Quan hệ Việt - Mỹ: “Việt Nam là một đất nước chứ không phải một cuộc chiến tranh”

Lương Thanh Nghị |

Ông Lương Thanh Nghị, Đại sứ Việt Nam tại Australia, nguyên Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam, những năm 1990 từng công tác tại Trung tâm Báo chí Bộ Ngoại giao dẫn lời cố Thứ trưởng Ngoại giao Lê Mai về quan hệ Việt - Mỹ: “Việt Nam là một đất nước chứ không phải là một cuộc chiến tranh".
Thông điệp bao dung

 

Mãi tháng 11.1991, chính phủ Mỹ mới chính thức cho phép khách du lịch, doanh nhân, cựu chiến binh và các nhà báo Mỹ đến Việt Nam. Tuy nhiên, trước đó nhiều phóng viên các hãng thông tấn, báo chí lớn của Mỹ đã “lách luật” bằng việc xin thị thực rời (không đóng dấu vào hộ chiếu) đến Việt Nam nhằm tránh sự kiểm soát của chính quyền Mỹ.

Thường xuyên làm việc với phóng viên nước ngoài trong thời gian này, tôi biết họ đã rất nỗ lực để đem lại cho công chúng Mỹ một hình ảnh khác về Việt Nam.

Khi đó, chúng tôi liên lạc với phóng viên chủ yếu qua thư viết tay hoặc đánh máy, may mắn lắm là thông qua telex gửi về từ các cơ quan đại diện Việt Nam tại một số nước trong khu vực. Công việc chuẩn bị cho phóng viên tác nghiệp tại Việt Nam cũng gian nan không kém. Chúng tôi liên lạc với các địa phương chủ yếu qua dịch vụ “điện tín” của bưu điện Bờ Hồ. Để phóng viên có thể hoạt động tại Việt Nam trong khoảng 2-3 tuần, công tác chuẩn bị mất cả vài ba tháng.

Chúng tôi hiểu có một chủ trương xuyên suốt là phải tạo mọi điều kiện để phóng viên nước ngoài, nhất là phóng viên Mỹ, được vào Việt Nam hoạt động. Đây cũng là thời điểm thu hút sự quan tâm đặc biệt của báo chí quốc tế do Việt Nam đã bước đầu thoát khỏi tình trạng khủng hoảng về kinh tế xã hội; công cuộc đổi mới sau 5 năm đã đạt dược nhiều thành tựu quan trọng; đã có những dấu hiệu Hoa Kỳ bỏ cấm vận và tiến tới bình thường hoá quan hệ với Việt Nam.

Đối với phóng viên Mỹ, chủ đề quan tâm nhất lúc đó chính là vấn đề tù nhân và người Mỹ mất tích trong chiến tranh (POW/MIA). Sau này tôi mới biết đây chính là vấn đề các nhóm lợi ích ở Mỹ sử dụng để ngăn cản tiến trình bình thường hoá quan hệ giữa hai nước. Hồi đó, những nơi trước đây từng giam giữ tù binh Mỹ như Hoả Lò, Xưởng phim quân đội trên đường Lý Nam Đế, kho lưu trữ phim quốc gia tại đường Nguyễn Trãi (Hà Nội) là những địa danh phóng viên Mỹ thường xuyên lui tới để tìm hiểu, viết bài. Phóng viên cũng được tạo điều kiện đến thăm hoạt động hỗn hợp tìm kiếm người mất tích tại nhiều địa phương ở miền Bắc, miền Trung và cả những khu vực giáp biên giới với Lào và Campuchia.

Tôi còn nhớ, đầu năm 1992, trong lần tiếp phóng viên của tạp chí Time của Mỹ, khi được hỏi làm sao để dân chúng Mỹ có thể tin rằng không còn tù nhân chiến tranh nào còn sống ở Việt Nam, Thủ tướng Võ Văn Kiệt trả lời, đại ý ở Việt Nam có hàng chục ngàn gia đình có người thân mất tích và gia đình ông cũng là một nạn nhân, và ông mời bất cứ người nào nghi ngờ còn người Mỹ sống ở Việt Nam hãy đến Việt Nam để tìm hiểu.

Chính những tuyên bố, những “người thật việc thật” đó đã truyền đi thông điệp mạnh mẽ tới chính phủ và nhân dân Mỹ rằng Việt Nam là một dân tộc bao dung, hòa hiếu với tinh thần “gác lại quá khứ, hướng tới tương lai”, vốn là truyền thống của dân tộc Việt Nam từ bao đời.

Những “lời cầu nguyện riêng tư”

Trong khi đó, nhiều người dân Việt Nam vẫn đang hàng ngày, hàng giờ gánh chịu hậu quả do chiến tranh để lại. Tôi không thể quên cảnh tượng hãi hùng mà bản thân cùng với hai phóng viên Mỹ của tờ Philadelphia Inquirer đã chứng kiến. Cả phóng viên ảnh và viết của tờ báo đều là những cựu chiến binh từng phục vụ tại chiến trường Việt Nam, lần đầu tiên tới Hà Nội với thái độ e ngại và thận trọng. Trên đường vào Huế, chúng tôi dừng lại ở khu vực sân bay Tà Cơn (Quảng Trị). Trời đã tắt nắng, trên cánh đồng vốn là đường băng, đàn trâu bò ung dung gặm cỏ. Bọn trẻ chăn trâu nô đùa vui vẻ trên những con đường bao quanh.

Trước hình ảnh thanh bình đó, hai phóng viên cứ thế tiến vào khu vực đường băng để chụp ảnh. Tôi vội thúc họ quay lại vì biết nơi này quá nguy hiểm, rất nhiều bom mìn có thể còn đang bị chôn vùi dưới lớp cỏ và bụi cây kia. Vừa đi được một đoạn đường ngắn, chúng tôi nghe tiếng nổ lớn sau lưng: Một con trâu bị giết do dẫm phải mìn. Nhìn sang hai phóng viên, tôi thấy họ thất thần, mắt rơm rớm nước.

Một lần khác, chúng tôi ghé thăm huyện Sa Thầy (Kon Tum), nơi vẫn còn đó những quả đồi trơ trụi, lác đác những thân cây bị cháy xém. Đây đó là những thùng đựng hoá chất vẫn còn bị vùi trong đất. Nơi đây trong chiến tranh là một trong những chiến trường ác liệt và quân đội Mỹ đã đổ xuống những cánh rừng bên dưới hàng trăm tấn chất diệt cỏ.

Khi về đến thành phố Hồ Chí Minh, tôi đưa phóng viên đến thăm Bệnh viện Từ Dũ nơi có hai cháu Việt-Đức đang nằm điều trị. Chúng tôi được hướng dẫn tới phòng trưng bày những thai nhi dị dạng do ảnh hưởng của chất độc hóa học dùng trong chiến tranh hiện được lưu giữ trong các bình thuỷ tinh. Sau khi chụp một vài kiểu ảnh, hai phóng viên vội quay ra, mắt đỏ hoe, họ đứng im lặng một hồi lâu. Có lẽ những hình ảnh đó đã nói lên tất cả sự khốc liệt của cuộc chiến.

 
Hai cựu binh gặp lại nhau, hình ảnh trong phim tài liệu "Nhật ký Kon Tum" của Echo Productions thực hiện năm 1991. Người bên phải ảnh là tác giả bài viết Lương Thanh Nghị, lúc đó làm việc tại Trung tâm Báo chí Bộ Ngoại giao. 

Đầu những năm 1990, tôi thường được phân công đi cùng phóng viên ảnh người Mỹ Greg Davis, sống ở Nhật, cộng tác với tạp chí Time và nhiều báo lớn của Mỹ lúc đó. Greg Davis đã có thời gian dài phục vụ quân đội Mỹ tại miền Nam Việt Nam từ năm 1967-1970. Mặc dù không trực tiếp chiến đấu, nhưng anh đã có mặt tại nhiều chiến trường, tận mắt chứng kiến quân đội Mỹ thả chất diệt cỏ ở nhiều nơi thuộc miền Trung, Tây Nguyên.

Cuối những năm 80 và đầu những năm 1990, Greg luôn có mặt tại Việt Nam để đưa tin hoạt động tìm kiếm MIA và đi đến nhiều địa phương để ghi lại những hình ảnh vẫn còn in đậm dấu vết của chiến tranh. Greg đặc biệt quan tâm tới hậu quả của chất độc da cam, dioxin nên đã đến rất nhiều gia đình ở Thái Bình, Hà Nam… gặp các nhân chứng.

Sau này, khi biết tôi chuẩn bị đi Nhật công tác, anh hẹn gặp tôi ở Tokyo và dự định tổ chức triển lãm ảnh về ảnh hưởng của chất độc da cam đối với con người và môi trường ở Việt Nam. Tôi chưa kịp đến thăm anh thì đã nghe tin anh qua đời vào tháng 5.2003 tại Tokyo do mắc bệnh hiểm nghèo được cho là có liên quan tới chất độc da cam. Vợ anh, chị Masako Sakata, sau đó đã sang Việt Nam nhiều lần thực hiện phim tài liệu “Chất độc da cam – Lời nguyện cầu riêng tư” để tưởng nhớ Greg Davis, người phóng viên ảnh luôn gắn bó với Việt Nam.

Tâm nguyện hòa bình

Cũng từ sau năm 1991, rất nhiều đoàn cựu chiến binh Mỹ đã sang Việt Nam, đi thăm chiến trường cũ và tiến hành các hoạt động thiện nguyện. Báo chí Mỹ lại có dịp viết nhiều tin bài về quá trình hòa giải giữa hai “cựu thù”. Đáng chú ý, hãng truyền hình Echo Productions (Mỹ) đã thực hiện phóng sự tài liệu “Nhật ký Kontum” kể câu chuyện về Paul Reed, một cựu chiến binh Mỹ, trở lại Việt Nam để gặp và trao lại kỷ vật chiến tranh, trong đó có cuốn nhật ký bằng thơ, cho một cựu chiến binh của QĐND Việt Nam, ông Nguyễn Văn Nghĩa.

Tôi thực sự xúc động khi chứng kiến hai người đàn ông trước đây ở hai đầu chiến tuyến đã tay trong tay, cùng thăm lại chiến trường xưa với tâm nguyện “hòa bình và hữu nghị”, câu chúc mà Paul Reed hay dùng mỗi khi gặp người dân Việt Nam.

Một trang nhật ký của ông Nguyễn Văn Nghĩa được cựu binh Mỹ Paul Reed lưu giữ trước khi tìm trả lại cho chủ nhân.  

Năm 1996, khi đôi mắt của ông Nghĩa ngày càng xấu đi do ảnh hưởng của vết thương cũ trong chiến tranh, Paul Reed cùng đoàn làm phim đã đưa ông sang Mỹ chữa bệnh. Tại đây, họ lại cùng nhau thực hiện sứ mệnh hòa giải khi gặp gỡ và nói chuyện với rất nhiều cựu binh Mỹ tại Texas, Washington DC, Los Angeles. Phần hai của bộ phim có tựa đề “Nhật Ký Kontum: hành trình trở về” cũng gây xúc động mạnh cho khán giả. Năm 2005, phim được trình chiếu tại LHQ trong khuôn khổ các hoạt động với chủ đề "Hòa giải và loại bỏ xung đột".

Ngày 11.7.1995 đánh dấu bước ngoặt lịch sử quan trọng trong quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ khi Tổng thống Bill Clinton và Thủ tướng Võ Văn Kiệt tuyên bố bình thường hoá quan hệ ngoại giao giữa hai nước. Đó là kết quả của những nỗ lực chung từ hai phía, trong đó báo chí truyền thông đã góp phần không nhỏ vào quá trình hàn gắn vết thương chiến tranh, xây dựng tình hữu nghị, hợp tác và hiểu biết lẫn nhau giữa hai dân tộc.

Các nhà báo Mỹ, cùng với các đồng nghiệp Việt Nam và quốc tế khác, với lương tâm và trách nhiệm của mình, họ đã và đang làm điều mà nguyên Tổng thống Mỹ Bill Clinton phát biểu trong chuyến thăm Việt Nam tháng 11.2000: “Chúng ta không thể thay đổi quá khứ. Điều chúng ta có thể thay đổi là tương lai” (We cannot change the past. What we can change is the future).

Lương Thanh Nghị
TIN LIÊN QUAN

Hiền nhân mặc áo blue trắng

Đỗ Doãn Hoàng |

Nếu ai đó hỏi về tín đồ của lời thề tuyệt vời Hippocrates mà tôi biết ở Việt Nam, thì cái tên đầu tiên tôi kể ra sẽ là PGS-TS Nguyễn Duy Thăng - một hiền nhân mặc áo blue trắng. Khiêm cung, giản dị, nhưng ở ông có cái gì đó giống như một giá trị hiếm hoi còn tồn tại đến bây giờ.

Thổ Châu - Cuộc chiến giữa trùng khơi: Không được phép lãng quên

Lục Tùng |

Sau thoáng tần ngần, tôi thắp nén hương rồi vội vã rời “Đền tưởng niệm” với tâm trạng như người có lỗi vì không biết khấn thế nào cho “phải đạo” khi mà con số, tư liệu vẫn còn ngổn ngang... Lần nào đến Thổ Châu - “thiên đường đầu sóng”, tôi cũng “rờn rợn” với cảm giác xương cốt các liệt sĩ còn vất vưởng đâu đó trong lòng đất đảo. Và đã 40 năm rồi, vậy mà sự kiện toàn bộ người dân trên đảo Thổ Châu mất tích vẫn là những khoảng trống của lịch sử...

Thổ Châu đau đáu câu hỏi 40 năm

LỤC TÙNG |

Tháng 5.1975, khi nhân dân cả nước náo nức với “Ngày hội non sông thống nhất”, thì Pôn-pốt tràn sang đưa toàn bộ người dân trên đảo Thổ Châu (nay là xã Thổ Châu, Phú Quốc, Kiên Giang) đi biệt tích trước một ngày bộ đội đưa quân ra giải phóng. Có bao nhiêu người dân bị đưa đi, họ sống chết ra sao, thi thể ở chốn nào…?

Ông Lê Tiến Châu làm Bí thư Thành ủy Hải Phòng

Mai Chi |

Ông Lê Tiến Châu, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, được Bộ Chính trị phân công làm Bí thư Thành ủy Hải Phòng, nhiệm kỳ 2021 - 2025.

Hà Nội: Đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài trước ngày thông xe

Tô Thế |

Hà Nội - Theo dự kiến, đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài (quận Đống Đa) sẽ chính thức thông xe vào sáng 17.1.2023 sau hơn 20 năm triển khai.

Hiệp định Paris là đỉnh cao thắng lợi của ngoại giao Việt Nam

Thanh Hà |

Hiệp định Paris là đỉnh cao thắng lợi của nền ngoại giao Việt Nam trong 30 năm chiến tranh giải phóng dân tộc, là minh chứng hùng hồn cho việc vận dụng nhuần nhuyễn phương châm "dĩ bất biến ứng vạn biến" của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Người nhà bệnh nhân mong chờ đón Tết ở bệnh viện không còn lạnh lẽo

MINH HÀ - HẢI DANH |

Hàng trăm người nhà bệnh nhân tại Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Việt Đức vẫn phải chịu cảnh màn trời chiếu đất khi bệnh viện không có chỗ lưu trú. Vào thời điểm cận Tết, họ cảm thấy chạnh lòng, lo lắng phải đón Tết ở bệnh viện trong cảnh thiếu thốn, lạnh lẽo.

Xe khách đâm nhau trên đường dẫn cao tốc Đà Nẵng- Quảng Ngãi, 27 người thương vong

VIÊN NGUYỄN |

Quảng Ngãi - Một vụ tai nạn giao thông (TNGT) xảy ra trên đường dẫn cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi giữa 2 xe khách khiến 1 người chết, 26 người bị thương.

Hiền nhân mặc áo blue trắng

Đỗ Doãn Hoàng |

Nếu ai đó hỏi về tín đồ của lời thề tuyệt vời Hippocrates mà tôi biết ở Việt Nam, thì cái tên đầu tiên tôi kể ra sẽ là PGS-TS Nguyễn Duy Thăng - một hiền nhân mặc áo blue trắng. Khiêm cung, giản dị, nhưng ở ông có cái gì đó giống như một giá trị hiếm hoi còn tồn tại đến bây giờ.

Thổ Châu - Cuộc chiến giữa trùng khơi: Không được phép lãng quên

Lục Tùng |

Sau thoáng tần ngần, tôi thắp nén hương rồi vội vã rời “Đền tưởng niệm” với tâm trạng như người có lỗi vì không biết khấn thế nào cho “phải đạo” khi mà con số, tư liệu vẫn còn ngổn ngang... Lần nào đến Thổ Châu - “thiên đường đầu sóng”, tôi cũng “rờn rợn” với cảm giác xương cốt các liệt sĩ còn vất vưởng đâu đó trong lòng đất đảo. Và đã 40 năm rồi, vậy mà sự kiện toàn bộ người dân trên đảo Thổ Châu mất tích vẫn là những khoảng trống của lịch sử...

Thổ Châu đau đáu câu hỏi 40 năm

LỤC TÙNG |

Tháng 5.1975, khi nhân dân cả nước náo nức với “Ngày hội non sông thống nhất”, thì Pôn-pốt tràn sang đưa toàn bộ người dân trên đảo Thổ Châu (nay là xã Thổ Châu, Phú Quốc, Kiên Giang) đi biệt tích trước một ngày bộ đội đưa quân ra giải phóng. Có bao nhiêu người dân bị đưa đi, họ sống chết ra sao, thi thể ở chốn nào…?