Truyện ngắn dự thi: Núi gọi (phần 2)

Phan Mai Hương |

(...tiếp theo và hết)

4. Lâm Sơn huyện mới được tách ra từ huyện cũ Bắc Sơn, là nơi xa heo hút tận đầu nguồn sông Lớn, nơi con gà gáy một tiếng cả ba tỉnh đều nghe. Lên Lâm Sơn đi bằng đò dọc ngược sông thì nhàn nhã nhưng tốn tiền lắm, Xim thường cuốc bộ theo con đường quanh co sườn núi, mất ngót ngày đường.

Xim ở Lâm Sơn, thu mình như con chim sợ cành cong. Trụ sở các cơ quan huyện, thương nghiệp, tài chính, thuế, ngân hàng, công an tập trung một chỗ, mọi người quen biết nhau hết. Sân vận động cạnh phòng lương thực, mỗi chiều đàn ông đánh bóng chuyền, đàn bà reo hò cổ vũ. Ở đây, con gái hiếm hoi như kim cương, đàn ông không đẹp và giỏi bằng Thụ. Ở nơi khỉ ho cò gáy xa xôi này Xim vẫn không sao quên được Thụ.
Có tiếng còi toe toe gấp gáp ở đằng sau. Xim nép vào lề cỏ, tay quệt ngang tóc mai bết mồ hôi. Chiếc xe cúp đi ngang qua Xim một đoạn ngắn thì tắt máy và dừng lại. Người đàn ông khoảng gần năm mươi, mặt vuông chữ điền, nước da trắng trẻo, mái tóc đen nhánh. Dáng hơi béo đẫy hồng hào của người no đủ, ông ta ngồi chống chân bệ vệ trên chiếc xe gắn máy Nhật loại kim vàng giọt lệ, nom như con gấu làm xiếc.
Ông ấy đợi ai nhỉ, Xim ngoái nhìn ra sau, chỉ có những tảng đá đứng ngồi im lìm. Đợi Xim đến gần, người đàn ông hỏi, cô về trung tâm huyện Lâm Sơn tôi cho đi nhờ? Xim lí nhí đỏ bừng mặt, dạ cháu chào chú, cháu ở phòng lương thực. Tôi là Diên, làm bên phòng tài chính. Xim không quen người này, nhưng được đi nhờ xe là quá mừng, nếu không sẽ phải cuốc bộ gần mười cây số nữa, mà trời đã ngả sang chiều rồi.
Đã thành thói quen, cuối tuần là ông Diên lại sang chở Xim về bản Bậu. Chiều thứ bảy Mế Cậy ngóng ra ngõ mong con gái. Có Xim về nhà cửa ấm áp hẳn lên. Đôi khi, ông Diên ghé uống bát nước lá vang đỏ, chuyện trò dăm câu ba điều. Mế Cậy thấy ông Diên cư xử đúng mực và giữ gìn lễ phép nên rất tin tưởng. Mế chỉ thắc mắc về chuyện yêu đương của Xim. Đi làm nhà nước hai năm rồi mà chả mang đứa trai nào về, mế Cậy sốt ruột lắm, trong bụng như có cục than hồng.
Có một lần, Xim đi ra bờ sông và rất khuya sau mới trở về. Mê Cậy hỏi thì Xim bảo ra miếu thờ cầu xin thần linh phù hộ. Mế Cậy rất muốn biết con gái cầu xin cái gì và nghĩ thằng Thụ lấy vợ rồi, sao con gái không quên nó đi?
Các cơ quan huyện Lâm Sơn xôn xao hết cả lên vì tin đồn ông Diên dan díu với cô Xim chưa chồng, kém ba chục tuổi. Đàn bà bàn tán nhiều nhất nói đàn ông là giống bạc tình, thấy gái trẻ là cuống lên quên hết nhà cửa con cái sự nghiệp. Cơ mà gái trẻ cũng hám tiền, quyền chức lại cứ sán lăn vào, chả ông nào chịu được kiểu mỡ treo mèo nhịn đói.
Đám đàn ông coi đó là chuyện tình tang, có gì nghiêm trọng đâu, lửa gần rơm không bén mới lạ, nhẽ cái ông Diên không biết “con thầy, vợ bạn, gái cơ quan” mà tránh xa ra, phen này thì lửa thiêu sạch sự nghiệp mất thôi.
Trưởng phòng gọi Xim lên hỏi. Xim cúi gằm mặt. Trưởng phòng mở toang hai cánh cửa, lấy thêm hòn đá chèn vào. Xong mới ngồi chĩnh chện sau bàn làm việc giảng giải nhiều lắm, nào là cô còn trẻ lại xinh đẹp, thiếu gì nơi chốn, sao đi quyến rũ người có vợ con? Nước mắt Xim lã chã rơi. Xim không thể nói được là Xim không quyến rũ ai cả.
Xim biết rõ ông Diên có vợ là bà Thắm nhiều hơn sáu tuổi. Xim gặp bà Thắm rồi, về nhan sắc thì bà Thắm thua ông Diên một trời một vực. Ông Diên đẹp trai bao nhiêu thì bà Thắm lại xấu gái bấy nhiêu.
Bà Thắm lùn béo ục ịch, da đen sần sùi, mắt một mí mòng mọng, răng hơi vẩu. Nhan sắc đấy thì từ hồi trẻ bà Thắm khó thuyết phục được đám con trai. Bà Thắm là con gái của ông hiệu trưởng trường học sinh miền Nam, làm thủ quỹ của trường. Cũng vài anh ngấp nghé đánh tiếng vì họ thích ông bố vợ tương lai có tiền và có quyền. Ông hiệu trưởng nhìn rõ gan ruột đám rể hờ lém mồm như Cuội. Cho nên đã sang tuổi băm mà cô Thắm vẫn phòng đơn gối chiếc.
Trường học sinh miền Nam sơ tán về bản Mường Lồ. Khỏi phải kể những cuộc quậy phá tưng bừng, gây gổ với trai bản của học sinh trong trường. Ông hiệu trưởng lấy Diên vào làm thủ kho và quản sinh nội trú. Diên được chọn vì nói năng mực thước từ tốn nhưng cũng rất kiên quyết hòa giải được các cuộc xích mích.
Dần dà, ông hiệu trưởng muốn chọn Diên làm con rể. Ông thuyết phục con gái mọi nhẽ thì Thắm mới đồng ý, ban đầu cô giãy nảy lên ai đời cọc đi tìm trâu? Người cha nói con trâu đấy tốt, mà không cần biết cha mẹ Diên đã nhờ bà mối dạm ngõ cô gái xinh đẹp trong bản, đợi gặt mùa xong làm đám cưới. Ông hiệu trưởng nghĩ cách buộc bằng được con trâu vào cọc.
Xảy ra chuyện động trời, đội thanh niên cờ đỏ bắt quả tang đôi nam nữ khỏa thân ở phòng học sát mé sông. Đèn pin bật sáng soi rõ mặt Diên và Thắm. Có lệnh cấm bàn tán, nhưng mọi người thì thầm sang tai nhau. Người thì cảm thương cô gái rượu của ông hiệu trưởng vật vã khóc lóc, bỏ ăn bỏ uống đau khổ vì mất trinh tiết. Người thì khen anh chàng Diên nhìn hiền lành ngố thế mà khôn đáo để, bây giờ bố con ông hiệu trưởng chỉ có chạy theo.
Ngược lại, Diên bình thản, như thể người ta bàn tán chuyện của ai khác? Vì sự thật Diên không làm gì để mất trinh tiết của cô Thắm. Hiệu trưởng cho người gọi Diên lên gặp riêng, anh nghĩ là sẽ kể lại ngọn ngành mọi chuyện. Chiều tối thứ bảy, cô Thắm gặp Diên ở nhà ăn, nói muốn đối chiếu sổ sách xuất kho, tối lên lớp học để làm việc cho đàng hoàng. Bảy rưỡi tối, Diên xách theo cây đèn dầu đến lớp học. Hai người vừa ngồi xuống ghế thì Thắm hoảng hốt bíu chặt lấy Diên và nói có con sâu róm rơi vào gáy em này. Diên chưa tìm thấy con sâu thì cúc áo ngực của Thắm đã bật tung ra.
Cái đèn dầu tự đổ lăn xuống đất, vỡ tan bóng, dầu chảy tóe, bắn lên quần áo Diên. Đội thanh niên cờ đỏ ập đến bắt Diên ký vào biên bản tội hủ hóa, khi Diên đang bàng hoàng không biết xảy ra chuyện gì? Họ nói cô Thắm là con hiệu trưởng nên nể, tha cho về mà không bắt giam cả đôi vào phòng bảo vệ.
Sau cuộc gặp với ông hiệu trưởng, ruột Diên rối mù lên như đám dây gai guột mọc lằng nhằng trên đồi. Trưa ấy, Diên bỏ ăn ra suối ngồi. Thắm rón rén đến cạnh, lâu sau mới nói, tôi biết anh không yêu tôi đâu, đã thế này rồi thì chúng mình nên làm đám cưới. Cha tôi sẽ lo hết lễ hỏi và cưới theo phong tục Mường. Đám cưới xong anh sẽ được vào biên chế chính thức.
Sau đám cưới, bà Thắm đẻ liền mạch ba cô con gái. Được nết hiền lành và an phận, bà Thắm đảm đương nhà cửa, để ông Diên đi công tác. Học xong kế toán, ông Diên lên trưởng phòng tài vụ. Trường giải thể, ông Diên sang trưởng phòng tài chính, rồi Phó Chủ tịch huyện Lâm Sơn.

5. Hỏi Xim có yêu ông Diên không, thì Xim khó nói lắm! Ông Diên hiền hậu, chu đáo, chăm sóc Xim tận tình, Xim tôn trọng coi như bậc cha chú. Quãng đường về bản Bậu mỗi cuối tuần quá xa, ông Diên cứ rủ rỉ kể hết chuyện nhà cửa con cái, chuyện vợ chồng không yêu nhau. Xim nghe, cũng thấy chút thương cảm.
Thế rồi, chuyện gì đến phải đến. Hôm đấy mưa to, lúc qua ngang ngầm suối Trì, nước lũ về đột ngột dâng cao gần ngập bánh xe. Xim hơi sợ nên bảo ông Diên tự đi xe máy một mình qua ngầm, còn Xim sẽ lội qua. Bất ngờ, đạp phải rêu trơn Xim trượt chân văng ủm xuống ngầm. Ông Diên hoảng hốt lao theo túm Xim lại. Ông Diên không biết Xim bơi như rái cá, chết đuối làm sao được?
Cuối cùng Xim lại là người lôi ông Diên lên bờ một cách vất vả. Họ vào cái mái đá trú mưa, ông Diên nhóm lên một đống lửa nhỏ. Quần áo ướt dính chặt vào người, đôi má hồng lên bắt hơi lửa, nom Xim quyến rũ như một bông lúa ngậm đòng. Khi ông Diên choàng cánh tay mạnh mẽ qua vai Xim thì đống củi lửa đã hơi lụi nhưng mớ than còn hồng rực. Nụ hôn ông Diên đặt lên môi Xim còn nóng hơn cả hòn than đỏ. Hôm ấy, tối mịt họ mới về đến bản Bậu. Mế Cậy ngồi đợi cơm canh nguội ngắt.
Tính đến buổi chiều mưa lũ ấy, Xim đã quá tháng hành kinh được sáu tuần rồi. Nếu Xim không nói ra, thì không ai biết. Còn ông Diên lại càng không bao giờ được biết. Chiều thứ bảy, gấp quần áo nhét hết vào tay nải, Xim dự định sẽ về bản Bậu. Mẹ sẽ buồn vì mong đám cưới con gái đã quá lâu? Mẹ sẽ hỏi đống chăn gối đã thêu dệt xong bấy lâu nay để làm gì? Mẹ vẫn giữ nếp con gái Mường kéo sợi dệt vải, khi rảnh rỗi may chăn thêu gối, dành ngày cưới mang theo về nhà chồng tặng người già.
Từ hồi Xim biết cầm kim xâu chỉ, mẹ đã dành ra mảnh nương để Xim tự trồng bông. Bây giờ thì mẹ con bà cháu Xim sẽ dùng hết đống chăn gối kia, như thế chẳng vui sao? Xim đã không cần có cha thì con trai Xim cũng thế!
Xim đinh ninh đứa bé là trai, nếu là con gái thì Xim cũng vẫn chờ đón. Bởi đó là con của Xim, như con của thần Sông và thần Núi. Xim sẽ trồng ngô trên bãi sông nuôi lợn chăn gà, nuôi con khôn lớn. Thần Núi Mào Gà sẽ che chở cho mẹ con Xim và dòng sông xanh biếc sẽ gột rửa sạch sẽ mọi toan tính, lo âu của lòng người.
Cuộc đời Xim đã không có Thụ, thì Xim cũng chẳng cần phải có đàn ông. Người quen sống ở núi thì sẽ tựa vào núi mà sống mạnh mẽ như núi. Sau khi suy nghĩ được rành rẽ, Xim thấy lòng nhẹ nhàng, Xim chỉ mong chóng về bản Bậu.
Như thường lệ, chiều thứ Bảy, ông Diên sang đón Xim về. Ngồi rất lâu đợi Xim sắp xếp quần áo, ông Diên không giục giã. Thậm chí, ông Diên hài lòng vì thấy Xim chuẩn bị như để đi xa. Nét mặt ông Diên thư thái tận hưởng như thể trong lòng đã làm xong việc khó như lên trời.
Ông ân cần đỡ Xim ngồi lên xe, âu yếm hỏi ngồi chắc chắn chưa, rồi nổ máy. Chiếc xe phóng vút đi để lại phía sau một quầng bụi mờ mờ. Trong phút chốc huyện Lâm Sơn lùi lại sau lưng họ, chỉ còn là một chấm xanh nhỏ nhoi mịt mờ giữa trùng điệp núi rừng. Phía trước họ là con đường mảnh như sợi chỉ chạy vòng vèo theo những sườn núi.
Ơ, sao bữa nay ông Diên lại đi đường vòng về đến thị xã thế này? Khi dừng lại trước cửa nhà trọ của bến xe tỉnh lị, ông Diên nắm chặt hai bàn tay Xim và nói, đêm nay chúng ta sẽ ở tạm đây, em sẽ đi cùng với tôi chứ, vì tôi yêu em, chúng ta sẽ đi thật xa nơi này, chúng ta sẽ làm lại cuộc đời mới. Em hãy đi cùng tôi nhé?
Ông Diên còn nói nhiều lắm, Xim ù tai không nghe kịp, chân muốn khuỵu xuống, cô nghĩ đến mẹ đang mỏi mắt chờ cô bên mâm cơm nguội lạnh. Bất giác, cô bíu chặt vào cánh tay rắn rỏi của ông Diên, thầm gọi mẹ ơi! Đêm ấy, ở nhà trọ bến xe, Xim vừa thấy hạnh phúc vì được chở che, vừa thấy lo lắng nghĩ đến ngày mai với chuyến đi xa nhất trong đời mình, con đường phía trước biết có chuyện gì xảy ra.
Xim thao thức không ngủ, trong khi ông Diên ngủ ngáy nhè nhẹ ngon lành. Xim nghĩ, không biết mẹ có chịu nổi không, chẳng biết ngày mai sẽ thế nào? Xim không ngờ có ngày số phận xô đẩy Xim rời xa bản Bậu.
Chợt ông Diên xoay người ôm choàng lấy Xim, cánh tay ông vẫn rắn rỏi như chiều hôm trời mưa. Ông Diên rủ rỉ bảo, Xim ngủ đi cho khỏe, đất cát trong Tây Nguyên bạt ngàn, tha hồ trồng lúa, trồng ngô, làm trang trại cà phê. Không sợ chết đói đâu, người ta bảo, đất bazan tốt lắm cứ cắm cây xuống đất là có mùa vụ thu hái.
Xim cố hình dung đất đỏ bazan có giống đất đồi ở bản Bậu không, cô chưa nhìn thấy bao giờ. Ông Diên lại nói, tôi đã viết thư xin lỗi mẹ rồi, chắc mẹ sẽ hiểu cho chúng mình. Xim nghĩ mẹ sẽ ngồi bên ngôi miếu, khóc hết nước mắt đợi con gái về.
6. Nhớ ngày đầu đến đất này, rẫy không có, đi làm thuê thì bấp bênh, nhờ ông Diên săn thú giỏi mà cả nhà tạm đủ sống. Ông Diên bảo, có rừng thì có con thú, mà săn được con thú thì không sợ chết đói. Ông Diên còn nói, đợi con trai lớn lên sẽ dạy đi săn thú, giỏi đi săn mới xứng là con trai của núi rừng.
Rồi đận khó khăn nhất cũng qua, nhờ mang theo chút tiền dành dụm, ông Diên mua lại miếng rẫy của người Thượng. Sau mấy chục năm, bây giờ có ngôi nhà với năm hécta rẫy trồng cà phê, hạt tiêu, trồng điều, mở thêm cái quán nhỏ, vợ chồng con cháu quây quần như rễ chùm xúm quanh rễ cọc, Xim không mong ước gì hơn.
Xim không nghĩ mưa Tây Nguyên lại dai dẳng thế. Hạt mưa đều đều, cứ đều đều rỉ rắc, lắc thắc như sợi dây đàn xiết vào trí não. Mưa thối đất và nghe buồn đến nẫu ruột, các dây thần kinh như chảy nhão hết cả. Bây giờ, cứ mưa đêm là Xim nhớ cái đận không ngủ nằm ôm con nghe mưa, chờ ông Diên đi săn thú kiếm gạo cho bữa mai mà sợ lắm! May mà hồi ấy Tây Nguyên còn rừng có thú để săn, chứ rừng trụi trọc như giờ thì cả nhà chết đói.
Nhiều mùa mưa đi qua, Xim có vài lần về thăm mẹ một mình. Rồi có một mùa mưa, Xim bươn bả một mình về thắp hương cho mẹ, bốc nắm đất đắp lên mộ mẹ. Từ ấy bản Bậu là cái chấm nhỏ nhoi xa tít tắp trong trí nhớ. Xim tưởng đã quên hẳn bản Bậu.
Dịp Tết vừa rồi, em gái nhà dì ruột lấy chồng, về quê dự đám cưới. Không ngờ, em rể là hàng xóm nhà Thụ. Gặp lại mới biết, vợ Thụ đã mất, Thụ sống cùng con gái và con rể. Cuộc gặp sau ba mươi năm mà Xim thản nhiên y như họ vừa chào nhau hôm qua. Ôi, vì sao người ta yêu nhau và nỡ đành xa nhau chỉ vì những điều rất ngớ ngẩn, như thể không phải là lí do, thậm chí không có lí do gì cả.
Đêm đã khuya lắm rồi, đêm thảo nguyên mênh mang mùi thơm của đất ấm. Có lẽ tại ban ngày mặt trời nóng rực như tình yêu, còn ban đêm đất cuộn lên hơi ấm nồng nàn như đàn bà hồi xuân. Miên lơ mơ ngủ trong tiếng nói Xim rủ rỉ bên tai, vợ chồng là duyên số, còn tình yêu có tiếng nói riêng, lần nào điện thoại anh Thụ cũng hỏi khi nào gặp nhau, kẻo già mất?
Tìm được khách sạn thì đã khuya lắm rồi, Miên vẫn trằn trọc bởi cuộc gặp bất ngờ. Phận người sao ngắn ngủi, vô thường và trôi dạt trong nỗi cô đơn dằng dặc, Miên đi tìm người đàn bà mà Thụ đã yêu và phải day dứt ân hận trong suốt cuộc đời mình. Trong gia tộc, Miên con chú, Thụ con bác, cả hai cùng lớn lên bên dòng sông chập chờn cơn lũ thác, Thụ không bao giờ giấu Miên chuyện gì.
Miên mong là mình vẫn kịp thời gian, nhanh chóng trở về bản Xẹt để kể cho Thụ nghe về chàng trai cao mét tám, đôi lông mày đen óng và ánh mắt rắn rỏi, đứa con trai khiến Xim không tính toán gì, bỏ xứ ra đi.
Rồi đây, Miên sẽ trở lại cao nguyên, nơi có hạt mưa mát lành để gặp lại Xim. Đến lúc ấy, Miên sẽ nói cho Xim biết vì Thụ bị K phổi mà Miên đã lặng lẽ đi tìm mẹ con họ, với mong muốn cho Thụ được sống nốt những ngày cuối đời vui vẻ. Trong những ngày cuối cùng đời mình, Thụ có nhẹ lòng rũ bỏ được những day dứt trong suốt ba mươi năm qua hay không, Miên cũng không chắc lắm! Phải chăng hạnh phúc là thứ mong manh như sợi tơ trời gió thổi mây bay, thế mà ai cũng mải miết kiếm tìm cả đời.

Đồng hành cùng chương trình.
Đồng hành cùng chương trình.
Phan Mai Hương
TIN LIÊN QUAN

Truyện ngắn dự thi: Núi gọi (phần 1)

Phan Mai Hương |

1.

Bây giờ thì Miên ân hận, vì tự dưng lặn lội ngàn cây số để tìm một người biệt tích đã ba mươi năm ròng, Xim là cái tên mơ hồ còn lại trong ký ức mù mờ của Thụ. Huyện Kroong mênh mông như thảo nguyên, khi nào mới tới nơi? Điện thoại gọi không ai nghe máy, nhẽ sim rác, vậy người ấy ở đâu?

Truyện ngắn dự thi: Cây trái đơm hương

Trương Thị Chung |

- Cho cô hỏi đây có phải nhà chú Phương không cháu?

Thằng bé ngưng tay, bỏ dở nồi cám đang sôi trên bếp, gạt những giọt mồ hôi lấm tấm trên trán, quay sang phía người đàn bà đang đứng cạnh mình. Trông người ấy sang trọng, môi tô màu son nâu trầm, đầu tóc búi cao, mùi từ quần áo thơm nức, Bình đoán biết là cô ấy từ phố xuống.

Truyện ngắn dự thi: Phía trước đường còn xa

Vũ Trường Anh |

Thy ngồi dậy, em lặng nhìn di ảnh mẹ, hai mắt nhòe đi. Em muốn kêu lên một tiếng thật to:

- Mẹ ơi! Con xin lỗi mẹ!

Việt Nam đối mặt với lạm phát đến từ thế giới

Quý An |

Trước diễn biến khó lường từ những yếu tố địa chính trị, kinh tế thế giới, nhiều thách thức không nhỏ được đặt ra cho nền kinh tế nước ta.

Tuyển nữ Việt Nam thu được giá trị gì từ World Cup 2023?

NHÓM PV |

Tại World Cup 2023, đội tuyển nữ Việt Nam đề cao việc thi đấu cọ xát, tích luỹ kinh nghiệm. Góc nhìn thể theo số 119 sẽ cùng trò chuyện với bình luận viên Quang Huy, nhận định về những giá trị mà tuyển nữ Việt Nam sẽ có được ở giải đấu sắp tới.

2 người bị kỷ luật do kê khai tài sản không trung thực

KHÁNH AN |

Dự thảo báo cáo của Thanh tra Chính phủ cho biết, có 4.427 người được xác minh việc kê khai tài sản, thu nhập, 2 người bị kỷ luật do kê khai không trung thực.

EU có thể nới lỏng trừng phạt Nga

Ngọc Vân |

EU có thể nới lỏng trừng phạt Nga để cứu thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen.

Đông Anh lên quận, giao dịch đất nền vẫn ảm đạm, môi giới chán nản

Tuyết Lan |

Huyện Đông Anh (Hà Nội) vừa được HĐND thành phố thông qua đề án thành lập quận. Trái ngược với kỳ vọng của nhiều người, thị trường đất nền tại đây vẫn trầm lắng, chưa khởi sắc rõ rệt.

Truyện ngắn dự thi: Núi gọi (phần 1)

Phan Mai Hương |

1.

Bây giờ thì Miên ân hận, vì tự dưng lặn lội ngàn cây số để tìm một người biệt tích đã ba mươi năm ròng, Xim là cái tên mơ hồ còn lại trong ký ức mù mờ của Thụ. Huyện Kroong mênh mông như thảo nguyên, khi nào mới tới nơi? Điện thoại gọi không ai nghe máy, nhẽ sim rác, vậy người ấy ở đâu?

Truyện ngắn dự thi: Cây trái đơm hương

Trương Thị Chung |

- Cho cô hỏi đây có phải nhà chú Phương không cháu?

Thằng bé ngưng tay, bỏ dở nồi cám đang sôi trên bếp, gạt những giọt mồ hôi lấm tấm trên trán, quay sang phía người đàn bà đang đứng cạnh mình. Trông người ấy sang trọng, môi tô màu son nâu trầm, đầu tóc búi cao, mùi từ quần áo thơm nức, Bình đoán biết là cô ấy từ phố xuống.

Truyện ngắn dự thi: Phía trước đường còn xa

Vũ Trường Anh |

Thy ngồi dậy, em lặng nhìn di ảnh mẹ, hai mắt nhòe đi. Em muốn kêu lên một tiếng thật to:

- Mẹ ơi! Con xin lỗi mẹ!