Kết thúc của một huyền thoại trên biển

HÀ LINH QUÂN |

Mùa xuân ở vùng Chelsea, “làng hoa” của London - thủ đô nước Anh, bao giờ cũng thật lộng lẫy. Sáng nay, Bernard Weymouth - viên thư kí Đăng kiểm Lloyd, nổi tiếng trong làng biển Anh là một nhà thiết kế tàu tài ba, có khách đến thăm nhà riêng. Người đó là ngài chủ hãng hàng hải Thompson and Sons. Ông ta muốn đặt Bernard thiết kế cho một con tàu, chính xác hơn là một clipper, có thể vô địch trong các cuộc thi trên “con đường chè”.

Một kiệt tác của nghệ thuật tàu buồm

Có lẽ trong thời đại của tàu buồm không có cuộc đua tranh nào hấp dẫn hơn, ngoạn mục hơn cuộc “Chạy thi chè” vĩ đại. Người Anh là dân uống chè khỏe nhất thế giới. Tuy nhiên, nước Anh không trồng được chè, loại cây nhiệt đới, phải mua ở tận Trung Quốc cách 3 đại dương, nửa vòng Trái đất. Cứ khi tháng Ba, mùa hái chè ở Trung Quốc bắt đầu, London chờ mong con tàu đầu tiên mang chè mới từ cái đất nước mênh mông, xa lạ, hấp dẫn người Châu Âu ấy trở về. Thế là các lái buôn chè thông minh đặt ra cái trò: Chè của con tàu đầu tiên đó bao giờ cũng được mua đắt hơn những con tàu về sau. Nhưng cái hấp dẫn hơn cả là danh tiếng của con “tàu chè” chạy nhanh nhất thế giới.

Khoảng giữa thế kỉ 19 là thời hoàng kim của đội tàu buồm. Các nhà đóng tàu hồi ấy có cả kinh nghiệm của hàng thế kỉ đóng tàu, khai thác tàu buồm, cộng với việc tiếp thu những thành tựu khoa học kỹ thuật mới nhất của thời đại mình đã sáng tạo ra loại Clipper, đỉnh cao nhất và cuối cùng của nghệ thuật đóng tàu buồm cổ điển. Ngay cái tên Clipper - bắt nguồn từ động từ Anh “Clip” nghĩa là Cắt, Xén - đã nói lên cái đặc trưng của dòng họ nhà tàu này: Tốc độ. Nói đến Clipper là nói đến tốc độ. Tất cả chi tiết kết cấu từ đầu đến gót clipper đều bộc lộ cái tham vọng chiến thắng thời gian. Mũi tàu nhọn hoắt vươn ra rất xa như ngọn lao phóng lên trời. Vỏ tàu rắn chắc với những đường viền hài hòa uyển chuyển. Các cột buồm cao sừng sững đỡ hàng chục lá buồm to và nhỏ... Clipper thực sự là con đẻ của những đường chạy marathon trên đại dương.

Hai năm trôi qua, ngày 19.8.1868, con tàu mới được hạ thủy. Cả một vùng cửa sông Dee, người ta háo hức đến xem con tàu mà nhiều ông già ở Aberdeen dám cả quyết rằng: Cả đời họ chưa từng thấy có cái nào đẹp hơn thế. Từ sáng tinh mơ, các chuông nhà thờ đã rung inh ỏi như để chúc mừng một sinh linh mới của biển. Quanh xưởng đóng tàu đông nghịt những người. Cô con gái út chủ tàu, một thiếu nữ tuổi 20, mặc áo dài trắng thướt tha, đầu đội vòng hoa như những nữ thần Hi Lạp, cầm chai rượu champagne đập vào mũi tàu theo tục lệ biển. Tiếng reo hò nổi dậy đất. Một thủy thủ mặt đỏ gay, ngập ngừng hỏi người bên cạnh, có lẽ vì không biết chữ:

- Này cậu, tên tàu là gì ấy nhỉ?

- Mắt cậu còn sáng đấy chứ? “Thermopylae” to như cái mặt mẹt của nhà cậu lại còn phải hỏi!

Gã thủy thủ kia bối rối vì cái tên chẳng có dính líu gì đến biển. Năm 480 trước Công nguyên, trong cuộc chiến tranh Hy Lạp - Ba Tư, trên con đường đèo hiểm trở Thermopylae, 300 chiến sỹ Hy Lạp dưới quyền của vua Leonidas thành Spartacus đã chiến đấu rất dũng cảm kìm chân cuộc tiến công của hàng vạn quân xâm lược Ba Tư. Tất cả họ đã hy sinh. Song Thermopylae trở thành biểu tượng của lòng dũng cảm, thà chết không lùi. Phải chăng chủ hãng hàng hải Thompson & Sons muốn khẳng định quyết tâm “Thà chết không lùi” trở thành nhà vô địch “Con đường chè” của con tàu mới?

Chắc thế! Mà Thermopylae thực sự là một kiệt tác của nghệ thuật đóng tàu buồm thế giới. Nó có dung tích 991 tấn đăng ký, dài 64,6m, rộng 11m, mạn cao 6,5m, chở được 1.000 tấn chè. Đây là con tàu hỗn hợp vỏ bằng gỗ bọc kim loại. Phía dưới đường nước vỏ tàu làm bằng gỗ cây du đá, được bọc đồng lá để chống hà bám và tăng độ bền. Phía trên đường nước vỏ tàu làm bằng gỗ tếch Ấn Độ. Các nhà đóng tàu đặc biệt thành công ở kết cấu vỏ đằng lái. Nó chắc đến nỗi khi bão cực mạnh, các clipper chè khác vội vàng hạ tất cả buồm trên cột Bizan, thế nhưng thuyền trưởng Thermopylae lại không thế, mà lại còn hạ lệnh treo thật nhiều mảnh chăn, tấm vải, tất cả những gì mình có để hứng thêm gió. Ông không sợ con tàu phản bội mình.

Nhờ có vỏ chắc như vậy, Thermopylae mới có thể giương lên ba cột buồm lớn, cao cách mặt boong 45m, đỡ 32 cánh buồm tổng diện tích là 3.180m2. Thuận buồm xuôi gió, nó có sức mạnh tương đương với máy hơi nước 4.000 sức ngựa. Giám mục La Mã Francescaty khi đi kinh lý Nam Mỹ đã gặp Thermopylae ngoài đại dương. Ông nói: “Nó đi cuốn theo cả gió!”. Điều đặc sắc là nó có tài đi trong gió rất yếu. Nhà sử học Anh Basil Lubbock viết rằng: “Lúc con tàu chạy với tốc độ 7 hải lý, có thể cầm ngọn nến cháy đứng trên boong tàu mà vẫn không tắt!”.

Khi tất cả những cánh buồm căng lên trong gió, con tàu như đám mây trắng bồng bềnh trên biển, trông thật ngoạn mục. Hình chạm tuyệt mĩ người anh hùng trong trận Thermopylae - Vua Leonidas của Sparta - lộng lẫy trên đầu mũi tàu. Những người sành chơi tàu buồm đánh giá Thermopylae là một trong những tàu đẹp nhất của dòng họ các tàu buồm quý tộc - những clipper chè.

Ít lâu sau ngày nhận tàu, chủ tàu Thompson đưa Thermopylae vào chạy con đường truyền thống của một clipper chè: London - Trung Quốc. Thermopylae đã thả neo ở bến Phúc Châu, tại một khúc sông có ngôi chùa cổ, cùng với 15 clipper nổi tiếng khác. Những người cu li Trung Quốc làm ngày và đêm xếp chè lên tàu. Cuộc chạy thi chè đã sôi nổi ngay từ những ngày đầu tầu lên hàng.Thế nhưng, con đường trên bảy biển mới thực sự là trường đua tài.

Cuộc sống của con tàu buồm chịu sự chi phối của các sức mạnh tự nhiên. Mà còn có gì đỏng đảnh hơn đại dương nữa? Khi thì gió biển uể oải không làm bay một lá cờ ủ rũ trên đỉnh cột buồm (ở vùng “Vĩ độ ngựa”, nỗi khủng khiếp không thể quên của các thuyền trưởng tàu buồm) lúc lại bất ngờ ào ào kéo đến tung hê con tàu trong sự cuồng nộ. Khi thì trời nắng như nung, lúc lại mưa rơi như thác. Có những đoạn đường cứ mỗi dặm biển lại gặp một đảo san hô và những cửa vịnh đầy đá ngầm sắc như dao không được vạch trên bản đồ. Theo dòng hải lưu thì nay chỗ này, mai lại chỗ nọ, lúc chảy xuôi, khi chảy ngược. Biết bao nguy hiểm trên mỗi dặm đường! Vậy mà không được tránh né, phải căng hết buồm chạy tới. Nhanh nữa! Nhanh nữa! Khó khăn như vậy, chỉ có những thuyền trưởng tài ba nhất, sừng sỏ nhất mới dám bước chân lên Clipper.

 

Ngay trong chuyến đi đầu tiên, Thermopylae đã thỏa mãn tính hiếu danh và hi vọng được đền bù của chủ tàu Thompson: Nó chạy một lèo từ Trung Quốc về London qua Hảo vọng giác mất 91 ngày, lập kỉ lục thế giới mới. Lập tức Thermopylae được giới thủy thủ Anh gọi là “Con chó săn của 7 biển”. Thế nhưng cuộc đời có những cái “nhưng” bất ngờ. Giữa lúc hạnh vận đang mỉm cười với Thompson, thì ở một vùng khác trên Trái đất xảy ra một sự kiện mà thoạt nhìn chẳng có dính líu chút gì đến những clipper chè kiêu kì - Khai thông kênh đào Suez.

“Cái chết tinh thần” của nhà vô địch “con đường chè”

Dạo đó, sau mấy nghìn năm ngự trị độc tôn trên biển, các con tàu buồm đã bắt đầu bị “con quái vật của kỹ thuật”, như những người kém hiểu biết, thiển cận, bảo thủ thời ấy gọi tàu hơi nước, chèn ép và đánh bật khỏi tuyến đường xuyên Đại Tây Dương. Tàu buồm lui về phòng thủ các con đường từ Âu - Mỹ sang Viễn Đông và Úc châu. Chúng đã giữ được địa vị truyền thống của mình trên con đường dài qua 3 đại dương trong nhiều năm nữa. Vì tàu hơi nước không tiêu được thứ năng lượng trời cho, lúc nào cũng thừa thãi trên đại dương là gió. Mà xài than thì chẳng có tàu nào đủ sức mang theo “ăn đường” để đi nửa vòng Trái đất.Thế rồi, đánh đùng một cái, kênh đào Suez ra đời. “Nó đóng nhát búa cuối cùng vào tấm ván thiên chôn đội tàu buồm”. Với việc khai sinh kênh đào Suez các con đường biển từ Châu Âu sang Viễn Đông rút ngắn đi mấy nghìn dặm: Thế nhưng cơ may đó chỉ dành riêng cho tàu hơi nước. Tàu buồm bị ngược gió và hải lưu để xoay xở trong kênh Suez ra Ấn Độ Dương nên vẫn phải đi lối cũ, vòng qua Châu Phi. Tính bằng hàng vạn cây số. Bây giờ cạnh tranh với tàu hơi nước chạy tắt 1/3 đường thì tàu buồm chỉ còn nước hạ buồm qui hàng. Giờ cáo chung của những cánh buồm trên đại dương đã điểm. Thermopylae mới ra đời đẹp đẽ là thế, mạnh mẽ là thế, mà đã chết về tinh thần.

Những người cu li Phúc Châu không còn thấy các clipper đẹp lộng lẫy với những cánh buồm mênh mang cặp vào bến sông có ngôi chùa cổ của họ. Thay vào đó là con tàu hơi nước bằng sắt, kêu như bò rống, thở ra toàn khói đen sì và chạy như điên bất cần có gió hay không. Dẫu có luyến tiếc, thì thời đại của tàu buồm cũng đã qua rồi. Cùng chết với nó là những chiếc cối xay gió chạy bằng hơi thở của Chúa, những điệu nhảy Minuet cung đình, duyên dáng nhưng mà chậm chạp.

Suốt mấy năm liền Thompson bị lỗ vốn vì Thermopylae. Công ty đứng trước nguy cơ phá sản. Ngài chủ tàu đành cắt ruột bán niềm tự hào của Thompson and Sons cho Hải quân Hoàng gia Bồ Đào Nha. Năm 1895, một ngày mùa thu ảm đạm, lá cờ nước Anh trên đỉnh cột buồm tàu Thermopylae lặng lẽ hạ xuống. Hai thủy thủ Bồ lấy sơn quét xóa dòng chữ viết theo lối cổ Thermopylae hai bên mạn tàu, rồi kẻ đè lên “Pedro Nunes”, tên mới của Thermopylae. Người ta hạ người anh hùng Hy Lạp Leonidas trên đầu mũi tàu và thay vào đó hình chạm một ông già râu tóc dài, vầng trán cao, vẻ mặt suy tư, nhà toán học Bồ Đào Nha đã có rất nhiều cống hiến cho ngành hàng hải. Một lần gặp Thermopylae ở Barcelona, Douglas - nhà nghiên cứu tàu buồm Anh - tiếc đứt lưỡi khi thấy lá cờ Bồ Đào Nha tung bay trên đỉnh cột buồm con tàu huyền thoại thất thế. Về nước, ông viết một loạt bài báo đăng trên tờ Lloyd’s List dưới tiêu đề chung “Trả lại tàu Thermopylae cho Anh”, kích động tinh thần tự hào dân tộc của người Ăng-lê, kêu gọi lập quỹ quyên góp để chuộc lại Thermopylae. Nghị sĩ Beard, một người say mê tàu buồm, cũng đưa vấn đề ra Quốc hội Anh. Thế nhưng chính giới Anh lại lặng thinh. Họ đang bấn lên với cuộc chiến tranh chống người Boers ở Nam Phi, không còn bụng dạ để chơi đồ cổ.

Giữa trưa ngày 13.10.1907, người ta thấy 2 chiếc tàu chiến Bồ Đào Nha đi kèm theo Thermopylae ra vịnh ngoài cảng Lisbon. Con tàu được neo vững chắc, rực rỡ cờ bay. Trên tàu không một bóng người. Một hồi quân nhạc nổi lên. Tất cả thủy binh trên hai tàu chiến chạy lên mặt boong, xếp thành đội ngũ súng bồng trên tay. Viên đô đốc mặc lễ phục tuốt thanh gươm trần khỏi vỏ, chỉ thẳng về Thermopylae đang dập dềnh trên mặt sóng. Hai con tàu chiến rùng mình. Từ bụng phóng ra 2 quả ngư lôi. Con tàu lảo đảo, nghiêng ngửa và bắt đầu chìm, trong tiếng nhạc quốc thiều Anh cùng Bồ Đào Nha và những loạt đạn tiễn biệt. Lễ mai táng Thermopylae, clipper chè huyền thoại, “Con chó săn của 7 biển”, chiếc tàu đẹp nhất, chạy nhanh nhất trong thế giới tàu buồm, một kiệt tác của nghệ thuật đóng tàu thế giới, nhà vô địch “con đường chè”, “con đường lông cừu”, đã diễn ra trong nghi thức trọng thể dành cho những con người lỗi lạc như thế đó. Suốt cả lịch sử hàng hải có mấy con tàu được hưởng niềm tôn kính ấy!

Cuộc đời Thermopylae là một bi kịch. Ngay sự ra đời của Thermopylae như một “anh hùng thời đại” cũng là nỗi bất hạnh rồi. Nó quá muộn màng khiến cho con tàu bị một CÁI CHẾT TINH THẦN ngay tuổi đang xoan. Đẹp thì rất đẹp, tốt thì rất tốt, vậy mà lại quá vội thành vô dụng. Chỉ vì một nỗi sinh nhầm thế kỉ. Hay nói đúng hơn vì các cha đẻ của nó đã đi lệch bước phát triển thời đại, không nắm bắt được những diễn biến bất ngờ nhưng tất yếu của thương trường và chính trường, bảo thủ với những tiến bộ khoa học kỹ thuật. Tham vọng nếu đi trái với qui luật sẽ trở thành nỗi thất vọng.

Ngày nay hai “Nữ hoàng Anh” (Queen Mary, Queen Elizabeth) - hai con tàu vỏ sắt đẹp bậc nhất thế giới, những nhà vô địch của “giải băng xanh trên Đại Tây Dương”, đang bị người ta bỏ xó. Chỉ vì tàu khách xuyên Đại Tây Dương không cạnh tranh nổi với các Boeing, Airbus - những loại máy bay phản lực siêu âm chở khách từ Âu sang Mỹ chỉ mất hơn chục giờ bay. Hàng trăm tàu dầu khổng lồ đương thời đã được ngợi ca như những kì tích của kỹ thuật đóng tàu hiện đại, vậy mà bây giờ đang han rỉ ở các cảng vì nằm chơi xơi nước... biển - hậu quả của cuộc khủng hoảng dầu lửa và cơn suy thoái kinh tế thế giới trầm trọng. Luật vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý ra đời làm điêu đứng các nhà máy đánh bắt, chế biến cá nổi, chỉ vì chúng mất lối vào các bãi đánh cá truyền thống của mình. Rồi tàu Hoa Sen của Vinalines. Phải chăng đây không là những phiên bản hiện đại cái chết của Thermopylae? Đáng tiếc ”Cái chết tinh thần” không phải độc quyền của các con tàu. Hãy nhìn vào những công trình đầu tư ngàn tỉ, trong mọi lĩnh vực kinh tế, xã hội Việt Nam, thế nhưng hiệu quả sử dụng đáng ngờ, để thấy bài học về Thermopylae không mất đi tính thời sự của nó.

Thế hệ chúng ta hầu như không có ai được hạnh phúc chiêm ngưỡng clipper “chè” Thermopylae. Thế nhưng mỗi lần gấp cuốn sách viết về lịch sử biển, ta lại gặp trong giấc mơ hình ảnh một con tàu buồm như đám mây trắng bồng bềnh lướt trên mặt đại dương.

 

 

 

 

 


HÀ LINH QUÂN
TIN LIÊN QUAN

Đổi đời cho nhiều trẻ là con em đồng bào dân tộc thiểu số ở Đắk Lắk

BẢO TRUNG |

Đắk Lắk - Những năm qua, hàng chục trẻ em đồng bào dân tộc thiểu số có hoàn cảnh khó khăn ở Đắk Lắk đã được lực lượng Bộ đội biên phòng tỉnh cưu mang, nhận làm con nuôi để giúp ăn học, có một cuộc đời mới sáng sủa hơn.

Dự báo thời tiết Tết Nguyên đán 2023 có mưa kèm rét đậm hay không?

AN AN - MINH HÀ |

Cơ quan khí tượng cho biết Tết Nguyên đán 2023 ở miền Bắc khả năng mưa nhỏ mưa phùn vài nơi, sáng sớm có sương mù. Trời phổ biến trạng thái rét, vùng núi có nơi rét đậm, rét hại.

“Người vận chuyển” những chuyến xe miễn phí đón công nhân về quê ăn Tết

Trần Tuấn |

Để việc đón công nhân về quê ăn Tết diễn ra thuận tiện nhất, lái xe của các doanh nghiệp vận tải đã đưa xe đến khu công nghiệp Thăng Long từ tối hôm trước và ngủ qua đêm chờ công nhân tới.

Người dân lỉnh kỉnh đồ đạc rời Thủ đô về quê ăn Tết

PHẠM ĐÔNG - HỮU CHÁNH |

28 Tết, tại các bến xe lớn Hà Nội như Mỹ Đình, Nước Ngầm, Giáp Bát... bắt đầu nhộn nhịp, người dân khăn gói đồ đạc về quê nghỉ Tết Nguyên đán Quý Mão 2023.

Đầu tư chứng khoán dài hạn có hiệu quả hơn gửi tiết kiệm?

LÂM ANH |

VN-Index kết năm 2022 giảm gần 33% dẫn đến tỉ suất sinh lời của các nhà đầu tư trên kênh này bị kéo tụt đáng kể. Trong khi đó, cuộc đua tăng lãi suất tiền gửi đang ngày một nóng lên khiến kênh đầu tư chứng khoán đang ngày càng lép vế hơn trong cuộc đua hút dòng tiền.

Người dân lỉnh kỉnh hành lý về quê ăn Tết, có chặng xe về miền Tây hết vé

Chân Phúc |

Lượng khách tăng đột biến tại Bến xe Miền Tây (quận Bình Tân) trong sáng ngày 19.1. Một số chặng từ TPHCM đi các tỉnh miền Tây đã rơi vào tình trạng hết vé.

Người lao động Việt Nam ở nước ngoài: Luôn khắc khoải nỗi nhớ Tết quê nhà

Vương Trần |

Tết Nguyên đán Quý Mão đến nhưng ở nơi xa xứ, nhiều lao động Việt Nam vẫn đang ngược xuôi, mưu sinh với công việc. Xa quê, nơi xứ người, nhiều lao động không khỏi bồi hồi, nhớ hương vị Tết quê.

Interactive: Bạn có hiểu đúng về cách bày mâm ngũ quả 3 miền?

Nhóm PV |

Bày mâm ngũ quả ngày Tết là nét văn hóa lâu đời của người Việt Nam. Tùy theo vùng miền, mâm ngũ quả lại được bài trí với nhiều loại quả khác nhau. Vậy mâm ngũ quả mỗi miền gồm những quả gì và ý nghĩa của nó là gì, cách chưng ra sao? Tham gia chương trình truyền hình tương tác của Báo Lao Động bằng cách theo dõi câu hỏi, bấm vào phương án trả lời mà bạn cho là đúng ngay trên màn hình video tương tác dưới đây.