Gốc gác ngày Tết Trùng cửu trong văn hóa Việt

Bài và ảnh MINH THI |

Ngày tết Trùng cửu là ngày Thái Dương, khi trời đất kết thúc một vòng tuần hoàn âm dương tiêu trưởng, để lên một nấc thang mới, đăng cao đắc đạo thành tiên, mang lại mùa màng và phúc ấm cho nhân gian.

Trong các ngày Tết, ngày lễ cổ truyền dân gian có một ngày rất quan trọng là Tết Trùng cửu, diễn ra vào ngày mùng 9 tháng 9 âm lịch hàng năm. Con số 9 được coi là số dương, do sự lặp lại hai lần số 9 nên gọi Trùng cửu hay Trùng dương. Tết Trùng cửu cũng được coi là Tết người cao tuổi hay Tết người già.

1. Nguồn gốc Tết Trùng cửu được sách cổ kể rằng, đời Hậu Hán có Hoàng Cảnh theo học đạo tiên với Phí Trường Phòng. Một hôm Trường Phòng bảo Cảnh: “Ngày mồng 9 tháng 9 tới đây, gia đình của nhà ngươi gặp phải tai nạn. Vậy đến ngày đó, ngươi nên đem cả nhà lên núi cao, tay đeo túi đỏ, đựng hột thù du, uống rượu hoa cúc, tối sẽ trở về, may ra tránh khỏi tai nạn”. Hoàng Cảnh vâng theo lời thầy. Quả thực đến tối trở về thì thấy gà vịt heo chó trong nhà bị dịch chết hết. Vì tích trên, nên về sau hằng năm, đến ngày mồng 9 tháng 9 âm lịch, người ta lên núi, uống rượu hoa cúc để cầu may...

Về ngày Trùng dương, thiền sư Huyền Quang, vị tổ Trúc Lâm thứ ba thời Trần, có câu thơ: “Trong núi năm tàn không có lịch. Thấy hoa cúc nở biết Trùng dương”. Tết Trùng dương ở Việt Nam là lúc hoa Dã quỳ (cúc dại) nở vàng rộ ven các triền núi. Thu ngắm hoa Dã quỳ nở, thưởng rượu hoa Cúc trong không khí thoáng đãng trên núi cao quả là những thú tao nhã của các tao nhân, mặc khách xưa.

Theo mô hình Thái cực, Trùng dương ứng với tượng Thái Dương, là lúc hoàn thành một chu kỳ Tứ tượng từ Thiếu Dương, Thái Âm, Thiếu Âm đến Thái Dương. Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm có câu sấm truyền “Cửu cửu càn khôn dĩ định”, cũng là chỉ ngày mồng 9 tháng 9, lúc mà “càn khôn” âm dương đã đi hết một vòng tiêu trưởng. Số 9 trong số đếm Giáp, Ất, Bính... là con số áp cuối trong thập can, trước khi chuyển sang một nấc bậc mới.

Mô hình Tứ tượng được hình tượng hóa thành bốn con vật thiêng là Long, Ly, Quy, Phụng, hay là Tứ linh thú trong phong thủy là Thanh Long, Bạch Hổ, Chu Tước, Huyền Vũ. Đồ hình Tứ linh gặp phổ biến trên các gương đồng cổ bắt đầu thời Tây Hán. Những chiếc gương này cũng thường được tìm thấy trong các mộ cổ xây gạch, gọi là mộ dạng Hán, gặp ở nhiều nơi ở nước ta như Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Quảng Ninh...

Gương Tứ linh thời Hán thường có đúc chữ 12 địa chi Tý, Sửu, Dần, Mão... ở trong hình vuông tại trung tâm. Vòng ở giữa thể hiện 4 linh thú và các thụy thú khác. Ở vòng ngoài có dòng chữ là một bài thơ có vần. Thường gặp trong bài thơ có đoạn mô tả bố cục quy củ của chiếc gương là: “Rồng trái Hổ phải xua tan điều xấu. Chu Điểu, Huyền Vũ điều hòa âm dương”.

Thái Dương là vị trí Âm tiêu đến cùng cực, là số không và bắt đầu đi lên. Chính sự quay đầu của khí âm, bắt đầu cho chu trình Âm Dương tiêu trưởng, mới khiến cổ nhân chọn con Quy (Rùa) làm đại biểu cho tượng Thái Dương. Quy có nghĩa là quay về, cũng là từ phát âm gần với Quay trong tiếng Việt, nghĩa là điểm quay đầu, thay đổi trong sự phát triển.

Gương có Tứ linh điều hòa âm dương, xua dữ cầu lành còn có những dòng cầu chúc với nội dung cầu phúc cho con cháu, cầu thọ cho song thân, cầu mưa thuận gió hòa, ngũ cốc được mùa, cầu quan vị tôn hiển, nghi đạt. Còn có sự tích rằng Tần Thủy Hoàng sau khi thống nhất Trung Hoa đã tổ chức hoạt động cúng tế chúc mừng mùa màng bội thu vào tháng 9 âm lịch hằng năm trên khắp cả nước. Ngày Trùng dương cũng là ngày mùa màng cho thu hoạch, kết thúc một vòng tuần hoàn sinh trưởng của cây cỏ thiên nhiên trong năm.

Trên những chiếc gương đồng trong mộ Hán thường gặp bài minh tả cảnh như sau: “Trên có tiên nhân không biết tuổi. Khát uống suối ngọc, đói ăn táo. Quanh trên núi thiêng hái dược thảo. Ngao du thiên hạ khắp bốn biển. Thọ như đá vàng, nên thiên đạo”.

Thật bất ngờ khi nhận ra rằng những bài thơ trên đồng kính thời Hán lại như đang mô tả cảnh ngày Tết trùng dương, lên núi gặp lão tiên trường thọ, ăn uống thanh khiết, thưởng hoa hái thuốc. Ngày Trùng dương như vậy theo quan niệm của đạo Thần Tiên thời Hán là ngày có thể “đắc thiên đạo”, trở thành trường sinh bất tri lão. Tục ăn bánh “cao” ngày Trùng cửu giống như chuyện tiên nhân ăn táo. Tục uống rượu hoa cúc cũng như uống nước suối ngọc.

Cảnh săn thú trong núi trên gương đồng hình hoa cúc thời Đường.
Cảnh săn thú trong núi trên gương đồng hình hoa cúc thời Đường.
Một chiếc Tứ linh kính tìm thấy ở Bắc Việt.
Một chiếc Tứ linh kính tìm thấy ở Bắc Việt.
Gạch xây mộ thời Hán tìm thấy ở chân núi Yên Tử.
Gạch xây mộ thời Hán tìm thấy ở chân núi Yên Tử.

2. Một tục khác vào ngày Tết Trùng Cửu là tục cài lá Thù du hay còn gọi là Châu du. Cài lá Thù du là một phong tục có từ thời Đường, mọi người nhất là trẻ em và phụ nữ thường giắt lá vào người hay cho vào trong những túi vải để trừ tà. Trái cây Thù du là một vị thuốc vô cùng tốt có thể khử hàn độc, ôn nhiệt. Có thể thấy việc cài lá Thù du tương tự việc tiên nhân bồi hồi ngao du đi tìm “chi thảo” như được mô tả trên gương đồng cổ.

Trong kinh điển Đạo Giáo có chuyện Tần Thủy Hoàng nhiều lần đi ra bờ biển Đông gặp đạo sĩ Yên Kỳ Sinh bên đình Phụ Hương hỏi cách trường sinh bất lão. Di tích nay còn là núi Yên Tử ở Quảng Ninh nước ta, tương truyền là nơi Thiên Tuế Ông Yên Kỳ Sinh đi hái cây thuốc Thạch xương bồ, mọc trên các khe đá ở vùng núi cao. Gần đây, các nhà khảo cổ cũng đã phát hiện tại di chỉ Thiên Long Uyển ở xã Yên Đức, thị xã Đông Triều một bãi cột gỗ, có niên đại được xác định vào thế kỷ thứ III, IV trước Công nguyên. Đây là bằng chứng trực tiếp cho một kiến trúc đình đài dựng bằng gỗ tại khu vực Quảng Ninh bên bờ biển Đông vào thời Tần.

Sách “Phong Thổ Ký” chép: “Đời Hán vua Văn Đế cho dựng một đài cao 30 trượng ở trong cung, mỗi năm đến ngày mồng 9 tháng 9, nhà vua cùng vương hậu, vương tử, cung phi đem nhau lên đài ở cho qua hết ngày ấy”. Vương hậu của Văn Đế là Đậu hoàng hậu, một người theo chủ trương Vô vi của đạo Giáo. Đậu hoàng hậu sau trở thành Thái hậu rồi Thái hoàng thái hậu, nắm quyền nhiếp chính trong các đời Cảnh Đế và Vũ Đế tiếp theo. Đây là lý giải cho sự tích vua Văn Đế xây đài lên cao vào ngày Trùng dương, gắn với tư tưởng thăng tiên của Đạo Giáo. Phí Trường Phòng cũng là một tiên nhân thời Hán. Có thể thấy sự tích ngày Trùng dương lên cao gặp tiên đều bắt nguồn từ thời Tây Hán, tương đương với niên đại của những chiếc gương Tứ linh ở trên.

Cần nói thêm rằng nhà Tây Hán có các vị vua đều mang hiệu là Hiếu, như Hiếu Văn Đế, Hiếu Cảnh Đế, Hiếu Vũ Đế... như được ghi trong “Sử ký Tư Mã Thiên”. Nên chính xác phải gọi đây là nhà Hiếu, một triều đại của người Bách Việt. Nhà Hiếu do Cao Tổ là Lưu Bang, một người Việt chính cống sáng lập, cùng với các công thần lập quốc như Hàn Tín, Mai Thừa, Anh Bố, Văn Ông, Tiêu Hà, Tào Tham đều đã được ghi nhận trong “Bách Việt tiên hiền chí” của sử gia Âu Đại Nhậm thời Minh.

3. Truyền thuyết về nguồn gốc ngày Trùng cửu với vị tiên Phí Trường Phòng còn tương đồng với một sự tích cùng nhân vật ở Thanh Hóa nước ta. Ở động Hồ Công thuộc huyện Vĩnh Lộc, tương truyền xưa kia có một ông già vai đeo quả bầu nhỏ thường ra chợ bán thuốc chữa bệnh, tối đến ông lại về động, thu mình chui vào quả bầu để ngủ. Có người là Phí Trường Phòng thấy lạ mà hỏi. Hồ Công liền hóa phép cho anh ta chui vào trong quả bầu thì thấy trong đó có đủ trời, đất, trăng sao, nhà cửa... Sau này Phí Trường Phòng cũng đắc đạo thành tiên. Hai thầy trò ở trong động đá trên dãy núi Xuân Đài rồi đi vào bất tử, để lại hình hài hóa thành hai pho tượng đá trong động Hồ Công ngày nay.

Quan niệm thành tiên thời kỳ đầu Công nguyên được Cát Hồng, một đạo sĩ đời Tấn đề cập. Cát Hồng có hiệu là Bão Phác Tử, từng làm quan lệnh ở huyện Câu Lậu, thuộc miền Bắc nước ta. Về sau ông tìm cầu thuật trường sinh bất tử, hết sức đề xướng thần tiên Đạo giáo. Trong cuốn “Bão phác tử luận tiên”, Cát Hồng đã dẫn sách “Tiên kinh” cho biết tiên nhân được chia thành ba thứ bậc: “Người bậc trên bay thân hình lên trời là Thiên tiên. Người bậc giữa lên núi cao du ngoạn là Địa tiên. Người bậc dưới sau khi chết thoát xác gọi là Giải tiên”. Như thế, việc đăng cao lên núi là một trong những cách để thành tiên trong quan niệm thời này. Còn việc thoát xác thành tiên được thể hiện qua các đồ tùy táng như các gương đồng hay vải liệm lụa có vẽ tranh trong các ngôi mộ Hán.

Những chiếc gương đồng trong mộ cổ thời Hán không chỉ là đồ dùng bồi táng theo người đã mất mà nó có ý nghĩa là giúp cho người chết trong quá trình thoát khỏi thân xác phàm tục mà thăng tiên. Trong các nghi lễ cúng xưa của người Việt các thầy phù thủy cũng từng dùng gương đồng như một pháp cụ hành lễ. Vì vậy, các họa tiết biểu tượng và minh văn trên gương đồng cổ thể hiện tư tưởng tín ngưỡng và tâm linh của con người đương thời.

Trong sự tích Việt cũng có truyền thuyết lên núi gặp tiên được phúc như thần tích về Tản Viên Sơn Thánh. Hai anh em ông Nguyễn Cao Hành một hôm đi săn lên núi Thu Tinh, gặp một Lão ông mang theo một bầu rượu và một cái la bàn. Hai anh em xin Lão ông chọn cho một huyệt mộ để táng hài cốt của thân phụ, nhờ đó sinh được các bậc tiên thánh là ba vị Nguyễn Tuấn, Cao Sơn và Quý Minh. Nguyễn Tuấn trở thành Tản Viên Sơn Thánh, vị thần bất tử đứng đầu linh thần Việt. Cao Sơn và Quý Minh là hai vị Tả hữu kiên thần, có công chống giặc Thục, yên định giang sơn. Khi hai vị Cao Sơn và Quý Minh hóa, cũng lại quay về núi Thu Tinh mà thăng thiên.

Truyền thuyết táng mộ ở núi Thu Tinh cũng giống như quan niệm ngày Trùng cửu lên núi gặp tiên, uống rượu hoa cúc. Lão ông ở núi Thu Tinh cầm bầu rượu và cái la bàn, không khác gì là cầm một chiếc gương phong thủy. Mục đích là tìm cầu sinh con quý tử và thọ lão, thành tiên lúc quay về trời.

Cuối cùng xin lấy bài thơ của lão tiên nhân đã ngâm đọc trên núi Thu Tinh để kết thúc bài viết về ngày tết Trùng cửu của người Việt: “Từ đế vương cùng muôn triệu dân. Quay về sẽ phải tụ tinh thần. Sự truyền khó luận chân hay ảo. Nhớ tên núi đó, lẽ như chân”.

Bài và ảnh MINH THI
TIN LIÊN QUAN

Tại sao ngày Tết cổ truyền còn được gọi là xuân Di Lặc?

Huân Cao - Nam Hiệp |

Ngày Tết cổ truyền của dân tộc còn được gọi là Xuân Di Lặc. Vậy tại sao mùa xuân trong đạo Phật được gọi là Xuân Di Lặc và Xuân Di Lặc có mặt tại Việt Nam từ khi nào?

Độc đáo các món ăn trên mâm cỗ Tết cổ truyền ở miền Bắc

Hải Minh |

Với mâm cỗ Tết ở miền Bắc, việc trình bày rất được coi trọng và các món ăn đều được bày biện khéo léo, đẹp mắt.

TPHCM: Không khí Tết cổ truyền tràn ngập trong Lễ hội Tết Việt 2021

DI PY |

Lễ hội Tết Việt 2021 diễn ra tại công viên Lê Văn Tám, TPHCM với nhiều hoạt động truyền thống, mang đậm không khí Tết cổ truyền. Lễ hội Tết Việt 2021 năm nay, ban tổ chức kì vọng đón 70.000 lượt khách đến tham quan và mua sắm.

Độc đáo hoa mai đỏ giá mềm, hút khách chơi Tết Nguyên đán

Việt Anh - Linh Trang |

Dịp Tết Nguyên Đán năm nay, cây mai đỏ xuất hiện nhiều tại các chợ hoa Hà Nội. Với mức giá khá mềm, thế cây nhỏ độc lạ, mai đỏ trở thành lựa chọn của nhiều người chơi cây cảnh Tết.

Chênh lệch sốc giữa tài sản 1% người giàu nhất thế giới và 99% còn lại

Song Minh |

1% người giàu nhất thế giới đã trở nên giàu có hơn rất nhiều, nhanh hơn rất nhiều so với 99% phần còn lại của thế giới.

Apple đang ấp ủ gì với dòng Mac Pro mới?

Anh Vũ |

Đã bước sang năm thứ tư kể từ lần cuối cùng Apple tung ra máy tính Mac Pro, mẫu máy tính mãnh mẽ nhất mà hãng có thể sản xuất. Vậy điều gì đang diễn ra với Mac Pro, và liệu nó có được làm mới vào năm 2023 hay không?

Điều gì khiến lăng mộ Nefetari được mệnh danh là ngôi mộ đẹp nhất Ai Cập

Yến Nhi |

Được mệnh danh là "ngôi mộ đẹp nhất Ai Cập", lăng mộ cổ của nữ hoàng Nefetari không chỉ có kiến trúc xa hoa mà còn chứa đựng một câu chuyện hấp dẫn.

Tiền vệ Hùng Dũng: Tôi buồn vì không thể tặng quà thầy Park Hang-seo

AN NGUYÊN |

Tiền vệ Hùng Dũng và các đồng đội tuyển Việt Nam bày tỏ sự tiếc nuối khi không thể mang về món quà ý ở giải đấu cuối cùng của huấn luyện viên Park Hang-seo.

Tại sao ngày Tết cổ truyền còn được gọi là xuân Di Lặc?

Huân Cao - Nam Hiệp |

Ngày Tết cổ truyền của dân tộc còn được gọi là Xuân Di Lặc. Vậy tại sao mùa xuân trong đạo Phật được gọi là Xuân Di Lặc và Xuân Di Lặc có mặt tại Việt Nam từ khi nào?

Độc đáo các món ăn trên mâm cỗ Tết cổ truyền ở miền Bắc

Hải Minh |

Với mâm cỗ Tết ở miền Bắc, việc trình bày rất được coi trọng và các món ăn đều được bày biện khéo léo, đẹp mắt.

TPHCM: Không khí Tết cổ truyền tràn ngập trong Lễ hội Tết Việt 2021

DI PY |

Lễ hội Tết Việt 2021 diễn ra tại công viên Lê Văn Tám, TPHCM với nhiều hoạt động truyền thống, mang đậm không khí Tết cổ truyền. Lễ hội Tết Việt 2021 năm nay, ban tổ chức kì vọng đón 70.000 lượt khách đến tham quan và mua sắm.