Muôn hình vạn trạng đẻ thuê ở các nước trên thế giới

Khánh Minh |

Nhiều quốc gia trên thế giới cho phép đẻ thuê vì mục đích thương mại, song nhiều nước cấm mang thai hộ.

Quy định về đẻ thuê ở các nước

Ở Tây Ban Nha, tất cả các hình thức đẻ thuê - bao gồm cả những hình thức mang thai hộ “nhân đạo” (đẻ thuê không tính phí) - đều là bất hợp pháp.

Theo Reuters, mang thai hộ vì lợi nhuận bị cấm ở Canada, Đan Mạch, New Zealand, Brazil, Anh và Australia, nhưng tất cả các nước này đều cho phép một số hình thức mang thai hộ “nhân đạo”.

Bulgaria, Pháp, Đức, Italia, Bồ Đào Nha, Đài Loan (Trung Quốc) và Tây Ban Nha nghiêm cấm mọi hình thức đẻ thuê.

Không có luật nào liên quan đến việc mang thai hộ ở cấp liên bang tại Mỹ và một số bang cho phép các thỏa thuận mang thai hộ vì mục đích thương mại.

Ukraina là một trung tâm đẻ thuê quốc tế cho đến khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự. Theo ước tính, trước đó, hàng nghìn trẻ sơ sinh mỗi năm ra đời theo hình thức đẻ thuê ở Ukraina, nhiều trẻ trong số đó được người nước ngoài đưa ra nước ngoài.

Reuters cho hay, khi xung đột Nga - Ukraina nổ ra vào tháng 2.2022, một số cặp vợ chồng nước ngoài đã đến đón con cái của họ, trong khi những đứa trẻ còn lại được các y tá chăm sóc trong một phòng khám tạm thời.

Gruzia cũng là một điểm đến phổ biến cho hoạt động du lịch sinh sản, mặc dù dịch vụ mang thai hộ vì mục đích thương mại chỉ được phép áp dụng hợp pháp cho các cặp vợ chồng dị tính. Luật Gruzia không công nhận những người mang thai hộ là cha mẹ của đứa trẻ được sinh ra.

Mang thai hộ từng được cho phép ở Nga, mặc dù hoạt động này bị các nhóm tôn giáo chỉ trích là thương mại hóa việc sinh con. Tháng 12.2022, Tổng thống Vladimir Putin đã ký luật cấm người nước ngoài thuê các bà mẹ Nga mang thai hộ.

Colombia cho phép đẻ thuê vì mục đích thương mại. Mặc dù hoạt động này được tòa án hiến pháp công nhận nhưng vẫn có rất ít quy định. Một nhà lập pháp ở hạ viện Colombia năm nay đã đề xuất một dự luật mà ông nói sẽ bảo vệ những người đẻ thuê, cha mẹ tương lai và chính những đứa trẻ.

Đẻ thuê vì lợi nhuận nở rộ ở Thái Lan cho đến năm 2015 khi nước này cấm người nước ngoài sau một loạt vụ án nổi tiếng, trong đó có một cặp vợ chồng người Australia bị cáo buộc bỏ rơi đứa con sinh ra mắc hội chứng Down.

Campuchia không có luật liên quan đến mang thai hộ, nhưng đã triệt phá các tổ chức làm việc này từ năm 2016 theo luật buôn người.

Biểu tình ở Tel Aviv, Israel, ngày 22.7.2018, phản đối luật cấm mang thai hộ cho các cặp đồng tính nam. Ảnh: Xinhua
Biểu tình ở Tel Aviv, Israel, ngày 22.7.2018, phản đối luật cấm mang thai hộ cho các cặp đồng tính nam. Ảnh: Xinhua

Kêu gọi cấm mọi hình thức đẻ thuê

Ngày 3.3.2023, một nhóm luật sư, bác sĩ, nhà tâm lý học và các chuyên gia từ 5 châu lục đã tập trung tại Casablanca, Morocco để kêu gọi bãi bỏ tất cả các luật cho phép hoặc dung túng dịch vụ đẻ thuê trên toàn thế giới.

Nhóm đã công bố một tài liệu có chữ ký với tiêu đề “Tuyên bố quốc tế về việc bãi bỏ mang thai hộ”, nhằm mục đích nâng cao nhận thức toàn cầu về những gì nhóm coi là hành vi vi phạm nhân phẩm. Cùng với tuyên bố, nhóm đưa ra đề xuất về một công ước quốc tế cho tất cả các tổ chức và chính phủ phê chuẩn.

“Chúng tôi kêu gọi các quốc gia lên án việc mang thai hộ dưới mọi hình thức, dù có được trả công hay không, và thực hiện các biện pháp chống lại hành vi đó” - các bên ký kết, đại diện cho hơn 70 quốc gia và vùng lãnh thổ, viết trong “Tuyên bố Casablanca”.

Thông thường, hợp đồng đẻ thuê được lập trực tiếp giữa bên mang thai hộ và cha mẹ đẻ hoặc thông qua một hay nhiều bên thứ ba.

Cho đến nay, không có văn bản ràng buộc nào được thông qua về vấn đề này ở cấp độ quốc tế. Mặc dù đẻ thuê hiện được cho phép ở một số quốc gia, nhưng nhiều nước vẫn còn sự mơ hồ về mặt pháp lý đối với vấn đề này, đặc biệt là liên quan đến việc công nhận những đứa trẻ được sinh ra nhờ mang thai hộ ở nước ngoài.

Aude Mirkovic - giảng viên cao cấp về luật và là một trong những người tổ chức và điều phối chính của sáng kiến - cho biết, một vấn đề lớn mà các quốc gia nơi việc mang thai hộ vẫn còn bất hợp pháp phải đối mặt là các công ty thương mại nước ngoài được tạo điều kiện để đến và tuyển khách hàng tiềm năng.

“Chúng tôi đặc biệt nhận thức được vấn đề này ở Pháp vì chúng tôi đang chứng kiến sự vận động rất tích cực của các công ty chủ yếu là Ukraina và Mỹ, những người đến bán dịch vụ của họ cho chúng tôi mà không bị trừng phạt” - bà Mirkovic nói.

Theo bà Mirkovic, kết quả là nhiều phụ nữ bị lợi dụng, bóc lột để sinh con cho khách hàng ở nhiều quốc gia khác nhau.

Bà Mirkovic cho hay, lợi ích chính của Tuyên bố Casablanca là thu hút sự chú ý đến vấn đề đẻ thuê ở cấp độ quốc tế để thúc đẩy phản ứng toàn cầu.

Các khuyến nghị trong dự thảo công ước để các quốc gia ký kết bao gồm: “Cấm hành vi mang thai hộ trên lãnh thổ của họ; phủ nhận mọi giá trị pháp lý đối với các hợp đồng cam kết đẻ thuê; trừng phạt các cá nhân và tập đoàn đóng vai trò trung gian giữa các bà mẹ mang thai hộ và người đặt hàng; truy tố các cá nhân mang thai hộ trên lãnh thổ của họ; truy tố công dân của họ mang thai hộ bên ngoài lãnh thổ của họ”.

Nhóm dự định trình bày văn bản trước các cơ quan như Hội đồng châu Âu hoặc Liên Hợp Quốc, hy vọng có thể dẫn đến các thỏa thuận đa phương giữa các quốc gia.

Khánh Minh
TIN LIÊN QUAN

Đẻ thuê và những vụ bê bối, biến tướng

Hương Lê |

Thái Lan từng được coi là trung tâm của ngành công nghiệp “đẻ thuê” khi nhiều người từ mọi quốc gia đổ về đây để “mua con”.

Bẽ bàng vụ nhận "đẻ thuê" bằng hình thức quan hệ trực tiếp

Khánh Linh |

Nhận “đẻ thuê” bằng hình thức quan hệ trực tiếp, khi thông báo rằng mình đã có thai, chị Thu không nhận được gì ngoài sự thờ ơ của "đối tác".

Thỏa thuận mang thai hộ cần quy định những gì

nam dương |

Bạn đọc có email nhungocxxx@gmail.com gửi email đến Văn phòng Tư vấn pháp luật Báo Lao Động hỏi: Tôi gặp khó khăn không thể mang thai được. Vợ chồng tôi đã nhờ người thân mang thai hộ. Xin hỏi, thỏa thuận mang thai hộ cần quy định những điều gì?

Công ty Oh Vacation “âm thầm” trả lại tiền cho chủ sở hữu kỳ nghỉ du lịch

Nhóm Phóng viên |

Cho rằng việc kinh doanh sở hữu kỳ nghỉ du lịch của Công ty TNHH Oh Vacation có dấu hiệu lừa đảo, nhiều chủ sở hữu đã kéo đến trụ sở của doanh nghiệp này mong được đối thoại trực tiếp để làm rõ vấn đề.

Chiêm ngưỡng thung lũng Bắc Sơn mùa lúa chín

Chí Linh |

Thung lũng Bắc Sơn vào mùa lúa chín trở thành điểm hút khách du lịch ở Lạng Sơn.

Hà Nội: Công nhân xuyên đêm lắp dầm cầu vượt tại dự án nghìn tỉ đồng

KHÁNH AN |

Trong 3 đêm (từ ngày 22-24.7), hàng trăm công nhân gấp rút lắp dầm - công trình cầu vượt Nguyễn Văn Cừ - Hồng Tiến (Long Biên, Hà Nội).

Đảng của ông Hun Sen tuyên bố chiến thắng áp đảo trong bầu cử Campuchia

Song Minh |

Đảng Nhân dân Campuchia của Thủ tướng Hun Sen tuyên bố chiến thắng áp đảo trong cuộc tổng tuyển cử hôm 23.7.

Mẹ thủ khoa khối D01: Tôi rút wifi, dập cầu dao nếu con ôn bài quá khuya

Huyền Chi |

Để đạt thành tích thủ khoa khối D01 toàn quốc, Phạm Thị Vân Anh có được sự ủng hộ, khích lệ lớn từ gia đình.

Đẻ thuê và những vụ bê bối, biến tướng

Hương Lê |

Thái Lan từng được coi là trung tâm của ngành công nghiệp “đẻ thuê” khi nhiều người từ mọi quốc gia đổ về đây để “mua con”.

Bẽ bàng vụ nhận "đẻ thuê" bằng hình thức quan hệ trực tiếp

Khánh Linh |

Nhận “đẻ thuê” bằng hình thức quan hệ trực tiếp, khi thông báo rằng mình đã có thai, chị Thu không nhận được gì ngoài sự thờ ơ của "đối tác".

Thỏa thuận mang thai hộ cần quy định những gì

nam dương |

Bạn đọc có email nhungocxxx@gmail.com gửi email đến Văn phòng Tư vấn pháp luật Báo Lao Động hỏi: Tôi gặp khó khăn không thể mang thai được. Vợ chồng tôi đã nhờ người thân mang thai hộ. Xin hỏi, thỏa thuận mang thai hộ cần quy định những điều gì?