Tháng 4.2008, Dự án đầu tư xây dựng đường trục phía Nam Hà Nội (tên cũ là Dự án đầu tư xây dựng đường trục phía Nam tỉnh Hà Tây) được triển khai thi công.
Công trình có chiều dài hơn 41 km qua địa phận quận Hà Đông, huyện Thanh Oai, Ứng Hòa và Phú Xuyên, tổng mức đầu tư 6.076 tỉ đồng, triển khai theo hình thức BT (hợp đồng xây dựng - chuyển giao công trình).
Tuyến đường khi hoàn thành kỳ vọng giảm tải áp lực giao thông cho Quốc lộ 21, đồng thời đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân.
Ghi nhận của Lao Động chiều 19.7 cho thấy, sau hơn 15 năm triển khai, dự án đã hoàn thiện được 21km, đoạn qua địa bàn quận Hà Đông, huyện Thanh Oai và Ứng Hòa.
Phần còn lại đi qua địa bàn các xã: Hoàng Long, Tri Trung, Phú Túc, Châu Can của huyện Phú Xuyên hiện vẫn thi công ì ạch; riêng đoạn qua xã Hồng Minh (huyện Phú Xuyên), nhiều năm qua vẫn “giậm chân tại chỗ”.
Nguyên nhân được cơ quan chức năng chỉ ra là do vướng mắc trong công tác hỗ trợ, bồi thường giải phóng mặt bằng.
Theo Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Phú Xuyên, Dự án đầu tư xây dựng đường trục phía Nam, đoạn qua xã Hồng Minh phải thu hồi diện tích đất là 102.167,4m2; đến nay đã thu hồi được 95.535,2m2.
Phần diện tích còn lại gặp khó khăn, chưa thể giải phóng mặt bằng là do trước đây (trong các năm 1995, 1996 và 2008), chính quyền địa phương đã giao đất trái thẩm quyền cho 27 hộ dân trong khu vực này.
Hồi đầu năm 2024, UBND huyện Phú Xuyên đã có văn bản gửi UBND TP Hà Nội về những khó khăn, vướng mắc và đề xuất chính sách bồi thường, hỗ trợ phục vụ công tác giải phóng mặt bằng Dự án đầu tư xây dựng đường trục phía Nam Hà Nội đoạn qua xã Hồng Minh.
UBND huyện Phú Xuyên đề xuất bồi thường, hỗ trợ đối với 12 thửa đất có nguồn gốc được UBND xã Hồng Minh giao trái thẩm quyền vào các năm 1995 và 1996 (đã nộp tiền tại thời điểm giao đất là 5 triệu đồng/180m2/thửa đất) như các trường hợp đã nộp tiền sử dụng đất theo quy định.
Đối với 15 thửa đất UBND xã giao trái thẩm quyền năm 2008 được hoàn trả số tiền sử dụng đất mà các hộ dân đã nộp và khoản tính lãi ngân hàng đến thời điểm thu hồi đất, cộng với khoản bồi thường, hỗ trợ thu hồi đất như trường hợp thu hồi đất nông nghiệp trồng cây lâu năm.
Liên quan đến những đề xuất nêu trên, riêng đối với 15 thửa đất UBND xã Hồng Minh giao trái thẩm quyền năm 2008, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cho biết không có quy định bồi thường, hỗ trợ về đất khi Nhà nước thu hồi đất đối với trường hợp giao trái thẩm quyền sau ngày 1.7.2004.
Do vậy, đề xuất của UBND huyện Phú Xuyên là không có cơ sở để xem xét bồi thường hay hỗ trợ khác.
Tháng 5.2024, UBND huyện Phú Xuyên tiếp tục tổ chức đối thoại, tuyên truyền các quy định về bồi thường, hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất với các hộ dân xã Hồng Minh song vẫn chưa tìm được tiếng nói chung. Các hộ tiếp tục đề nghị được đền bù thỏa đáng.
Để không bị chậm tiến độ giải phóng mặt bằng dự án hơn nữa, UBND huyện Phú Xuyên cho biết thời gian tới sẽ tiếp tục tăng cường tuyên truyền, đối thoại, vẫn động người dân bàn giao mặt bằng cho dự án.
Trường hợp các hộ dân không chấp hành các quy định hiện hành cũng như chỉ đạo của cấp có thẩm quyền, UBND huyện sẽ tổ chức cưỡng chế thu hồi đất theo quy định để thi công hoàn thiện tuyến đường sau nhiều năm chậm trễ.