Sự đồng điệu cảm xúc giữa nhà báo, nhà thơ

đinh viên |

Không ít nhà báo làm thơ, và cũng có nhiều người vừa viết văn, vừa viết báo. Mỗi trang báo, trang thơ của họ thấm đẫm chất nhân văn, bồi đắp tình yêu con người và cuộc sống. Song, điều quý nhất là họ dành những cảm nghĩ chân tình khi ta đọc những bài thơ, tập thơ của từng người đã xuất bản. Nhân kỷ niệm 95 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, xin trân trọng giới thiệu bài viết của nhà nghiên cứu văn học Đinh Viên về vấn đề này.

1. Những nhà báo, nhà thơ tri âm, tri kỷ thường trân trọng đón nhận những bài thơ, từng tập thơ của nhau vừa “ra lò”. Đó không chỉ là sự sẻ chia, đồng điệu về những cảm xúc, những vấn đề của “nhân tình thế thái”, mà còn là sự thành tâm học hỏi nhau trên bình diện nghề nghiệp. Trong tập thơ “Xanh mãi” xuất bản năm 2019 (Nhà xuất bản Văn học) của nhà báo, nhà thơ Nguyễn Hồng Vinh, ta bắt gặp các bài bình thơ, mà theo nhà phê bình văn học Minh Châu gọi đó là phương pháp “dùng thơ để phê bình thơ”. Đấy là các bài bình về các tập thơ: “Hoa tường vi” của Bằng Việt; “Tiếng chim trong vườn” của Trần Thế Tuyển; “Vào mùa trăng” của Hà Minh Đức; “Biển giờ không còn mặn” của Trần Gia Thái; “Hai và bốn và những bài thơ khác” của Hà Cừ; “Trong tĩnh tại và 100 sát na” của Lê Thành Nghị; “Thản nhiên xanh” của Đỗ Phú Nhuận... đã tạo sự quan tâm của các nhà phê bình và người sáng tác thơ.

Song, không chỉ quan tâm từng tập thơ của các đồng nghiệp thân thiết, mà hằng ngày, Hồng Vinh đều dành thời gian đọc các trang thơ trên nhiều báo có chuyên trang Văn hóa - Văn nghệ. Và khi phát hiện một bài nào tâm đắc, ông lập tức có những vần thơ chia sẻ với từng tác giả. Với trung tướng, nhà thơ Hữu Ước - người từng được vinh danh Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới, một con người tài năng ở cả thi ca, nhạc, họa, nhưng gần 10 năm qua, người bạn đời của anh vội ra đi vì tai nạn giao thông nên cuộc sống trở nên hụt hẫng. Nhưng vượt lên nỗi đau, anh vẫn lấy sáng tác để khỏa lấp nỗi buồn. Cho dù như vậy, trong nhiều bài thơ, anh vẫn không giấu được chút buồn man mác khi đề cập “nhân tình thế thái”.

Nhân đọc bài “Đường” đăng trên Văn nghệ Công an, Hồng Vinh chia sẻ: “Có thể anh “một mình” với thơ/ Nhưng không một mình giữa thế gian này/ Bao tình anh dành cho bè bạn/ Xóa suy tư và dằn vặt thương đau/ Vẫn đây - một Hữu Ước dãi dầu/ Sống cuộc đời nghĩa nặng tình sâu”... Đọc bài “Thương một câu Kiều”, Hồng Vinh gửi Hữu Ước: “Anh thương một câu Kiều/ Em nhớ câu anh dặn/ Đời là chuỗi cộng trừ/ Trộn ngọt ngào cay đắng/ Dắt tay em dưới nắng/ Bên vườn hoa mùa xuân/ Em bông hoa sắc thắm”... Đọc “Nỗi nhớ mồ côi”, Hồng Vinh viết: “Thương anh nỗi nhớ mồ côi/ Mỏi mong gần gụi chia đôi nỗi niềm/ Đã từng lên thác xuống ghềnh/ Đã từng thề nguyện bao lần dưới trăng/ Mà sao trời đất lặng thinh/ Mà sao anh vẫn lặng im tháng ngày?!”.

Với Trần Gia Thái, người diết da tình đất, tình người nơi đồng chiêm trũng Bình Lục (Hà Nam), thơ anh đau đáu nỗi nhớ đấng sinh thành và nơi chôn rau, cắt rốn. Hồng Vinh chia sẻ: “Anh lại về thăm ao làng/ Dù cạn nước, bèo vẫn còn mấy vạt/ Tuổi thơ anh bao lần ngụp lặn/ Tay mẹ kỳ lưng/ Khăn cha lau tóc/ Vết roi còn hằn mông!”. Đọc bài “Tiễn bạn sang mùa” trên Văn nghệ Canh Tý, Hồng Vinh gửi Thái: “Anh tiễn bạn, bỏ rơi em/ Mùa đi lòng mãi khát thèm anh ơi/ Rượu chát càng uống càng say/ Mơ hồ đêm vỡ, ban ngày có trăng”...

2. Với Trần Thế Tuyển, có lẽ Hồng Vinh dành đọc nhiều bài thơ nhất trong đường đời sáng tác của thi sĩ họ Trần, vốn là người lính, mà Hồng Vinh cùng có nỗi niềm gian lao nhưng đầy hào sảng từ những tháng năm vào Trường Sơn trải qua cảnh bom rơi đạn nổ, ranh giới giữa cái sống và cái chết thật mong manh. Đọc bài thơ “Cứ để nguyên như thế”, Hồng Vinh viết gửi Tuyển: “Cứ để nguyên như thế/ Em đi vào trang thơ/ Cứ để nguyên như thế/ Em đẹp mãi đến giờ/ Và với anh em mãi/ Là người đẹp trong mơ/ Qua tháng ngày gian khổ/ Đánh giặc vẫn làm thơ”.

Những “vỉa chìm, góc khuất” trong tâm hồn thi sĩ họ Trần, đọc bài “Lối mòn”, Hồng Vinh phát hiện và tinh tế cảm thông: “Anh tìm về thuở hoang tàn/ Bao em đã khóc ghen hờn vì anh/ Anh tìm hình ảnh một đêm/ Vội xa bè bạn đem hồng đến trao/ Song hành chưa phải "bên nhau"/ Anh tìm đường tắt - nỗi đau nhân tình".

Đọc bài "Biển" của Hà Cừ trên Văn nghệ Canh Tý, Hồng Vinh viết: "Nếu anh "xé nỗi niềm thành muôn mảnh"/ Em bám víu vào đâu giữa con sóng bạc đầu/ Đã cô đơn lại cô đơn mãi mãi/ Mùa xuân này hờn giận trao ai?!".

Đọc bài “Hương thơm đất Tổ” trên báo Hải Dương cuối tuần, Hồng Vinh gửi Hà Cừ: “Từ đất Tổ, thơm hương đất Hải Dương/ Nơi Nguyễn Trãi xưa về̀ ẩn dật/ Anh gieo thơ và gieo cả hạt/ Lúa bội thu thấm đượm hương văn”...

Đọc bài "Tháng Ba" của Đoàn Mạnh Phương trên Văn nghệ Canh Tý, Hồng Vinh viết: "Em nằm nghe "mảnh Tháng Ba rơi vỡ"/ Từ tim anh luôn ấm áp nồng nàn/ Anh đã để bóng ai theo bước/ Khiến mây trời vừa tỉnh vừa say?!".

Với Lê Mạnh Tuấn, Hồng Vinh phát hiện cách ví von có phần độc đáo trên báo Văn nghệ: "Có cái gì mỏng manh mà sắc nhọn/ Có cái gì trầm tư mà lắng sâu/ Anh kiệm lời cả khi Xuân đến/ Nên dàn hoa chỉ hé nụ bao năm!"...

3. Còn với Hữu Việt, một nhà thơ có duyên khi đảm nhiệm vai trò MC trong nhiều chương trình giao lưu, kỷ niệm, khi viết về “Hà Nội vào xuân” trên báo Văn nghệ Công an, Hồng Vinh gửi Việt: “Một Hà Nội phong phanh quyến rũ/ Một nụ cười nghiêng ngả chiều nay/ Ai làm em mê mệt, đắm say/ Nghe anh dẫn chương trình đêm Tết”.

Đọc bài “Thành phố vượt vũ môn” của Dương Trọng Dật đăng trên Sài Gòn giải phóng, Hồng Vinh viết: “Ai tát cạn nỗi ước mong/ Thơ anh viết, đẹp thêm trang báo/ Những vần thơ dịu mát lòng em/ Cho dù có phút giây tuyệt vọng...”. Với Phan Tiến Dũng, nguyên Trưởng ban Tuyên giáo Ninh Bình, có bài thơ tình đăng trên Nhân Dân cuối tuần, Hồng Vinh viết: "Biển vẫn dâng nước triều/ Mà sao thuyền mắc cạn/ Núi đã thắm sắc xanh/ Mà lòng ai vẫn đóng?!".

Nhà thơ Quang Hoài, một trong những người cao niên trong làng thơ, nhưng thơ ông vẫn trẻ trung, đằm thắm, mượt mà, đặc biệt viết về về tình yêu lứa đôi. Đọc bài “Cơn gió thoảng qua”, Hồng Vinh đã viết tặng ông: “Ngã rẽ cuộc đời em biết mình phận mỏng/ Nhưng bốn mùa mơ cứ giống nhau/ Gương mặt anh hiền hòa cùng nụ cười đôn hậu/ Bờ vai anh - điểm tựa suốt đời em”.

Trần Mai Hưởng đã viết nhiều bài thơ tình, nhưng có một bài viết về “Hồn nước”, Hồng Vinh tặng anh: “Hồn nước trong bình yên dáng em/ Cứ chập chờn trang viết đêm đêm/ Cứ bay bổng hồn thơ mỗi sớm/ Và bóng em lồng quyện trang văn...”.

Từ ngày đảm nhiệm vai trò quản lý một tờ báo có nhiều ấn phẩm, Phạm Khải hầu như không có thời gian dành cho thơ, nhưng nhân chuyến đi lên vùng cao tặng quà bà con vùng biên tình nghĩa, gặp lại người thân, anh viết những vần thơ trữ tình, vạm vỡ như người được tiếp chất men rượu ấm nồng. Hồng Vinh tặng Khải: “Khi rượu đã rót tràn/ Vòm ngực nào đảo hoang bão táp/ Bảy năm rồi xa nhau/ Men rượu nồng ngày ấy/ Nghiêng ngả thuyền em - anh... Những ngày rời xa biên giới/ Trang thơ anh vằng vặc một vầng trăng/ Xua đơn côi và thắp lửa lòng...".

Đọc bài viết của Anh Đào về nghệ thuật múa kỳ công, Hồng Vinh viết: "Khi ngôn từ bất lực/ Con người tìm đến Múa/ Khi day dứt trong lòng/ Về vườn xưa - bến đỗ". Xem báo thấy bài giới thiệu tập thơ "Nhớ núi", Hồng Vinh viết mấy câu thơ gửi Uông Thế Biểu ở Đà Lạt: "Núi vẫn là núi cũ/ Thơ lại trẻ hơn xưa/ Bao hoàng hôn đi qua/ Giữa đồi thông vi vút... Một sông Hãn bình lặng/ Một cao nguyên thắm hoa/ Gọi anh về với núi/ Nơi suối nguồn thi ca...".

Ngày đầu tháng 6.2020, Phan Huy - nguyên Trưởng Cơ quan Thường trú Báo Nhân Dân tại Đồng bằng sông Cửu Long - từ Cần Thơ ra Hà Nội tặng bạn báo, bạn thơ cuốn “Ngược bên sông Mơ” vừa xuất bản. Hồng Vinh viết mấy dòng cảm nghĩ tặng tác giả: “Anh ngược bến sông Mơ/ Em xuôi dòng sông Hậu/ Lửa tình ta nhen lâu/ Hòa vào con sóng cuộn”.

Hồng Vinh hiểu nỗi canh cánh bên lòng của Phan Huy về duyên nợ thơ ca nên đã tâm tình: Cuộc đời làm nên “nong kén” từ bãi dâu xanh, bây giờ phải trả ơn bằng việc “nhả tơ” bền bỉ: “Khi tơ trút kiếp tằm/ Còn bãi dâu xanh mướt/ Sinh sôi nhiều nong kén/ Dệt vần thơ đằm sâu...”. Kết bài thơ, Hồng Vinh viết: “Đời anh và đời em/ Cùng song hành bao chặng/ Gói vào trang thơ này/ Theo sông Mơ huyền thoại...”.

Viết đến đây, tôi bỗng nhớ và tâm đắc câu chuyện cảm động về tiếng đàn Bá Nha - Tử Kỳ, một động lực sống, gắn kết con người hướng tới những điều tốt đẹp của đời dành cho những đồng nghiệp làm báo, làm thơ!

đinh viên
TIN LIÊN QUAN

Tăng cường củng cố tin cậy chính trị Việt Nam - Hàn Quốc

Thanh Hà |

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Chủ tịch Quốc hội Hàn Quốc Kim Jin-pyo nhất trí tiếp tục tăng cường củng cố tin cậy chính trị.

Tướng hàng đầu Mỹ thị sát quân đội Ukraina

Ngọc Vân |

Tướng Mỹ Mark Milley đến Đức để giám sát chương trình huấn luyện binh sĩ Ukraina của Lầu Năm Góc.

Hà Nội ngày cận Tết, ra khỏi nhà là gặp... tắc đường

Tô Thế |

Hà Nội - Cũng như mọi năm vào dịp cận Tết Nguyên đán, các tuyến đường ở Hà Nội luôn có mật độ phương tiện lưu thông rất cao. Nhiều tuyến phố ùn tắc bất kể ngày đêm.

Hà Nội phân luồng ra vào nội đô theo 6 hướng để giảm ùn tắc dịp Tết

PHẠM ĐÔNG |

Sở Giao thông Vận tải Hà Nội tổ chức phân luồng cho phương tiện ra vào nội đô theo 6 hướng để giảm ùn tắc trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023.

Khu nghỉ dưỡng ẩn mình giữa rừng thông tuyệt đẹp ở Mộc Châu

Chí Long |

Nằm ngay trung tâm khu du lịch quốc gia Mộc Châu, Phoenix Mộc Châu Resort được bao phủ bởi rừng thông hàng trăm năm tuổi, với không khí trong lành, mát mẻ tựa như Đà Lạt thu nhỏ giữa núi rừng Tây Bắc.

Khởi tố cựu Cục trưởng Cục đăng kiểm Việt Nam

Việt Dũng |

Mở rộng điều tra vụ án sai phạm tại các trung tâm đăng kiểm, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TPHCM vừa khởi tố thêm 5 bị can khác.

Không khí lạnh suy yếu dần, Bắc Bộ nắng hanh và tăng nhiệt

AN AN |

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia nhận định không khí lạnh tác động mạnh đến Bắc Bộ từ đêm nay đến ngày mai 18.1. Từ ngày 19.1, ngày có nắng hanh và nhiệt độ có xu hướng tăng nhẹ.

Nở rộ dịch vụ cho thuê người yêu về nhà ra mắt dịp Tết

Phùng Nhung |

Nhiều người trẻ mỗi dịp về quê ăn Tết lại bị bố mẹ thúc giục chuyện yêu đương, kết hôn, sinh con. Vì lẽ đó, họ tìm đến dịch vụ cho thuê người yêu để trấn an tâm lý gia đình.