LD 1685: “Bà ơi chân bà có ngón sao chân con không có ngón…”

HỒNG VÂN |

Đó là lời thắc mắc ngây ngô của cô bé Bảo Hân 4 tuổi chỉ nặng 9 kg vì mắc căn bệnh bẩm sinh ly thượng bì bọng nước. Mỗi lần nghe những lời thắc mắc ấy của đứa cháu nội, bà Hiền chỉ biết nuốt những giọt nước mắt vào trong và cố gắng bù đắp cho cháu bằng tình yêu thương vô bờ bến để Hân quên đi mình không được sinh ra và lớn lên bình thường như những đứa trẻ khác, quên đi mình không có bố mẹ bên cạnh…

Không đủ tiền mua sữa cho cháu

Vừa cho cháu ăn, bà Bùi Thị Hiền (62 tuổi, xóm 1, thôn Tân Bình, xã Hợp Tiến, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình) vừa hồi tưởng lại khó khăn trong hơn 4 năm qua của hai bà cháu. Đôi mắt ngấn lệ cùng giọng nói lạc đi khi dòng kí ức bắt đầu ùa về, bà kể lúc nghe tin dữ từ bố bé Hân, bà như ngã quỵ. Chỉ hai giờ sau khi được sinh ra, đứa cháu gái của bà bắt đầu có những biểu hiện của căn bệnh bẩm sinh ly thượng bì bọng nước. Khắp người cháu nổi chi chít những mụn to nhỏ, cái thì màu trắng đục như nước vo gạo, cái màu đỏ hồng như máu, cái tím thẫm như quả mồng tơi chín. Chọc mụn ra, cái nào cũng đầy mủ và máu tươi, mụn xẹp rồi thì để lại những vết bợt da to, đỏ ởn như vừa bị bỏng nước sôi.

Sau hơn 1 năm chữa trị trên Hà Nội, mẹ đẻ và bà ngoại của Bảo Hân đã đưa bé về gửi lại cho bà Hiền và nói rằng gửi cháu ở đây một thời gian, khi nào có điều kiện sẽ đón cháu về. Từ đó, bà Hiền một mình nuôi nấng, chăm sóc đứa cháu gái bệnh tật ở quê nhà, bố cháu thì đi làm thuê trên Hà Nội, thỉnh thoảng mới được về quê thăm con.

Người đàn bà nông dân quê mùa một mình cần mẫn chăm sóc cho đứa cháu gái mới được hơn một tuổi mắc căn bệnh quái ác mà từ khi cha sinh mẹ đẻ đến nay bà chưa từng nghe qua. Tuổi đã già và mọi chi tiêu sinh hoạt hằng ngày cũng chỉ trông vào mấy sào ruộng nhưng với tình yêu thương, bà Hiền vẫn luôn chăm sóc, nuôi nấng bé Hân bằng cách tốt nhất có thể.

Từ bé, thức ăn chính của Hân chỉ là sữa vì dù có mọc được răng thì chúng cũng nhanh chóng bị thối đi. “Nhưng dạo gần đây, vì cháu đã lớn hơn và tôi cũng không có đủ điều kiện để cho cháu chỉ uống sữa nên đã bón cơm cho Hân tập ăn. Lúc đầu Hân không thích và đòi uống sữa suốt nhưng giờ thì đỡ rồi”, bà Hiền thật thà chia sẻ.

Từ nông dân thành “y tá” riêng

Có những lúc, Hân thắc mắc về cơ thể của mình nhưng bé cũng chỉ biết so sánh và nói với bà: “Bà nội ơi bà nội, tay bà thì có móng tay sao tay con sao không có móng tay ạ? Bàn tay con sao không duỗi ra được hả bà? Bà ơi, chân bà có ngón sao chân con không có ngón…”. Những câu hỏi ngây ngô ấy như cứa vào lòng người bà. Những lúc ấy, bà Hiền chỉ biết quay đi gạt vội những giọt nước mắt đang rơi xuống mà không biết trả lời cháu như thế nào để cháu hiểu mình mắc căn bệnh bẩm sinh hiếm gặp khiến biến dạng tứ chi, rằng khả năng chữa khỏi được bệnh này là không cao, rằng tỷ lệ sống sót của người mắc bệnh này là rất thấp… Nhưng càng như vậy, bà Hiền càng muốn bù đắp cho Hân bằng tình yêu thương và sự chăm sóc vô bờ bến của mình.

Thời gian đầu khi mới chăm Hân, có người mách bà đi kiếm lá khổ sâm về tắm cho cháu, bà liền đi kiếm về. Sau một thời gian dùng lá, Hân cũng đỡ bị mụn nhọt nên từ đó, ngày nào bà cũng đi khắp nơi tìm lá về phơi khô để dùng dần. Vẻ mặt khắc khổ của bà chợt rạng ngời lên đôi chút khi nhắc đến những cây khổ sâm bà trồng được trong vườn nhà: “Bây giờ tôi cũng đã trồng được mấy cây trong vườn rồi nên cũng đỡ vất vả hơn”.

 

  Mùa đông, cũng như mùa hè, bà Hiền đều đun nước lá khổ sâm để tắm cho Hân

Rồi như chợt nhớ ra điều gì, bà Hiền vội chạy xuống bếp bắc nồi nước lá khổ sâm đang sôi ùng ục để pha nước tắm cho bé Hân. Vừa tắm cho cháu, bà vừa chia sẻ: Mùa hè thì ngày nào tôi cũng tắm cho cháu nhưng mùa đông thì 2 – 3 ngày tôi mới tắm cho cháu một lần. Vì nhà không có máy sấy hay đèn sưởi nên kể cả có tắm nước nóng thì cháu vẫn rét lắm. Mùa đông mỗi lần tắm tôi phải đốt bếp chất củi rồi cho cháu tắm trong thau để ngay cạnh bếp cho cháu đỡ lạnh. Có khi vừa tắm cho Hân tôi vừa khóc, Hân nhìn thấy nên hỏi, tôi phải nói là vì khói bếp làm bà chảy nước mắt rồi quay vội đi lau, tuy bé vậy thôi nhưng cháu nó để ý lắm đấy”…

Vừa tắm cho Hân, bà Hiền vừa phải chọc những cái mụn to, đỏ ởn trên khắp thân thể gầy guộc của bé để những cái mụn đó không phát triển thêm nữa. Nét mặt của bà cứ dần đau đớn, méo xệch đi theo sự chuyển sang màu đỏ lênh láng của thau nước tắm, theo từng tiếng khóc xé ruột xé gan của cháu.

Thấy tôi nhìn bộ quần áo đầy những vết cắt to, tròn mà bà đã chuẩn bị sẵn ra ở giường để mặc cho Hân, bà Hiền giải thích: “Vì thuốc bôi và băng gạc chuyên dụng hầu hết đều được nhà từ thiện ở Hải Phòng gửi về. Mỗi khi hết băng gạc, mụn vỡ ra mà không có gì băng lại thì quần áo cứ bị dính vào vết trầy da đó. Hân đau lắm nên tôi lấy kéo cắt chỗ quần áo bị dính đó đi, thành ra cái quần áo nào cũng phải có mấy cái lỗ”.

Có lẽ vì ngại ngùng nên sau đó, bà Hiền lấy bộ quần áo khác lành lặn hơn để mặc cho Hân. Vừa mặc quần áo cho cháu, bà Hiền vừa tâm sự rằng nhiều lần, dù chưa đến tuổi đi học nhưng Bảo Hân đã đòi bà đi học, đòi bà mua bút, mua cặp sách,… Chẳng biết rằng mơ ước quá đỗi bình thường ấy có trở thành hiện thực không khi căn bệnh quái ác này vẫn ngày đêm hành hạ cháu.

Đôi khi “lực bất tòng tâm”

Dù đã gửi con về bà nội hơn 4 năm nhưng mẹ đẻ bé Hân mới trả hộ khẩu của cháu cho bà Hiền hơn 1 tháng nay vì vậy bây giờ bà Hiền mới có đầy đủ giấy tờ để làm hồ sơ xin những sự giúp đỡ thường xuyên, định kì từ địa phương. “4 năm qua, cháu nó bệnh tật khổ sở mà không có hộ khẩu, để nó thiệt thòi, không được hưởng chế độ gì. Xã và Ban Thương binh và Xã hội của xã nói rằng cũng thương cháu thật nhưng không có hộ khẩu ở đây thì họ cũng không giúp gì được. Tôi cũng hiểu nên không dám đòi hỏi”. Bà Hiền ngậm ngùi chia sẻ. 

 

 Đôi chân không có ngón, lở loét và gầy guộc của Hân mà bé luôn thắc mắc và so sánh với bà

Vẻ mặt của bà Hiền chợt lộ rõ vẻ bất lực, đau đớn khi nhớ đến lần bà bận việc đồng áng phải nhờ người trông Bảo Hân giúp nhưng nhiều người lại dè dặt bởi sợ lây bệnh. Có hôm bà nhờ được người trông giúp thì đến lúc về thấy Hân đang đứng ở góc nhà khóc không ra tiếng, mặt mày tím tái. Hóa ra tại cháu nhớ bà nên khóc, người trông cháu định bế cháu để dỗ nhưng lại không biết hai bên sườn cháu đang có mụn nên vô tình làm vỡ mụn và trầy da ở 2 bên sườn cháu làm máu chảy ròng xuống tận bàn chân. Sau lần đó, bà Hiền hầu như phải nghỉ hết mọi việc để ở nhà chăm cháu…

Ông Trịnh Thế Hùng - Chủ tịch UBND xã Hợp Tiến cho biết: Hoàn cảnh gia đình bà Hiền hết sức khó khăn. Chồng mất sớm, hiện nay bà không có thời gian và sức khỏe để lao động, chỉ có thể ở nhà chăm sóc đứa cháu gái mắc bệnh hiểm nghèo. Chính quyền địa phương cũng đã quan tâm, cùng với các nhà hảo tâm xây dựng cho bà căn nhà tình nghĩa để ở. Rất mong các cơ quan, tổ chức, cá nhân giúp đỡ bà Hiền bớt khó khăn.

Mọi sự giúp đỡ cho gia đình bà Bùi Thị Hiền (LD 1685) xin gửi về Quỹ Tấm Lòng Vàng Lao Động, địa chỉ: Quỹ XHTT Tấm Lòng Vàng: 51 Hàng Bồ, Hà Nội; ĐT: 04.39232748; hộp thư: tlvlaodong@gmail.com; hoặc chuyển về Quỹ Xã hội từ thiện Tấm Lòng Vàng, tài khoản: 102010000013374, Ngân hàng TMCP Công thương VN, chi nhánh Hoàn Kiếm, Hà Nội; ủng hộ miễn phí qua tài khoản trực tuyến tại VietinBank, STK: 177010000023405; ủng hộ miễn phí tại Vietcombank, STK: 0021000303088 tại Ngân hàng TMCP Ngoại thương VN, chi nhánh Hà Nội; Hoặc liên hệ trực tiếp bà Bùi Thị Hiền (xóm 1, thôn Tân Bình, xã Hợp Tiến, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình), số điện thoại: 01697225585.


 

HỒNG VÂN
TIN LIÊN QUAN

Những ngày cuối năm ở xóm sợ... Tết

Trần Trung - Nguyễn Thúy |

Tết Nguyên đán là dịp mà những con người đang tha phương cầu thực nơi xứ lạ luôn mong mỏi trở về, nhưng tại con ngõ nhỏ 121 Lê Thanh Nghị (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội), điều đó lại hoàn toàn trái ngược. Đối với họ, Tết lại là khoảng thời gian luôn nặng trĩu những tâm tư.

Đổi đời cho nhiều trẻ là con em đồng bào dân tộc thiểu số ở Đắk Lắk

BẢO TRUNG |

Đắk Lắk - Những năm qua, hàng chục trẻ em đồng bào dân tộc thiểu số có hoàn cảnh khó khăn ở Đắk Lắk đã được lực lượng Bộ đội biên phòng tỉnh cưu mang, nhận làm con nuôi để giúp ăn học, có một cuộc đời mới sáng sủa hơn.

Dự báo thời tiết Tết Nguyên đán 2023 có mưa kèm rét đậm hay không?

AN AN - MINH HÀ |

Cơ quan khí tượng cho biết Tết Nguyên đán 2023 ở miền Bắc khả năng mưa nhỏ mưa phùn vài nơi, sáng sớm có sương mù. Trời phổ biến trạng thái rét, vùng núi có nơi rét đậm, rét hại.

“Người vận chuyển” những chuyến xe miễn phí đón công nhân về quê ăn Tết

Trần Tuấn |

Để việc đón công nhân về quê ăn Tết diễn ra thuận tiện nhất, lái xe của các doanh nghiệp vận tải đã đưa xe đến khu công nghiệp Thăng Long từ tối hôm trước và ngủ qua đêm chờ công nhân tới.

Người dân lỉnh kỉnh đồ đạc rời Thủ đô về quê ăn Tết

PHẠM ĐÔNG - HỮU CHÁNH |

28 Tết, tại các bến xe lớn Hà Nội như Mỹ Đình, Nước Ngầm, Giáp Bát... bắt đầu nhộn nhịp, người dân khăn gói đồ đạc về quê nghỉ Tết Nguyên đán Quý Mão 2023.

Đầu tư chứng khoán dài hạn có hiệu quả hơn gửi tiết kiệm?

LÂM ANH |

VN-Index kết năm 2022 giảm gần 33% dẫn đến tỉ suất sinh lời của các nhà đầu tư trên kênh này bị kéo tụt đáng kể. Trong khi đó, cuộc đua tăng lãi suất tiền gửi đang ngày một nóng lên khiến kênh đầu tư chứng khoán đang ngày càng lép vế hơn trong cuộc đua hút dòng tiền.

Người dân lỉnh kỉnh hành lý về quê ăn Tết, có chặng xe về miền Tây hết vé

Chân Phúc |

Lượng khách tăng đột biến tại Bến xe Miền Tây (quận Bình Tân) trong sáng ngày 19.1. Một số chặng từ TPHCM đi các tỉnh miền Tây đã rơi vào tình trạng hết vé.

Người lao động Việt Nam ở nước ngoài: Luôn khắc khoải nỗi nhớ Tết quê nhà

Vương Trần |

Tết Nguyên đán Quý Mão đến nhưng ở nơi xa xứ, nhiều lao động Việt Nam vẫn đang ngược xuôi, mưu sinh với công việc. Xa quê, nơi xứ người, nhiều lao động không khỏi bồi hồi, nhớ hương vị Tết quê.