Về Kinh Bắc với thơ tình Hoàng Cầm

PGS-TS Nguyễn Thị Minh Thái |

Kinh Bắc không chỉ là quê hương nơi chôn nhau cắt rốn của Hoàng Cầm thi sĩ, mà Kinh Bắc đã được cất cánh trở thành miền quê lộng lẫy thiên đường, ngọt ngào tình ái, với các bóng hình thân thương thời thơ ấu của Hoàng Cầm, là Mẹ, là Chị, là Em..., với sông Đuống, với núi Thiên Thai, với hát quan họ, hai mùa hội làng: Xuân Thu nhị kì đến hẹn lại lên.

1.

Hà Nội chiều tối 12.2.2022, tôi được hoạ sĩ Lê Thiết Cương chủ biên cuốn sách thứ 2 về Hoàng Cầm ra mắt sau một nhịp sách Về Kinh Bắc, với một cái tên nhuốm đầy ý nghĩa kỷ niệm 100 năm ngày sinh thi sĩ Hoàng Cầm: "Hoàng Cầm – 100 bài thơ". Và tất nhiên thi sĩ – nhạc sĩ Nguyễn Thuỵ Kha tuyển chọn. Sách do Lê Thiết Cương thiết kế mỹ thuật. Họ là những người đã giao du thân mật, mê lăn lóc thơ Hoàng Cầm từ tuổi đang xoan….  Đêm 12.2.2022, mưa xuân và trời gió mùa rét lạnh. Khán phòng Viện trao đổi văn hóa Việt Pháp 24 Tràng Tiền vẫn đầy người đội mưa gió đến tưởng nhớ và tri âm thơ Hoàng Cầm.

Nhà phê bình văn học đầu bạc Phạm Xuân Nguyên hồi mới quen biết thi sĩ Hoàng Cầm, râu tóc tuổi đang xoan còn xanh nay râu tóc bạc trắng, thi sĩ Hoàng Hưng, và Nguyễn Đình Toán - nhà nhiếp ảnh yêu Hoàng Cầm ngay từ độ ấy... đều phát biểu trước cử tọa yêu đắm thơ Hoàng Cầm, những lời tâm huyết và trĩu nặng tình thơ.

Và tôi bỗng nhớ Hoàng Cầm từng kể với tôi, trong một cuộc trò chuyện khi tôi gặp ông ngày kết thúc Liên hoan sân khấu nhỏ tại Ninh Bình năm 1996: Thi sĩ Hoàng Cầm với định mệnh diêu bông.

2.

Ngồi trước ly rượu gạo nấu lấy vẫn bán kèm ở quán trà Hà Nội, thấy tôi có ý hầu chuyện ông già cô đơn, giữa trưa xuân hoa sấu trắng rụng như mưa trên vỉa hè gạch cũ Hà Nội, ngay cạnh cánh cổng ra vào ngôi nhà Liên hiệp văn nghệ 51 Trần Hưng Đạo  - Hà Nội, ông rút từ cái túi đen bên người tập thơ Hoàng Cầm - 99 tình khúc viết lời đề tặng đồng hương Kinh Bắc là tôi. Và kể ngay về nhân vật khởi nguồn cho bài tình lấp lánh nhất trên trời thơ Hoàng Cầm: Lá diêu bông.

Ông ngậm ngùi nhớ:

- Năm tôi 8 tuổi, một lần từ tỉnh trọ học về thăm nhà, vào một chiều nắng xiên khoai, tôi gần như bị sét đánh khi nhìn thấy chị Vinh 16 tuổi bước vào ngôi hàng xén của mẹ tôi. Trước mắt tôi, chị hiện ra lung linh sáng rỡ như một thiên thần. Ngay lập tức, hồn tôi bị chị chiếm đoạt đến đau điếng. Kể từ phút giây định mệnh ấy tôi mê man chị chẳng còn biết trời đất ất giáp, quên hết học hành, sách vở, suốt ngày chỉ ngong ngóng nhìn sang đường số 1 bên kia, xê xế nhà tôi, khoảng 20 mét nơi “thiên thần” của tôi ngồi bán quán nghèo, phố nhỏ đìu hiu tỉnh nhỏ, lơ thơ mấy món nhà quê: chè tươi, bánh đa, kẹo vừng, bánh đúc,... Trong đầu óc thơ dại ngây non của tôi, tất đã tưởng trên cõi đời này, mẹ tôi là người đẹp nhất. Từ khi tôi thấy chị Vinh, mẹ tôi chỉ còn đẹp 7 phần. Chị mới là người đẹp nhất trần gian. Chị lại giỏi chữ Nho và lại hát quan họ rất hay. Tôi phải lòng chị, cứ thế giăng mắt tơ tình quanh chị suốt 4 năm giời, đến năm tôi 12 tuổi thì chị đi lấy chồng.

Tôi hỏi:

- Chị Vinh biết không?

Hoàng Cầm:

- Chị biết ngay từ cái nhìn đầu tiên của một cậu bé con bị choáng vì chị. Mẹ tôi cũng biết. Chẳng thế mà chị chịu cho thằng bé 8 tuổi lẵng nhẵng bám theo mình như cái đuôi. Tình trai gái mơ hồ vương vấn ngọt ngào vào tình chị em. Tôi thích thơ lục bát, có lần phải lìa chị trở lại trường học, nhớ chị thiêu đốt ruột gan, tôi vớ lấy bút mực tím, viết ngay một bài thơ lục bát dài hai trang giấy học trò, đầu đề tô bằng bút chì xanh đỏ, lại vẽ thêm cả hoa, chim, bướm, núi sông, rồi viết chữ nắn nót từng nét: Gửi chị Vinh của em

Tôi hỏi ngay:

- Có phải Lá diêu bông?

Hoàng Cầm:

- Không phải. Tất nhiên. Nhưng nếu không có cái tình ngây thơ, trong trẻo, đắm đuối ấy với chị Vinh, thì 25 năm sau, tôi không thể có Lá diêu bông. Tất cả bắt đầu từ chị Vinh - người chị luôn cho cậu - bé - tôi quấn quýt bên mình, cho tôi ngồi kề vai xem chị chơi bài tam cúc trong hơi ấm ổ rơm. Mỗi lúc chị say sưa cầm cỗ bài tam cúc mép cong cong, chị gọi đôi cây trầu cay má đỏ, thì cậu bé tôi hong hóng “nghé cây bài tìm hơi tóc ấm”, với mong ước cháy bỏng rằng: Em đừng lớn nữa, chị đừng đi.

Rồi chị vẫn dứt áo ra đi. Đi lấy chồng. Tôi mất tăm chị, đầu non cuối bể tôi đi tìm, mà không thấy. Biền biệt tăm cá bóng chim...

Tôi lại hỏi:

- Lá diêu bông là thứ lá có thật trên đời không nhỉ?

Hoàng Cầm:

- Đấy là chiếc lá huyền thoại, chiếc lá non ngây thơ về một tình yêu đầy mộng mị - thần tiên thời thơ ấu. Nhưng cuộc đi tìm lá của chị Vinh thì có thật hoàn toàn. Tôi còn nhớ một buổi chiều đông nhằm mùa Giáng sinh, rét ngọt lọt thấu xương. Chiều muộn đổ tối, tôi đương chơi tha thẩn giữa sân nhà, nhác thấy chị Vinh đẹp như nữ thần, mở cửa bước ra, tôi vội vã bươn theo. Chị Vinh vận áo cánh lụa màu mỡ gà, yếm trắng lòng trai, khoác áo gilet tím nhạt, ôm bó lấy lưng ong. Váy lụa đen Đình Bảng rũ mềm, buông chùng cửa võng, thắt lưng hồng điều. Nếp váy mềm mại chấm mắt cá chân, sóng sánh theo gót son thoăn thoát. Chị đi về cánh đồng chiều còn trơ cuống rạ. Những dãy núi xanh xanh mờ xa in hình như dao khắc trên nền trời cuối hoàng hôn. Bí mật tôi lặng lẽ lần theo chị. Tôi thấy rõ chị thẩn thơ tìm trên đồng chiều cuống rạ. Rồi lẩm bẩm một mình, dẫu chị biết chắc tôi vẫn lẵng nhẵng sau lưng. Đứa nào tìm được lá diêu bông từ nay tao gọi là chồng. Chị tìm khổ sở và tuyệt vọng, thi thoảng lại ngó về phía chân trời, dõi theo một dãy mây lang thang xa lắc.

Ảnh nhà thơ Hoàng Cầm và PTS Nguyễn Thị Minh Thái do NSNA Nguyễn Đình Toán chụp năm 1999 - in trong lịch ấn hành năm 2022- kỷ niệm 100 năm Hoàng Cầm. Ảnh: NTMT cung cấp
Ảnh nhà thơ Hoàng Cầm và PTS Nguyễn Thị Minh Thái do NSNA Nguyễn Đình Toán chụp năm 1999 - in trong lịch ấn hành năm 2022- kỷ niệm 100 năm Hoàng Cầm. Ảnh: NTMT cung cấp

Cuộc đi tìm chiếc lá không có thật  ấy dĩ nhiên là không thành. Cái lúc thấy chị đi tìm mà không tìm được, tôi thương chị đến tan nát lòng, nên trong bài thơ tôi viết 25 năm sau, trong căn gác nhỏ phố Lý Quốc Sư Hà Nội, tôi đã mơ màng da diết: Hai ngày em tìm thấy lá. Chị chau mày không phải lá diêu bông. Mùa đông sau em tìm thấy lá. Chị  cười xe chỉ ấm trôn kim. Chị ba con em tìm thấy lá. Xoè tay phủ mặt Chị không nhìn. Từ thưở ấy Em cầm chiếc lá. Đi đầu non cuối bể. Gió quê vi vút gọi. Diêu Bông hời, ới Diêu Bông...

Thi - sĩ - bé - con yêu chị Vinh từ năm 1934, mãi 25 năm sau - 1959 mới ra đời bài thơ tình Lá diêu bông.

Thi sĩ Hoàng Cầm mắt kính lấp lánh, vẻ mặt đầy nhớ nhung, vẫn nhớ y nguyên năm 12 tuổi thì chị Vinh đi lấy chồng, cũng vào ngày mùa đông căm căm rét. Mẹ báo tin và để đứa con giai 12 tuổi mặc tình khóc. Ông bảo: “Đấy là tiếng khóc nổ vỡ của vũ - trụ  - riêng - tôi”.

Bài thơ Lá diêu bông đến với Hoàng Cầm năm 1959, vào ngày mùa đông căm căm rét mướt. Năm ông đã quá tam thập, ở cùng gia đình trong phố Lý Quốc Sư. Quá nửa đêm, ông vẫn trằn trọc, thao thức. Và trong cái đêm bồn chồn ấy, ông nghe văng vẳng tiếng người đọc trầm bổng du dương, ngữ điệu nhịp nhàng êm ái như vẳng đến từ một cõi xa lắc nào. Hoàng Cầm đã có kinh nghiệm về cái giọng đọc đêm trong tâm linh của chính mình, nên khi đi ngủ ông thường nằm nghiêng về phía trái, và để sẵn mẩu bút chì và tờ giấy trắng. Nghe thấy giọng đọc ông quơ bút bật dậy, chép vội vàng cho kịp. Chép đến chữ cuối, ông thấy người nhẹ bẫng như thoát phàm.

Nói như nhạc sĩ Trần Tiến, khách mời của chương trình ra mắt sách “Hoàng Cầm về Kinh Bắc” tổ chức ngày 20.2, tại đường sách TPHCM, thơ Hoàng Cầm đã “đổ bộ” một cách trữ tình vào ca khúc: “Sao em nỡ vội lấy chồng” của anh, như một giấc mơ xanh ngát, đầy thăng hoa cho tâm hồn mở cánh bay lên. Lẽ nào không đầy lòng biết ơn thi sĩ Hoàng Cầm, người đã thắp lên cho người đọc thơ hôm nay và mai sau, môt chiếc lá diêu bông xanh thắm màu mộng...

PGS-TS Nguyễn Thị Minh Thái
TIN LIÊN QUAN

Hoàng Cầm, mùa đông năm ấy

Lê Thiết Cương |

Cũng cữ áp tiết Đông Chí thế này, năm 1988, tôi còn nhớ. Gió mùa đông bắc, rét cắt da, nhà thơ Đặng Đình Hưng nhờ tôi đến 43 Lý Quốc Sư đón nhà thơ Hoàng Cầm, “bác Hưng mời bác đến chơi, anh Đặng Thái Sơn mới nhờ người quen ở Liên Xô về, mang giúp ít quà biếu bố, trong đó có đôi chai Vodka…”.

Thượng tướng Hoàng Cầm được đề nghị truy tặng danh hiệu Anh Hùng

L.A |

Thượng tướng Hoàng Cầm vừa được được đề nghị truy tặng danh hiệu Anh Hùng lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ kháng chiến. Việc này càng ý nghĩa khi tháng 4.2021 là tròn 100 năm ngày sinh Thượng tướng.

Vụ chiếm đoạt 433 tỉ: Siêu lừa Nguyễn Thị Hà Thành lĩnh án chung thân

Việt Dũng |

Hà Nội - Nguyễn Thị Hà Thành bị xác định dùng thủ đoạn rủ người đồng sở hữu sổ tiết kiệm rồi dùng vay tiền, từ đó chiếm đoạt hơn 433 tỉ đồng của 3 ngân hàng, 4 cá nhân.

Bắt nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Pháp y Thái Bình

TRUNG DU |

Ông Đinh Văn Khoa - giám định viên, nguyên Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Pháp y (Sở Y tế Thái Bình) bị khởi tố, bắt giam để điều tra tội tham ô tài sản.

Phạt 22 triệu đồng người phụ nữ ép 2 con đi bán rong trên vỉa hè Sa Pa

Tô Công |

Lào Cai - UBND thị xã Sa Pa vừa xử phạt 22 triệu đồng đối với trường hợp bà Lù Thị Máy -  là người thường xuyên bắt con đi bán hàng rong.

Người giữ lửa nghề làm nhẫn bạc của đồng bào Churu

Vân Hoa |

Tộc người Churu ở xã Tu Tra, huyện Đơn Dương, Lâm Đồng có một nghề truyền thống từ lâu đời là nghề làm nhẫn bạc. Chiếc nhẫn được chạm khắc tinh xảo đóng vai trò quan trọng trong lễ cưới của người Churu. Cho đến nay, chỉ còn gia đình anh Ya Tuất là còn gắn bó với công việc này.

Nếu kéo dài, những con vật ở vườn thú Đà Nẵng sẽ chết dần chết mòn

Mai Hương |

Chứng kiến cảnh tượng nuôi nhốt những con thú ở vườn thú tại Công viên 29.3 (Đà Nẵng), nhiều người băn khoăn về số phận của những con thú tội nghiệp này.

Kinh doanh èo uột, khách sạn rao bán nhiều vẫn khó kiếm người mua

Bảo Chương |

Mặc dù tình hình khách du lịch quốc tế đã có nhiều sự cải thiện nhưng hiện nay nhiều khách sạn ở trung tâm TP.Hồ Chí Minh phải rao bán hoặc cho thuê lại, không ít nơi đang được cải tạo thành văn phòng vì kết quả hoạt động kinh doanh thua lỗ.

Hoàng Cầm, mùa đông năm ấy

Lê Thiết Cương |

Cũng cữ áp tiết Đông Chí thế này, năm 1988, tôi còn nhớ. Gió mùa đông bắc, rét cắt da, nhà thơ Đặng Đình Hưng nhờ tôi đến 43 Lý Quốc Sư đón nhà thơ Hoàng Cầm, “bác Hưng mời bác đến chơi, anh Đặng Thái Sơn mới nhờ người quen ở Liên Xô về, mang giúp ít quà biếu bố, trong đó có đôi chai Vodka…”.

Thượng tướng Hoàng Cầm được đề nghị truy tặng danh hiệu Anh Hùng

L.A |

Thượng tướng Hoàng Cầm vừa được được đề nghị truy tặng danh hiệu Anh Hùng lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ kháng chiến. Việc này càng ý nghĩa khi tháng 4.2021 là tròn 100 năm ngày sinh Thượng tướng.