Đây là lần thứ 2 kể từ khi bùng phát chiến sự ở Ukraina giữa Nga và Ukraina, ông Guterres và ông Erdogan đến Ukraina. Mục đích chung của họ là trao đổi với ông Zelensky về khả năng tiến hành thương thảo hoà bình giữa Ukraina và Nga nhằm tìm kiếm giải pháp chính trị hoà bình cho cuộc chiến ở Ukraina.
Chủ đề nội dung thứ hai trên chương trình nghị sự của cuộc gặp ba bên này là chuyện nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia ở Ukraina. Hiện tại, Nga kiểm soát nhà máy điện hạt nhân lớn nhất này ở Ukraina. Nhưng nhà máy ở khu vực giao tranh quân sự giữa Nga và Ukraina mới rồi đã bị bên nào đó bắn pháo vào. Cả Châu Âu giờ vô cùng lo ngại về khả năng nhà máy này bị ai đó tấn công hoặc bị bom rơi đạn lạc khiến hư hại và rò rỉ phóng xạ hạt nhân.
Cả ông Erdogan lẫn ông Guterres đều chủ ý sử dụng hoạt động ngoại giao trung gian hoà giải giữa Nga và Ukraina để gây dựng và tăng cường vai trò, ảnh hưởng và uy tín quốc tế cho Thổ Nhĩ Kỳ và Liên Hợp Quốc.
Họ kỳ vọng lặp lại thành tích đã đạt được với thoả thuận trước đó giữa Nga và Ukraina, ký kết ở thành phố Istanbul của Thổ Nhĩ Kỳ, về xuất khẩu lương thực của Ukraina bằng vận tải hàng hải.
Cho tới nay, đó là thoả thuận duy nhất đã đạt được giữa Nga và Ukraina. Thoả thuận cũng là bằng chứng về việc cho tới nay mới chỉ có Thổ Nhĩ Kỳ và Liên Hợp Quốc gặt hái thành công nhất định với vai trò ngoại giao trung gian hoà giải giữa Ukraina và Nga.
Không như trước đấy ở Istanbul, lần này ở Ukraina, ông Erdogan và ông Guterres không đạt được kết quả gì trong cả hai chủ đề nội dung nói trên. Nguyên do ở chỗ cả Nga lẫn Ukraina hiện đều chưa sẵn sàng và chưa đủ mức độ thiện chí để đi vào đàm phán với nhau về giải pháp chính trị hoà bình giúp nhanh chóng chấm dứt cuộc chiến ở Ukraina.
Cả hai bên hiện đều vẫn chủ trương duy trì và gia tăng chiến sự để giành lợi thế trên thực địa và gây dựng ưu thế lấn lướt cho đàm phán hoà bình sau này. Cả hai cũng đều có mưu tính sách lược riêng khi công cụ hoá mối nguy hiểm ở nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzia.
Ukraina dùng nó để thúc ép các nước phương Tây tăng cường mạnh mẽ viện trợ quân sự và tài chính cho Ukraina. Nga dùng chuyện này để cảnh báo phương Tây về hệ luỵ tai hại của việc giúp Ukraina duy trì cuộc chiến với Nga ở Ukraina.
Nga và Ukraina chấp nhận để cho Thổ Nhĩ Kỳ và Liên Hợp Quốc trung gian hoà giải vì có thể tận lợi được từ chính Liên Hợp Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ để tranh thủ và chiếm lĩnh dư luận quốc tế.
Nga tạo cơ hội cho ông Erdogan làm bàn, ghi điểm về đối ngoại để vừa tranh thủ Thổ Nhĩ Kỳ vừa phân rẽ thành viên này của NATO với NATO và các thành viên khác của NATO.
Tuy không thành công với sứ mệnh ngoại giao trung gian hoà giải lần này, chuyến đi Ukraina vẫn có lợi cho ông Erdogan và ông Gutteres. Cả hai củng cố vai trò đặc biệt đã gây dựng được trong chuyện trung gian hoà giải giữa Nga và Ukraina mà xem ra không có đối tác nào khác rồi đây có thể sánh bằng hay ganh đua nổi. Cả hai chắc được chân cho Liên Hợp Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ trong quá trình giải quyết cuộc chiến ở Ukraina nếu Nga và Ukraina cần đến tác động trung gian hoà giải của bên ngoài.
Ông Erdogan hăng hái với việc trung gian giữa Nga và Ukraina vì có nhu cầu đặc biệt cấp thiết về dùng đối ngoại phục vụ đối nội. Ở Thổ Nhĩ Kỳ sắp có những cuộc bầu cử quan trọng quyết định tương lai quyền lực của ông Erdogan và đảng AKP của người này.
Mức độ tín nhiệm của dân Thổ Nhĩ Kỳ đối với ông Erdogan và đảng AKP tiếp tục sa sút nghiêm trọng. Thổ Nhĩ Kỳ hiện bị khủng hoảng nặng nề về kinh tế và tiền tệ. Nga vẫn là đối tác rất quan trọng đối với Thổ Nhĩ Kỳ nên ông Erdogan dẫu buộc phải theo NATO lên án nhưng không tham gia trừng phạt Nga mà vẫn phải tranh thủ Nga.
Tuy không đạt được mục tiêu thuyết phục Ukraina đi vào đàm phán với Nga, chuyến đi Ukraina vừa rồi vẫn hữu ích cho ông Erdogan và ông Gutteres, cho Thổ Nhĩ Kỳ và Liên Hợp Quốc.