BÚT KÝ- PHÓNG SỰ DỰ THI VỀ 50 NĂM CHIẾN THẮNG KHE SANH:

Vùng biên tự quản và “Kèn A man không thể thổi một mình”

HOÀNG VĂN MINH - HƯNG THƠ |

Biên giới Việt - Lào dọc Quảng Trị những ngày tháng 6. Đã nếm trải đủ cả cảm giác biên cương phên dậu dọc dặm dài đất nước nhưng không ở đâu chúng tôi có được cảm giác bình yên và máu thịt gắn bó như ở chốn này. Sự máu thịt dùng dằng của bên nớ bên ni như một khúc hát của người Vân Kiều ở dọc biên “kèn A man không thể thổi một mình”...

Bản – bản kết nghĩa

“Lại đi cột mốc nữa à?”. Thượng tá Lê Minh Phong, Đồn trưởng Đồn biên phòng Ba Tầng (huyện Hướng Hóa, Quảng Trị) có vẻ ngạc nhiên khi nghe chúng tôi đặt vấn đề đi thăm cột mốc. Là bởi tháng trước thôi, chúng tôi mới cùng các chiến sĩ của Ba Tầng “vật lộn” với đồi núi để được đặt chân đến cột mốc xa và cao nhất dọc biên giới Việt – Lào thuộc đồn Ba Tầng quản lý.

Đồn biên phòng Ba Tầng và dân quân xã Ba Tầng tuần tra cột mốc. Ảnh: Hưng Thơ.
Đồn biên phòng Ba Tầng và dân quân xã Ba Tầng tuần tra cột mốc. Ảnh: Hưng Thơ.

Với thượng tá Lê Minh Phong và các chiến sĩ, đi tuần cột mốc là chuyện hàng tuần và thậm chí hàng ngày nếu có gì đó đột xuất. Nhưng với cánh nhà báo, đi rồi lại đòi đi nữa như chúng tôi là chuyện khá hiếm. Thật ra thì khó mà nói cho người khác hiểu rõ tường tận rằng có những vùng đất, những địa danh, đặc biệt là biên cương phên dậu như Ba Tầng, mỗi lần đi là mỗi lần được khơi gợi những cảm xúc lạ lẫm đã ngủ sâu trong tiềm thức chứ không chỉ đơn thuần là công việc.

“Không nên chống tay lên đầu cột mốc vì nó rất thiêng liêng” – nhắc nhở của một người bạn sau khi xem một ảnh của chúng tôi trên facebook sau đó khiến chúng tôi nhớ lại những hình ảnh lau chùi quét dọn của các chiến sĩ Đồn biên phòng Ba Tầng ở cột mốc 614. Thế nào nhỉ? Nó trang trọng và thiêng liêng gần giống như cách chúng tôi dọn vườn và lau chùi bàn thờ tổ tiên trong những ngày tết. Nhưng ở đây “chúng tôi lau chùi, phát cỏ như thế này thường xuyên trong những lần đi tuần” – trung tá Trần Đức Tứ, Chính trị viên Đồn biên phòng Ba Tầng nói. 

Đường biên, ở chốn này chỉ là một dải cỏ trông như "bờm ngựa" được cắt tỉa chia đôi những ngọn núi. Nếu không phải là “người trong nghề” thì khó mà nhận ra được. “Nhà cửa” mở toang hoang cửa ngõ, không tường rào như vậy nhưng ở đây gần như không có “trộm cắp” hay tranh chấp gì đặc biệt, ngoài lâu lâu có chuyện “xâm canh” của cư dân sống ở hai bên “bờm ngựa”.

“Có được như hôm nay, là cả một quá trình rất dài với công sức, thậm chí máu xương của nhiều thế hệ cán bộ chiến sĩ và nhân dân địa phương. Đặc biệt là việc triển khai đồng bộ, hiệu quả Chỉ thị 01 của Thủ tướng Chính phủ về việc tổ chức phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới từ năm 2016 mà hạt nhân là những tổ tự quản” – trung tá Trần Đức Tứ kể.

Chiến sĩ Đồn biên phòng Ba Tầng lau cột mốc 614. Ảnh: Hưng Thơ.
Chiến sĩ Đồn biên phòng Ba Tầng lau cột mốc 614. Ảnh: Hoàng Văn Minh.

Ngoài các tổ tự quản là những hộ dân sống và canh tác dọc biên (Đồn Biên phòng Ba Tầng đang quản lý 7 tổ tự quản với 15 hộ dân tham gia ở hai xã Ba Tầng và A Dơi), “phong trào toàn dân...” còn là sự kết nghĩa bản – bản của hai nước như bản Rạ, A Dung, Xê (Lào) với bản Loa, Trùm, Sa Tuông (Việt Nam) mà hạt nhân là các già làng, trưởng bản – những người có tiếng nói với người dân còn quan trọng hơn cả chính quyền địa phương.

Bản – bản kết nghĩa là một mô hình thú vị, đồng thời mang lại hiệu quả cao khi theo trung tá Trần Đức Tứ, “thông tin sẽ được báo đến chúng tôi nhanh hơn và mọi vấn đề liên quan đến biên giới đều được giải quyết nhanh gọn ở cấp cơ sở chứ không phiền lên cấp cao hơn”.  

Vấn đề nữa là “những bản này cũng như các bản – bản kết nghĩa khác dọc biên giới Việt – Lào ở Quảng Trị, họ tuy hai mà một bởi dù ở hai nước, nhưng hai bên lại có quan hệ họ hàng ruột thịt với nhau, nên kết nghĩa là một kiểu hợp thức hóa việc họ qua lại thăm nhau, giúp nhau như cơm bữa”. Vậy nên hàng tháng, trong những cuộc giao ban để đánh giá, tháo gỡ khó khăn vướng mắc. Đôi khi đề xuất vướng mắc lại là những chuyện rất đời thường kiểu như một người dân bản Rạ (Lào) đứng lên thắc mắc vì sao bà con của họ ở bên bản Loa (Việt Nam) ai cũng có bảo hiểm y tế để khi đau ốm được miễn phí đi viện, nhưng họ ở bên này lại không?    

Thắc mắc về bảo hiểm y tế của người dân bản Rạ làm chúng tôi nhớ tới chuyện kể của già làng Hồ Văn Thương ở thôn Loa (xã Ba Tầng) về một thời  hai nước Việt – Lào chung tay dựng những cột mốc dọc biên “vui như hội” vào năm 2011. “Lúc đó mọi người tập trung hết về đây ăn ở. Ban đầu phân chia rõ ràng người Lào ăn cơm của Lào, người Việt ăn cơm của người Việt. Nhưng sau đó, người Lào họ toàn... ăn cơm của người Việt vì không ai nấu” – già làng Hồ Văn Thương, năm nay đã ngoài 80, nhớ lại bằng một tràng cười lớn.

Bảo vệ biên giới không chỉ là tuần tra cột mốc

Đại tá Hồ Ngọc Hoàng – Phó Chính ủy Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Quảng Trị cho biết: Bộ đội biên phòng Quảng Trị được giao quản lý, bảo vệ đoạn biên giới trên đất liền dài hàng trăm kilomet (trong đó có hàng chục kilomet đường biên giới trên sông Sê Pôn). Đường biên này có với 17 xã, 1 thị trấn thuộc 2 huyện Hướng Hóa và Đak Rông với dân số khoảng 14.330 hộ/ 65.137 khẩu. Có 3 dân tộc cùng sinh sống: Kinh, Pa Cô, Vân Kiều gồm 166 thôn, bản; trong đó có 58 thôn, bản giáp biên; có 62 vị trí mốc quốc giới.

Già làng Hồ Văn Thương ở thôn Loa (xã Ba Tầng) kể chuyện dựng cột mốc dọc tuyến biên giới. Ảnh: Hưng Thơ.
Già làng Hồ Văn Thương ở thôn Loa (xã Ba Tầng) kể chuyện dựng cột mốc dọc tuyến biên giới. Ảnh: Hưng Thơ.

Nghe chúng tôi tấm tắc mãi về sự yên bình, đặc biệt là những chuyện kể đầy tiếng cười từ Ba Tầng, đại tá Hồ Ngọc Hoàng cười bảo nếu so với những vùng biên khác trong cả nước thì đúng là yên bình thật. Nhưng yên bình không có nghĩa là quanh năm bình yên vô sự.

“Thực tế thì những năm qua, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên hai tuyến biên giới ở đây vẫn diễn ra khá phức tạp. Đáng lưu ý là hoạt động của nhiều đối tượng lợi dụng tôn giáo để truyền đạo trái pháp luật, tranh chấp đất đai, khiếu kiện trong nhân dân. Rồi tình trạng xuất nhập cảnh, vượt biên trái phép, buôn lậu, khai thác vàng, khai thác lâm thổ sản trái phép, buôn bán ma tuý, phụ nữ, trẻ em qua biên giới…”.  

Sông Sê Pôn chia đôi Việt – Lào ở Quảng Trị. Ảnh: Hoàng Văn Minh.
Sông Sê Pôn chia đôi Việt – Lào ở Quảng Trị. Ảnh: Hoàng Văn Minh.

Theo đại tá Hồ Ngọc Hoàng, gần đây, phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới ở Quảng Trị đã thu được những kết quả khả quan với việc lựa chọn được các tập thể, cá nhân đủ điều kiện để vận động đăng ký tham gia phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới. Đến nay, trên tuyến biên giới đất liền đã thành lập được 149 tổ tự quản an ninh trật tự thôn (bản) với 897 thành viên, 1.026 hộ/ 2.262 khẩu đăng ký tham gia tự quản đường biên, mốc quốc giới chỉ tính riêng biên giới đường bộ.

“Sau gần 2 năm thực hiện, Chỉ thị 01/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ đã mang lại hiệu quả thiết thực, tạo sự chuyển biến tích cực trên nhiều mặt” – đại tá Hồ Ngọc Hoàng nói. Đầu tiên là đồng bào dân tộc ở hai bên biên giới được tuyên truyền, trang bị kiến thức pháp luật về chủ quyền lãnh thổ, ý thức quốc gia, mốc quốc giới, việc chấp hành các quy định của Hiệp định về quy chế biên giới Việt Nam – Lào…

Tiếp đến là chuyển biến quan trọng trong nhận thức của các cấp, các ngành và ý thức trách nhiệm tham gia quản lý, bảo vệ đường biên, cột mốc, dấu hiệu vành đai khu vực biên giới, biển báo khu vực biên giới; bảo vệ tài nguyên, khoáng sản của người dân được nâng lên rõ rệt.

Tính từ năm 2016 đến nay, Bộ đội Biên phòng Quảng Trị đã tổ chức hơn 1.500 đợt với hàng ngàn lượt người tham gia tuần tra bảo vệ đường biên, cột mốc. Qua phong trào, quần chúng nhân dân đã cung cấp cho bộ đội biên phòng hơn 1.000 nguồn tin, trong đó có hơn 500 nguồn tin có giá trị liên quan đến bọn tội phạm buôn bán ma túy, chất nổ, chất cháy, buôn bán phụ nữ qua biên giới, gây rối trật tự công cộng, trộm cắp tài sản công dân...

So với nhiều vùng biên khác trong cả nước mà chúng tôi từng đến, đời sống người dân dọc biên giới ở Quảng Trị có thể nói là sung túc, trù phú một phần nhờ thiên nhiên ưu đãi, một phần nhờ triển khai có hiệu quả các dự án đầu tư của trung ương và địa phương về phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa.

Tuy nhiên, theo nhận định của đại tá Hồ Ngọc Hoàng, “kết cấu hạ tầng cơ sở của một số xã chưa đồng bộ, chưa đảm bảo giao thông đi lại ở các thôn bản, khí hậu khắc nghiệt, thiên tai thường xuyên đe dọa, đời sống của nhân dân còn gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo còn cao so với tiêu chí mới”.

Nhớ hôm ở cột mốc 614, trung tá Trần Đức Tứ nói “bảo vệ biên giới không chỉ đơn giản là tuần tra bảo vệ hay lau chùi, phát quang cột mốc như các anh vừa chứng kiến mà phải làm sao bảo đảm được an sinh, phát triển kinh tế, văn hóa xã hội cho người dân không chỉ ở Việt Nam. Có như vậy thì biên giới mới ổn định bền vững”.

Hai tác giả bên cột mốc 614 ở biên giới Việt – Lào. Ảnh: Công Sang.
Hai tác giả bên cột mốc 614 ở biên giới Việt – Lào. Ảnh: Công Sang.

Và đó là một công cuộc gian nan khi người dân hai bên vẫn sản xuất tự phát, chưa được sự hỗ trợ của khoa học kỹ thuật cũng như nhận thức còn rất hạn chế. Trong khi mỗi năm đôi bận “cán bộ đến thăm cán bộ lại về và chỉ có biên phòng chúng tôi là ở lại với dân ngày này qua tháng khác”. Nên mỗi chiến sĩ biên phòng thì phải là bác sĩ đa khoa, cái gì cũng phải biết, phải làm được thì mới hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Đảng và nhân dân giao phó.

Trở lại với tiếng kèn A Man của người Vân Kiều đang sống bản đối bản dọc hai bên biên giới mà chúng tôi nghe được hôm trước khi lang thang dọc sông Sê Pôn: …“em ở bên chòi này thao thức đợi anh/ muốn thổi kèn A Man nhưng lại thiếu một người/ kèn A Man không thể thổi một mình/ em biết thương ai bây giờ ngoài anh…”. Tiếng kèn ấy, điệu hát ấy giờ đôi khi không chỉ là sự dùng dằng, day dứt của tình yêu đôi lứa…

 
 
HOÀNG VĂN MINH - HƯNG THƠ
TIN LIÊN QUAN

Sắc áo cam làm nên nguồn sáng cho đất ba- zan

PHAN VĂN VĨNH |

Trong sự trở mình, lớn mạnh của Khe Sanh - Hướng Hóa (Quảng Trị) 25 năm lại đây, ngành điện và những người thợ điện luôn sâu nặng một tình cảm và quyết tâm cao cho tiến độ, chất lượng từng công trình, từng dự án về điện cho vùng đất nghĩa tình này.

Nữ bác sĩ bén duyên với thôn bản

HÀN THỊ LÊ VÂN |

Khe Sanh (Hướng Hóa, Quảng Trị) là mảnh đất của chiến trường xưa, còn rất nhiều khó khăn, vất vả. Sau ngày đất nước thống nhất, đã có nhiều thanh niên, trí thức, y bác sĩ, giáo viên tình nguyện đến với đồng bào vùng sâu vùng xa, chịu đựng gian khổ, hy sinh, đem sức trẻ và trí tuệ, nhiệt huyết để giúp người dân học hành, chữa bệnh, cải thiện chất lượng cuộc sống. 

Biên cương một buổi

THÁI BÁ LỢI |

Từ cửa khẩu Lao Bảo, theo dọc đường 9 về xuôi chỉ cách vài chục cây số thôi là các địa danh Làng Vây, Tà Cơn, Khe Sanh… trong những năm chiến tranh chống Mỹ nổi tiếng thế giới. Năm 1967, trung đoàn tôi đánh với quân Mỹ một trận lớn dưới Gio An, ngồi trong hầm chữ A núp pháo bầy từ Dốc Miếu, Cồn Tiên, Đầu Mầu, Cam Lộ, điểm cao 241 dội đến cứ nghĩ không biết lúc nào mình mới đến được những nơi này... 

Hà Nội dự báo số lượng phương tiện đăng kiểm tăng cao vào đầu tháng 4

PHẠM ĐÔNG |

Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội Nguyễn Phi Thường dự báo đến cuối tháng 3, đầu tháng 4 số lượng phương tiện đăng kiểm tăng cao sẽ gây ra tình trạng ùn tắc.

Lãi suất ngân hàng hôm nay 10.3: Top ngân hàng lãi suất cao nhất tháng 3

Hương Nguyễn |

Lãi suất ngân hàng hôm nay: Lãi suất cao nhất thị trường lên tới 10% cho kỳ hạn 13 tháng. Cập nhật trọn bộ lãi suất Agribank, SCB, Sacombank, Vietcombank... mới nhất.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tái đắc cử nhiệm kỳ 3

Song Minh |

Ngày 10.3.2023, ông Tập Cận Bình được bầu tiếp tục giữ chức Chủ tịch nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa nhiệm kỳ 3 và Chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc.

Kiến nghị phương tiện quá hạn đăng kiểm 15 ngày được di chuyển

Hiếu Anh |

Trao đổi với Báo Lao Động, đại diện Bộ Giao thông vận tải cho biết, Bộ vừa có văn bản kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ áp dụng một số biện pháp tháo gỡ khó khăn trong hoạt đăng kiểm.

Cán bộ đăng kiểm đã nghỉ hưu sẵn sàng quay lại công việc

Hiếu Anh |

Để giải quyết vấn đề thiếu nhân sự, Cục Đăng kiểm kêu gọi cán bộ đã nghỉ hưu tham gia công tác đăng kiểm.

Sắc áo cam làm nên nguồn sáng cho đất ba- zan

PHAN VĂN VĨNH |

Trong sự trở mình, lớn mạnh của Khe Sanh - Hướng Hóa (Quảng Trị) 25 năm lại đây, ngành điện và những người thợ điện luôn sâu nặng một tình cảm và quyết tâm cao cho tiến độ, chất lượng từng công trình, từng dự án về điện cho vùng đất nghĩa tình này.

Nữ bác sĩ bén duyên với thôn bản

HÀN THỊ LÊ VÂN |

Khe Sanh (Hướng Hóa, Quảng Trị) là mảnh đất của chiến trường xưa, còn rất nhiều khó khăn, vất vả. Sau ngày đất nước thống nhất, đã có nhiều thanh niên, trí thức, y bác sĩ, giáo viên tình nguyện đến với đồng bào vùng sâu vùng xa, chịu đựng gian khổ, hy sinh, đem sức trẻ và trí tuệ, nhiệt huyết để giúp người dân học hành, chữa bệnh, cải thiện chất lượng cuộc sống. 

Biên cương một buổi

THÁI BÁ LỢI |

Từ cửa khẩu Lao Bảo, theo dọc đường 9 về xuôi chỉ cách vài chục cây số thôi là các địa danh Làng Vây, Tà Cơn, Khe Sanh… trong những năm chiến tranh chống Mỹ nổi tiếng thế giới. Năm 1967, trung đoàn tôi đánh với quân Mỹ một trận lớn dưới Gio An, ngồi trong hầm chữ A núp pháo bầy từ Dốc Miếu, Cồn Tiên, Đầu Mầu, Cam Lộ, điểm cao 241 dội đến cứ nghĩ không biết lúc nào mình mới đến được những nơi này...