Bộ Giao thông Vận tải đã chỉ đạo rà soát, đánh giá toàn bộ dự án BOT trên toàn quốc

Nhóm PV |

Những nhóm vấn đề nóng đang thu hút sự quan tâm của các đại biểu Quốc hội và cử tri gồm: giải pháp hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông vận tải; trách nhiệm quản lý Nhà nước trong hoạt động kiểm định... là những nội dung được Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải tiếp tục đăng đàn trả lời trong phiên sáng nay. 

9h35: Quốc hội nghỉ giải lao

9h30: Nếu ở vùng lõi tiếp tục mọc lên các chung cư cao tầng thì tình trạng ùn tắc sẽ tiếp tục tiếp diễn

Chất vấn, Đại biểu Quốc hội Trần Văn Tiến (đoàn Vĩnh Phúc) cho biết, nhiều đoạn tuyến cao tốc, đường bộ đã được đầu tư giai đoạn 1 không đáp ứng tiêu chuẩn tối thiểu của đường cao tốc. Những đoạn tuyến này thường xuyên ùn tắc và gây tai nạn giao thông.

Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết giải pháp trong thời gian tới?

“Để hạn chế phát triển phương tiện giao thông cá nhân nhằm giảm áp lực lên hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, nhất là tại các đô thị và các khu vực tập trung đông người. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết, trong thời gian tới sẽ có giải pháp như nào?”, ông đặt câu hỏi.

Trả lời, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho rằng, về vấn đề ùn tắc giao thông tại Hà Nội, TPHCM, đây là vấn đề lớn, xuất phát từ nhiều nguyên nhân, cần giải quyết tháo gỡ về lâu dài, không thể hoàn thành một sớm một chiều.

Bộ trưởng cho rằng, cần kiểm soát, quản lý chặt chẽ việc quy hoạch đô thị gắn với quy mô dân số. Nếu ở vùng lõi tiếp tục mọc lên các chung cư cao tầng thì tình trạng ùn tắc sẽ tiếp tục tiếp diễn.

Trong quá trình quản lý quy hoạch đô thị thì cần chú trọng đến đất giao thông. Bộ trưởng cho rằng, đất giao thông cần từ 16 đến 26% đất đô thị, tuy nhiên, hiện nay, chúng ta chỉ dành khoảng 8 đến 9%.

Bên cạnh đó, việc phát triển phương tiện công cộng cũng là vấn đề cấp thiết, trong đó, đường sắt đô thị cần tiếp tục quan tâm đẩy mạnh, thúc đẩy tiến độ, cần tổ chức sắp xếp để mở rộng không gian, triển khai quyết liệt các tuyến đường vành đai, tuyến tránh.

Khắc phục tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực trong sát hạch, cấp, đổi giấy phép lái xe

9h25: Đặt câu hỏi chất vấn, Đại biểu Quốc hội Tráng A Dương (đoàn Hà Giang) cho biết, việc quản lý tốt, nâng cao chất lượng đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe là một trong những yếu tố quan trọng, góp phần giúp người điều khiển phương tiện tham gia giao thông an toàn, qua đó giảm thiểu số vụ tai nạn giao thông có thể xảy ra.

Tuy nhiên, trong thời gian qua, tại một số địa phương xảy ra tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà, tiêu cực trong công tác đào tạo, sát hạch, cấp, đổi giấy phép lái xe gây bức xúc trong dư luận. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết những giải pháp khắc phục tình trạng trên?

Về nhũng nhiễu, phiền hà, tiêu cực trong việc cấp giấy phép lái xe, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải cho biết, Bộ đang phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, đặc biệt là Bộ Công an trong việc ứng dụng công nghệ thông tin vào cung ứng dịch vụ công.

Việc cấp đổi gần như đã được liên thông toàn bộ dữ liệu, có thể đăng ký cấp đổi qua mạng. Đối với việc đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe, qua việc thanh, kiểm tra trong thời gian qua, Bộ đã nhận diện được vấn đề.

Trong thời gian tới, cùng với việc hoàn thiện thể chế, Bộ sẽ tiếp tục tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, đặc biệt trong phân định trách nhiệm của Bộ Giao thông Vận tải, Sở Giao thông Vận tải các tỉnh trong thanh tra, kiểm tra đào tạo, cấp phép lái xe.

Đến nay, toàn bộ hoạt động đào tạo, cấp phép lái xe đã được phân cấp xuống địa phương, Bộ chỉ thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước. Bộ sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với UBND cấp tỉnh, chỉ đạo các Sở Giao thông Vận tải khắc phục triệt để vấn đề này.

Bộ đã chỉ đạo rà soát, đánh giá toàn bộ dự án BOT trên toàn quốc

9h20: Phát biểu tại phiên chất vấn, đại biểu Trịnh Xuân An - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai nhận thấy, một số dự án mà Bộ trưởng nêu ra chưa có thời gian, thời hạn, chưa có khẳng định cụ thể, nhất là đối với các dự án BOT.

Do đó, đại biểu đề nghị, với nhiều dự án, Bộ trưởng cần có cam kết hết sức cụ thể để người dân, doanh nghiệp và nhà đầu tư yên tâm.

Liên quan đến huy động nguồn lực cho giao thông, đại biểu Trịnh Xuân An cho rằng, trong phát triển kết cấu đường giao thông không thể cái gì cũng dùng ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, trước thực trạng Luật PPP ban hành vừa qua, chúng ta phải chuyển dự án từ đầu tư PPP sang đầu tư công.

Đại biểu nhận thấy, nêu không có giải pháp căn cơ để huy động được nguồn lực phát triển kết cấu đường giao thông thì sẽ rất khó khăn cho đất nước ta.

Giải pháp mà Bộ trưởng đã đưa ra như kêu gọi xúc tiến đầu tư chỉ là một phần, còn vấn đề liên quan đến thể chế chính sách, nhất là quy định về tỉ lệ vốn Nhà nước trong Luật PPP, quy định của Luật Ngân sách, Luật Xây dựng, Luật Giao thông đường bộ liên quan đến chi ngân sách ở Trung ương và địa phương còn nhiều điểm vướng.

Do vậy, đại biểu Trịnh Xuân An đề nghị, Bộ trưởng phải tổng kết, đánh giá và tham mưu cho Chính phủ, báo cáo cơ quan có thẩm quyền để xử lý vấn đề liên quan đến thể chế để khơi dậy nguồn lực, sự cần thiết cho phát triển giao thông trong thời gian tới.

Đại biểu Trịnh Xuân An - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai tranh luận. Ảnh: Quốc hội
Đại biểu Trịnh Xuân An - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai tranh luận. Ảnh: Quốc hội

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng chia sẻ, Bộ cũng rất trăn trở về vướng mắc tại các dự án BOT. Bộ trưởng đã tổng kết đánh giá và thời gian tới sẽ tiếp tục tham mưu Chính phủ, tháo gỡ triệt để rào cản, vướng mắc trong lĩnh vực BOT, từ thể chế, chính sách đến vấn đề cụ thể.

"Phải tạo lòng tin cho doanh nghiệp, tháo gỡ vướng mắc để doanh nghiệp BOT tự tin bỏ nguồn lực", ông Thắng nhấn mạnh.

Nêu nhiều giải pháp, ông Thắng cho biết, Bộ đã chỉ đạo rà soát, đánh giá, không chỉ với 8 dự án BOT đang gặp khó khăn mà toàn bộ dự án BOT trên toàn quốc, gồm cả dự án ở Trung ương và địa phương, để có bức tranh toàn cảnh, từ đó đề ra giải pháp.

Sau khi tổng hợp ý kiến địa phương và nhận diện các vấn đề, Bộ sẽ trình lại phương án xử lý với 8 dự án BOT trước đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội.

Cán bộ, lãnh đạo Cục Đăng kiểm cấu kết với các trung tâm đăng kiểm nên không thể "lấy đá ghè chân mình"

9h10: Trao đổi lại ý kiến của đại biểu Leo Thị Lịch (đoàn Bắc Giang), Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng chia sẻ, khi xã hội hóa hàng loạt trung tâm đăng kiểm đã xảy ra hiện tượng tiêu cực là xe hết niên hạn vẫn được đưa vào sử dụng.

Ông cho rằng, nguyên nhân sai phạm của các trung tâm đăng kiểm là do chưa phản ứng kịp thời với thay đổi của chính sách.

Bộ trưởng dẫn chứng Nghị định 139 của Chính phủ có quy hoạch mạng lưới đăng kiểm nhưng khi Luật Quy hoạch ra đời, các quy hoạch ngành đương nhiên không còn hiệu lực nên trung tâm đăng kiểm ở các địa phương nở rộ.

Theo Bộ trưởng, chỉ trong vòng 2 năm, trung tâm đăng kiểm tăng lên 281, vượt cả mạng lưới đăng kiểm đến năm 2030. Chính vì việc trung tâm đăng kiểm nở rộ nên cạnh tranh không lành mạnh rồi dẫn đến hiện tượng tiêu cực.

Ông Thắng khẳng định trong câu chuyện này có tham ô, cấu kết, có trách nhiệm và vấn đề đạo đức của các bộ phận từ lãnh đạo cấp phòng đến lãnh đạo Cục Đăng kiểm Việt Nam.

Cán bộ, lãnh đạo Cục Đăng kiểm cấu kết với các trung tâm đăng kiểm để thực hiện này.

“Việc này đã vô hiệu hóa hiệu quả của công tác kiểm tra giám sát. Bởi vì khi họ cấu kết với nhau, họ không thể “lấy đá ghè chân mình”, ông Thắng thông tin.

Ông Thắng cho biết, nhận diện được vấn đề này, Nghị định 139 sửa đổi đã đưa vào yếu tố kiểm soát việc mở trung tâm đăng kiểm tại địa phương; phân quyền cấp phép mở dịch vụ đăng kiểm cho Sở GTVT các địa phương và siết chặt quy định kiểm soát công tác đăng kiểm.

Thanh tra vào kiểm tra chỉ trên hồ sơ, hồ sơ đẹp nhưng vẫn sai phạm

9h: Đại biểu Nguyễn Thành Nam (đoàn Phú Thọ) tranh luận về trách nhiệm quản lý nhà nước trong hoạt động đăng kiểm cũng như việc thanh tra, giám sát kịp thời để tránh nhu cầu đăng kiểm tăng cao dễ bị lợi dụng.

Bộ trưởng Bộ giao thông Vận tải cho biết, hoạt động đăng kiểm tương đối khép kín nên khi thanh tra vào, kiểm tra chỉ trên hồ sơ; trong khi sai phạm, vi phạm không nằm trong hồ sơ; hồ sơ đẹp nhưng vẫn sai phạm.

Ông cho biết, có lỗ hổng trong công nghệ thông tin khi kiểm tra phương tiện nhưng do bảo mật kém nên bị lợi dụng; các trung tâm đăng kiểm dùng phần mềm can thiệp làm thay đổi số liệu mà nếu nghiệp vụ thanh tra bình thường thì không thể phát hiện được.

Theo ông Thắng, việc tiêu cực nhận tiền, tham ô, tham nhũng ở bên ngoài nên khó khăn cho công tác thanh tra. Dù vậy, không thể phủ nhận thanh tra làm chưa hết trách nhiệm, kiểm tra có thực chất hay không.

Bộ trưởng cũng tự đặt câu hỏi: Chúng ta đã nâng cao được năng lực, trình độ của thanh tra viên chưa?. Ông kể lại, khi nhận nhiệm vụ, ông yêu cầu làm ngay 2 việc là thanh tra hệ thống đăng kiểm và thanh tra việc đào tạo cấp phép lái xe.

“Khi anh em về báo cáo có nội dung không làm được là chỉ kết luận có dấu hiệu sai phạm can thiệp vào hệ thống giám sát thời gian và quãng đường lái xe. Tôi không chịu và khẳng định đó là do không làm tròn trách nhiệm. Nhiều vụ việc khó khăn, phức tạp mà Bộ Công an, Ủy ban Kiểm tra Trung ương làm được sao thanh tra không làm được?”, ông Thắng nói.

Ông khẳng định đã yêu cầu tập trung lực lượng nên vừa qua  bắt đầu làm có hiệu quả.

Thời gian tới, ông Thắng cho biết, sẽ siết rất chặt các quy định liên quan.

Nghị định 139 vừa được ban hành là điều kiện, cơ sở để thanh, kiểm tra được quản lý tốt hơn, quy định rõ trách nhiệm của các đơn vị, cá nhân.

Sẽ có 3 vòng kiểm soát với hoạt động đăng kiểm

8h55: Trả lời về hoạt động cấp phép cho các trung tâm đăng kiểm, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng, hiện nay sẽ có 3 vòng kiểm soát với hoạt động đăng kiểm: Thanh tra Bộ, Thanh tra Cục Đăng kiểm và Thanh tra của Sở Giao thông Vận tải các tỉnh, thành phố.

Thực hiện Nghị định 139 mà Chính phủ vừa ký, quy định rất rõ thẩm quyền của Sở Giao thông Vận tải các tỉnh, thành phố trong việc quản lý, kiểm tra, thanh tra các trung tâm đăng kiểm.

Cùng với đó, lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải đã phân cấp toàn bộ việc cấp phép hoạt động cho các trung tâm đăng kiểm theo hướng phân quyền cho các địa phương để địa phương cấp phép, chứ không phải Cục Đăng kiểm. Còn Cục Đăng kiểm Việt Nam chỉ làm nhiệm vụ quản lý Nhà nước về hoạt động đăng kiểm.

Địa phương muốn kêu gọi đầu tư PPP để nâng cấp sân bay Côn Đảo

8h50: Tranh luận về các dự án BOT, đại biểu Huỳnh Thị Phúc (Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) cho biết, trong các nội dung Bộ trưởng giải trình liên quan đến hạ tầng giao thông, doanh thu của các dự án BOT, đại biểu băn khoăn, các dự án BOT dừng thu phí trong khi chờ Bộ Giao thông Vận tải triển khai các thủ tục xác lập tài sản thuộc sở hữu toàn dân, tuy nhiên, khi tuyến quốc lộ này xuống cấp, cơ quan nào sẽ chịu trách nhiệm duy tu bảo quản, đảm bảo an toàn trên tuyến đường này?

Ngoài ra, đại biểu Huỳnh Thị Phúc cũng đề nghị Bộ Giao thông vận tải cho biết, khi nào sẽ khởi công dự án nâng cấp, mở rộng sân bay Côn Đảo để giao thông giữa đảo và đất liền thuận lợi hơn?

Trả lời đại biểu Huỳnh Thị Phúc về xử lý các dự án BOT, Bộ trưởng cho biết, với quốc lộ 51, Bộ đã yêu cầu doanh nghiệp thực hiện dự án bàn giao nhưng doanh nghiệp chưa chịu bàn giao.

“Chúng tôi đang yêu cầu quyết liệt phải bàn giao để Bộ tiếp quản, bảo trì. Nếu doanh nghiệp không bàn giao, Bộ sẽ chỉ đạo việc tiếp quản, quản lý, chỗ nào hỏng hóc thì Bộ bỏ tiền ra sửa và những chi phí này sau đó sẽ được tính toán với doanh nghiệp”, ông Thắng cho biết và nói thêm, đại biểu có thể yên tâm, nếu công trình có vấn đề sẽ được xử lý.

Về việc nâng cấp sân bay Côn Đảo, Bộ đã đưa vào kế hoạch đầu tư công trung hạn nhưng khi báo cáo Chính phủ, Thủ tướng cũng có băn khoăn. Thủ tướng cho rằng, việc nâng cấp phải toàn diện. Nếu đường băng vẫn giữ nguyên độ dài hơn 1,8 km thì “chưa yên tâm lắm”.

Qua trao đổi với Bí thư tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, Bộ trưởng cho biết, địa phương mong muốn giao cho tỉnh là cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để kêu gọi đầu tư PPP, khi đó mới thực hiện nâng cấp sân bay Côn Đảo được, còn hiện nay vẫn đang khai thác sân bay bình thường.

Bộ trưởng có biết có tình trạng bôi trơn chống trượt trong việc cấp giấy phép lái xe?

8h45: Đại biểu Lý Văn Huấn (Thái Nguyên) tranh luận với Bộ trưởng về chất lượng công tác thanh tra.

Liên quan đến vi phạm trong công tác đăng kiểm, đại biểu cho biết, cơ quan điều tra các tỉnh đã khởi tố 68 vụ với hơn 600 bị can liên quan đến đăng kiểm viên. Vi phạm trong sát hạch giấy phép lái xe đã khởi tố đến 2 con số.

“Tôi biết thanh tra chuyên ngành của Bộ cũng như các Sở Giao thông Vận tải. Hôm qua, Bộ trưởng có trả lời liên quan chỉ đạo thanh tra tại 63 tỉnh, thành mà qua thanh tra không phát hiện vi phạm.

Bộ trưởng có nói 6 vụ vi phạm liên quan đến sát hạch cấp giấy phép lái xe giao cơ quan điều tra xem xét. Bộ trưởng nghĩ gì về chất lượng thanh tra? Do chất lượng thanh tra viên hay do nể nang né tránh, hay do một áp lực gì khác khi qua thanh tra không phát hiện được vi phạm để cơ quan điều tra khởi tố”, đại biểu Huấn đặt câu hỏi.

Liên quan đến công tác sát hạch cấp giấy phép lái xe tại một số tỉnh mà cơ quan điều tra đã khởi tố, trong đó có việc bôi trơn chống trượt, Bộ trưởng có biết việc này hay không? Về việc này, công tác chỉ đạo của Bộ trưởng thế nào? Giải pháp tới đây để nâng cấp chất lượng thanh tra?

Đại biểu Lý Văn Huấn - Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên. Ảnh: Quốc hội
Đại biểu Lý Văn Huấn - Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên. Ảnh: Quốc hội

Xã hội hóa đến mức mất kiểm soát để trung tâm đăng kiểm lộng hành

8h40: Phát biểu tranh luận, đại biểu Leo Thị Lịch (đoàn Bắc Giang) cho biết nội dung liên quan đến sai phạm của đăng kiểm xe cơ giới. Tất cả các biện pháp giải quyết việc thiếu đăng kiểm, ùn tắc kiểm định mấy tháng qua như Bộ trưởng đã nói, chỉ cần đào tạo lãnh đạo cho các trung tâm đăng kiểm là xong và không lo. Như vậy, các trung tâm đăng kiểm sẽ hoạt động trở lại bình thường.

Đại biểu Huỳnh Thị Phúc - Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tranh luận. Ảnh: Quốc hội
Đại biểu Huỳnh Thị Phúc - Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tranh luận. Ảnh: Quốc hội

Đại biểu rất đồng tình và hoan nghênh sự chỉ đạo, tham mưu cho Chính phủ mà Bộ trưởng thực hiện để tháo gỡ khó khăn. Tuy nhiên, như vậy, Bộ trưởng mới chỉ giải quyết được phần ngọn của vấn đề. Còn phần gốc trọng tâm của vấn đề thì Bộ trưởng chưa trả lời làm rõ là “nguyên nhân dẫn đến sự việc đã rồi thì phải giải quyết tháo gỡ trong thời gian vừa qua”.

Về trách nhiệm quản lý nhà nước của cơ quan chuyên ngành khi để xảy ra hàng hoạt vi phạm ở các trung tâm kiểm định trước thời điểm phát hiện sai phạm, việc này có phải là khi thực hiện xã hội hóa các trung tâm kiểm định xe cơ giới thiếu sự kiểm tra, giám sát của cơ quan quản lý nhà nước?.

“Thời gian qua đã để xã hội hóa đến mức mất kiểm soát, để các trung tâm đăng kiểm tự do lộng hành. Điển hình như hàng nghìn xe ô tô hết niên hạn sử dụng phải nộp đăng ký biển số và bị cấm lưu thông nhưng hàng nghìn xe đó vẫn được cấp giấy kiểm định và ngang nhiên lưu thông gây nhiều hiểm họa cho người dân trong tham gia giao thông”, đại biểu nói.

Bà Lịch dẫn chứng vụ xe ô tô hết niên hạn đón đưa học sinh xảy ra tai nạn trong thời gian qua. Với vai trò quản lý nhà nước, Bộ trưởng có suy nghĩ gì về trách nhiệm quản lý trong vấn đề này và đề nghị Phó Thủ tướng làm rõ hơn và rút ra bài học gì trong quản lý công tác chuyên ngành?.

Sự cố xảy ra đối với lĩnh vực đăng kiểm hết sức đau xót nhưng không thể khắc phục được ngay

8h15: Đại biểu Trần Thị Kim Nhung (Quảng Ninh) cho rằng, Bộ trưởng chưa làm rõ có hay không sự chậm trễ của Bộ Giao thông Vận tải trong việc chủ động đưa ra hoặc phối hợp với các cơ quan, bộ ngành địa phương về phương án ứng phó thay thế, tạm dừng hoạt động trong trường hợp thiếu đăng kiểm viên. Đại biểu cho rằng, đây không phải là sự cố bất thường, thiên tai, thảm họa, có sự chủ động của cơ quan hữu quan.

Đại biểu Trần Thị Kim Nhung - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh. Ảnh: Quốc hội
Đại biểu Trần Thị Kim Nhung - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh. Ảnh: Quốc hội

Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng cho biết, sự việc xảy ra tại Cục Đăng kiểm Việt Nam và các trung tâm đăng kiểm là sự cố hết sức đau xót đối với lĩnh vực đăng kiểm và ngành giao thông.

Bộ Giao thông Vận tải có trách nhiệm cùng với Cục Đăng kiểm về những sai phạm xảy ra trong hoạt động đăng kiểm.

Công tác điều tra, khởi tố vụ án, bắt giam các bị can do công an các địa phương thực hiện chứ không phải Bộ Công an làm. Với tinh thần là khi xảy ra tại đâu thì Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải trực tiếp trao đổi, báo cáo với Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm để có hướng giải quyết.

Ví dụ, khi cơ quan công an khám xét trung tâm đăng kiểm, Bộ có văn bản đề nghị Bộ Công an khi thu giữ máy móc, thiết bị, tài liệu niêm phong phục vụ cho công tác điều tra thì làm sớm, làm nhanh rồi bàn giao lại trung tâm đăng kiểm để Cục Đăng kiểm tiếp quản và bố trí lực lượng.

Tuy nhiên, theo ông Thắng, có đến 75% các trung tâm đăng kiểm của doanh nghiệp tư nhân. Do đó không phải muốn khôi phục là làm được ngay.

Ngoài ra, lực lượng bị khởi tố, bắt giam là đăng kiểm viên bậc cao, một trung tâm thường chỉ có một người. Người này giữ vai trò lãnh đạo, kiểm soát hoạt động của trung tâm đăng kiểm nên không thể thay thế được.

Bởi lẽ để có một đăng kiểm viên bậc cao phải mất từ 1-1,5 năm, chưa kể thời gian học đại học. Do vậy, ông Thắng cho rằng, không thể trong một thời gian ngắn có thể bố trí nhân lực để khôi phục ngay hoạt động của trung tâm đăng kiểm.

Về trách nhiệm của Bộ, ông Thắng cho biết, đã chỉ đạo ngay từ đầu khi các vụ việc xảy ra, đồng thời có các giải pháp ngắn hạn, dài hạn, đã cơ bản giải quyết được tình hình.

Bỏ mấy nghìn tỉ nâng cấp đường băng sân bay là sự lãng phí, đề xuất giảm chi phí logistic

8h10: Phát biểu tranh luận với Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (đoàn Bình Định) cho biết, chi phí logistic rất cao, trung bình 16,8-17% trên giá trị hàng hóa, thậm chí có mặt hàng doanh nghiệp phải trả đến 20-25%.

Theo đại biểu, để giảm gánh nặng này cần giải quyết từng khâu một, những vấn đề dù rất nhỏ nhưng nếu lưu tâm có thể tìm ra cách tốt hơn giảm chi phí, nâng cao hiệu quả.

Đại biểu lấy ví dụ số lần cất cánh, hạ cánh của sân bay Tân Sơn Nhất sau khi sửa chữa ít hơn trước khi sửa. Đại biểu cho rằng, bỏ mấy nghìn tỉ nâng cấp đường băng sân bay là sự lãng phí, do vậy, Bộ trưởng cần lưu ý trong việc giảm chi phí logistic ở Việt Nam.

Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định tranh luận. Ảnh: Quốc hội
Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định tranh luận. Ảnh: Quốc hội

Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết, hiện nay, theo thông lệ quốc tế, chi phí logistic đều được so sánh với GDP.

Năm 2022, chi phí logistic của nước ta đang là 16,8% GDP, còn cao so với bình quân chung. Tuy nhiên, chỉ tiêu này cũng tiệm cận với chỉ tiêu tối thiểu Chính phủ đề ra tại chiến lược phát triển logistic của Việt Nam (đến năm 2025, chi phí logistic chiếm từ 16-20%).

Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng trả lời chất vấn. Ảnh: Quốc hội
Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng trả lời chất vấn. Ảnh: Quốc hội

Theo ông Thắng, thực tế dư địa để nước ta giảm logistic còn rất nhiều. Thời gian tới, Bộ sẽ phối hợp với Bộ Công Thương, các bộ, ngành liên quan để giải quyết một số giải pháp như tập trung phát triển hạ tầng giao thông đồng bộ, phát triển cảng cạn, trung tâm logistic để đẩy mạnh vận tải đa phương thức.

Bộ sẽ phối hợp với các địa phương để phân cấp, phân quyền trong việc đầu tư khai thác hạ tầng để tránh dàn trải, cạnh tranh không lành mạnh. Ông Thắng cũng thừa nhận, tần suất hạ cánh của sân bay Tân Sơn Nhất như đại biểu nêu là rất đúng khi đường hạ cánh xuống cấp. Tuy nhiên, việc nâng cấp đường băng để đảm bảo cất, hạ cánh an toàn.

8h: Quốc hội tiếp tục phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng.

Sáng 8.6, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng và các thành viên Chính phủ liên quan tiếp tục trả lời chất vấn đối với nhóm vấn đề thứ tư thuộc lĩnh vực giao thông vận tải, tập trung vào những nội dung sau:

- Giải pháp hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, hạn chế tai nạn giao thông trong cả nước, giảm ùn tắc giao thông tại các thành phố lớn.

- Trách nhiệm quản lý nhà nước trong hoạt động kiểm định; giải pháp tháo gỡ khó khăn, nâng cao chất lượng công tác kiểm định phương tiện cơ giới đường bộ, đường thủy nội địa.

- Quản lý hoạt động vận tải, chất lượng phương tiện; công tác đào tạo, sát hạch, cấp, thu hồi và quản lý giấy phép điều khiển phương tiện giao thông đường bộ, đường thủy nội địa.

Tiếp đó, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái làm rõ các vấn đề liên quan và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.

Cuối phiên làm việc buổi sáng, Chủ tịch Quốc hội phát biểu kết thúc phiên chất vấn và trả lời chất vấn.

Chiều cùng ngày, Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2024.

Sau đó, đại biểu Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.

Nhóm PV
TIN LIÊN QUAN

Giảm 50% phí trước bạ với ôtô trong nước, áp dụng từ 1.7 đến hết năm

PHẠM ĐÔNG |

Bộ Tài chính được giao chủ trì, khẩn trương xây dựng dự thảo Nghị định về thu lệ phí trước bạ với ôtô sản xuất, lắp ráp trong nước tương tự hai nghị định trước đó, tức giảm 50% mức thu cho xe trong nước, áp dụng từ ngày 1.7 đến hết năm nay.

Bộ trưởng trả lời đúng, trúng nhiều điểm nghẽn nóng của ngành giao thông

NHÓM PV |

Các đại biểu Quốc hội đánh giá, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng đã trả lời đúng, trúng câu hỏi của đại biểu - và đó đều là những vấn đề rất nóng hiện nay của ngành giao thông.

"Hoạt động đăng kiểm chắc chắn sẽ quay trở lại bình thường"

NHÓM PV |

Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng trả lời về trách nhiệm quản lý nhà nước trong hoạt động kiểm định; công tác đào tạo, sát hạch, cấp, thu hồi và quản lý giấy phép điều khiển phương tiện giao thông đường bộ, đường thủy nội địa...

Bụi mù mịt bên trong công ty có 3 người chết vì bụi phổi

QUANG ĐẠI |

Những hình ảnh từ clip được quay tại dây chuyền sản xuất bột đá của Công ty TNHH Châu Tiến (Khu Công nghiệp Nam Cấm – Nghệ An) cho thấy: Có lượng bụi rất lớn phát tán, ảnh hưởng nghiêm trọng đến người lao động. Châu Tiến là doanh nghiệp đã có 3 người chết, 5 người nguy kịch vì bụi phổi.

Bức họa vùng cao mùa nước đổ ở Lào Cai

Ý Yên |

Bình minh lên, những thửa ruộng bậc thang ở Y Tý, Lào Cai loang loáng màu của nắng, của trời và điểm xuyết vệt vàng của phù sa, sắc xanh của lá mạ.

Dân đi ngược chiều bất chấp phân luồng tuyến đường trung tâm TPHCM

HỮU CHÁNH |

TP Hồ Chí Minh - Phớt lờ biển cấm lưu thông ngược chiều tại đường Yersin (Quận 1), nhiều người dân bất chấp nguy hiểm đi vào đường cấm.

Mỹ nhân Việt cãi nhau như chợ vỡ trên truyền hình là chiêu trò đã cũ

Bình An |

Màn cãi vã tranh giành chỗ đứng ầm ĩ suốt những ngày qua giữa cựu siêu mẫu Anh Thư, Vũ Thu Phương và Hoa hậu Kỳ Duyên, Minh Triệu là chiêu trò rất cũ của The Face.

Sống thấp thỏm bên những dòng sông chờ lở

NHÓM PV |

Tình hình sạt lở tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang diễn ra ngày càng dồn dập trên diện rộng với mức độ nguy hiểm và thiệt hại ngày càng lớn. Không chỉ ở thượng nguồn mà cả ở vùng hạ lưu sông Mekong, sông Vàm Cỏ. Sạt lở cả trong mùa khô, sạt lở từ biển Đông đến biển Tây...

Giảm 50% phí trước bạ với ôtô trong nước, áp dụng từ 1.7 đến hết năm

PHẠM ĐÔNG |

Bộ Tài chính được giao chủ trì, khẩn trương xây dựng dự thảo Nghị định về thu lệ phí trước bạ với ôtô sản xuất, lắp ráp trong nước tương tự hai nghị định trước đó, tức giảm 50% mức thu cho xe trong nước, áp dụng từ ngày 1.7 đến hết năm nay.

Bộ trưởng trả lời đúng, trúng nhiều điểm nghẽn nóng của ngành giao thông

NHÓM PV |

Các đại biểu Quốc hội đánh giá, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng đã trả lời đúng, trúng câu hỏi của đại biểu - và đó đều là những vấn đề rất nóng hiện nay của ngành giao thông.

"Hoạt động đăng kiểm chắc chắn sẽ quay trở lại bình thường"

NHÓM PV |

Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng trả lời về trách nhiệm quản lý nhà nước trong hoạt động kiểm định; công tác đào tạo, sát hạch, cấp, thu hồi và quản lý giấy phép điều khiển phương tiện giao thông đường bộ, đường thủy nội địa...