20 năm đóng bảo hiểm mới được hưởng lương hưu, người lao động không chờ được

NHÓM PV |

Phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá XV diễn ra trong 2,5 ngày. Thành viên Chính phủ đầu tiên đăng đàn trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội là Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung.

11h25: Không đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài bằng mọi giá

Đặt câu hỏi chất vấn, đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hạnh (đoàn ĐBQH TP Hồ Chí Minh) cho hay, sàn giao dịch việc làm là một kênh để kết nối người lao động và doanh nghiệp. Đại biểu đề nghị bộ trưởng nêu rõ những giải pháp để giúp các sàn này trở thành địa chỉ tin cậy cho người lao động.

Đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hạnh (đoàn ĐBQH TP Hồ Chí Minh). Ảnh: QH
Đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hạnh (đoàn ĐBQH TP Hồ Chí Minh). Ảnh: QH

Đồng thời, đại biểu cũng đề nghị bộ trưởng cho biết những giải pháp để nâng cao chất lượng lao động của người Việt Nam ở nước ngoài trong thời gian tới?

Đại biểu Hồ Thị Kim Ngân (đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn) nêu rõ, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo nghiên cứu, đề xuất chính sách nội trú đối với học sinh, sinh viên học cao đẳng, trung cấp theo Quyết định số 53 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ. Đề nghị Bộ trưởng cho biết, đề xuất này đã được thực hiện chưa? Quá trình thực hiện chính sách theo Quyết định 53 như thế nào?

Đại biểu Hồ Thị Kim Ngân -(đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn). Ảnh: QH
Đại biểu Hồ Thị Kim Ngân (đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn). Ảnh: QH

Trả lời vấn đề việc làm, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói rằng, đưa người Việt Nam đi lao động ở nước ngoài là giải pháp tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập, tạo điều kiện cho thanh niên tiếp cận công nghệ, tác phong làm việc mới. Năm 2022, Việt Nam có 142.000 lao động đi nước ngoài, tập trung ở Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia. Trong đó, ba nước trả thu nhập cao như Đức (2.500 Euro/tháng), Hàn Quốc (1.800 USD/tháng), Nhật Bản (1.500 USD/tháng), còn các nước khác chỉ 600-700 USD/tháng. Các nước đều đánh giá lao động Việt Nam có ý thức, kỹ năng, hiệu suất công việc tốt, nhưng ngoại ngữ còn kém, tổ chức kỷ luật của một bộ phận không tốt (trốn ở lại, đánh nhau, vi phạm pháp luật).

"Không đưa lao động đi nước ngoài làm việc bằng mọi giá. Nếu không có môi trường tốt, thu nhập cao thì không đưa đi. Bộ sẽ xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý lao động đi và về. Người lừa đảo lao động đi nước ngoài sẽ bị xử lý" - ông Dung nói.

Trả lời chất vấn của đại biểu Hồ Thị Kim Ngân, ông Đào Ngọc Dung cho biết, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Tài chính đã ban hành thông tư để hướng dẫn thực hiện quyết định này. Tuy nhiên, thông tư này qua quá trình triển khai cũng đã bộc lộ nhiều bất cập. Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho hay, trong thời gian tới sẽ điều chỉnh các chế độ cho phù hợp, kinh phí sẽ được cân đối trong dự toán ngân sách Nhà nước, phân bổ trực tiếp cho các địa phương thực thi vấn đề này. Đồng thời, sớm sửa đổi thông tư để điều chỉnh các chế độ.

Liên quan đến chất vấn về ưu tiên dân số vàng, dân số trẻ, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho rằng, Việt Nam đã đi qua thời kỳ dân số vàng một chặng đường dài, tốc độ giá hóa dân số của nước ta cũng thuộc loại nhanh nhất. Do đó, tận dùng dân số vàng, dân số trẻ cũng là một cơ hội của chúng ta. Giải pháp trong thời gian tới là phải tập trung nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia về nguồn nhân lực - đây là một giải pháp tổng thể. Để làm được vấn đề này, cần phải khắc phục về ngoại ngữ, kỹ năng nghề nghiệp, trình độ đào tạo và kỹ năng quản trị hệ thống. Ngoài ra, cần chuẩn bị kịch bản cho dân số già, quy hoạch ngành, quy hoạch vùng phải gắn với quy hoạch nguồn nhân lực…

11h15: Bộ trưởng Lê Minh Hoan giải trình về đào tạo nghề cho lao động nông thôn

Tham gia trả lời về chất vấn của đại biểu liên quan đến đào tạo nghề cho lao động nông thôn, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho biết, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, bộ đã thiết kế phát triển khu vực kinh tế nông thôn gắn với nâng cao kiến thức, kỹ năng cho lao động nông nghiệp, lao động phi nông nghiệp là yêu cầu bức thiết. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thiết kế hệ thống chương trình, nhưng nhu cầu lao động xuất phát từ nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương của từng cấp xã, cấp huyện, tỉnh.

Bộ trưởng khẳng định, đào tạo nghề nông thôn không chỉ là đào tạo nghề nông, mà đã chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp. Tuy nhiên, kinh tế nông nghiệp là một chuỗi ngành hàng và những giá trị tích hợp, cần thêm những ngành nghề khác. Căn cứ vào nhu cầu của địa phương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tập trung đào tạo theo nhu cầu gắn với sự phát triển của địa phương.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan. Ảnh: QH
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan. Ảnh: QH

Bộ cũng đã đề ra kế hoạch tái cấu trúc đào tạo nghệ nông thôn gắn với sự phát triển nông thôn. Thực hiện Nghị quyết 19, một trong những giải pháp đầu tiên là nâng cao năng lực của người nông dân, gắn liền với kiến thức và kỹ năng làm nghề nông cũng như những ngành nghề phi nông nghiệp, với tư duy của nền kinh tế nông nghiệp chứ không chủ là tư duy sản xuất nông nghiệp. Do vậy, cùng cần đào tạo theo chuỗi ngành hàng từ sản xuất, đến bảo quản, thu hoạch, chế biến, thương mại điện tử; mỗi khâu có ngành nghề kèm theo…. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã xây dựng 5 vùng nguyên liệu và đào tạo theo đúng quy trình để phát huy tất cả nguồn nhân lực phục vụ cho vùng nguyên liệu.

Ngoài ra, bộ cấu trúc lại hệ thống các trường của bộ, trong đó đã đặt hàng, giao nhiệm vụ, gắn với sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Bộ còn yêu cầu các trường, viện nghiên cứu chuyển giao tiến bộ kỹ thuật - đây cũng là cách để đào tạo nghề cho nông dân, để người nông dân nhận những giải pháp hữu ích, cũng được đào tạo, sử dụng nguồn lực đó hiệu quả.

11h05: Bộ Tài chính đang xây dựng gói 23.000 tỉ đồng hỗ trợ người lao động

Trả lời câu hỏi của đại biểu Quốc hội về vấn đề thu sai đối tượng bảo hiểm xã hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, năm 2003, chúng ta có chủ trương mở rộng độ bao phủ bảo hiểm xã hội. Do đó, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã có văn bản hướng dẫn một số tỉnh về đóng bảo hiểm xã hội. Có 54 tỉnh thu của 4.240 đối tượng từ năm 2003 đến năm 2016. Đến năm 2016 có chủ trương dừng lại, nhưng một số đối tượng vẫn nộp tiếp đến năm 2020 thì dừng hẳn là 1.332 cá nhân.

Bộ trưởng cho rằng, về bản chất và đạo lý không có gì sai, nhưng vẫn bị vướng về quy định pháp luật. Cụ thể, quy định của pháp luật bảo hiểm xã hội là phải có hợp đồng về giao kết bảo hiểm, nhưng ở đây, các chủ hộ kinh doanh không có hợp đồng giao kết, mà chỉ có hợp đồng của họ với nhân viên. “Những nhân viên của họ được nộp bảo hiểm xã hội bắt buộc, nhưng đối với các chủ hộ thì không có hợp đồng với ai cả, nên không được nộp bảo hiểm”, ông Phớc nói.

Về bản chất, theo bộ trưởng, những đối tượng này vừa là chủ hộ, vừa là người lao động, vừa có thu nhập, nên việc được tham gia bảo hiểm có thể coi là chấp nhận được. Tuy nhiên, pháp luật lại không quy định, nên có thể kết luận là sai đối tượng.

Bộ trưởng cho rằng, tới đây, khi tiến hành sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội sẽ cho phép chủ hộ kinh doanh được tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.

Về hỗ trợ người lao động, bộ trưởng cho biết, năm 2021, nước ta đã chi từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp là 47.356 tỉ đồng hỗ trợ cho người lao động bị COVID-19. Năm 2023, số dư quỹ là 59.357 tỉ đồng. Bộ Tài chính đang thiết kế một gói hỗ trợ người lao động để trình Chính phủ, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội để chi khoảng 23.000 tỉ đồng từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp. Việc này nhằm giúp hỗ trợ người lao động vượt qua giai đoạn khó khăn này. Nếu chi xong, số dư quỹ sẽ còn khoảng 39.405 tỉ đồng.

“Bảo hiểm xã hội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đặc biệt quan tâm đến người lao động trong giai đoạn khó khăn. Bằng mọi cơ chế, chính sách sẽ hỗ trợ cho người lao động” - ông Phớc thông tin.

10h50: 20 năm đóng bảo hiểm mới được hưởng lương hưu, người lao động không chờ được

Nêu câu hỏi chất vấn, đại biểu Lý Văn Huấn (đoàn ĐBQH Thái Nguyên) cho biết, thời gian qua, những vụ việc làm giả hồ sơ hưởng BHXH rất phức tạp, những vi phạm đó bộ trưởng đã chỉ đạo xử lý thế nào và tới đây có những giải pháp nào để khắc phục.

Quan tâm đến việc chậm, trốn đóng BHXH, đại biểu Huấn đề nghị Bộ trưởng Đào Ngọc Dung chỉ rõ nguyên nhân chưa xử lý được tình trạng chậm, trốn đóng BHXH do cơ chế hay do pháp luật.

Đại biểu Nguyễn Thanh Cầm (đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang) đề nghị bộ trưởng cho biết, việc sửa Luật Bảo hiểm xã hội sắp tới sẽ khắc phục như thế nào với tồn tại vẫn còn chênh lệch tỉ lệ hưởng lương hưu giữa phụ nữ và nam giới? Giải pháp căn cơ trong sửa luật để giải quyết thực tế lao động nữ trẻ rút bảo hiểm xã hội một lần?

Trả lời về việc sửa Luật Bảo hiểm xã hội, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho hay, dự thảo luật vừa được công khai lấy ý kiến. Hiện cơ quan soạn thảo đã tiếp nhận trên 380 ý kiến của tập thể, cá nhân. Riêng về bảo hiểm xã hội, bộ trưởng nhấn mạnh, phải thực hiện nguyên tắc căn bản đóng hưởng, bình đẳng, chia sẻ.

Với ý kiến phản ánh, các quy định liên quan không tiệm cận tuổi hưu, tuổi nghề… ông Dung lưu ý, tuổi nghề khác hoàn toàn với tuổi nghỉ hưu. Cơ quan soạn thảo đã nghiên cứu kỹ lưỡng các vấn đề, tinh thần là tạo điều kiện thuận lợi cho phụ nữ, không chỉ trong chính sách bảo hiểm.

Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung. Ảnh: QH
Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung. Ảnh: QH

“Tính tổng thể các chính sách liên quan thì nếu tiếp tục quy định đóng bảo hiểm xã hội 20 năm mới được hưởng lương hưu, chắc người lao động không chờ đợi được” - ông Dung nói. Bộ trưởng phân tích, những ngành sản xuất thâm dụng lao động như dệt may mà kéo dài 20 năm, lao động nam đủ 62 tuổi mới được nghỉ hưu, lao động nữ cũng 60 tuổi… đều rất khó khăn. Hướng giảm số năm đóng bảo hiểm để được hưởng lương hưu xuống 15 năm tiến tới 10 năm thì đương nhiên người về hưu hưởng lương thấp. Đó là vì bảo hiểm xã hội vận hành theo nguyên tắc đóng hưởng, bình đẳng, nhà nước chỉ chia sẻ một phần.

“Chúng tôi đã bàn nhiều, đưa phương án khác nhau nhưng nguyên tắc chung, để dừng việc rút bảo hiểm xã hội một lần là vấn đề khó khăn. Nói thật, với tư cách bộ trưởng là trưởng ban chỉ đạo soạn thảo luật, các điều kiện được rút bảo hiểm, chúng ta đi theo xu hướng quốc tế. Vấn đề này, Quốc hội sẽ xem xét, quyết định tại kỳ họp sau” - ông Dung trao đổi.

Về tình trạng trốn đóng bảo hiểm xã hội, lập hồ sơ giả để trục lợi bảo hiểm, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhận định, vấn đề đã được xử lý quyết liệt thông qua công tác thanh tra, kiểm tra. Do đó, tình trạng này có giảm đi trong thời gian qua. Thanh tra bộ đã thanh tra 992 đơn vị, xử lý 2.995 kiến nghị, 205 quyết định xử phạt trong 2 năm.

“Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội nhắc tôi rất nhiều, bộ cũng đã vào cuộc quyết liệt. Theo kế hoạch thanh tra năm 2023, chúng tôi dành 1/3 thời lượng để thanh tra xử lý vấn đề bảo hiểm xã hội. Bên cạnh đó, còn có trên 3.000 đoàn thanh tra bảo hiểm xã hội kiểm soát trên lĩnh vực thu” - ông Dung hồi âm.

Theo ông Dung, việc thanh tra, xử phạt hành chính góp phần kéo giảm tỉ lệ chậm đóng năm 2022, chiếm 3,3% phần để thu. Đây là tiến bộ rất lớn.

Về giải pháp căn cơ, theo bộ trưởng, cần thực hiện đồng bộ 5 giải pháp: tuyên truyền ý thích chấp hành của người lao động, chủ sử dụng lao động; tập trung sửa đổi quy phạm pháp luật, nghị định xử phạt; tăng cường thanh tra, kiểm tra, tập trung nhanh ứng dụng công nghệ thông tin bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, cơ sở dữ liệu dân cư; minh bạch thông tin cho người lao động biết khi người sử dụng chậm đóng 1 tháng, 3 tháng.

10h40: Chính sách về bảo hiểm xã hội phải nhất quán và có tính ổn định lâu dài

Tranh luận với Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, đại biểu Trần Thị Diệu Thúy (đoàn ĐBQH TP Hồ Chí Minh) cho biết, bộ trưởng nói rằng, một trong những nguyên nhân khiến nhiều người dân rút bảo hiểm xã hội một lần là có một phần do công tác tuyên truyền. Cơ bản thống nhất với ý kiến này, tuy nhiên, đại biểu Trần Thị Diệu Thúy cho hay, mong muốn của người lao động Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng - đó là chính sách về bảo hiểm xã hội phải nhất quán và có tính ổn định lâu dài. Người lao động mong muốn làm rõ về quyền lợi để an tâm hơn, suy nghĩ lại khi muốn rút bảo hiểm xã hội một lần.

Đại biểu Trần Thị Diệu Thúy (đoàn ĐBQH TP Hồ Chí Minh). Ảnh: QH
Đại biểu Trần Thị Diệu Thúy (đoàn ĐBQH TP Hồ Chí Minh). Ảnh: QH

10h35: Nếu việc rút bảo hiểm một lần không giảm, có nguy cơ khó đảm bảo an sinh xã hội

Đại biểu Trần Thị Diệu Thúy (đoàn ĐBQH TP Hồ Chí Minh) cho biết, làn sóng rút bảo hiểm xã hội một lần trong công nhân lao động thời gian qua không giảm mà còn có dấu hiệu gia tăng, đặc biệt tăng cao khi có thông tin Chính phủ chuẩn bị trình Quốc hội phương án sửa Luật Bảo hiểm xã hội.

Theo đại biểu, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên nhưng quan trọng nhất là cần sự ổn định của chính sách. Do đó, đề nghị bộ trưởng chỉ rõ giải pháp xử lý vấn đề này?

Về việc rút bảo hiểm một lần, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, trước năm 2019, bình quân mỗi năm khoảng 500 nghìn lao động rút bảo hiểm xã hội, đến năm 2023, con số này tăng lên thành gần 900 nghìn. Nếu tình trạng rút bảo hiểm một lần không giảm, thì có nguy cơ khó đảm bảo an sinh xã hội cho người già, người đến tuổi về hưu, hệ thống chính sách an sinh xã hội khó đảm bảo tính bền vững.

Bàn về nguyên nhân của tình trạng này, bộ trưởng cho hay, do thu nhập của người lao động ở mức thấp, cơ chế rút bảo hiểm xã hội một lần còn quá dễ dàng, quyền lợi khi rút bảo hiểm xã hội một lần ở mức cao, công tác tuyên truyền về vấn đề này cũng chưa được thực hiện hiệu quả. Bộ trưởng cho rằng, cần sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội theo hướng không hạn chế quyền, tăng quyền lợi cho người đóng. Tại kỳ họp tới, Quốc hội sẽ bàn các phương án khác nhau để có những quy định xử lý vấn đề rút bảo hiểm xã hội một lần hiệu quả nhất.

10h25: Làm rõ những giải pháp căn cơ hỗ trợ đời sống công nhân tại các khu công nghiệp

Đặt câu hỏi chất vấn, ĐBQH Trần Hồng Nguyên (đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận) đề nghị bộ trưởng cho biết thực trạng thu nhập và đời sống hiện tại của công nhân lao động. Đồng thời, cần quan tâm và có những giải pháp căn cơ gì để chăm lo, hỗ trợ cho đời sống của công nhân lao động tại các khu công nghiệp, khu chế suất?

Đại biểu Trần Hồng Nguyên - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận. Ảnh: QH
Đại biểu Trần Hồng Nguyên - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận. Ảnh: QH

Về thực trạng thu nhập, đời sống, việc làm của người lao động, nhất là khu công nghiệp, khu chế xuất, giải pháp căn cơ cho vấn đề này, Bộ trưởng cho hay, thu nhập bình quân của người lao động quý I/2023 là 7,9 triệu đồng, tăng 2,6% so với quý IV/2022. Bộ trưởng nhận xét, các doanh nghiệp đã cố gắng; doanh nghiệp, người lao động cũng san sẻ, chia sẻ với phương châm phát triển cùng hưởng, khó khăn sẻ chia.

Tuy nhiên, có thể thấy, lương và thu nhập của người lao động còn thấp, đời sống còn khó khăn, nhất là ở các khu công nghiệp, khu chế xuất, đặc biệt với lao động nữ. Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nêu giải pháp cho vấn đề này: Tập trung phát triển sản xuất kinh doanh, tăng thu nhập của đời sống; Đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng nghề cho người lao động; Chăm lo đời sống phúc lợi, thiết chế, nhất là các thiết chế văn hóa, y tế, giáo dục dành cho phụ nữ, người thân trong gia đình; Tăng cường kết nối giới thiệu việc làm, liên kết vùng, liên kết doanh nghiệp, đào tạo…

Về băn khoăn của đại biểu đánh giá tình trạng thất nghiệp (2,25%) có sát với tình hình thực tế, bộ trưởng khẳng định, việc đánh giá hoàn toàn khách quan và khoa học, dựa trên những tiêu chí cụ thể của quốc tế đưa ra.

10h15: Nói năng suất lao động của nước ta thấp các nước bên cạnh, bộ trưởng không đồng tình

Đại biểu Nguyễn Duy Thanh (đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau) đặt câu hỏi, người Việt Nam thông minh và chịu khó nhưng làm thế nào để nâng sức lao động của người Việt Nam, thoát khỏi vùng chuẩn của khu vực ASEAN và ngang bằng các nước trên thế giới? Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, nếu như nói năng suất lao động Việt Nam thấp thì có nhiều nguyên nhân và phụ thuộc vào 2 vấn đề lớn. Thứ nhất là yếu tố về vốn, công nghệ. Thứ hai là kỹ năng và trình độ của người lao động.

Đại biểu Nguyễn Duy Thanh - Đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau. Ảnh: QH
Đại biểu Nguyễn Duy Thanh - Đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau. Ảnh: QH

Theo bộ trưởng, việc đánh giá kỹ năng và trình độ của người lao động là một khâu quan trọng. “Gần đây, một số người nói năng suất lao động Việt Nam thấp hơn cả một số nước bên cạnh, tôi không đồng tình” - bộ trưởng hồi âm.

Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung. Ảnh: QH
Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung. Ảnh: QH

Theo ông Dung, năng suất lao động Việt Nam thấp do nhiều yếu tố. Bởi lẽ, lực lượng lao động của chúng ta đang phân bố ở khu vực nông nghiệp rất cao, làm ra sản phẩm nhiều nhưng giá trị thương mại thấp. Thứ hai, lao động Việt Nam hiện có quy mô rất lớn. Do đó, cũng một công việc đó, đáng lẽ một người làm nhưng chúng ta san sẻ ra 2-3 người làm.

Bên cạnh đó, nếu năng suất lao động Việt Nam so với mặt bằng chung có thể thấp thì thời gian tới có 3 điều cần chú ý. Một là cần cơ cấu lại lực lượng lao động. Hai là nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đặc biệt nguồn nhân lực chất lượng cao. Ba là hạn chế sử dụng các ngành nghề, lĩnh vực thâm dụng lao động.

10h: Chưa phát hiện được tình trạng trục lợi khi thu bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với các chủ hộ kinh doanh

Phát biểu tranh luận, đại biểu Huỳnh Thị Phúc (đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu) nêu rõ, các vấn đề liên quan đến chính sách bảo hiểm xã hội được cử tri và đông đảo nhân dân quan tâm. Đại biểu cho rằng, như bộ trưởng đã xác định qua kết quả giám sát, nhiều địa phương đã có tình trạng thu bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với các chủ hộ kinh doanh cá thể trong khi các đối tượng không thuộc đối tượng phải đóng bảo hiểm bắt buộc. Điều này cho thấy, cơ quan bảo hiểm xã hội đã không thực hiện đúng với quy định của pháp luật, gây ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và lợi ích của các đối tượng liên quan.

Đại biểu Huỳnh Thị Phúc (đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) phát biểu tranh luận. Ảnh: QH
Đại biểu Huỳnh Thị Phúc (đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) phát biểu tranh luận. Ảnh: QH

Đại biểu Huỳnh Thị Phúc đề nghị làm rõ có tiêu cực trong thu bảo hiểm xã hội hay không? Trách nhiệm thuộc về cơ quan nào? Hướng xử lý trong thời gian tới?

Trả lời, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định, việc thu bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với hộ kinh doanh cá thể là sai về chủ trương. “Chúng tôi báo cáo rất rõ, đây là trách nhiệm của cơ quan tổ chức thực hiện là Bảo hiểm xã hội Việt Nam, đặc biệt là bảo hiểm xã hội của các địa phương. Bộ đã những cuộc làm việc với bảo hiểm xã hội và có văn bản để chấn chỉnh việc này” - ông Dung nói.

Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, những trường hợp hiện còn thu bảo hiểm xã hội, chưa giải quyết được là do có vướng mắc. Đa phần là các địa phương đã xử lý linh hoạt với chủ hộ kinh doanh. Nhiều trường hợp đồng ý tiếp tục chuyển sang đóng bảo hiểm tự nguyện; cũng có trường hợp đề nghị thoái thu; có trường hợp xin tiếp tục thực hiện bảo hiểm bắt buộc. Đến thời điểm này, ông Dung cho biết, không còn số liệu như vậy. Đây là con số báo cáo đến năm 2016 và con số kiểm toán rơi rớt. Như vừa qua, 8 đoàn kiểm tra của Ban Kinh tế Trung ương kết hợp với bộ đi kiểm tra, có địa phương báo cáo là 62 trường hợp nhưng kiểm tra thực tế chỉ có 8 trường hợp.

Trả lời việc có tiêu cực hay không tiêu cực, ông Dung cho hay, “việc phát hiện tiêu cực, trục lợi thì chưa phát hiện được, nhưng sai là có sai”.

Còn việc xử lý thế nào, bộ đã trao đổi với Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam và chắc chắn phải xử lý theo quy định của pháp luật.

Về giải pháp, theo ông Dung, trong chương trình xây dựng, bộ sẽ đưa đối tượng này vào đối tượng đóng bảo hiểm bắt buộc. Nếu được Quốc hội cho phép, bộ kiến nghị trong kết luận chất vấn của kỳ họp cho phép Chính phủ thực hiện các biện pháp cần thiết để đảm bảo quyền lợi cho người lao động như cộng nối thời gian đóng bảo hiểm, nếu người lao động có nhu cầu thì chuyển sang bảo hiểm bắt buộc hoặc bảo hiểm tự nguyện. Nếu làm được như vậy sẽ giải quyết được căn cơ và không có khiếu kiện xảy ra.

9h30: Quốc hội nghỉ giải lao.

9h25: Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói về việc đi khảo sát địa phương, ăn cơm công nhân

Đặt câu hỏi chất vấn Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, ĐBQH Nguyễn Thị Thủy (Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn) nhấn mạnh, cơ hội việc làm cho lao động nữ ngoài 40 tuổi sau khi bị mất việc làm là rất thấp, dẫn đến nguy cơ các đối tượng này phải rút bảo hiểm xã hội một lần, ảnh hưởng đến an sinh xã hội lâu dài.

Đại biểu đề nghị Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nêu rõ những giải pháp để hỗ trợ đối tượng này trong thời gian tới.

Đại biểu Nguyễn Thị Thủy - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn. Ảnh: QH
Đại biểu Nguyễn Thị Thủy - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn. Ảnh: QH

Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, cách đây một tháng, Thủ tướng có phân công ông đi kiểm tra một số địa phương, cũng đã ăn cơm cùng với công nhân. Qua đó, ông nhận thấy, ngành nghề dệt may, giày da với phần lớn là lao động nữ, thậm chí có đến 80% là nữ. Như tại Nghệ An, tỉ lệ gần như tuyệt đối là lao động nữ.

“Chúng tôi nhận thấy việc này rất quan trọng. Hầu như thời gian vừa qua, đối tượng mất việc làm, giãn việc tập trung vào lao động nữ. Dòng người 3 triệu người chuyển về địa phương vừa qua cũng phần đông là người mẹ mang theo con. Người lao động không trụ được mới phải rời phố về quê” - ông Dung nói và nhìn nhận việc này rất xác đáng.

Về giải pháp, ông Dung cho rằng, phải đào tạo lao động ngay từ sớm, ngay từ khi chưa thất nghiệp. Bởi lẽ nếu để đến 40 tuổi mắt mờ, chân chậm, năng suất thấp thì doanh nghiệp bao giờ cũng nhằm vào những nhóm người này để cắt việc.

Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung trả lời chất vấn. Ảnh: QH
Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung trả lời chất vấn. Ảnh: QH

Theo ông Dung, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có 3 giải pháp chăm lo cho công nhân. Thứ nhất, tạo điều kiện cho doanh nghiệp ổn định sản xuất. Thứ hai, tạo việc làm ổn định. Thứ ba, thực hiện các chính sách đang có một cách tốt nhất; chăm lo hệ thống cơ sở phúc lợi xã hội thiết yếu như nhà trẻ, mẫu giáo, trường học… để đảm bảo cho người phụ nữ.

Ông Dung cho hay, việc đào tạo sẽ giúp người phụ nữ khi chuyển việc hoặc thất nghiệp sẽ được bố trí việc mới. Ngoài ra, khi họ về địa phương, đề nghị địa phương có cơ chế, chính sách để hỗ trợ tín dụng, việc làm cho lao động nữ.

9h10: “Công ty ma” lừa lao động Việt Nam sang nước ngoài

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương) đặt câu hỏi về giải pháp khắc phục tình trạng lãng phí trong đào tạo trung cấp nghề.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga cho rằng, thứ nhất, theo báo cáo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, phần lớn các trường cao đẳng, trung cấp trong hệ thống giáo dục nghề nghiệp đều tuyển sinh đào tạo cho đối tượng học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở. Tuy nhiên, có một thực trạng là nhiều học sinh tốt nghiệp THCS lại không thi được vào các trường THPT công lập, nên chọn học các trường trung cấp này chỉ với mục đích là có tấm bằng tốt nghiệp THPT rồi lại tiếp tục thi vào các trường đại học. Như vậy là có sự lãng phí không hề nhỏ trong đào tạo trung cấp nghề.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga - Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương. Ảnh: QH
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga - Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương. Ảnh: QH

Đại biểu đề nghị Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết có khảo sát cụ thể về vấn đề này chưa và giải pháp của bộ để khắc phục trong thời gian tới.

Thứ hai, trong những năm qua, tỉ số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài tăng rất nhanh. Tuy nhiên, số lao động bị lừa đi xuất khẩu lao động dưới nhiều hình thức cũng khá nhiều, gây rất nhiều hậu quả nghiêm trọng. Nguyên nhân của tình trạng vừa nêu theo bộ trưởng là gì và những giải pháp khắc phục của bộ trưởng trong thời gian tới?

Trả lời, ông Đào Ngọc Dung cho hay, việc thu hút học sinh vào trường nghề không phải dễ. Gần đây, số học trung cấp nghề tăng lên bởi chúng ta áp dụng một nguyên tắc, phương pháp mới là 9+ và mô hình Kosen của Nhật Bản - tức học sinh sau khi tốt nghiệp THCS thì vào thẳng trường nghề.

“Các em vừa học nghề, vừa học văn hoá, khi ra trường thì vừa có bằng nghề, vừa có bằng tốt nghiệp THPT. Điều này có lãng phí không? Chúng tôi cho rằng không lãng phí. Việc chúng ta vừa học nghề, vừa học văn hoá sẽ rút ngắn thời gian và có lẽ thích ứng hơn, tạo điều kiện cho các em khi ra trường có thể đi làm luôn” - ông nói.

Còn về việc số lao động của Việt Nam đi nước ngoài tăng nhưng có nhiều trường hợp bị lừa, ông Đào Ngọc Dung cho rằng, số lao động Việt Nam đi nước ngoài trong năm 2022 là 142.000 người. Số này đi theo Luật Người Việt Nam đi lao động ở nước ngoài, được các công ty, doanh nghiệp được cấp phép của Việt Nam đưa đi. Hiện nay, có 482 doanh nghiệp được cấp phép và số lao động đi qua hình thức này thì ít bị lừa. Phần đông số bị lừa đều là do công ty ma, công ty không được cấp phép, hoặc lừa đảo, trá hình. Với những trường hợp này, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã phối hợp với cơ quan chức năng, địa phương xử lý rất nhiều. Một số trường hợp, công ty được cấp phép cũng lừa đảo, lừa đảo cả hai đầu (lừa đi và lừa đến).

“Thời gian qua, chúng tôi đã xử lý, xử phạt nhiều. Trong năm 2022, thanh tra xử lý, xử phạt 62 doanh nghiệp, phạt tiền; 4 doanh nghiệp bị thu hồi giấy phép” - ông Đào Ngọc Dung cung cấp thông tin; đồng thời cho biết, để xử lý phải tiến hành đồng bộ các giải pháp như tuyên truyền, xử lý vi phạm, thanh kiểm tra…

9h00: Quy hoạch mạng lưới đào tạo nghề nghiệp bất cập, chồng chéo

Chất vấn, đại biểu Trần Thị Thanh Hương (đoàn An Giang) cho biết, thời gian gần đây, số lượng người lựa chọn học nghề có chiều hướng gia tăng nhưng số lượng lao động được đào tạo nghề chưa đáp ứng nhu cầu. Mặc dù, mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp bước đầu đã được rà soát, sắp xếp nhưng vẫn còn nhiều bất cập. Nếu không chấn chỉnh tình trạng này sẽ là một sự lãng phí. Đề nghị bộ trưởng cho biết, ngành Lao động, Thương binh và Xã hội cần làm gì để nâng cao hơn nữa hiệu quả của việc phân luồng học sinh và chủ động dự báo nhu cầu đào tạo nghề theo từng lĩnh vực, trình độ làm căn cứ xây dựng kế hoạch tuyển sinh phù hợp với xu hướng chuyển dịch lao động hiện nay?

Bên cạnh đó, những bất hợp lý trong việc chồng chéo, phân tán, trùng lắp trong ngành nghề đào tạo sẽ được chấn chỉnh như thế nào để giúp công tác giáo dục nghề nghiệp gắn chặt hơn với thị trường lao động và nhu cầu nguồn nhân lực trong thời gian tới?

Trả lời, ông Đào Ngọc Dung cho hay, thời gian vừa qua, công tác tuyển sinh, giáo dục nghề nghiệp cũng có bước tiến bộ nhất định, đặc biệt, cách đây hơn 1 tháng, Ban Cán sự Đảng bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã báo cáo với Ban Bí thư, tổng kết 10 năm công tác giáo dục nghề nghiệp và Ban Bí thư ngày 4.5.2023 đã ban hành Chỉ thị số 21 về đổi mới, phát triển giáo dục nghề nghiệp cho đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. "Trong các nội dung này, chúng tôi báo cáo, đề cập đến quy mô, chất lượng đào tạo, thấy rằng, mặc dù có tiến bộ, nhưng quy hoạch mạng lưới có rất nhiều bất cập. Hiện nay, cùng trên một địa bàn, có nhiều trường nghề khác nhau, nhiều ngành nghề khác nhau, dẫn đến số học sinh vào không đáp ứng. Việc đào tạo ra khó tìm việc.

Chính vì vậy, điều mà chúng tôi quan tâm trong thời gian tới đây là đào tạo phải gắn với nhu cầu thị trường. Muốn làm được, chúng tôi chắc chắn phải làm quyết liệt hơn vấn đề dự báo cung - cầu. Và chỉ tiến hành đào tạo khi xác định được nhu cầu. Bên cạnh đó, các trường tiến hành liên kết, kết hợp cũng như đặt hàng được với doanh nghiệp. Có như vậy thì khi đào tạo ra mới có việc làm, tránh tình trạng đào tạo ra không có việc làm" - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói.

Ảnh: QH
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung trả lời chất vấn. Ảnh: QH

Trả lời câu hỏi về việc có chồng chéo, trùng lặp trong đào tạo nghề không, ông Đào Ngọc Dung khẳng định là có. Các trường nghề hiện nay về cơ bản đang thực hiện đào tạo theo hướng tự chủ. Trừ một số ngành nghề đào tạo chất lượng cao mà nhà nước đặt hàng thì mới yêu cầu.

Đương nhiên, tình trạng chung của các trường nghề hiện nay, tuyển sinh, đào tạo chưa thực sự bám với nhu cầu, chưa bám thị trường. Đây là thực trạng nhức nhối. Do vậy, trong thời gian qua, 63 tỉnh thành cùng với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã quy hoạch lại mạng lưới này và sáp nhập lại các trường trung cấp, trung tâm giáo dục nghề nghiệp theo nguyên tắc 3 trong 1, 2 trong 1 và một trường cao đẳng ở địa phương có thể đào tạo nhiều ngành nghề khác nhau.

8h55: Tiền lương, môi trường việc làm, cơ hội thăng tiến luôn được cán bộ, công nhân viên chức hết sức quan tâm

Đại biểu Trần Quang Minh (đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình) nêu rõ vấn đề lao động, tiền lương, môi trường việc làm, cơ hội thăng tiến luôn được cán bộ, công nhân viên chức hết sức quan tâm. Tuy nhiên, gần đây, tình trạng cán bộ xin thôi việc ở Nhà nước sang làm ở lĩnh vực khác để cải thiện đời sống, tìm hiểu cơ hội mới làm dấy lên lo ngại chảy máu chất xám ở lĩnh vực công. Do đó, đại biểu Trần Quang Minh đề nghị bộ trưởng cho biết giải pháp trong thời gian tới.

Đại biểu Trần Quang Minh - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình. Ảnh: QH
Đại biểu Trần Quang Minh (đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình). Ảnh: QH

Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nêu rõ, vừa qua, trong một phiên họp của Chính phủ đã đề cập đến việc này. Trong đó, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà đã có câu trả lời.

Theo ông Đào Ngọc Dung, muốn để người lao động cả khu vực công và khu vực tư ổn định thì việc quan trọng nhất là thu nhập, đời sống, việc làm phải ổn định; lương phải đủ sống, thu nhập phải đảm bảo cho bản thân và gia đình mình. “Câu hỏi này có lẽ theo tôi, Bộ trưởng Bộ Nội vụ sẽ trả lời đầy đủ hơn, sâu sắc hơn so với tôi” - ông Đào Ngọc Dung nói.

Tạm dừng 18 huyện của 9 tỉnh có tỉ lệ người lao động bỏ trốn khi xuất khẩu lao động nước ngoài

Đại biểu Trần Quang Minh đề nghị có giải pháp để giảm thiểu tối đa tình trạng lao động Việt Nam bỏ trốn khi xuất khẩu lao động nước ngoài. Việc lao động Việt Nam bỏ trốn khi tham gia xuất khẩu lao động nước ngoài làm ảnh hưởng đến hình ảnh quốc gia, ảnh hưởng đến cơ hội việc làm của nhiều lao động đang có ý định tham gia xuất khẩu lao động ở nước ngoài. Mặc dù đã có chế tài nhưng tình trạng này vẫn diễn ra ở một số nước có thị trường xuất khẩu lao động khá sôi động. Đại biểu Trần Quang Minh đề nghị bộ trưởng cho biết, giải pháp gì để giảm thiểu tối đa tình trạng này.

Về vấn đề lao động Việt Nam bỏ trốn ở nước ngoài, ông Đào Ngọc Dung cho biết, có bộ phận lao động ở lại, không về nước đúng thời gian và tiến độ. Ở thời điểm này, thực trạng được nêu không bức xúc bằng thời điểm năm 2017. Khi đó, tỉ lệ lao động bỏ trốn ở Hàn Quốc là hơn 52%, vì vậy nước bạn đã phải dừng toàn bộ chương trình EPS (đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài) đối với Việt Nam. Sau 4 năm chúng ta kiên trì thực hiện các giải pháp từ ký quỹ, trục xuất, xử lý hình sự, thì đến thời điểm này, bộ cũng đang phải tạm dừng đối với 18 huyện của 9 tỉnh có tỉ lệ người lao động ở lại nhiều.

“Mặc dù các địa phương không muốn điều này, cá nhân chúng tôi không muốn nhưng chủ trương này bắt đầu từ yêu cầu của nước bạn” - ông Đào Ngọc Dung nói và cho hay, đến thời điểm này, ở Hàn Quốc chỉ còn 24,6% tỉ lệ lao động bỏ trốn, thuộc diện thấp. Phía Hàn Quốc yêu cầu nếu dưới 30% sẽ gỡ bỏ các hạn chế.

8h45: Lập quỹ hỗ trợ người lao động không giải quyết căn cơ việc rút bảo hiểm xã hội một lần

Chất vấn tại phiên họp, đại biểu Tráng A Dương (đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang) nêu câu hỏi, do dịch COVID-19 lan rộng, tình trạng lao động mất việc làm và rút bảo hiểm xã hội một lần đã ảnh hưởng rất nhiều đến an sinh xã hội. Đại biểu đề nghị bộ trưởng nêu rõ có nên thành lập một quỹ nhằm giúp người lao động ổn định cuộc sống?

Đại biểu Tráng A Dương - Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang. Ảnh: QH
Đại biểu Tráng A Dương (đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang). Ảnh: QH

Khái quát về tình trạng rút bảo hiểm xã hội một lần gia tăng, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung thông tin, diễn biến căng thẳng về việc này bắt đầu từ năm 2022.

Về gợi ý thành lập quỹ hỗ trợ người lao động, theo bộ trưởng, chỉ là một giải pháp. Còn việc để ngăn chặn tình trạng rút bảo hiểm xã hội một lần cần rất nhiều giải pháp đồng bộ, cơ bản nhất là đảm bảo công ăn việc làm, đời sống của người lao động. Việc lập quỹ, nếu có, với quy mô tác động lớn như thế này phải nghiên cứu kỹ, đánh giá tác động một cách thấu đáo.

8h40: Thiếu hụt lao động chất lượng cao

Đại biểu Nguyễn Thị Hà chất vấn: Sau hơn 2 năm thực hiện chương trình hỗ trợ phát triển thị trường lao động đến năm 2030 theo Quyết định 176 của Thủ tướng Chính phủ, thị trường lao động Việt Nam bước đầu đã có cải thiện, tuy nhiên chất lượng nguồn nhân lực đất nước vẫn ở vị trí thấp với nhiều nước trong khu vực. Tỉ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ chỉ đạt khoảng 26%. Vậy, bộ trưởng đánh giá như thế nào về quá trình triển khai thực hiện chương trình hỗ trợ phát triển thị trường lao động trên? Đến bao giờ chất lượng nguồn nhân lực đất nước mới tiệm cận được với các nước trong khu vực?

Trả lời, trưởng ngành Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, về thị trường lao động hiện có quy mô ở độ tuổi từ 15 trở lên là 55 triệu người. Đến quý I/2023, số người tham gia thị trường lao động là 51,4 triệu người. Trong thị trường lao động, nếu nhìn cả quá trình, thị trường lao động Việt Nam còn non trẻ nhưng đã có bước hình thành và phát triển tương đối nhanh chóng cả về quy mô, chất lượng.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng, kỹ năng của lực lượng lao động còn thấp, số lao động qua đào tạo bằng nhiều hình thức khác nhau trên 70%, nhưng số có bằng cấp, chứng chỉ chỉ đạt hơn 26% (tính đến quý I/2023). “Các nước trên thế giới chủ yếu đánh giá lao động được đào tạo qua chứng chỉ, bằng cấp. Nếu nhìn lại, kỹ năng lao động của chúng ta không phải quá thấp nhưng thấp hơn so với các nước đang phát triển. Đây là vấn đề cần phải quan tâm. Nhưng điều quan trọng hơn, cơ cấu về lực lượng lao động của chúng ta không cân đối, đặc biệt là lao động có trình độ cao đẳng, trung cấp, lao động có kỹ năng thì thấp.

Vấn đề này cần phải điều chỉnh trong thời gian tới. Trong thực tiễn, khi các nhà đầu tư đến Việt Nam, bao giờ cũng đặt vấn đề: Thứ nhất hạ tầng của chúng ta như thế nào, thứ 2 là nguồn nhân lực chất lượng cao có đáp ứng không. Hạ tầng thì cả quá trình phát triển, nhưng băn khoăn của các nhà đầu tư hiện nay là chú trọng vào nguồn nhân lực chất lượng cao. Trong khi đó, chúng ta lại thiếu hụt nguồn nhân lực này. Do vậy, thời gian qua, Chính phủ đã ban hành các chính sách đào tạo nguồn nhân lực theo hướng hiện đại, linh hoạt, bền vững” - ông nói.

8h35: 506.000 người mất việc làm, giãn việc, thiếu việc do nhiều nguyên nhân

Đặt câu hỏi chất vấn, đại biểu Bố Thị Xuân Linh (đoàn ĐBQH Bình Thuận) đề nghị bộ trưởng cho biết giải pháp về quy mô lao động việc làm. Đại biểu nêu rõ, theo báo cáo của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến Kỳ họp thứ 5 này, đánh giá về quy mô lao động việc làm tại nhiều địa phương trong cả nước vẫn còn mất cân đối lớn, thị trường phục hồi chậm dẫn đến tình trạng một bộ phận người lao động gặp nhiều khó khăn như thiếu việc làm, sức lao động chưa được tận dụng, phát huy và khai thác hợp lý dẫn đến việc di chuyển nguồn lao động từ địa phương này đến địa phương khác còn ở mức cao, chi phí sức lao động lớn song hiệu quả lao động vẫn còn thấp và lãng phí.

Đại biểu Bố Thị Xuân Linh - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận. Ảnh: QH
Đại biểu Bố Thị Xuân Linh (đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận). Ảnh: QH

Đại biểu Bố Thị Xuân Linh đề nghị bộ trưởng có giải pháp gì để giải quyết các vấn đề nêu trên. Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung nêu rõ, quy mô lao động của nước ta rất lớn. Thời gian vừa qua, tình trạng thiếu việc làm đã xuất hiện. Bình quân tỉ lệ thất nghiệp của chúng ta quý I/2023 là 2,25%. Nhìn lại cách đây hơn 1 năm, khi đó diễn đàn kinh tế thế giới xếp nước ta vào nhóm top 5 về tỉ lệ thất nghiệp. Nhưng đến thời điểm này, tỉ lệ thất nghiệp của nước ta gia tăng. Nếu so với thế giới, tỉ lệ thất nghiệp này ở ngưỡng thấp.

Theo ông Đào Ngọc Dung, số người mất việc làm, giãn việc, thiếu việc do cắt giảm đơn hàng là khoảng 506.000 người (cập nhật ngày 26.5), trong đó có khoảng 270.000 người mất việc. Tình trạng này, theo ông Đào Ngọc Dung, có nhiều nguyên nhân như cắt giảm đơn hàng, tái cơ cấu sản xuất, thay đổi về lực lượng lao động và thực hiện giải quyết chính sách với Bộ luật Lao động.

 
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung trả lời chất vấn. Ảnh: QH

8h20: Không để học nghề là sự lựa chọn cuối cùng

Huỳnh Thị Ánh Sương (đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi): Theo báo cáo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, giải pháp của bộ về giáo dục nghề nghiệp là có chính sách để thu hút học sinh khá, giỏi vào giáo dục nghề nghiệp. Vậy những chính sách này là gì, khi nào được thực hiện và khi nào giáo dục nghề nghiệp mới là một bậc học của giáo dục quốc dân? Và làm thế nào không để học nghề là sự lựa chọn cuối cùng.

Đại biểu Huỳnh Thị Ánh Sương - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi. Ảnh: Phạm Thắng/QH
Đại biểu Huỳnh Thị Ánh Sương (đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi). Ảnh: Phạm Thắng/QH

Trả lời, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng, nói về giáo dục nghề nghiệp, đây là một bậc trong hệ thống giáo dục quốc dân. Thời gian vừa qua, Chính phủ, các bộ, ngành đã hoàn thiện cơ cấu, hệ thống giáo dục, có sự liên thông giữa giáo dục phổ thông - giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học. Quốc hội cũng đã thông qua 3 luật liên quan, đó là Luật Giáo dục đại học, Luật Giáo dục và Luật Giáo dục dạy nghề.

“Hiện nay, quy mô tuyển sinh của chúng ta có khoảng hơn 2 triệu sinh viên, học sinh vào học nghề. So với cách đây 5 năm thì bình quân mỗi năm là 500.000 người. Đây là sự tiến bộ rõ rệt. Trong số 2 triệu này, khoảng 25% trung cấp, 26% cao đẳng. Tuy nhiên, giáo dục nghề nghiệp hiện nay cả về quy mô và chất lượng còn nhiều vấn đề quan tâm. Trong đó, quy mô chưa lớn, chất lượng giáo dục nghề nghiệp chưa thực sự tốt, cần nhiều giải pháp để nâng cao. Các hệ thống chính sách pháp luật để ưu đãi, thu hút học sinh vào học nghề cũng chưa được quan tâm nhiều.

Theo tôi, muốn đổi mới giáo dục nghề nghiệp, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nhận thức xã hội. Đa số học sinh, sinh viên học nghề rơi vào các trường hợp sau: Thứ nhất là số học sinh không có nhu cầu hoặc khó có nhu cầu học lên; thứ 2 là do điều kiện kinh tế gia đình khó khăn, các em học sinh muốn ra trường có việc làm ngay. Để thay đổi thực trạng này, vừa qua, chúng ta có nhiều chính sách khuyến khích học sinh học nghề, nhất là ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số đi học nghề sẽ được miễn phí hoàn toàn. Các em khi học nghề ra được ưu tiên tìm việc. Số học sinh tiên tiến sau khi học nghề ra được tiếp tục đào tạo chương trình chất lượng cao miễn phí hoàn toàn. Đây là điều rất đáng mừng” - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói.

8h11: Tình hình lao động, việc làm liên quan trực tiếp đến đời sống, miếng ăn, giấc ngủ hàng ngày của hàng triệu người

Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung trân trọng cảm ơn Quốc hội để ngành Lao động - Thương binh và Xã hội có điều kiện báo cáo trước Quốc hội và đồng bào cử tri cả nước về tình hình lao động, việc làm, công tác đào tạo giáo dục nghề nghiệp và công tác quản lý, phát triển bảo hiểm xã hội.

Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội khẳng định, đây là những vấn đề lớn, liên quan trực tiếp đến đời sống, miếng ăn, giấc ngủ hàng ngày của hàng triệu người dân, người lao động và lực lượng hưu trí cả nước. Thời gian qua, trong bối cảnh nhiều thay đổi nhanh chóng và phức tạp, Đảng, Nhà nước, các cấp, các ngành đã đặc biệt quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, đảm bảo tăng trưởng kinh tế đi đôi với tiến bộ, công bằng xã hội.

“Chúng ta đã vượt qua nhiều khó khăn để cơ bản đảm bảo các chính sách an sinh xã hội và đời sống nhân dân, triển khai nhanh chóng, kịp thời, hiệu quả nhiều chính sách xã hội, nhằm hỗ trợ người dân, người lao động, người sử dụng lao động trong khắc phục khó khăn do đại dịch gây ra” - ông Đào Ngọc Dung nêu rõ.

8h: Tham dự phiên chất vấn có Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; các lãnh đạo Đảng, Nhà nước; các đại biểu Quốc hội.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu mở đầu phiên chất vấn, nêu rõ, phiên chất vấn được tiến hành trong thời gian 2,5 ngày. Nội dung chất vấn thuộc 4 nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực quản lý Nhà nước của các bộ: Lao động - Thương binh và Xã hội; Khoa học và Công nghệ; Giao thông Vận tải; Ủy ban Dân tộc. Mỗi phiên chất vấn, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái thay mặt Chính phủ báo cáo giải trình, làm rõ hơn các vấn đề mà đại biểu Quốc hội quan tâm và trực tiếp trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội.

Tại phiên bế mạc, Quốc hội sẽ xem xét, biểu quyết thông qua nghị quyết về hoạt động chất vấn để làm căn cứ cho các cơ quan tổ chức triển khai, các cơ quan của Quốc hội và đại biểu Quốc hội giám sát việc thực hiện.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu mở đầu phiên chất vấn. Ảnh: QH
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu mở đầu phiên chất vấn. Ảnh: QH

Ngoài 4 nhóm vấn đề được lựa chọn chất vấn, trong những ngày vừa qua của kỳ họp, trên cơ sở thực tiễn, ý kiến của Nhân dân, cử tri và của các đại biểu Quốc hội trong thảo luận tổ và hội trường, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành đã quan tâm thúc đẩy hoặc khởi động giải quyết nhiều vấn đề bức thiết của nhân dân và doanh nghiệp.

Theo đó, ngày 1.6.2023, Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản yêu cầu các bộ ngành, địa phương tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ, quyết liệt hơn nữa công tác cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh thực chất, hiệu quả. Bộ Xây dựng đã rà soát tổng thể để xem xét sửa đổi bổ sung Quy chuẩn QCVN 06:2022 đáp ứng yêu cầu phòng cháy, chữa cháy, bảo vệ tính mạng, tài sản của người dân, bảo đảm cơ sở khoa học, có tham khảo kinh nghiệm quốc tế, đồng thời phù hợp với tình hình, điều kiện Việt Nam. Bộ Công an chỉ đạo các cơ quan chức năng trực tiếp làm việc, hướng dẫn tại các địa phương tập trung nhiều doanh nghiệp còn vướng mắc trong công tác phòng cháy, chữa cháy.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã giảm lãi suất điều hành lần thứ 3 trong năm 2023, là tiền đề để giảm cả lãi suất huy động và cho vay, góp phần hỗ trợ doanh nghiệp. Bộ Công Thương yêu cầu EVN khẩn trương thỏa thuận giá tạm thời với các chủ đầu tư điện gió, điện mặt trời chuyển tiếp đã đấu nối lưới điện quốc gia. Trong ngày 3.6, Bộ Giao thông Vận tải đã quyết định cho phép tự động giãn chu kỳ kiểm định xe, theo đó, khoảng 2 triệu xe ôtô đến 9 chỗ không kinh doanh vận tải được lùi thời hạn kiểm định thêm 6 tháng.

“Chất vấn và xem xét việc trả lời chất vấn là hình thức giám sát đặc biệt hiệu quả, thể hiện đậm nét tính dân chủ, pháp quyền, chuyên nghiệp, công khai, minh bạch trong hoạt động của Quốc hội; là dịp để cử tri và nhân dân cả nước đánh giá năng lực, trách nhiệm, việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ của đại biểu Quốc hội và những người giữ chức vụ, chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn” - Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Trên cơ sở sự chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng, với thực tiễn phong phú trong ngành, lĩnh vực công tác và kinh nghiệm đã tích lũy trong quá trình hoạt động tại Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các đại biểu Quốc hội tiếp tục phát huy tinh thần “Tận tâm - Tận lực - Tích cực - Tâm huyết - Trách nhiệm” trong hoạt động chất vấn. Đề nghị các bộ trưởng, trưởng ngành nêu cao tinh thần trách nhiệm trước Quốc hội, trước cử tri và nhân dân cả nước, giải trình rõ ràng về nguyên nhân, trách nhiệm và biện pháp khắc phục, để phiên chất vấn thực sự hiệu quả, thực chất, có chiều sâu, mang tính xây dựng cao.

Phiên chất vấn không chỉ góp phần giải quyết kịp thời những vấn đề thời sự, cấp bách, mà còn nhận diện và đề xuất giải pháp cho những vấn đề căn cơ, lâu dài, tạo chuyển biến thực chất trong từng lĩnh vực được chất vấn. Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, việc đặt và trả lời câu hỏi chất vấn được tiến hành theo cách thức hỏi nhanh, đáp gọn: đại biểu Quốc hội nêu câu hỏi không quá 1 phút; tranh luận mỗi lần không quá 2 phút; người được chất vấn trả lời không quá 3 phút đối với mỗi câu hỏi. Các thành viên Chính phủ, các trưởng ngành liên quan tham gia giải trình theo điều hành của chủ tọa để làm rõ hơn những vấn đề chất vấn của đại biểu Quốc hội hoặc trả lời trực tiếp các câu hỏi thuộc nhóm vấn đề chất vấn.

“Với tinh thần làm việc hết sức tập trung, tâm huyết, thẳng thắn, cầu thị, sử dụng hiệu quả thời gian, tuân thủ nghiêm túc quy định của nội quy Kỳ họp Quốc hội, chúng ta tin tưởng rằng, phiên chất vấn và trả lời chất vấn sẽ thành công tốt đẹp, đáp ứng được yêu cầu thực tiễn, kỳ vọng của cử tri và nhân dân” - Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.

Sáng 6.6, sau phần phát biểu mở đầu của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, thành viên Chính phủ đầu tiên đăng đàn trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội là Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung.

Nhóm vấn đề chất vấn tập trung vào giải pháp phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển của các ngành, lĩnh vực.

Công tác quy hoạch, sắp xếp, tổ chức, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đào tạo của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, bảo đảm cung cấp đủ lao động có kỹ năng nghề tại các địa bàn, lĩnh vực trọng điểm.

Thực trạng việc làm cho người lao động và giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong tạo việc làm cho người lao động trong giai đoạn hiện nay.

Giải pháp khắc phục bất cập, hạn chế trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội (doanh nghiệp trốn đóng, chiếm dụng, nợ tiền bảo hiểm xã hội, tình trạng cấu kết, lập khống, làm giả hồ sơ hưởng chế độ bảo hiểm, chi sai chế độ...); Công tác quản lý Quỹ Bảo hiểm xã hội; giải pháp khắc phục tình trạng người lao động rút bảo hiểm xã hội một lần có xu hướng gia tăng.

Trả lời chất vấn cùng Bộ trưởng Đào Ngọc Dung có Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, bộ trưởng các bộ: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Giáo dục và Đào tạo, Nội vụ.

NHÓM PV
TIN LIÊN QUAN

Can thiệp kịp thời khi xảy ra sự cố rút tiền hàng loạt tại ngân hàng

NHÓM PV |

Ngày 5.6, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng trình bày tờ trình về dự án Luật Các tổ chức tín dụng (TCTD - sửa đổi). Dự thảo luật bổ sung việc xử lí nợ xấu, xử lí tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu; quy định về biện pháp xử lí khi có sự cố rút tiền hàng loạt tại ngân hàng.

Quốc hội chất vấn Bộ trưởng Lao động – Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung

PHẠM ĐÔNG |

Sáng 6.6, Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội  Đào Ngọc Dung đăng đàn trả lời những câu hỏi chất vấn của đại biểu Quốc hội về lĩnh vực lao động, thương binh và xã hội.

Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo nói về thông tin 79% sách giáo khoa được in trước đấu thầu

PHẠM ĐÔNG |

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) Nguyễn Kim Sơn cho biết, số lượng in 79% trong báo cáo của Bộ GDĐT là số liệu Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam chuẩn bị các điều kiện sẵn sàng để lựa chọn nhà thầu, không phải con số sách giáo khoa đã in trước khi đấu thầu.

Bộ Giao thông Vận tải đã chỉ đạo rà soát, đánh giá toàn bộ dự án BOT trên toàn quốc

Nhóm PV |

Những nhóm vấn đề nóng đang thu hút sự quan tâm của các đại biểu Quốc hội và cử tri gồm: giải pháp hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông vận tải; trách nhiệm quản lý Nhà nước trong hoạt động kiểm định... là những nội dung được Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải tiếp tục đăng đàn trả lời trong phiên sáng nay. 

Dân kẹt vùng lòng hồ, khu tái định cư vẫn dang dở

BẢO TRUNG |

Tại vùng lòng hồ Krông Pách thượng (xã Cư San, huyện M'Đrắk, tỉnh Đắk Lắk) - dự án thủy lợi của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đầu tư xây dựng, vẫn còn khoảng 100 hộ dân chưa được di dời, dù chậm tiến độ đã hơn 10 năm nay. Trong khi đó, khu tái định cư vẫn trong tình trạng dang dở, chưa hoàn thiện để đón dân...

Áp lực của tiền vệ Quang Hải

AN NGUYÊN |

Tiền vệ Quang Hải đang đối mặt với không ít áp lực sau mùa giải không thành công cùng Pau FC.

Dịch chồng dịch: Bệnh nhân tăng, bệnh viện chờ thuốc

NGUYỄN LY |

Thời điểm này đang bắt đầu vào mùa mưa ở các tỉnh phía Nam, đây cũng là mùa dịch bệnh sốt xuất huyết và tay chân miệng bùng phát. Ở các bệnh viện tuyến cuối tại TP Hồ Chí Minh, công tác điều trị đang vô cùng nóng do số lượng bệnh nhân đông.

Lý do ông trùm Thảo lụi và đàn em bị khởi tố tội Hủy hoại tài sản

PHAN THÀNH |

Bình Thuận – Ngoài Nguyễn Văn Thảo (tức Thảo lụi) bị khởi tố, bắt tạm giam, còn có 4 đối tượng được xác định đồng phạm trong vụ án đã bị Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) Công an TP Phan Thiết ra quyết định khởi tố, ra Lệnh bắt tạm giam và được Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND) cùng cấp phê chuẩn.

Can thiệp kịp thời khi xảy ra sự cố rút tiền hàng loạt tại ngân hàng

NHÓM PV |

Ngày 5.6, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng trình bày tờ trình về dự án Luật Các tổ chức tín dụng (TCTD - sửa đổi). Dự thảo luật bổ sung việc xử lí nợ xấu, xử lí tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu; quy định về biện pháp xử lí khi có sự cố rút tiền hàng loạt tại ngân hàng.

Quốc hội chất vấn Bộ trưởng Lao động – Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung

PHẠM ĐÔNG |

Sáng 6.6, Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội  Đào Ngọc Dung đăng đàn trả lời những câu hỏi chất vấn của đại biểu Quốc hội về lĩnh vực lao động, thương binh và xã hội.

Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo nói về thông tin 79% sách giáo khoa được in trước đấu thầu

PHẠM ĐÔNG |

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) Nguyễn Kim Sơn cho biết, số lượng in 79% trong báo cáo của Bộ GDĐT là số liệu Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam chuẩn bị các điều kiện sẵn sàng để lựa chọn nhà thầu, không phải con số sách giáo khoa đã in trước khi đấu thầu.