Hiền nhân mặc áo blue trắng

Đỗ Doãn Hoàng |

Nếu ai đó hỏi về tín đồ của lời thề tuyệt vời Hippocrates mà tôi biết ở Việt Nam, thì cái tên đầu tiên tôi kể ra sẽ là PGS-TS Nguyễn Duy Thăng - một hiền nhân mặc áo blue trắng. Khiêm cung, giản dị, nhưng ở ông có cái gì đó giống như một giá trị hiếm hoi còn tồn tại đến bây giờ.

Sau phương pháp chữa bệnh mới là những nghĩa địa

Có lần, PGS-TS Nguyễn Duy Thăng - PGĐ BV Đa khoa T.Ư Huế, đồng thời là GĐ Trung tâm huyết học và truyền máu nằm trong BV trên - trăn trở nói với tôi rằng, khi một chuyên gia nước ngoài hỏi GS Tôn Thất Tùng “tại sao ông lại sáng tạo ra “phương pháp mổ gan khô” danh tiếng đến mức mang tên “phương pháp Tôn Thất Tùng” như vậy”? Cụ thủng thẳng, đại ý: Phía sau sự thành công ấy là những cái nghĩa địa khổng lồ đấy. 

Câu này có nhiều ý nghĩa, nhưng một tầng nghĩa thực của nó, là vì thấy người bệnh chết nhiều quá, bậc thức giả càng đau càng nung nấu quyết tâm tìm một lối tươi sáng ra cho “thảm trạng”, thôi thúc mình làm việc. Ông Thăng nói rồi đăm đăm im lặng.

Từ 15 năm trước, từ chỗ tham gia chương trình quốc gia sàng lọc ung thư, thấy bà con “chết như ngả rạ”, từng người lặng lẽ chia tay mình về nhà để chết bởi căn bệnh ung thư, ông Thăng đã quyết tâm nghiên cứu cách điều trị “mới”. Phương pháp ứng dụng tế bào gốc tạo máu tự thân trong điều trị ung thư vú và ung thư buồng trứng, một đề tài cấp nhà nước (Bộ Khoa học và Công nghệ), do ông là chủ nhiệm đã thành công bước đầu đáng khích lệ, nhiều bệnh nhân giai đoạn cuối đã xuất viện khỏe mạnh. 

Niềm vui ấy, chính ông và cộng sự cũng không thể tin nổi ở tai mắt mình, rồi ông được Viện Ung thư Hoa Kỳ mời sang Mỹ chia sẻ kinh nghiệm và hợp tác nghiên cứu. Trở về, ông và cộng sự lại xúc tiến dự án khảo sát, nghiên cứu, trị bệnh cho 36.000 phụ nữ có nguy cơ ung thư cổ tử cung trên khắp Việt Nam.

Còn nhớ khi đề tài cấp nhà nước này được nói tới trên báo chí, tôi lập tức vào Huế. Xuống sân bay Phú Bài, ở đầu điện thoại bên kia, hỏi gì ông Thăng cũng “dạ”, “mời anh Hoàng đến xem tình hình”. Tôi nói, bây giờ lang băm nhiều, khối kẻ khoe khoang chữa được ung thư hòng trục lợi từ người bệnh vốn đã khánh kiệt về mọi mặt, nếu ông chữa được ung thư giai đoạn cuối thì có lẽ ông phải đoạt giải Nobel y học. 

Ông Thăng cười: Tôi nói, tôi đã “đẩy lui hoàn toàn bệnh tật” cho những bệnh nhân đã xuất viện kia. Nếu muốn nói chữa khỏi, phải đợi đến 5 năm tính từ ngày chị em (vì điều trị ung thư vú và ung thư buồng trứng nên bệnh nhân của ông toàn chị em) xuất viện. Chúng tôi mới chỉ thành công bước đầu, thời gian sẽ có câu trả lời sau cuối.

  Niềm vui của gia đình chị Trần Thị Thu (ngồi giữa) sau khi tại Bệnh viện đa khoa T.Ư Huế điều trị lui hoàn toàn bệnh ung thư buồng trứng giai đoạn cuối bằng phương pháp tế bào gốc.

Ngày làm việc cùng tôi, cuộc điện thoại nào ông Thăng cũng bật loa lên cho tôi cùng nghe. Người từ khắp cả nước gọi về, người bệnh cũng như thân nhân của họ đều tuyệt vọng không thể tưởng tượng nổi. Tất cả mọi điều trị Đông, Tây y trước đó đều chỉ như liều thuốc an thần, an ủi trước cái “án tử hình”. Lúc nào tôi cũng thấy ông nhẹ nhàng, ân cần với từng cuộc điện thoại kể trăm ngàn nỗi đau đớn tuyệt vọng. 24/24, không bao giờ ông tắt điện thoại, chỉ tư vấn thôi nhiều khi cũng đã hết ngày: “Nhưng tôi cũng vui vì giúp được bà con mình điều gì đó”, ông nói.

Tôi xin phép đi thăm từng bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối đã xuất viện của BV Đa khoa T.Ư Huế, quả là trong con mắt những số phận này, ông như người hành đạo giúp đời chứ không chỉ là một công chức nhà thương mẫn cán. Chị Nguyễn Thị Sau (52 tuổi, người ở thôn Tô Đà 2, xã Thủy Tân, thị xã Hương Thủy) đang ở ngoài khu ruộng rộng ngút tầm mắt, phăm phăm xới các luống khoai xanh ngằn ngặt giữa trưa nắng, nói với tôi: “Lẽ ra bây giờ đúng ngày giỗ kỵ của tui rồi, chú hè”. 

Nếu không xem hồ sơ bệnh án mực đen dấu đỏ thì không ai tin được người đàn bà khỏe khoắn tươi vui ấy từng bị ung thư buồng trứng giai đoạn cuối và vừa xuất viện. Tất nhiên, đẩy lui bệnh tật cho họ được bao lâu thì cũng còn phải chờ, nhưng cứu được họ từ bên bờ cõi chết đã là đáng khích lệ lắm rồi.

Ông bác sĩ phải thắp nhang tìm một “lời khuyên”

Chị Sau kể, sau khi được (bị) điều trị hóa chất liều cao, cơ thể chị quằn quại dật dờ như bóng ma. Bởi, với phương pháp điều trị ung thư như hóa trị, xạ trị và phẫu thuật truyền thống, người ta chỉ “tống” hóa chất vào để độc tố đó diệt mầm mệnh ung thư đồng thời duy trì được sự sống cho người bệnh. Còn với phương pháp điều trị ung thư bằng sự kết hợp cách truyền thống, hoá trị liều cao và ghép “tế bào gốc tạo máu tự thân”, thì tế bào gốc được “lấy” ra, xử lý và bảo quản ở -196 độ C, sau đó, các chuyên gia sẽ dùng hóa xạ trị liều cao để điều trị tiệt căn mọi dấu hiệu ung thư trong cơ thể người bệnh. 

Hóa chất liều cao “nã” thật lực, cơ thể người bệnh có thể kiệt quệ tận cùng nhưng không sợ bị mất mạng oan. “Lúc điều trị ấy, bụng tôi căng lên như quả bóng, khó chịu đến mức tôi chỉ muốn nó nổ tung rồi tôi chết đi cho rảnh nợ”, chị Sau kể. Nói một cách rất đúng bản chất và hơi hài hước là bệnh nhân và bác sĩ tự tin để “người ung thư sẵn sàng “chết cùng chết” với các tế bào ung thư trong cơ thể họ”. Lúc kiệt cùng ấy, các bác sỹ mới cấy tế bào gốc đã được “xử lý đặc biệt” và lưu giữ ở -196 độ kia ra để cấy trở lại cơ thể người bệnh.

  Chị Nguyễn Thị Sáu ở xã Hương Thủy (Thừa Thiên - huế) bị ung thư giai đoạn cuối, đã được điều trị và xuất viện, hiện chị vẫn có thể lao động đồng áng như người bình thường.

Tôi chứng kiến hai bệnh nhân đặc biệt Kim Dung và Thiện Nhơn (ung thư vú và ung thư buồng trứng, đều ở tuổi 50) được “nhốt” trong phòng chuyên dụng cùng với một y tá đặc trách với thiết bị hết sức tối tân, kể cả PGS-TS Nguyễn Duy Thăng cũng chỉ có thể quan sát mọi di biến động của bệnh nhân qua màn hình máy tính tại phòng làm việc của ông và trò chuyện với họ qua điện thoại. Hôm ấy, hai bệnh nhân Kim Dung và Thiện Nhân đã dật dờ, rụng trụi tóc vì hóa chất. 

Ông Thăng thương cảm hỏi từng mẩu chuyện nhỏ với người trong buồng cách ly 100%. Đặc biệt cảm động là câu chuyện của bệnh nhân Lê Kiều Diễm (39 tuổi, quê Cà Mau) đang sống ở Cần Thơ. Đang buôn bán nhỏ, tự dưng đau đớn bất thường, đi khám thì bảo bị ung thư buồng trứng. Bệnh này chưa ai được chữa khỏi bao giờ, theo tiến trình phổ biến, thì chỉ khoảng 1 tháng nữa chị Diễm sẽ bị suy hô hấp và tử vong khó tránh khỏi. PGS Thăng xem hồ sơ, thấy nó lung tung và thiếu thốn, ông quyết định xét nghiệm lại toàn bộ. 

Chính ông cũng không tin là ông và các cộng sự có cơ hội kéo dài sự sống được cho chị Diễm. Trong một cuộc họp của ban lãnh đạo đề án, ông Thăng đã quyết định loại chị Diễm ra khỏi phạm vi nghiên cứu của nhóm, buộc phải lắc đầu trước bệnh án đã quá nặng khi ung thư đã di căn lên não, sự sống đã như ngọn đèn hạt đỗ liu riu trước cơn gió mạnh. Ông nhớ lại: “Tôi đã suy nghĩ đến bạc đầu vì chuyện này. 

Khi thành lập Trung tâm Huyết học và Truyền máu, mức đầu tư rất lớn và hiện đại. Chúng tôi phải di dời nhiều mồ mả trong khu vực với lời đồn thổi “ma tà”, vì thế tôi bảo lập cho một cái ban thờ trên đó, để anh chị em cảm thấy yên lòng thêm. Tôi không mê tín dị đoan, nhưng tôi thấy việc thắp nhang là rất văn hóa, đặc biệt tôi là người Huế. Giữa lúc chưa biết quyết bề nào, tôi lại có linh cảm việc chị Diễm cứ lăn xả vào với chúng tôi để “chết ở cố đô” - nó rất lạ. Hôm ấy, nửa đêm, tôi bèn “trắc nghiệm” thế này, tôi sẽ thắp nhang cầu xin lời khuyên, rồi đếm các chân nhang ở ban thờ kia, nếu số đó mà lẻ thì tôi nhận chị Diễm vào đề tài để chữa trị và hy vọng đẩy lui được bệnh tật. Nếu số chẵn thì thôi, coi như phận số của chị Diễm đã an bài”. 

Cuối cùng, ông Thăng đếm được 15 cái chân nhang, và sáng hôm sau, ông quyết định họp toàn bộ các cộng sự lại: “Nhận!”. Không một ai tin chị Diễm sẽ có ngày xuất viện khỏe mạnh, lại có cả PGS-TS Nguyễn Thị Xuyên - Thứ trưởng Bộ Y tế - vào tận nơi tặng hoa chúc mừng bệnh nhân và các bác sĩ đã cướp chị lại từ tay thần chết. Có thể, thời gian “đẩy lui bệnh tật” cho chị không được nhiều, nhưng dù thế nào thì chị cũng sẽ ngậm cười vì có những người đã quá tử tế, đã nghĩ đến bạc tóc, chơi cả con bài “trắc nghiệm tâm linh” xúc động vì tính mạng chị.

Mái tóc giả tặng cho người bệnh

Trong ngày ra viện, chị Diễm làm một bài thơ, nghẹn ngào đọc, rằng chị có một kiếp sống khác, chị đã được sinh ra lần thứ hai, bằng tấm lòng của các thiên thần khoác blue trắng: “Tôi không thể hình dung được, bận như thế, vậy mà lúc tôi ra viện, ông Thăng vẫn cho người mua cho tôi một món tóc giả, đúng loại tóc tôi thích. Hóa ra ông còn trao đổi trước với cả em gái tôi về việc đó. Ông biết rằng, bên cạnh cái chết, tôi sợ nhất là cái đầu trọc lóc vì truyền hóa chất liều cực cao. Tôi là đàn bà mà, có khi trang điểm cái mũi thật đẹp chỉ để cho cái mắt mình nó ngắm, cũng vẫn kỳ công làm”.

Kể với chúng tôi như vậy xong, chị Diễm khóc ngon lành. Còn PGS Nguyễn Duy Thăng nghe chuyện chỉ tủm tỉm cười. Khi tôi viết những dòng này, hai bệnh nhân Kim Dung và Thiện Nhơn kể trên đều cũng đã xuất viện, bệnh tật được đẩy lui như một giấc mơ. Không ai tham khảo ý kiến của ai, trong ngày “sen đã rũ mình sang kiếp khác”, họ đều nói một câu như nhau: Các bác sĩ đã cho tôi được sinh ra một lần nữa, ban cho tôi một cuộc đời khác. Còn cuộc đời mới đó kéo dài bao lâu, cái đó phụ thuộc vào số trời, với nhiều yếu tố khác nữa...

Tôi không muốn nói nhiều hơn về một nhà khoa học đã quá nổi tiếng. Bây giờ, hai con trai ông đều là á khoa đầu vào y khoa, đặc biệt cháu đầu được báo chí Việt Nam bầu chọn vào “TOP” 5 bạn trẻ đang gây bão trên cộng đồng mạng. Nguyễn Chí Long - con trai PGS Nguyễn Duy Thăng - được xếp bên cạnh “thần đồng Đỗ Nhật Nam”, Nguyễn Hà Đông (cha đẻ Flappy Bird), với những dòng tít trân trọng: “Chí Long, chàng sinh viên từng được gặp Tổng thống Obama”. 

Chí Long đã trở thành thần tượng của rất rất nhiều người trẻ. Ông Thăng bảo, suốt 12 năm, hầu như ngày nào hai vợ chồng ông cũng thay nhau đưa đón con đi học. Ông rèn luyện cho hai cháu các kỹ năng tự lập, đồng thời cũng bảo bọc bằng tất cả tình yêu thương của một bậc phụ mẫu tận tâm tận lực vì con. Và bây giờ, khi cháu trưởng thành, ông có thể thả cháu ra đi khắp thế giới.

Có lần, ông hào hứng thông báo các bệnh nhân ông “đẩy lui bệnh ung thư” vẫn khỏe cả, lại có lần ông như muốn khóc, chị Diễm gay go lắm rồi Hoàng ơi, anh tiếc cho chị ấy quá, giá mà... Vâng, người ta vẫn bảo, con người ta “là mình nhất” chính ở trong nỗi buồn và sự lo toan kiểu đó, chứ không phải là trong chiến thắng! Chưa bao giờ ông Thăng nói với tôi về lời thề Hippocrates, có lẽ vì ông thích sống khiêm cung, nhưng nếu ai đó hỏi tôi về một tín đồ của lời thề tuyệt vời đó mà tôi từng biết ở Việt Nam, thì cái tên đầu tiên tôi kể ra sẽ là PGS-TS Nguyễn Duy Thăng - một hiền nhân mặc áo blue trắng.

Danh sách bệnh nhân ung thư đã xuất viện nhờ phương pháp “tế bào gốc”:

1. Nguyễn Thị Sau, 52 tuổi, Ung thư buồng trứng giai đoạn cuối.

2. Lê Kiều Diễm, 42 tuổi, Ung thư vú, giai đoạn 4.

3. Trần Thị Thu, 50 tuổi, Ung thư buồng trứng, giai đoạn 3C.

4. Nguyễn Diệu Nhơn, 50 tuổi, Ung thư buồng trứng, giai đoạn 3C.

5. Mai Thị Kim Dung, 48 tuổi, Ung thư buồng vú, giai đoạn 3 - 4.

6. Hồ Thị Sen, 45 tuổi, KBT (đã phẫu thuật tại HN, mang hậu môn nhân tạo 2 năm, hiện nay đã được đưa hậu môn lại bình thường và ra viện).

7. Ba bệnh nhân đang nằm tại phòng cách ly:

- Tạ Thị Thuỷ, 43 tuổi, Ung thư buồng trứng, giai đoạn 3 - 4.

- Đặng Ánh Vân, 56 tuổi, Ung thư buồng trứng, giai đoạn 3 - 4.

- Trần Thị Xuân, 57 tuổi, Ung thư buồng trứng, giai đoạn 3 - 4.
Đỗ Doãn Hoàng
TIN LIÊN QUAN

Nếu chọn Philippe Troussier, nên học theo Nhật Bản?

TAM NGUYÊN |

Cách bóng đá Nhật Bản sử dụng huấn luyện viên Philippe Troussier có thể là cách VFF cân nhắc học hỏi…

Các nước Đông Nam Á đón Tết Nguyên đán thế nào?

Ngọc Vân |

Pháo hoa, múa lân và sắc đỏ rực rỡ tràn ngập đường phố, nhà cửa và quần áo là dấu hiệu của Tết Nguyên đán ở các nước Đông Nam Á.

Hà Nội: Ôtô gây tai nạn liên hoàn khiến 8 người bị thương

HỮU CHÁNH |

Chiếc ôtô con đâm trúng 6 xe máy trước khi đâm thẳng vào hộ lan bên đường và dừng lại. Vụ tai nạn khiến 8 người bị thương, được đưa vào bệnh viện cấp cứu.

Tết đi du lịch cũng được, về quê cũng được miễn là luôn hướng về gia đình

Nhóm PV |

Từ xưa tới nay, Tết vốn là dịp để gia đình sum họp sau một năm làm việc vất vả, bôn ba với những bộn bề cuộc sống. Tuy nhiên, xã hội ngày càng hiện đại, thay vì về nhà với gia đình, nhiều người trẻ lựa chọn cách đi du lịch để nghỉ ngơi sau 1 năm mệt nhoài với guồng quay công việc. Trong số Podcast ngày hôm nay, quý vị hãy cùng chúng tôi đi tìm đáp án của câu hỏi Tết nên về nhà hay đi du lịch?

Phạt 50 triệu đồng công ty in cờ nước ngoài lên pano trường đại học

HỮU CHÁNH |

In cờ nước ngoài lên pano của Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội (HUBT) gây ra dư luận xấu, Công ty TNHH Quảng cáo Giang - xây dựng Thành An bị Công an tỉnh Bắc Ninh xử phạt 50 triệu đồng.

Những người phụ nữ vất vả mưu sinh mong kiếm đủ tiền về quê ăn Tết

Minh Hà - Việt Anh |

Những ngày cận Tết Nguyên đán 2023, chợ đầu mối hoa quả Long Biên luôn nhộn nhịp, tấp nập. Tại đây, không khó để bắt gặp hình ảnh những người phụ nữ cửu vạn vất vả kéo xe chở hàng chục chuyến hàng. Họ làm đến ngày 30 với mong muốn có đủ tiền về quê ăn Tết, sum họp cùng gia đình.

Bộ Quốc phòng trả lời về tuổi đi nghĩa vụ quân sự trước khi học đại học

Vương Trần |

Bộ Quốc phòng mới đây đã có trả lời liên quan đến kiến nghị của cử tri về tuổi phải đi nghĩa vụ quân sự - trước khi học đại học hoặc nghề.

Chuyện dở khóc, dở cười của những người chăm sóc thú cưng ngày Tết

PHẠM ĐÔNG - THU HIỀN |

Khi Tết đến xuân về, mọi người được quây quần bên gia đình thì những người chăm sóc thú cưng vẫn phải làm luôn chân, quanh quẩn bên những chú chó, mèo. Cũng từ đây đã xuất hiện những câu chuyện thú vị, hài hước và cảm động.