Tướng Nguyễn Sơn và cuộc Vạn lý trường chinh 7.200 ngày trên đất Trung Quốc

Hà Thu (Nguyên Trưởng CQTT TTXVN tại Bắc Kinh nhiệm kỳ 2013 - 2016) |

Nhắc đến Lưỡng quốc Tướng quân Nguyễn Sơn - Hồng Thủy (1908-1956) giới nghiên cứu lịch sử đã tốn không ít giấy mực để lý giải về một hiện tượng lạ và độc đáo trong lịch sử quân sự của Việt Nam - Trung Quốc và Thế giới. Thế nhưng, ít người biết rằng, với tư cách là đặc phái viên của Lãnh tụ Hồ Chí Minh cử tham gia giúp phong trào Cộng sản Trung Quốc, đã gần 100 năm trôi qua, những dấu tích về quãng đời hoạt động cách mạng cũng được ví như “vạn lý trường chinh” của Lưỡng quốc Tướng quân vẫn còn in đậm, còn những dấu chứng mà nhân dân Trung Quốc vẫn tôn thờ, là địa chỉ đỏ để giáo dục truyền thống cách mạng cho nhân dân Trung Hoa đại lục hôm nay.

Chúng tôi đã theo dấu chân ông, bằng đủ các phương tiện hiện đại của Trung Quốc ngày ngay như máy bay, tàu cao tốc, tàu thủy, trong 3 năm đi lại con đường “Vạn lý trường chinh” dài 12.500km trên đất nước Trung Hoa để ghi lại sự ngưỡng vọng của người dân bản địa đối với Lưỡng quốc Tướng quân Nguyễn Sơn - Hồng Thủy.

Người học viên xuất sắc của trường Quân sự Hoàng Phố

Tướng Nguyễn Sơn sinh năm 1908, tên thật là Vũ Nguyên Bác, quê làng Kiêu Kỵ, Gia Lâm, Hà Nội. Từ nhỏ được sống trong bầu không khí đấu tranh yêu nước của đồng bào cả nước, được nghe những câu chuyện về “Phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục” qua lời kể của cha mẹ, được đọc sách báo cách mạng tiến bộ của Nguyễn Ái Quốc gửi về từ hải ngoại... nên ông sớm bộc lộ tư chất của một người có chí lớn, đầy bản lĩnh.

Hồng Thủy (Nguyễn Sơn) đang phát biểu trước đông đảo quần chúng nhân dân tại miếu Lữ Tổ thành Ngũ Đài (1938).
Hồng Thủy (Nguyễn Sơn) đang phát biểu trước đông đảo quần chúng nhân dân tại miếu Lữ Tổ thành Ngũ Đài (1938).

Cuộc đời ông đã có bước ngoặt lớn vào năm 1925. Khi đó ông gặp Nguyễn Công Thu, học viên khóa chính trị đầu tiên ở Quảng Châu, người được đồng chí Vương (Nguyễn Ái Quốc) giao nhiệm vụ về Việt Nam đưa một số thanh niên giàu lòng yêu nước sang Quảng Châu dự lớp huấn luyện chính trị khóa 2. Bởi từ đây ông “bắt đầu tiếp thu những hiểu biết về khoa học xã hội, A, B, C về chủ nghĩa cộng sản, nhất là được Hồ Chí Minh tổng kết lịch sử phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc của Việt Nam. Và tôi tin tưởng ở con đường cơ bản là phải tuyên truyền, tổ chức quần chúng để khởi nghĩa vũ trang và trên một mức độ nào đó dựa vào viện trợ của cách mạng quốc tế” (trích “Tự truyện của tôi” - Nguyễn Sơn).

Lưỡng Quốc tướng quân Nguyễn Sơn - Hồng Thủy được lãnh tụ Hồ Chí Minh phong hàm Thiếu tướng ngày 20.1.1948 và được Trung Quốc phong tướng ngày 27.9.1955.

Một buổi chiều cuối tháng 4 năm 2014, tôi đến bến tàu ở ngoại ô phía Đông của thành phố Quảng Châu để ra đảo Trường Châu khu Hoàng Phố, nơi có trường Quân sự Hoàng Phố mà Lưỡng quốc Tướng quân Nguyễn Sơn - Hồng Thủy từng là học viên năm từ 1926. Trường do Tôn Trung Sơn mở với sự giúp đỡ giảng dạy, đào tạo của cố vấn Liên Xô từ cuối năm 1924 để đào tạo cán bộ quân đội. Hiện nơi đây trở thành một trong những khu lưu niệm lịch sử và địa điểm tham quan du lịch của thành phố, hàng ngày mở cửa đón du khách trong nước và quốc tế.

Bước qua cổng Trường đề dòng chữ “Lục quân quân quan học hiệu” (Trường Sĩ quan Lục quân), tôi đi tham quan mấy dãy nhà hai tầng có hành lang nối thông nhau, gồm khu dạy học, ký túc xá, nhà ăn và phòng trưng bày. Phòng trưng bày mỗi góc đều được tái hiện nguyên trạng gần trăm năm về trước, khi các học viên được đào tạo ở đây, từ bàn ghế, sách vở trong lớp học đến đồ dùng cá nhân, chăn gối... trong số đó có các bậc cách mạng tiền bối của Đảng Cộng sản Việt Nam như Lê Thiết Hùng, Hồng Thủy, Phùng Chí Kiên, Lê Hồng Phong, Vương Thừa Vũ, Phùng Thế Tài, Lương Văn Tri ....

Khu trường này được xây dựng trên diện tích 10.600m2 và trong một buổi chiều tôi đã tìm được hai tấm bia khắc danh sách các giảng viên và học viên từ khóa I đến khóa VII ở trước cổng trường. Không mất quá nhiều thời gian tôi đã có thể tìm thấy hai chữ “Hồng Thủy” trong danh sách của các học viên khóa IV.

Đối chiếu vào lịch sử và hồi ký của Lưỡng quốc Tướng quân Nguyễn Sơn - Hồng Thủy, trong thời gian ở Quảng Châu, sau khi được Bác Hồ đặt cho tên mới là Lý Anh Tự cho Vũ Nguyên Bác, ông đã gia nhập Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên và là một thành viên của gia đình cách mạng họ Lý, lấy theo tên tiếng Trung của Lê-nin (Lý Ninh), Bác Hồ là Lý Thụy, ngoài ra còn có Lý Phương Đức, Lý Phương Thuận, Lý Tự Trọng, Lý Quý (Trần Phú), Lý Tống (Phạm Văn Đồng)...

Do có thành tích học tập xuất sắc, Lý Anh Tự được giữ lại công tác tại trường Quân sự Hoàng Phố. Trước khi rời Quảng Châu, Nguyễn Ái Quốc cũng chỉ thị cho Lý Anh Tự ở lại tham gia đấu tranh cùng những người cộng sản Trung Quốc. Còn đại bộ phận học viên khóa IV đều tỏa về các địa phương, đơn vị công tác. Năm 1927, bọn phản động trong Quốc dân đảng do Tưởng Giới Thạch cầm đầu đã liên tiếp gây nên các vụ tàn sát những người cách mạng, như vụ ngày 12.4 tại Thượng Hải, ngày 15.7 ở Vũ Hán và hàng loạt vụ tàn sát đẫm máu ở Quảng Châu, giết hại hàng loạt đảng viên cộng sản, trong đó có những người cộng sản Việt Nam.

Nhận rõ bộ mặt phản động của Quốc dân đảng, tháng 8 năm 1927, Lý Anh Tự được Trần Nhất Dân, một cán bộ của Đảng Cộng sản Trung Quốc giới thiệu gia nhập Đảng Cộng sản Trung Quốc. Việc bí mật gia nhập Đảng Cộng sản Trung Quốc khi mới 19 tuổi càng khẳng định bản lĩnh, tính quyết đoán hiếm có cùng ý chí sẵn sàng xả thân và tinh thần quốc tế trong sáng của Lý Anh Tự. Nói về sự kiện này, Lưỡng quốc Tướng quân Nguyễn Sơn - Hồng Thủy bày tỏ trong tự truyện của mình rằng: “Việc vào Đảng lúc bấy giờ hoàn toàn bị chi phối bởi không khí sôi động, tình hình khẩn trương lúc đó. Tôi không thể nghĩ tới việc gì khác. Lời thề của tôi lúc đó là: ‘Sống vì Đảng, chết vì Đảng”.

Người chiến sĩ trong cuộc khởi nghĩa “Công xã Paris của Phương Đông”

Tháng 12 năm 1927, dưới sự lãnh đạo của các bậc tiền bối Đảng Cộng sản Trung Quốc như Trương Thái Lôi, Uẩn Đại Anh, Nhiếp Vĩnh Trăn, Diệp Kiếm Anh, tại Quảng Châu đã nổ ra cuộc khởi nghĩa vũ trang của công - nông - binh. Lý Anh Tự cùng hơn 30 cán bộ, học viên Việt Nam đang công tác, học tập tại trường Quân sự Hoàng Phố đã nhất tề tham gia khởi nghĩa do Diệp Kiếm Anh chỉ huy. Không sợ hiểm nguy, Lý Anh Tự đã cùng các chiến sĩ của Đảng Cộng sản Trung Quốc dũng cảm chiến đấu, xung phong vượt qua mưa bom bão đạn, đánh lui các cuộc tấn công của địch... Chính từ những ngày ác liệt này, Lý Anh Tự đã quyết định đổi tên thành Hồng Thủy, với hàm ý là dòng nước đỏ, dòng nước cách mạng, chỉ tiến về biển cả, không dừng...

Tôi đã tìm đến Bảo tàng lưu niệm khởi nghĩa Quảng Châu có địa chỉ ở số 200 đường Khởi Nghĩa (trước đây là đường Duy Tân, thành phố Quảng Châu). Đây là nơi thành lập chính quyền Xô viết Quảng Châu, dù chỉ tồn tại trong vòng 3 ngày song được mệnh danh là “Công xã Paris Phương Đông”. Cuộc khởi nghĩa Quảng Châu là một trong ba cuộc khởi nghĩa điển hình mà Đảng Cộng sản Trung Quốc quyết định tiến hành để lật đổ nền thống trị phản động Quốc dân đảng trong năm 1927. Nhân kỉ niệm 100 năm thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc (1921 - 2021), Ban Tuyên truyền Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc đưa Bảo tàng này vào danh sách những “Căn cứ giáo dục chủ nghĩa yêu nước toàn quốc tiêu biểu”.

“Trong lịch sử nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa và Quân giải phóng nhân dân Trung Hoa, phong quân hàm và tặng thưởng huân chương cho người nước ngoài, việc này chỉ có một lần, mà cũng để tỏ lòng biết ơn và kính trọng của nhân dân Trung Quốc đối với một chiến sĩ quốc tế đã đổ máu, hy sinh vô tư, cống hiến cho sự nghiệp giải phóng nhân dân Trung Quốc” - trích từ “Nhân dân nhật báo” Trung Quốc.

Tại đây có trưng bày chiếc chăn dạ của Hồng Thủy, cùng bức chân dung của ông với lời đề: “Sau khi khởi nghĩa bùng phát, hàng chục nhà cách mạng Việt Nam gồm Hồ Tùng Mậu, Lê Quốc Vọng, Phùng Chí Kiên, Trương Trung Phụng, Hồng Thủy, Trần Văn Cung, Hồ Bình, Võ Hồng Anh, Nguyễn Trí Đức, Nguyễn Trí Thông, Lê Duy Điếm, Lưu Quốc Long... cũng đã tích cực tham gia khởi nghĩa, xả thân cho việc thành lập và củng cố khu xô viết Quảng Châu. Trong ảnh là Hồng Thủy, chiến sĩ mang quốc tịch Việt Nam”.

Chiếc chăn dạ của Lưỡng Quốc tướng quân Nguyễn Sơn - Hồng Thủy được trưng bày tại Bảo tàng lưu niệm khởi nghĩa Quảng Châu.
Chiếc chăn dạ của Lưỡng Quốc tướng quân Nguyễn Sơn - Hồng Thủy được trưng bày tại Bảo tàng lưu niệm khởi nghĩa Quảng Châu.

Về sau, qua tra cứu tài liệu được biết Hồ Tùng Mậu tên thật là Hồ Bá Cự (1896 - 1951), quê quán Nghệ An, là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Tổng Thanh tra Ban Thanh tra Chính phủ (1951); Lê Quốc Vọng tức Thiếu tướng Lê Thiết Hùng (1908 - 1986), quê quán Nghệ An, là vị tướng đầu tiên được phong quân hàm của Quân đội nhân dân Việt Nam vào năm 1946; Phùng Chí Kiên tên thật là Nguyễn Vĩ (1901 - 1941), quê quán Nghệ An, là nhà lãnh đạo quân sự và chính trị gia, ông là vị tướng được truy phong đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam vào năm 1947; Trương Trung Phụng, quê quán Nghệ An (?-?); Trần Văn Cung (1906 - 1986), quê quán Nghệ An; Võ Hồng Anh tức Lê Hồng Sơn (1899-1933), quê quán Nghệ An; Lê Duy Điếm (1906-1930), quê quán Hà Tĩnh; Lưu Quốc Long tức Lê Văn Quý (1901 - 1931), quê quán Nghệ An...còn các đồng chí Hồ Bình, Nguyễn Trí Đức, Nguyễn Trí Thông và nhiều đồng chí khác nữa dù chưa có thông tin cụ thể cũng như chưa được lưu danh ở quê hương, song với tinh thần của chiến sĩ cộng sản họ đều đã cống hiến thanh xuân của mình cho Cách mạng Trung Quốc.

Nhiều năm qua, chúng tôi rất trăn trở đối với gần 20 chiến sĩ cộng sản quốc tế đã được vinh danh tại Bảo tàng lưu niệm khởi nghĩa Quảng Châu và được các thế hệ cộng sản Trung Quốc tri ân. Tuy nhiên, đối chiếu vào lịch sử, những con người này chưa từng được nhắc đến trong các phong trào cộng sản trong nước. Chúng tôi đã liên hệ với các nhà sử học, các nhân chứng song chưa có kết quả cụ thể. Với bài báo này, chúng tôi mong muốn bạn đọc có thông tin có thể gửi tới Hội Khoa học Lịch sử để làm sáng tỏ công trạng của các chiến sĩ ấy, nhằm vinh danh tại quê hương bản quán.

Kết thúc khởi nghĩa Quảng Châu, Hồng Thủy cùng Diệp Kiếm Anh và Nhiếp Vĩnh Trăn rút về Hồng Kông. Sau đó, theo sự bố trí của Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên và được sự nhất trí các đồng chí Diệp Kiếm Anh, Nhiếp Vĩnh Trăn, Hồng Thủy rời Hồng Kông đi Thái Lan để tuyên truyền, vận động cách mạng trong cộng đồng người Việt tại Thái.

“Khối thép sáng ngời” rèn rũa trong cuộc Vạn lý trường chinh của Cách mạng Trung Quốc

Sau đó gần hai năm, tháng 6 năm 1928 được sự đồng ý của Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, Hồng Thủy trở lại Trung Quốc tham gia cuộc đấu tranh vũ trang cách mạng. Ông lần lượt được bổ nhiệm giữ chức vụ Chính trị viên đại đội Trung đoàn C47 Hồng quân Trung Quốc, Chính ủy viên Trung đoàn 102, Chủ nhiệm Sư đoàn 34, Quân đoàn 12 Hông quân, Trưởng phòng tuyên truyền văn hóa Câu lạc bộ nghiên cứu chủ nghĩa Mác-Lê nin, giáo viên chính trị tại Trường Quân chính Trung ương. Tháng 1 năm 1934 được bầu là Ủy viên Trung ương tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 2 nước Cộng hòa Xô viết Trung Hoa. Đến tháng 10, ông cùng Hồng quân bắt đầu tham gia cuộc Vạn lý trường chinh dài 12.500km, tiến lên phía Bắc kháng Nhật.

Người thân của Tướng Nguyễn Sơn cạnh bia đá Rừng Tướng quân trong Công viên Triều Dương, Bắc Kinh. Ảnh: GĐCC
Người thân của Tướng Nguyễn Sơn cạnh bia đá Rừng Tướng quân trong Công viên Triều Dương, Bắc Kinh. Ảnh: GĐCC

Cũng chính thời gian này ông đã phải trải qua những thử thách cam go trong chiến đấu và tôi luyện ý chí vượt qua sự khắc nghiệt của thời tiết và địa hình thiên nhiên. Hồng quân băng qua đại thảo nguyên rộng mênh mông, ngang dọc trên 300km, không một bóng người, chỉ tít tắp cỏ dại và đầm lầy, ban ngày nóng như đổ lửa, đêm lạnh buốt, sương giăng mù mịt, có lúc bão tố gào rít điên cuồng... họ phải dìu nhau nhích lên từng bước. Càng tiến lên phía Bắc thảo nguyên càng lầy thụt, sơ ý là chìm nghỉm vào bùn đất. Gian khổ đến cùng cực nhưng Hồng Thủy không hề nao núng, hơn thế còn hết lòng giúp đỡ đồng đội đêm ngày, nhường đồng đội từng trái cây xanh, từng nắm rau dại trong khi mình đói lả... Có lần bị địch bao vây, chặn đánh liên tục, tuy thắng được vài trận, nhưng do sự chỉ huy sai lầm của Trương Quốc Đào cộng với lực lượng địch mạnh gấp bội, Hồng quân đã bị tổn thất nặng nề... Đơn vị của ông cũng bị quân địch đánh tan tác... Cứ thế, sau ba lần bò núi tuyết, vượt thảo nguyên, trong vòng vây kẻ thù, đầu năm 1936 Hồng Thủy đã đặt chân lên đất Diên An trong sự xúc động và cảm phục của mọi người. Khi xuất phát, đội ngũ Hồng quân hùng hậu những 30 vạn, nhưng khi đến khu căn cứ Diên An chỉ còn gần 3 vạn.

Sau nhiều lần lỡ hẹn, đến tháng 3 năm 2016 tôi đáp chuyến bay từ Bắc Kinh đi Diên An, một thành phố thuộc tỉnh Thiểm Tây. Nơi đây được coi là “Thánh địa Cách mạng” của Đảng Cộng sản Trung Quốc từ năm 1935 đến năm 1948. Diên An là một thành phố trên cao nguyên, xung quanh là núi, có lẽ do vị trí địa lý nằm sâu trong nội địa và điều kiện thời tiết khí hậu khắc nghiệt nên đến nay thành phố vẫn chưa được phát triển như mong muốn. Số đông dân cư vẫn ở nhà đất xây trên núi. Song người dân Diên An luôn tự hào bởi họ có tính can đảm, bền bỉ và vượt qua gian khổ để sống tốt hơn. Hiện nay, mỗi năm thành phố đón hơn 60 triệu lượt khách du lịch, điểm du lịch nổi tiếng nhất là Bảo Tháp và khu di tích cách mạng Dương Gia Lĩnh.

Khu di tích cách mạng Dương Gia Lĩnh ở thành phố Diên An là nơi diễn ra Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 7 Đảng Cộng sản Trung Quốc (1945), tại đây có dựng tấm bia đá khắc danh sách các đại biểu, trong đó Hồng Thủy là một trong 15 thành viên dự thính.

Ông Khương Đình Ngọc, chuyên gia nghiên cứu lịch sử Trường chinh Hồng quân bày tỏ: “Trong cuộc Trường chinh, đồng chí Hồng Thủy đã tích cực tham gia công tác cổ động, tuyên truyền bằng nhiều hình thức khác nhau và đạt được những kết quả rõ rệt”. Còn nhà văn Lý Linh, Ủy viên Ban chấp hành Hội Nhà văn Trung Quốc thì nhận định rằng: “Hồng Thủy là một khối thép không han gỉ trong đói rét cực nhọc, không run sợ trước mọi sự hăm dọa, không gục ngã trước mưa bom, bão đạn; không hờn dỗi bởi sự hiểu nhầm, hoặc bị xúc phạm; ánh thép ngời lên một chân lý sâu xa trong lò luyện của những nghịch cảnh và chà sát...”.

Ngay tại Thủ đô Bắc Kinh, trong viên Triều Dương, còn có cây bách xanh mang tên Hồng Thủy được trồng ở Rừng Tướng quân. Rừng Tướng quân được xây dựng từ tháng 10 năm 1997 với diện tích hơn 13.000m2. Tại đây có tổng cộng 514 cây bách xanh, tượng trưng cho 10 vị nguyên soái và 504 vị tướng quân tại Bắc Kinh được phong quân hàm năm 1955 và năm 1956.

Cây bách xanh thứ 3 từ ngoài ảnh vào là cây đại diện cho Lưỡng Quốc tướng quân Nguyễn Sơn - Hồng Thủy trong Rừng Tướng quân. Ảnh: GĐCC
Cây bách xanh thứ 3 từ ngoài ảnh vào là cây đại diện cho Lưỡng Quốc tướng quân Nguyễn Sơn - Hồng Thủy trong Rừng Tướng quân. Ảnh: GĐCC

Trong sự nghiệp cách mạng của Lưỡng Quốc tướng quân Nguyễn Sơn - Hồng Thủy, ông có hai lần được Hồ Chí Minh cử sang giúp Cách mạng Trung Quốc. Lần một từ năm 1925 - 1945 với 20 năm dài đằng đẵng, chứng kiến và tham gia các phong trào Cách mạng Trung Quốc từ thời còn trứng nước nên chúng tôi có thể lý giải vì sao, các nhà chính trị, các nhà sử học của hai quốc gia đều dành cho ông những sự ngưỡng mộ và tự hào và ông cũng với tư cách là người Quốc tế cộng sản đã làm nên một phần lịch sử trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc hai nước Việt - Trung.

“Vị tướng nổi tiếng Việt Nam Hồng Thủy đã tích cực dấn thân cho cách mạng Trung Quốc, tham gia cuộc Trường chinh hai vạn năm nghìn dặm, là sĩ quan nước ngoài duy nhất được nước Trung Hoa mới phong quân hàm cấp tướng, cũng là vị Lưỡng quốc Tướng quân hiếm có trên thế giới” - trích Bài phát biểu của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình đăng trên Báo Nhân dân ngày 8.11.2017 trước chuyến thăm Việt Nam.

Bắc chiến Nam chinh, hai nước vững vàng tình hữu nghị

Văn tài, võ giỏi, bốn phương lừng lẫy chí anh hùng

(Câu đối tưởng nhớ tướng Nguyễn Sơn của cố GS. Vũ Khiêu)

Hà Thu (Nguyên Trưởng CQTT TTXVN tại Bắc Kinh nhiệm kỳ 2013 - 2016)
TIN LIÊN QUAN

Gốc gác ngày Tết Trùng cửu trong văn hóa Việt

Bài và ảnh MINH THI |

Ngày tết Trùng cửu là ngày Thái Dương, khi trời đất kết thúc một vòng tuần hoàn âm dương tiêu trưởng, để lên một nấc thang mới, đăng cao đắc đạo thành tiên, mang lại mùa màng và phúc ấm cho nhân gian.

Lệnh bài của Tần Vương trên đất Việt

Bài và ảnh Minh Thi |

Theo quan niệm lâu nay, vào khoảng năm 217 trước công nguyên Tần Thủy Hoàng sau khi thống nhất lục quốc mới phát 50 vạn quân đánh chiếm Lĩnh Nam, đặt ra các quận Nam Hải, Quế Lâm và Tượng quận. Chữ viết theo lối tượng hình của văn hóa Trung Hoa từ đó mới được truyền vào đất Việt... Tuy nhiên, những khám phá gần đây lại cho thấy những thông tin hoàn toàn khác về thời điểm có mặt của nhà Tần, cũng như sự xuất hiện của chữ viết sớm ở miền đất Bắc Việt ngày nay.

Nóng hổi chuyện văn Lâm Ngũ bá Trung Quốc đương đại

Phạm Xuân Dũng |

Vì sao khi nhà văn dám ngoái đầu nhìn lại được đề cao như thế và được chọn làm nhan đề của một cuốn sách phê bình văn học luôn mang tính thời sự nóng hổi, mặt khác đó cũng là một tên gọi đầy thách thức và hối thúc?

Những cuộc chiến mở sử trong thời đại Hùng Vương

Bài và ảnh MINH THI |

Thời đại Hùng Vương trên mảnh đất Việt ngày nay kéo dài khoảng 3.000 năm với các nấc thang phát triển chế độ xã hội ngày càng tiến bộ. Không phải triều đại Hùng Vương nào cũng bắt đầu bởi chiến tranh giành giật quyền thống lĩnh thiên hạ, nhưng phần lớn những bước tiến trên nấc thang lịch sử Việt thời dựng nước đều là kết quả của những cuộc chiến "cách cổ đỉnh tân", phá bỏ đi triều đại cũ để xây nên nền móng cho một triều đại mới.

Văn hóa cà phê nhà H’Hen Niê

Chí Long |

Với tư cách là đại sứ truyền thông của Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột, H'Hen Niê đang làm tốt vai trò của người truyền cảm hứng, quảng bá hình ảnh cà phê Buôn Ma Thuột nói riêng và cà phê Việt nói chung cho bạn bè thập phương.

Trường Đại học Luật TPHCM lên tiếng về việc ông Đặng Anh Quân bị bắt

Tú Huyên |

TPHCM - Liên quan đến việc Tiến sĩ luật Đặng Anh Quân bị khởi tố, bắt tạm giam vì liên quan đến vụ án bà Nguyễn Phương Hằng, phía Trường ĐH Luật TPHCM cho biết đang lập tổ công tác xem xét mức độ vi phạm để xử lý ông Đặng Anh Quân.

Cả mẹ và con mất ngủ, ám ảnh vì áp lực kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10

Vân Trang |

Áp lực thi tuyển sinh lớp 10 ở Hà Nội trong năm nay và những năm vừa qua là rất lớn. Phụ huynh thì mất ăn, mất ngủ vì lo lắng, học sinh học hành vất vả, thời gian nghỉ ngơi gần như bằng không.

Các nghịch lý của thị trường xăng dầu được lắng nghe và cần giải quyết

Anh Tuấn |

Trước những diễn biến nóng của thị trường xăng dầu thời gian qua, ngày 28.2, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội sẽ tổ chức phiên giải trình về thị trường xăng dầu. Doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu cho biết - đã có ý kiến về những nội dung để tham gia phiên giải trình.

Gốc gác ngày Tết Trùng cửu trong văn hóa Việt

Bài và ảnh MINH THI |

Ngày tết Trùng cửu là ngày Thái Dương, khi trời đất kết thúc một vòng tuần hoàn âm dương tiêu trưởng, để lên một nấc thang mới, đăng cao đắc đạo thành tiên, mang lại mùa màng và phúc ấm cho nhân gian.

Lệnh bài của Tần Vương trên đất Việt

Bài và ảnh Minh Thi |

Theo quan niệm lâu nay, vào khoảng năm 217 trước công nguyên Tần Thủy Hoàng sau khi thống nhất lục quốc mới phát 50 vạn quân đánh chiếm Lĩnh Nam, đặt ra các quận Nam Hải, Quế Lâm và Tượng quận. Chữ viết theo lối tượng hình của văn hóa Trung Hoa từ đó mới được truyền vào đất Việt... Tuy nhiên, những khám phá gần đây lại cho thấy những thông tin hoàn toàn khác về thời điểm có mặt của nhà Tần, cũng như sự xuất hiện của chữ viết sớm ở miền đất Bắc Việt ngày nay.

Nóng hổi chuyện văn Lâm Ngũ bá Trung Quốc đương đại

Phạm Xuân Dũng |

Vì sao khi nhà văn dám ngoái đầu nhìn lại được đề cao như thế và được chọn làm nhan đề của một cuốn sách phê bình văn học luôn mang tính thời sự nóng hổi, mặt khác đó cũng là một tên gọi đầy thách thức và hối thúc?

Những cuộc chiến mở sử trong thời đại Hùng Vương

Bài và ảnh MINH THI |

Thời đại Hùng Vương trên mảnh đất Việt ngày nay kéo dài khoảng 3.000 năm với các nấc thang phát triển chế độ xã hội ngày càng tiến bộ. Không phải triều đại Hùng Vương nào cũng bắt đầu bởi chiến tranh giành giật quyền thống lĩnh thiên hạ, nhưng phần lớn những bước tiến trên nấc thang lịch sử Việt thời dựng nước đều là kết quả của những cuộc chiến "cách cổ đỉnh tân", phá bỏ đi triều đại cũ để xây nên nền móng cho một triều đại mới.