Thổ Châu đau đáu câu hỏi 40 năm

LỤC TÙNG |

Tháng 5.1975, khi nhân dân cả nước náo nức với “Ngày hội non sông thống nhất”, thì Pôn-pốt tràn sang đưa toàn bộ người dân trên đảo Thổ Châu (nay là xã Thổ Châu, Phú Quốc, Kiên Giang) đi biệt tích trước một ngày bộ đội đưa quân ra giải phóng. Có bao nhiêu người dân bị đưa đi, họ sống chết ra sao, thi thể ở chốn nào…?

Suốt 40 năm qua, những câu hỏi ấy vẫn chưa có lời đáp thỏa đáng. Phóng viên Báo Lao Động thực hiện loạt phóng sự này với mong muốn góp phần tái hiện bức tranh toàn cảnh, chân thật; mong các cơ quan chức năng sớm vào cuộc tìm thông tin về những người mất tích để giúp họ “đoàn tụ”, “kết nối” với những người còn sống cũng như lấp đầy các khoảng trống lịch sử...

 

KỲ 1: Ký ức tang thương

 

 

Tôi thấy mình như có lỗi khi khơi lại nỗi đau mất mát mà các chú, các bác đã cố chôn chặt đáy lòng suốt 40 năm qua. Nhưng tôi tin rằng, mỗi giọt nước mắt ấy sẽ gieo mầm cho ký ức năm xưa sống lại, để hôm nay và mai sau nhắc nhớ về nỗi kinh hoàng của chiến tranh, để biết trân trọng và yêu chuộng hòa bình…

Ly biệt sau ngày độc lập

Tôi tìm ông Châu Phước Thái - một trong những người dân Thổ Châu còn sót lại sau nạn thảm sát cách đây 40 năm, hiện đang sống ở phường Vĩnh Bảo (Rạch Giá - Kiên Giang). Đã sang tuổi 68 và bị chứng tai biến quật liệt nửa thân người, nhưng vừa nghe nhắc 2 tiếng Thổ Châu, ông Thái như bừng tỉnh và ký ức ngày xưa hừng hực quay về. “Ngày 30.4.1975, sau khi nghe đài phát thanh đưa tin chính quyền Sài Gòn đầu hàng cách mạng, binh lính trên đảo nhốn nháo về Rạch Giá trình diện. Ba và anh tôi quá giang đi cùng. Nhưng chờ đến 8-9 ngày sau vẫn chưa biết tin nên tôi rất nóng lòng. Chiều 9.4, sẵn dịp tàu của anh Hai Xuyên chở than vô Rạch Giá bán, tôi quá giang, để lại vợ và hai con trên đảo”. Và đó là lần sum họp cuối cùng của gia đình ông Thái.

“Ngày 16.5, tôi được anh Vàng - tài công của anh Xuyên vượt biển trốn về - cho biết: Có lính đến chiếm đảo”. Thông tin ngắn gọn, nhưng linh cảm mách bảo ông Thái điều chẳng lành. Ngày 23.5, sau khi tình nguyện dẫn đường bộ đội ra giải phóng Thổ Châu xong, lòng ông Thái nổi giông bão. “Nhà cửa trống hoác, vợ con, lối xóm không một bóng người, tôi chạy xuống biển kêu, tôi lên rừng gào, nhưng chẳng ai trả lời”. Đến chiều tối, ông Thái được vị chỉ huy an ủi: Chắc quân Pôn-pốt lùa xuống tàu chở đi đâu đó, vài ngày tới sẽ tổ chức trao đổi tù binh để đưa bà con về. Nhưng đã 40 năm rồi, ông Thái vẫn chưa một lần được thông tin chính thức vợ con ông và bà con ở Thổ Châu. “Con trai sinh năm 1971, con gái sinh năm 1973, năm nay tụi nó cũng đã trên 40 tuổi hết rồi”...

Điều gì đã xảy ra?

Đó là câu hỏi không dễ trả lời, vì nguồn tài liệu ít ỏi hiện có cho thấy sau khi chiếm đảo, quân Khmer Đỏ đã đưa người dân trên đảo đi biệt tích. Sau nhiều ngày truy tìm và tưởng chừng như bế tắc, trong một lần tháp tùng đoàn cán bộ huyện Phú Quốc ra Thổ Châu công tác, tôi may mắn gặp nguồn tin về 2 gia đình đã đào thoát khỏi đảo trước ngày bị chở đi, hiện đang sinh sống tại quần đảo Nam Du (Kiên Hải - Kiên Giang).

Đã gần 80 tuổi, đôi chân yếu phải ngồi xe lăn, nhưng ông Lê Văn Ảnh (tên trước khi trốn quân dịch là Cái Văn Ảnh) có trí nhớ rất tốt, nhất là chuyện về Thổ Châu. “Suốt đời này, tôi không bao giờ quên cái ngày mùng 2 tháng 4 Ất Mão (12.5.1975). Đang làm rẫy thì thấy có “tàu nhà binh” cặp đảo. Bên trên đầy lính ăn mặc na ná như quân cách mạng: Cổ quấn khăn rằn, tay cầm súng AK, nhưng lại nói toàn tiếng Khmer nên tôi hơi lo… Khi Danh Thương - người Khmer, chuyên sống bằng nghề đốt than trên đảo - được vị chỉ huy đám lính mời đến phiên dịch, họ xưng là “đàn em” của bộ đội Việt Nam đến bảo vệ người dân trên đảo…, tôi mới biết chính xác đây là Khmer Đỏ”.

Chuyện đang hồi rôm rả, thình lình xuất hiện ông lão có mái đầu bạc trắng, nhưng gương mặt gân guốc, đậm chất phong trần. Ông Ảnh giới thiệu: “Đây là Tư Sĩ (Nguyễn Văn Sĩ), em rể tôi, cũng là dân Thổ Châu chạy thoát…”. Không rào đón, ông Sĩ vào chuyện ngay: “Cũng như nhiều người dân trên đảo lúc đó, sau những thoáng bỡ ngỡ, chúng tôi nhanh chóng lấy lại thăng bằng bởi cách ứng xử có phần “thân thiện” của lính Khmer Đỏ”.

Bất chợt như nhớ ra điều gì, ông Sĩ giục cậu cháu ngoại đang ngồi gần đó, vào phòng riêng mang ra đầu máy may hiệu Mitsubishi đã hoen gỉ theo thời gian và tác động khắc nghiệt của môi trường biển: “Thấy gia đình tôi có máy may này, đám lính hay đến nhờ vợ tôi vá quần áo… Làm xong thì được hỗ trợ gạo. Những người được kêu phụ giúp khuân vác vũ khí từ dưới tàu lên bờ, đào công sự… cũng nhận được gạo, dầu lửa…”. Theo ông Ảnh, ông Sĩ, việc cấp gạo, dầu lửa cũng khá dễ dãi. “Mỗi ngày chúng cấp 1 can (30 lít) dầu cho tôi chạy ghe giúp chuyển hàng hóa từ bãi Ngự sang bãi Dong, nhưng tôi xin 4 can chúng cũng giao, nhờ vậy mà sau này, chúng tôi có đủ nhiên liệu để chạy trốn”.

 

 

 Ông Châu Phước Thái. Ành: L.T

Nước mắt may mắn…

Tuy nhiên, những người tinh ý sớm nhận ra sự thân thiện đó là giả tạo. “Bởi khi người dân xin về đất liền thì chúng nại nhiều lý do để “giữ chân”, nên tôi nghĩ đến chuyện bỏ trốn về đất liền báo tin để cách mạng ứng cứu” - ông Ảnh nhớ lại: “Chiều ngày mùng 5 (15.5.1975), sau khi chuyển hàng từ bãi Dong về bãi Ngự, tôi xin phép chỉ huy hôm sau qua hòn Nhạn lượm trứng nhạn về ăn, nhưng thực chất là tìm cơ hội bỏ trốn”. 

Hôm sau, ông Ảnh cùng Lâm (anh em bạn rể) chạy tàu ra hòn Nhạn hốt trứng nhạn, sau đó hướng tàu chạy về bãi Dong thì bị “tàu nhà binh” phát hiện. Sợ điếng hồn, nhưng ông Ảnh vẫn bình tĩnh che đậy ý đồ bằng cách cho tàu chạy thẳng đến “tàu nhà binh” rồi xúc một rổ trứng lên tàu: “Thấy cán bộ tuần tra cực khổ nên chạy tàu ra biếu trứng nhạn bồi dưỡng”. Sau một hồi hỏi đáp, thấy trời tắt nắng, biết thời cơ đã tới ông Ảnh vờ xin phép được về bãi Ngự nghỉ ngơi. “Khi thấy chỉ huy đồng ý, tôi mừng như được bay lên mây. Tôi cho máy chạy ga nhỏ rồi dùng vải vụn trùm lên ống xẹt-măng để hãm thanh rồi ngắm hướng hòn Mấu (đông bắc hòn Thổ Châu) mà đi”.

Chạy đến sáng tới hòn Mấu, gặp lại vợ con, ông Ánh, ông Lâm mừng như tái sinh, nên huyên thuyên kể chuyện Khmer Đỏ chiếm đảo. Định chạy tàu qua hòn Sơn (trung tâm xã Lại Sơn, lúc này thuộc huyện An Biên, tỉnh Rạch Giá) để báo động và nhờ cấp trên đưa quân ra cứu dân…thì ông Ảnh được ông Kỳ Chu - Chủ tịch Quân quản xã Lại Sơn - mời lên trường học tại hòn Mấu làm việc vì “tung tin đồn thất thiệt”… Quá bức xúc, ông Ảnh đem tài sản, tính mạng ra “cam kết” nhưng ông Kỳ Chu vẫn không tin. Không thể “thấy chết mà không cứu”, ngậm buồn bực vào lòng, hôm sau ông Ảnh rủ thêm người anh em bạn rể chạy tàu qua Phú Quốc báo tin thì nơi đây bảo chờ quân chủ lực.

Mãi đến ngày 23.5.1975, lực lượng mới lên đường. Khoảng 5 giờ chiều, khi gần tới đảo Thổ Châu thì thấy chiếc tàu đánh cá từ đảo chạy ra biển. Đó chính là chuyến tàu chở người dân Thổ Châu đi không bao giờ trở lại, ngoại trừ gia đình ông Sĩ. “Chiều 13 tháng 4 Ất Mão (23.5.1975), Khmer Đỏ lùa dân trên đảo xuống hai tàu đánh cá Thái Lan đậu dưới bãi để chở sang Campuchia, nhớ lời dặn một người lính nhiều lần nhờ tôi vá quần áo trước đó, tui lấy lý do đông con nhỏ để xin phép được buộc tàu của gia đình vào đuôi tàu đi cùng”, bà Cái Thị Diện - vợ ông Sĩ - bồi hồi: “Thấy tên chỉ huy quân Khmer Đỏ cố ý vặn vẹo, tui làm dữ lên: Đem tàu theo cho chồng đi đánh cá nuôi con, nếu không cho, tôi không đi”. Sợ ảnh hưởng đến các hộ khác, tên chỉ huy đành chấp nhận. Cùng đi kiểu này còn có 2 tàu khác. Đi được độ 2 giờ sáng thì vợ chồng ông Sĩ bỗng nghe tiếng máy nổ nhỏ dần rồi tắt hẳn. Định thần lại, thấy tàu mình đang trôi tự do trên biển… Nhanh như cắt, ông Sĩ khởi động máy tàu, mở hết ga nhắm hướng hòn Mấu thẳng tiến.

“Suốt 40 năm qua, lòng tôi vẫn khắc khoải: Những người mới chiều hôm trước vẫn còn ý ới chào nhau dưới bãi trước khi lên tàu, giờ sống chết ra sao?” - bà Diện ngước nhanh lên trời giấu đi đôi mắt ngấn nước...

 

 

 

 

LỤC TÙNG
TIN LIÊN QUAN

Kỳ vọng từ cuộc đua phim Tết

NGỌC DỦ |

Có thể nói trong năm 2022, điện ảnh Việt có không ít sự mờ nhạt khi không có tác phẩm nào mang lại doanh thu vượt trội. Chính vì thế, đường đua phim Tết 2023 với 3 tác phẩm đến từ những nhà sản xuất có tay nghề đang được xem là sự kỳ vọng giúp vực dậy phòng vé tại các rạp trên toàn quốc.

Huấn luyện viên ngoại thích thú đón Tết ở Việt Nam

Thanh Vũ |

Các huấn luyện viên ngoại làm việc tại Việt Nam đã trải qua những ngày khó quên trong dịp Tết Quý Mão 2023.

Khánh Hoà đón đoàn khách du lịch Trung Quốc đầu tiên năm Quý Mão

Thanh Hương |

Từ Thành Đô (Tứ Xuyên, Trung Quốc), du khách Trung Quốc trên chuyến bay thẳng của Vietjet đã “xông đất” sân bay quốc tế Cam Ranh (Nha Trang, Khánh Hoà) rạng sáng ngày mùng 2 Tết Nguyên đán.

Nguyễn Huy Hoàng: Gạt làn nước xanh vươn tới đỉnh cao

HOÀI VIỆT |

Năm 2022 đã khép lại và nam tuyển thủ bơi lội Nguyễn Huy Hoàng đã bước vào chu kỳ tập luyện mới của năm 2023. Không thể phủ nhận, Huy Hoàng là gương mặt thành công nhất của thể thao Việt Nam ở năm đã qua. Tuy nhiên, bản thân chàng vận động viên bơi của thể thao Quảng Bình và Đội tuyển bơi Việt Nam vẫn khá dè dặt, rằng mình vẫn phải tiếp tục nỗ lực hướng đến các đỉnh cao của năm 2023 đầy quan trọng.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước nói về ba bài học chính sách tiền tệ

Hương Nguyễn |

Năm mới 2023 với những mục tiêu, thách thức mới, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng đã chia sẻ những quan điểm điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước.

Đón gần 45.000 lượt khách, biển Vũng Tàu chật cứng khách mùng 2 Tết

Thành An |

Bà Rịa - Vũng Tàu - Chiều 23.1 (mùng 2 Tết), thời tiết đẹp, nhiều du khách chọn tắm biển trong chuyến du xuân đến thành phố biển. Thủy triều dâng cao khiến bãi cát hẹp, làm khu vực Bãi Sau chật cứng du khách.

Tàu du lịch hạng sang chở hơn 500 khách châu Âu đầu tiên đến Đà Nẵng Xuân 2023

An Thượng |

Ngày 23.1 (mùng 2 Tết Quý Mão), ngành Du lịch Đà Nẵng đã tổ chức đón hơn 500 khách tàu biển châu Âu đầu tiên đến thành phố trong năm mới 2023.

Ấm lòng bữa cơm từ thiện tại Bệnh viện Nhi Trung ương mùng 2 Tết

Hương Nguyễn |

Ghi nhận của phóng viên báo Lao Động vào mùng 2 Tết tại Bệnh viện Nhi Trung ương (Hà Nội), không có cảnh chen chúc xếp hàng như ngày thường, khoa khám bệnh lác đác bệnh nhân chờ vào khám. Các bệnh nhi điều trị nội trú ngày Tết được tặng bữa cơm miễn phí.