đã đâm mầm

Cây ổi giơ xương

chống đỡ mùa đông sập về

đánh úp

Ta ru em

Lớn lên em đừng tìm mẹ

phía cơn mưa

Ta con phù du ao trời chật chội

đứng cánh bèo đo gió lặng tìm sao

Uống nước mắt con vành khuyên nhớ tổ

vừa rụng chiều nay

dềnh mặt nước hương sen

Ta soi

chỉ còn ta đạp lùi tinh tú

Ngủ say rồi

đôi cá đòng đong.

(Hoàng Cầm - Thơ, NXB Hội Nhà văn, 2011, tr.155 - 156.)

Lê Thiết Cương
TIN LIÊN QUAN

Nhà báo - nhà thơ: Sự đồng điệu “chức phận cao quý của thi ca”

Đinh Viên |

Vào dịp kỷ niệm 96 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, chúng ta rất vui khi làng báo xuất hiện ngày càng nhiều thêm những nhà báo yêu thơ và trực tiếp làm thơ. Không ít người vừa viết báo, ghi hình, chụp ảnh, làm kỹ thuật truyền thông…, đã có những tập thơ xuất bản, được công chúng thơ đón nhận, hoan nghênh. Trong phạm vi bài viết này, tôi chỉ đề cập một “góc nhỏ” trong bình diện thơ nói chung hiện nay – đó là sự cảm nhận, tương tác, thấu hiểu sẻ chia giữa những người đã và đang vừa viết báo, vừa sáng tác thơ.

Sự đồng điệu cảm xúc giữa nhà báo, nhà thơ

đinh viên |

Không ít nhà báo làm thơ, và cũng có nhiều người vừa viết văn, vừa viết báo. Mỗi trang báo, trang thơ của họ thấm đẫm chất nhân văn, bồi đắp tình yêu con người và cuộc sống. Song, điều quý nhất là họ dành những cảm nghĩ chân tình khi ta đọc những bài thơ, tập thơ của từng người đã xuất bản. Nhân kỷ niệm 95 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, xin trân trọng giới thiệu bài viết của nhà nghiên cứu văn học Đinh Viên về vấn đề này.

Nhà thơ cách mạng và bài học từ quá khứ

PHẠM XUÂN DŨNG |

Nhà thơ Tố Hữu là người xứ Huế nhưng lại có nhiều duyên nợ với Quảng Trị, nhất là đoạn đời trai trẻ, đặc biệt là với địa danh Lao Bảo.

Bến xe lớn nhất nước đông nghẹt người về quê đón Tết

MINH QUÂN |

TPHCM - Chiều 16.1, hàng nghìn người đổ về bến xe Miền Đông mới để về quê đón Tết. Do lượng khách tăng đột biến nên bến xe Miền Đông mới không đủ ghế cho khách ngồi chờ, nhiều người phải ngồi dưới sàn nhà.

Tết Hà Nội với hương vị ô mai gừng thân quen

Vân Hoa |

Dịp Tết đến, người người đổ về Hàng Đường, con phố nổi tiếng về mứt, ô mai. Trong đó, ô mai gừng là món được mua nhiều hơn cả, bởi vị cay nồng, ấm đượm rất hợp với tiết xuân.

Thông xe đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài, các phương tiện đi thế nào?

PHẠM ĐÔNG |

Sở GTVT Hà Nội đồng ý cho các phương tiện được đi 2 chiều trên tuyến đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài. Đồng thời, cấm phương tiện tham gia giao thông đường bộ rẽ trái từ đường La Thành vào đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài.

Đào, quất mini hút khách dịp Tết Nguyên đán, tiểu thương thu bạc triệu mỗi ngày

Anh Tuấn |

Tết Nguyên đán đang cận kề, thời điểm này tại chợ hoa Quảng An, Lạc Long Quân (Tây Hồ, Hà Nội), chợ hoa Hàng Lược (quận Hoàn Kiếm) đã bày bán những cành đào Nhật Tân phục vụ nhu cầu của người dân thủ đô. Đặc biệt, những cành đào mini, giá từ 50.000 đồng - 150.000 đồng được nhiều người lựa chọn.

Nói về sai phạm ở Cục Đăng kiểm, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải: "Tôi cũng thấy xấu hổ"

Khánh Hoà |

Nhìn lại vụ việc liên quan tới Cục Đăng kiểm thời gian qua, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng thừa nhận dù mới về công tác tại bộ 2 tháng nhưng bản thân ông cũng thấy xấu hổ khi biết thông tin. Tuy nhiên, ông Thắng khẳng định cán bộ hư thì phải xử lý, kể cả thay 100% nhưng vẫn phải tập trung làm tốt nhiệm vụ được giao.

Nhà báo - nhà thơ: Sự đồng điệu “chức phận cao quý của thi ca”

Đinh Viên |

Vào dịp kỷ niệm 96 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, chúng ta rất vui khi làng báo xuất hiện ngày càng nhiều thêm những nhà báo yêu thơ và trực tiếp làm thơ. Không ít người vừa viết báo, ghi hình, chụp ảnh, làm kỹ thuật truyền thông…, đã có những tập thơ xuất bản, được công chúng thơ đón nhận, hoan nghênh. Trong phạm vi bài viết này, tôi chỉ đề cập một “góc nhỏ” trong bình diện thơ nói chung hiện nay – đó là sự cảm nhận, tương tác, thấu hiểu sẻ chia giữa những người đã và đang vừa viết báo, vừa sáng tác thơ.

Sự đồng điệu cảm xúc giữa nhà báo, nhà thơ

đinh viên |

Không ít nhà báo làm thơ, và cũng có nhiều người vừa viết văn, vừa viết báo. Mỗi trang báo, trang thơ của họ thấm đẫm chất nhân văn, bồi đắp tình yêu con người và cuộc sống. Song, điều quý nhất là họ dành những cảm nghĩ chân tình khi ta đọc những bài thơ, tập thơ của từng người đã xuất bản. Nhân kỷ niệm 95 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, xin trân trọng giới thiệu bài viết của nhà nghiên cứu văn học Đinh Viên về vấn đề này.

Nhà thơ cách mạng và bài học từ quá khứ

PHẠM XUÂN DŨNG |

Nhà thơ Tố Hữu là người xứ Huế nhưng lại có nhiều duyên nợ với Quảng Trị, nhất là đoạn đời trai trẻ, đặc biệt là với địa danh Lao Bảo.