Tháng tư, nhớ Washington, nhớ những rặng anh đào

tuyền Linh |

Tôi xem lại mấy lần trên mạng những bức ảnh hàng nghìn cây anh đào bung nở ven hồ Tidal Basin vào cuối tháng 3 rồi. Bức siêu thực nhất trong loạt ảnh, với tôi, chính là bức đặc tả giữa những tàng anh đào bung tím hồng hết cỡ.

1. Một thanh niên 17 tuổi giấu tên mặc đồ bảo hộ (màu vàng rỡ chóa, đeo mặt nạ chống khí độc) cùng gia đình đi ngắm hoa với lời giải thích: “Không phải tôi lo lắng cho bản thân. Tôi mặc thứ này để không đe doạ tới tính mạng những người lớn tuổi". Sức tưởng tượng của họa sĩ siêu thực Salvado Dali, tôi đồ rằng, chắc cũng đến thế mà thôi. Tôi thích cái anh thanh niên 17 tuổi đấy quá! “Tôi mặc thứ này để không đe doạ tới tính mạng những người lớn tuổi".

Những rặng anh đào ở hồ Tidal Basin (nằm phía nam của National Mall - quảng trường quốc gia - là “hệ thống khu phức hợp bảo tàng, nhà tưởng niệm, các tượng đài hoành tráng các vĩ nhân nổi tiếng đã ghi tên mình vào lịch sử xây dựng nước Mỹ”), những rặng cây xanh ven sông Potomac và cả bầu trời Washington nữa, sao mà nhớ tôi cho được, một chấm nhỏ trong triệu triệu du khách tới thủ đô nước Mỹ - Wasington D.C  mỗi năm.

Chỉ có người mới nhớ cảnh, nhớ cây. Tới mùa, cây bung nở, thay lá, tính chi tới người. Tôi cứ hay hồ đồ mà nghĩ thế.

Cuối tháng ba, tới đầu tháng tư, mùa COVID-19, mạng tưng bừng những ảnh anh đào căng mình bung tỏa ở Nyingchi, Vũ Hán, Tokyo, Seoul, Thimphu... Những nơi đấy, vẫn lác đác người chạy tới ngắm hoa. Hoa có chờ người để nở đẹp không, hoa?

Và trí nhớ của tôi chợt ngoặt qua Nga, tới Moscow, tới những rặng táo trước cửa chính trường MGU trên đồi Chim sẻ, hàng nghìn cây táo, lê trong Khu bảo tồn và Bảo tàng Lịch sử và Kiến trúc Kolomenskoye bung nở trắng tinh trắng ngần vào tháng 5, tháng 6. Nhớ tới, cũng bởi bao nhiêu năm nay, Kachiusha - bài hát lừng danh nhất nước Nga - mà người Việt chúng ta vẫn cứ hát bằng tiếng Việt với câu mở đầu, rằng “Đào vừa ra hoa, cành lá gió đưa vầng trăng tà. Ngoài bờ sông màn sương trắng buông lững lờ...”.

Tư liệu về chiến tranh Việt Nam trong bảo tàng Báo chí - WDC (ảnh chụp năm 2017). Ảnh: Tuyền Trương
Tư liệu về chiến tranh Việt Nam trong bảo tàng Báo chí - WDC (ảnh chụp năm 2017). Ảnh: Tuyền Trương

Lời tiếng Việt bài Kachiusa dịch tương đối sát với lời Nga là của Phạm Tuyên: “Dòng sông xưa rừng táo trắng hoa nở đôi bờ. Lặng lờ trôi mặt nước đã loang sương mờ”. Nhưng chắc lời Phạm Tuyên dịch... khó hát quá, nên tiếng Việt, chúng ta vẫn thuận miệng hát “Đào vừa ra hoa...”. Có lẽ, khiến nhiều người Việt lầm tưởng nhỉ, nước Nga cũng có nhiều những rặng anh đào bung tỏa tím hồng tháng 3, tháng 4...

Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Phát xít Đức, ngày 9.5 năm nay, vì COVID-19, nước Nga không duyệt binh. Một cây chuyên viết bình luận của tờ “Sự thật thanh niên” giữa tháng 4 này, viết rằng, nếu có tổ chức lễ kỷ niệm Ngày Chiến thắng 9.5, nhất định trong hàng ngũ những người duyệt binh (trên quảng trường Đỏ), phải có binh đoàn các bác sĩ.

Một đề nghị xuất sắc. Những chiến sĩ áo trắng ở khắp các quốc gia trên thế giới xứng đáng được vinh danh!

Rồi trí nhớ của tôi trở lại khu National Mall của nước Mỹ, ở đó có quần thể đài tưởng niệm Thế chiến thế giới thứ hai, tôi thấy, kiến trúc lạ mắt.

Tôi quay về với Sài Gòn của mình. Sài Gòn từ tháng 2 tới tháng 4 này, hoa kèn hồng, hoa huỳnh liên, hoa bằng lăng, lác đác phượng vĩ bung nở... Cây chò chỉ tung hoa nâu xoay xoay. Hoa có chờ /vì người để nở đẹp thế, không hoa?

Ô hay, đang mùa COVID-19, nhìn ảnh hoa anh đào chụp tận nước Mỹ, vu vơ nhớ chuyện hoa, có hơi xa xỉ nhỉ?

2. Người ta khuyên, đến chơi Washington DC nên đến vào tháng 3, tháng 4 - mùa hoa anh đào nở và tháng 9-11 - mùa cây thay lá.

Tôi tới thủ đô nước Mỹ đầu tháng 10, chớm thu, từ những ba năm trước. Trời trong xanh và cây còn xanh ngắt. Chúng tôi đi dưới những rặng anh đào (có lẽ cũng qua cả nơi chụp bức ảnh anh thanh niên 17 tuổi mùa xuân 2020 này vừa đi ngang ngắm hoa nở), đi dọc một đoạn sông Potomac lộng gió, cố tưởng tượng cảnh mình quàng khăn lụa xanh, đi ngắm đào nở vào tháng cuối tháng ba. Lúc đấy, trong lòng nghe vui vẻ.

Bức tường chiến tranh Việt Nam - WDC (ảnh chụp năm 2017). Ảnh: Tâm Trương
Bức tường chiến tranh Việt Nam - WDC (ảnh chụp năm 2017). Ảnh: Tâm Trương

Những buổi trưa đầu tháng 10 năm đó, tham quan mấy nơi mệt nghỉ, bèn ngả lưng dưới tán cây trên bãi cỏ, khu phía Tây Đồi Capitol, chén một quả táo, nhìn sóc, nhìn về Điện Capitol, nhìn trời mây trắng bay; hay bên  sông Potomac, ngả lưng trên ghế đá, nhìn lên vòm cây lung linh nắng; hay ngồi dưới vòm cây nghe chim lích chích trong Công viên đài tưởng niệm Tổng thống Roosevelt. Thật, cảm giác lúc ấy cũng thấy... siêu thực. Êm đềm, thanh bình - Thủ đô nước Mỹ...

Yalta tháng 6.2019, ở Cung điện Livadia, chúng tôi có ghé thăm cụm tượng đài khắc họa lại bức hình lịch sử với Winston Churchill, Franklin D.Roosevelt, Joseph Stalin tại Hội nghị Yalta.

3. Người ta cũng khuyên, Washington  DC có 10 nơi nên ghé. Tới National Mall, chúng tôi đã tới Đài tưởng niệm Chiến tranh Việt Nam trong Khu tưởng niệm các Cựu chiến binh Chiến tranh Việt Nam (Vietnam Veterans Memoria). Bức tường chiến tranh Việt Nam khởi công ngày 26.3.1982, hoàn công ngày 13.11.1982, mỗi năm hơn 5 triệu lượt khách tới thăm, khắc tên 58.318 lính Mỹ chết trong chiến tranh Việt Nam từ 1959 - 1975 (tính tới 5.2017).

Và tôi có nói với một cựu binh Mỹ: “Cuốn “Vietnam Veterans Memorials - Directoty of names, 1959 - 1975” có lẽ là một trong những cuốn tra cứu tên tuổi buồn nhất của nước Mỹ”.

Tháng 4, trong lịch sử Việt Nam, lịch sử nước Mỹ, lịch sử quan hệ hai nước, vĩnh viễn là một mốc đáng nhớ. Tháng 4 không thể quên.

Bảo tàng Báo chí - WDC. Ảnh: Tuyền Trương
Bảo tàng Báo chí - WDC. Ảnh: Tuyền Trương

Sài Gòn ngày cận cuối tháng 4.2020, sáng sớm, tôi thong thả đạp xe lên trung tâm. Trước cửa hội trường Thống Nhất, ở một vài đoạn vỉa hè, trong vườn hoa, lác đác công nhân lặng lẽ trồng thêm cây cảnh, hoa. Bốn thớt cây trước cửa hội trường Thống Nhất vẫn vút cao xanh ngằn ngặt. Ngày 30.4 năm nay (kỷ niệm 45 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước), Sài Gòn tất nhiên không bắn pháo hoa. Những tấm pa-nô tuyên truyền về phòng chống dịch bệnh COVID-19 rất nhiều...

Và nước Mỹ, ngày 22.1.2020, có ca nhiễm COVID-19 đầu tiên ở Washington DC. Qua hết tháng 4, nước Mỹ vẫn phải giữ vị trí “không ai mong muốn”: Là vùng dịch lớn nhất thế giới, đứng đầu về tỉ lệ người nhiễm virus Corona.

4. Nhớ tới National Mall, là tôi cũng nhớ tới ngay một lớp học dưới tán cây, trên bãi cỏ, trước cửa Nhà tưởng niệm Lincoln - “nơi tưởng nhớ vị tổng thống thứ 16 tài năng, quyền lực của nước Mỹ”. Thầy giáo đọc diễn cảm một bài thơ, tôi nghe không hiểu gì nhiều, chỉ nghe rõ nhất, lặp lại nhiều nhất từ Patriot, Patriotism. Lòng ái quốc. Chủ nghĩa ái quốc.

Thử hỏi, mỗi người chúng ta, trong hàng tỉ người, có ai không yêu nước?

Và tôi cũng nhớ ngay tới bức hình chụp được khi vừa tham quan xong Điện Capitol, Thư viện Quốc hội, ngay cửa ra Thư viện Quốc hội, bên bàn nước, một người phụ nữ ngồi đan len, trên bàn, cốc nước ngọt - sản phẩm của nước Mỹ, xa xa là vòm tròn Điện Capitol. Trời xanh, cây xanh, nắng nhạt vàng. Người phụ nữ thong thả đan len. Rất đỗi thanh bình. Rất Mỹ. Tôi nghĩ vậy.

Cuối tháng 4, hoa đào hết bung. Cây xanh tới cuối tháng 10, vàng lá. Ở đâu cũng thế, tới mùa, cây bung nở, thay lá, tính chi tới người. Tôi cứ hay hồ đồ mà nghĩ thế.

tuyền Linh
TIN LIÊN QUAN

CDC Mỹ tăng gấp 3 số triệu chứng có thể gặp khi mắc COVID-19

Thanh Hà |

Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ đã tăng gấp 3 số triệu chứng nhận diện nhiễm virus SARS-CoV-2, trong đó có đau cơ, đau đầu, mất vị giác và khứu giác.

Cựu Tổng thống Obama hiến kế để Mỹ sớm đẩy lùi COVID-19

Hải Anh |

Cựu Tổng thống Barack Obama nói rằng, Mỹ cần một chương trình xét nghiệm COVID-19 toàn diện.

COVID-19 thế giới ngày 25.4: Số người chết ở Mỹ lên tới hơn 52.000

Thanh Hà |

Theo cập nhật của Worldometers lúc 6h sáng 25.4, giờ Hà Nội, số ca mắc COVID-19 trên toàn cầu lên tới 2.826.945 ca, với 196.947 ca tử vong và 780.053 người hồi phục.

Điều gì khiến lăng mộ Nefetari được mệnh danh là ngôi mộ đẹp nhất Ai Cập

Yến Nhi |

Được mệnh danh là "ngôi mộ đẹp nhất Ai Cập", lăng mộ cổ của nữ hoàng Nefetari không chỉ có kiến trúc xa hoa mà còn chứa đựng một câu chuyện hấp dẫn.

Tiền vệ Hùng Dũng: Tôi buồn vì không thể tặng quà thầy Park Hang-seo

AN NGUYÊN |

Tiền vệ Hùng Dũng và các đồng đội tuyển Việt Nam bày tỏ sự tiếc nuối khi không thể mang về món quà ý ở giải đấu cuối cùng của huấn luyện viên Park Hang-seo.

Bắt tạm giam 2 nữ phó giám đốc Bệnh viện TP Thủ Đức

Việt Dũng |

Mở rộng điều tra vụ án sai phạm về đấu thầu xảy ra tại Bệnh viện TP Thủ Đức (TPHCM), Cơ quan Cảnh sát điều tra đã bắt tạm giam 2 phó giám đốc đơn vị này.

Bến xe lớn nhất nước đông nghẹt người về quê đón Tết

MINH QUÂN |

TPHCM - Chiều 16.1, hàng nghìn người đổ về bến xe Miền Đông mới để về quê đón Tết. Do lượng khách tăng đột biến nên bến xe Miền Đông mới không đủ ghế cho khách ngồi chờ, nhiều người phải ngồi dưới sàn nhà.

Tết Hà Nội với hương vị ô mai gừng thân quen

Vân Hoa |

Dịp Tết đến, người người đổ về Hàng Đường, con phố nổi tiếng về mứt, ô mai. Trong đó, ô mai gừng là món được mua nhiều hơn cả, bởi vị cay nồng, ấm đượm rất hợp với tiết xuân.

CDC Mỹ tăng gấp 3 số triệu chứng có thể gặp khi mắc COVID-19

Thanh Hà |

Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ đã tăng gấp 3 số triệu chứng nhận diện nhiễm virus SARS-CoV-2, trong đó có đau cơ, đau đầu, mất vị giác và khứu giác.

Cựu Tổng thống Obama hiến kế để Mỹ sớm đẩy lùi COVID-19

Hải Anh |

Cựu Tổng thống Barack Obama nói rằng, Mỹ cần một chương trình xét nghiệm COVID-19 toàn diện.

COVID-19 thế giới ngày 25.4: Số người chết ở Mỹ lên tới hơn 52.000

Thanh Hà |

Theo cập nhật của Worldometers lúc 6h sáng 25.4, giờ Hà Nội, số ca mắc COVID-19 trên toàn cầu lên tới 2.826.945 ca, với 196.947 ca tử vong và 780.053 người hồi phục.