Thổ Châu - Cuộc chiến giữa trùng khơi: Không được phép lãng quên

Lục Tùng |

Sau thoáng tần ngần, tôi thắp nén hương rồi vội vã rời “Đền tưởng niệm” với tâm trạng như người có lỗi vì không biết khấn thế nào cho “phải đạo” khi mà con số, tư liệu vẫn còn ngổn ngang... Lần nào đến Thổ Châu - “thiên đường đầu sóng”, tôi cũng “rờn rợn” với cảm giác xương cốt các liệt sĩ còn vất vưởng đâu đó trong lòng đất đảo. Và đã 40 năm rồi, vậy mà sự kiện toàn bộ người dân trên đảo Thổ Châu mất tích vẫn là những khoảng trống của lịch sử...
Cuộc chiến giữa trùng khơi

 

Trong căn nhà bình dị giữa lòng TP. Cần Thơ náo nhiệt, đại tá Võ Hồng Thanh tiếp tôi với tâm trạng xúc động khi nghe nhắc đến hai tiếng Thổ Châu. “Đó là trận đánh đáng nhớ nhất trong đời binh nghiệp - ông Thanh tự hào - lính bộ binh đi đánh trên biển, thiếu đủ thứ, nhưng lại thắng thần tốc”.

Theo lời ông Thanh, cả tiểu đoàn chỉ có 1 khẩu cối 82 là hỏa lực mạnh, lại do không rành địa hình, địa vật, phòng bố của địch… “Vì vậy để rút ngắn bất lợi này, đơn vị tuyển chọn những người chiến đấu tinh nhuệ, gan dạ, nói “chữ nghĩa” một chút là những chiến binh. Tiểu đoàn có 3 đại đội, nhưng chỉ tuyển được 110 người tham gia chiến đấu”.

“Trung đoàn nhận định nhiều khả năng địch bố trí lực lượng tập trung quân tại bãi Ngự, bãi Dong và bãi Nhứt, nên sau khi bàn bạc, thống nhất đổ quân và đồng loạt nổ súng lúc 0 giờ ngày 24.5.1975. Trong đó Tiểu đoàn 410 tấn công khu vực bãi Ngự, bãi Nhứt; khu vực Bãi Dong do đội đặc công thủy cùng địa phương quân phụ trách…”, ông Thanh nhớ lại. 4 giờ ngày 24.5.1975, nhìn thấy nóc nhà dân dưới ánh sáng lờ mờ, xác định đúng khu vực bãi Ngự, ông Thanh triển khai đội hình chiến đấu. 

Cựu binh Đại đội địa phương giải phóng Thổ Châu tháng 5.2015 (trái sang: Phạm Văn Mận, Võ Văn Bình, Nghiêm Văn Thành). Ảnh T.L 

Đến 11 giờ, địch co lại thành 3 cụm rồi dựng công sự tạm ven biển chống trả yếu ớt, sau đó tháo chạy khỏi bãi Ngự, rút lên đỉnh núi. Sáng 25.5.1975, ông Thanh quyết định áp dụng chiến tranh “công tâm”: Không sử dụng vũ trang mà dùng loa gọi hàng. Độ chục phút sau, địch từ đỉnh núi mang vũ khí xuống đầu hàng, ta bắt giữ được 105 tên. Qua khai thác, chúng khai còn 2 trung đội đóng ở hòn Cao và hòn Từ. Cũng với chiến thuật “công tâm”, ta chọn 5 tên địch có uy tín kêu gọi tàn quân còn lại ra hàng. Ta kết thúc chiến dịch, giải phóng hoàn toàn Thổ Châu mà không tốn thêm một viên đạn”.

Vẫn nằm lại chiến trường

Đang sôi nổi nhắc lại cuộc chiến đấu giữa trùng khơi với những đồng đội cũ, bất giác thượng tá Phạm Văn Mận - Chủ tịch Hội CCB huyện Phú Quốc đột ngột hỏi: “Không biết thân xác của Năm “Tràu Lóc” giờ ở đâu”? Tôi ngước nhìn, những gương mặt dạn dày lửa đạn chiến tranh bỗng mềm ra, những đôi mắt mờ đục của tuổi xưa nay hiếm đang rơm rớm… 

Năm “Tràu Lóc” là biệt danh mà đồng đội đặt cho Nguyễn Đức Thuận (SN 1954) vì có thói quen gọi cá lóc là cá tràu. Anh Thuận là dân miền Trung, sau bị bắt đưa ra “nhà lao Cây Dừa” (Phú Quốc), vượt ngục rồi gia nhập địa phương quân Phú Quốc, cầm súng đánh đuổi kẻ thù từ năm 1971.

Ngày thống nhất đất nước, anh Thuận định về quê thăm người thân, nhưng do thành tích chiến đấu gan dạ, mưu trí trong những ngày đánh Mỹ, anh danh dự được chọn vào Đại đội địa phương đi giải phóng Thổ Châu. “Năm “Tràu Lóc” chết ngay khi vừa kết thúc trận đánh giải phóng đảo”, lời kể của ông Võ Văn Bình, (tự Bình Sóc) người trực tiếp chứng kiến cái chết của anh Thuận. 

Sau khi giải phóng trận địa do Đại đội địa phương phụ trách, trên đường rút quân về, ông Bình phát hiện công sự của địch còn khá nguyên vẹn nằm sát chân núi nên gọi Năm “Tràu Lóc” đến xem xét thì bị 1 tàn quân bên trong nổ súng. “Tôi thấy anh ấy ngã xuống ngay miệng hầm rồi lọt hẳn vào bên trong lô cốt. Tôi vác khẩu B40 ra nhắm ngay lô cốt bóp cò quả cuối cùng, nhưng đạn bị lép nên hối chiến sĩ Đạt (sau này bệnh mất) chạy qua bãi Ngự nơi Tiểu đoàn 410 đóng quân mượn khẩu B41 về bắn 1 quả”, ông Bình kể. Sau tiếng nổ long trời, ông Bình chạy tới, nhưng tất cả đã tan thành mảnh vụn.

Năm đó anh Thuận tròn 21 tuổi. Do phải chấp hành lệnh làm nhiệm vụ khẩn cấp, ông Bình chỉ kịp đánh dấu địa điểm để lần sau trở lại làm mộ cho người đồng đội rồi xuống tàu cùng đại đội trở lại Phú Quốc. Năm 1976 anh Thuận được công nhận liệt sĩ. Còn ông Bình, do những bận rộn của những ngày đầu giải phóng, đến năm 1981, xin nghỉ phục viên thì lại vướng vào những lo toan của cuộc sống gia đình 6 người con, nên mãi đến nay vẫn chưa một lần quay lại. Còn anh Thuận, do chưa có vợ con, lại mất liên lạc với gia đình ở miền Trung nên cũng chẳng ai cất công đi tìm. Thậm chí “Bằng Tổ quốc ghi công” của anh cũng được gởi tạm nhà của người “sơ giao” ở Phú Quốc.

Một số, hai số hay... vô số?

Dưới linh vị và bàn thờ ở “Đền tưởng niệm đảo Thổ Châu” hiện có dòng chữ: “Trên 500 người dân bị Pôn - pốt xâm lược thảm sát tháng 5.1975”. Tuy nhiên ngoài có số 500, thực tế lại có quá nhiều con số khác: 513, 518, thậm chí là 600 người... Ông Châu Phước Thái, nguyên là “nghĩa quân” xã Thổ Châu (1970-1974) không hiểu vì sao và từ đâu có con số 513 người dân Thổ Châu “mất tích”?

Ông nghi ngờ tư liệu này vì thực tế số dân trên đảo lúc đó không hơn 200 người. Đồng tình với số liệu này, ông Nguyễn Thái Học (hiện sống tại thị trấn An Thới, Phú Quốc) người có nhiều gắn bó với Thổ Châu trước và sau năm 1975, cho biết thêm: Năm 1972-1974 khi ra đây dạy học, Thổ Châu chỉ lác đác hơn chục ngôi nhà tập trung chủ yếu tại khu vực bãi Ngự”.

Tương tự, ông Nguyễn Văn Sĩ, chủ của gia đình duy nhất may mắn thoát chết trong đoàn người bị Pôn - pốt chở đi biệt tích cũng khẳng định dân số Thổ Châu thời điểm đó không hơn 500 người: “Dân số ở Thổ Châu “biến động” theo mùa. Mùa nắng, dân tứ xứ đến khai thác hải sản, từ cuối tháng 4 âm lịch, biển Tây vào mùa sóng to, gió lớn, hầu hết kéo nhau về quê cũ”. 

Điều này cũng trùng khớp với số liệu của Thiếu tướng Lê Xã Hội - nguyên Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng QK 9 cung cấp cho chúng tôi: Có khoảng 150 người dân bị chở đi và toàn bộ bị giết. “Nhờ biết tiếng Khmer nên tôi đã trao đổi và được “hàng binh” tên Dân cung cấp thông tin này”, ông Hội quả quyết.

Nhớ lại không phải để căm thù...

Có bao nhiêu người dân trên đảo Thổ Châu bị mất tích thời điểm đó? Giờ họ sống - chết ra sao, ở đâu? Những câu hỏi ấy cứ ray rứt, thôi thúc tôi tìm đến nhiều cơ quan chức năng với kỳ vọng việc tiếp cận với “chính sử” để chạm tay vào sự thật, nhưng…

Phó Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Kiên Giang Diệp Hoàng Du cáo lỗi do “chính sử” của Kiên Giang chỉ mới đến giai đoạn 30.4.1975 và “kết nối” tôi đến BCH Quân sự tỉnh Kiên Giang. Nhưng nơi đây cho biết, không có hồ sơ, thông tin vì thời điểm ấy, Thổ Châu thuộc huyện Hà Tiên của tỉnh Long Châu Hà, tức An Giang. Tôi đến An Giang, nhưng các cơ quan chức năng ở đây cũng “bó tay”. 

Thậm chí ngay cả tấm ảnh tư liệu về sự kiện này cũng không có do “thời điểm đó thiếu phương tiện ra hiện trường tác nghiệp” - như lý giải của ông Lê Ngọc Bích, cựu phóng viên Báo An Giang, tác giả của nhiều bộ ảnh “độc” trong đó có bộ ảnh Pôn - pốt thảm sát toàn dân xã Ba Chúc (An Giang) năm 1978.

Sau 40 năm, liệu có quá muộn để hồi sinh đoạn sử từ nguồn dữ liệu đang rất mỏng, rời rạc và mờ nhạt teo tóp dần theo năm tháng? Sẽ không có gì là quá muộn, nếu chúng ta quyết tâm góp nhặt những mảnh ký ức từ hôm nay. Bởi bên cạnh những nhân chứng mà chúng tôi đề cập, theo đại tá Võ Hồng Thanh, vào thời điểm giải phóng Thổ Châu, trên đảo vẫn còn 13 người dân như Danh Thương, Chín Hải, Hai Duyên... Có thể trong số này có người đã quy tiên, nhưng nếu cố công truy tìm, tổ chức buổi tọa đàm và xử lý thông tin đúng theo phương pháp khoa học của người làm sử, chúng ta vẫn còn hy vọng.

“Sự kiện Thổ Châu với sự mất tích của hàng trăm người dân vô tội có ý nghĩa lịch sử quan trọng. Vì thế chúng ta phải chung tay “hồi sinh” để nhớ nhắc hôm nay và mai sau không được phép quên đoạn sử bi hùng này theo tinh thần: Không phải để căm hận, nuôi dưỡng sự trả thù, mà biết sợ những mất mát do chiến tranh mang lại để yêu chuộng hòa bình”. Chúng tôi xin mượn lời Thiếu tướng Lê Xã Hội kết thúc bài viết này như một thông điệp để các cơ quan hữu trách sớm vào cuộc trước khi quá muộn.

Lục Tùng
TIN LIÊN QUAN

Thổ Châu đau đáu câu hỏi 40 năm

LỤC TÙNG |

Tháng 5.1975, khi nhân dân cả nước náo nức với “Ngày hội non sông thống nhất”, thì Pôn-pốt tràn sang đưa toàn bộ người dân trên đảo Thổ Châu (nay là xã Thổ Châu, Phú Quốc, Kiên Giang) đi biệt tích trước một ngày bộ đội đưa quân ra giải phóng. Có bao nhiêu người dân bị đưa đi, họ sống chết ra sao, thi thể ở chốn nào…?

Táo Quân 2023 trào lộng với hình ảnh dàn Táo nhảy điệu "đúng hay sai"

Mi Lan |

Tại Táo Quân 2023, khán giả được nhắc nhớ lại những khoảnh khắc đầy dấu ấn của chương trình suốt 20 năm lên sóng.

Người dân phố cổ tất bật bày biện mâm lễ cúng giao thừa

NHÓM PV |

Trên các tuyến phố Hàng Thiếc, Hàng Buồm, Hàng Nón, nhiều gia đình tất bật bày biện mâm lễ cúng giao thừa ngoài trời, chờ thời khắc chuyển sang năm mới Quý Mão.

Lên phố xem bắn pháo hoa Hồ Gươm, "méo mặt" giá gửi xe máy 100.000 đồng

Nhóm PV |

Càng gần giao thừa, lượng người đổ về các điểm bắn pháo hoa tại Hà Nội càng lớn. Lượng người càng tăng, các điểm trông giữ xe càng đua nhau tăng giá, có nơi còn báo giá 100.000 đồng/xe. Còn người dân thì đành phải ngậm ngùi cho qua vì có muốn cũng chẳng còn lựa chọn khác.

Liverpool và Chelsea chia điểm nhạt nhòa trên sân Anfield

Chi Trần |

Liverpool và Chelsea hòa không bàn thắng trên sân Anfield tại vòng 21 Premier League, qua đó tiếp tục kém top 4 khoảng cách 9 điểm.

Phố đi bộ Nguyễn Huệ đông nghịt người đến xem pháo hoa, đón giao thừa

ANH TÚ - NGỌC LÊ |

TPHCM - Đêm 21.1 (30 Tết), phố đi bộ Nguyễn Huệ (Quận 1) đông nghịt người dân đổ về để vui chơi, chờ xem pháo hoa, đón giao thừa chào năm mới.

Tết ở Cấp cứu A9 Bạch Mai: Buồn và lo lắng, mong ước hai chữ đoàn viên

Thuỳ Linh - Đức Mạnh |

Thay vì đón Tết sum vầy quanh gia đình thì những nhiều người lại đang túc trực ở nơi không ai muốn - Trung tâm Cấp cứu A9 tại bệnh viện Bạch Mai. Nhiều giọt nước mắt đã rơi, Tết năm nay chắc hẳn sẽ khó quên với họ.

Nơi bắt đầu những chuyến du Xuân

Nick M. |

Tết đến Xuân về, khắp mọi nẻo đường Việt Nam tràn ngập bầu không khí hân hoan sum họp. Đầu Xuân cũng là thời điểm cùng nhau tái tạo nguồn năng lượng bằng những hành trình mới, những chuyến du xuân dọc ngang đất nước.

Thổ Châu đau đáu câu hỏi 40 năm

LỤC TÙNG |

Tháng 5.1975, khi nhân dân cả nước náo nức với “Ngày hội non sông thống nhất”, thì Pôn-pốt tràn sang đưa toàn bộ người dân trên đảo Thổ Châu (nay là xã Thổ Châu, Phú Quốc, Kiên Giang) đi biệt tích trước một ngày bộ đội đưa quân ra giải phóng. Có bao nhiêu người dân bị đưa đi, họ sống chết ra sao, thi thể ở chốn nào…?