Chuyện tử tế - tặng riêng những ai thật lòng

GHI CHÉP CỦA LINH TRẦN |

Cũng thật dễ hiểu vì sao dư luận lại bức xúc khi biết được sự thật của nhân vật trong “Điều ước thứ 7”: “Đôi vợ chồng hát rong lên sân khấu Sao Mai điểm hẹn”. Chương trình đã đẩy dư luận lên đỉnh cao của sự ngưỡng mộ - chàng trai học ở Học viện Âm nhạc Quốc gia, động lòng trắc ẩn với cô gái khiếm thị. Vì tình yêu, chàng trai đã lựa chọn cuộc đời “hát rong” và sống hạnh phúc bên cô gái. Và “Điều ước thứ 7” đã đem đến điều ước hết sức bình dị, nhưng hết sức thiêng liêng của họ - cũng là tên con gái chưa đầy 1 năm tuổi - được đứng trên sân khấu của Sao Mai điểm hẹn và thu băng giọng ca của hai vợ chồng.

Khi niềm tin bị tổn thương

“Đôi vợ chồng hát rong trên Sao Mai điểm hẹn” được dư luận đánh giá cao về tính nhân văn, đã làm lay động bao trái tim, làm bao giọt nước mắt rơi và đã chạm vào lòng trắc ẩn của đông đảo người dân. Tình yêu của “vợ chồng hát rong” thật đáng trân trọng, nâng niu, khi trong một xã hội mà đạo đức - nhất là của giới trẻ - đang dần suy thoái. Những vụ “chết vì tình” xuất hiện như cơm bữa trên các phương tiện thông tin: Đôi bạn trẻ, một tốt nghiệp Học viện Nông nghiệp Hà Nội, một tốt nghiệp cao đẳng, cả hai đã có việc làm, nhưng tình yêu của họ bị gia đình ngăn cản, thế là cùng nhau tìm đến cái chết. Có cặp thì cùng “ôm nhau” nhảy cầu tự tử, để về bên kia thế giới vẫn được chung sống với nhau. Có kẻ thì bị từ chối đã quyết “kẻ chết, người vào tù”…. Và tình yêu của “đôi vợ chồng hát rong” như một liều thuốc vực lại niềm tin, rằng xã hội còn có nhiều điều tốt đẹp, vẫn đang hiển hiện trong cuộc sống quanh ta.

Bởi vậy dư luận phản ứng khi biết sự thật của câu chuyện tình cao đẹp đó. Họ sốc vì thần tượng của niềm tin vào sự tử tế đang ở đỉnh cao bỗng rơi theo chiều thẳng đứng xuống vực sâu. “Tôi đã khóc khi nghe người vợ - cô gái khiếm thị Nguyễn Thị Như Đào - nói rằng, tình yêu của anh ấy là nguồn sáng cho đôi mắt em”. “Cả gia đình tôi đã khóc, không khóc sao được khi một chàng trai tốt nghiệp Học viện Âm nhạc quốc gia, vì tình yêu với cô gái khiếm thị mà đã bỏ cả sự nghiệp, tiền đồ trong tương lai, chấp nhận cuộc sống lang thang trên những nẻo đường để kiếm sống bằng cuộc đời hát rong”. “ Sao ở đời lại có một chàng trai đáng trân trọng đến vậy”. “Cuộc đời còn quá nhiều điều tốt đẹp, còn quá nhiều người tử tế…”. “Tôi hụt hẫng, thật sự hụt hẫng khi biết sự thật về đôi vợ chồng hát rong”. “Khán giả đã bị lừa. Còn gì để nói nữa”… Đó là những dòng cảm xúc được chia sẻ mấy ngày qua, khi một tờ báo công bố sự thật về “Đôi vợ chồng hát rong trên Sao Mai điểm hẹn”.

Ông Đỗ Quý Doãn - nguyên Thứ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông - đã chia xẻ trên facebook của mình rằng: Sau khi VNNet (VNN) đăng thông tin “Phía sau chuyện vợ chồng người hát rong... “, biết bao nhiêu công chúng, những người đã rất xúc động khi xem chương trình của VTV3 hết sức ngỡ ngàng. Không lẽ một chương trình được làm công phu như vậy có thể lừa dối, coi thường công chúng đến thế??? Không lẽ tình cảm, lòng tin của công chúng khán giả bị làm tổn thương đến như thế???...

Có thể VTV sai, có thể VNN đúng hoặc ngược lại, nhưng dẫu thế nào thì vẫn là mất mát quá lớn của báo chí đối với công chúng. Lúc này hãy lấy mục tiêu vì công chúng, đừng kéo dài sự tổn thương tình cảm, lòng tin của họ; cơ quan quản lý, VNN hãy cùng VTV nhanh chóng xác minh và có ý kiến chính thức về việc này càng sớm, càng tốt. Đó là sự tôn trọng công chúng và cũng là để xử lý khủng hoảng truyền thông.

Khán giả có bị lừa?

Cách đây nửa năm, trả lời phỏng vấn của Báo Thể thao - Văn hóa, Tổng đạo diễn chương trình “Điều ước thứ 7” Lại Bắc Hải Đăng từng “úp mở” tiết lộ sự thật, rằng trước khi phát sóng thì sự thật của chuyện tình đẹp như trong cổ tích đã được chính nhân vật - chàng trai xứ Thanh - thú nhận với những người thực hiện chương trình là không đúng như chương trình đã ghi hình, vì vậy mà chương trình đã ngừng phát sóng... Ngay lập tức hàng loạt những nghi vấn được đặt ra: Biết được sự thật không đúng như nội dung đã ghi hình, vậy tại sao chương trình vẫn được cho phát sóng vào ngày 10.1? Có phải ê kíp chương trình đã cố tình lừa khán giả?

Không gay gắt với nhân vật như người phụ trách chương trình “Người xây tổ ấm” đã mắc phải, khiến dư luận đùng đùng phê phán. Không “dùng dằng” giữa “thật, giả” mà người phụ trách chương trình “Như chưa hề có cuộc chia ly” phải đắn đo mãi - dù dư luận và truyền thông đã lên tiếng - mới dám “thú nhận” sự thật …

Tổng đạo diễn “Điều ước thứ 7” đã lựa chọn cách ứng xử - như lời khuyên của ông Đỗ Quý Doãn - là chủ động trả lời phỏng vấn của VNN. Lời đầu tiên của vị tổng đạo diễn là: Chúng tôi sai rồi. Tôi xin nhận trách nhiệm. Tôi đã từng dừng chương trình này không phát sóng sau cuộc điện thoại của anh Thanh nói ngắn gọn là đã có vợ con ở nhà, nếu phát chương trình này sẽ có người ảnh hưởng rất nghiêm trọng, thậm chí ảnh hưởng đến mạng sống! Thời điểm anh Thanh gọi điện trước khi phát sóng khoảng 2 tiếng.

Có lẽ đến đây, dư luận sẽ cảm thông với sự thành khẩn của vị tổng đạo diễn. Nhưng ông càng nói, càng thanh minh thì dư luận lại càng có ý kiến: Nào là Thanh đã viết cam kết, khẳng định thông tin trong chương trình là đúng sự thật; nào là Diệp Chi có kế hoạch về quê Thanh thẩm tra, nhưng Đào nói là không cần, đã trực tiếp về quê Thanh thẩm tra và còn cho số của anh Toàn (công an xã) và Diệp Chi đã nói chuyện với anh Toàn… Rồi êkíp đã quá tin tưởng nhân vật…

Từ chỗ thông cảm “đã nhận trách nhiệm” của vị tổng đạo diễn, dư luận bỗng nhận ra, dường như “ thấp thoáng” trong những lời chia sẻ “thành thật” ấy, thì êkíp chương trình như đang “đổi” trách nhiệm cho “Đôi vợ chồng hát rong” - là khởi nguồn của sai sót. Êkíp chương trình chỉ mắc lỗi vì xuất phát từ tình yêu nhân vật, sự động lòng, sự đồng cảm giữa những người phụ nữ, yêu nhân vật thực sự, tin tưởng tuyệt đối thì mới mắc những lỗi như thế…

Thôi thì, dư luận vẫn “luận ra, bàn vào” kể cả khi lãnh đạo Truyền hình Việt Nam nói lời xin lỗi khán giả và công bố quyết định tạm ngừng phát sóng chương trình “Điều ước thứ 7” và có hình thức kỷ luật với tổng đạo diễn và biên tập viên của chương trình… Bởi dư luận cũng như xã hội đặt niềm tin rất cao với đài truyền hình quốc gia, nên mới có những cung bậc cảm xúc, những đòi hỏi khắt khe… cũng là để những chương trình truyền hình thực sự đi vào đời sống của xã hội. Những nhân vật đời thường “bước chân” vào “chương trình” nào đấy, hãy để họ đúng là họ, xin đừng chắp thêm đôi cánh cho họ bằng những lời hoa mỹ, để rồi… trở thành những nhân vật của chuyện cổ tích.

Hãy để những trái tim… ngủ yên

Ngay sau khi VNN đăng tải thông tin về sự thật “đôi vợ chồng hát rong”, thế là đội ngũ truyền thông lại đổ về quê hương của hai nhân vật chính của “Điều ước thứ 7”. Vẫn chỉ là lời kể của bên này, bên kia. Một người cùng quê của anh Thanh đã chia sẻ: Thanh ít học, trời phú cho giọng hát, vì sức khỏe không đủ đi biển, cháu và người thân nữa mua loa, chọn con đường kiếm sống bằng nghề hát rong. Thế rồi, hoàn cảnh đưa đẩy gặp Đào, hai số phận hát rong đã đồng cảm, nương vào nhau để mà sống, rồi “lửa gần rơm”.

Bây giờ ai cũng muốn nói phần đúng, phần tốt về mình… và đổ lỗi cho người kia lừa mình. Cả Thanh và Đào đều là những đứa trẻ lớn lên trong hoàn cảnh khó khăn, không được học hành đến nơi, đến chốn… nên có phần cạn nghĩ mới để xảy ra nông nỗi này.

Chúng tôi mong dư luận thông cảm, tha thứ cho cả Thanh và Đào, để cả hai tiếp tục sống và làm tròn trách nhiệm với những đứa trẻ - con họ còn quá bé thơ - đến người vợ của Thanh, và nhất là Đào - cô gái tật nguyền đáng thương, rất cần được nâng đỡ trong cuộc sống. Đào vẫn phải gửi con, đi hát rong để mưu sinh, kiếm tiền nuôi bé Sao Mai.

Xin khép lại câu chuyện “cổ tích” không có thật trong đời thường này bằng những ca từ mà nhạc sĩ Trần Long Ẩn đã viết trong bài hát “Xin làm người hát rong”: Cũng đành xin làm người hát rong/Chỉ mong đời không chê trách/Cũng đành xin làm người đến sau/Để nghe niềm đau phía trước/Kiếp này xin làm người hát rong/Để cho tình yêu lên tiếng/Để cho trái tim bội bạc/Không còn đến trong đêm hoa đăng/Sẽ còn câu chuyện người hát rong/Còn nghe ngày sau kể tiếp/Tặng riêng những ai thật lòng/Đang còn hát yêu thương con người.

 

GHI CHÉP CỦA LINH TRẦN
TIN LIÊN QUAN

Đổi đời cho nhiều trẻ là con em đồng bào dân tộc thiểu số ở Đắk Lắk

BẢO TRUNG |

Đắk Lắk - Những năm qua, hàng chục trẻ em đồng bào dân tộc thiểu số có hoàn cảnh khó khăn ở Đắk Lắk đã được lực lượng Bộ đội biên phòng tỉnh cưu mang, nhận làm con nuôi để giúp ăn học, có một cuộc đời mới sáng sủa hơn.

Dự báo thời tiết Tết Nguyên đán 2023 có mưa kèm rét đậm hay không?

AN AN - MINH HÀ |

Cơ quan khí tượng cho biết Tết Nguyên đán 2023 ở miền Bắc khả năng mưa nhỏ mưa phùn vài nơi, sáng sớm có sương mù. Trời phổ biến trạng thái rét, vùng núi có nơi rét đậm, rét hại.

“Người vận chuyển” những chuyến xe miễn phí đón công nhân về quê ăn Tết

Trần Tuấn |

Để việc đón công nhân về quê ăn Tết diễn ra thuận tiện nhất, lái xe của các doanh nghiệp vận tải đã đưa xe đến khu công nghiệp Thăng Long từ tối hôm trước và ngủ qua đêm chờ công nhân tới.

Người dân lỉnh kỉnh đồ đạc rời Thủ đô về quê ăn Tết

PHẠM ĐÔNG - HỮU CHÁNH |

28 Tết, tại các bến xe lớn Hà Nội như Mỹ Đình, Nước Ngầm, Giáp Bát... bắt đầu nhộn nhịp, người dân khăn gói đồ đạc về quê nghỉ Tết Nguyên đán Quý Mão 2023.

Đầu tư chứng khoán dài hạn có hiệu quả hơn gửi tiết kiệm?

LÂM ANH |

VN-Index kết năm 2022 giảm gần 33% dẫn đến tỉ suất sinh lời của các nhà đầu tư trên kênh này bị kéo tụt đáng kể. Trong khi đó, cuộc đua tăng lãi suất tiền gửi đang ngày một nóng lên khiến kênh đầu tư chứng khoán đang ngày càng lép vế hơn trong cuộc đua hút dòng tiền.

Người dân lỉnh kỉnh hành lý về quê ăn Tết, có chặng xe về miền Tây hết vé

Chân Phúc |

Lượng khách tăng đột biến tại Bến xe Miền Tây (quận Bình Tân) trong sáng ngày 19.1. Một số chặng từ TPHCM đi các tỉnh miền Tây đã rơi vào tình trạng hết vé.

Người lao động Việt Nam ở nước ngoài: Luôn khắc khoải nỗi nhớ Tết quê nhà

Vương Trần |

Tết Nguyên đán Quý Mão đến nhưng ở nơi xa xứ, nhiều lao động Việt Nam vẫn đang ngược xuôi, mưu sinh với công việc. Xa quê, nơi xứ người, nhiều lao động không khỏi bồi hồi, nhớ hương vị Tết quê.

Nỗi lòng người lao động đón Tết xa quê ở Bình Dương

ĐÌNH TRỌNG |

Bình Dương - Tại Bình Dương, nhiều gia đình công nhân lao động do bị thất nghiệp, giảm giờ làm khiến cuộc sống gặp nhiều khó khăn không thể về quê đón Tết. Người lao động chấp nhận đón Tết ở Bình Dương để tiết kiệm chi phí, lo cho con cái trong năm mới.