Câu chuyện lá cờ đỏ sao vàng trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945

TS Nguyễn Hữu Mạnh |

Với dân tộc Việt Nam, lá cờ đỏ sao vàng năm cánh luôn luôn là biểu tượng thiêng liêng, thể hiện ý chí và nguồn động lực vô biên trong quá trình đấu tranh giành độc lập, tự do và thống nhất đất nước. Cách đây 78 năm, trong mùa thu cách mạng năm 1945, hàng vạn người dân Việt Nam yêu nước đã tập hợp dưới lá cờ đỏ sao vàng, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Khởi nghĩa Nam Kỳ và sự ra đời của lá cờ đỏ sao vàng

Cuối năm 1940, tình hình kháng chiến chống Thực dân Pháp và Phát xít Nhật tại các tỉnh Nam Kỳ đang diễn ra mạnh mẽ. Để tiến tới khởi nghĩa, Xứ ủy Nam Kỳ đã họp mở rộng bàn kế hoạch vào ngày 21 đến 23 tháng 9 năm 1940. Trong cuộc họp này, một vấn đề được đặt ra là cần có một lá cờ để khẳng định tổ chức, thống nhất hiệu lệnh chỉ huy và động viên quần chúng.

Nguyễn Hữu Tiến, một nhà cách mạng, được cho là người nhận nhiệm vụ thể hiện lá cờ. Cũng có thuyết cho rằng vợ chồng nhà cách mạng Lê Hồng Phong và Bí thư thành ủy Sài Gòn - Chợ Lớn Nguyễn Thị Minh Khai sáng tạo nên lá cờ để kêu gọi nhân dân khởi nghĩa. Sau nhiều lần phác thảo, cuối cùng một lá cờ ra đời với nền đỏ chính giữa có ngôi sao vàng.

Nguyễn Hữu Tiến cũng sáng tác một bài thơ về lá cờ:

“Hỡi những ai máu đỏ da vàng
Hãy chiến đấu với cờ thiêng Tổ quốc
Nền cờ thắm máu đào vì đất nước
Sao vàng tươi da của giống nòi
Đứng lên mau hồn nước gọi ta rồi
Hỡi Sĩ-công-nông-thương-binh
Đoàn kết lại như sao vàng năm cánh”.

Mẫu cờ được ban lãnh đạo cuộc khởi nghĩa chuẩn y ngay sau đó.

Ngày 23 tháng 11 năm 1940, cuộc khởi nghĩa nổ ra, lá cờ đỏ sao vàng được treo tại trụ sở của Ủy ban khởi nghĩa đặt tại đình Long Hưng xã Long Hưng (Châu Thành), nay thuộc tỉnh Tiền Giang. Nhưng cuộc khởi nghĩa nhanh chóng bị đàn áp, thất bại. Nguyễn Hữu Tiến bị bắt và bị quân Pháp sát hại ngày 28 tháng 8 năm 1941 cùng các đồng chí của ông như: Nguyễn Văn Cừ, Hà Huy Tập, Phan Đăng Lưu, Nguyễn Thị Minh Khai.

Trước lúc hy sinh, ông đã để lại bài thơ, trong đó có câu:

“Anh em đi trọn con đường nhé
Cờ đỏ sao vàng sáng tương lai”.

Trong công văn số 1393/VHTT-BTCM, Thứ trưởng Bộ Văn hóa - Thông tin Lưu Trần Tiêu đã khẳng định rằng, không có bất kỳ tài liệu nào chứng minh đồng chí Nguyễn Hữu Tiến là người vẽ lá cờ Tổ quốc. Các nguồn tài liệu hiện có tại Cục Lưu trữ Trung ương Đảng, Viện Lịch sử Đảng trực thuộc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Bảo tàng Cách mạng Việt Nam và Bảo tàng Hồ Chí Minh đều không có thông tin về việc này. Điều này cho thấy việc xác định người vẽ lá cờ Tổ quốc vẫn còn nhiều tranh luận.

Hàng vạn người dân yêu nước Việt Nam tập hợp dưới lá cờ đỏ sao vàng trong ngày 19.8.1945. Ảnh tư liệu
Hàng vạn người dân yêu nước Việt Nam tập hợp dưới lá cờ đỏ sao vàng trong ngày 19.8.1945. Ảnh tư liệu

Tung bay trong mùa thu Cách mạng Tháng Tám

Trong lịch sử Việt Nam, tháng 5 năm 1941 đánh dấu một bước ngoặt quan trọng khi Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 8 quyết định thành lập Chính phủ nhân dân của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sau khi đánh đuổi đế quốc Pháp - Nhật, lấy cờ đỏ sao vàng làm Quốc kỳ. Sau đó, ngày 16.8.1945, Đại hội Quốc dân được triệu tập và tán thành quyết định tổng khởi nghĩa của Đảng, lập ra Ủy ban Dân tộc Giải phóng Việt Nam do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch, quy định Quốc ca là bài “Tiến quân ca” và Quốc kỳ là cờ đỏ sao vàng. Hồ Chủ tịch đã gửi thư kêu gọi đồng bào nổi dậy tổng khởi nghĩa, giành chính quyền dưới lá cờ Việt Minh. Sự kiện này đã góp phần quan trọng trong cuộc chiến giành độc lập và thống nhất đất nước, trong đó có đoạn: “Tiến lên! Tiến lên! Dưới lá cờ Việt Minh, đồng bào hãy dũng cảm tiến lên”.

Ngày 17.8.1945, một lá cờ đỏ sao vàng rất lớn tung bay trước tiền sảnh Nhà hát lớn Hà Nội, tạo nên sự phấn khích to lớn của quần chúng Thủ đô. Ông Trần Lâm - một trong hai người trực tiếp treo lá cờ đó - kể lại: “Cuộc mít tinh bắt đầu, khi lá cờ của chính phủ bù nhìn Trần Trọng Kim được kéo lên thì tôi và anh Nam cũng mở lá cờ đỏ sao vàng từ trên tầng hai buông xuống. Lá cờ to rộng, sáng chói, nổi bật trên cao. Sự kiện này làm đảo lộn tình thế. Tất cả những người dự cuộc mít tinh đều sững sờ. Trong tay họ đang cầm những lá cờ nhỏ tự nhiên giơ lên vẫy vẫy và hò hét như sấm”.

Với lá cờ đỏ sao vàng tung bay khắp nơi, cuộc khởi nghĩa đã lan rộng từ thành thị đến nông thôn, làn sóng cờ phấp phới bay tựa như “thế nước” dâng trào, cả một dòng người Việt Nam yêu nước tập trung dưới lá cờ. Ở ngoại thành Hà Nội, từ sáng sớm ngày 18.8.1945, cờ đỏ sao vàng công khai phấp phới bay cao. Trưa 18.8.1945, Thường vụ Xứ ủy Bắc Kỳ thông qua chủ trương kế hoạch khởi nghĩa của Ủy ban Quân sự Cách mạng Hà Nội. Ngay chiều 18.8.1945, trên quốc lộ từ Hà Nội đi các tỉnh, những lá cờ đỏ sao vàng nhanh như cấp số nhân đã được cắm công khai trên ôtô của các đội tuyên truyền xung phong...

Sáng sớm ngày 19.8.1945, cả Hà Nội rực cờ đỏ sao vàng. Các đoàn biểu tình của quần chúng với cờ đỏ sao vàng trên tay như thác cuốn tập hợp thành đoàn biểu tình. Tất cả đều dẫn về hướng Nhà hát Lớn, nơi hai ngày trước đó, vào chiều 17.8.1945, lá cờ đỏ sao vàng cùng bài hát "Tiến quân ca" lần đầu tiên xuất hiện công khai và trở thành biểu trưng cho ngày Tổng khởi nghĩa 19.8. Dân chúng đoàn kết một lòng tập hợp theo lời kêu gọi của Việt Minh đứng lên giành quyền làm chủ lấy vận mệnh của mình. Tổng khởi nghĩa thắng lợi ở Hà Nội.

Hơn 10 ngày sau lần lá cờ đỏ sao vàng cùng bài hát "Tiến quân ca" xuất hiện công khai đầu tiên ở quảng trường Nhà hát Lớn Hà Nội ấy, cả giải đất chữ S của Việt Nam ta chính quyền đã về tay Nhân dân. Cuộc Tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám đã thành công. 14 giờ ngày 2.9.1945, trong nắng mùa thu tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội, dưới lá cờ đỏ sao vàng - Quốc kỳ của Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập: Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do, độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy.

Nhà thơ Xuân Diệu, một nhà thơ lãng mạn, trong phút chuyển mình, đã nói về lá cờ một cách rất hình ảnh: “Chúng ta đã say ngọn quốc kỳ độc lập, tự do như say men rượu”. Và trong cơn say ngây ngất đó, nhà thơ đã viết nên bản trường ca tuyệt vời với một tinh thần say sưa, sảng khoái, ca ngợi đất nước tự do, ca ngợi Cách mạng Tháng Tám:

“Gió bay đi, mà nhạc cũng bay theo
Đưa tin mới khắp trên trời đất Việt
Hoa cỏ đón mà núi sông cũng biết
Cờ Việt Nam oanh liệt gió mừng bay
Vàng huy hoàng sinh giữa thắm hây hây
Thắm lộng lẫy nở quanh vàng rực rỡ
Tất cả vải là một cười thắm đỏ
Tất cả cờ là một cuộc triêu dương!”

(Ngọn quốc kỳ)

TS Nguyễn Hữu Mạnh
TIN LIÊN QUAN

Đại tướng Võ Nguyên Giáp và nhiệm vụ trong Cách mạng Tháng Tám

Nguyễn Tùng |

Đầu năm 1945, từ Pác Pó (Cao Bằng), Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ đạo đồng chí Võ Nguyên Giáp tìm một trung tâm chỉ đạo cách mạng mới với các yếu tố “Nơi đó phải ở trong căn cứ địa Việt Bắc, quần chúng giác ngộ cao, giao thông thuận lợi và nhất là gần Trung ương”.

Người chèo ghe chở Bác Tôn những ngày đầu Cách mạng tháng Tám

Lục Tùng |

Đồng Tháp - Năm 1946, ông Năm Thà được tổ chức Đảng chọn chèo ghe đưa Bác Tôn công tác các tỉnh miền Tây.

Kỷ niệm Cách mạng tháng Tám: Lưu giữ những kỷ vật về dấu son lịch sử

Vương Trần |

Ngày nay, nhiều tư liệu, hiện vật, kỷ vật còn được lưu trữ tại các bảo tàng đã gợi nhớ lại những câu chuyện xúc động, ý nghĩa về dấu son lịch sử nhân kỷ niệm 77 năm ngày Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2.9 (1945 - 2022).

Các quan chức nhận "cảm ơn" trăm nghìn USD và hàng tỉ đồng từ Việt Á thế nào?

Việt Dũng |

Trong đại án Việt Á, Cơ quan Cảnh sát điều tra cáo buộc, cựu trợ lý Phó Thủ tướng, cựu Thư ký Bộ trưởng, người được cảm ơn 200.000 USD, người được tặng tiền tỉ để thanh toán việc mua siêu xe.

Tô phở dát vàng gần 4 triệu đồng ở TPHCM đắt hay rẻ?

Như Quỳnh - Anh Tú |

Phở dát vàng ở TPHCM gây xôn xao thời gian qua khi nhiều ý kiến nhìn nhận đây là cơ hội nâng tầm ẩm thực Việt, số khác cho rằng giá quá đắt.

Resort được tháo dỡ, biển Nha Trang trở nên thông thoáng

Hữu Long |

Nha Trang - Khu nghỉ dưỡng Ana Mandra (resort Ana Mandara) trên đường Trần Phú đã được tháo dỡ. Riêng phần đất của dự án hiện hữu sẽ được phục vụ công cộng. Sau khoảng thời gian chủ đầu tư tháo dỡ các công trình chắn biển, đến nay hiện trạng nơi đây trở nên thông thoáng.

Bờ biển dài vẫn phải nhập khẩu muối do không thực hiện đúng quyết định của Thủ tướng

Phan Anh - Kim Khánh |

Dù có đường bờ biển dài nhưng mỗi năm Việt Nam vẫn phải nhập khẩu từ 500-600.000 tấn muối. Diện tích làm muối của nước ta cũng giảm nhanh chóng qua các năm.

Vì sao đại án Việt Á có 38 người bị đề nghị truy tố?

Việt Dũng |

Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an trong bản kết luận có nêu việc không xử lý với một số cá nhân có hành vi vi phạm liên quan đến đại án Việt Á, cũng như việc tách hồ sơ, để làm rõ tiếp các sai phạm.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp và nhiệm vụ trong Cách mạng Tháng Tám

Nguyễn Tùng |

Đầu năm 1945, từ Pác Pó (Cao Bằng), Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ đạo đồng chí Võ Nguyên Giáp tìm một trung tâm chỉ đạo cách mạng mới với các yếu tố “Nơi đó phải ở trong căn cứ địa Việt Bắc, quần chúng giác ngộ cao, giao thông thuận lợi và nhất là gần Trung ương”.

Người chèo ghe chở Bác Tôn những ngày đầu Cách mạng tháng Tám

Lục Tùng |

Đồng Tháp - Năm 1946, ông Năm Thà được tổ chức Đảng chọn chèo ghe đưa Bác Tôn công tác các tỉnh miền Tây.

Kỷ niệm Cách mạng tháng Tám: Lưu giữ những kỷ vật về dấu son lịch sử

Vương Trần |

Ngày nay, nhiều tư liệu, hiện vật, kỷ vật còn được lưu trữ tại các bảo tàng đã gợi nhớ lại những câu chuyện xúc động, ý nghĩa về dấu son lịch sử nhân kỷ niệm 77 năm ngày Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2.9 (1945 - 2022).