Quần thể khu Di tích thần y Lê Hữu Trác, nơi lưu giữ “Hải Thượng y tông tâm lĩnh”

Đặng Viết Tường |

Quần thể khu Di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác, quyết định xếp hạng số 34/ VH/QĐ ngày 9.1.1990. Các hạng mục di tích cơ bản gồm mộ, nhà thờ và tượng đài Lê Hữu Trác, chùa Tượng Sơn được phân bố tại các xã Sơn Trung, xã Quang Diệm và Sơn Giang huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh. Đây là nơi lưu giữ di sản, tác phẩm “Hải Thượng y tông tâm lĩnh”.

Chán cảnh quan trường, về Tĩnh Diễm phụng dưỡng mẹ già

Lãn Ông Lê Hữu Trác (1720 - 1791), còn có tên Chiêu Bảy, hiệu Hải Thượng Lãn Ông, sinh ngày 12.1 năm Canh Tý (1720) trong một cự tộc (có ông, cha, bác, chú, anh, em kế tiếp nhau đậu tiến sĩ) ở thôn Văn Xá, làng Liêu Xá, huyện Đường Hào, phủ Thượng Hồng, trấn Hải Dương (nay là tỉnh Hưng Yên). Ông Lê Hữu Trác là con trai thứ 7 của Thị lang Lê Hữu Mưu và bà Bùi Thị Thường người Bàu Thượng, xã Tĩnh Diệm, huyện Hương Sơn, phủ Đức Quang, trấn Nghệ An (nay thuộc xã Quang Diệm, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh).

Thời còn nhỏ hiếu học, có tiếng giỏi giang trong xứ với những khát vọng công danh qua con đường khoa cử: “Lúc trẻ Lê Hữu Trác đã sớm nổi tiếng học rộng, văn hay. Chưa đầy 20 tuổi, ông đi thi Hương đỗ Tam trường. Nhưng cha mất (1739) ông phải nghỉ học về nhà chịu tang” (Danh nhân Hà Tĩnh tr. 281).

Biến cố lịch sử đã đẩy ông Trác từ bỏ con đường khoa bảng. Năm 1740, thủ lĩnh nông dân Hoàng Công Chất nổi loạn, đánh chiếm phủ Khoái Châu, uy hiếp Đường Hào, ông Lê Hữu Trác chạy về Tĩnh Diệm lánh nạn binh đao và theo học võ nghệ, nghiền ngẫm binh pháp: “Nhân dịp này ông học võ nghệ, say mê đọc binh thư và vài năm sau đó thì xin vào quân ngũ, tưởng sẽ đem tài năng thi thố với đời. Ông tỏ ra là một võ tướng trẻ có triển vọng, được chủ tướng họ Trịnh quý mến” (Sách đã dẫn tr. 282).

Tuổi trẻ tràn trề năng lượng, đầy ắp hoài bão giúp dân, giúp vua chúa giữ yên đất nước, ổn định xã hội bằng sức lực tài năng của bản thân. Ông Lê Hữu Trác với trọng trách võ tướng, vai mang cung kiếm, dấn thân vào những cuộc chinh thảo dẹp loạn xứ Thanh Hóa, Nghệ An, Sơn Tây, Hưng Hóa... với quan điểm yên dân vì vua chúa.

Nhưng người tính không bằng trời tính. Sau nhiều năm chinh chiến, chém giết làm ông thất vọng, chán nản: “Song mấy năm chinh chiến, ông chán cái xã hội nhiễu nhương, ghét việc lấy giết chóc làm sự nghiệp. Về sau nhắc lại thời kỳ này, ông viết: “Há lại đem mình bán rao, đáng giận trời bắt mình khó nhọc để làm gì” (Tựa Y tôn tâm lĩnh)” (tr. 282). Nhân việc người anh ruột mất, Lê Hữu Trác viện cớ phải phụng dưỡng mẹ già, nuôi dạy con cháu nhỏ nên xin rời quân ngũ về quê hương.

Cơ duyên đến với nghề thầy thuốc chữa bệnh

Được chúa Trịnh cho giải ngũ, năm 1746 Lê Hữu Trác về quê mẹ ở xã Tĩnh Diệm ẩn thân. Thoát khỏi binh nghiệp về với núi rừng, ông cảm thấy nhẹ nhàng. Nhưng con đường tiến thủ thì hãy còn mờ mịt. Rồi một cơ duyên đến với Lê Hữu Trác, đưa đường chỉ lối, bước ngoặt giúp chàng trai trẻ, giàu chí hướng đến với nghề làm thầy thuốc chữa bệnh cứu người.

Trở về quê mẹ bên dòng sông Ngàn Phố, núi Minh Tự đẹp nhưng thuở ấy còn hoang dã, vắng vẻ nổi tiếng “lam sơn chướng khí”. Chẳng may, ông Lê Hữu Trác mắc bệnh nặng, được đưa đến nhà thầy thuốc Trần Độc, nổi tiếng ở Lam thành. Học giả Thái Kim Đỉnh viết trong bài “Lê Hữu Trác”: “Thế rồi ông bị đau nặng, phải đến nằm chữa bệnh tại nhà lương y Trần Độc ở Rú Thành (trấn lị Nghệ An) một năm. Ông có dịp đọc sách thuốc, và học hỏi các kinh nghiệm của các lương y. Nhờ có học vấn cao, ông thâu thái y lý dễ dàng, sâu sắc. Ông phát hiện ra khả năng mới của mình, và cũng phát hiện ra con đường sự nghiệp. Quả thật nghề thầy thuốc phù hợp với sở trường và tư tưởng của ông” (Danh nhân Hà Tĩnh tr. 282).

Tượng đài danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác ở xã Sơn Trung, huyện Hương Sơn. Ảnh: Trần Tuấn
Tượng đài danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác ở xã Sơn Trung, huyện Hương Sơn. Ảnh: Trần Tuấn

Sau một năm nằm chữa bệnh và học hỏi nghề làm thuốc tại nhà lương y Trần Độc, khi về Tĩnh Diệm ông Lê Hữu Trác tiếp tục nghiên cứu các bài thuốc kinh điển trong sách thuốc, giao tiếp với các lương y giỏi ở xứ Nghệ và trao đổi kinh nghiệm chữa trị với họ. Đồng thời tìm hiểu dược liệu tại địa phương và bốc thuốc chữa bệnh cho người dân làng. Với đức tính bền bỉ, vừa học tập, vừa ứng dụng và rút kinh nghiệm, chỉ trong thời gian ngắn thầy thuốc Lê Hữu Trác nổi tiếng trong vùng Hương Sơn và lan tỏa khắp xứ Nghệ, đến tận kinh đô.

Sách “Danh nhân Hà Tĩnh” ghi chép: “Năm 1750, nghĩa quân Nguyễn Hữu Cầu tiến đánh Nghệ An. Thủy quân của chúa Trịnh không đánh nổi, Phạm Đình Trọng bèn cho người đến vời ông ra cầm quân đánh úp phía sau, hứa khi thắng trận sẽ phong hầu. Nhưng Lê Hữu Trác đã gắn bó với nghề thuốc, lấy việc chữa bệnh cứu người, chuyển họa thành phúc làm mục đích, coi công danh như nước chảy mây bay, càng chán ghét việc binh đao. Lấy cớ phải phụng dưỡng mẹ già, ông kiên quyết từ chối” (tr. 283).

Kể từ đó, ông Lê Hữu Trác lấy biệt hiệu Lãn Ông (Ông Lười) với mục đích tỏ rõ ý xa lánh quan trường. Ông còn làm câu đối treo trước nhà: “Thiện diệc lãn vi, hà huống ác/ Quý do bất, nguyện khởi ưu bần” (dịch nghĩa: Thiện chửa làm tròn, nữa là ác/ Sang còn chẳng thiết, há lo nghèo).

“Dựng lên ngọn cờ đỏ thắm trong y giới”

Theo học giả Thái Kim Đỉnh, Lãn Ông tự nhận mình là “Ông Lười”, chỉ là che giấu mục đích cao cả, theo đuổi nghề thuốc mà mình đam mê, xem đó là việc làm nhân nghĩa. Trong lời tựa cuốn sách thuốc “Hải Thượng y tông tâm lĩnh”, Lê Hữu Trác khẳng định việc làm của ông: “Dựng lên ngọn cờ đỏ thắm trong y giới”. Kể từ đây, Lê Hữu Trác chuyên tâm việc nghiên cứu y thuật, chữa bệnh cứu người.

Năm 1754, sau khi mẹ mất, Lãn Ông lên kinh đô tìm thầy, tìm bạn kết giao để học thêm nghề thuốc và tìm mua các sách thuốc y dược rồi quay về xã Tĩnh Diệm, Hương Sơn: “Tôi lại trở về Hương Sơn làm nhà ở ven rừng, quyết chí học thuốc, tìm đọc các sách, đêm ngày miệt mài, tiếc từng giây phút” (Tâm lĩnh). Suốt cuộc đời, Lãn Ông vừa học tập, nghiền ngẫm y thuật, y đức, vừa bốc thuốc chữa bệnh cứu bệnh nhân thoát chết. Đọc sách xét đoán chỗ đúng, chỗ sai. Chỗ đúng thì học tập. Chỗ sai thì tìm hiểu nguyên nhân và bổ cứu.

Ông nghiền ngẫm các sách kinh điển y dược, sưu tầm ghi chép các bài thuốc yểu diệu và kinh nghiệm chữa bệnh trong dân gian người Việt, người Lào và của các giáo sĩ Hà Lan. Từ kinh nghiệm chữa bệnh thực tiễn, khí hậu, cơ thể con người, dược liệu mà Lãn Ông hình thành phương pháp chữa bệnh có hiệu quả. Ông còn ghi chép các bệnh án tử vong để tìm ra những sai sót của thầy thuốc, đề cao trách nhiệm của lương y đối với người bệnh.

Trong sách thuốc “Y tông tâm lĩnh”, Lãn Ông viết: “Nghề làm thuốc là nhân thuật, thầy thuốc phải lấy việc giúp người làm điều hay”, “Thầy thuốc là người bảo vệ sinh mạng con người. Sống và chết một tay mình nắm, họa và phúc một tay mình giữ. Thế thì đâu có thể kiến thức không đầy đủ, đức hạnh không trọn vẹn, tâm hồn không rộng lớn, hành vi không thận trọng, mà dám liều lĩnh học đòi cái nghề cao quý đó chăng”.

“Chữa bệnh thì chỉ cứu được 1 người, còn làm sách truyền phương thì giúp đời vô tận. Nhưng tác dụng càng rộng thì trách nhiệm càng to, lỡ làm sai lầm một chút thì tai họa không phải là nhỏ” (Tựa Y tông tâm lĩnh). Từ những quan điểm đó Lãn Ông soạn cuốn sách thuốc “Hải Thượng y tông tâm lĩnh”. Cuốn sách trở thành cẩm nang của ngành thuốc Đông y. Trong 26 năm, Lê Hữu Trác “mài miệt ngày đêm, tiếc từng dây phút”, soạn thành công bộ sách đồ sộ “Hải Thượng y tông tâm lĩnh” gồm 28 tập, 66 quyển.

Năm 1781, ở tuổi 61, Lãn Ông được Tĩnh vương Trịnh Sâm, mời vào cung chữa bệnh cho thế tử Trịnh Cán. Bấy giờ với hy vọng có điều kiện in bộ sách “cẩm nang” nghề thuốc Đông y: “Mình lao tâm khổ tứ về đường y học đã 30 năm nay mới viết được bộ Tâm lĩnh, không dám truyền thụ riêng cho ai, chỉ muốn đem ra công bố cho mọi người cùng biết.” (Thượng kinh ký sự) nhưng ước nguyện đó không thành đạt được” (Danh nhân Hà Tĩnh tr. 287).

Năm Tân Hợi (1791), Lê Hữu Trác mất tại thôn Bàu Thượng, xã Tĩnh Diệm (nay là Quang Diệm) huyện Hương Sơn, thọ 71 tuổi. Mộ táng ở núi Cánh Diều, xã Sơn Trung ngày nay. Di sản để lại cho hậu thế gồm có tác phẩm “Hải Thượng y tông tâm lĩnh”, Lĩnh Nam bản thảo và Thượng kinh ký sự.

Quần thể khu di tích Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác gồm nhà thờ ở xã Quang Diệm, mộ và tượng đài ở xã Sơn Trung, chùa Tượng Sơn ở xã Sơn Giang, (Hương Sơn, Hà Tĩnh) được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia, quyết định số 34/VH/QĐ ngày 9.1.1990.

Gìn giữ và bảo tồn di sản, ngày 13.10 Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có quyết định công nhận Lễ hội Hải Thượng Lãn Ông là di sản phi vật thể cấp Quốc gia. Ngày 21.11.2023, danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác được UNESCO vinh danh, có tên trong danh sách “các danh nhân văn hóa và sự kiện lịch sử niên khóa 2024 - 2025, trong đó có hồ sơ kỷ niệm 300 năm Ngày sinh của Hải Thượng Lãn Ông”.

Đặng Viết Tường
TIN LIÊN QUAN

Đền Bảo Hà thờ "Thần vệ quốc" vùng biên ải

Bài và ảnh kim sơn |

Đền Bảo Hà nằm tại huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai, thờ danh tướng Nguyễn Hoàng Bảy, người có công bảo vệ và xây dựng Tổ quốc vùng biên giới. Đền nằm ở vị trí đắc địa “trên bến dưới thuyền”, với phía tả ngạn là dòng sông Hồng cuồn cuộn chảy và bên hữu ngạn là khu đồi cấm, tạo nên cảnh quan “sơn thủy hữu tình”, ẩn mình giữa núi non hùng vĩ và dòng sông Hồng thơ mộng.

Đề nghị xếp hạng di tích Hải Thượng Lãn Ông là di tích quốc gia đặc biệt

TRẦN TUẤN |

Sáng 25.2, ông Lê Trần Sáng - Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Tĩnh - cho biết, tỉnh Hà Tĩnh đang lập hồ sơ khoa học trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Thủ tướng Chính phủ để xếp hạng mộ và khu lưu niệm Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác là di tích quốc gia đặc biệt.

Đại danh y Lê Hữu Trác sẽ được UNESCO tôn vinh vào tháng 11.2023?

QUANG ĐẠI |

Hồ sơ công nhận đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác là danh nhân văn hóa thế giới dự kiến tháng 11.2023 sẽ được Đại hội đồng UNESCO chính thức thông qua.

Tên lửa Nga diệt 2 đoàn tàu quân sự Ukraina, tổn thất nặng

Ngọc Vân |

Quân đội Nga nhắm mục tiêu vào một đơn vị Ukraina đang tái triển khai, gây tổn thất nặng nề về nhân lực và vật lực.

Diện mạo đường 1.200 tỉ, rộng 40m ở Hà Nội sắp hoàn thành

HỮU CHÁNH |

Đường nối Nguyễn Văn Cừ - Ngọc Thụy dài 1,5km dự kiến thông tuyến vào tháng 10.2024 sẽ giúp rút ngắn khoảng cách từ quận Long Biên đến cao tốc Hà Nội-Hải Phòng.

Cơn bão mới gần Biển Đông sau bão số 2 tăng cấp dữ dội

Song Minh |

Tiếp sau bão số 2 Prapiroon, cơn bão tiếp theo gần Biển Đông tăng cấp nhanh chóng.

Bà Harris có cơ hội trở thành nữ tổng thống Mỹ đầu tiên

Thanh Hà |

Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris đang đứng trước cơ hội trở thành nữ tổng thống Mỹ đầu tiên và người da màu thứ 2 làm tổng thống Mỹ.

Khu vực ven hồ ở Hà Nội trở thành nơi nuôi vịt, phơi đồ

Nhật Minh |

Hà Nội - Thời gian qua, khu vực xung quanh hồ Đầm Khê (Hà Đông, Hà Nội) đang bị chiếm dụng bởi nhiều hàng quán, hộ dân.

Đền Bảo Hà thờ "Thần vệ quốc" vùng biên ải

Bài và ảnh kim sơn |

Đền Bảo Hà nằm tại huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai, thờ danh tướng Nguyễn Hoàng Bảy, người có công bảo vệ và xây dựng Tổ quốc vùng biên giới. Đền nằm ở vị trí đắc địa “trên bến dưới thuyền”, với phía tả ngạn là dòng sông Hồng cuồn cuộn chảy và bên hữu ngạn là khu đồi cấm, tạo nên cảnh quan “sơn thủy hữu tình”, ẩn mình giữa núi non hùng vĩ và dòng sông Hồng thơ mộng.

Đề nghị xếp hạng di tích Hải Thượng Lãn Ông là di tích quốc gia đặc biệt

TRẦN TUẤN |

Sáng 25.2, ông Lê Trần Sáng - Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Tĩnh - cho biết, tỉnh Hà Tĩnh đang lập hồ sơ khoa học trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Thủ tướng Chính phủ để xếp hạng mộ và khu lưu niệm Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác là di tích quốc gia đặc biệt.

Đại danh y Lê Hữu Trác sẽ được UNESCO tôn vinh vào tháng 11.2023?

QUANG ĐẠI |

Hồ sơ công nhận đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác là danh nhân văn hóa thế giới dự kiến tháng 11.2023 sẽ được Đại hội đồng UNESCO chính thức thông qua.