Tết Việt ở trời Tây

Hoàng Nguyên Bình (Từ CHLB Đức) |

Vào dịp Tết, khi ở nhà mọi người đang vui vẻ tận hưởng thì người Việt ở nước ngoài vẫn phải cặm cụi đi làm và quan trọng là ở ngoài đường không có chút nào gợi tới không khí mùa xuân đó.

Rộn ràng đón Tết

Xuân lại về, hoa lại nở, nghe thì ai cũng nói đó là quy luật muôn đời của trời đất. Ấy vậy mà cứ mỗi độ xuân về, lòng tôi lại bồi hồi xốn xang đến lạ. Nỗi nhớ quê hương, nhớ gia đình thôi thúc hơn lúc nào hết, bất giác quay sang hỏi đứa con trai út 15 tuổi: "Khi sống ở Đức, con nhớ gì đến Tết Việt Nam?". Con đã trả lời rằng, mỗi khi xem ảnh, con lại thèm cảm giác vui vẻ khi Tết đến.

Quả đúng là như thế, người Việt Nam ở nước ngoài thật thiệt thòi khi không có cơ hội được tận hưởng không khí lễ hội, niềm vui đoàn tụ anh em họ hàng như ở Việt Nam vào dịp Tết cổ truyền của dân tộc. Vào dịp Tết, khi ở nhà mọi người đang vui vẻ tận hưởng thì người Việt ở nước ngoài vẫn phải cặm cụi đi làm và quan trọng ở ngoài đường không có chút nào gợi tới không khí mùa xuân đó.

Tuy nhiên, không vì thế mà chúng ta quên đi cái Tết cổ truyền dân tộc. Không vì thế mà không làm một cái gì đó để vơi đi nỗi nhớ quê hương, nỗi nhớ nhà. Không vì thế mà không nói chuyện về Tết để con cháu - những đứa trẻ không sinh ra ở Việt Nam, biết về văn hóa Việt Nam, biết về truyền thống của dân tộc.

Mâm ngũ quả, bánh chưng không thể thiếu

Vào dịp Tết đến, tôi cũng như bao nhiêu người Việt Nam đang sinh sống ở Đức dù vẫn phải đi làm cũng tranh thủ chạy ra siêu thị mua ít hoa quả để bày mâm ngũ quả. Giờ đây siêu thị của Tây nhưng cũng gần như có đầy đủ hoa quả bốn mùa trên khắp thế giới. Nào là đu đủ, nào là thanh long, quýt, dưa hấu, bưởi... mất khoảng 5 phút là bạn có thể nhặt đủ các loại quả để có một mâm ngũ quả to đẹp.

Chỉ có duy nhất là chuối là không thành nải như ở Việt Nam, đành phải mua hai xách chuối ghép lại thành một nải, nhìn thoáng qua cũng đẹp không đến nỗi quá tệ. Có mâm ngũ quả cùng cành đào rừng của Tây hoặc cành tầm xuân mua ở cửa hàng hoa rồi đặt trên ban thờ. Thế là thấy Tết đến với ông bà tổ tiên, chứ đâu còn xa.

Bánh chưng người Việt tự gói đón Tết ở Đức. Ảnh: Hiền Anh
Bánh chưng người Việt tự gói đón Tết ở Đức. Ảnh: Hiền Anh

Bánh chưng là cái cũng không thiếu mỗi khi Tết đến, xuân về. Giờ đây, để sở hữu một cái bánh chưng mang tâm hồn Việt ở nước ngoài không quá khó như xưa. Rất nhiều người Việt gói và bán ở chợ người Việt hoặc các cửa hàng thực phẩm Châu Á với giá từ 8 đến 10 euro/chiếc. Chất lượng không đến nỗi tệ và thậm chí còn an toàn thực phẩm vì nguyên liệu đầu vào được kiểm soát chặt chẽ.

Tuy nhiên, cũng nhiều cụm dân cư người Việt hoặc những nhóm du học sinh thay vì việc mua bánh chưng bán sẵn, họ đã chọn cách truyền thống hơn nữa đó là chung nhau gói bánh chưng hay cách khác gọi là đụng bánh chưng. Mỗi người góp một thứ, người góp gạo nếp, người góp đỗ, góp thịt, góp lá dong.

Tất cả nguyên liệu tươi, mới đều có thể mua được ở chợ Châu Á, thịt lợn ba chỉ ngon mua của cửa hàng Tây, duy lá dong thì phải dùng lá dong đóng đá nhập khẩu từ Việt Nam. Mở gói lá dong ra, rửa nhẹ từng tàu lá. Mùi lá dong thơm lừng đậm đà rất khó tả phảng phất bay quanh gian bếp nhỏ. Cảm giác Tết đã gõ cửa nhà bạn rồi đấy.

Bọn con nít Việt Nam cùng bạn bè Tây rất thích thú và tò mò xem gói bánh chưng. Nhiều đứa lần đầu không hiểu nổi sao có thể bọc được cả thịt, cả đỗ lẫn gạo trong một dúm lá như vậy mà tất cả không lòi ra, mà sao lúc ăn lại thơm và ngon đến thế. Và rồi chúng được tham gia gói bánh chưng với gia đình và cái chúng sướng nhất là tự gói một cái bánh chưng nhỏ của riêng mình.

Những cái bánh nhỏ thường được vớt ra sớm nên mấy đứa con nít sẽ là người đầu tiên được thưởng thức bánh chưng – sản phẩm do chính chúng làm nên. Ấy thế là Tết đầm ấm no vui đối với bọn con nít.

Ảnh: Hiền Anh
Trẻ em Việt được bố mẹ hướng dẫn gói bánh chưng. Ảnh: Hiền Anh

Tất niên

Khi bắc nồi bánh chưng lên luộc, thay cái nắp vung bình thường thì sẽ đặt lên trên nồi bánh chưng đó một cái nồi khác vừa là thay vung vừa là để đun nước sôi tiếp nước cho nồi bánh chưng. Đến đoạn cuối sẽ tranh thủ ném vào đó một ít lá mùi già được thu hoạch vào cuối mùa hè và cất kỹ trong ngăn đá. Nước đó sẽ dùng để tắm hoặc ít quá thì dùng để rửa mặt cho cả nhà.

Dù đi khắp thế gian, dùng rất nhiều dầu gọi đầu với mùi hương khác nhau, dùng các loại nước hoa hảo hạng nhưng những người đã sinh ra và lớn lên ở dải đất hình chữ S chắc chẳng ai quên được mùi thơm của lá mùi già khi được nấu lên. Cái mùi thơm thoang thoảng, ngan ngát khi ta xoa lên da mặt, gội lên đầu mà hương thơm nó còn mãi vài ngày sau mới hết.

Được tắm nước mùi già hoặc chí ít được rửa mặt bằng thứ nước thơm đó tưởng chừng rất đơn giản và rẻ tiền nhưng lại rất xa xỉ khi ở trời Tây. Lúc đầu lũ trẻ con không thích, nhiều đứa còn thấy kinh kinh vì sợ bẩn và rồi nghiện mùi nước lá mùi vào dịp Tết đến lúc nào không hay. Thế là một cái Tết may mắn là đây chứ ở đâu xa.

Rồi cả nhà đoàn tụ, mời thêm một vài người bạn đến ăn bữa cơm được gọi là tất niên hoặc bữa cơm đầu năm nhưng thường nhằm vào ngày cuối tuần. Giờ thì đủ món cũng chẳng khác nhiều so với Việt Nam, duy nhất để kiếm được con gà lành lặn cả chân và đầu cùng bộ lòng thì rất khó bởi lẽ gà trong siêu thị Tây họ chặt bỏ đầu, chân và vứt hết lòng mề, đặc biệt gà trong siêu thị là gà mái già không còn khả năng sinh đẻ. Gà được đóng đá và bọc trong nilon, dân Việt thường nói vui là “gà mặc áo mưa”.

Nấu bánh chưng như ở quê nhà. Ảnh: Hiền Anh
Luộc bánh chưng như ở quê nhà. Ảnh: Hiền Anh

Giao thừa hay đầu năm mà cúng gà đó thì mất sang nên nhiều gia đình thường đặt cửa hàng thực phẩm Việt Nam một vài con gà trống hoặc mái nhưng khi giết mổ phải để nguyên con và bộ lòng mề. Thời tiết cuối đông đầu xuân trời vẫn còn lạnh, xì xụp bát miến gà nóng bỏng thêm tí ớt cay thì Tết quả là no ấm cả năm.

Nhớ quê

Vào mùa đông, Châu Âu cách múi giờ Việt Nam 6 tiếng do vậy vào lúc 6h tối ở Đức tức là 12h đêm thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới bên Việt Nam. Đó là thời điểm gọi điện về chúc mừng năm mới gia đình, bố mẹ và họ hàng ở Việt Nam.

Thế giới thật nhỏ bé khi các phương tiện thông tin liên lạc ngày một hiện đại và dễ dàng không chỉ nghe thấy tiếng mà còn nhìn thấy hình. Chính điều đó khiến chúng ta gần nhau hơn, bớt đi nỗi nhớ nhung, bớt đi khoảng cách về địa lý. Tuy vậy, trong sâu thẳm trái tim của mỗi chúng ta đều cảm thấy vẫn thiếu thiếu một cái gì đó rất thân quen và gần gũi.

Cái thiêu thiếu có thể chỉ đơn giản là mùi hương trầm của ngôi đình làng thoảng bay trong gió, khói quyện trong mưa phùn mùa xuân. Cái thiêu thiếu đó có thể là việc tất bật đi chợ Tết chọn một cành đào đẹp về chơi. Cái thiêu thiếu đó có thể chỉ đơn giản là không khí vắng lặng đến trong veo sáng sớm ngày mùng 1 Tết. Cái thiêu thiếu đó có thể chỉ đơn giản mọi người xúng xính, điệu đà trong bộ trang phục mới đi chúc Tết. Và cái thiếu thiếu đối với tôi chính là do dịch bệnh COVID-19 mà tôi không được đón Tết cùng mẹ già ở Việt Nam. Gọi điện cho mẹ, cho người thân, dù vui vẻ chúc mừng nhưng sao thấy khóe mắt cứ cay cay.

Kìa pháo hoa đã nổ, hoa đào đã nở, mai vàng khoe sắc thắm. Kìa xuân đã sang, giao thừa đã đến. Kìa giai điệu "Tết Tết Tết đến rồi" đã được ai đó bật lên nghe như thôi thúc giục giã lên đường. Tết Ta bên trời Tây dẫu có đầy đủ nhưng chúng ta ai ai cũng muốn về nhà. Tổ quốc chính là nhà. Mẹ cha chính là nhà. Chúc mừng năm mới!

Hoàng Nguyên Bình (Từ CHLB Đức)
TIN LIÊN QUAN

Thế giới hân hoan đón ngày đầu tiên của năm mới 2022

Thanh Hà |

Các hoạt động đón năm mới 2022 trên khắp thế giới diễn ra khá đa dạng với nhiều cung bậc khác nhau, từ ảm đạm tới sôi động với hòa nhạc, pháo hoa.

Thế giới mang hy vọng bước vào năm mới 2022

Thanh Hà |

Cocktail của thời khắc chuyển giao năm 2021 và bước vào năm 2022 là buồn, lo và hy vọng, theo AP. Buồn cho những người đã và sắp qua đời, lo lắng về lây nhiễm nhưng tràn đầy hy vọng chấm dứt đại dịch COVID-19 trong năm mới.

Thế giới đếm ngược đón giao thừa chào năm mới 2022

Khánh Minh |

Nhiều hoạt động đón giao thừa chào năm mới 2022 vẫn diễn ra theo lịch trình ở nhiều nước trên thế giới, bất chấp đại dịch COVID-19.

Thái Bình: Cả làng đỏ lửa nướng cá ngày đêm vẫn không đủ hàng bán Tết

Nguyễn Thúy |

Cận kề Tết Nguyên đán, làng nướng cá nổi tiếng ở Thái Xuyên (Thái Bình) luôn tất bật với các lò than đỏ hồng, hoạt động hết công suất để cho ra những mẻ cá nướng vàng óng, săn chắc, thơm nức phục vụ khách hàng dịp cuối năm.

Quả bóng vàng 2022: Tiến Linh sáng cửa

Thanh Vũ |

Nhìn vào phong độ hiện tại, có thể thấy tiền đạo Nguyễn Tiến Linh xứng đáng giành quả bóng vàng 2022.

Kênh đầu tư nào sẽ được hưởng lợi trong năm 2023?

Thái Mạnh |

Trong bối cảnh thị trường tài chính vẫn còn nhiều yếu tố khó lường, thì một số kênh đầu tư như chứng khoán, bất động sản sẽ được hưởng lợi nhờ định giá hấp dẫn và các chính sách được thúc đẩy trong năm nay.

Xe ôm, bốc vác "chuyển nghề" chở thuê đào, quất những ngày cận Tết

Trần Tuấn - Nguyễn Kế |

Bắc Giang - Thay vì làm nhưng công việc như xe ôm, bốc vác, nhiều lao động tự do ở TP.Bắc Giang chuyển sang làm nghề chở thuê đào, quất những ngày cận Tết, thu nhập khoảng 1 triệu đồng/ngày.

Gỡ khó các quy định tạo nguồn cung cho nhà ở xã hội

B. Chương |

Kế hoạch triển khai 1 triệu nhà ở xã hội đang gặp khó khăn vì nhiều quy định không phù hợp với chủ trương xã hội hóa đầu tư để phát triển nhà ở xã hội, hoặc chưa đảm bảo tính khả thi, chưa phù hợp với tình hình thực tiễn.

Thế giới hân hoan đón ngày đầu tiên của năm mới 2022

Thanh Hà |

Các hoạt động đón năm mới 2022 trên khắp thế giới diễn ra khá đa dạng với nhiều cung bậc khác nhau, từ ảm đạm tới sôi động với hòa nhạc, pháo hoa.

Thế giới mang hy vọng bước vào năm mới 2022

Thanh Hà |

Cocktail của thời khắc chuyển giao năm 2021 và bước vào năm 2022 là buồn, lo và hy vọng, theo AP. Buồn cho những người đã và sắp qua đời, lo lắng về lây nhiễm nhưng tràn đầy hy vọng chấm dứt đại dịch COVID-19 trong năm mới.

Thế giới đếm ngược đón giao thừa chào năm mới 2022

Khánh Minh |

Nhiều hoạt động đón giao thừa chào năm mới 2022 vẫn diễn ra theo lịch trình ở nhiều nước trên thế giới, bất chấp đại dịch COVID-19.