Bà H - chủ một cơ sở karaoke tại quận Hà Đông - cho biết: Gia đình đã đầu tư hơn 20 tỉ đồng cho quán karaoke 12 phòng. Từ khi dừng hoạt động, cơ sở của bà H vẫn đang phải gánh chi phí duy trì khoảng 500 triệu đồng mỗi tháng.
Vốn phải vay mượn. Nay dừng hoạt động, có nghĩa là không có doanh thu, trong khi tiền duy trì, tiền lãi ngân hàng vẫn phải trả. “Mỗi sáng thức dậy là chúng tôi đã phải gánh 5-7 triệu đồng tiền chi phí. Thật sự quá khó khăn”- lời bà H.
Kể từ sau các cuộc kiểm tra phòng cháy chữa cháy (PCCC), đã có vô số quán karaoke trên toàn quốc bị đình chỉ hoạt động do không đủ các điều kiện đảm bảo PCCC. Có những địa phương như Điện Biên, 100% quán karaoke phải dừng hoạt động.
Đúng là có một thực tế khó khăn, đến mức đứng trước nguy cơ phá sản. Mở ngoặc là trong mấy năm dịch bệnh, karaoke, massage, vũ trường là những loại hình kinh doanh “đóng cửa thì đóng đầu tiên, mở cửa thì mở cuối cùng”.
Với suất đầu tư bình quân khoảng 5 tỉ đồng/cơ sở nhân với 1.400-1.500 cơ sở karaoke trên toàn thành phố thì đúng là hàng nghìn tỉ đồng đang “đắp chiếu chờ phá sản”. Điều đó cũng đồng nghĩa với công ăn việc làm của hàng nghìn lao động.
Nhưng nói đi cũng phải nói lại. Nếu hoả hoạn xảy ra ở các quán karaoke thì hậu quả phải nói là rất kinh hoàng mà con số 32 nạn nhân tử vong trong vụ cháy quán karaoke ở Bình Dương còn chưa ai quên.
Tháng 9 năm ngoái, sau công điện của Thủ tướng và chỉ đạo của Bộ Công an, của UBND TP Hà Nội về tổng kiểm tra rà soát PCCC trên địa bàn, Công an TP đã mở đợt cao điểm kiểm tra an toàn PCCC loại hình dịch vụ này.
Kết quả, có 58% trong tổng số hơn 1.400 cơ sở karaoke được kiểm tra không đảm bảo yêu cầu về PCCC. Trong đó, có những cơ sở chưa hề được thẩm định, phê duyệt thiết kế PCCC, không đảm bảo lối thoát nạn, hoặc lối thoát nạn “mất tác dụng”, không có buồng bơm chữa cháy, không có nguồn điện dự phòng cho PCCC, thậm chí vật liệu phòng hát không có giấy tờ chứng minh giới hạn chịu lửa.
Vi phạm và mất an toàn đến nỗi cảm giác cứ có cháy là có thảm hoạ.
Cơ sở karaoke đồng nghĩa với tiền bạc, tài sản, đồng nghĩa với công ăn việc làm, đúng là không thể “đóng cửa tập thể”... chỉ vì nguy cơ. Cơ sở nào đủ điều kiện PCCC cần được cấp phép trở lại, nhưng là trên nguyên tắc an toàn tuyệt đối. Bởi điều kiện đảm bảo PCCC không thể du di, thương lượng, cũng như tính mạng con người không phải là thứ có thể mặc cả.