Truyện ngắn dự thi: Thưởng Tết

Vũ Thị Huyền Trang |

Năm nào cũng vậy, chưa đến đầu tháng chạp là Thương đã hỏi chồng câu ấy. Cũng phải, bao nhiêu khoản nợ nần, chi tiêu trông chờ cả vào lương thưởng. Chưa kể năm nay làm ăn buôn bán khó khăn. Thời buổi lạm phát vào tận mâm cơm từng gia đình nên việc chạy chợ của Thương có nhiều khi còn phải bù lỗ.

Hào nhai miếng lườn gà trong mồm chả khác nào nhai rơm. Đúng là bán cái gì ăn cái đấy. Cả năm ăn thịt gà ế ngán đến mức chỉ nhìn thấy con gà chạy qua trước mặt có khi Hào cũng thấy rùng mình. Giờ nhắc đến lương thưởng cổ họng càng khó nuốt. Hào buông đũa thở dài bảo:

- Đã chắc gì có thưởng mà còn tính đến chuyện ít, nhiều.

- Ờ thì công ty nào mà chẳng có thưởng Tết.

- Em cứ mải cắm mặt vào mấy mẹt thịt gà nên không có thời gian đọc tin tức đấy thôi. Em lên mạng mà xem năm nay biết bao nhiêu công nhân còn mất việc trước Tết cả mấy tháng kia kìa. Còn có công ăn việc làm là may rồi, ngồi đấy mà mong với ngóng. Tốt nhất là không kỳ vọng thì sẽ không thất vọng.

Nhìn theo dáng chồng mệt mỏi đứng dậy đi ra phía đầu hè, Thương lùa nốt miếng cơm vào miệng, lẩm bẩm bảo: “Ừ thì cũng phải có tí thưởng Tết chứ nhỉ?”. Chị ngửa cổ nhìn lên mái nhà khẽ thở dài ngao ngán. Những tấm fibro xi măng đã cũ, thấm dột, gãy vỡ tứ tung. Tường nhà từ thời bố mẹ chồng để lại vẫn chưa sơn sửa gì, chỉ một màu xám xịt. Những tấm cửa gỗ mối mọt ăn bung cả bản lề. Đã mấy lần vợ chồng Thương tính lợp lại mái tôn nhưng khổ nỗi đồng lương công nhân của Hào eo hẹp mà đủ thứ chi tiêu. Thương chợ búa thì buổi được buổi không. Đấy là chưa kể khoản nợ ngân hàng vay chăn nuôi thua lỗ, vay xây mồ mả, vay xoay xở lúc ốm đau vẫn chưa trả hết. Thành ra việc sửa nhà cứ khất lần nữa mãi. Đêm đến giật mình trở giấc nghe tiếng mọt kêu đâu đó trong nhà Thương lại luồn ngón tay ra khỏi chăn tính nhẩm. Cái thói quen ấy chị học từ mẹ, mẹ học từ bà...

Hào pha ấm nước chè đặc, nhâm nhi cái vị đắng ngấm dần ngọt loang trong vòm họng. Vớ bao thuốc lá định hút nghĩ ngợi thế nào anh lại vứt xuống bàn. Thật ra Hào bỏ thuốc đã lâu, nhưng mấy đêm trước nằm trằn trọc mãi không ngủ được, ngồi một mình cũng chán thành ra buồn mồm hút lại. Cũng không phải tự dưng mất ngủ. Cũng chỉ tại cả nửa tháng nhà máy thiếu người, nên anh phải tăng cường làm ca đêm, thức mãi thành quen. Ban ngày lúc đi làm thì vật vờ thèm ngủ. Nên cả ngày cứ như người không hồn vậy. Mất ngủ thì thường hay nghĩ vẩn vơ. Cuộc sống ngày càng khó khăn rồi vài năm sau khi tuổi ngoài bốn mươi, sức khỏe yếu, nhà máy mà cho nghỉ việc thì chẳng biết làm gì mà sống. Ruộng vườn không có. Buôn bán thì cũng không có vốn lẫn nghề. Mà mấy năm nay hàng quán xung quanh mở ra đều hoạt động cầm chừng. Chỉ thấy mỗi hiệu thuốc là lúc nào cũng đông khách. Kể cũng phải, thời tiết miền Bắc những ngày này không ốm mới lạ. Trẻ con người lớn cứ lay lắt ốm. Tiền thuốc của hai đứa nhỏ ngốn hết nửa tháng lương của Hào là chuyện bình thường. Chưa kể tiền học hành mỗi đứa cũng gần chục triệu đồng. Tiền ăn bán trú hàng tháng, tiền sữa, tiền học thêm môn này môn khác.

Thương lôi bọc tiền còn dính cả thịt vụn ra tính toán trên sổ sách. “Chết cha! Lại lỗ. Đi buôn thế này thà nghỉ mẹ cho xong”. Quẳng cuốn sổ nhàu nhĩ vào một góc, Thương thở dài nhìn mấy cái thiệp mời cưới để trên nóc tủ. Cỗ bàn lai rai từ tháng mười vẫn chưa thấy vãn. Hết cỗ cưới, đến đám ma, đám đổi mả, mừng nhà mới, giỗ đầu giỗ hết, sinh nhật, liên hoan con đi nước ngoài... Giá thực phẩm tăng thì phong bì cũng phải tăng theo. Nhẹ nhàng hàng xóm ba trăm, anh em thân thiết thì năm trăm, một triệu. Trong khi đồng lương thì ngày một hẻo đi. Công việc càng ngày càng vất vả hơn, người Hào cứ đen nhẻm, gầy rộc đi trông thấy. Không gầy mới lạ, Hào làm việc ở lò tần sôi nóng đến rạc người. Điều hòa cũng hỏng suốt, nhà máy tiếc tiền không thay mới cứ gọi hết thợ này đến thợ khác sửa cả tuần không xong. Máy móc còn chẳng chịu nổi huống hồ là con người. Đã vậy để tiết kiệm chi phí, các sếp mua vỏ điều về đốt thay than. Lớp sôi trong lò không ổn định nên thỉnh thoảng lại gặp phải sự cố. Xỉ than đóng két lại, lò không hoạt động được phải dừng. Anh em công nhân lại phải thay nhau xuống đào xỉ xúc bỏ ra ngoài. Xỉ đóng bánh lại nhiều khi xúc muốn bung lồng ngực. Đến bữa nhìn suất cơm công nhân với mấy miếng cá biển kho trắng ởn tanh ngòm mà không nuốt nổi. Đã mấy lần Hào tính xin nghỉ kiếm một việc gì khác để làm nhưng lần nào Thương cũng chẹp miệng bảo: “Làm ở đâu mà không đổ mồ hôi sôi nước mắt anh ơi...”.

- Bố ơi! Hôm nào lấy lương bố cho hai chị em con đi ăn phở bò nhé.

- Cả đi chơi nhà bóng nữa bố ạ.

- Có lương còn trả nốt tiền sửa xe cho người ta kìa. Tiền học của bé Na cũng chưa đóng đồng nào.

- Thôi được rồi. Có lương sẽ đóng tiền học, trả tiền xe. Bố cũng sẽ đưa hai chị em đi chơi rồi ăn phở. Cứ ngoan là cái gì cũng có.

Đi làm vất vả là thế nhưng mỗi lần nghe con hỏi “bao giờ bố có lương?” là Hào lại thấy có thêm động lực. Hôm nào lương về cả nhà đều vui. Dù niềm vui ấy chẳng được mấy ngày. Bé Na nhảy cẫng lên, bắc ghế lấy từ trong ngăn tủ con lợn nhựa màu hồng, thủ thỉ: “Bố ơi, lợn con đói lắm rồi. Bố cho lợn xin vài vốc cám”. Hào ưỡn ngực, rút một tờ xanh lét định đút vào lợn thì bị Thương giật lại. “Lợn này không cần phải ăn cám tăng trọng thế. Cám thường là được rồi. Còn bao khoản phải chi tiêu.” Lũ trẻ tiu nghỉu khi thấy mẹ thay bằng tờ đo đỏ. Có lương mấy bố con thồ nhau trên chiếc xe máy cũ kêu bành bạch, lượn ra quán tạp hóa đầu ngõ để tụi nhỏ thích chọn gì thì chọn. Có lương cái bếp nướng được lôi ra từ gậm giường. Tối ấy cả nhà tắm giặt thơm tho, trải chiếu ra giữa sân ngồi ăn nướng. Tụi nhỏ tuy không ăn uống gì nhiều nhưng luôn phấn khích. Ngày 20 hàng tháng, lương về, đã trở thành cái mốc để mong ngóng, mừng vui. Nhưng mấy tháng nay nhà máy không bán được hàng, lương công nhân cắt giảm. Nhiều anh em công nhân trẻ tuổi đã xin nghỉ việc để tìm kiếm những cơ hội tốt hơn. Hào đã gần bốn mươi, giờ đi xin việc trong khu công nghiệp rất khó. Họ ưa tuyển công nhân thời vụ, trẻ khỏe hơn. Nghĩ đi nghĩ lại thôi thì cứ gắn bó với nhà máy trong lúc khó khăn này. Rồi mọi chuyện sẽ ổn thôi, Hào luôn tự động viên mình như vậy những lúc mệt nhoài.

- Năm nay em định ăn đụng lợn nhà ai?

- Thôi, tốt nhất là ra chợ, ăn miếng nào mua miếng ấy. Nhà mình về hai bên nội ngoại nên có ăn uống là bao. Hơn nữa, năm nay khó khăn mình thắt chặt chi tiêu. Thứ gì cần thì mua, mà cũng chỉ mua vừa đủ. Tránh lãng phí.

- Khó khăn thì khó khăn, nhưng em xem cân đối thế nào biếu ông bà nội ngoại vài đồng. Cả năm có cái Tết.

Thương thở dài, cũng chưa biết co kéo làm sao cho chu đáo, vẹn toàn. Nợ cần phải trả. Nhà cần phải sửa. Bố mẹ hai bên cũng đã già yếu, lương không có, chi tiêu trông chờ vào mấy sào rau và chăn nuôi bập bõm. Có đêm nằm ngó vầng trăng qua cửa sổ Hào từng hỏi nếu như giàu chúng mình sẽ làm gì? Thì xây nhà mới rộng rãi khang trang. Đầu tư cho tụi nhỏ học hành tốt hơn. Nếu giàu em sẽ mở một cửa hàng thực phẩm sạch nho nhỏ, khỏi phải bê mẹt thịt gà tranh nhau chỗ ngồi chợ quê. Nếu giàu sẽ làm cho bố mẹ hai bên cái sổ tiết kiệm để an tâm tuổi già. Nếu giàu... à mà nếu giàu chắc anh không còn làm công nhân nữa. Em yên tâm, đấy chỉ là “nếu như”. Mà “nếu như” thì thường không có thật. Bởi làm công nhân có ai giàu, trừ khi trúng số. À mà anh có nghe ngóng thấy Tết này nhà máy thưởng bao nhiêu không? Kể mà được tháng lương thứ mười ba thì tươm lắm nhỉ. Em thề sẽ gọi thợ vào thay ngay mái tôn để đón Tết. Họ làm nhanh lắm, chỉ vài ngày là xong. Thiếu thì bán nốt hai chỉ vàng cưới. Bậy nào! Vàng để đó còn phòng lúc cha mẹ, con cái ốm đau...

Cuối cùng thì Tết cũng đã đến ngấp nghé ngay ngoài cổng. Ngày nào Hào đi làm về cũng thấy ánh nhìn mong ngóng của vợ. Mấy chị em hàng xóm đã í ới nhau đi chợ hoa trên huyện. Đàn bà mà, ngày Tết giàu nghèo gì cũng phải có hoa. Thà bớt đi manh áo mới cho mình hay bớt đi vài khoản chi tiêu khác nhưng cái thú vui đi chợ hoa là không bỏ được. Nhưng Thương cứ lần nữa cố để chờ Hào mang lương thưởng về đi mua sắm một thể. Giũ tấm áo khét lẹt mùi mồ hôi, than bụi, Hào moi ra xấp tiền lương đưa cho vợ. Xoèn xoẹt! Xoèn xoẹt, nhanh đáo để, đúng là dân chạy chợ đếm tiền.

- Nhưng sao chỉ có từng này?

- Thì công ty không bán được hàng lương giảm hơn một chút chứ sao.

- Thế còn thưởng Tết đâu? Hôm nay hai sáu Tết rồi, mọi năm tầm này đã được cầm thưởng Tết đi sắm sửa.

Hào hất mặt về phía chiếc xe máy dựng ngoài sân. Sau yên xe là một thùng carton in logo nhà máy gạch men nơi chồng làm việc.

- Gì vậy?

- Thì thưởng Tết chứ gì.

- Đừng nói là năm nay nhà máy anh thưởng gạch men cho công nhân ăn Tết nhé.

Thương vội chạy ra xe tháo thùng carton đặt xuống sân. Khi chị mở ra thì thấy một bức tranh gạch hình hoa cúc được xếp trên cùng. Hào cười bảo:

- Đây là sản phẩm mới nhất của nhà máy đấy vợ ạ. Tranh gạch 3D tứ quý: tùng, cúc, trúc, mai. Em nhìn này nước men đẹp thôi rồi!

Thương chưng hửng, thở dài. Chị nhìn quanh nhà không biết nên treo tranh gạch ở đâu trong căn nhà dột nát. Trên những bức tường không vôi ve, xám xịt ấy là đủ thứ bụi bẩn, rêu mốc, những nét vẽ nguệch ngoặc của trẻ con. Tiện chỗ nào Hào cũng đóng đinh để treo đồ đạc linh tinh. Bộ tranh gạch bóng loáng kia đúng là chẳng biết treo đâu cho bớt phần lạc lõng. Quan trọng là không có tiền thưởng Tết thì Thương tha thiết gì gạch với tranh. Hào quay sang động viên vợ:

- Anh cũng biết ngắm tranh thì chẳng no cái bụng. Nhưng có còn hơn không em ạ. Khó khăn chung biết làm sao được.

- Nhưng thà cho gạch lát nền còn hữu dụng hơn.

- Ấy! Anh quên chưa nói. Sếp bảo sẽ hỗ trợ anh em công nhân nào xây sửa nhà lấy sản phẩm của nhà máy với giá tốt nhất đấy. Ai khó khăn còn được nợ tiền trừ dần vào lương mỗi tháng.

- Tiền đâu mà nói chuyện sửa nhà?

- Em phải lạc quan lên chứ nhỉ. Biết đâu sang năm thuận lợi hơn, nhà máy nhiều đơn hàng lại tăng lương cho anh em công nhân thì sao.

Thương ngồi bệt xuống hè ngó nắng lấp lánh ngoài hàng rào. Ừ thì... phải lạc quan chứ. Đời công nhân đã nghèo mà còn không lạc quan thì biết sống sao. Thương bảo chồng cất bộ tranh tứ quý vào kho, chừng nào nhà cửa khang trang hơn thì mang ra treo cho đẹp. Hàng xóm gọi với sang rủ Hào đi tát cá đồng ăn Tết. Người đàn bà đầu năm bán muối, cuối năm lại qua ngõ rao vôi. Thương vẫy tay gọi với: “bán em một túi vôi”. Vôi này để quét lại hàng rào, cổng ngõ xoá sạch những điều không may mắn, xui xẻo trong năm cũ, đón chào một năm mới bình an. Chị hàng xóm phanh xe gấp ngoài cổng ới vào: “Đi chợ hoa thôi Thương ơi. Nhanh không còn toàn hoa xấu”. Ừ thì... phải đi mua hoa chứ. Tết mà không có hoa thì gọi gì là Tết. Hào đứng nhìn theo dáng vợ khuất dần, anh bê thùng quà thưởng Tết của công ty đi cất...

Vũ Thị Huyền Trang
TIN LIÊN QUAN

Truyện ngắn dự thi: Về lại mỏ

Ý Thu |

Doanh bực dọc đứng dậy, quăng điếu thuốc đang hút dở xuống sông. Hắn lững thững đi dọc boong tàu, nhạt miệng, nhổ vu vơ xuống dòng nước đục lờ lờ chảy phía dưới. Thế là đi tong gần tuần chẳng được gì. Về thì dở, ở cũng không xong. Tính ra như mấy tháng trước, làm ngon. Tháng này, đen đủi quá.

Truyện ngắn dự thi: Chiều ngược

NGUYỄN XUÂN VINH |

Ngày nghỉ, Vân tìm vào Nhà máy Xử lý rác thải Việt Ân. Trước mắt Vân là những đống rác cao ngất, bốc mùi hôi thối, ruồi nhặng bu đen. Những con chuột béo mầm, rúc rích đuổi nhau. Hàng ngày tiếp xúc với rác, với những phế thải mà trước cảnh ấy, cô cũng không khỏi rùng mình. Bằng điện thoại, Vân chụp lại những hình ảnh mà cô vừa gặp.

Truyện ngắn dự thi: Giá trị ảo

Châu Hoài Thanh |

Ở trong phân xưởng may, Thoảng là một công nhân thuộc loại điển hình. Một tay máy giỏi cừ khôi và chăm chỉ. Dù mùa nắng hay mùa mưa, dù hàng nhiều hay ít. Trăm ngày như một, mười ngày như chục, Thoảng đều đến xưởng mà chưa nghỉ ngày nào. Những công đoạn may khó, đòi hỏi tính tỉ mẫn luôn được giao cho Thoảng. Thoảng trở thành tấm gương để tổ trưởng Hiếu luôn nhắc đến mỗi khi ai đó may hàng cẩu thả hay chây lười. Vậy mà hôm nay không ai thấy Thoảng ngồi ở bàn máy của mình. Đúng là chuyện lạ!

Không khí lạnh rất mạnh sắp tăng cường xuống miền Bắc gây rét sâu kéo dài

AN AN |

Cơ quan khí tượng cho biết khoảng sáng 19.12, một bộ phận không khí lạnh mạnh tăng cường sẽ ảnh hưởng đến Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ.

Tận thấy những bữa ăn xơ xác tại trường bán trú bị tố "11 cháu ăn 2 gói mì chan cơm"

Long Nguyễn - Bảo Nguyên |

Lào Cai - Dù trên bảng thực đơn và công khai tài chính có ghi rõ, 174 học sinh bán trú được hưởng chế độ ăn sáng mỗi em 1 gói mì tôm và 1 quả trứng, thế nhưng thực tế nhà trường chỉ cho 11 em ăn chung 2 gói mì.

Xác định nguyên nhân vụ tai nạn liên hoàn khiến Quốc lộ 6 ùn tắc hoàn toàn

Minh Nguyễn |

Hoà Bình - Ngày 18.12, cơ quan chức năng bước đầu xác định nguyên nhân vụ tai nạn liên hoàn trên Quốc lộ 6 khiến giao thông ùn tắc hoàn toàn trong nhiều giờ.

"Voi Bản Đôn" Anh Tú có bạn gái đa tài, chủ nhân loạt ca khúc nổi tiếng

Anh Trang |

LyLy được biết tới là một nhạc sĩ, ca sĩ hoạt động solo trong giới giải trí Việt. Cô được cho là đang hẹn hò với "Voi Bản Đôn" Anh Tú.

Hậu vệ Trần Thị Duyên: "Xin đừng nhớ đến tôi với danh xưng hotgirl bóng đá"

PHẠM ĐÌNH - HOÀNG HUÊ (THỰC HIỆN) |

Trao đổi với Lao Động, hậu vệ Trần Thị Duyên cho biết, cô muốn người hâm mộ theo dõi và ghi nhận tài năng trên sân cỏ, thay vì chú ý tới ngoại hình hay danh xưng "hotgirl" của bóng đá Việt Nam.

Truyện ngắn dự thi: Về lại mỏ

Ý Thu |

Doanh bực dọc đứng dậy, quăng điếu thuốc đang hút dở xuống sông. Hắn lững thững đi dọc boong tàu, nhạt miệng, nhổ vu vơ xuống dòng nước đục lờ lờ chảy phía dưới. Thế là đi tong gần tuần chẳng được gì. Về thì dở, ở cũng không xong. Tính ra như mấy tháng trước, làm ngon. Tháng này, đen đủi quá.

Truyện ngắn dự thi: Chiều ngược

NGUYỄN XUÂN VINH |

Ngày nghỉ, Vân tìm vào Nhà máy Xử lý rác thải Việt Ân. Trước mắt Vân là những đống rác cao ngất, bốc mùi hôi thối, ruồi nhặng bu đen. Những con chuột béo mầm, rúc rích đuổi nhau. Hàng ngày tiếp xúc với rác, với những phế thải mà trước cảnh ấy, cô cũng không khỏi rùng mình. Bằng điện thoại, Vân chụp lại những hình ảnh mà cô vừa gặp.

Truyện ngắn dự thi: Giá trị ảo

Châu Hoài Thanh |

Ở trong phân xưởng may, Thoảng là một công nhân thuộc loại điển hình. Một tay máy giỏi cừ khôi và chăm chỉ. Dù mùa nắng hay mùa mưa, dù hàng nhiều hay ít. Trăm ngày như một, mười ngày như chục, Thoảng đều đến xưởng mà chưa nghỉ ngày nào. Những công đoạn may khó, đòi hỏi tính tỉ mẫn luôn được giao cho Thoảng. Thoảng trở thành tấm gương để tổ trưởng Hiếu luôn nhắc đến mỗi khi ai đó may hàng cẩu thả hay chây lười. Vậy mà hôm nay không ai thấy Thoảng ngồi ở bàn máy của mình. Đúng là chuyện lạ!